Thân sinh Ngô Xuân Hàm là cụ Ngô Trực Tuy và bà Phan Thị Thuận. Ông bà sinh được 4 người con, 3 gái, 1 trai, Ngô Xuân Hàm là con thứ 3 trong gia đình, nhưng là con trai độc nhất nên được cha mẹ cho học chữ Nho khá sớm. Vốn là một cậu bé thông minh, lại được cha kèm cặp, rèn dũa, sau ba năm học với cha, Ngô Xuân Hàm đã bộc lộ thiên hướng là một cậu bé ham học, khi Ngô Xuân Hàm được 8 tuổi, cụ Tuy đưa con vào Nam Đàn gửi vào nhà cử nhân Nguyễn Sỹ Hạnh, vừa học chữ Nho vừa học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Nhưng được một thời gian ngắn, vì đường xa, nhà nghèo, năm Ngô Xuân Hàm lên 10 tuổi, để tiện cho việc học tập của con, gia đình cụ Tuy chuyển cư lên xóm Lưu Mỹ, thôn Đông, làng Tràng Thành, gần chợ Dinh, vừa buôn bán vừa mở hiệu may cắt quần áo để kiếm sống. Ngô Xuân Hàm được gửi vào học trường Tiểu học Pháp Việt huyện Yên Thành.
Trong thời gian ở nhà học với cha hay đi Nam Đàn học với thầy Hạnh, đặc biệt là khi lên học ở trường Yên Thành, được các thầy giáo Trần Văn Tăng và Nguyễn Trọng Đàm, người của đảng Tân Việt dạy dỗ, Ngô Xuân Hàm được nghe kể chuyện về những tấm gương yêu nước của ông nghè Cồn Sắt (Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn), về quan Sơn phòng (phó bảng Lê Doãn Nhã), về cụ Giải San (cụ Phan Bội Châu), cụ Cử Chu (Cử nhân Chu Trạc)… Ngô Xuân Hàm thấy được cảnh nước mất nhà tan, cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta, và những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối.
Năm Ngô Xuân Hàm lên 14 tuổi, không may người mẹ qua đời, lại là năm diễn ra những cuộc đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh, thôn Đông làng Tràng Thành cũng là nơi có chi bộ Đảng lãnh đạo quần chúng biểu tình đấu tranh, thành lập thôn bộ nông, xã bộ nông.
Giữa năm 1931, Xô Viết Nghệ Tĩnh bị địch đàn áp khốc liệt. Tại Tràng Thành, nhiều người bị bắt. Cụ đồ khuyên con gắng chờ thời.
Đầu năm 1935, Ngô Xuân Hàm bắt mối liên lạc với Phan Đức Vinh, bạn học cũ, một cựu chính trị phạm mới ở tù về. Được ông Vinh bồi dưỡng, giúp đỡ, giữa năm 1935, Ngô Xuân Hàm được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và được phân công về xây dựng cơ sở đảng ở các xã phía Nam huyện Yên Thành. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có cơ sở may quần áo ở trong nhà, Ngô Xuân Hàm đã gây dựng được một số cơ sở quần chúng trung kiên của đoàn thanh niên Tân tiến Tràng Thành, Giai Lạc, Kim Thành, Yên Xá, Phúc Tăng… (Yên Thành), Bút Trận, Vạn Phần (Diễn Châu), ở trường tiểu học Pháp Việt Yên Thành. Giữa năm 1936, Ngô Xuân Hàm xây dựng được một chi bộ Đảng ở xã Tràng Thành gồm 5 đảng viên do ông làm Bí thư. Trên cơ sở 6 chi bộ mới được khôi phục, giữa tháng 12/1936, ông Lê Đình Vỹ thay mặt Tỉnh ủy Nghệ An ra Yên Thành lập ra Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện gồm 3 người do ông Phan Vinh làm Bí thư. Đầu năm 1937, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An, huyện Yên Thành tổ chức đại hội Đảng bộ huyện tại đình Đá Mọc làng Ngọc Luật (Đại Thành) để quán triệt chủ trương chuyển hướng cách mạng của Đảng, bàn biện pháp xây dựng cơ sở, phát triển tổ chức quần chúng. Đại hội đã bầu Ban chấp hành chính thức Đảng bộ huyện gồm 5 ủy viên do ông Phan Đức Vinh làm Bí thư. Ngô Xuân Hàm là một trong những uỷ viên chấp hành và được bầu là đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngày 14/4/1938, thay mặt Đảng bộ huyện Yên Thành, Ngô Xuân Hàm về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An họp tại làng Đông Chử (Nghi Lộc). Đại hội đã đánh giá công tác khôi phục đảng bộ thời gian qua và quyết nghị một số công tác quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đảng. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Đức Dương làm Bí thư. Ngô Xuân Hàm được bầu vào Ban chấp hành và được phân công phụ trách công tác thanh niên và công tác trong phân cục phía bắc, trực tiếp chỉ đạo các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn.
Một duyên may của Ngô Xuân Hàm là trong những năm 1937-1938, ông Phan Đăng Lưu sau khi ở tù ra được bổ sung vào Xứ ủy Trung kỳ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương phụ trách phong trào đấu tranh công khai hợp pháp ở Huế và cả Trung kỳ. Trong những lần về quê, Phan Đăng Lưu đã gặp gỡ các cán bộ chủ chốt trong Huyện ủy Yên Thành, trong đó có Ngô Xuân Hàm. Chính Phan Đăng Lưu đã chuyển cho Ngô Xuân Hàm nhiều tài liệu và hướng dẫn giúp đỡ Ngô Xuân Hàm trong công tác cách mạng.
Khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của các đợt khủng bố trắng sau cao trào 1930-1931, trong thời kỳ mặt trận dân chủ, Ngô Xuân Hàm đã cùng các đồng chí trong phân cục phía Bắc của Tỉnh ủy Nghệ An và Huyện ủy Yên Thành đi về các địa phương vừa xây dựng cơ sở quần chúng, vừa tổ chức cho quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức, nơi thì lấy chữ ký đòi thả tù chính trị, nơi thì đấu tranh chống hào lý phụ thu lạm bổ, đối với thanh niên thì tổ chức hội đá bóng, tổ chức tuyên truyền, sáng tác thơ ca cách mạng, đối với phụ nữ thì tổ chức gánh hàng ngày xuân bán mứt “thân ái”, bánh “tự do”, quạt “hoà bình”... Khi ông Nguyễn Xuân Hiên chuyển lên tỉnh, Ngô Xuân Hàm đã cùng với Phan Đức Vinh xây dựng được thêm một số cơ sở quần chúng thanh niên trung kiên ở các huyện, tổ chức được các cuộc biểu tình ngày 14/7/1939 ở chợ Dinh, hay dịp Đại sứ Gô-ta đi qua Diễn Châu.
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Cũng năm đó, bọn mật thám tổ chức lùng sục, bắt bớ, nhiều cơ sở Đảng bị vỡ. Nhờ khôn khéo, linh hoạt và cũng nhờ xây dựng dược một số cơ sở bí mật nên trong những ngày khó khăn nhất của phong trào, Ngô Xuân Hàm đã lên Bạch Ngọc (Đô Lương) móc nối, liên hệ với ông Trần Văn Quang (tức Thái) cán bộ còn lại của Tỉnh ủy Nghệ An, vào Hưng Nguyên tìm gặp ông Trần Mạnh Quỳ, phái viên của Xứ ủy Trung kỳ, đón ông Trần Mạnh Quỳ về Yên Thành nương náu, hoạt động. ở đây, các ông chuyển bộ phận ấn loát của Xứ ủy từ Bạch Ngọc về nhà ông Phan Đức Vinh ở Liên Trì. Để giúp cơ quan Xứ ủy, Ngô Xuân Hàm đã bàn với gia đình bán chiếc máy khâu phương tiện làm ăn duy nhất để lấy tiền mua giấy, mực in ấn. Từ cơ sở in li tô nhỏ bé này, báo “Cởi ách” các số 16, 17, 18, tài liệu “Công tác chi bộ” của Xứ ủy được in ấn và chuyển về các cơ sở Đảng ở các huyện phía bắc Nghệ An và một số nơi ở Thanh Hóa. Có lần, trong vai một thầy đồ Nghệ, Ngô Xuân Hàm cùng Trần Mạnh Quỳ đưa tài liệu vào tận Quảng Bình, Quảng Trị. Nhờ những hoạt động này mà các đảng viên và quần chúng ở các cơ sở Đảng như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin tiếp tục hoạt động.
ở Vạn Phần, Ngô Xuân Hàm thường đi về nhà ông Hồ Vinh, một cựu hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội, người đã bất chấp nguy hiểm, giành từng củ khoai, bơ gạo nuôi dấu cán bộ. Khi ông Hồ Vinh không may bị bệnh nặng qua đời, lúc mới 46 tuổi, Ngô Xuân Hàm đã làm đôi câu đối viếng: “Mấy năm trời nửa chín nửa xanh, xa xôi mặt nước chân mây, cay đắng đủ trăm chiều, xương trắng dẫu mòn lòng vẫn đỏ.
Bốn mươi sáu không già không trẻ, cách lế sông Dềnh lạch Vạn, âm dương đùng một chốc, bạn vàng nay đã khuất rừng xanh”
Cơ sở đảng và tổ chức quần chúng vừa mới được khôi phục, thì lại gặp một tổn thấn lớn. Do sự phản bội của một cán bộ giao thông của Xứ ủy, đêm 18/1/1941, bọn mật thám kéo về bao vây bắt các đồng chí cơ quan ấn loát báo “Cởi ách” ở làng Liên Trì. Hai hôm sau, trên đường từ chợ Sy về Yên Thành, Ngô Xuân Hàm bị địch phát hiện, chạy xuống bàu Dền lẩn trốn cũng bị chỉ điểm, phải sa vào tay giặc. (Tên chỉ điểm sau vụ này được tặng bằng Cửu phẩm văn giai - nhân dân gọi là Cửu chọc).
Ngô Xuân Hàm bị bắt khi người vợ mới sinh đứa con đầu lòng, nhà cửa bị lính đồn lục soát, em gái út là Ngô Thị Bồn cùng 2 người em con chú là Ngô Trực Trầm, Ngô Đức Hùng cũng bị bắt giải về huyện đường. Tuy gia cảnh ngặt nghèo nhưng với ý chí và bản lĩnh của người lãnh đạo, ông đã kiên trì chịu đựng những đòn tra tấn của bọn mật thám ở nhà lao Yên Thành, nhà lao Vinh. Biết được Ngô Xuân Hàm là một cán bộ lãnh đạo quan trọng của Tỉnh ủy Nghệ An, toà án Nam Triều đã kết án 15 năm khổ sai và đày vào nhà lao Ly Hy (Thừa Thiên), được ít lâu chúng chuyển lên nhà lao Ban Mê Thuật.
Tại nhà tù Ban Mê Thuật, Ngô Xuân Hàm tham gia sinh hoạt Đảng trong chi bộ nhà tù, tổ chức học tập văn hoá, chính trị, tổ chức những cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Ông đã sáng tác thơ ca để động viên các bạn tù giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng của Đảng.
Tháng 6 năm 1945, trước khí thế đấu tranh của phong trào Việt Minh phát triển mạnh khắp cả nước, cùng với hơn 400 tù chính trị ở nhà lao Ban Mê Thuật, Ngô Xuân Hàm được trả lại tự do. Trước ngày ra tù, có một số bạn tù gợi ý đề nghị đồng chí về tham gia lãnh đạo Việt Minh ở thành phố Tua ran (Đà Nẵng) nhưng đồng chí xin được về Nghệ An hoạt động.
Trở lại quê hương trong hoàn cảnh nạn đói đang hoành hành, người chết đói nằm la liệt dọc đường cái quan, Ngô Xuân Hàm bị sốt rét ngã nước, bị đau mắt đỏ nhưng khi cơn sốt vừa cắt, ông đã tìm gặp ông Chu Văn Biên để tìm hiểu tình hình. Vốn đã biết nhau từ nhà tù Ban Mê Thuật, Ngô Xuân Hàm được ông Chu Văn Biên tin tưởng, giao trách nhiệm phối hợp với các cựu chính trị phạm đã được ra tù trước, nhanh chóng móc nối với các cơ sở xây dựng lực lượng tự vệ cách mạng, tuyên truyền 10 chính sách của Việt Minh, tổ chức cứu đói cho dân… chuẩn bị mọi điều kiện khi thời cơ đến khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 8/8/1945, đồng chí Ngô Xuân Hàm được cử đi dự Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh tại làng Châu Sơn (Hưng Nguyên). Tại đại hội này, Ngô Xuân Hàm được lãnh đạo Việt Minh tỉnh giao trách nhiệm lãnh đạo khởi nghĩa ở Yên Thành.
Trên đường từ Hưng Nguyên về Yên Thành, Ngô Xuân Hàm ghé qua nhà chị Nguyễn Thị Nhã thì nhận được tin phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thời cơ khởi nghĩa đã đến, Ngô Xuân Hàm nhanh chóng về Yên Thành gặp gỡ các đồng chí trong Việt Minh huyện phổ biến chủ trương của tỉnh, nhanh chóng toả về các làng xã. Ngô Xuân Hàm nhận trách nhiệm là người chỉ huy chung đồng thời trực tiếp phụ trách tổng Quỳ Trạch.
Từ Yên Thành, ông xuống Diễn Châu, liên hệ với các đồng chí ở đây phối hợp tổ chức các đội tuyên truyền gây thanh thế cho Việt Minh hai huyện và chuẩn bị xây dựng căn cứ hoạt động của Diễn Châu ở vùng núi phía Tây bắc Yên Thành. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đoàn thể Việt Minh đã được xây dựng hầu khắp ở các tổng xã. Đêm 21/8, Việt Minh Yên Thành tổ chức hội nghị tại làng Xuân Tiêu (Hợp Thành) để bầu ra ủy ban khởi nghĩa. Ngô Xuân Hàm được cử làm Trưởng ban khởi nghĩa huyện.
Sáng ngày 25/8/1945, trước hàng vạn quần chúng và tự vệ cách mạng, tại sân huyện đường Yên Thành, thay mặt ủy ban khởi nghĩa, Ngô Xuân Hàm bắn ba phát súng lệnh, sau đó đứng lên tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện gồm 9 ủy viên, do Ngô Xuân Hàm làm Chủ tịch.
Tháng 10 năm 1945, ông Nguyễn Xuân Linh thay mặt Xứ ủy Trung kỳ về triệu tập cuộc họp tại nhà Ngô Xuân Hàm để thành lập Huyện ủy lâm thời gồm 3 đồng chí. Ngô Xuân Hàm được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Cùng một lúc vừa làm Bí thư vừa làm Chủ tịch, công tác Đảng, công tác chính quyền, vừa tổ chức chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Ngô Xuân Hàm đã thể hiện vai trò người chỉ huy gương mẫu, trách nhiệm. Nhân dân và cán bộ Yên Thành vẫn nhớ mãi hình ảnh vị chủ tịch đầu tiên khi lội bộ ra đồng, khi cưỡi con ngựa tía đi về các làng đốc thúc tăng gia sản xuất, dự các buổi mít tinh tiễn thanh niên vào vệ quốc đoàn.
Ngày 3/11/1946, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An tổ chức tại làng Yên Dũng, Ngô Xuân Hàm được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Sau đó một tháng, Ngô Xuân Hàm được điều lên tỉnh nhận công tác đảng vụ (công tác tổ chức). Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 6/1/1948, Ngô Xuân Hàm được bầu làm Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và cùng với Ban chấp hành lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nghệ An, xây dựng Nghệ An thành hậu phương, vùng địa bàn chiến lược cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường.
Từ năm 1949 đến năm 1958, đồng chí trúng cử vào Ban chấp hành Liên khu ủy IV và liên tục được giao nhiều công tác quan trọng: Phó ty Công an Liên khu IV, Trưởng Ban đảng vụ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Trưởng Ban thanh tra chính quyền, Chánh án toàn án Liên khu.
Được sự chỉ đạo và gần gũi với những người bạn, người đồng chí như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Biên, Võ Thúc Đồng, Ngô Xuân Hàm vừa công tác vừa học tập, vừa tự rèn luyện trong thực tế cách mạng sôi động của công cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã góp phần xây dựng khu IV thành một hậu phương chiến lược vững chắc, đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc.
Sau khi Trung ương có chủ trương giải thể Liên khu, Ngô Xuân Hàm được điều ra Hà Nội và được Trung ương cử giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng - ủy viên viện Công tố Trung ương, Vụ trưởng kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chuyên viên bậc cao Ban pháp chế Trung ương, Chánh toà phúc thẩm, Chánh thanh tra toà án nhân dân tối cao.
Trên những cương vị công tác ấy, ông luôn tỏ rõ bản lĩnh của người cộng sản: trung thực, tận tuỵ, liêm khiết. Năm 1978, ông được nghỉ hưu. Trong những năm cuối đời, ông thường về quê hương giúp Tỉnh ủy Nghệ An và huyện Yên Thành xác minh, bổ sung tư liệu biên soạn các cuốn lịch sử địa phương. Ông còn dành một phần lương hưu của mình để gửi về tặng quỹ khuyến học quê hương. Đồng chí thường nói “quê hương là gốc rễ, nguồn cội. Chúng tôi dù có làm ăn ở đâu cũng chỉ là hoa trái của quê hương”.