Người xứ Nghệ
Người con núi Hồng sông Lam (Kỳ 3)
7
Một tràng pháo giao thừa đì đẹt báo tin đã sang năm mới. Trời mưa phùn, lay phay như những hạt bụi nhỏ tung bay. Cây cối mơn mởn đầm đìa những hạt mưa đọng trên lá óng ánh. Từ ngõ Tiên của làng Bặt đi ra, anh trưởng tràng Bùi Mạnh cùng bảy người bạn khác vốn là học trò cũ của ông đồ Phan Điện chỉnh tề đến nhà thầy. Anh Bùi Quý đội trên đầu một cái quả là lễ Tết gia đình thầy học cũ. Ngõ Tiên còn gọi là ngõ Quan, vì đây là nơi sinh tụ chính của họ Bùi - họ có nhiều người làm quan nhất làng Bặt này.
Đoàn học trò cũ đã đến trước nhà thầy đồ Phan Điện. Ba gian nhà nhỏ đơn sơ với cái cổng gỗ trông ra ao, hai cánh gỗ dán hai tờ giấy đỏ với nét bút cuồng phóng viết chữ thảo đề bài thơ và cũng là bài kệ vịnh cảnh mùa xuân của Mãn Giác thiền sư đời Lý "Cáo tật thị chúng" (Có bệnh bảo mọi người):
"Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
Dịch thơ:
"Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai."
(Thích Thanh Từ dịch)
Đến trước cửa nhà, anh trưởng tràng Bùi Mạnh cất tiếng chào:
- Lạy thầy!
Anh Bùi Trọng tiếp lời:
- Bẩm lạy thầy!
Anh Bùi Quý và các anh khác lần lượt chào thi lễ:
- Bẩm lạy thầy ạ!
Họ chào xong thì bước vào nhà. Cái quả được anh Bùi Quý đặt xuống giường. Trưởng tràng Bùi Mạnh mở nắp ra: một buồng cau, một chai rượu cúc, hai chục quả cam đường. Người trưởng tràng để ngay chai rượu cúc lên, bày gọn buồng cau và cam lại, rồi đứng chắp tay nói:
- Bẩm thầy, năm cũ đã qua, bước sang năm mới, anh em chúng con là những học trò cũ của thầy gọi là có chút lễ mọn, trước là lên lễ Tổ, lễ cô, sau lễ mừng tuổi thầy và các anh chị…
Chúc xong những lời tốt đẹp nhất đến gia đình thầy, anh trưởng tràng Bùi Mạnh bưng quả lễ đặt lên bàn thờ ở gian giữa. Ông đồ Phan Điện đứng lên thắp một tuần hương. Đợi những nén hương đã vút khói lên cao và ông đồ Phan Điện đã lại ngồi lên giường rồi, những người học trò mới đứng xếp thành hàng đôi vào lễ bốn lễ trước ban thờ. Thi lễ xong, tất cả đều đứng chắp tay trước mặt thầy. Anh Bùi Mạnh nói:
- Bẩm thầy, tết năm mới, anh em chúng con lấy đầu làm lễ bái chúc thầy. Anh em chúng con xin dâng hai lạy chúc mừng thầy thọ khảo vô cương.
Rồi cả bọn đứng làm hai hàng cùng sụp lạy hai lạy xong đứng ngay ngắn chắp tay vái. Ông đồ Phan Điện nét mặt vẫn nghiêm nghị và thản nhiên nói:
- Thầy cũng chúc cho tất cả các anh và bảo quyến năm nay được sức khỏe dồi dào, được tốt tài sai lộc, giàu bằng năm bằng mười năm ngoái.
Nói xong, ông chỉ tay vào dãy ghế kê ở cùng gian liền đấy và bảo học trò:
- Các anh ngồi chơi.
Đợi học trò chỉnh tề trên ghế, ông đồ Phan Điện mới tiếp lời:
- Năm mới, các anh đã có lòng lên mừng tuổi thầy. Vậy các anh ngồi vào mâm uống chén rượu nhạt với thầy cho vui. Ngồi vào, bốn anh một mâm. Nào, các anh rót rượu uống đi.
Bữa rượu nhạt đầu Xuân mừng năm mới đã xong, ông đồ Phan Điện trịnh trọng nói với học trò:
- Thầy xin có mấy lời nôm na để mừng các anh và gia đình đầu Xuân năm mới vạn sự khang ninh. Riêng các anh, học tài thi phận là chuyện thường tình. Thầy nghĩ rằng xưa nay nhân định thắng thiên là thường, con người ta hễ có chí định làm gì, nuôi cái tâm mình thế nào, rồi dần dần mọi hành vi, xử sự hàng ngày cũng đổi theo với cái chí của mình được. Vậy thầy mong các anh cứ đặt chí cho cao và cho bền, sự nghiệp thi thư suốt đời các anh dù chưa thỏa chí nhưng đời con của các anh cũng đều sẽ được tốt đẹp…
Học trò dạ ran theo lời thầy xong. Xong họ lại cùng nhau chào thầy và gia đình rồi ra về. Ông đồ Phan Điện và hai con trai tiễn họ ra tận cổng cho đến khi họ hòa vào dòng người đi lễ Tết nơi cuối đường thôn…
*
Ngày xuân năm mới cũng là dịp cụ Thiếu Vân Đình mở tiệc mừng thọ. Người xe tấp nập từ nhiều ngày nay. Biết ông đồ Nghệ nổi tiếng hay chữ, cụ có ý nhờ ông làm đôi câu đối mừng. Ông đồ Phan Điện nhận lời. Khi đông đủ quan khách tới mừng, người nhà cụ Thiếu Vân Đình vẫn chưa thấy bóng dáng ông đồ Điện nơi đâu.
Đang lúc mỏi mắt ngóng chờ, bỗng quan khách thấy một người đàn ông đã nhiều tuổi, chân đi đôi dép da loẹt quẹt, mình mặc áo vải giãi sờn rách và chiếc quần nâu bạc, đầu quấn khăn nhiễu tam giang bạc màu, tay khoác cái nón sơn long lở, phe phảy đi vào, trông đầy vẻ ngang tàng, không có dáng người đi ăn xin, mà không ra vẻ khách khứa làng Nho gì. Người nhà cụ Thiếu Vân Đình nhận ra ngay đó là ông đồ Phan Điện. Nghiễm nhiên ngất ngưởng ngồi trên trường kỷ, không chào hỏi ai, Phan Điện rung đùi xướng lên câu đối:
- Sung sướng thay cụ Thiếu Vân Đình, con đỗ cống, cháu đỗ nghè, sắc chỉ vua ban, mề đay Tây gắn, trời riêng một nhà, gặp vận túa-dua nhiều hội tốt.
Khốn khổ quá, ông nghè Liên Bạt, chồng một nơi, vợ một nẻo, ngày thì lội suối, tối lại qua đèo, đất chung cả nước, một mình gánh vác có ai khen.
Vừa nghe đọc xong, cụ Thiếu Vân Đình giận tím mặt, lệnh cho người nhà đuổi Phan Điện ra khỏi nhà, và thề từ nay không rước thầy đồ Thanh Nghệ nào vào nhà nữa.
Ông đồ Phan Điện lại ung dung mang khăn gói dắt hai cậu con trai Phan Anh và Phan Mỹ ra đi rồi đọc bài thơ để lại:
"Ông chủ xung lên: "Đ. m. thầy!"
Cha con mình phải vố này cay:
Quanh năm nhà ở hai tầng mát,
Mỗi bữa cơm bưng một phạng đầy,
Con trẻ lấy đâu quà cáp mãi
Vợ già hồ dễ chết chôn ngay.
Bao nhiêu tử tế tuôn xuôi cống
Thanh Nghệ từ nay buộc chỉ tay!".
Thế mới biết, ông đồ Phan Điện dù phải kiếm cơm cho cuộc mưu sinh nhưng ông không chịu được nỗi nhục của kẻ sĩ.
Bị nhà chủ đuổi, ba cha con dắt díu nhau đi tìm chỗ ở mới. Đang đi trên đê, thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phan Anh thì im lặng, Phan Mỹ níu áo cha, hỏi:
- Tối nay, ta ăn cơm ở đâu, ngủ ở đâu, hở thầy?
Ông đồ Điện không trả lời được câu hỏi của đứa con trai út nên lặng thinh. Ba cha con đang ủ rũ, thì gặp một bà chủ khác ở làng bên. Bà này lên tiếng hỏi một cách vô tâm:
- Hai chú đi đâu mà thất thểu trông giống như kẻ ăn mày thế kia?
Ông đồ Nghệ tức cảnh ngâm nga ngay bài thơ cho bà kia và hai con trai cùng nghe:
Hai chú đi đâu giống kẻ mày?
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây
Mắt trần nào kẻ người không biết
Óc trẻ còn mong học mọi hay,
Trời đất năm châu dầu sóng gió
Anh em một bụng giữ tin ngay
Ai ơi, chớ vội khinh hai chú
Xoay xoả non sông cũng một tay.
8
Mất chỗ dạy ở Hà Đông, ông đồ Nghệ phải chuyển sang Kiến An dạy học và đưa hai con theo cùng dẫu chưa biết sẽ tá túc ở đâu. May mắn thay, trên một chuyến sà lúp, từ Hải Phòng về Kiến An trong đó có sư tổ đưa sư thầy Thích Đàm Y - là một vị nữ tu - về trụ trì tại chùa Lũng Tiên. Hai vị nhận lời với ông đồ Phan Điện là cho Phan Anh và Phan Mỹ vào ăn ở trong chùa Lũng Tiên, đổi lại cô Phan Thị Tân phải đến làm lao công phục vụ nhà chùa.
Ở chùa Lũng Tiên, sáng sáng Phan Anh dậy quét lá đa. Xong thì cậu đọc sách, học bài, rồi đến lớp học tại trường Tiểu học Thị xã Kiến An; cũng nhiều khi cậu giúp chị Tân những việc thường ngày của nhà chùa như thỉnh chuông, gõ mõ, đọc kinh kệ, chẻ củi, lấy nước, tưới rau, làm vườn… Một buổi, có người khách lạ trạc ngũ tuần đến vãn cảnh chùa, trông thấy chú bé mặt mũi khôi ngô đang quét lá đa, liền gọi chú lại để hỏi chuyện.
Phan Anh lễ phép:
- Ông có chuyện gì cần hỏi cháu ạ?
Ông khách xoa đầu Phan Anh hỏi:
- Cháu đã đi học chưa?
- Thưa ông, cháu đã học chữ Thánh hiền và cả chữ Tây rồi ạ.
- Vậy ra cháu cũng được học chữ Thánh hiền kia đấy. Ai dạy cháu chữ Thánh hiền?
- Thưa ông, là thầy (cha) cháu dạy ạ.
- Cháu đã học đến đâu rồi?
- Thưa ông, thầy cháu đã dạy cả Tứ thư và Ngũ kinh rồi ạ.
- Ta không học chữ Tây, nhưng chữ Thánh hiền thì ta làu thông, vậy ta có một vế đối, cháu đối lại được ta sẽ có thưởng.
Vừa lúc đó sư tổ trụ trì bước ra. Ông khách lạ mỉm cười, đoạn lấy trong tráp ra miếng trầu đưa lên miệng xong rồi mới đọc câu đố:
- Cung nhi vô lễ tắc lao (Cung kính mà không lễ thì phiền).
Phan Anh ngẫm nghĩ chốc lát rồi đối lại:
- Nhập gia bất vấn tắc mạn. Ký vi nho giả, hồ bất tri Thánh nhân nhập Thái miếu, mỗi sự vấn? (Vào nhà không hỏi là khinh nhờn. Đã là nhà Nho, sao không biết đức Thánh nhân vào nhà Thái miếu, mỗi việc đều hỏi).
Ông khách đang bỏm bẻm nhai trầu, quá bất ngờ vội giơ hai đầu ngón tay cầm lấy bã trầu không kịp ném xuống: Cháu bé đối khá lắm.
Rồi ông khách cũng nhận ra cậu bé có ý nhắc khéo mình vô lễ chưa chào sư tổ trụ trì. Sau khi hành lễ xong, ông khách hỏi Phan Anh:
- Cháu có biết câu đối của ta lấy từ đâu không?
- Thưa ông, đó là câu trong thiên Thái Bá của sách Luận ngữ ạ.
- Vậy câu: Đức bạc nhi vị tôn, chí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhân trọng, tiểu bất cập hĩ (Đức mỏng mà ngôi cao, chí nhỏ mà mưu việc lớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng, ít khi thành được) cháu có biết là ở sách nào không?
Ông khách không tiếc lời khen Phan Anh trước mặt sư tổ:
- Bạch cụ, Học kinh bất minh bất như quy canh (Học kinh sách mà không rõ thì không bằng quay về đi cày). Thằng bé này còn nhỏ tuổi mà đã hay chữ Thánh hiền, ắt hẳn chữ Tây nó cũng sáng dạ lắm, tất sau này làm nên nghiệp lớn!
Với trí thông minh thiên bẩm, năm học 1923 - 1924 và 1924 - 1925, Phan Anh được ổn định để theo học lớp Nhì và lớp Nhất tại Trường Tiểu học ở thị xã Kiến An… Kỳ thi hết cấp tiểu học năm 1924 - 1925 ở Hải Phòng, riêng thị xã Kiến An có 43 người dự thi, thì chỉ có 3 người đậu, trong đó có Phan Anh…
Năm 1925, đánh dấu một bước tiến mới trong việc học của Phan Anh. Nhận bằng certificat ở Hải Phòng, Phan Anh lại được cha đưa về Hà Đông để thi vào Trường Sư phạm Hà Nội. Trường Sư phạm được học bổng toàn phần, nên thi rất khó. Phan Anh không trúng tuyển, nên đã phải học tư một năm ở Trường Trí Tri phố Hàng Quạt, để chờ đến tháng 9 - 1926, thi vào Trường Bưởi.
Thi đỗ vào Trường Bưởi đã mở đầu cho chàng thiếu niên dĩnh ngộ Phan Anh một bước tiến mới, vì với học bổng được cấp, với suất học bổng nội trú dành riêng cho những trí tuệ sáng láng nhất trong giới học sinh. Và chẳng bao lâu sau, cậu học trò Phan Anh đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ về tài dùi mài kinh sử, mặc dù là con nhà nghèo nên lúc nào cũng phải lo tới chuyện đi dạy tư trong các kỳ nghỉ để có thêm phương tiện sinh nhai.
Học cùng lớp với Phan Anh tại trường Bưởi, có Lê Huy Vân, con quan Án sát Lê Huy Trước, quê ở tỉnh Phúc Yên, ít hơn Phan Anh ba tuổi, nhưng hai cậu luôn là học sinh thay phiên nhau đứng đầu lớp học. Về sau, họ trở thành đôi bạn thân cùng làm tạp chí Thanh Nghị và tham gia kháng chiến.
Vừa đi học, Phan Anh và Lê Huy Vân còn mở một lớp học thêm cho các cậu em như Phan Mỹ, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Ngọc Minh…
Một lần, trong bài Việt văn, Phan Anh đã viết về một người bệnh, lâm bệnh hiểm nghèo, dẫn đến thân thể gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, đó là bệnh "mất nước". Thầy Đào Quang Huy chấm bài đã cho cậu mười tám điểm, là điểm thi cao nhất môn Việt văn năm đó.
Lần khác, vào dịp năm mới, học trò cùng nhau đến chúc Tết thầy Nguyễn Đăng Quỳ, giáo sư dạy môn Toán. Thầy trò vui vẻ, Phan Anh đọc câu đối:
- Vui tân học, vui toán khoa, vui được hai năm theo giáo huấn.
Tính nhân tâm, tính thế sự, tính sao một dạ gánh non sông.
Thầy trò nhìn nhau, không nói mà trong tim ai cũng hiểu.
Tốt nghiệp Trường Bưởi, Phan Anh cùng em trai Phan Mỹ dạy học tư tại trường Tư thục Thăng Long, đồng thời thi tiếp vào Trường Đại học Đông Dương.
Với vốn kiến thức uyên bác, nhờ ý chí của người xứ Nghệ, Phan Anh đã chiếm được thiện cảm của học trò trong các giờ giảng Pháp văn. Nhiều đồng nghiệp trong trường như Giáo sư Phạm Hữu Ninh (Hiệu trưởng đầu tiên), Giáo sư Nguyễn Bá Húc (Hiệu trưởng) - cử nhân Toán học, Giáo sư Tôn Thất Bình (con rể Thượng thư Bộ Học, nguyên chủ bút Nam Phong tạp chí Phạm Quỳnh), Giáo sư Hoàng Minh Giám (cháu ngoại Đông Các Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục), Giáo sư Phan Thanh (Nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ), Giáo sư Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Đình Hòe, Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trần Hữu Mai, Giáo sư Phạm Huy Thông (thi sĩ kịch thơ, con trai ông chủ tiệm vàng bạc Chấn Hưng)… đều quý mến.
Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Đại học Đông Dương với vị trí thứ hai, chỉ sau một người Pháp, không phải vì kém tài học mà chỉ vì đơn giản ông là dân bản xứ! Năm 1938, Phan Anh sang Pháp du học.
Ngày thầy Phan Anh lên tàu hỏa ra Hải Phòng, đáp tàu thủy vào Sài Gòn để sang Pháp du học, lấy bằng Tiến sĩ Luật khoa, thầy và trò trường Thăng Long, trường Gia Long ra tiễn đông kín trước cửa ga Hàng Cỏ. Những lời động viên, hò hẹn, những cái bắt tay lưu luyến… Cho đến khi tàu chạy, vẫn còn những học trò theo lên, muốn tiễn thầy thêm vài ga nữa, ga Long Biên, ga Gia Lâm…
9
Gió thỉnh thoảng cuốn theo mấy hạt mưa sa bạt ngang trời, đôi bạn Phan Anh và Lê Huy Vân đang gò lưng đạp xe qua cầu Long Biên, hai anh khoái chí nhìn những nhịp cầu hiển hiện trước mắt. Nước sông Hồng cuộn lên một màu ngầu đỏ. Bên kia cầu hiện rõ những thôn làng bình yên sau lũy tre. Phía đó là làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là làng của cô Đỗ Thị Thao…
Cô là con gái áp út của gia đình cụ Đỗ Trạc Nhu - Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Từ nhỏ, Thao đã thông minh sáng dạ và học rất giỏi. Học hết bậc tú tài, cô xin bố mẹ thi đại học. Mấy anh trai bảo con gái học thế là đủ học nữa cũng chẳng làm gì. Thấy con gái quyết tâm bố mẹ ủng hộ cho con thi vào Đại học Đông Dương, ngành dược. Thời kỳ đó tên tuổi Phan Anh đã có tiếng vang trong giới sinh viên. Cô Thao đem lòng ngưỡng mộ. Suốt mấy năm ròng miệt mài đèn sách, Thao tốt nghiệp dược khoa hạng ưu lúc nào không biết, cả nhà đều mừng vui. Học xong Thao xin phép thầy mẹ sang Pháp để lấy bằng tiến sĩ. Lại một cuộc đấu tranh và không khí căng thẳng trong gia đình. Các anh trai thấy bố mẹ chiều em gái quá. Trong thời gian học đại học Thao đã tiết kiệm được một số tiền, xin thêm mẹ một ít, được thầy ủng hộ thế là Thao quyết tranh đấu sang Pháp du học.
Để sang Pháp phải đi tàu hỏa xuyên Đông Dương từ Hà Nội vào Sài Gòn, nghe loáng thoáng Phan Anh cũng xuất dương trong dịp này, Thao thấy trong lòng vô cùng hồi hộp. Lại nghe đồn học sinh sinh viên ra ga Hà Nội tiễn rất đông! Vào đến Sài Gòn tá túc ở nhà bà con khoảng chừng một tuần thì cô lên tàu biển…. xuyên đại dương bắt đầu một cuộc hành trình Tây du đầy thử thách và lãng mạn.
Gió xào xạc đùa trên bãi cỏ như từng đợt sóng gối vào nhau. Những tia nắng sớm như chuyền từ nhành cây xuống từng ngọn cỏ. Đỗ Thị Thao đội chiếc mũ rộng vành, mặc bộ váy liền áo màu vàng sẫm, tay xách hai chiếc va li kiểu cổ chuẩn bị bước xuống tàu sang Pháp du học, với mức học bổng 60 đồng một tháng. Ông bà Đỗ Trạc Nhu và gia đình ra tiễn chân con gái xuất dương lòng cũng đầy lo âu. Bước xuống boong tàu, Thao vẫn còn bịn rịn khi nhớ đến những giọt nước mắt khẽ khàng lăn rơi trên khóe mắt của mẹ đang lo lắng cho con thân gái dặm trường xuất dương… Nhìn từng khuôn mặt người thân ra đưa tiễn, nhìn từng ngọn cây, bờ cỏ, trong lòng Thao cũng trào lên những cảm xúc hồi hộp khó tả…
Từ Hải Phòng, tàu thủy Pasquier nhổ neo đưa Phan Anh cùng Vũ Văn Hiền, Nguyễn Tiến Hào, đi Sài Gòn. Đến cảng Sài Gòn, họ chuyển sang đi tàu Aramis để cập cảng Mác-xây (Pháp). Cùng trên chuyến tàu này, phía cuối tàu là phòng của cô Đỗ Thị Thao. Tại đây lần đầu Thao gặp Phan Anh, một thanh niên dáng thấp đậm đầu húi cua chững chạc mà nói chuyện có sức cuốn hút lạ thường. Sau lần gặp đầu tiên, đêm về, Thao thao thức mãi không ngủ được, đúng là tiếng đồn không ngoa những câu chuyện của anh đều thể hiện một con người có hoài bão rộng lớn, tuy mới gặp anh lần đầu nhưng Thao đã cảm thấy thân thương gần gũi như từ bao giờ. Trái tim Thao thổn thức… Còn Phan Anh, dù lần đầu gặp Đỗ Thị Thao, nhưng Phan Anh cũng đã có thiện cảm với cô. Phan Anh làm một bài thơ Đường thể cổ văn gửi đến cô:
Quân tại Pasquier đầu
Thiếp tại Pasquier vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đều bị "Tanga" thủy.
Trên tàu, ngoài Thao ra còn có một số nam sinh, một giáo sư người Trung Hoa và giáo sư Brindeau - giáo sư đại diện của trường Đại học Paris hàng năm đến Hà Nội chấm thi tại trường Đại học Y khoa cùng người con là Prudon. Đỗ Thị Thao thấy Phan Anh có sự hiểu biết thật đáng kính nể, tiếng Pháp lưu loát, đàm đạo những vấn đề chính trị, xã hội kéo dài hàng giờ mà không biết chán. Với vị giáo sư người Trung Hoa, họ trao đổi với nhau về tình hình quân Nhật Bản chiếm đóng Nam Kinh khiến cho nhiều trí thức Trung Hoa phải chạy ra nước ngoài. Thấy thái độ của vị giáo sư buồn đau vì Nam Kinh thất thủ, Phan Anh làm một bài thơ chữ Hán để động viên ông ta:
"Thiên lý Tây hành hỉ phùng quân
Bắc Nam sơ kiến cánh tương thân
Thư trung đàm đạo cổ kim sự
Hải thượng nhàn khan triêu mộ vân
Nhất phiến băng tâm tư cố quốc
Kỷ niên hối thủ tác tân dân
Phong ba bất chuyển nam nhi chí
Khứ nhật đông hồ, quy nhật xuân."
Dịch thơ:
"Nghìn dặm Tây du tôi gặp anh
Bắc Nam mới gặp đã thân tình
Văn chương đàm đạo vui kim cổ
Trời bể lo toan cuộc trị bình
Một tấm lòng son vì đất nước
Nghìn thu chẳng thẹn bước công danh
Phong ba không chuyển nam nhi chí
Đông cảnh ngày tàn, xuân lại xanh."
(Phan Anh dịch)
Sang Paris, Phan Anh vào khoa luật, Đỗ Thị Thao vào khoa dược của Đại học Sorbonne. Tình bạn ở trên chuyến tàu dần trở thành tình yêu ở trường đại học. Hai người trọ hai nơi, đều cách khá xa trường học, phải qua nhiều chặng xe điện ngầm mới đến lớp. Thao thuê nhà trọ gần trường đại học hơn. Thấy Phan Anh vất vả quá Thao gợi ý mời Phan Anh dọn về ở chung một nhà trọ cho đỡ tốn tiền, đi lại cũng đỡ vất vả. Nhưng Phan Anh nhất quyết không chịu, nói người phụ nữ cái danh dự là quan trọng nhất, mình ở như thế thì người ta dị nghị không hay. Thao lại càng thêm cảm phục Phan Anh, thấy rõ là người tử tế và đứng đắn.
Chẳng mấy chốc mà họ đã ở Paris được một năm học. Lúc này Paris đang bước vào thu. Mùa thu Paris đến như cặp tình nhân có lời hò hẹn hẳn hoi và rất đúng hẹn. Thu đến, sáng thức giấc đã thấy cả một trời thu: trong, sáng, lành lạnh. Cảnh vật hiện hữu xung quanh họ đầy vẻ đẹp tinh khôi và kỳ thú: Những hàng cây hai ven đường làm cho con đường mang một màu xanh thẳm đã chuyển dần sang vàng óng, đỏ rực, rồi thi nhau trút lá, lãng mạn và đẹp mê hồn. Mùa thu diện vào đủ thứ áo màu, đẹp đến nao lòng. Mùa thu, mùi thu nhẹ nhàng len lỏi khắp nơi nơi. Hòa vào dòng người tấp nập của kinh đô ánh sáng, cặp tình nhân của mùa thu cùng sánh bước dạo chơi khắp nơi: đến Trung tâm G. Pompidou nơi trí thức, sinh viên ngày đêm miệt mài đọc sách; vào công viên Tuileries vãi ngô cho hàng nghìn con chim bồ câu; hoặc ngồi trên đồi Montmartre ngắm hoàng hôn và chờ Paris lên đèn...
Những cuộc dạo chơi đó đã giúp cả hai có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người Pháp nên cả Phan Anh và Thao đều nhận thấy một điều: người Pháp tại Paris đa số là những người lịch thiệp và tử tế, họ khác xa với những người Pháp thực dân đang cai trị Việt Nam. Đặc biệt dân dân Parisiens thì lịch thiệp hơn ai hết.
Sang Pháp với hai mục đích, một là tiếp tục học luật để lấy bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ đại học; hai là tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị phục vụ sự nghiệp ích nước, lợi dân, tìm con đường giải phóng đất nước, Phan Anh đã tham gia vào các hoạt động xã hội. Ở Paris, nhờ bức thư giới thiệu của ông Caput - Tổng thư kí chi nhánh Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương, Phan Anh tìm cách bắt liên lạc với Đảng Xã hội Pháp, mà người đầu tiên là ông Mouté (Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại). Nhưng những cuộc gặp gỡ với Mouté và một số đảng viên Đảng Xã hội khác ở nước Pháp đã dội gáo nước lạnh vào Phan Anh. Từ đó, ông bỏ con đường dập khuôn chính trị của Pháp mà chuyên tâm đi vào con đường nghiên cứu về pháp luật.
Đến Paris, một trong những cái thú là được nhởn nhơ dọc đôi bờ sông Seine lục tìm sách cũ hay hòa mình vào dòng người ngược xuôi trong các nhà sách chất ngất không khí trí tuệ. Vì vậy, cứ cuối tuần và ngày nghỉ là Phan Anh lại cùng Đỗ Thị Thao đi dọc đôi bờ sông Seine, để sục vào các sạp hàng sách báo cũ. Ở đây có đủ loại sách báo từ cổ đến kim, từ đông sang tây, lãng mạn, hiện thực, văn chương, chính trị, chiến tranh và hòa bình, cách mạng và bạo lực, đạo đức và làm giàu…
Với nỗ lực miệt mài học tập, trong hai năm 1938 và 1939, Phan Anh đã đạt được những kết quả ưu việt: học được ba bằng Tiến sĩ về Công pháp, về Tư pháp và về Lịch sử, vì muốn thi Thạc sĩ đại học phải có ba bằng tiến sĩ đó(1).
Khi đang tích cực chuẩn bị thi Thạc sĩ thì Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Lúc này, cả hai đều thấy quay quắt nhớ quê nhà biết bao nhiêu. Dẫu biết rằng ở đâu cũng tốt cả nhưng ở nhà mình vẫn tốt hơn, Phan Anh và Thao quyết định cùng trở về Việt Nam.
tin tức liên quan
Videos
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Mãi mãi tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528822
Hôm nay
2203
Hôm qua
2275
Tuần này
21095
Tháng này
215518
Tháng qua
0
Tất cả
114528822