Người xứ Nghệ
Người được giới luật cảm phục và ngưỡng vọng
Người ta biết đến ông đầy ấn tượng vì ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng lại một người Cộng sản nguyên nghĩa. Ông là người từng đảm trách năm vị trí Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương, cùng các cương vị lãnh đạo khác như Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (Hội LGVN). Ông là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp nước ta năm 1946. Ông là Luật sư Phan Anh.
Người con xứ Nghệ
Xã Tùng Ảnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh là nơi ông được sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Người cha là cụ Phan Điện, một đồ nho yêu nước đầy chí khí và người mẹ tảo tần đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài năng, tính cách và đặc biệt là lòng yêu quê hương, dân tộc của cậu thiếu niên thông minh, ham học, có tài thơ và óc hài hước. Chàng thanh niên xứ Nghệ học luật tại Pháp, trở về nước làm nghề luật sư ở tòa Thượng thẩm Hà Nội cùng bạn bè có chí hướng lập tờ tạp chí Thanh Nghị (nghị luận của kẻ sỹ) và đó là môi trường để ông bộc lộ thái độ vươn lên đón nhận trách nhiệm xã hội khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ.
Lòng yêu nước làm nên động cơ thôi thúc
Là người có tư duy logic và xu hướng nghiên cứu chính trị - pháp lý, ông tập trung vào tư pháp và công pháp quốc tế đặc biệt là tình hình chính trị trong nước và thế giới. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Pháp thất bại, Nhật Bản và đồng minh chiếm đóng Việt Nam. Phan Anh tham gia chính phủ Trần Trọng Kim nắm giữ Bộ Thanh niên, phấn đấu với mục đích tránh cho dân tộc khỏi cảnh "huynh đệ tương tàn". Rồi ông lập ra Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế (nhiều học viên sau này trở thành chỉ huy quân sự trong lực lượng vũ trang cách mạng nước ta).
Nhân duyên hội ngộ
Một may mắn lớn nữa lại đến với ông khi đã ở tuổi 77, đó là năm 1988, Đại hội I MTTQVN lần thứ ba đã bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và luật sư Phan Anh làm Phó Chủ tịch. Trong lịch sử Mặt trận, chưa bao giờ có sự hội ngộ tuyệt vời đến thế giữa hai luật sư, vừa là hai vị nhân sỹ có thể nói là đại diện cho hai miền Nam, Bắc. Song điều đáng nói ở nhân duyên này là sự hợp tác thật ăn ý, trọn vẹn khiến cho người này có thêm sức mạnh, được chắp thêm cánh bởi người kia. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thấy ở luật sư Phan Anh không chỉ là người suy nghĩ sáng tạo, mà còn biết tổ chức, hành động thiết thực và đầy trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của MTTQVN là tham gia xây dựng và giám sát chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực; đồng thời xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp và nhân văn; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Kiến tạo năng lực mới
Khí thế của Đại hội MTTQVN lần thứ ba năm 1988 cùng với những cam kết với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã làm bừng lên trong luật sư Phan Anh ngọn lửa nhiệt huyết vì đất nước. Vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, lại vừa là Phó Chủ tịch MTTQVN đã kết nối và hình thành trong ông một ý tưởng: lập Ban tham vấn cho Đoàn chủ tịch đặt tên là Ban Dân chủ và Pháp luật (DCPL) không chuyên trách. Luật sư Phan Anh làm Trưởng ban (sau này gọi là Chủ nhiệm Hội đồng). Thành viên do ông lựa chọn là các luật sư, luật gia có tên tuổi như Đỗ Xuân Sảng, Nguyễn Xuân Dương, Trần Kiêm Lý, Nguyễn Hữu Đắc, Nguyễn Ngọc Minh, bà Ngô Bá Thành, Lưu Văn Đạt, Nguyễn Thành Vĩnh, Ngô Văn Thâu và một số nhà khoa học như Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Huấn. Cái tên Ban Dân chủ và Pháp luật được tất cả ủng hộ vì đã nói lên được mục đích lâu dài của Ban tham vấn này và cũng là của Mặt trận, đó là vừa xây dựng pháp luật đi đôi với bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, phát huy được nền dân chủ XHCN. (Ban Dân chủ và Pháp luật sau đổi là Hội đồng DCPL, còn Vụ Pháp chế là đơn vị chuyên trách giúp việc cho Hội đồng sau đổi là Ban Dân chủ Pháp luật).
Với lợi thế vừa là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (sau này là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) vừa là Chủ tịch MTTQVN, cuộc họp nào của Hội đồng Nhà nước và của Quốc hội xem xét các dự án luật và pháp lệnh đều được luật sư Nguyễn Hữu Thọ trao đổi với luật sư Phan Anh. Hai ông quyết định đưa ra Mặt trận thảo luận, kiến nghị, nhất là với dự án còn nhiều ý kiến khác nhau về quyền, nghĩa vụ của công dân, về tính khả thi, về tính hợp hiến và tính nhân văn. Tiêu biểu như dự thảo liên quan đến vấn đề Cải tạo không giam giữ, Bộ luật Tố tụng hình sự (1989) sửa đổi với kiến nghị tập trung vào quyền bị can, bị cáo và quyền của luật sư; Hiến pháp mới (1992) được tổ chức lấy ý kiến trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc tới cấp tỉnh; vấn đề độc lập tương đối của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp…
Một luồng sinh khí mới hết sức phấn chấn bao trùm Ban Dân chủ Pháp luật và các phiên họp Đoàn Chủ tịch MTTQVN. Các cơ quan soạn thảo (các Bộ) và các cơ quan của Quốc hội đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và nể trọng, có phần "kiêng dè" mỗi khi nhận được kiến nghị của Mặt trận. Tính phản biện này được nối tiếp một cách xuất sắc ở nhiệm kỳ Đại hội lần thứ tư MTTQVN do ông Lê Quang Đạo làm Chủ tịch, ông Trần Văn Đăng làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và giáo sư Lưu Văn Đạt là Chủ nhiệm Hội đồng DCPL.
"Nhạc trưởng" tài ba
Người ta biết đến Phan Anh là một nhà trí thức lớn, một chính khách tài ba nhưng không bao giờ tỏ ra tự phụ, biết lắng nghe và chủ động gợi mở để mọi người trong cuộc nói ra những suy nghĩ dồn nén, khác biệt đến bức xúc và những ý tưởng mới lạ, thăng hoa. Nhưng chưa hết, cái tài tình hơn nữa của ông chính là ở việc ông ngồi nghe trong suốt buổi họp, ghi chép (chỉ sau này, ông bị hỏng mắt mới không viết được) nhưng cuối buổi khi kết luận, ai cũng thấy ý kiến của mình hàm chứa trong từng luận điểm được ông tóm lược. Không ít người tham dự các cuộc họp do ông làm chủ tọa đã không giấu nổi xúc động vì họ thấy vấn đề mà họ nêu ra được luật sư Phan Anh rút thành luận điểm mang tính khúc triết, khái quát cao và nhấn mạnh vào giá trị nhân văn của vấn đề. Một cái tài nữa của ông khi xử lý vấn đề nhạy cảm mà không phải ai cũng làm được ở vị trí chủ toạ, đó là khả năng điều khiển cuộc họp. Ông có đủ bản lĩnh để ngắt lời khéo một diễn giả đang "mở rộng"quá và gợi ý để người đó trở về gần với mục tiêu và chủ đề cuộc họp mà không làm họ phật ý, khó chịu. Người làm được như vậy chắc chỉ có mình ông.
"Hữu xạ tự nhiên… hiệu ứng"
Do các thành viên của Ban Dân chủ Pháp luật hầu hết là luật gia và với cường độ hoạt động tích cực, hiệu quả như vậy nên mối quan hệ giữa Ban Dân chủ Pháp luật nói riêng, Đoàn chủ tịch MTTQVN nói chung với Hội LGVN hết sức khăng khít. Trên diễn đàn của MTTQVN, không chỉ là chủ đề các dự án pháp luật mà những vấn đề về dân chủ, về các quyền kinh tế liên quan đến đất đai, về chức năng kiểm tra giám sát của nhân dân bao giờ nòng cốt cũng là Hội LGVN. Nhiều dự luật sau khi MTTQVN kiến nghị, Hội LGVN cũng lên tiếng và đi sâu hơn về khía cạnh pháp lý hoặc quốc tế. Đầu những năm 90, với các hoạt động thiết thực, để lại ấn tượng tốt đối với Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên ngân sách nhà nước đã bổ sung kinh phí hỗ trợ tham gia xây dựng pháp luật cho MTTQVN.
Hội LGVN với sự nỗ lực của giáo sư Lưu Văn Đạt tổ chức lại mô hình gần giống như Hội đồng tư vấn của Mặt trận, nhưng đi sâu hơn vào kỹ thuật lập pháp và phản biện khoa học pháp lý, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong kiến nghị của giới luật gia Việt Nam đối với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, bên cạnh MTTQVN, Hội LGVN là tổ chức thứ hai không thuộc nhà nước chính thức được cấp kinh phí hỗ trợ tham gia xây dựng pháp luật.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ?
Luật gia Việt Nam, họ là người có kiến thức về pháp luật, có tư tưởng, có sáng kiến, chủ thuyết cá nhân, có nhân cách cộng thêm tố chất hùng biện, thuyết phục được người khác về quan điểm lấy tiêu chí nhân văn làm đầu. Luật sư Phan Anh là một người như thế. Ông là một trong số ít người đầu tiên xây dựng nền tảng cho mối quan hệ gắn bó giữa Uỷ ban Trung ương MTTQVN với Hội LGVN trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách pháp luật bảo vệ quyền công dân, nêu cao nền dân chủ XHCN. Người kế cận ông là giáo sư Lưu Văn Đạt, đã tiếp nối, bồi đắp mối "lương duyên" này với sự ủng hộ tuyệt đối của Chủ tịch Lê Quang Đạo suốt thời gian qua.
Vận động chính sách hiệu quả
Vào lúc kết thúc thảo luận nội dung dự án pháp luật thường là lúc bắt đầu quá trình tham vấn, vận động lập pháp. Bao giờ cũng vậy, sau khi kết luận nội dung cuộc họp hay hội thảo, luật sư Phan Anh trao đổi và đi đến đề xuất cách làm, lộ trình, mục tiêu đạt được trước mắt và lâu dài, phân công mỗi thành viên ở từng vị trí khác nhau cần làm gì (trong đó, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ bao giờ cũng là người gánh trách nhiệm nặng nhất). Thường thì luật sư Phan Anh yêu cầu mọi người nêu giải pháp thực hiện của mình để trao đổi, thực ra ông đã có sự chuẩn bị của mình rồi, nhưng muốn nghe ý kiến mọi người, vì thế khi thành viên nêu trúng ý của mình, ông tán đồng, bổ sung và làm rõ thêm giải pháp khiến cho cuộc họp dù đã đến giờ nghỉ nhưng ai cũng phấn khích, hồ hởi tiếp tục thảo luận. Cuộc họp của Ban này thường xuyên lấn vào giờ nghỉ để cho tất cả mọi người đều có cơ hội phát biểu, dù chỉ là bày tỏ vấn đề hay nhận thức liên quan.
Các thành viên của Ban và luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục thực hiện trách nhiệm: chuẩn bị văn bản kiến nghị, đưa vấn đề lên các diễn đàn nào, chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nào, theo dõi vấn đề đưa lên gây phản ứng ra sao đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền, cần thiết phải đưa vấn đề ra Đoàn Chủ tịch họp cho ý kiến, tiếp tục kiến nghị và thuyết phục. Đây chính là trải nghiệm về tham vấn pháp luật có tính vận động chính sách (lobbying - vận động hành lang) cho hoạt động lập pháp và xây dựng chính sách ở nước ta. Việt Nam tuy chưa có luật về lobbying nhưng thực chất qua hoạt động này ở MTTQVN và Hội LGVN đã hiện thực hóa tập quán bất thành văn này một cách có tổ chức. Thật may mắn, đến thời Chủ tịch Lê Quang Đạo và giáo sư Lưu Văn Đạt đã tiếp nối được truyền thống đặc sắc này.
Day dứt mãi không thôi
Luật sư Phan Anh thời gian làm việc ở MTTQVN với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cả hai ông đau đáu về việc MTTQ và giới luật gia làm sao để góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ XHCN, tham gia vào quá trình tổ chức, thực thi pháp luật và giám sát - kiểm tra việc thi hành pháp luật. Ngày ông ra đi, nhiều người được biết đó là dư âm của buổi làm việc cuối tuần ở Quốc hội và ông đã phát biểu về dân chủ, là vấn đề cũng đang được các thành viên của MTTQVN lúc đó hết sức quan tâm.
tin tức liên quan
Videos
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Mãi mãi tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528821
Hôm nay
2202
Hôm qua
2275
Tuần này
21094
Tháng này
215517
Tháng qua
0
Tất cả
114528821