Bà đỡ mừng rỡ nói: Con trai! Con trai nhé!
Lò than đỏ không đủ làm ấm lên trong căn nhà ba gian hai chái; mấy người phụ nữ cuống quýt giúp người mẹ trẻ đón thằng cu với đôi mắt tràn đầy tình thương. Bà đỡ ủ đứa bé trong chiếc áo cũ để lấy khước xong, liền trao vào tay bà Võ Thị Cưu, hồ hởi:
- Anh chị đồ lần này lại có lộc rét đây!
Từ dốc đê La Giang, một người đàn ông dáng nhỏ nhắn nhưng quắc thước, rắn rỏi với đôi mắt tinh nhanh tay cầm chiếc ô, tay kia một gói xôi to còn nóng hổi. Ông vừa đi dự đám giỗ của cụ cố Thái bộc Phan Dưỡng Hạo về. Cụ cố Thái bộc Phan Dưỡng Hạo hiệu là Sông Xuyên tiên sinh, năm mười tám tuổi đi thi Hương đậu Tam trường, hai mươi tư tuổi đậu Tứ trường. Gia phả còn ghi rõ: "Tính cụ thảo thuận, không từng cạnh tranh với một ai. Gặp thời chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, cụ không chịu ra làm quan, ở nhà dạy học, học trò thành đạt rất đông. Cụ lại tinh nghề làm thuốc, giúp đỡ con nhà nghèo bị đau yếu".
Đang sải những bước dài về ngôi nhà le lói ánh đèn dầu hắt ra từ khe cửa sổ, khi nghe thấy tiếng khóc của đứa bé ông càng rảo bước, chân thấp chân cao bước qua vách đố gỗ lim đã ngả màu nâu đen. Ôm đứa con trai còn đỏ hỏn vào lòng, ông đồ Phan Điện thốt lên sung sướng:
- Ôi con trai ta! Nó sinh ra đúng vào ngày giỗ cố xứ, nó đòi ra ăn xôi đây mà!
Ba mươi tám tuổi, còn hai năm nữa mới đến tuổi "nhi bất hoặc" nhưng Phan Điện già trước tuổi. Người ông rắn đanh. Lúc nào cũng nghiêm nghị. Ông sinh năm Giáp Tuất niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi bảy (1874), cùng năm với Hiệp ước Hòa bình và Liên minh (còn được gọi là Điều ước Giáp Tuất) kí ngày 15 - 3 - 1874, gồm 22 khoản, trong đó có những khoản chính là: triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận việc Pháp chiếm cứ ba tỉnh miền tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), thừa nhận người Pháp được tự do truyền đạo ở khắp nước Việt Nam và được tự do thông thương, đặc biệt là ở Hà Nội và trên sông Hồng.
Hiệp ước kí chưa ráo mực, thì đất bằng dậy sóng ở xứ Nghệ: Trần Tấn cùng với con trai là Trần Hướng và các nghĩa sĩ tổ chức lễ tế cờ tại rú Đài, Chi Nê thực hiện cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp và triều đình Huế (còn được biết đến là cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất) mở đầu cho Phong trào Văn Thân.
Mười hai tuổi, Phan Điện đã được nghe cha và các bậc thân hào nhân sĩ trong làng truyền nhau chiếu Cần Vương của Quan thân thần Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập:
Hoàng du đại cáo Nam trung quan viên lê thứ tuân tri.
Giá đại cáo mật chiếu tối chính hiệp kính tuyên cáo.
Hàm Nghi ngũ niên lục nguyệt sơ lục nhật.
Trẫm toản thừa đại thống, thiệu thuật hồng cơ, quốc vận truân mông, kỳ tặc tử kình thôn, thế thậm tiệm bất khả thâu an. Tư yên mật triệu chư thần nhập Cơ Mật viện sáp huyết cáo thệ: kỳ tiên công phá kim thành, thứ tắc trường khu Gia Định. Bất ý Văn Tường hoài nhị nhi Cam Lộ giá thiên. Ư thử quân thần tái tương cáo thệ dĩ đồ khôi phục, kế quyết tha bang du viện. Trẫm hề tích vi khu, cố bất tỵ sơn hải chi lao, mạo tử thân lâm Đại Đức quốc cầu viện sự, mông y quốc chuẩn doãn.
Kính hồi Quảng Đông, tiếp kiến quan viên hội giả biện bạch, trẫm tâm hội ủy mông ân, nhưng mệnh tối chính hiệp kính phụng chỉ mật cáo: phàm tại nhĩ mục, cọng tất kiến văn, tắc thủy tổ chi đồng cừu, bất cọng đái thiên, phương nghị hiền nhân quân tử mẫn thời chí khí, trẫm kim diệt Quắc giả Ngu, kế định thanh di, tảo bằng vu ngoại quốc, đệ tụ đắc đa nhân, vô tài hà dưỡng. Trẫm độc ưu chi. Như Nam trung thần thứ nghĩa nghi xuất tư trợ quốc, tương danh số liệt vu kim tịch, tha nhật công thành, chiếu số bội hoàn, nhi thường kim phong hộ, bất lận nguyên ân. Miễn tai tướng sĩ, thể thử trẫm tâm. Khâm tai!
Đại phương ấn: Hàm Nghi bảo ấn
Viên ấn: Phúc Minh chi ấn
Tiểu ấn: "Hoàng Đế".
Hưởng ứng chiếu Cần Vương, những bề tôi yêu nước, những bậc hào kiệt của dân tộc lần lượt chiêu binh chống giặc: Nguyễn Duy Hiệu lập Nghĩa hội Quảng Nam, Nguyễn Xuân Ôn khởi nghĩa ở Nghệ An, Đinh Công Tráng khởi nghĩa ở Ba Đình, Phạm Bành khởi nghĩa ở Nga Sơn (Thanh Hóa), Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa ở Bình Định, Tống Duy Tân khởi nghĩa ở Bá Thước và Quảng Xương (Thanh Hóa), Nguyễn Thiện Thuật khởi nghĩa ở Bãi Sậy (Hưng Yên), Tạ Quang Hiện và Phạm Huy Quang khởi nghĩa ở Nam Định và Thái Bình, Nguyễn Quang Bích khởi nghĩa ở Hưng Hóa (Phú Thọ và Yên Bái),… Kéo dài nhất là cuộc khởi nghĩa Hương Khê suốt hơn mười năm của Quan đình Phan Đình Phùng và Cao Thắng ở Hương Khê (Hà Tĩnh)…
2
Liên tiếp các khoa thi Hương, rồi thi Hội trong mười năm, đều có người Nghệ Tĩnh đỗ đầu. Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Văn San (sau này là người đứng đầu phong trào Đông Du với tên gọi Phan Bội Châu), người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, đỗ Giải Nguyên. Cụ Đoàn Tử Quang là người làng Phụng Đạt, huyện Hương Sơn năm đó đã 82 tuổi vẫn lều chõng đi thi trúng Cử nhân. Khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1906, Nguyễn Khắc Niêm người làng Gôi Mỹ, huyện Hương Sơn mới 17 tuổi đỗ Cử nhân, 18 tuổi đỗ đầu Đình nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm Đinh Mùi (1907). Khoa thi Hương năm Kỷ Dậu (1909), Phan Võ người huyện Yên Thành, 20 tuổi đỗ Giải nguyên, một năm sau, sang khoa thi Hội năm Canh Tuất (1910) Phan Võ lại đỗ Phó bảng… Còn Phan Điện, bao lần lều chõng đi thi là bấy nhiêu lần tay trắng trở về không.
Thất chí, ông trở về quê làm nghề gõ đầu trẻ. Nhìn cảnh đất nước lầm than ông vừa dạy học vừa làm thơ đả kích chế độ phong kiến đế quốc hà hiếp dân lành. Với tính cách ngông ngạo của ông, khối kẻ độc mồm độc miệng rủa ông là đồ điên nặng, đồ cuồng. Phan Điện ngâm nga đáp lại:
Nhân giai vị ngã "cuồng"
Ngã cuồng diệc hà phương
Bất cuồng ư tài sắc
Chỉ cuồng tại văn chương
Hạ, khả giao xướng cái
Thượng, bất tị quân vương
An tri bách thế hậu
Cuồng danh biến Nam phương!
Dịch nghĩa:
Người đời đều bảo ta điên
Ta điên thì đã lụy phiền chi ai!
Chẳng vì sắc dục, tiền tài
Điên vì chữ nghĩa văn bài mãi nay.
Chơi cùng con hát, kẻ mày,
Biết ai vua chúa đời nay trên đầu.
Mai sau trăm tuổi, biết đâu
Tiếng điên chẳng dậy khắp hầu cõi Nam!
*
Đầu ngõ nhà ông đồ Điện đã treo một cành xương rồng gai (Theo tục lệ xưa ở xứ Nghệ, nhà có người mới sinh thường treo ở đầu ngõ một cành gai to để người lạ không tự tiện vào nhà, sợ đứa bé bị mắc vía dữ). Hôm nay là đầy ba ngày của đứa bé, ông đồ Phan Điện ghé tai bà vợ đang nằm thiêm thiếp bên con trai hỏi:
- U nó thích ta đặt tên con thế nào đây? Cha là điên nặng nhưng không hề điên đâu nhé!
Bà Võ Thị Cưu mỉm cười nhìn chồng với đôi mắt trìu mến:
- Ông đặt tên cho con đi, đặt thế nào cho nó thỏa chí vẫy vùng là hay nhất ông ạ.
Ông đồ Phan Điện trầm tư: Nước ta đã mất về tay người Tây. Bao nhiêu nhà khoa bảng anh dũng chống giặc đều thất bại. Quan đình Phan Đình Phùng, Quan thân thần Tôn Thất Thuyết giờ lưu lạc bên đất Tàu không biết sống thác ra sao. Bác Giải San Phan Bội Châu đưa người đi Đông Du bên nước Phù Tang (Nhật Bản) rồi cũng bị trục xuất… Các ông Nghè, ông Bảng, ông Cử nhiều người phải rơi đầu, phải chịu tù đày ra đảo Côn Lôn sau cuộc Duy Tân "Cúp hề! Cúp hề! Bỏ cái ngu này! Bỏ cái dại này!"… Cứ nhìn gương nước Phù Tang, cũng đồng chủng đồng văn như nước Việt ta, mà sau công cuộc Minh Trị duy tân, đã phú cường đánh thắng cả người Nga ở Đối Mã (1905). Vừa mới đây, bên Tàu, ông Tôn Dật Tiên đã lật đổ nhà Thanh, lập nên Trung Hoa dân quốc.
- Tôi muốn con trai phải lớn lên văn minh như mấy nước bên Tây. Mà bên Tây thì tôi thấy có hai nước là nước Anh và nước Mỹ văn minh lắm. Vậy tôi đặt tên cho con là Anh nhé.
Bà Võ Thị Cưu nựng cậu con trai thay cho lời đồng ý:
- À ơi, Phan Anh con nhé con ơi!
*
Ông đồ Điện đứng lên, dáng cung kính, thắp năm nén hương, vái năm vái trước bàn thờ gia tiên. Ông đứng nghiêm trang trước làn hương khói kính báo với tổ tiên tên của đứa con trai nối dõi tông đường. Khấn xong, ông ngồi vào bàn viết, nâng cây bút lông thỏ dúng vào nghiên son. Hương trầm tỏa lan, đẩy cái lạnh lùi ra, ngọn bút ấm tay ông nắn nót dòng chữ: Phan Anh, sinh ngày 26 - 10 năm Tân Hợi, nhằm ngày 16 - 12 - 1911 Tây lịch.
Cái tên Phan Anh được đặt nhẹ nhàng và thân thương như thế.
Ba năm sau ngày sinh Phan Anh, năm Giáp Dần (1914), gia đình ông đồ Phan Điện lại đón bé trai út chào đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình và lần này là cậu bảy Phan Mỹ.
3
Ánh tà dương đang dịu dần. Gió Lào thổi từng cơn dài mang theo cái nóng khét như sắp sửa bùng cháy. Phan Anh lên tám tuổi còn Phan Mỹ lên năm tuổi vẫn đang ngồi học chữ nho.
Vừa lúc đó, nhà có khách. Ông đồ nho bên làng Trinh Nguyên đến chơi nhà. Nhìn thấy hai cậu bé con ông đồ Phan Điện, cậu lớn lên tám, cậu bé lên năm đang ê a đọc sách Thánh hiền. Ông đồ Trinh Nguyên cười:
- Ta ra câu đối, cháu nào đối được, ta sẽ có thưởng.
Xoa lên mái tóc trái đào của Phan Mỹ đang học Tam tự kinh, ông nói:
- Nhĩ tiểu tử (nghĩa là: Mày trẻ con).
Phan Mỹ nghiêng đầu, cười tinh nghịch đối ngay:
- Công đại nhân (Ông người lớn).
Thấy vậy, cả nhà cười vang vì sự nhanh trí và đối đáp thật chỉnh của Phan Mỹ. Ông đồ làng Trinh Nguyên lại trỏ Phan Anh để ra đối:
- Vế đối của ta dành cho cháu Phan Anh là: Chó sủa.
Thấy Phan Anh còn đương ngẫm nghĩ, ông đồ làng Trinh Nguyên cười:
- Cháu hãy đối lại là Dê kêu. Dê đối với Chó, còn Kêu đối với Sủa.
Phan Anh khoanh tay, lễ phép thưa:
- Thưa bác, cháu xin đối lại thế này: Rồng bay.
Nghe xong, ông đồ làng Trinh Nguyên rạng rỡ mặt mày, vỗ mạnh tay xuống mặt chiếu:
- Chỉnh! Chỉnh quá. Đối đầy khẩu khí. Tau chịu mi.
Nói đoạn nhấp chén trà xanh hết lời khen ngợi với ông đồ Phan Điện:
- Chúc mừng hiền huynh! Sinh hai quý tử! Cậu Phan Anh, cậu Phan Mỹ mai sau nhất định sẽ làm rạng danh rạng nghiệp họ Phan nhà ta, là con rồng vẫy vùng nơi trời cao bể rộng.
*
Ăn xong tết Nguyên đán Canh Thân (1920), gió se se lạnh thổi trong mưa xuân lâm thâm, Phan Anh đang ngồi học bài, hai vai thẳng, cậu nhẩm lại bài học ban chiều với cha: Khổng Tử viết: Tự thiên hạ dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Nghĩa là: Từ ông vua cho đến kẻ thường dân, ai nấy đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Cậu nhớ lời cha dặn: Con trai là phải ngồi thẳng lưng lên, chớ quen thói dựa dẫm. Vậy là mình phải tu thân từ chính tư thế ngồi của mình. Cậu thích chí ngẫm nghĩ lại câu hỏi với cha:
- Thưa cha, con được hầu chuyện cha, con thấy thầy đồ làng Trinh Nguyên khi nói về Nguyễn Thân thì tỏ ra khinh bỉ; còn đối với cụ Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải vẫn có sự kính trọng?
Ông đồ Phan Điện nhìn con, không trả lời ngay mà hỏi lại:
- Con thử giải thích xem tại làm sao?
- Thưa cha, có phải tại cụ Thượng Hoàng làm quan to, lại ở ngay làng ta không ạ?
- Không phải con ạ. Nói về tội đàn áp các cuộc khởi nghĩa của những người yêu nước thì tội của cụ Thượng Hoàng và Nguyễn Thân là như nhau. Nguyễn Thân đàn áp cuộc khởi nghĩa của Quan Đình, độc ác hơn là còn quật mộ Quan Đình, đốt xác thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La. Nhờ đánh dẹp được cuộc khởi nghĩa này mà Nguyễn Thân được thăng Phụ chính đại thần và được chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh tam hạng. Cụ Thượng Hoàng thì đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của cụ Tán Thuật, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của cụ Đề Thám ngoài Bắc. Tội… tày… trời! Con ơi. Nhưng cụ Thượng Hoàng còn được kính nể… vì… cụ là cử nhân… là người có chữ. Con ơi… kẻ cầm quyền mà vô học thì dẫu có đứng trên vạn người vẫn bị coi khinh. Con nhớ lấy. Phải học. Phải có chữ trong bụng. Học chữ Thánh hiền. Học cả thứ chữ của người Tây.
(*)Kính tặng hương hồn cố Luật sư: "Bênh tù chính trị say hùng biện. Nói chuyện văn thơ, đáng tự hào…"
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp