Người xứ Nghệ

Nhật ký Hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 5]

26/7/1954
"8 giờ ông Chu lên máy bay. Chủ tịch Grotewohl(1), các ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và Bộ Mậu dịch đối ngoại ra tiễn.
9 giờ. Đoàn ta rời Berlin. Cũng các ông ấy tiễn đưa. 20 giờ 30 (tức là 4 giờ 30 Matxcơva) đến sân bay Matxcơva. Cảnh trời sáng sủa, nắng ấm. Trông từ máy bay xuống rõ từng mái nhà, từng con đường, từng chiếc thuyền. Cảnh trong trẻo. Người khoan khoái. Đoàn ta xuống sân bay, có ông Môlôtốp, ông Navikôp, Lavrishev và ba công chức ở Bộ Ngoại giao và ba chuyên viên quân sự đến đón. Bên ta có anh Cả, Thương và Cầm cùng ra đón. Anh em trong đoàn về nghỉ ở một biệt thự riêng của chính phủ Liên Xô".

27/7/1954
"Anh Tô, Phan Anh, Hoan, Bửu, Tường kiểm điểm kết quả Hội nghị.
A. Kết quả.
1.Đối với Việt Nam và Campuchia, Lào.
a. Âm mưu của địch (chính là Mỹ).
Một là, kéo dài và mở rộng chiến tranh. Diễn văn 29/3/54 của Dulles.
(Ba nước Đông Dương là nút chai của Đông Nam Á, nếu nút chai ấy nổ, thì cả Đông Nam Á sẽ mất).
+ Việc Pháp xin máy bay Mỹ đánh Điện Biên Phủ. Quân đội và hạm đội Mỹ vào Vịnh Bắc Bộ 24/4/54. Sự do dự của Anh. Sự do dự của Mỹ.
+ Dulles bỏ Hội nghị Genève. Chỉ để lại Smith.
+ Thái độ phá hoại của Smith.
+ Thái độ nước đôi của Bidault.
- Hai là, dùng kế hoà hoãn, tạm ngừng bắn, để:
Cứu thoát quân đội Pháp, đương lâm vào bước đường nguy khốn.
Đợi tuyển cử ở Mỹ xong, sẽ tiếp tục chiến tranh chiếm lấy Đông Dương.
+ Đề cương của Pháp ở Hội nghị.
+ Đề cương của nguỵ.
+ Thái độ của Mỹ.
+ Thái độ của Bidault.
b. Chủ trương của đoàn ta:
- Tranh thủ hoà bình.
- Giữ vững độc lập, thống nhất, dân chủ.
c. Kết quả của Hội nghị:
+ Ta tranh thủ được hoà bình.
+ Vấn đề độc lập, thống nhất, dân chủ ở Việt Nam.
+ Giới tuyến quân sự tạm thời.
+ Thời hạn tổng tuyển cử đã định dứt khoát.
+ Vấn đề rút quân ngoại quốc khỏi Đông Dương.
+ Vấn đề cấm đưa thêm quân đội và vũ khí đạn dược vào Đông Dương.
+ Cấm căn cứ quân sự ngoại quốc đặt tại Đông Dương.
+ Bảo đảm thi hành tự do dân chủ.
+ Campuchia, Lào: độc lập như Việt Nam.
+ Thống nhất, dân chủ, đối với kháng chiến Lào, Campuchia.
2. Kết quả chung trên thế giới.
a. Làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên thế giới. Chứng tỏ phương châm dùng thương lượng để giải quyết mọi vấn đề quốc tế là đúng đắn.
Mỹ bị cô lập. Các lực lượng gây chiến trên thế giới bị cô lập, bọn chủ chiến ở Mỹ bị dư luận đả đảo. Ở Pháp, Bidault và Laniel bị đổ. Ở Việt Nam là Bảo Đại bị lên án.
Liên Xô, Trung Quốc nêu cao ngọn cờ hoà bình: tranh thủ được sự đồng tình của đa số các nước, quan hệ với Anh, quan hệ với Ấn Độ và Đông Nam Á, quan hệ với Đông Dương.
b. Mở đường giải quyết cho những vấn đề quan trọng đương đặt ra.
Vấn đề hoà bình ở Đông Nam Á: phá âm mưu lập căn cứ quân sự và liên minh quân sự Đông Nam Á của Mỹ. Tạo đường cho sự thực hiện chính sách an ninh quốc tế. 5 điểm tuyên bố của ông Chu Ân Lai đối với các nước Đông Nam Á.
Vấn đề hoà bình ở Tây Âu: phá âm mưu lập khối quân sự ở Âu Châu của Mỹ. Mở đường cho sự thực hiện chính sách an ninh tập thể (đề nghị mới của Liên Xô).
Vấn đề mở mang giao dịch giữa Đông và Tây: chú trọng quan hệ mới qua các nước Tây Âu (nhất là Anh), với Trung Quốc.
Vấn đề thống nhất Triều Tiên và thống nhất nước Đức.
B. Nhân tố thắng lợi.
1. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào.
2. Cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ Pháp.
3. Cuộc tranh đấu của phong trào hoà bình.
4. Chiến lược và sách lược đấu tranh của đoàn ta và các đoàn bạn trong Hội nghị.
- Vai trò của ta: đưa lập trường phải chăng, đúng mực và kiên quyết bảo vệ những quyền lợi căn bản.
- Vai trò của Liên Xô, của Trung Quốc. Sự đoàn kết nhất trí của phía ta.
- Mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương: giữa Mỹ, Anh và Pháp. Giữa các phái trong nội bộ nước Pháp. Giữa Pháp và bọn bù nhìn...".
28/7/1954
"Buổi sớm nói chuyện với anh em sinh viên Việt Nam đang học ở Liên Xô.
- 15 giờ tiếp đón ông Chu Ân Lai.
- 16 giờ thăm Hồng trường và vào viếng lăng Lênin, Staline.
- 21 giờ dự chiêu đãi ở Bộ Ngoại giao Liên Xô".
29/7/1954
"Xem triển lãm nông nghiệp. Cuộc triển lãm này đã chuẩn bị mấy năm nay, đến 1/8 sẽ khai mạc. Vì đoàn ta vội về, nên được đặc biệt đi xem trước".
"Trong triển lãm có nhiều kiểu máy tối tân mới để tăng năng suất.
Nhiều giống mới, do các nông trường tạo ra. Khu triển lãm như một thành phố mới dựng lên giữa một khu đất mới rộng mênh mông, mỗi toà nhà là một kiểu kiến trúc dân tộc trong Liên Xô.
Cũng ngày này, đoàn ta dự tiệc chiêu đãi của đại sứ quán Trung Quốc, tham dự có ông Malenkốp, các ông Bộ trưởng và Đại sứ các nước".
30/7/1954
- Tiễn ông Chu Ân Lai về Trung Quốc.
- Tiễn anh Hoan đi Ba Lan.
- Đoàn ta thết tiệc chiêu đãi, tới dự phía Liên Xô có Chủ tịch Malenkốp, Ngoại trưởng Môlôtốp, Thống soái và nhiều vị Bộ trưởng khác. Phía Trung Quốc có ông Trương Văn Thiên. Cùng các vị đại sứ các nước: Ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương, Pháp.
Trong buổi tiệc anh Tô chúc: Liên Xô, ông Malenkốp, ông Bulganine, ông Môlôtốp, và các vị trong Đảng và chính phủ Liên Xô.
Chúc Trung Quốc, Mao Chủ tịch và Chu Tổng lý.
Chúc các nước Đông Nam Á.
Chúc Eden và Mendès Franỗe.
Chúc Việt Nam thống nhất và hoà bình thế giới.
Ông Malenkốp chúc nhân dân Việt Nam và Hồ Chủ tịch.
Ông Môlôtốp chúc anh Tô và đoàn Việt Nam".
"Chính phủ và Đảng Cộng sản Liên Xô chú ý đề cao vai trò của Việt Nam. Các vị lãnh tụ đến đủ mặt. Và dành riêng một hôm cho Việt Nam để dự chiêu đãi.
Chủ tịch Malenkốp là con người rất nhẫn nại và giản dị.
Ngoại trưởng Môlôtốp là con người luôn luôn hoạt động. Ông hỏi anh Tô có mời đại sứ Anh không? Ông khuyên nên có lời chúc Eden và Mendès Franỗe. Khi nâng cốc chúc mừng, ông giới hiệu mình (là Phan Anh) với các vị trong chính phủ Liên Xô và chạm cốc.
Mình có nhiệm vụ nói chuyện với Đại sứ Pháp.
Mình gặp các đại sứ các nước dân chủ, và ông Ngân hàng trưởng Ngân hàng Châu Âu (thuộc Ngân hàng Liên Xô) và nói chuyện về giao dịch thương mại. Ông Ngân hàng trưởng muốn đặt vấn đề cụ thể với mình. Mình hẹn khi về nước sẽ viết thư sang về các vấn đề cần thiết.
Khi anh Tô và anh em phái đoàn ta ở khách sạn ra về, dân chúng tụ tập ở cửa hoan hô. Thật là cảm động!
Cuộc chiêu đãi gọn gàng, rất tốt".
31/7/1954
"8 giờ lên máy bay. Các bạn đã đến sẵn để tiễn đưa, cả các ông Môlôtốp, Zorine, Novikov... Ông Trương Văn Thiên, Đại sứ các nước dân chủ. Ông Môlôtốp chúc đoàn ta sức khoẻ. Ông nhắn lời chúc sức khoẻ Bác Hồ và anh Giáp.
Anh Tô tỏ lòng mong đợi Đoàn đại biểu Liên Xô sớm đến thăm Việt Nam. Anh nhắc đến đồng chí Lavrishew(1). Ông Môlôtốp giới thiệu ngay, ông Lavrishew lại gần bắt tay tiễn biệt. Những người bạn cùng dự Hội nghị Genève, là người bạn của Việt Nam - nước tiền đồn dân chủ ở Đông Nam Á.
Anh em đoàn ta lên máy bay rồi, ông Môlôtốp còn theo lên kiểm tra chỗ ngồi và thân mật bắt tay từng người một lần nữa. Cử chỉ của ông Môlôtốp làm cho mọi người rất cảm động. Một phong thái nghiêm chỉnh mà thân mật. Lễ nghi ngoại giao dân chủ thật khác lễ nghi ngoại giao tư bản. Một đằng thì ấm áp, đầy ý nghĩa, đầy tình cảm. Một đằng thì hình thức, lễ mạo suông".
14 giờ đến Svéclốp.
18 giờ đến Ômxcơ - Cách tiếp đón của bạn cũng thân mật giản dị, nói chuyện hồn nhiên, ấm áp, đầy tình, đầy nghĩa. Anh Tô nói một câu đáng ghi nhớ: "Chúng tôi là em út trong gia đình dân chủ, mà Liên Xô là anh cả". Đồng chí phụ trách ở Ômxcơ: "Liên Xô chỉ là anh cả về kinh nghiệm thôi. Còn Việt Nam là em út thì lại cần được yêu quý đặc biệt". Anh Tô: "Chúng tôi sang đây được săn sóc đầy đủ nên ai cũng lên cân. Nhưng về, sẽ lại sút cân". Đồng chí Ômxcơ: "Sút cân, nhưng lực lượng tăng thêm". Quả vậy, mình đi phen này về, cân tăng đã đành, mà tinh thần tăng gấp bội. Cân cơ thể có thể bị giảm, nhưng cân tinh thần nhất định tăng mãi. Công cuộc kiến thiết đất nước tiến lên, thì vật chất sẽ tăng: nhân dân tăng, cán bộ tăng".
1/8/1954
"Sáng 6 giờ lên máy bay. Chiều đến Iercut, nghỉ ở Iercut, gặp ông Lý Kế Nông(1) phụ trách Công an tình báo".


(1) Chủ tịch Đông Đức.
(1) Đại sứ Liên Xô đầu tiên ở Việt Nam.
(1) Cán bộ Trung Quốc cùng làm việc với Bác ở Hoa Nam những năm 1939 - 1940.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528820

Hôm nay

2201

Hôm qua

2275

Tuần này

21093

Tháng này

215516

Tháng qua

0

Tất cả

114528820