Người xứ Nghệ
Hồ Phi Huyền với quê hương làng Quỳnh
“LÀNG Quỳnh là làng Quỳnh của người dân làng Quỳnh”. Đó là một câu nói của nhà văn hóa uyên bác Hồ Phi Huyền, một câu nói mộc mạc về ngôn từ nhưng lại đậm đà ý tứ và sâu sắc tư duy. Song có lẽ không phải làng nào cũng như thế. Và ở làng Quỳnh không phải ai ai cũng đồng đều tự giác như thế.
Thật vậy, con đường đi lên của làng Quỳnh là như thế này đây:
Thuở ban đầu, chỉ là một gò đất nổi lên giữa một vùng mênh mông sông nước, cận kề với Đồi Thần có từ hơn ba ngàn năm xưa. Cái gò đất hình tựa cái nồi nên mới đặt tên là Làng Thổ Đôi (làng Gò Đất) hoặc nôm na là làng Nồi (theo giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu – Quốc sử tạp lục, 1944 – NXB Khai Trí, Sài Gòn). Vượt qua bao nổi chìm theo sóng gió trải dài non bảy thế kỷ đến ngày nay làng Quỳnh mới trở thành một xã anh hùng (1996) và một làng văn hóa (1998). Chính cái nổi chìm ấy, cái gian khó ấy đã gắn kết những người dân làng Quỳnh với nhau, đã tạo dựng cho họ một truyền thống yêu quê hương tha thiết, ngọn nguồn của lòng yêu nước thương nòi.
Tiêu biểu cho truyền thống đó trước cách mạng là một chi họ mà nhân vật nổi lên cuối cùng là Hồ Phi Huyền (tên đi thi là Hồ Phi Thống).
- Trước hết, là Hoàng Giáp, Thượng Thư, Quỳnh quận công Hồ Phi Tích (1665 - 1734), tổ 5 đời của Hồ Phi Huyền.
Do đã từng nếm trải nỗi cơ cực (mà về sau nhà thơ Hoàng Trung Thông đã thốt lên: "Ôi, Quỳnh Đôi xưa- Đói nghèo xơ xác”) nên sau khi kết hôn, Hồ Phi Tích đã thuyết phục bà vợ Đàm Thị Quỳnh quê ở Thanh Oai, Hà Đông cố học thành thạo nghề dệt lụa. Đến năm 1685, thân gái dặm trường, bà đã gánh một gánh hồi môn khá nặng về làng Quỳnh. Đó là cái khung cửi và các dụng cụ dệt lụa. Từ đây làng Quỳnh mở thêm một nghề sinh sống, giảm bớt cảnh đói nghèo. Nghề dệt đã góp phần “dệt” nên 734 tú tài, cử nhân và 14 vị đại khoa từ Phó bảng đến Bảng nhãn. Qua 270 năm, vào khoảng giữa thế kỷ 20, nghề dệt đã khép lại như một huyền thoại đẹp.
Đi làm quan biền biệt, ông thường xuyên gửi thư về quê nhà nhắc nhở. Có lần ông viết: “Người trong một làng ăn ở với nhau cốt lấy thuận hòa làm đầu, xử đoán một việc gì cốt lấy sự công bằng lấy lễ nghĩa làm trọng”.
- Tú tài Hồ Phi Hội (1802 - 1875) - ông nội của Hồ Phi Huyền.
Mới lên 5 tuổi đã mồ côi mẹ, cảnh nhà nghèo túng nhưng ông vẫn dốc lòng theo đòi nghiên bút. Năm 41 tuổi đỗ Tú tài, mở trường dạy học cho con cháu và học trò trong huyện, nhiều người về sau thành đạt.
Là một người nếm trải nhiều nỗi nhân tình ấm lạnh, và với tính cách nghiêm nghị mà trung hậu, ông đã được mọi người nể trọng. Trong những năm 1865 – 1867, ở làng Quỳnh xảy ra vụ kiện tụng rất căng thẳng giữa các họ về việc xin phong sắc thần. Với sự công tâm ông đã góp phần thu xếp ổn thỏa.
Công lao lớn nhất của ông đối với quê hương là khởi biên cuốn “Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên”. Vượt qua mọi thiếu thốn, nhất là những búa rìu trong việc đánh giá, nhận xét các sự kiện, các con người cụ thể mà người chép sử phải gánh chịu, suốt ba năm ròng cuối đời (1871 - 1873) ông đã sưu tầm các gia phả, các tộc phả, tra cứu các tư liệu của làng, của nước, hỏi han bàn bạc với những người am hiểu, cuối cùng ông đã hoàn thành tác phẩm khá đồ sộ gồm 2 tập và 9 đề mục. Tác phẩm này đến nay đã được các nhà nghiên cứu xa gần đánh giá rất cao.
- Cử nhân, Tri huyện Hồ Phi Tự (1844 - 1887) Thân phụ của Hồ Phi Huyền. Ông là con thứ hai của cụ Hồ Phi Hội, con rể cụ tiến sĩ, liệt sĩ Văn Đức Giai.
Năm 27 tuổi ông đậu cử nhân được bổ làm Tri huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), rồi quyền Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình). Không bằng lòng với sự nhu nhược của triều đình Huế, ông treo ấn từ quan xin về quê nhà để tìm đường, tìm cách cứu nước.
Tháng 7 - 1885, Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết bí mật đến làng Quỳnh gặp nguyên Lang trung bộ Binh Phan Duy Thanh để bàn định công việc Cần Vương. Cùng tham dự cuộc họp có các ông Hồ Phi Tự, Tri phủ Trương Đình Thiêm, giải nguyên Dương Quế Phổ. Các vị chủ trương nhen nhóm khởi nghĩa rộng khắp, xây dựng làng chiến đấu, thành lập ban tham mưu… Công việc đang được tiến hành thì giặc Pháp phát hiện được đã dụ dỗ và huy động một lực lượng đông đảo, được sự chỉ huy của tên Mi-nhô, kéo đến tàn sát thảm khốc làng Bào Hậu vào sáng sớm ngày 19 tháng 11 năm Ất Dậu (25 -12-1885). Theo cam kết, làng Quỳnh cử một toán quân lên Bào Hậu cứu viện. Vừa đến cổng đá thì bắt gặp địch ngăn chặn. Anh Hồ Sĩ Quý bị bắn chết, ba người khác bị thương. Ông Hồ Phi Tự chỉ huy, biết chỉ với gươm giáo là không thể tiếp cận chiến đấu được nên đành rút quân về giữ làng.
Đến 9 giờ sáng cùng ngày, địch kéo quân xuống tiến đánh làng Quỳnh. Do lực lượng không cân sức nên chỉ 3 giờ chống cự làng Quỳnh đã bị giết chết hơn 80 người, hầu hết đền chùa, nhà thờ họ, đình xóm và nhiều nhà cửa của dân bị đốt cháy tan hoang. Hồ Phi Tự thế cô lực tận, cuối cùng phải cải trang mới thoát được rồi bí mật lên Quỳ Châu. Vua Hàm Nghi cử ông làm Bang biện để xây dựng căn cứ chống giặc. Địch lại kéo đến. Ta không giữ nổi. Ông phải ẩn tránh vào rừng núi với một người tùy tùng rồi mất vào ngày 23 tháng 3 năm Đinh Hợi (1897) thọ 44 tuổi, xứng đáng với danh nghĩa “liệt sỹ Cần Vương”.
- Cử nhân Hồ Phi Huyền (1879 - 1946) con trai trưởng của cụ Hồ Phi Tự.
Thông minh lại hiếu học, tuy cảnh nhà côi cút đói nghèo nhưng mới 22 tuổi ông thi đỗ ngay cử nhân (nhất cử) vào năm 1900.
Gìn giữ khí tiết yêu nước của cha ông, tuy đủ học lực nhưng ông không đi thi Hội và cũng không chịu ra làm quan mà dành hết tâm, trí và lực cho việc viết sách góp phần xây đắp cho quê hương làng Quỳnh.
1. Vào đầu năm 1903, ông đã tiếp ông Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) cùng hai người con trai ra thăm làng Quỳnh.
Cuốn “Tiểu Trưng - Bà Lụa - Trần Thị Trâm” (NXB Nghệ An 2010) từ trang 67 đã chép:
“Một ngày, cử nhân Hồ Phi Thống (tức Hồ Phi Huyền) đã dẫn ông Phó bảng Huy đi thăm Đền làng, nhà Thánh, Hiền từ. Đây là những chốn mang nhiều giá trị nhân văn có tính triết lý nên các ông phải cậy ông cử nhân trẻ này. (…)
Vãn cảnh xong ba nơi thờ tự trên, mọi người đều về nhà ông cử Thống để nghỉ ngơi và trao đổi những điều mà khi tham quan chưa tiện hỏi.
Mở đầu, ông Phó bảng hỏi:
- Anh Cử, đền làng ta sao không thờ nhân thần mà lại thờ thiên thần, mà thiên thần sao lại thờ thần sấm sét?
-Thưa chú, sở dĩ thờ thần sấm sét là do nhận thức và tâm linh về tín ngưỡng của người xưa. Các cụ cho rằng, Thổ Đôi Trang vốn xưa là một gò đất nổi lên giữa một vùng quê mênh mang sóng nước, tuy nhiên không phải bốn mùa đều có đầy đủ nước. Vì vậy, thờ thần sấm sét là nhờ Ngài gọi mưa về cho dân cày cấy như dân ta thường cầu xin “lạy trời mưa xuống”. Ngoài ra, mượn thần sấm sét làm sự răn đe uy nghiêm của lẽ trời: ai gian ác sẽ bị sét đánh (…)
- Hiền từ là thờ ai vậy?
- Dạ thưa, Hiền từ là thờ những người chưa đạt mức thánh và thần mà chỉ là những người hiền. Người hiền là những người có công với xóm làng nên không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, trai gái… Hai hạng người được làng xem xét nhiều nhất để rước vào thờ là các bà tiết phụ khả phong và các ông đỗ tú tài trở lên mà không có con trai nối dõi.
Bà Lụa phân vân hỏi:
- Sao ông cha ta lại xây dựng Đền, nhà Thánh, Hiền từ vào một vùng tập trung như vậy?
- Dạ thưa thím, đó là một việc làm đầy suy tính sâu sắc mà thiết thực. Trước đây từ làng lên đường thiên lý là phải đi qua ba nơi này. Đền làng biểu thị sự mưu cầu cái ăn do trời, đất và người làm nên, nhà Thánh là biểu thị sự ham muốn cái Chữ để làm người, hiền từ là biểu thị sự tu dưỡng đạo đức của con người. Xây ba nơi thờ cúng ấy là để nhắc nhở thầm lặng mà nghiêm nghị cho người dân khi đi ra khỏi làng cũng như khi trở về làng cần phải sống sao cho đủ cái ăn, cái chữ và cái đức.
Ông Phó bảng thốt lên:
- Ôi chao ơi! Văn hóa làng Quỳnh sao mà chứa đựng những sắc thái sâu sắc đến thế. Chả trách mà nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhiêu tuấn kiệt góp phần làm vẻ vang cho xứ Nghệ và cho cả đất nước… Anh cử Thống mới 24 tuổi mà đạt được tầm uyên bác về học vấn như thế, thật là bái phục.
- Xin cảm ơn chú đã có lời khen".
Nhớ lại chuyện xưa nên vào đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch đã nhờ ông Hoàng Văn Hoan về làng Quỳnh kính mời cụ Hồ Phi Huyền quá bộ ra Hà Nội, mong tái ngộ.
2. Vụ kiện hội đồng hào mục vào những năm 1935 - 1938.
Cuốn “Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi” (NXB Nghệ Tĩnh, 1988) đã ghi:
“Vụ kiện nhằm mục đích chống lại sự tham nhũng của cường hào, hội đồng hào mục trong việc làm đình chợ, trường học, sửa đình lang, đắp đường sá…”
Dân làng cử Hồ Phi Thống đứng đầu vụ kiện.
Hội đồng hào mục được Tri huyện Trần Mậu Trinh ủng hộ, đã bắt giam 18 người đưa đơn kiện
Trần Mậu Trinh cho đòi Hồ Phi Thống lên huyện. Hồ Phi Thống gọi Mậu Trinh bằng “chú” với thái độ khinh miệt. Mậu Trinh tức giận tát Hồ Phi Thống. Hồ Phi Thống đã rút dép đánh lại. Mậu Trinh ra lệnh còng tay Hồ Phi Thống giải lên tỉnh.
Dân làng cho người đánh điện các nơi phản đối. Nhiều báo chí trong nước lên tiếng. Hồ Phi Thống đưa đơn kiện đến các cơ quan chức năng. Bộ và tỉnh phải phái người về phân xử. Các người bị bắt đều được trả lại tự do. Vụ kiện đã thắng lợi.
Sau đó, dân làng đã cử ông cử nhân Hồ Phi Thống làm Chánh hương hội.
3. Chỉ đạo việc bảo vệ mùa màng
Đồng ruộng làng Quỳnh nhất là các cánh đồng: Đồng Nghệ, Đồng Giữa, Hói Hành, Đồng Sót tiếp giáp với các cánh đồng của một làng lân cận. Do tình trạng xen canh nên nhiều năm lúa của người làng Quỳnh bị gặt trộm. Một lần ông Xèo Đông ở xóm Ao bắt gặp, đứng ra can thiệp thì bị đánh thành thương. Nhân dân rất bức xúc nhưng chưa có cách gì ngăn chặn.
Thấu hiểu nỗi niềm ấy, Chánh hương hội Hồ Phi Thống đã chủ động bàn định với Hội đồng hào mục tổ chức ra các đội bảo vệ với những tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ… như:
- Phải là những nông dân trẻ, khỏe, gan dạ, có quan hệ anh em thân thiết với nhau.
- Ruộng cày cấy của họ được điều chỉnh lại đến vùng giáp ranh, được giảm nhẹ tô và thuế.
- Thời vụ cày cấy, gặt hái đồng đều với nhau. Đến lúc lúa gần chín phải cử người canh giữ.
- Khi xẩy ra tranh chấp, va chạm phải tiếp ứng, hỗ trợ nhau.
- vv…
Trong số bốn đội bảo vệ có hai đội chủ lực: ở xóm Ao có đội gồm ba anh em ruột là Tào, Thao và Tri, ở xóm Trong là đội cũng gồm ba anh em ruột là Tráng, Sợ và Lực. Ông thân hành đến nhà thuyết phục từng người. Có lần tên Bính gặt trộm bị ông Tào ngăn chặn lại còn hung hăng đe dọa nên bị ông Tào đánh cho phải bỏ chạy.
Biết sự bảo vệ có tổ chức mưu trí như vậy nên những kẻ xấu xin chừa.
4. Chỉ đạo thi công một số công trình thủy lợi
Đồng ruộng làng Quỳnh vốn đã ít, đã thế, cấu tạo lại phức tạp, nền đất chua mặn, thiên nhiên lại khắc nghiệt. Khoảng non một nửa diện tích canh tác là vực sâu chỉ gieo trồng được một vụ mùa. Các cánh đồng cao như vùng Đồng Tương, Đồng Nghệ, Đồng Trước làm được một vụ lúa, một vụ khoai. Sản xuất thấp kém bấp bênh nên đời sống người dân triền miên gặp khốn khổ.
Từ năm 1937 hệ thống nông giang Đô Lương bắt đầu có hiệu quả nhưng nước cũng chỉ đến được một số vùng sâu, vùng mương.
Sau khi nhận chức Chánh hương hội Hồ Phi Thống đã cùng hội đồng hào mục vận động các điền chủ chịu ruộng, đóng tiền, các tá điền bỏ công làm một con tiểu câu dài gần 1km ở phía Tây của làng để đưa nước lên các cánh đồng cao. Nhờ thế mà tăng thêm diện tích cấy lúa. Và cũng nhờ thế mà về sau làm được một số giếng lọc, chấm dứt được nạn thiếu nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Tiếp tục hoàn thiện những công trình thủy lợi trước đây, nay dưới sự chỉ đạo thường trực của ông trong những năm 1938 - 1940 nhân dân làng Quỳnh đã đắp hệ thống đê ngăn nước mặn dài hơn 1km ở Hỏi Nồi để chủ động ngăn và tháo nước, để còn có một cái cống khá tốt. Cống này do ông Phan Duy Thực, một người có tâm và có tài thiết kế thi công.
Nhờ những công trình trên đây, ruộng cấy một vụ được ổn định hơn, ruộng cấy hai vụ được mở rộng, nạn hạn hán được khắc phục nhiều.
Những con người ấy, các nhà khoa bảng của một dòng họ ấy không còn. Những sự việc ấy lùi vào quá khứ. Song gương sáng của họ, gần nhất là của nhà văn hóa uyên bác Hồ Phi Huyền chắc chắn còn in đậm trong tâm trí người làng Quỳnh. Người làng Quỳnh sẽ soi, sẽ tựa vào gương sáng ấy để đi xa hơn nữa trong việc làng, việc nước.
tin tức liên quan
Videos
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Mãi mãi tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528822
Hôm nay
2203
Hôm qua
2275
Tuần này
21095
Tháng này
215518
Tháng qua
0
Tất cả
114528822