Các bản Kiều đã in ấn có thể chia thanh hai loại là bản Nôm và bản chữ Quốc ngữ, trong các bản Nôm còn chia thành bản Kinh và bản Phường còn các bản chữ Quốc Ngữ có thể chia làm các bản trước Cách mạng 1945 và các bản sau Cách mạng.
Bản Nôm thuộc lớp đầu là Kim Vân Kiều tân truyện của Phạm Quý Thích cùng thời với Nguyễn Du in khắc vào năm 1830 nhưng đã thất lạc. Sau còn nhiều bản Kiều Nôm khác như Thanh tâm tài tử 1830 (có Tổng thuyết của vua Minh Mệnh), Đoạn trường tân thanh 1871 (có bài Tổng từ vua Tự Đức), bản này sau được gọi là bản Kinh gốc. Các nhà sách ở Hà Nội như Liễu Văn Đường, Quan Văn Đường, Phúc Văn Đường v.v… đều có in ấn những bản Kiều Nôm trong đó đáng chú ý có bản Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu (soạn theo bản Kinh), Quan Văn Đường in ấn (1902 – Thành Thái), bản Kim Vân kiều tân tập cũng Quan Văn Đường in (1906 - Thành Thái).
Bản Kiều Quốc ngữ đầu tiên có lẽ là bản Kim Vân Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký (1875), Nguyễn Văn Vĩnh biên soạn Kiều năm 1912, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim có Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long thư quán Hà Nội xuất bản (1927). Nói chung đã có tới trên 40 văn bản Truyện Kiều được phát hiện trong đó có nhiều học giả soạn Kiều bằng chữ Quốc ngữ như Bùi Khánh Diễn, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Kim Chỉ, Nguyễn Can Mộng, Hồ Đắc Hàm, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim v.v… (trước Cách mạng).
Về văn bản học, các nhà biên khảo đều mong khôi phục lại diện mạo chân thực của tác phẩm, các phần hiệu đính và khảo dị chính là nhằm mục đích đó. Đó là phương pháp so sánh để phân biệt đúng sai nhằm tìm ra chân lý, đặt ra trước bạn đọc một bản Kiều mà nhà biên khảo cho là sát hợp với nguyên tác hơn cả.
Trong số các nhà khảo cứu biên soạn Kiều có Tản Đà nhà Nho và nhà thơ. Vào cuối đời, Tản Đà đã biên khảo một quyển Kiều góp thêm một bản văn Kiều vào danh mục các công trình biên khảo Kiều soạn bằng chữ Quốc ngữ.
Quyển Vương Thúy Kiều của Tản Đà nguyên là một di cảo, sau khi nhà thơ qua đời, gia đình tìm thấy bản thảo trong một chiếc bồ, mới đưa cho ông Vũ Đình Long, chủ nhân Nhà xuất bản Tân Dân trong một buổi ông tới thăm gia đình. Bản thảo này mất hẳn trang cuối, còn lại đều được đầy đủ gồm có lời tựa, phần “Nguyễn Du tiên sinh tiểu truyện” và “Mấy lời nói về thể lệ trong quyển” rồi đến phần soạn Kiều đề là Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, nhà xuất bản Tân Dân in và phát hành vào năm 1941, tới 1952 Nhà xuất bản Hương Sơn đã in lại.
Cũng như các bản Kiều khác, bản Kiều của Tản Đà cũng có hiệu đính, có chú giải, nhưng phần đặc sắc của bản Kiều Tản Đà chính là ở các lời bình văn, bình luận về văn chương, về từ ngữ, giúp người đọc thưởng thức sâu hơn về tác phẩm, nhận thức thâm thúy về giá trị văn học của Truyện Kiều - Nguyễn Du.
Với câu “Phong tình có lục còn truyền sử xanh”, Tản Đà viết: “Phong tình có lục nghĩa là có cái bản truyện phong tình, chữ có (Bản Triều Nguyễn Thạch Giang (1973) viết là cổ, bản Bùi Khánh Diễn (1851- 1912) cũng chép là cổ).
Về câu “Ngày xuân con én đưa thoi”, Tản Đà chú: “Câu này muốn nói ngày xuân đi nhanh thấm thoắt mà nhân cảnh xuân có những con én bay đi bay lại, cho nên đặt như đây là lời văn tả cảnh. Có bản giảng vì cái thoi dệt cửi làm như hình con chim én, nghĩa đó thực sai”.
Như vậy cau “phong tình có lục” là hiệu đính văn bản còn câu “Ngày xuân con én” là đính chính chú giải của một số nhà biên khảo khác.
Có chỗ chú giải mà là hiệu đính, hiệu đính mà cũng bàn tới văn lý như câu:
Sắm sanh nếp tử xe châu
Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Câu này là ở đoạn có “người khách viễn phương” tìm đến với Đạm Tiên thì nàng đã mất rồi. Khách “Khóc than khôn xiết sự tình” rồi đắp mộ cho Đạm Tiên. Tản Đà viết ở chú: “Hai chữ “bụi hồng” đây chỉ là lời văn lịch sự nói cái mả chôn ở bên đường. Có nhiều bản đề là “vùi nông” thời làm mất cả vẻ hay mà lại thành ra cái tình của người khách không có trung hậu. Như sự sai lầm đó rất có hại đến văn lý”.
Đọc Kiều mà nhận thức câu, chữ như thế thật là sâu kỹ. Quả là khách đã “khóc than khôn xiết”, đắp mộ cho Đạm Tiên hẳn là phải có tâm hồn đồng điệu của nòi tình, làm sao lại có thể là “vùi nông” cho được.
Về câu:
Cửa sài vừa ngỏ then hoa
Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang.
Các bản Nôm cũng như Quốc ngữ đều chép “cửa sài” và chú “sài là sài môn, xếp củi làm cửa”. Tản Đà sửa là: “Cửa ngoài…” và chú: “Cửa ngoài tức là cửa ngăn. Chữ này có nhiều bản in là cửa sài là lầm. Vì cửa sài là bởi chữ “sài môn” là cái cửa làm bằng củi hay nhánh tre, là cửa ngõ của những nhà nghèo hay những người cao đạo ẩn dật chớ không phải là cái thái độ(1) của nhà Ngô Việt thương gia”.
Về câu: “Đêm thâu khắc lậu canh tàn”, Tản Đà chú: “Câu này chữ vợi các bản đều để chữ lậu là lầm, mà chữ thâu thì có nhiều bản đề là thu. Song cứ theo văn thế và tôi có được nghe thì chữ thâu, chữ vợi, chữ tàn, ba chữ cùng nghĩa mà có hơi khác, nghĩa là đêm càng thâu, ngày càng vợi, canh càng tàn. Câu đây và câu sau (Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương) thực là hai câu tả tình cảnh rất hay cho nên cần phải biện bạch. Một chữ trút ở câu dưới nghe cũng khác thường, đủ thấy chỗ dụng công của tác giả”.
Như vậy, Tản Đà vừa đính chính từ, vừa hiệu đính câu, mà cũng làm công việc bình văn luôn trong đó.
Các bản Kiều thường là chỉ làm công việc chú giải và hiệu đính mà không có bình luận văn chương nhưng ở bản Kiều Tản Đà phần bình văn lại là phần quan trọng với những nhận xét tinh tế, có những phát hiện độc đáo. Một điểm đặc sắc trong các lời bình văn Kiều của Tản Đà là có lời khen cũng có chê, không chỉ tán tụng một chiều, mà đi vào phân tích câu và từ để có những nhận xét xác đáng. Tản Đà cho biết: “Phàm các việc giảng giải trong bản đây cốt để tỏ cái hay khéo trong văn chương cho được rõ chỗ tinh thần của tác giả, mà nếu có những chỗ đáng hồ nghi về văn lý cũng xin chỉ rõ những chỗ hồ nghi ấy mong để độc giả cùng nhận coi”.
Với lời Kiều sau khi thăm mộ Đạm Tiên:
Người mà đến thế thời thôi
Đời Phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Tản Đà khen: “Mấy câu đây thật tài tình! Dùng hai chữ “người” mà trên nói được ra Đạm Tiên, dưới nói được ra Kim Trọng, sự linh động ở hai chữ khiến(2) là chữ “mà” và chữ “đâu”.
Về câu:
Vắng nhà được buổi hôm nay
Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng.
Tản Đà tán thưởng: Hai chữ “lòng” trong câu đây rất có màu nhiệm. Nguyên trên kia lời Kim Trọng: “Trách lòng hờ hững với lòng”, cũng hai chữ “lòng” nói buông không mà một chữ trên nói Kiều, chữ dưới thời nói vào mình. Cho nên trong câu đây hai chữ, chữ trên nói vào mình mà chữ dưới nói chàng Kim, thực là giọng tri âm với nhau lắm”.
Câu:
Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Tản Đà nhận xét: “Chữ gã đây thật mới mà nghĩ ra không thể có đặt chữ gì hơn. Tác giả thật cũng đã tốn công” – “chữ đứa cũng mới, đi theo với chữ gã, thật hay”.
Với câu “Mày ai trăng mới in ngần”, các bản Kiều có bản chép “Mày ải” như bản Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Vĩnh, cũng có bản chép “Mày xanh” như bản Bùi Kỷ. Tản Đà chép là “Mày ai” và chú: “chữ ai” trong câu đây là nói về Kiều, trông thấy trăng đầu tháng in cái vệt cong mà tưởng như lông mày của ai vậy.
Theo Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Trong báo Khuyến học số 4 (15-10-1935), Tản Đà giảng nghĩa câu thơ trên như sau: “Chữ ai trong câu đây là chỉ vào Kiều. Thúc Sinh trông thấy “trăng mới in ngần” mà nghĩ như cái lông mày của ai. Tứ văn giống như trong Trường hận ca, Đường Minh Hoàng nhớ Dương Quý Phi có câu: “Phù dung như điện, liễu như mi”. Tiến lên một bước nữa, Tản Đà chê bản Kiều của Bùi Kỷ chép “Mày xanh” là vô vị”(3).
Không rõ cụ Nguyễn Du viết “Mày ai” hay “Mày xanh” nhưng xét về mặt văn tự, “Mày ai” rõ ràng hơn “Mày xanh” vì “Mày xanh” chỉ tả được cái hình dạng, còn “Mày ai” mới tả được tâm trạng của Thúc Sinh nhớ Kiều và cũng gợi lên hình bóng một con người.
Đoạn tả cảnh Giác Duyên dựng lều bên sông Tiền Đường để đợi đón Thúy Kiều theo lời thần mộng có câu:
Đánh tranh lợp mái thảo đường
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
Tản Đà khen câu tám: “Câu này lời văn rất đẹp”.
Đoạn Kiều giãi bày tâm sự với Thúy Vân, kể từ câu:
Rằng lòng đương thổn thức đầy
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong…
Cho tới câu:
Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Tất cả là 19 câu lục bát, Tản Đà nhận xét: “Trong cả quyển Kiều, văn tả tình không mấy đoạn dài hơn như đây. Đoạn này thật lâm ly mà như thế mới hết tình sự”.
Trong đoạn Thúy Kiều dựa thế Từ Hải báo ân báo oán có câu nói về Kiều đón mụ quản gia nhà Hoạn Thư và sư Giác Duyên lên ngồi cạnh:
Dắt tay mở mặt cho nhìn
Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi.
Tản Đà có một câu nhận xét bất ngờ mà thú vị: “Xem hai chữ “mở mặt” trong câu đây, có lẽ sự ăn mặc của Kiều trong lúc ấy có chàng mạng che ở trước mặt chăng?”.
Có lẽ chưa có ai biên khảo và đọc Kiều lại chú ý chi tiết đến tỉ mỉ như vậy.
Tản Đà có những nhận xét đột ngột rất thú vị như với câu:
Lạy thôi nàng lại chưa tường
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.
Tản Đà viết: “Hai chữ “nghĩa chàng” ngẫm rất buồn cười. Câu này, tác giả cũng vì cô Kiều được thế mà làm nũng”
Ý kiến Tản Đà và khái niệm “nghĩa chàng” ở đây có phần khó hiểu, tại sao lại “rất buồn cười” và “làm nũng”?
Trong những nhận xét về văn Kiều, Tản Đà không chỉ ca ngợi tán tụng như số đông người viết về văn chương truyện Kiều, không chỉ dành cho tác giả những dấu son khuyên đỏ thắm mà còn đặt ra những dấu hỏi, chỉ ra những chỗ theo Tản Đà là yếu kém, là chưa hợp lý. Quả là Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có những tình tiết bất hợp lý, người đọc cũng như nhà biên khảo cứ xuôi theo mạch chuyện, dòng văn mà không để ý, nhưng Tản Đà đã thấy và chỉ ra được. Chẳng hạn đoạn Kim Trọng thuê nhà trọ ở giáp với nhà Thúy Kiều, Trọng lại là bạn của Vương Quan, ợ trọ đã được hai tháng:
Nhận từ quán khách lân la
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Tản Đà nhận xét: “Nghĩa là gần hai tháng – Nhân câu này ngẫm ra thấy có một tình sự đáng buồn cười. Kim Trọng với Vương Quan là chỗ bạn học thân, mà Trọng đến trọ sau nhà Quan đã gầnhai tháng, hai người không hề sang chơi nhau, mà Kim để ý ngấp nghé một sự khác. Chỗ đó nghĩ sao cho hợp tình?”.
Quả “chỗ đó” cũng đáng cho chúng ta đặt một dấu hỏi.
Cũng một chỗ đáng hồ nghi khác, đoạn Kim Trọng tặng Kiều vài vật làm kỷ niệm:
Vội về thêm lấy của nhà
Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông.
Tản Đà đặt một dấu hỏi: “Câu này nghĩ đáng hồ nghi, vì lẽ Kim Trọng trong chỗ du học làm gì có “xuyến vàng” đem theo? Mà cũng không phải là cái vật của học trò con trai thường có”.
Đọc Kiều đến như thế, rõ ràng có một sự nghiền ngẫm sâu vào tinh thần nghiêm túc cao.
Tản Đà chê câu “Chày sương chưa nện cầu Lam” theo điển tích Bùi Hàng – Vân Anh bên Trung Quốc: “Cứ điển tích của câu này như thế mà đây đại ý chỉ là nói chưa thực lấy nhau. Vậy thời sáu chữ đây văn quá cầu kỳ mà một chữ “nện” nghe thấy rất nặng nề, những chỗ như đó tưởng người xem truyện cũng nên xét”.
Trong đoạn tả Từ Hải chia tay Thúy Kiều có câu:
Trông vời trời bể mênh mông
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong.
Tản Đà có ý kiến: “Trong câu này hai chữ “thẳng giong” ngẫm ra chưa được tinh tế, vì ở dưới còn có lời Kiều muốn theo. Nếu quả thật Từ đã “lên đường thẳng giong” thời nàng còn nói sao được nữa. Cho nên như chữ đó có thể gọi là vội lời”.
Trong các câu mà Tản Đà Phê, có một câu với một từ đã khiến Tản Đà chê trách nặng nề, đó là câu: “Xét mình công ít tội nhiều”, lời Kiều nói về Hồ Tôn Hiến trong tiệc hạ công (mừng công) của họ Hồ. Tản Đà phê: “Chữ “công” trong câu này nghe không được yên nghĩa; vì sự giết Từ Hải; tự Kiều không nên nói là công”.
Ở một số Đông Pháp thời báo (Diệp Văn Kỳ - Sài Gòn), Tản Đà viết: “Như quyển truyện Kiều của ông Nguyễn Du, sự hay không còn phải nói nữa, song đến như câu: “Nghĩ mình công ít tội nhiều”, một chữ “công” đó thật quá dốt! Là sao? Như Từ Hải mà chết là do nghe lời Thúy Kiều khuyên, như Thúy Kiều mà khuyên chỉ là do cái bụng đàn bà nông nổi. Nay đặt như câu đó thời ra Kiều lập chí lấy sự giết Từ Hải làm công, thời Thúy Kiều không còn chút giá trị. Thúy Kiều đã không có giá trị thời như quyển truyện Kiều đó còn hay với ai mà cảm khái với ai! (ĐPTB số 638-1927).
Từ xưa tới nay, không một nhà bình luận văn học, biên khảo Truyện Kiều nào đã hạ bút “phê” Kiều, chỉ ra những chỗ “yếu kém” hoặc chưa đạt trong tác phẩm của Tiên Điền. Người đọc chỉ được thấy những lời ca tụng, tán dương cái hay cái đẹp cái tài tình ở Kiều. Duy chỉ có một Tản Đà đọc Kiều, biên khảo Kiều dám làm cái việc chưa ai dám làm ấy. Những ý kiến của Tản Đà đã giúp cho người đọc có một nhận thức sâu sắc nhiều mặt về Kiều chống lại sự sùng bái ca ngợi một chiều làm hẹp đi tầm nhận thức và tư tưởng khi tiếp cận Kiều.
Tản Đà “phê” Kiều như ở đoạn chê chữ “công” trong câu: “Xét mình công ít tội nhiều”, lời Kiều nói với Hồ Tôn Hiến như trích dẫn trên cũng là biểu hiện, minh chứng cho quan điểm của Tản Đà trong thưởng thức văn chương. Thực vậy, đây không chỉ là ý kiến của nhà thơ bất ngờ nảy sinh khi đọc Kiều mà thuộc về quan điểm có tính lý luận, bảo đảm tinh thần khách quan, khoa học và bảo đảm tự do tư tưởng trong thưởng thức văn học. Tản Đà viết về Người xem văn, nêu lên ý kiến: “…nên phải có một cái bụng thực công bằng, nghĩa là chỉ cứ luận ở văn mà không nên chú ý ở tên người tác giả; nếu một quyển sách, một bài văn mà tác giả là cụ thượng, ông nghè hoặc danh nhân danh sĩ thời sẵn lòng cho là hay. Cái tâm lý đó rất là nhu nhược mà tức là bị cái thế lực của người làm ăn áp đảo được mình. Đã như thế thời xem đến một bài văn, quyển sách của một người đơn thường có sẵn để một bụng coi thường. Vậy do cái bụng không công bằng ấy mà thành ra mình tự lầm, vì có nhiều khi cái danh với cái thực không đúng nhau mà thiên hạ kỳ văn thường ở những chỗ vô danh vậy”. (ĐPTB).
Đoạn bình và phê từ “công” trong truyện Kiều chính là một đoạn tiếp sau đoạn văn dẫn trên, Tản Đà “phê” Nguyễn Du cũng để minh chứng cho quan điểm về người xem Văn của mình, đến như cụ Nguyễn Du với tác phẩm Kiều mà còn có từ dùng chưa chính xác, còn chịu phê là “Thật quá dốt” khi dùng từ “công” huống chi là những tác giả, tác phẩm khác.
Quan điểm thưởng thức văn chương mà Tản Đà nêu lên là khoa học và đúng đắn, còn việc Tản Đà phê như vậy là đúng hay sai xin để các bạn đọc Kiều cho ý kiến.
Biên khảo Truyện Kiều, Tản Đà đã tỏ ra có tâm huyết với cổ văn, trân trọng với tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du, có như vậy mới dấn mình vào một công cuộc khảo cứu đòi hỏi nhiều tâm và lực về một tác phẩm văn học lớn. Tản Đà cũng cho thấy tất cả công phu, tinh thần nghiêm túc và sự tinh thế, nhạy cảm thẩm mĩ khi biên soạn Kiều, đặc biệt là với những câu xưa nay không ai có nhận xét gì. Tản Đà đã lật ra được những điều cần lưu ý. Tập Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện của Tản Đà là một đóng góp có ý nghĩa vào kho tàng văn học truyền thống. Cũng qua Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện chúng ta hiểu Tản Đà hơn, thấy được ở Tản Đà một nhà Nho uyên bác và một nhà thơ đầy bản lĩnh.
Chú thích:
1. Từ “thái độ” có lẽ là lỗi in sai? Nên hiểu là phong thái hay phong độ.
2. Chữ “Khiến” ở đây cũng không có nghĩa. Không rõ có phải là lỗi in sai?
3. Theo Nguyễn Văn Hoàn trong Nghiên cứu văn học số 6-1962.
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.760-771)