Người xứ Nghệ

Người con núi Hồng sông Lam (Kỳ 2)

4
Ra giêng, những cơn mưa bụi mời gọi đám chồi non nhoi lên khắp nơi. Sau khi bàn bạc với vợ, bà Võ Thị Cưu, cả nhà ông đồ Phan Điện gồm hai con trai đã dắt díu nhau ra làng Liên Bạt, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông tá túc.

Nguyên là trước đó ít năm, khi ông Nghè làng Liên Bạt là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền theo Tăng Bạt Hổ xuất dương, đã gửi nhờ gia đình ông đồ Phan Điện nuôi giấu giúp hai mẹ con bà vợ bé. Nhưng rồi, với sự ráo riết truy lùng của thực dân Pháp, việc nuôi giấu của gia đình Phan Điện bị phát giác. Phan Điện bị Hoàng Trọng Phu ra lệnh bắt giam. Lần này, đưa cả nhà ra Bắc, vì dù sao ở đó điều kiện học hành cũng tốt hơn. Thêm nữa, từ làng Liên Bạt ra đến Vân Đình, rồi Cầu Đơ, vốn là đất hành hạt của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, người cùng làng với Phan Điện, nên chắc chắn ông sẽ ít bị tụi cú cáo rình mò, để ý nhiều như nơi khác.

Trên các ngả đường cái quan, vài ba bà nhà giàu đi chợ, nón thúng quai thao, váy lụa quét gót, chùm xà tích bạc buông thõng song song với các dải yếm, dải thắt lưng màu hoa lý, hoa hiên. Gió đồng lùa những dải lưng, dải yếm của họ bay phấp phới về phía sau… Từ xa, ông đồ Phan Điện đã thấy bóng cây gạo thấp thoáng từng chiếc lá vàng chao rơi trong nắng "làm tiêu" cho khách về làng Bặt.
Gia đình ông đồ Phan Điện tạm nghỉ chân dưới gốc cây gạo cổ thụ cao vút, thân nổi sù sì những chiếc "bướu" bên vệ đường. Hai cậu Phan Anh và Phan Mỹ liền rủ nhau chạy xuống bờ ao trong xanh nép mình bên vườn cây xum xuê, vừa rửa chân tay vừa nghịch nước té lên người nhau vừa cười khúc khích.
Làng Liên Bạt nghĩa Hán Việt là "liên tục phát triển hơn người", còn tên Nôm là làng Bặt. Làng Liên Bạt xưa thuộc xã Liên Bạt, tổng Xà Cầu, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên (năm Minh Mạng thứ 14 - 1833 đổi làm phủ Ứng Hòa), trấn Sơn Nam thượng. Năm Tân Mão (1891) được đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ, đến năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái đổi thành tỉnh Hà Đông. Ngoài làm ruộng từ xa xưa, hầu hết các gia đình làng Bặt đều làm bún. Bún Bặt sợi to, không nhão, ngon có tiếng.
Đến nơi, ông đồ Nghệ được các nhà có của ăn của để mời làm thầy dạy cho con cái họ, đồng thời ông vẫn dạy cho con cái ông Nghè Mai Sơn và giúp đỡ gia đình. Bà đồ Nghệ Võ Thị Cưu thì làm thêm hàng sáo, ngày ngày đi chợ Vân Đình.
Phụ giúp cha mẹ, lên chín tuổi, Phan Anh đi ở cho nhà giàu: nấu cơm, quét nhà, giặt giũ và đặc biệt tối nào cũng vậy sau khi cơm nước dọn dẹp xong là cậu cầm quyển Truyện Kiều lên nhà đọc cho ông bà chủ hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Người đi làm đồng đã về hết, tháng Chín âm lịch, trời tối nhanh, ông Trưởng ngõ (hay Chạ thôn), vừa đóng cổng ngõ xong thì rời đổ mưa rào. Qua những tia chớp sáng lòa chốc chốc rạch ngang trời, Phan Anh nhìn thấy bong bóng phập phồng trắng lấp loáng đầy mặt sân. Xo gối ngồi trên sập ngao ngán nhìn trời, nhìn mưa, ông chủ nhà rít xong hơi thuốc lào trên cái điếu bát liền cất tiếng gọi:
- Phan Anh, hôm trước đọc Kiều đến đoạn nào rồi?
Phan Anh khoanh tay trước ngực, lễ phép:
- Thưa ông bà, hôm trước cháu đã đọc đến đoạn Thúy Kiều gặp Từ Hải rồi ạ!
Bà chủ nhà vừa têm miếng trầu vừa hắng giọng:
- Vậy đọc lại đoạn đó đi.
Phan Anh cất giọng đọc:
Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng
Sau này, chính vì làu thông Truyện Kiều, nên Phan Anh thường xuyên "lẩy Kiều" trong những cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ở chiến khu Việt Bắc.
5
Lận đận mang khăn gói đi gõ đầu trẻ nay ở đây dăm bảy bữa, mai ở kia vài ba tháng, ông đồ Phan Điện may mắn được cụ Thiếu Vân Đình mời làm gia sư với phương tiện sinh hoạt khá tươm tất. Chủ nhân dành riêng cho một căn nhà. Có người cơm bưng nước rót. Hai con nhỏ thường xuyên được quà bánh.
Nguyên cụ Thiếu Vân Đình có sáu người cháu gọi bằng chú dượng là Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn… sớm mồ côi cha mẹ. Cụ Thiếu Vân Đình đã đưa cả sáu anh chị em về nuôi dưỡng và dạy bảo, đồng thời cụ mời Phó bảng Đốc học Đặng Tích Trù ở làng Đa Tốn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) dạy dỗ mấy anh em dưới mái nhà thờ Thiệu Đức Đường, theo nền nếp Nho gia là học chữ và đọc sách Thánh hiền.
Thầy đồ xứ Nghệ Phan Điện cũng có thời gian được cụ Thiếu Vân Đình mời dạy dỗ thêm cho mấy anh em, nhất là Bùi Bằng Đoàn, với mong muốn các con cháu đều được thấm nhuần đạo lý và tri thức Khổng Mạnh. Năm Bính Ngọ (1906) niên hiệu Thành Thái, sau vụ đại náo ở trường thi Hương Hà Nội, triều đình quyết định nhập hai trường thi Hà Nội và Hà Nam làm một và gọi là trường thi Hà Nam. Ông Tú Xương - người thành Nam (Nam Định) đã có thơ vịnh rằng: "Nhà nước ba năm mở một khoa/ Trường Nam thi lẫn với trường Hà". Khoa thi đó, ba anh em Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn đều ứng thí. Kết quả, Bùi Bằng Phấn đỗ Tú tài, còn Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn cùng đỗ Cử nhân.
*
Cơn dông mùa hạ dấy về. Mây đen từng khối ùn ùn như nấm từ dưới chân trời đùn lên. Từ trong khối mây đen dày đặc, thỉnh thoảng một roi chớp xanh lè, ngoằn ngoèo rạch vào da trời. Tiếp sau roi chớp là tiếng sấm nổ đùng đoàng. Rồi mưa. Mưa trút nước xuống cả vùng Ba La, Quảng Phú Cầu ở phía Bắc; Vũ Nội, Vũ Ngoại ở phía Tây; một số làng của huyện Phú Xuyên đổ về làm cánh đồng làng Liên Bạt như một lòng chảo đầy nước. Cũng đúng mùa mưa này, bà Võ Thị Cưu lâm trọng bệnh mất ngày 8 - 6 âm lịch (1921), hưởng dương 44 tuổi, để lại hai cậu con trai còn thơ dại. Giáp làng Bặt Chùa đã đứng ra tổ chức tang lễ.
Theo lệ làng Bặt từ xa xưa, khi trong nhà có người mất, tang chủ phải lo ba bữa cơm cho hàng giáp (một bữa khi được tin người mất, giáp đến phân công các công việc; một bữa khi chuẩn bị đưa đi mai táng và một bữa sau khi mai táng xong). Biết tin, cụ Thiếu Vân Đình đã cho người nhà đến lo tang lễ và mai táng chu tất bà Võ Thị Cưu...
Trước nỗi đau tử biệt, ông đồ Phan Điện đã làm đôi câu đối khóc vợ:
"Trấp bát niên, giữ ngã đồng minh, nam nữ thành hàng, mạc hận bình tung tùy địa túc.
Thiên vạn lí, tống nhi tòng học, tử sinh khiết khoát, khả liên tâm sự hữu thiên tri."
Dịch nghĩa:
"Hai mươi tám năm, cùng ta hợp tác, trai gái đầy đủ, không ân hận về cảnh hoa trôi bèo dạt.
Muôn nghìn dặm, đưa con đi học, sống chết chẳng ngờ, thật đáng thương cho tấm lòng thấu đất trời." (Phan Anh dịch)
Đêm về khuya, ôm hai cậu con trai ngủ hai bên, từ đây ông phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Đêm càng khuya, ông đồ Phan Điện càng khó ngủ. Trằn trọc, nhớ đến câu hát của những cô thôn nữ năm nào càng làm ông đau quặn thắt:
Chim khôn ăn trái nhãn lồng
Gái ngoan nuôi chồng nấu sử sôi kinh
Thi Hương, thi Hội, thi Đình
Tên chồng trên bảng xướng danh rõ ràng
Ngày về áo mão vua ban
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau."
Mẹ mất, chị gái Phan Thị Tân cũng vất vả giúp cha trong việc mưu sinh để nuôi hai em. Hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ còn nhỏ, lại hiếu động nên thường chành chọe nhau khiến chị gái nhiều phen phải trở thành "quan tòa" bất đắc dĩ phân xử khéo léo. Có bận thấy hai anh em giận dỗi, đã hai ngày mà không nói chuyện cùng nhau. Đến bữa cơm thì mỗi anh em bưng bát ra một chỗ riêng. Chị Tân phải dùng Kiều lẩy để kéo chúng lại với nhau. Chị Tân vận Kiều để đố Phan Mỹ:
"Nghe chừng Mỹ thuộc đã nhiều
Đố Mỹ tóm tắt được Truyện Kiều lại chỉ bằng bốn câu".
Ngẫm nghĩ một lát, Phan Mỹ lém lỉnh đọc:
"Mỹ xin trả lời như sau
Truyện Kiều tóm tắt bốn câu ấy là:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh".
Chị Tân khen Phan Mỹ thông minh, hiểu được câu hỏi nên đối chỉnh, xong chị cũng vận Kiều để đố luôn Phan Anh:
"Truyện Kiều Anh thuộc đã lâu
Đố Anh kể được hai câu hết Kiều".
Phan Anh tinh nghịch trả lời chị:
"Trăm năm trong cõi người ta
Mua vui cũng được một và trống canh"
- Em giỏi lắm, đã biết chắp câu đầu tiên của Truyện Kiều với câu cuối cùng và biết đổi chữ "một vài trống canh" thành "một và trống canh".
Với những cuộc phân xử khéo léo như vậy của chị gái Phan Thị Tân, hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ dù có dỗi hờn của trẻ con cũng mau chóng làm lành với nhau và lần sau lại… chành chọe!
Được vài năm, chị Phan Thị Tân lấy chồng về làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), chẳng may lâm bệnh mất sớm. Vì vậy, những khi cha đi dạy học xa hai anh em ở với nhau, mỗi người chỉ có hai bộ quần áo mỏng mặc lồng vào nhau cho đỡ rét, tối đến thì chỉ có chiếu đắp hai anh em co quắp. Có đêm Phan Mỹ bậy ra giường chiếu thế là hai anh em hì hục lôi nhau ra bờ ao tắm rửa kì cọ trong đêm đông giá rét.
6
Chiều nay cha về sớm. Hai anh em thấy cha có vẻ vui hơn. Ngoài đồng, tiếng chim cuốc vang lên từng chuỗi: Quốc! Quốc! Quốc!
- Hôm nay thầy không kể Truyện Kiều cho hai anh em con nghe nữa. Thầy sẽ kể chuyện về bác Nghè Liên Bạt. Thầy vừa nhận được thơ vạn dặm của bác Nghè gửi về từ bên Tàu: Cổ nhân trọng nhất phạn, Hà thời báo thiên kim. Các con có hiểu được lời bác Nghè không? Phan Anh, con giảng giải thầy nghe xem sao.
- Thưa thầy, hai câu thơ này con xin dịch: Người xưa trọng một bữa cơm, bao giờ ta có ngàn vàng mà báo đáp.
- Phan Mỹ, con hiểu câu này ra sao?
- Thưa thầy, bác Nghè có ý áy náy vì không có dịp đền ơn những người giúp mình lúc khó khăn. Ở đây là bác Nghè có ý nhắn gửi đến thầy.
- Hai con đều đúng cả. "Tầm bất quý khâm, hành bất quý ảnh. Tư kỳ sở văn, hành kỳ sở tri". Nghĩa là, ta phải làm sao để nằm thì không thẹn với chăn, đi thì không thẹn với bóng. Và phải biết suy nghĩ cái mình được nghe, thực hiện cái mình đã biết. Bây giờ, hai con nghe thầy kể chuyện:
Bác Nghè làng Liên Bạt tên là Nguyễn Thượng Hiền, tự Đỉnh Thần, hiệu Mai Sơn, sinh năm Mậu Thìn (1868), hơn thầy sáu tuổi.
Thân sinh bác Nghè là cụ Nguyễn Thượng Phiên, đỗ Nhã sĩ đệ nhị giáp chế khoa năm Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức thứ 18. Nhã sĩ cũng như Hoành từ là khoa thi đặc biệt; đỗ Nhã sĩ đệ nhị giáp cũng tức là Hoàng giáp. Bác Nghè đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884), lúc 17 tuổi. Năm sau, bác thi Hội trúng cách; vào thi Đình, đáng lẽ đỗ đầu, nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh đô thất thủ. Ấy là vào ngày 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (1885). Năm Mậu Tí (1888), có tang mẹ, bác không thi. Năm Nhâm Thìn (1892), niên hiệu Thành Thái thứ 4, bác Nghè vào thi Đình đỗ đầu, lại vì quan tướng hỏi về "đại thế trong thiên hạ", chạm đến thời cuộc, nhà vua sợ lôi thôi với thực dân Pháp, nên ra lệnh thi lại. Lần sau này đỗ yết bảng, bác Nghè đỗ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp. Bác Vũ Phạm Hàm, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai phía trên, đỗ Đình nguyên Thám hoa lang.
Như vậy là hai cha con cụ Nguyễn Thượng Phiên và bác Nghè Nguyễn Thượng Hiền, đều đỗ Hoàng giáp là điều hiếm có xưa nay, thực là vinh hiển. Còn thầy - ông đồ Điện thoáng chút nghẹn ngào - mãi cũng chỉ có cái danh Tam trường.
- Thưa thầy, con nhất định sẽ thi đỗ ông Nghè như bác Nghè Mai Sơn.
Phan Anh vừa nói xong thì Phan Mỹ cũng nói theo anh:
- Con cũng vậy, con cũng sẽ thi đỗ ông Nghè.
Ông đồ Phan Điện ôm lấy hai cậu con trai, xúc động:
- Thầy tin rằng hậu sinh khả úy, hai con nhất định sẽ hơn thầy, sẽ rửa được cho thầy cái nhục cử tử, rửa được cái nhục của nước, của nhà…

 

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528823

Hôm nay

2204

Hôm qua

2275

Tuần này

21096

Tháng này

215519

Tháng qua

0

Tất cả

114528823