Cá thể người là tế bào làm nên các hình thái cộng đồng xã hội. Muốn có các hình thái cộng đồng xã hội khỏe tất yếu phải có các tế bào khỏe. Trong thực tiễn lịch sử của các khu vực, các quốc gia trên thế giới, trình độ nhận thức về con người cá thể là không đồng đều. Nước ta thuộc trường hợp chậm nhận thức về con người cá thể. Mãi đến trong văn học cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, con người cá thể mới chớm xuất hiện và khá xinh xắn. Nhưng sau đó, đất nước bị xâm lăng, nó đã phải nhường chỗ cho cái Ta là số phận dân tộc. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một khi giai cấp tư sản dù bị chế độ thuộc địa chi phối, kìm hãm nhưng cũng đã hình thành thứ con người cá thể (cái Tôi) có mặt lại và có sinh khí nhất định. Cách mạng thành công (8 - 1945), chưa gì đất nước đã phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Do đó, cái Tôi lại phải nhường chỗ cho cái Ta, là số phận dân tộc. Còn hôm nay, trong hoàn cảnh đất nước được hòa bình, cuộc sống đã trở lại bình thường, thì cái Tôi có mặt lại khá rôm rả và không phải không có ý nghĩa tích cực nhưng cũng kèm theo không ít sự láo nháo, đáng buồn. Mà nguyên nhân chính là vì cho tới hôm nay, ở nước ta, nói chung chưa có sự tường minh thực sự về vấn đề con người cá thể. Vẫn có hiện tượng né tránh, ít nhiều sợ nói đến cái Tôi, đến con người cá thể do có sự lẫn lộn, không phân biệt được hai khái niệm: con người cá thể (L’ individu) và chủ nghĩa cá nhân (L’ individualisme) vốn cùng chung một đối tượng nhưng lại đi theo hai hướng: nhân bản và phi nhân bản. Điều mà cuộc sống cần và phải cầu nguyện cho nó sớm có mặt được ngày nào là đất nước được nhờ ngày ấy là hướng nhân bản. Còn với hướng phi nhân bản thì dĩ nhiên là tiêu diệt được nhiều chừng nào lợi cho đất nước chừng ấy(1).
Trong vấn đề con người cá thể, có hai nội dung cơ bản. Đó là quyền sống của cái Tôi đi đôi với việc phát huy tinh lực của cái Tôi để vừa có lợi cho cá nhân vừa có lợi cho đất nước, cho xã hội. Để phát huy được tinh lực cá thể người trước hết phải xử lý đúng đắn vấn đề tư duy cá thể. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, Descartes - triết gia của nước Pháp ở thế kỷ 17, là người đầu tiên phát hiện ra chân lý Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại (Je pense donc je suis). Có nghĩa là cái Tôi (cá thể người) chỉ có ý nghĩa tồn tại thực sự so với muôn loài khi mà Tôi có tư duy, được tư duy. Ngược lại, không có, hoặc có mà không được tư duy thì coi như cái Tôi không tồn tại, giữa cái Tôi và muôn loài chẳng khác gì nhau. Tất nhiên, tư duy cá thể được nói ở đây là để tự phát triển cá thể và góp phần phát triển xã hội một cách chân chính, chứ không phải tư duy cá thể để rồi nghĩ bậy nghĩ bạ dẫn đến hành động bất lợi cho xã hội. Ở nước ta, vấn đề này là thế nào? Phải thẳng thắn mà nói rằng đây là chỗ yếu kém của chúng ta. Ở ta, trên bình diện xã hội mà nói, chủ yếu là thuộc tư duy cộng đồng. Dĩ nhiên trong đó có mặt chân chính cần thiết với cuộc sống. Nhưng mặt trái của vấn đề tư duy cộng đồng cũng không nhỏ. Tình trạng nói theo thời, nói theo kiểu dựa dẫm vào nhau, trên bảo sao nghe vậy, nói mà không có chủ kiến riêng, tình trạng bao cấp về kinh tế kéo theo sự bao cấp về tư tưởng, quả là một tai hại lớn, kìm hãm sự phát triển đất nước. Hôm nay, không bao cấp về kinh tế nữa nhưng sự bao cấp về tư tưởng thì đâu đã dễ thoát khỏi một khi mà văn hóa đối thoại, văn hóa phản biện, nói chung là vấn đề dân chủ xã hội chưa được giải quyết thấu đáo, vấn đề nhà nước pháp quyền đang là vấn đề phải phấn đấu một cách vất vả chứ không đơn giản chút nào. Trong phạm vi nhà trường, tình trạng thầy cô giáo cứ một bề thuyết giảng, còn trò chỉ nghe và ghi chép để về nhà học thuộc, sau đó cứ thế mà làm bài theo kiểu chép đúng nguyên si những gì thầy cô đã thuyết giảng, mà gần đây đã bị lên án nhưng cũng không dễ gì khắc phục được, một khi mà cả xã hội chưa có truyền thống tư duy cá thể. Trong nhà trường đã có khẩu hiệu phát huy khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh, nhưng thực tế chưa có kết quả gì đáng kể là bởi tình trạng chung đó của đất nước. Cần nói dứt khoát rằng, chừng nào mà đất nước chưa giải quyết được vấn đề tư duy cá thể thì chừng đó đừng nói đến sự phát triển nhanh chóng và vững chắc, đừng hy vọng đất nước tự mình đào tạo được những tài năng có thể đoạt giải Nôben. Thử khách quan nghĩ mà xem, Giáo sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng Field là do đâu mà có. Riêng về giáo dục, chừng nào chưa giải quyết được vấn đề tư duy cá thể thì cũng đừng nói đến chất lượng cải cách giáo dục một cách thực chất(2).
II. Nguyễn Trường Tộ - sự lên ngôi của tư duy cá thể
Từ hướng đi mới là nghiên cứu tư duy như trên, tôi xin khẳng định: ở Nguyễn Trường Tộ là sự lên ngôi của tư duy cá thể. Hẳn là có vị đã biết, năm 2008, trong dịp kỷ niệm 180 năm sinh Nguyễn tiên sinh, tôi đã có bài viết với nhan đề Nguyễn Trường Tộ - nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở nửa sau thế kỷ XIX được Nguyệt san Công giáo và dân tộc, cơ quan của Ủy ban đoàn kết công giáo thành phố Hồ Chí Minh đăng trên số 168 tháng 12 - 2008 gồm 30 trang. Nhưng sau đó tôi đã bị ông Bùi Kha ở hải ngoại chê bai thậm tệ, bởi cứ theo ông thì Nguyễn Trường Tộ là một tay sai của thực dân Pháp và có tài lừa cả nước mà đến nay vẫn không một ai, chỉ ông mới là người nhận biết. Trước thái độ đó của ông Bùi Kha, tôi chủ trương im lặng vì nghĩ rằng từ trăm năm qua đã có không biết bao nhiêu bậc cao minh cao kiến, từ nhà đại ái quốc Phan Bội Châu đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm việc tôn vinh Nguyễn Trường Tộ. Tôi chỉ là người đến sau, góp thêm một tiếng nói mà tự mình tin là nghiêm túc, có căn cứ. Thế thôi. Không cần gì phải đối thoại lại. Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 140 năm ngày mất của Nguyễn tiên sinh, tôi viết bài này chính là một cách muốn tìm thêm đến cái gốc rễ tư duy đã sản sinh ra nhà thiết kế vĩ đại đó là thế nào.
Đến với vấn đề này vốn không dễ chút nào, một câu hỏi phải đặt ra để trả lời là căn cứ vào đâu để nói Nguyễn Trường Tộ là sự lên ngôi của tư duy cá thể? Xin thưa: trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng, về phương pháp luận, đã cho phép nói đến hai trạng thái tồn tại của tư tưởng là hữu ngôn và vô ngôn. Hữu ngôn là trường hợp tác giả đã tự nói về tư tưởng của mình. Vô ngôn là trường hợp tác giả làm mà chưa nói, do đó, hậu thế có thể căn cứ vào hành động của tác giả mà nói lên tư tưởng của tác giả. Ví dụ trường hợp vua Quang Trung trên phương diện quân sự. Thì đúng là không để lại tác phẩm quân sự như Trần Hưng Đạo ngày trước nhưng căn cứ vào những gì Ngài đã làm trong các chiến dịch đánh Đông dẹp Bắc, điều binh khiển tướng, bách chiến bách thắng đó, ta có thể nói đến tư tưởng quân sự siêu việt của Ngài. Đối với Nguyễn Trường Tộ, có thể áp dụng cả hai phương pháp hữu ngôn và vô ngôn. Hữu ngôn là bởi chính Nguyễn Trường Tộ trong bài Trần tình đã nói: “Tôi bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi nhưng hoài bão và việc làm của tôi có chỗ khác hơn người… Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt dành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay, nước chảy. Vả lại, tôi cũng không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài (tiền tài) sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lại theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người…” Rõ ràng từ tư thế đó, từ ý thức đã có phần tự giác đó, Nguyễn Trường Tộ là sự lên ngôi của tư duy cá thể phù hợp với những gì thuộc lý thuyết đã nói ở trên mà sau đây là sự chứng minh.
Trước hết và cũng là điều cốt lõi nhất của vấn đề là ở khả năng tư duy cá thể trong việc tìm ra lời giải đáp hay nhất, có chất lượng nhất cho bài toán khó nhất chưa từng có trong lịch sử của đất nước, ở đương thời. Nội dung bài toán là: đất nước đã bị một kẻ thù xâm lược nhưng khác những kẻ thù xâm lược ngày trước ở chỗ không phải là chuyện phong kiến nước lớn bắt nạt phong kiến nước nhỏ trong phạm vi khu vực mà lại là trường hợp một nước trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa với khả năng “một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa đã tạo ra một khối lượng của cải bằng hàng năm phong kiến cộng lại” (Mark- Engels, Tuyên ngôn cộng sản), nghĩa là hơn hẳn một phương thức sản xuất so với Việt Nam đang thuộc phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu, tắc tị. Đã thế, chuyện thực dân Pháp xâm lược Việt Nam không chỉ là chuyện một nước xâm lược một nước mà còn là chuyện phương Tây trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa giàu mạnh áp đảo phương Đông cổ lỗ, nghèo nàn. Bài toán khó này đã được chính vua Tự Đức nêu lên trong chế sách thi Đinh năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862) để yêu cầu các thí sinh cao cấp hiến kế. Chế sách có đoạn viết: “… Nam kỳ thì giặc Tây lấn cướp. Bắc kỳ thì bọn phí lăng loàn. Đánh dẹp chưa ngớt, khuya sớm không yên. Tuy rằng trong triều còn có người lão thành mà sức chẳng theo lòng. Ngoài quận còn có quan lại giỏi mà chưa thật xứng đáng, làm cho quân mệt của thiếu, năm tháng chồng thêm. Trong, không thể sửa sang. Ngoài, không thể đánh dẹp. Chỉ có lo lắng làm cho già nua. Đã bao lần hạ chiếu cầu hiền, mở rộng đường nói. Khốn nỗi tài thực chưa thấy, chước hay chưa nghe. Như qua sông lớn, ai người chèo lái? Vỗ đùi than thở, chốc lát khôn quên. Vả chăng, đời nào chẳng sinh người tài, trong ấp mười nhà ắt có người trung tín. Cho nên trẫm mời rộng các vị sĩ phu, khiêm tốn nghe lời kỳ dị… Cùng với ba chước ngự nhung, chẳng qua là giữ, đánh, hòa, ba phương pháp ấy mà thôi. Nhưng có lúc lợi cho chỗ này mà không lợi cho chỗ khác. Có việc hợp với đời xưa mà không hợp với đời nay. Thế thì cái cơ trị loạn đều do người làm nên mà xét trong kinh sử lại có nhiều chỗ khác nhau, giống nhau… Cho nên, trẫm mong được nghe lời phải ngay, may ra giải được cơ nguy hiểm… Hãy vì trẫm mà trình bày hết cái lẽ trị loạn qua các triều đại, cái lý do vì sao chính sự khi sai khi đúng và các điều quan yếu hiện nay về các mặt tiêu tai, giẹp loạn, trị binh, chọn tướng, tiến hiền, yên dân, chống giặc... cốt sao cho sát với sự cơ, có thể bổ ích cho thực dụng. Để rồi, trên nhờ mệnh trời dài lâu, dưới thỏa tâm tình quần chúng, nước nhà được trị yên dài lâu...”(3).
Một vị đình thí sau đó được lấy đậu Hoàng Giáp là Nguyễn Hữu Lập, quê huyện Nam Đàn, Nghệ An, trong bài đối sách đã có đoạn viết: “Thần trộm nghĩ rằng nước ta với giặc Tây vốn chẳng có hiềm khích gì. Thế mà ba bốn năm lại đây, nó xâm lược ven biển của ta. Bắt đầu sinh sự ở Quảng Nam, tiếp đó, cướp phá ở Gia Định. Lấy lý mà nói, nó cong mà ta thẳng... Đức Hoàng thượng ta mấy lần sai tướng xuất quân, khi phòng ngự, khi ngăn chặn, hai phương sách đánh và giữ, nhà vua đã nắm được điều hơn rồi. Tuy rằng có người nêu lên thuyết bàn hòa, mà ý của Hoàng thượng chưa hề cho là phải. Cho nên, giản hoặc có giấy tờ qua lại với nó thì việc điều khiển binh lương vẫn phải như trước. Có lúc đón tiếp sứ thần của nó thì mệnh lệnh sai bảo các tướng hiệu vẫn không trễ tràng, coi như là sắp đuổi nó ra khỏi bờ cõi, phải đâu muốn cùng nó hòa hảo, là điều đã sai với cơ nghị lại trái với tình lý đó ru!... Thần đây dại dột cho rằng, chúng ta một mặt nên trau chuốt lời văn giao thiệp mà một mặt sách lược tự trị phải cho nghiêm ngặt. Chỉ có hai điều đó mà thôi…”(4).
Đáp án của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập quả có hạt nhân hợp lý. Nhưng chỉ là một ý tưởng đơn sơ, buổi đầu. Còn vua Tự Đức, về sau cũng có đáp án với những lời lẽ như sau: “Sáu tỉnh Gia Định cách tuyệt với triều đình. Trong tình thế ấy, quan văn đành bó tay, tướng võ cũng thoái chí. Người phá giặc Ân ở Vũ Ninh là Đổng Thiên Vương đến nay đã vắng. Người bắt giặc Nguyên ở sông Bạch Đằng là Trần Hưng Đạo, bây giờ còn đâu. Thánh Tản Viên không còn nữa, ai vì ta hát khúc khải hoàn? Nữ thần Cát Bà(5) cũng vắng biệt, ai vì ta dâng Cáo Bình Ngô? Ví bằng đánh mà không thể thắng được, chẳng thà không đánh còn hơn. Trẫm đã nghĩ kỹ rồi, giao cho các đại thần trong triều, họ Trần, họ Ngụy (Tiễn Thành và Khắc Đản) chủ mưu, họ Hoàng họ Phạm (Kế Viêm và Văn Tuấn) bàn phụ. Trẫm tính chữ hòa có thể là quốc kế của ta được”(6).
Với đáp án này, thực tế vị vua cầm đầu vận nước đã đưa đất nước đến đâu và trách nhiệm của ông trước lịch sử dân tộc là thế nào thì đã rõ. Còn đây là đáp án của văn thân bốn tỉnh vùng Nghệ An: “Thế mà Gia Định bỗng gặp giặc phải báo cấp, nhưng triều đình lại không để ý đến biên phòng. Lúc bấy giờ kẻ mưu thần nghiến răng, người tráng sĩ dựng tóc, tấm lòng muốn đánh ai cũng như ai. Đổng Thiên Vương đã mất nhưng trong thiên hạ thiếu gì người như Đổng Thiên Vương. Trần Hưng Đạo đi đâu, chứ trong thiên hạ còn nhiều người như Trần Hưng Đạo. Thánh núi Tản Viên không ở đây, nhưng sáu thao ba lược rất nhiều bậc làm tướng tài. Thần nữ Cát Bà đã vắng rồi nhưng bốn chính tám kỳ, không hiếm người cầm quân dũng cảm. Trong khoảng mười bước, còn ba ngàn cỏ thơm, rộng như đất hai kỳ há lại thiếu người tài lạ. Ví phỏng trên miếu đường nghe theo trí dũng, ngoài cương trường mưu tính kịp thời, thì với vài vạn quân của Phạm Lãi, ba nghìn phép trận của Hàn Kỳ, lấy trung tín làm gươm đao, bọn Tây Hạ, Bắc Liêu đâu còn dám chống lại, lấy nhân nghĩa làm súng đạn, đất U, Kế, Ngân, Hạ khôi phục có khó gì…”(7). Đáp án này đã thể hiện đầy đủ truyền thống khí phách anh hùng chống ngoại xâm, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc, không chỉ của riêng văn thân vùng Nghệ An mà cả phong trào chống Pháp của dân tộc nói chung trong đó có phong trào Cần vương ở nửa sau thế kỷ XIX. Nhưng thực tế đã thất bại cũng là điều dễ hiểu, mặc dù khí phách anh hùng đó thì muôn đời vẫn là niềm tự hào, vẫn là một vốn quí trong kho báu tinh thần của dân tộc. Đây nữa là đáp án của các nhà duy tân mà Nguyễn Lộ Trạch là một tên tuổi quen thuộc. Ông đã dâng bản Thời vụ sách thứ nhất đề nghị triều đình bằng con đường tự cường tự trị, chăm lo việc phòng ngự, cảnh giác với thủ đoạn hòa hiếu của giặc Pháp. Viết Thời vụ sách thứ hai nêu lên những đề nghị cải cách cần thiết đối với đất nước bấy giờ. Đáp án này dĩ nhiên là có nhiều ý nghĩa tích cực nhưng mới là một số ý chính, còn sơ lược và ít nhiều cũng còn phiến diện.
Và đây nữa là đáp án của một số người mà tiên phong là Trương Vĩnh Ký để sang đầu thế kỷ XX có người tiếp nối đắc lực là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… Trương Vĩnh Ký không chống Pháp, được sự đào tạo chu đáo của Giáo hội, cộng tác gắn bó với thực dân Pháp đến nỗi về sau bị một khuynh hướng coi là tay sai của kẻ thù. Nhưng thực tế, chính ông là người với tư cách một nhà bác học, đã tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa văn hóa Việt Nam. Ngày nay, người Việt Nam ta hàng ngày viết câu văn xuôi tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ, đọc báo này báo nọ, giở tra từ điển này khác… hỏi ai là người khai sinh ra các thứ đó, nếu không phải là cụ Tổ Trương Vĩnh Ký. Nhưng ở đây thử đặt vấn đề rằng, trong khi thực dân Pháp xâm lược đất nước, không có phong trào chống Pháp xâm lược một cách bi hùng, bi tráng như đã có dù thất bại, mà chỉ một cách như họ Trương đã làm và cần được ghi công, thì đất nước sẽ là thế nào? Đúng là cuộc sống đất nước lúc này phải có trăm phương ngàn kế trong đó sẽ có kế thành công, có kế thất bại. Nhưng không có trăm phương ngàn kế thì chưa chắc đã có gì. Chúng ta biểu dương đáp án của những người như họ Trương phải từ thực tiễn phức tạp đó của sự sống đất nước.
Cuối cùng, đáp án của Nguyễn Trường Tộ là những gì tôi đã trình bày trong bài viết Nguyễn Trường Tộ - nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở nửa sau thế kỷ XIX. Xin nói ngay, đây mới là nhà thiết kế mà chưa được làm nhà thi công bởi lịch sử chưa cho phép. Chứ giá gì có được hoàn cảnh như nước Nhật để có một cuộc Minh Trị duy tân trên đất nước Việt Nam với vai trò Tổng công trình sư Nguyễn Trường Tộ thì hôm nay nước ta đã là thế nào rồi nhỉ. Sự trớ trêu, éo le, cái bi kịch đến như định mệnh của lịch sử là vậy. Trong khi mệnh danh Nguyễn Trường Tộ là nhà thiết kế vĩ đại, tôi đã nhìn thấy ở Nguyễn tiên sinh do có sự lên ngôi của tư duy cá thể mà thành ra có sự khác người như tiên sinh tự nói. Khác người trước hết là khác về tư duy để từ đó mà sẽ khác về việc làm. Vậy khác là thế nào? Khác ở chỗ có cách giải tối ưu nhất trước bài toán khó nhất của lịch sử. Đúng thế! Với đáp án của triều đình đứng đầu là vua Tự Đức thì sự mất nước là điều đã rõ. Với đáp án của các nghĩa sĩ Cần vương thì cao cả nhưng thất bại như trên đã nói. Với đáp án của đường lối duy tân đơn thuần thì cũng là vô hiệu do lịch sử không cho phép nhưng cũng chính do tính phiến diện của đường lối. Với đáp án của Trương Vĩnh Ký thì cũng là phiến diện, trong khi đáng ra là phải được kết hợp với cuộc đấu tranh chống xâm lược mới thực sự có kết quả tối đa. Thành quả của Trương Vĩnh Ký là lớn nhưng vẫn chủ yếu trên một số vấn đề thuộc văn hóa, chứ đâu đã có gì đáng kể về tư tưởng và xã hội. Trong khi đáp án của Nguyễn Trường Tộ quả là toàn diện hơn hẳn. Dĩ nhiên là mới trên phương diện lý thuyết. Trong thực tế, Nguyễn Trường Tộ có làm việc cho thực dân Pháp nhưng là để có điều kiện tìm biết nó để mách cho triều đình hiểu địch để đối phó với địch. Như thế không phải là lợi hơn so với tình trạng không nắm được nhiều tình hình địch sao? Chưa nói Nguyễn tiên sinh còn là người trực tiếp bàn mưu định kế đánh Pháp giành lại Nam kỳ. Và trong khi người chống Pháp thì không duy tân, người duy tân thì không chống Pháp. Còn Nguyễn Trường Tộ thì trên phương diện thiết kế, ít nhiều đã có cả hai, vừa duy tân vừa chống Pháp. Mà duy tân thì cũng là toàn diện, phong phú, sâu sắc hơn ai hết. Chẳng phải vì thế mà hậu thế có người mệnh danh tiên sinh là “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”. Riêng nhà đại ái quốc Phan Bội Châu thì mệnh danh là “người gieo mầm cho sự khai hóa”. Mà xét cho cùng, tất cả là nhờ có một tư duy cá thể trên tầm thời đại. Trên tầm trong việc tìm ra đáp án tối ưu cho bài toán khó vô cùng khó của thời đại như đã nói. Trên tầm trong việc tìm ra khả năng kết hợp hai mặt đối lập theo hướng có lợi cho đất nước mà với người khác thì không thể kết hợp. Trên tầm trong việc xử lý một lúc cả hai qui luật của cuộc sống là độc lập (L’indépendent) và phụ thuộc lẫn nhau (L’interdépendant) mà với người khác thì chỉ là thế này mà không thế khác. Trên tầm trong khả năng nhận biết vừa là những vấn đề vĩ mô, khái quát rộng lớn vừa là những hiện tượng vi mô, nhỏ nhặt của sự sống mà với người khác thường được mặt này thì kém mặt khác. Trên tầm trong khả năng tạo cho mình một không gian tư duy toàn cầu, một thời gian tư duy toàn cầu vốn liên quan trực tiếp đến trình độ văn hóa mà đương thời với trình độ của đất nước còn là của hiếm. Trên tầm trong khả năng tư duy để tạo được nội dung chủ đề mình đeo đuổi một cách phong phú, có hệ thống bề thế và chính đáng. Trên tầm trong khả năng tư duy tích hợp (L’ intégration) mang tính hiện đại của thế giới để nâng cao hiệu quả nếu được hành động. Trên tầm trong khả năng tư duy so sánh, lựa chọn để được hành động thì kết quả sẽ cao hơn cho cuộc sống… Đúng là “Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế” như có người đã mệnh danh và là hiện tượng đột khởi, hiếm hoi của đất nước ở đương thời. Để kết thúc bài viết, không thể không nói thêm rằng: sự lên ngôi của tư duy cá thể ở Nguyễn Trường Tộ có được vẻ vang như thế là bởi có điểm tựa là một nhân cách cao cả, một tấm lòng yêu nước kính chúa hòa quyện, làm gương sáng cho muôn đời. r
Chú thích:
(1) Xem: Nguyễn Đình Chú - Vấn đề “ngã” và “phi ngã” trong văn học Việt Nam thời trung đại. In lại trên Viet-studies số ra ngày 11-5-2011
(2) Xem: Nguyễn Đình Chú - Trí thức và vấn đề tư duy. In lại trên Viet- studies số ra ngày 7-10-2010
(3) Lời dịch của Nguyễn Đức Vân
(4) Lời dịch của Nguyễn Đức Vân
(5) Thần Cát Bà: tức bà chúa Liễu Hạnh, quê làng Vân Cát, huyện Vũ Bản, Nam Định
(6) Xem: Tờ tấu của văn thân bốn tỉnh vùng Nghệ An, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học,1970, tr 410.
(7) Xem: Chiếu Tự Đức dụ văn thân, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học, 1970, tr414.