Phiên họp "tất niên" của Hội đồng Chính phủ diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc khi rét đậm tràn về, nhưng các thành viên đều có mặt đông đủ. Trừ ông Đặng Phúc Thông vì ốm, còn các cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban, linh mục Phạm Bá Trực - Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội... là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của dân tộc, dù tuổi già sức yếu đều tới dự. Có chiến sĩ, có quan thượng thư, có đức linh mục, có trí thức, có Việt Minh, những người tóc đã bạc bên những người mái đầu xanh tuổi mới ba mươi... Tất cả cùng chung một ý chí "Tổ quốc trên hết, kháng chiến trước hết".
Cuối buổi, anh em phục vụ bưng lên mấy đĩa cam sành Bố Hạ vàng mọng của đặc uỷ đoàn do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè mua về đãi quà Tết. Hội đồng Chính phủ vừa ăn cam vừa nghĩ, đóng góp một trò vui để cùng ăn Tết thật vui vẻ. Cụ Hồ giới thiệu cụ Bùi Bằng Đoàn sẽ mở đầu cuộc vui Xuân mừng chiến thắng.... Sau đó là màn diễn "Vua Hùng kén rể".
Diễn viên đầu tiên trong vở kịch "Vua Hùng kén rể" bước lên sân khấu trong tiếng hò la và vỗ tay rầm rộ của khán giả. Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội, linh mục Phạm Bá Trực, vai Vua Hùng lụng thụng trong chiếc áo dạ to xù của lính Pháp mà Quân nhu mới cấp, và chiếc mũ dạ to tướng thường ngày để thay mũ bình thiên. Tiếp đó là Sơn Tinh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, luật sư Vũ Đình Hoè - nhảy ra múa mấy vòng, rồi khuỳnh khuỳnh tay tâu với Vua Hùng về chiến công đuổi được Thuỷ Tinh ra tận ngoài biển.
"Vua Hùng" vểnh râu lên, khoái trá vuốt, rồi gọi to: "Bớ Mỵ Nương! Con gái ta, mau mau ra mắt...". Lời vừa dứt, công chúa choàng chiếc áo ca-pốt cũ của lính lê dương yểu điệu, da trắng nõn, đôi bờ vai hơi rộng, ra trình Vua cha. Khán giả cười lăn, cười bò vì công chúa có râu lún phún đó là luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Vua cha, chàng rể, công chúa cùng nhau ôm bụng cười... Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban ôm chặt lấy cụ linh mục Phó ban của mình, đấm thùm thụp vào lưng và nói: "Giỏi quá! Giỏi quá! Thật là vui như Tết, vui hơn Tết!".
Cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội lại bá vai ông Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế cùng tâm tình về "thầy ta".
Gió thổi dài hun hút tràn qua mái nhà. Tiếng gió hú xa trên đỉnh Ngự Bình. Mấy người hầu vừa trải xong chiếu cạp điều, liền bê cái lò than hồng đặt ngay bên cạnh. Siêu nước sôi trên bếp lò thở phì phì. Một người hầu khác lại mang chiếc điếu ống khảm xà cừ, vòi trúc cong cong vòng đặt cạnh bộ trà Huế. Xong thì cả hai khoanh tay đứng hầu. Thượng thư Bùi Bằng Đoàn mặc áo the đen có lót lần trắng vải chúc bâu, đi đôi giày Tây (soulier) gọn ghẽ, hoạt bát bước ra rồi khẽ xua tay ra hiệu cho họ lui ra, khi nào cần ông sẽ gọi. Lúc này ông muốn tâm sự với người thầy của mình mới vào chơi. Chè ướp sen được chuyên ra chén tỏa hương ngọt dịu. Sóng nước lấp lánh ánh trăng vàng. Hai thầy trò cùng trầm tư bên chậu hoa ngâu, hoa sói, không nhiều màu sắc, nhưng là những loại hoa dễ chăm sóc, ướp chè và thuốc lá, được người nhà chiều chiều lại bê từ trên thềm nhà xuống sân để phơi sương. Đỉnh trầm vẫn lặng lẽ nhả dòng khói mảnh thơm. Hương thơm của hoa ngâu, hoa sói dịu mà ấm áp.
Năm 1925, mặc dù đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), Bùi Bằng Đoàn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu:
"Tôi là người nước Nam, tôi biết yêu nước Nam, muốn thức tỉnh dân tộc Việt Nam, thấy thế nên sinh ra cái tư tưởng phản đối chính trị. Nếu trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đạn đủ nhiều thì có lẽ tôi hạ chiến thư, đường đường chính chính đánh lại Chính phủ thật đấy. Thế nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, tay không có một tấc sắt, không lấy võ lực mà phản đối lại được, vậy tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu Chính phủ cải lương chính trị. Chẳng dè Chính phủ ngờ vực tôi, bắt tôi, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đạt mục đích của tôi."
Tòa án thực dân đã không khép được cụ Phan vào án chung thân. Ngày 11-12-1925, Hội đồng Bảo hộ xem xét lại vụ án và Varenne đã ký lệnh ân xá cho cụ Phan Bội Châu, cho xe đến đón cụ về Kinh (Huế) "an trí".
Giờ đây, vua Bảo Đại về nước. Nhà vua trẻ hai mươi tuổi trực tiếp tham chính, nên toàn thể nội các do Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đứng đầu phải từ chức. Người dân khắp Kinh đô Huế ai ai cũng thuộc bài thơ của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn ghi lại biến cố chính trị này:
Năm cụ khi không rớt cái ình
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.
Bài không đeo nữa đem dâng Lại.
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình.
Liệu thế không xong Binh chẳng được.
Liêm đành chịu đói Lễ đừng dinh.
Công danh như thế là hưu hỉ
Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh.
Trong nội các mới của Bảo Đại là Bùi Bằng Đoàn được triệu làm Thượng thư Bộ Hình. Triều đình thời đó có hai Bộ quan trọng, ham giàu thì có thể hái ra tiền. Ở Bộ Lại, việc chạy quan. Ở Bộ Hình, chạy tội. Nhưng điều ông băn khoăn nhất lúc này đây là cái lẽ xuất xử: Thành quả tưng bừng đấy, nhưng cũng đắng cay mệt mỏi đấy. Vận nước đã bao lần khiến ông ưu tư. Ông biết chia sẻ cùng ai đây? Quân vương? Đồng sự? Bao ẩn khuất nông sâu không lường được. Thầy Phan Điện đến với ông như lời nhắc nhở cần nhận chân lẽ bất biến và thường biến. Thời cuộc là thường biến. Dân tộc là bất biến.
Đêm sang canh. Tiếng lá rơi nghiêng xuống mái nhà phát ra một âm thanh mỏng thiếc. Ông đồ Phan Điện nghiêng nghiêng chén, càng uống lại càng tỉnh. Ông nhìn chằm chằm vào đôi mắt người học trò giờ đang đứng vào hàng nhất phẩm triều đình, nói lời căn dặn cái lẽ xuất xử: Nhân bất khả vô sỉ (Người không biết xấu hổ thì không còn là người nữa - lời Mạnh Tử).
14
Tháng Tám năm 1945, xứ Nghệ lại một lần nữa đỏ rợp bóng cờ. Tỉnh trưởng Nghệ An - Phó bảng Đặng Văn Hướng là người vốn đã có quan hệ bí mật với ông Trần Văn Cung (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) và ông Lê Viết Lượng (sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ) nên đã cùng ông Trần Văn Cung chuẩn bị bí mật cho cuộc Tổng khởi nghĩa tại Nghệ An. Tỉnh trưởng Đặng Văn Hướng đã cho thay thế tên lãnh binh bằng em trai của ông Trần Văn Cung là Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam). Còn chức Chánh văn phòng tỉnh trưởng được giao cho ông Nguyễn Tạo (sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp). Tỉnh trưởng Đặng Văn Hướng cũng đã cho thay những viên tri huyện có xu hướng thân Pháp, thân Nhật bằng những người có xu hướng dân tộc… Vì vậy khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, Tỉnh trưởng Đặng Văn Hướng đã bàn giao chính quyền cho Cách mạng dễ như trở bàn tay, không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu.
Giữa lúc Cách mạng Tháng Tám đang tiến hành thắng lợi ở Nghệ An thì Phan Anh và Tạ Quang Bửu bị giữ trong một gia đình nhà Nho ở làng Thanh Sơn, Cầu Giát, Nghệ An (19-8-1945) trên đường từ Huế ra Hà Nội.
Nguyên là sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cần có người để giao nhiệm vụ đi tuyên truyền chủ trương của Chính phủ trao trả lại quyền bính cho nhân dân. Chính phủ đã chọn hai ông Bộ trưởng, một là Bộ trưởng Hồ Tá Khanh vào Nam, hai là Bộ trưởng Phan Anh ra Bắc. Phan Anh đã mời Tạ Quang Bửu cùng đi. Hai người lên đường không hề có người hộ tống, mà chỉ có niềm tin tưởng vào nhân dân, giữa lúc đó phong trào Việt Minh ở nhiều nơi đã lớn mạnh, bùng lên cướp chính quyền.
Trước khi lên đường, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh đã dặn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đình Nam điện mật cho các tỉnh: "Lệnh cho các lực lượng Bảo an của tỉnh phải tuyệt đối không gây va chạm với Hiến binh của Nhật, để tránh sự đụng độ giữa ta và Nhật".
Qua Vinh (Nghệ An), thanh niên Việt Minh đã mời hai ông ở lại để dự cuộc mít tinh chào đón chính quyền mới nhưng vì vấn đề thời gian, cả hai đều tạ từ mà gấp rút muốn ra Hà Nội trong ngày 18 - 8 để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên đường ra Hà Nội, chứng kiến những đoàn biểu tình trống giong cờ mở, mang theo cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", hai ông đầy tự hào về phong trào cách mạng và giơ tay chào theo kiểu cách mạng.
Ra đến Cầu Giát thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một đoàn biểu tình hừng hực khí thế cách mạng. Gặp xe ôtô, một đồng chí trong ban tổ chức mít tinh ra hiệu cho xe dừng lại và hỏi:
- Xe có chở vũ khí không?
Ông Nguyễn Xuân Cảnh, người phiên dịch tiếng Nhật cho Bộ trưởng Phan Anh, đùa cợt cầm một chiếc kéo giơ lên. Hành động đó ngay lập tức gây rắc rối cho tất cả những người trên xe. Phan Anh và Tạ Quang Bửu bị giữ lại ngay lập tức tại nhà một ông đồ Nho ở làng Thanh Sơn để chờ chính quyền cách mạng huyện báo cáo lên tỉnh.
Khi thấy những đoàn thanh niên rầm rộ biểu tình, hô khẩu hiệu đả đảo chính phủ bù nhìn, ông đồ Nho làng Thanh Sơn đã không khỏi lo lắng cho tính mạng của hai "quan Thượng thư". Ông đồ Nho ấy đâu có lạ gì Tạ Quang Bửu là con trai của Cử nhân Tạ Quang Diễm và nữ sĩ Sầm Phố ở làng Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, cháu nội cụ Cử nhân Tạ Quang Oánh. Còn Phan Anh là con trai của cố Phan Điện người làng Tùng Ảnh bên kia Rào Rum (Sông Lam), Ngàn Hống (núi Hồng Lĩnh) ông cũng không hề lạ. Thấy thái độ lo lắng của ông chủ nhà như vậy, Phan Anh liền lấy mấy câu Kiều để trấn an ông ta:
Ngẫm hay muôn sự bởi người
Người sinh ra đã biết thời gian truân
Gặp phong trần quét phong trần
Xây thanh cao, ắt được phần thanh cao.
Quả nhiên, sau năm ngày bị giam giữ ở làng Thanh Sơn, ông Lê Viết Lượng trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa ở Nghệ An ra lệnh thả hai người ra và để họ tiếp tục cuộc hành trình từ Huế ra Hà Nội.
Ông Lê Viết Lượng nói: Không vấn đề gì! Các anh có thể tiếp tục cuộc hành trình ra Hà Nội. Nhưng có vấn đề chuyển đổi xe ôtô. Nếu xe ôtô là của riêng anh thì anh cứ mang đi, nếu đó là xe công thì anh để lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ thay cho anh một chiếc xe khác, có người lái, xe cắm cờ đỏ sao vàng để đưa các anh ra đến Hà Nội an toàn.
Khi từ giã ông đồ Thanh Sơn, Phan Anh đã để lại mấy câu thơ kỷ niệm:
Thanh Sơn cơ ngũ nhật
Dan sách kỉ thiên thu
Quốc vận như kim đạt
Xuất phát từ Ngô châu…
Lược dịch:
Thanh Sơn lưu lại năm ngày
Nét son muôn thuở lòng này không phai
Nước nhà hùng khí như nay
Sông Lam nguồn mạnh tuôn đầy biển Đông…
Ra đến Hà Nội, Phan Anh được dự lễ Tuyên ngôn Độc lập 2 - 9 tại Quảng trường Ba Đình. Thấy khí thế của người dân Hà Nội tin vào cách mạng tràn ngập khắp nơi nơi, Phan Anh càng thêm tin tưởng vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của quần chúng.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh báo tin cho luật sư Phan Anh rằng Hồ Chủ tịch sẽ gặp các nhân sĩ trí thức, trong đó có nhiều luật sư tại Bắc Bộ Phủ.
Có lẽ Phan Anh cũng như mọi người đều suy nghĩ: chắc đến để nghe lời huấn thị của Hồ Chủ tịch. Nhưng khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi thì Hồ Chủ tịch lại mở đầu bằng câu nói khiêm tốn: "Tôi xin được nghe ý kiến của các vị".
Trước thái độ trân trọng đối với trí thức trong buổi đầu tiên tiếp xúc, Phan Anh đã có thiện cảm ngay với con người từng mang tên Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn - Người Yêu Nước), từng bị Tòa án Nam triều và Tòa án thực dân Pháp tuyên án tử hình vắng mặt. Vì vậy, ông phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ bấy lâu vẫn ấp ủ trong lòng mình: Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Nay, để bảo vệ chính quyền, xây dựng độc lập, chống những âm mưu của những thế lực ngoại bang, thì điều chủ yếu là giữ vững đoàn kết và tăng cường đoàn kết.
Lắng nghe những lời phát biểu của Phan Anh và những nhà trí thức uy tín khác, cuối buổi họp, Hồ Chủ tịch tỏ lời tin tưởng ở lòng yêu nước của giới trí thức và động viên mọi người tham gia sự nghiệp cách mạng mới của đất nước.
Sau đó ít lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Hội đồng Kiến thiết quốc gia đồng thời đã giao cho Phan Anh nhiệm vụ thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng gồm hầu hết trí thức Hà Nội như: Phó bảng Đặng Văn Hướng, giáo sư Đào Duy Anh, kĩ sư Lê Dung, kĩ sư Hoàng Văn Đức, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, kĩ sư Nghiêm Xuân Yêm… Ông Bùi Công Trừng - một chiến sĩ cách mạng lão luyện - được cử làm Phó Chủ tịch.
*
Những ngày này ở quê nhà, cụ Phan Điện bỗng lâm bệnh nặng. Nghệ Tĩnh bắt đầu vào mùa mưa. Mưa dầm dề giăng nước đầy trời, mưa đến thắt ruột, mưa đến thối đất thối cát mà vẫn chưa chịu ngớt. Lúc này ngoài Hà Nội cũng đang đón nhận những cơn mưa lắc rắc với những hạt mưa đan chéo vào nhau. Tiếng mưa lộp độp rơi trên mái ngói ngôi nhà số 74 phố Hàng Bạc quyện cả vào mùi thơm của hoa. Những giọt nước nhỏ đọng lại trên mái ngói, rơi tí tách. Vài giọt nước mưa thấm qua cổ áo, khiến Phan Anh cảm thấy khẽ rùng mình vì cảm giác se se lạnh. Đúng lúc đó ông nhận được điện của người con cô - cậu là Võ Văn Tân báo tin: "Ông Phan Điện ốm nặng". Được tin Phan Anh cùng vợ là Đỗ Thị Thao và hai con nhỏ Long, Vân vội về quê nhưng không còn kịp nữa. Khi về đến nơi người cha, người thầy vô vàn kính yêu của ông đã nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng vào ngày 19 - 9 - 1945 (tức ngày 14 - 8 - Ất Dậu), thọ 72 tuổi.
Ánh mặt trời mùa thu lọt qua khe cửa, chiếu thẳng vào chỗ Phan Anh đang nằm. Hé mở đôi mắt, thấy chói, ông vội nhắm nghiền ngay lại. Đã lâu lắm rồi ông mới được hưởng cái yên lặng buổi sớm ở thôn quê. Nó trái hẳn với những âm thanh chát chúa và những tiếng rao quà sáng ở Hà thành.
Lát sau ông trở dậy, bước ra khỏi hiên nhà. Ông thu vào tầm mắt của mình những dải núi liên tiếp nhau của chín mươi chín đỉnh Non Hồng, nhỏn cao, nhỏn thấp, đang được tô điểm dưới ánh sáng trời thu êm dịu. Khẽ lắng tai nghe, Phan Anh còn như nghe được cả tiếng reo vui của dòng nước La Giang ở mãi tận bến Tam Soa nơi ngã ba Linh Cảm đổ về quanh co lượn theo chân núi như con rắn bạc lớn uốn mình theo nhịp đàn muôn điệu của thông và trắc thì phải. Nơi ấy, tuổi thơ của ông đã có những năm tháng gắn bó đầy yêu thương và cũng không kém phần cơ cực.
Gió heo may bắt đầu thổi, thêm một phút gió, đẩy mây lên đến ngổn ngang đầy trời.
Ngồi im trong căn nhà gỗ ở quê hương, Phan Anh bồi hồi xúc động nỗi thương cha. Trên bàn thờ cha, điếu văn của Phan Mỹ gửi về:
"Thành Hoàng Diệu ngày… Vì việc nước, mà lỗi việc nhà, mong anh linh Cha tha thứ…".
Lúc này đây, hai anh em đều phải đặt chữ Đại hiếu lên trên Tiểu hiếu. Khi từ Huế ra Bắc, ghé về Tùng Ảnh thăm cha, sức khỏe của cha đã giảm sút, nói chuyện không còn dễ hiểu nữa, nhưng lúc tiễn ra xe về Hà Nội, cha còn dặn lại ông: "Nhớ ngày 20 tháng Giêng". Việc nước dồn dập, mãi ông mới hiểu: 20 tháng Giêng hàng năm là ngày giỗ tổ họ Phan.
Nắng thu trải rộng khắp muôn vật. Từng chùm hoa ngâu, hoa sói bên hiên nhà trổ hoa phô màu non tươi vui mắt. Văng vẳng bên tai ông lúc này là lời cha căn dặn hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ:
"Trung tín hành thiên hạ / Nhân nhượng hưng quốc gia".
Đó là phương châm xử thế mà Phan Anh không bao giờ quên.
Ven dòng sông Tô, 15 - 9 - 2011
(Tác giả bài viết xin chân thành cảm ơn bà Đỗ Hồng Chỉnh, ông Phan Tân Hội đã cung cấp tư liệu để bài viết được hoàn thiện)