Người xứ Nghệ

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời

Việt Nam những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không sao vượt qua nổi. Tình hình thế giới và trong nước đều không thuận lợi. Khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam lúc này là cùng một lúc phải đối phó với nhiều thế lực quân sự thù địch của các nước lớn đông và mạnh đang có mặt tại nước ta: 200.000 quân Tưởng Giới Thạch đói khát đầy tham vọng, 26.000 quân Anh - Ấn vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là mở đường giúp Pháp trở lại xâm lược nước ta.

Chúng đã ký hiệp định giao cho Pháp quyền giải giáp quân đội Nhật, tạo điều kiện cho 1.500 quân Pháp bị giam giữ được thả và vũ trang lại. Ngoài ra còn 60.000 quân Nhật chờ giải giáp cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn của chính quyền cách mạng.

Đối phó với thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã có nhiều sách lược mềm dẻo, khôn khéo để giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Chỉ trong vòng hơn một năm, từ ngày 2 - 9 - 1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến 19 - 12 - 1946 ta bốn lần thay đổi chính phủ. Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến được công bố ngày 2 - 3 - 1946. Nghĩa là sau cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên trong lịch sử nước ta, vào ngày 6 - 1 - 1946, chính phủ được thành lập để thực hiện chính sách "tạm hoà với Tưởng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội thêm 70 ghế nữa không bầu cho hai phái thân Tưởng. Cho đến ngày 3 - 11 - 1946 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp quốc dân được thành lập.
Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tám tháng nhưng đó là một thời kỳ khó khăn trên chính trường, thời kỳ đầu xây dựng Quân đội cách mạng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền quốc phòng non trẻ những năm đầu cách mạng.
Tại sao vào thời điểm lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc dân giao cho luật sư Phan Anh trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?
Miền quê "địa linh, nhân kiệt"
Luật sư Phan Anh sinh ra ở đất Hồng Lam xưa nay nổi tiếng "địa linh, nhân kiệt" - một vùng đất linh thiêng sản sinh ra những con người hào kiệt để lại tiếng thơm muôn đời trong lịch sử dân tộc, từ Nguyễn Huệ, người anh hùng "áo vải cờ đào" đến nhà chí sĩ yêu nước chống Pháp Phan Đình Phùng; từ nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu đến Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú.
Quê ông làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong con mắt của vợ ông - "nàng dâu Nghệ Tĩnh" Đỗ Hồng Chỉnh thật là thú vị: "Một làng quê như bao làng quê Việt Nam. Nhà là gắn với vườn cây. Nhà nọ cách nhà kia bằng hàng rào cây. Làng nọ cách làng kia một luỹ tre xanh bao bọc. Địa thế quê anh có sông, có núi, có bãi bồi, có đồng ruộng - đẹp tuyệt vời. Anh thường thích dẫn tôi lên đỉnh đồi gần nhà để ngắm phong cảnh chung, ngắm dòng sông La, ngắm trạm bơm Linh Cảm, ngắm bến Tam Soa…" Không biết bà có quá yêu quê chồng mà viết thế không nhưng quả là miền quê Đức Thọ, Hà Tĩnh đẹp thật. Một không gian thoáng đạt, sơn thuỷ hữu tình và tình người sâu lắng. Hà Tĩnh không phải nơi chôn rau cắt rốn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhưng ông đã nói thay tình cảm của bao nhiều người dân đất Việt về Hà Tĩnh: "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh". Không chỉ phong cảnh đẹp mà con người ở đây cũng đẹp và lịch lãm càng tôn thêm sức hấp dẫn của một vùng quê miền Trung. Nghề canh cửi có từ bao đời làm nên vẻ đẹp nên thơ của những cô gái Đức Thọ từ xưa đến nay. Thiếu tướng Hồ Đệ quê ở Nam Đàn khi nói với tôi về con gái Đức Thọ, dù ở tuổi 80 vẫn không quên một kỉ niệm: "Thời trai trẻ, một lần tôi cùng anh bạn qua cánh đồng Đức Thọ nhìn thấy những cô gái mặc váy đen, áo nâu non đang bắt cua. Anh bạn tôi bảo: "Làm đồng thì vậy đấy mà khi đi chợ cậu nhìn mê ngay. Nhớ kỹ nhớ". Đúng là đến phiên chợ, các cô ngồi bán hàng vải trong bộ đồ mới, cũng váy đen áo nâu non nhưng gọn gàng, trang điểm đẹp lắm". Ông nhận xét: "Con gái Nam Đàn quê tôi không có được cái xinh tươi, lịch lãm của con gái Đức Thọ".
Đức Thọ là quê hương của Phan Đình Phùng và Trần Phú đã thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Những câu thơ của một người con gái Đức Thọ viết về quê hương mình tặng luật sư Phan Anh ngày Luật sư còn sống, còn đọng mãi trong tôi:
"Quê mẹ ta ơi: quê Đình Phùng, Trần Phú
Đất lửa Anh hùng Xô Viết năm xưa
Đường đấu tranh lồng lộng ánh sao cờ
Theo Đảng ta đi, quê nhà giải phóng.
Ruộng đất về ta, con người, cuộc sống,
Cũng về ta và từng bước đi lên."
Phan Anh sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước. Truyền thống khoa bảng tộc họ Phan được ghi chép trong sách Các nhà khoa bảng Việt NamQuốc triều hương khoa lục được bà Hồng Chỉnh ghi chép lại trong hồi ký của luật sư Phan Anh, giúp chúng ta biết thêm về truyền thống hiếu học của ông cha xưa: "Phan Phúc Cẩn sinh năm 1458 đến năm 1475 đỗ đồng Tiến sĩ thời Hồng Đức thứ 6. Phan Dư Khánh sinh năm 1461 đến năm 1481 đỗ đồng Tiến sĩ đời Hồng Đức thứ 12. Phan Khiêm Thụ sinh năm 1722 đến năm 1757 đỗ đồng Tiến sĩ đời Cảnh Hưng thứ 18… Anh Phan là trực hệ của cụ Phan Dư Khánh…".
Ông nội luật sư Phan Anh là cụ Phan Văn Tao tham gia nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa chống Pháp những năm cuối thế kỉ XIX. Bà nội của Luật sư là cháu cụ Phan Đình Phùng bị bọn cường hào trả thù nên lâm vào cảnh nghèo khó, cả gia đình lưu lạc nơi đất Bắc kiếm sống.
Cụ Phan Điện thân sinh của Luật sư là một nhà nho yêu nước đồng thời là một nhà thơ trào phúng đầu thế kỉ XX. Thời kỳ ở Hà Đông, cụ Phan Điện thường đến quê cụ Nguyễn Thượng Hiền dạy học, khi cụ Nguyễn Thượng Hiền theo phong trào Đông du chống Pháp, cụ Phan Điện đưa các em cụ Hiền về Tùng Ảnh. Sự việc bị phát giác, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu bắt giam cụ một thời gian mới tha. Cụ làm thơ trào phúng phê phán, tố cáo bọn quan lại tay sai cho Pháp làm khổ dân ta. Thơ cụ cũng là tiếng nói phủ nhận một xã hội đầy rẫy bất công, ý thức nỗi nhục mất nước nhưng không mất niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chí khí, tình cảm cùng với thơ văn của cụ đã góp phần làm nên nhân cách của hai người con nổi tiếng - những trí thức lớn của đất nước là Phan Anh và Phan Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Phan Điện (1874 - 1994) tại xã Tùng Ảnh quê hương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể ngày sinh của cụ. Diễn văn tại buổi lễ có đoạn: "Sinh thời, cụ Phan Điện là người học rộng, tài cao nhưng lận đận chốn khoa trường, điều đó làm cụ day dứt mãi đến già. Là người yêu nước, luôn luôn muốn giữ phẩm chất nhà nho trước thời buổi Tây - Tàu nhố nhăng, cụ bước vào nghề dạy học và làm thơ châm biếm những bất công của xã hội, tố cáo đả kích những kẻ bán bước cầu vinh nên được truyền tụng từ Bắc vào Nam. Cụ đã sinh ra những người con yêu nước, thông minh, làm những chức vụ lớn của Đảng và Nhà nước là hai ông: Phan Anh, Phan Mỹ".
Đôi câu đối cụ viết tặng hai người con trai của mình từ hồi Phan Anh, Phan Mỹ còn nhỏ, được luật sư Phan Anh gìn giữ coi như một phương châm hành xử cho mình:
Trung tín hành man mạch
Nhân nhượng hưng quốc gia.
(Nghĩa là: Đối với người nước ngoài thì giữ chữ trung chữ tín.
Phải thương yêu nhường nhịn thì quốc gia mới hưng thịnh.)
Đôi câu đối ấy xưa được khắc vào miếng xương mỹ nghệ treo ở số nhà 74 phố Hàng Bạc. Nay được sơn son thếp vàng treo trang trọng trên tường bàn thờ gia đình - hai chữ cuối vế đầu "man mạch" đổi thành "thiên hạ" là theo ý luật sư Phan Anh khi còn sống cho hợp, nhưng không làm thay đổi ý nghĩa đôi câu đối của cụ Phan Điện.
Lớn lên trong gian khó
Những năm cuối thế kỉ XIX, phong trào Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi được sự hưởng ứng của văn thân và nhân dân cả nước. Khi vua chạy ra Quỳ Hợp bị bắt thì Phan Đình Phùng là linh hồn của phong trào được nhân dân Đức Thọ nói riêng, Hà Tĩnh - Nghệ An nói chung tham gia rất đông. Thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp dã man, Đức Thọ trở thành mục tiêu tiêu diệt của chúng vì thế mà đời sống nhân dân ngày càng cơ cực. Gia đình luật sư Phan Anh cũng khốn khổ không kém. Nhất là từ năm 1921, Phan Anh, Phan Mỹ mất mẹ đột ngột thì gia đình càng khó khăn hơn phải theo cha bỏ quê hương bản xứ mà đi. Những kỉ niệm về tuổi thơ nghèo khó lang thang nơi đất khách quê người không bao giờ phai trong tâm trí ông. Ông kể rằng:
"Trước đó, việc nuôi con nhỏ chủ yếu dựa vào sự nỗ lực lao động hàng xay hàng xáo của mẹ. Nay mẹ mất đột ngột, gánh nặng nuôi con chuyển sang vai thầy đồ. Bị nhà chủ đuổi, ba cha con dắt díu nhau đi tìm chỗ ở khác. Ba cha con đang đi trên đê thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai. Anh im lặng, Mỹ thì hỏi: "Tối nay ta ăn cơm ở đâu, ngủ ở đâu hở thầy?" Cha không trả lời được. Ba cha con còn đang ủ rũ thì gặp một bà ở làng bên. Bà này lên tiếng hỏi một câu vô tâm: "Hai chú đi đâu mà thất thểu như kẻ ăn mày thế kia!". Từ đó thầy cho ra đời bài thơ "Hai chú":
"Hai chú đi đâu giống kẻ mày?
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây.
Mắt trần nào kẻ người không biết.
Óc trẻ còn mong học mọi hay,
Trời đất năm châu dầu sóng gió.
Anh em một bụng giữ tin ngay
Ai ơi chớ vội khinh hai chú
Xoay xoả non sông cũng một tay."
Đến thị trấn Ứng Hoà, thầy để Anh ở tạm nhà bà phán Chí, và tiếp tục dắt Phan Mỹ lên đường đi tìm chỗ dạy học. Bà Phán cho Anh ở trọ tại một chái lợp gianh. Nhà đun rơm, Anh để lửa cháy to. Bà Phán sợ cháy nhà nên mắng Anh. Anh liền bỏ đi tìm cha, mặc dầu không biết là đi đâu… Gặp con, thầy lại tiếp tục đưa Anh ra Thanh Oai, vào ở nhà bà thông Hiên để chăn trâu. Công việc hàng ngày của Anh là vừa chăn trâu, vừa chuẩn bị rau lợn, vừa rửa những xảo bát đũa cơm thợ ở cầu ao. Đổi lại Anh được ăn, được ở, tối đến được học chữ quốc ngữ với Phan Quế là con bà chủ nhà".
Được cha giúp sức, từ trong gian khó Phan Anh, Phan Mỹ nuôi ý chí vươn lên bằng con đường học vấn. Để có điều kiện cho các con học tập, cụ Phan Điện cùng các con lang bạt qua nhiều nơi như Hà Đông, Kiến An, Hải Phòng… Phan Anh vào lớp học tư buổi tối ở thị xã Hà Đông thì gặp thầy giáo Cán. Thấy Phan Anh thông minh, ham học nên thầy nhận cho vào học lớp chính do mình phụ trách. Sau này khi Phan Anh làm luật sư, thầy giáo đã nhờ Phan Anh bào chữa khi thầy bị vu tội bán thuốc Đagénan. Từ năm 1923 đến 1925, Phan Anh, Phan Mỹ sống nhờ ở chùa Lũng Tiên, học lớp Nhì, lớp Nhất tại trường tiểu học Kiến An. Năm 1926, ông được tuyển vào trường Bưởi có học bổng ăn ở nội trú. Vào dịp nghỉ hè ông lại về Hà Đông tổ chức các lớp học tư để có tiền chi tiêu cho năm học tới. Kết thúc chương trình trung học, Phan Anh học tiếp bằng tú tài. Phan Anh nổi tiếng học giỏi, trong kỳ thi tốt nghiệp ông đạt thành tích hiếm có: đậu cả ba bằng tú tài - tú tài bản xứ, tú tài toán và tú tài triết học! Ra trường Phan Anh dạy ở trường Gia Long sau chuyển qua trường Thăng Long và theo học luật ở trường Đại học Đông Dương. Tốt nghiệp Đại học Luật năm 1937, ông được chính quyền cấp học bổng sang Pháp du học.
Lớn lên trong gian khó, ông ý thức sâu sắc nỗi khổ của người dân một nước thuộc địa. Luật sư cũng đặt cho mình trách nhiệm của kẻ sĩ là giúp dân giúp nước thoát khỏi ách thực dân, nô lệ. Trong bài xã luận đăng trên báo Thanh Nghị mà ông là một trong những người sáng lập, luật sư Phan Anh viết:
"Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân. Vì vậy kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội".
Về nước năm 1939, ông từ chối lời khuyên của nhiều giáo sư Pháp nhập quốc tịch Pháp làm nghề thẩm phán. Ông làm nghề luật sư tham gia bào chữa cho đồng bào mình trong đó có các chiến sĩ cộng sản "vì nước quên mình" ở toà đại hình quân sự. Ông bào chữa vụ án xử bà Quang Thái - một chiến sĩ cộng sản kiên cường (vợ trước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), vụ đảng viên hội kín cộng sản Hoàng Minh Chính… Xin đọc bức thư của bà Đặng Thị Bích Hà, nhà sử học, vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình luật sư Phan Anh:
"Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 2003
Thời kỳ đầu những năm 40, chính quyền thuộc địa Pháp thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Năm 1942, nữ đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân Pháp bắt giam vì hoạt động chính trị chống Pháp. Một thời gian sau chúng đưa chị ra xử ở toà án thực dân. Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thoát ly sang Trung Quốc hoạt động. Ông thân tôi là học giả Đặng Thai Mai theo dõi sát sao vụ án. Anh Giáp là bạn đồng nghiệp, là đồng chí của ông những năm 1929 - 1930. Cả hai anh chị Giáp đều là bạn thân của cha tôi. Theo điều kiện ngặt nghèo hồi ấy chỉ có thể có thông tin qua báo chí của Pháp. Một hôm tôi đã đọc được tờ La volonté indochinoirse (Nguyện vọng Đông Dương) trong đó có tin phiên toà và bài bào chữa cho chị Quang Thái của luật sư Phan Anh. Mặc dù lúc ấy còn rất ít tuổi, tôi đã hiểu được nội dung phong phú của bài bào chữa. Luật sư đã cố gắng chứng minh rằng hoạt động của đồng chí Quang Thái là cao cả, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Tuy không đạt được mục tiêu cao nhất, bài viết của luật sư Phan Anh đã chứng tỏ sự dũng cảm của ông. Sau sáu thập kỷ, nhớ lại bài báo, tôi càng thấy rõ một sự thật trong chế độ thuộc địa hà khắc: nhiều người trí thức yêu nước đã đứng về phía cách mạng".
Đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, phục vụ nhân dân
Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, ông luôn có ý thức tìm cách làm "biến đổi xã hội". Ngay những năm học ở trường Bưởi (1926 - 1930), Phan Anh đã nung nấu tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược. Học sinh trong trường đã thầm thì với nhau về nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Phan Anh tâm sự cùng đồng nghiệp: "Tôi nhớ mãi một đêm đông ở trường nội trú. Nhà trường không cho phép ai mang sách lên phòng ngủ, nhưng tôi đã nằm trong giường đắp chăn trùm kín, hé một khe nhỏ để đọc cuốn sách cấm. Đó là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Chính cuốn sách đó đã góp phần quyết định hướng đi của đời tôi là học không chỉ để mưu sinh mà để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, phục vụ nhân dân".
Phan Anh hăng hái tham gia phong trào thanh niên, sinh viên yêu nước trong phong trào bình dân. Ông không chỉ là người tham gia mà còn là người tổ chức phong trào, được bầu là anh cả của phong trào thanh niên, sinh viên đấu tranh đòi tự do, dân chủ những năm 1935 - 1936. Ông đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho một lớp thanh niên yêu nước những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 - người trí thức đem tài đức phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, đấu tranh cho nước Việt Nam tự do, độc lập. Vì mục đích lớn lao đó mà ngay cả việc ông sang Pháp học tập cũng là để hiểu thời cuộc, hiểu thế giới, hiểu chính nước đang thống trị Việt Nam để tìm cách đòi độc lập cho nước nhà. Một đoạn đối thoại giữa Luật sư và bà Đỗ Hồng Chỉnh thể hiện khá rõ về động cơ sang Pháp của ông:
"Anh kể tiếp:
- Anh sang Pháp với hai mục đích: Một là tiếp tục học luật, hai là tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị, phục vụ sự nghiệp ích nước lợi nhà. Và cụ thể là tìm được con đường giải phóng đất nước. Nhưng Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, những thanh niên Việt Nam ở Pháp như anh rất nóng ruột, vì ai cũng thấy đây là lúc phải hành động. Tháng 9 - 1939, anh cùng cô Đỗ Thị Thao tản cư ra khỏi Paris, lánh sang vùng Bretagne và cùng ở đó mấy tháng để theo dõi thời cuộc. Cuối cùng hai người cùng nhau quyết định trở về nước".
Những năm học cuối ở Pháp, ông chuyên tâm nghiên cứu pháp luật. Điều thu hoạch lớn nhất sau mấy năm sống ở Pháp là ông "đã đánh giá được tình hình quan hệ giữa ta và Pháp". Có lẽ theo binh pháp Tôn Tử - "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng" cho nên việc hiểu biết kẻ thù của Việt Nam thời kỳ ấy là rất cần cho những ai đang tìm đường đánh đuổi thực dân giành độc lập, tự do cho đất nước! Về nước, song song với việc tham gia bào chữa cho đồng bào của mình, Phan Anh cùng một số trí thức yêu nước đứng ra lập tạp chí Thanh Nghị không ngoài mục đích hướng thanh niên, học sinh vào con đường phụng sự Tổ quốc. Sau này nhiều người vẫn nhắc đến "Phong trào sinh viên yêu nước Phan Anh" những năm 1941 - 1945 vì có một thời Luật sư là linh hồn của phong trào, là Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương.
Có một điều, trong đường lối chính trị của Phan Anh không thiên hẳn về phái tả - thiên về tả nhưng ông muốn có một giải pháp ôn hoà hơn mà vẫn đạt được mục đích chính trị. Thực tế thì điều đó không thể có được. Chỉ có dùng bạo lực cách mạng, dùng sức mạnh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mới đánh đổ được chế độ cũ thực dân phong kiến, xây dựng một chế độ mới - chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ông Vũ Đình Hoè kể lại cuộc gặp giữa luật sư Phan Anh và Dương Đức Hiền như sau:
"Phan Anh kể rằng:
Anh Dương Đức Hiền cách đây mấy hôm đến trình bày với anh hướng hoạt động của nhóm sinh viên yêu nước, muốn lao hẳn vào phong trào cách mạng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, trong khi nhiều nhóm sinh viên khác lại muốn đi theo Đảng của ông Cường Để, Đảng Đại Việt quốc gia liên minh của ông Nguyễn Hải Thần, hoặc những phe đảng thân Nhật, thân De Gaulle(1). Số lớn sinh viên còn lại thì kiên trì đến cùng thái độ độc lập. Dương Đức Hiền đã yêu cầu anh Phan vừa lấy tư cách là nguyên Hội trưởng Tổng hội sinh viên vừa tình bạn thân giúp đỡ ý kiến. Đồng thời Dương Đức Hiền hỏi anh Phan: "Tại sao nhóm ta không tỏ xu hướng chính trị gì rõ rệt? Lúc này không hành động mà lại định ngồi viết báo". Và anh Phan trả lời: "Rất hoan nghênh nhiệt tình yêu nước sôi nổi của những nhóm sinh viên trẻ tuổi dám chọn con đường chiến đấu ngay từ bây giờ. Còn mấy cựu sinh viên lớn tuổi đã vào đời rồi thì sao? "Anh Phan kể lại cho Dương Đức Hiền nghe cuộc thảo luận hai tháng trước giữa "năm người bạn nối khố". Cuối cùng nhấn mạnh ý này của riêng anh: "Có lẽ trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, có nhiều nhóm khác nhau về chính kiến, về phương thức hoạt động là một hiện tượng tốt. Miễn là tất cả đều phải chân thành và hướng vào một mục tiêu: phụng sự Tổ quốc. Tất cả các con sông, to hay nhỏ, dài hay ngắn, đều đổ ra biển, chỉ làm cho sóng biển càng mạnh, nhấn chìm càng sâu bạch tuộc, thuồng luồng, cá mập".
Tư tưởng đại đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội phụng sự Tổ quốc, sau này trong cuộc gặp trí thức Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có dịp phát biểu và được giới trí thức đồng tình: "Nhân dân ta đang đứng trước một tình thế cần đoàn kết lại. Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Nay để bảo vệ chính quyền, xây dựng nền độc lập, chống những âm mưu phá hoại từ bên ngoài và bên trong, đều chủ yếu là phải giữ vững và tăng cường đoàn kết". Sau đó ít lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia gồm nhiều trí thức tiêu biểu của Hà Nội.
Từ Bộ trưởng Bộ Thanh niên đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Những năm 40 của thế kỉ XX trên thế giới có nhiều biến động to lớn. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ, phe phát xít đưa nhân loại vào một thảm hoạ diệt chủng đòi hỏi những người yêu chuộng hoà bình phải đoàn kết lại. Phe đồng minh được hình thành trên toàn thế giới để chống lại thế lực tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Việt Nam là hình ảnh thu nhỏ của thế giới rộng lớn đó. Thực dân Pháp đô hộ nước ta hơn 80 năm trong phe đồng minh chống phát xít, nhưng chính phủ phản động lại đầu hàng khi quân đội Hitler tiến vào Paris. Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương với ngọn cờ "Đại Đông Á" ngày một tả tơi. Nhân dân Việt Nam quằn quại dưới hai tầng áp bức bóc lột của cả Pháp và Nhật. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều lực lượng chính trị có đường lối khác nhau. Từ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5 - 1941 xác định "nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương". Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến. Nhật đảo chính Pháp hòng độc chiếm Đông Dương ngày 9 - 3 - 1945 tạo ra tình thế chính trị khủng hoảng sâu sắc làm cho những điều kiện tổng khởi nghĩa mau chín muồi. Từ ngày 9 đến 12 - 3 -1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra Chỉ thị quan trọng: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Phan Anh và những người trí thức nhìn thấy sớm hay muộn phe phát xít sẽ thất bại, việc Nhật hất cẳng Pháp với thuyết "Đại Đông Á" là mị dân, lừa bịp, nhân dịp này đòi Nhật trao trả độc lập, tham gia thành lập chính phủ "giữ chặt các chức vụ hành pháp để có vai trò trong tương lai" vì ông hiểu "bên cạnh trận địa hành pháp còn trận địa kín nữa chứ". Trong bài trả lời phỏng vấn nhà sử học người Na Uy S. Tonesson tháng 8 - 1989, Phan Anh nói: "Với tư cách là người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật lừa đánh mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải là một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, chúng tôi đòi bọn Nhật làm việc đó. Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là "đồng tác giả", không phải là kẻ hợp tác với họ; phải giữ thế trung lập". Đó cũng là lý do vì sao luật sư Phan Anh nhận lời tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Thái độ của ông là dứt khoát: "Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập. Trong chính phủ Trần Trọng Kim có một bộ mà chúng tôi phải suy nghĩ nhiều: Bộ "quốc phòng" hoặc bộ "quân lực" hoặc bộ "chiến tranh". Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi kéo chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ Thanh niên. Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng và gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi xây dựng một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: Cùng theo đuổi một mục tiêu như nhau mà!". Nội các Trần Trọng Kim được thành lập, ra mắt tại Huế ngày 8 - 5 - 1945, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên.
Nói về luật sư Phan Anh, bà Đỗ Hồng Chỉnh - người bạn đời chung thuỷ của ông nhắc đến ba đặc điểm là: 1. Quan điểm hành xử là vì hoà bình, dân chủ. 2. Tính mục đích rõ ràng: chống thực dân Pháp, đế quốc. 3. Tính cách của ông là chủ động trong mọi công việc. Luật sư luôn ý thức về vai trò của người trí thức yêu nước phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Tham gia chính phủ không phải vì quyền lực. Ông kính phục Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rất biết về những người cộng sản và phong trào Việt Minh nhưng vẫn không là người cộng sản. Trả lời câu hỏi của S. Tonesson: "Trước khi cộng tác với ông Kim, ông đã theo dõi hoạt động của Việt Minh?". Luật sư trả lời: "Lúc ấy ai mà chả biết tiếng Việt Minh. Tôi có cái may được làm luật sư, có lẽ là luật sư duy nhất cãi cho các chiến sĩ Việt Minh bị bắt đưa ra toà xử từ năm 1940 đến 1945. Làm nhiệm vụ này, tôi biết lắm chuyện. Mà cũng vì thế tôi quý Việt Minh. Ông đã rõ tôi không phải là cộng sản, đến nay vẫn không phải là đảng viên, nhưng tôi cộng tác với Đảng". Tính cách, bản lĩnh Phan Anh thể hiện rõ khi ông vào Huế theo lời mời của vua Bảo Đại thành lập chính phủ mới. Trong hồi ký, Phan Anh kể rằng: "Thời gian vào triệu kiến Bảo Đại còn khoảng một tháng, nên anh tranh thủ nắm thêm tình hình, trước hết là lực lượng tiến bộ, những phần tử yêu nước mà không tin vào Nhật, như bác sĩ Trần Văn Lai, Trần Văn Chương, Trần Duy Hưng… Tuy vậy, còn một tồn tại mà anh chưa cảm nhận đúng, đó là lực lượng to lớn của nhân dân đương tiến lên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của Bác Hồ. Một ví dụ cụ thể: bác sĩ Trần Duy Hưng đồng tình cùng đi vào Huế với anh, hai người hẹn hò với nhau: 5 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ Trần Duy Hưng đến 74 Hàng Bạc để cùng lên đường. Nhưng buổi chiều trước ngày lên đường, anh Dương Đức Hiền lúc ấy cũng đã rút vào bí mật gửi đến anh một lá thư với lời khuyên: "Anh không nên vào Huế". Sáng hôm sau, anh Trần Duy Hưng cũng không đến. Nhưng anh vẫn quyết định cứ đi". Khi làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Phan Anh cho tổ chức Trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế cũng vì mục đích ấy. Bởi ông xác định: "Nhưng tôi cũng như Việt Minh là một động cơ. Việt Minh là động cơ lớn! Bộ Thanh niên là một động cơ nhỏ".
Sau khi chúng ta giành chính quyền, Việt Nam có tư thế một nhà nước có chủ quyền để tiếp quân đồng minh giải giáp quân đội Nhật nhưng lại đứng trước một tình hình quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp. Thách thức lớn nhất là phải đối phó với nhiều thế lực thù địch có lực lượng quân sự lớn mạnh đang tìm cách thôn tính nước ta. Nhờ có đường lối đúng đắn với những sách lược tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đuổi cổ được quân Tưởng và bọn tay sai bán nước, tổ chức toàn dân thành một khối để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, tháng 11 - 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương phải tự giải tán rút vào hoạt động bí mật. Chỉ trong vòng hơn một năm, từ 2 - 9 - 1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19 - 12 - 1946 ta bốn lần thay đổi chính phủ. Luật sư Phan Anh được mời làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và nhà yêu nước có uy tín lớn Huỳnh Thúc Kháng được mời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - hai bộ quan trọng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do hai người không đảng phái nắm giữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc dân đồng bào giao cho ông một trọng trách lớn lao trong tình hình đất nước "ngàn cân treo sợi tóc". Việc cử luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không chỉ là "cơ cấu" theo yêu cầu của tình hình chính trị mà còn thể hiện niềm tin của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới trí thức yêu nước nói chung, với luật sư Phan Anh nói riêng. Giao cho Luật sư chức đồng thời cũng giao cho ông quyền - quyền lựa chọn những người tài đức đảm nhiệm nhiệm vụ của cơ quan Bộ Quốc phòng mà phần lớn là những trí thức yêu nước chưa phải đảng viên cộng sản như: Hoàng Đạo Thuý, Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng, Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn, Quân y Cục trưởng; Vũ Anh, Chế tạo Cục trưởng; Phan Văn Phác(1), Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất, Quân pháp Cục trưởng…
Đối thoại sau đây giữa Luật sư và nhà sử học người Na Uy thể hiện rõ hơn về niềm tin tham gia cách mạng, đảm nhiệm trọng trách của đất nước mà ông có được:
" - Trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng và để cho tôi chủ động tìm lấy những cục trưởng của bảy, tám cục đều là anh em trí thức, trong đó năm 1946 chỉ có một người là đảng viên…
- Nhưng nhiệm vụ chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam không phải thuộc Bộ ông, mà thuộc Quân sự uỷ viên hội đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- Vâng, lúc ấy có sự phân công như vậy. Nhưng điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm với trí thức".
Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2 - 3 - 1946, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 22 - 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 về tổ chức Quân đội quốc gia, Sắc lệnh số 34 quy định tổ chức Bộ Quốc phòng.
Từ Trường Thanh niên Tiền tuyến đến Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn
Nói đến chính phủ Trần Trọng Kim không ít người thường nghĩ đến một chính phủ thân Nhật. Đúng là chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập khi Nhật hất cẳng Pháp hòng độc chiếm Đông Dương. Chính phủ Trần Trọng Kim gồm khá đông những người yêu nước muốn nước nhà được độc lập. Là người trong cuộc, luật sư Phan Anh ý thức sâu sắc: "Chính phủ ấy, ngay khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như là một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là người lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng hoà trong Cách mạng Tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ. Tôi có thể nói với ông rằng, với tư cách Bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh". Và sự thực là chính phủ ấy đã làm được nhiều việc có lợi cho dân tộc, cho cách mạng. Đó là những căn cứ pháp lý để xây dựng một đất nước độc lập và được quốc tế công nhận. Vì một nước Việt Nam thống nhất, chính phủ Trần Trọng Kim đòi từ tay Nhật những miền đất bị Pháp chia ra để trị với âm mưu chia nước ta thành ba. Thời thuộc Pháp, Nam Kỳ, Đà Nẵng và Hà Nội là đất nhượng địa. Nghĩa là dân cư ở những địa phương đó là thuộc dân của Pháp - được Pháp bảo hộ. Những đất thuộc địa ấy được chính phủ Trần Trọng Kim đòi lại. Chính phủ Nhật có văn bản chính thức trả lại Hà Nội cho chính phủ Việt Nam. Một buổi lễ long trọng được tổ chức, thị trưởng mới của Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai và nhiều tượng đài, tên phố thuộc Pháp được xoá bỏ tại Hà Nội. Bác sĩ Trần Văn Lai sau hoà bình 1954 là Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Công việc đòi lại Nam Kỳ được tiến hành và chính phủ Nhật chấp nhận việc cử khâm sứ đại diện cho nhà vua tại Nam Bộ là Nguyễn Văn Sâm… Nhưng có lẽ, một việc làm có giá trị lịch sử của chính phủ Trần Trọng Kim theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Thanh niên là thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế. Phan Anh đã thấy trước, tất nhiên là không nói ra, khả năng chúng ta phải đánh nhau với Pháp và vì thế phải có một trường quân sự đào tạo những cán bộ quân sự cho cách mạng. Trong Trường Thanh niên Tiền tuyến có một tổ chức Việt Minh - Phan Anh và Tạ Quang Bửu đều biết điều đó. Ngày 16 - 6 - 1945, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và giáo sư Tạ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn thanh niên đứng ra thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế. Giáo sư Nguyễn Phước Hoàng, người trực tiếp giúp giáo sư Tạ Quang Bửu dựng trường nhớ lại: "Lập luận của anh (Tạ Quang Bửu) thật rõ ràng: Nhật sẽ thua; quân đồng minh có quân Pháp theo đuôi sẽ vào nước ta. Nước ta cần có chính phủ để sẵn sàng giao thiệp với quân đồng minh. Ta cần có quân đội, cần đào tạo gấp sĩ quan, huấn luyện quân sự gấp cho thanh niên. Riêng với Pháp, tướng Đờ Gôn đã tuyên bố sẽ lập lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương, ta phải có quân đội để chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa". Học viên của trường phần lớn là những trí thức trẻ khoẻ có trình độ cử nhân, tú tài được huấn luyện quân sự bài bản. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến trở thành lực lượng bảo vệ các cuộc mít tinh, bảo vệ lễ ra mắt Uỷ ban kháng chiến Trung Bộ, tham gia tước vũ khí quân đội Nhật, bảo vệ phái đoàn của Chính phủ từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại rồi trở thành Giải phóng quân lên đường Nam tiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Học viên của trường ngày ấy tham gia kháng chiến nhiều người anh dũng hi sinh trên chiến trường ba nước Đông Dương, nhiều người chuyển ngành sang đảm nhiệm nhiều trọng trách về khoa học kỹ thuật. Riêng lĩnh vực quân sự, nhiều học viên trở thành những vị tướng tài giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, nguyên Tư lệnh bộ đội Tăng - Thiết giáp; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lương, nguyên Phó tư lệnh bộ đội Đặc công; Thiếu tướng Võ Quang Hồ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Đoàn Huyên, nguyên Phó tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân; Thiếu tướng Đào Hữu Liêu, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Phan Hàm, Thiếu tướng Mai Xuân Tần.
Phan Anh là người hiểu sức mạnh của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước và cũng là người coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cho cách mạng, cho quân đội để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đến Trường võ bị Trần Quốc Tuấn cũng từ ý tưởng lớn đó: "Có một việc của Bộ Quốc phòng mà anh đặc biệt quan tâm, đó là bên cạnh việc ban hành những Sắc lệnh tổ chức quân đội quốc gia có vấn đề đào tạo sĩ quan. Hồ Chủ tịch tán thành đề nghị của anh: thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn và bổ nhiệm Giám đốc nhà trường là anh Hoàng Đạo Thuý. Tiêu chuẩn tuyển thanh niên vào trường võ bị này là những thanh niên đã có bằng thành chung".
Bà Đỗ Hồng Chỉnh trong hồi ký viết về Trường võ bị Trần Quốc Tuấn cho biết: "Bác Hoàng Đạo Thuý còn cho em biết rằng: Chương trình đào tạo là do anh em cán bộ nhà trường tự đặt ra, có tham khảo chương trình Trường quân bị của Pháp. Học cả Tôn Tử, cả cách dùng binh của Trần Hưng Đạo. Học sinh võ bị phải học lái xe hơi, học về xe tăng, hòng khi cướp được xe của Pháp thì cũng biết điều khiển. Cuốn "quân quy" và sổ "quân tịch" là tác phẩm của anh Phan Tử Lăng… Biết chính phủ ta không có tiền, nên các anh đó khi xây dựng trường cũng không có chuyện xin tiền trong ngân sách nhà nước mà nhà trường đã tự giải quyết lấy. Điều đó quả là cừ khôi phải không anh, vì chỉ có những tấm lòng yêu nước mới có thể làm được".
Ngày 26 - 5 - 1946 đến thăm và tặng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây sáu chữ vàng: "Trung với Nước, Hiếu với Dân", Đại tá Phạm Chí Nhân, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (nay là Cục Tư tưởng - Văn hoá), cựu học viên khóa I của trường nhớ lại: "Tháng 12 - 1946, khoá I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn khẩn trương bế giảng. Xếp thứ 5 trong gần 300 học viên tốt nghiệp, cùng với 15 người đỗ cao và 1 đồng chí xếp cuối cùng, tôi được nhận phần thưởng của Bác Hồ. Một huy hiệu rất đẹp mang hình cờ đỏ sao vàng do bà con Việt kiều ở Pháp vừa biếu Người… Trong số học viên ra trường, mấy chục anh em được điều về Bộ Tổng tham mưu hồi ấy đóng ở ấp Thái Hà, chuẩn bị cho việc xây dựng bộ đội chủ lực của Bộ".
Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, nay là Trường Sĩ quan Lục quân I là một trong những trường đào tạo sĩ quan quân đội đầu tiên ra đời đến nay đã hơn 60 năm. Trường đã đào tạo, cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân 8 vạn cán bộ trong suốt những năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 160 đồng chí cấp tướng, 26 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Từ Hội nghị Fontainebleau đến Hội nghị Genève
Sớm nhận rõ âm mưu Pháp không từ bỏ Đông Dương, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương tranh thủ hoà bình để tổ chức lực lượng kháng chiến. Trong tháng 10, Bác Hồ gặp Sanhtơny - đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương mở ra cuộc đối thoại kéo dài trong 6 tháng. Hiệp định sơ bộ ngày 6 - 3 - 1946 giữa đại diện Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện chính phủ Pháp là Sanhtơny được ký kết tại Hà Nội. Hiệp định sơ bộ giúp chúng ta loại bớt một kẻ thù nguy hiểm là 20 vạn quân Tưởng, tạo điều kiện kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến. Từ hiệp định sơ bộ giúp chúng ta cùng với Pháp mở hội nghị trù bị ở Đà Lạt (từ ngày 19 - 4 đến ngày 11 - 5 - 1946) sau đó là Hội nghị Fontainebleau tại Pháp (từ ngày 6 - 7 đến ngày 12 - 9 -1946).
Ngày 22 - 5 - 1946, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập một Uỷ ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Paris gồm 6 người: Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh. Ngày 29 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 82 về việc uỷ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ông Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch quân sự uỷ viên Hội thay Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi vắng… 6 giờ sáng ngày 31 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của Chính phủ do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đi dự Hội nghị Fontainebleau. Luật sư Phan Anh cùng đi với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng thuyết trình viên, chuyên về mặt pháp luật. Hội nghị nhằm đàm phán về địa vị của Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, vấn đề thống nhất ba kỳ và việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ… Luật sư Phan Anh đánh giá về kết quả Hội nghị Fontainebleau như sau: "Ở Hội nghị Fontainebleau, từng người trong phái đoàn nói chung, Bác Hồ nói riêng, đàm phán với chính phủ Pháp về Hiệp ước công nhận nền độc lập của ta từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 đem lại một thắng lợi to lớn cho nhân dân ta trong dư luận Pháp và thế giới, làm cho vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế càng mạnh. Đàm phán ở Fontainebleau bế tắc, phái đoàn về nước. Một mình Bác ở lại Pháp chừng một tháng để cùng ông Mutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại cố hàn gắn tình hình, bằng một hiệp định tạm sống với nhau ngày 14 - 9 là "hoãn binh chi kế". Cái đó đúng nhưng chưa nhiều người biết cái lớn của Hội nghị Fontainebleau và cái "tạm ước" này về mặt ngoại giao. Đó là ngoại giao không chỉ trên bàn giấy, để ra một văn kiện gì đó, mà cái hay, cái lớn hơn, cái cơ bản hơn đó là dịp để chúng ta tuyên truyền cái chính nghĩa của nhân dân ta trong nhân dân nước đối phương. "Ta đã đàm phán với toàn dân của nước đối phương" - đó là kết quả lớn của Hội nghị. Tại đây Bác Hồ đã tranh thủ được dư luận thế giới ủng hộ quyền độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước Việt Nam".
Ngày 3 - 11 - 1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I Chính phủ liên hiệp quốc dân, luật sư Phan Anh thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến toàn quốc kháng chiến, ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế được cử đi vào Nam làm đặc phái viên của Chính phủ, luật sư Phan Anh được Bác giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế rồi Bộ trưởng Bộ Công thương. Luật sư đã cùng chính phủ kháng chiến phát triển kinh tế góp phần làm nên chiến thắng trên khắp các chiến trường, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
Sau chiến thắng hoàn toàn ở mặt trận Điện Biên Phủ, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương lại tham gia Đoàn đàm phán tại Hội nghị Genève do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hiệp định được ký kết vào ngày 21 - 7 - 1954 đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế có sự tham gia của nhiều nước lớn trên thế giới đã công nhận các quyền cơ bản của ba nước trên bán đảo Đông Dương, chấm dứt gần một trăm năm xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.
Tại Hội nghị Genève, tuy hết sức bận rộn nhưng luật sư Phan Anh cũng đã dành thời gian ghi chép nhật ký quá trình diễn biến cuộc hội nghị quan trọng này. Tập nhật ký dày khoảng gần một trăm trang viết tay hiện lưu giữ tại gia đình luật sư là một tài liệu quý giá giúp chúng ta không những hiểu diễn biến của Hội nghị mà còn lưu giữ những kỉ niệm về tình đoàn kết, sự ủng hộ của các nước trong phe XHCN và nhân dân Pháp, nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình trên khắp hành tinh.
Luật sư Phan Anh là một nhà cách mạng, một trí thức lớn của nước ta trong thế kỉ XX. Cả cuộc đời ông đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc cũng như vì nền hoà bình của các nước trên thế giới. Tên tuổi của Luật sư gắn liền với thế hệ thanh niên mang tên ông - "Thanh niên Phan Anh" những năm trước Cách mạng Tháng Tám và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của luật sư Phan Anh đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh.
Sách Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam do Bộ Quốc phòng chủ biên "khắc bia" về ông:
"Phan Anh (1911 - 1990), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hoà (3 - 11 - 1946). Quê Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trước năm 1945, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Năm 1947 - 1976, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương, Uỷ viên Đoàn chủ tịch rồi Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1977 - 1990), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (1950 - 1990), Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Việt Nam (1978 - 1990), đại biểu Quốc hội khoá II - VII, Phó chủ tịch Quốc hội khoá VII. Huân chương Độc lập hạng Nhất. Kỷ niệm chương Bảo vệ hoà bình của Liên hợp quốc. Huân chương vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hoà bình thế giới".
 




(1) De Gaulle trong Chiến tranh thế gii ln th hai (1939 - 1945) t Pháp sang Anh lp Phong trào kháng chiến Pháp; là Tng thng Pháp sau 1945.
(1) Còn được gi là Phan Phác.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528821

Hôm nay

2202

Hôm qua

2275

Tuần này

21094

Tháng này

215517

Tháng qua

0

Tất cả

114528821