Đó là lời nhận xét của Bùi Dương Lịch về nhân vật Nguyễn Đình Cổn, làng Bích Thị, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (nay là xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Đó là lời nhận xét của Bùi Dương Lịch về nhân vật Nguyễn Đình Cổn, làng Bích Thị, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (nay là xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Gia phả họ Nguyễn Đình cho biết, Nguyễn Đình Cổn, hiệu là Thuận Hiên, sinh năm 1652, là con trai cả của Quốc tử giám Giám sinh Nguyễn Phúc Vĩnh và bà Nguyễn Thị Lợi, người mẹ vốn dòng dõi thế phiệt trâm anh.
Ca tụng về mẹ ông, chúa Trịnh từng ban cho bài thơ:
Phiên âm:
Hữu đoạn chức cơ
Hiệu Mạnh Gia chi miễn học
Liên hòa hùng phủ
Sư dĩnh mẫu chi tối cần
Tạm dịch:
Chặt phăng khung cửi
Gắng học theo Mạnh Mẫu
Tâm can dành cho con
Mẹ thông minh cần mẫn
Không phụ công dưỡng dục của cha mẹ, Nguyễn Đình Cổn tuy còn nhỏ nhưng đã rất thông tuệ, tướng mạo khôi ngô, thông minh khác thường, theo học một thầy đồ tại địa phương, nhưng thầy chỉ nhận dạy được một thời gian ngắn vì không đủ kiến thức để tiếp tục giảng cho học trò. Sau đó, thầy lại gửi ông sang địa phương khác để dùi mài kinh sử. Ông nổi tiếng khắp vùng vì tài đối đáp sáng suốt hơn người. Ngày nay, nhiều câu đối của Nguyễn Đình Cổn thuở nhỏ vẫn còn được lưu truyền hậu thế.
Năm 1667, đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 5, lúc đó Nguyễn Đình Cổn mới 15 tuổi, đã đỗ Giải Nguyên khoa Đinh Mùi, nhưng chưa đủ tuổi để làm quan. Năm 1668, ông lại đỗ khoa Ân thi Sĩ vọng và được cử làm Giám sát đạo Lạng Sơn(1).
Năm Bính Thìn (1676), đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ nhất, Nguyễn Đình Cổn tiếp tục đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân lúc 25 tuổi. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam có chép: “Nguyễn Đình Cổn, người xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước, thi hương đỗ Giải nguyên, đỗ khoa Sĩ vọng, 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676)”. Hiện nay, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, bia số 7, có đề tên ông: “Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân thập lục danh... Nguyễn Đình Cổn, Thanh Chương huyện, Bích Triều xã”.
Cùng năm 1676, triều đình lại mở khoa thi Tư khoa Đông các tiến sỹ, Nguyễn Đình Cổn đỗ hàng thứ ba, được sung Đông các hiệu thư. Sách Nghệ An ký chép rằng: “Ông là người cao minh tài trí hơn người, cha ông là Hương cống. Trong một năm đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân và Đông các Tiến sỹ. Hai lần bái tổ vinh quy. Người như thế xưa nay hiếm có”(2). Vua Lê ban thưởng ông bốn chữ vàng “Nhất niên lưỡng vinh quy” (Tạm dịch: Một năm hai lần vinh quy bái tổ). Lần bái tổ vinh quy thứ nhất, Nguyễn Đình Cổn được hàng tổng rước theo đường Nam Đường về Bích Triều. Lần thứ hai, hai tổng Bích Hào và Thổ Hào phải mở con đường mới từ núi Cơ Sơn (ngày nay thuộc xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn) để rước như một tân khoa. Cũng nhờ vậy mà ngày nay thành con đường thuận tiện cho nhân dân đi lại.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Đình Cổn được phong chức Đặc tiến gia phong đại phu - Thiêm đô ngự sử. Sau đó, ông còn được phong chức Đông các hiệu thư và Đông Triều Nam tước. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn tỏ rõ là một vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước.
Không những vậy, Nguyễn Đình Cổn còn nổi danh là một nhà thơ tài ba, lỗi lạc thời đó. Mọi người ca ngợi ông “đối đáp như thần, văn thơ xuất chúng”. Hiện nay, tác phẩm của ông còn được lưu lại khá nhiều trong Tổng tập Văn học Việt Nam(3) như: Họa vần mừng Quốc lão, Họa bài thơ lưu biệt của Chu Xán, Thứ vận hạ hữu thị lang...
Năm 1685, Nguyễn Đình Cổn được cử làm Chánh sứ tại Bắc Quốc. Sự kiện này được chép rõ trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Năm Chính hòa thứ 6, cử Chánh sứ Nguyễn Đình Cổn, Phó sứ Nguyễn Tiến Tài đi sứ nhà Thanh - tức vào năm 24 đời vua Khang Hy nhà Thanh (1685)”(4). Tại đất khách quê người, ông ngã bệnh và ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Và cái chết của ông là một ẩn số lịch sử gắn với nhiều giai thoại lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Sau khi Nguyễn Đình Cổn mất, Hoàng đế Vạn Lịch - Trung Quốc cho đưa thi hài ông về cửa ải nước ta, cấp táng rước về kinh đô Đại Việt. Vua Vĩnh Trị cử hành lễ nghi trang trọng, đưa Ngài về bản xứ Nghệ An, sức phát cho các quan thân chức tước văn võ rước, đón, táng thi hài ông ở Cồn Lăng thuộc huyện Thanh Chương. Sau đó, đến tháng 6, năm Nhâm Thìn, con cháu, các môn sinh và các quan văn võ tổng Bích Triều, làm lễ cải táng và chuyển mộ ông về xứ Cồn Cun (nay thuộc xã Thanh Giang, Thanh Chương). Vua Lê truy tặng ông 3 chữ “tử vì quốc” và chức “Tả thị lang bộ Hình, Đông triều Nam tước”(5), đồng thời sắc cho tổng Bích Triều lập miếu thờ Ngài.
Nhân dân Bích Triều tôn ông là thần và lập đền thờ. Hàng năm, đến ngày 19 tháng 11 âm lịch, thôn Bích Thị, tổng Bích Triều đứng ra tổ chức ngày giỗ của Ngài. Các triều đại phong kiến có sắc phong thần cho Ngài. Tại từ đường họ Nguyễn Đình vẫn còn lưu giữ được hai đạo sắc. Nội dung các đạo sắc như sau:
- Phiên âm đạo sắc năm Thành Thái thứ 2 (1890):
Sắc: Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Bích Triều tổng các xã thôn phụng sự Lê triều Tiến sĩ Đông các Đại học sĩ Nguyễn Phủ Quân chi thần Hộ Quốc tỉ dân niệm trước linh ứng hướng lai vinh Hữu giữ phong tư kim phi thừa
Cảnh mệnh miến niệm Thần Hưu trước phong vi Đoan Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng chi thần chuẩn y cựu phụng sự Thần kỳ Tướng Hữu Bảo ngã Lê dân . Khâm tai
Thành Thái Nhị niên - Nhị nguyệt - Nhị thập nhật.
- Phiên âm Đạo sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909):
Sắc chỉ: Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Bích Triều tổng các xã thôn tòng tiền phụng sự Đoan tĩnh Dực Bảo trung hưng Lê triều Tiến sĩ Đông các Đại Học sĩ Nguyễn phủ quân chi thần tiết kinh ban cấp.
Sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Duy Tân nguyên niên Tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân Lễ long đăng trật đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng chí Quốc khánh nhi thân Tự điển - khâm tai.
Duy Tân Tam niên bát nguyệt Thập nhất nhật.
Hiện nay, đền thờ Nguyễn Đình Cổn chỉ còn lại nền móng. Con cháu trong dòng họ đã rước các đồ tế khí của đền về thờ tại Nguyễn tộc từ đường ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương. Và chính những tài liệu, hiện vật còn lưu giữ tại đây giúp chúng ta hiểu khá cụ thể thân thế, sự nghiệp của Tiến sỹ Nguyễn Đình Cổn, người đã có nhiều cống hiến cho triều đình Lê Trịnh, một năm hai lần vinh quy bái tổ, được ghi danh trong Văn miếu Quốc Tử Giám và được nhiều sử sách ghi nhận như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa, Lịch triều đăng khoa bị khảo, Nghệ An ký, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký tục biên... Ông đúng là nhân vật “xưa nay hiếm” và xứng đáng được hậu thế tôn vinh.
Chú thích:
(1) Thanh Chương huyện chí của Đặng Công Luận chép lại theo bản chính, Nguyễn Ngọc Hiên hiệu đính, lưu tại Viện Hán Nôm.
(2) Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch, Nxb Giáo dục.
(3) Tổng tập văn học Việt Nam. Nxb KHXH, năm 2000.
(4) Tổng tập văn học Việt Nam, Nxb KHXH, năm 2000.
(5) Lịch triều đăng khoa bị khảo, Tài liệu thư viện Hán Nôm, A485.
2253
2275
21145
215568
0
114528872