Người xứ Nghệ

Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 6)

Nguyễn Du và tình yêu

[Vũ Khắc Khoan]
 

Ta cũng nòi tình…
(Chu Mạnh Trinh)


Tôi thường ao ước được đọc một thiên tình sử kể lại tóc tơ những cuộc tình duyên của tác giả Đoạn trường tân thanh. Tôi linh cảm rằng Nguyễn Du đã yêu, phải biết yêu, đã có nhiều suy nghĩ về tình yêu. Nhưng cho đến bây giờ, cả một phần sống – phức tạp nhất, dễ thương nhất – của một trang phong lưu công tử "văn chương nếp đất" "người mẫu" và đồng thời người sáng tạo những nét hào hoa Kim Trọng, cả phần sống đó vẫn còn im lìm lên bụi, mờ loãng trong thời gian xa thẳm không bao giờ trở lại. Người tình nhân họ Nguyễn đã tự lâu nhượng chỗ cho một pho tượng thi bá với một nhãn hiệu "Hoài niệm Lê triều" (làm như bình sinh, Nguyễn Du chỉ có một hoài niệm Lê triều!)

Nhưng đọc Đoạn trường tân thanh, đọc lại nhất là những vần mô tả tình yêu, theo dõi những cuộc tình duyên trong tác phẩm, rồi chắp nối, hàn gắn, tưởng tượng, tôi tự an ủi có thể một phần nào tìm thấy dấu vết những suy tư của họ Nguyễn về một thứ duyên nợ của kiếp làm người: Tình yêu. Những suy tư đó – hay cho đúng danh từ thời thượng – luyến ái quan đó chắc là phức tạp, chắc là phong phú.

 

*


Người được yêu nhiều nhất trong cuộc đoạn trường đến nỗi mang tiếng là "mắc điều Tình ái…" chính thị nhân vật của tác phẩm: Thuý Kiều. Đó là điểm trung tâm của rất nhiều quay cuồng ham muốn, nạn nhân của biết bao là vật lộn tranh giành, đó cũng lại là đầu mối của tình yêu hiện ra muôn hình vạn trạng, tùy theo từng trường hợp, tùy theo từng nhân vật nhập cuộc. Lấy tình yêu làm tiêu chuẩn, đọc Đoạn trường tân thanh, tôi thấy rõ được làm khán giả một vũ khúc mà người vũ nữ Thuý Kiều phải dấn bước cho tới nhịp nhạc Bạc mệnh cuối cùng. Mỗi bước của nàng tiêu biểu cho một bộ mặt của Tình yêu: từ bước tình đầu e ấp chàng Kim, qua bước tình hám [1] nhầy nhụa sa lầy họ Mã, bước tình si [2] Thúc Sinh, những bước dập dìu ong bướm, bước tình hiệp [3] người trượng phu Từ Hải, bước tình hèn quay quắt viên đại tướng họ Hồ, đến bước mơ hoảng lão Thổ quan.

Đến đây vũ khúc chợt ngừng: ngọn triều Tiền Đường đã trùng trùng nổi sóng. Bản nhạc Bạc mệnh giữ một phút yên lặng để bắt đầu đi vào khúc chót, ý nhạc chuốt giáng vươn tới một âm giai chót vót. Thuý Kiều bước những bước cuối cùng của vũ khúc, những bước trinh nữ đăng đàn cầu nguyện. Dáng điệu cuối cùng của vũ khúc Tình yêu là một dáng điệu mặc niệm.

 

*


Nguyễn Du trình bày khách quan một thực tại. Trong cái thực tại đa dạng đó Nguyễn Du đã chọn lựa riêng cho mình một quan niệm. Quan niệm này tất nhiên chung đúc trọn vẹn vào mối tình đẹp nhất, mối tình gây được nhiều thiện cảm nhất trong tác phẩm. Mối tình nào?

Loại trừ tất cả những gặp gỡ bất đắc dĩ với Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến và lão Thổ quan, chỉ còn lại 3 mối tình đáng kể: Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải với Kiều. Tôi có thể loại nốt cả hai mối tình sau. Như vậy là vì nhiều cớ. Cớ thứ nhất là do cái lý thông thường hiểu nghĩa chữ yêu. Tình yêu không thể đơn độc một chiều. Tình yêu chỉ có nghĩa khi người trong cuộc cùng đồng thanh xướng hoạ. Thúc Sinh có thể say mê Thuý Kiều, nhưng đáp lại Thúc, Kiều chỉ cảm thấy cái ý nghĩa lứa đôi. Từ Hải có thể thành thật yêu Kiều, nhưng đối với Từ, Kiều chỉ có lòng kính phục. Cớ thứ hai là do sự bất bình đẳng của người trong cuộc. Đối với Thúc và Từ, Kiều luôn luôn phải mang mặc cảm hàm ơn. Cớ thứ ba là do sự vắng mặt của một điều kiện căn bản của Tình yêu: sự tự do. Trong cái cảnh địa ngục lầu xanh tù hãm, Thuý Kiều không thể không hưởng ứng lời đề nghị của Thúc và Từ. Nói một cách khác, Thuý Kiều không có quyền chọn lựa bởi không thể từ chối.

Ba cái cớ vừa nêu lên lại là ba điều kiện tất yếu để tình yêu nảy nở. Ba điều kiện đó tôi nhận thấy đầy đủ trong mối tình Kim Kiều. Vậy theo dõi những bước tiến triển của mối tình này, ta chắc chắn sẽ gặp được những suy tư của Nguyễn về tình yêu.

 

*


Trước hết, về mọi phương diện phải công nhận rằng hai bên Kim Kiều đã rất xứng đôi vừa lứa. Tài ngang nhau, sắc ngang nhau, gia thế xấp xỉ như nhau, cả hai thẳng thắng vô tư đối diện: điều kiện bình đẳng đã trọn vẹn. Thế rồi hai bên ngẫu nhiên gặp gỡ. Sự lựa chọn hoàn tất trong một không khí tự do không ràng buộc hoàn cảnh, không ảnh hưởng tinh thần…

Người ta có thể nghĩ rằng Kim Trọng đã lưỡng lự khi nhận thấy:
 


Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai…


nhưng trong khoảng thời gian từ lúc:
 


Khách đà xuống ngựa…


đến lúc:
 


… tới nơi tự tình.


Nhưng trong thời hạn tâm lý giữa hai vần thơ liên tiếp:
 


Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai,
Người quốc sắc, kẻ thiên tài…


thì Kim đã phải thôi do dự, Kim đã chọn, Kim đã yêu. Bởi Kiều cũng đã chọn, và Kiều cũng đã yêu. Cả ba điều kiện tất yếu họ Nguyễn đề ra thật đã hiện diện đầy đủ trong bước đầu Kim Kiều chập chững đi vào tình yêu. Tình yêu nở hoa trong yên lặng, trong tự do, trong sự đồng tình, giữa đôi lứa xứng đôi:
 


Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê…


Chiều đã xuống tự lâu, có thể đêm đã bảng lảng bắt đầu. Nhưng trời đất chợt rung động trước mối tình vừa bén:
 


Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…


 

*


Như đã nói ở trên, bước đầu chập chững đã qua. "Tiếng sét ái tình" giờ đây chỉ còn lại dư âm. Người trong cuộc có thể nhớ nhung canh cánh bên lòng, "nhớ cảnh, nhớ người", "nhớ nơi kỳ ngộ" lại cũng có thể thẫn thờ ngắm một ngọn hải đường lả ngọn, lặng nghe những giọt sương đêm gieo nặng ngoài trời, gieo nặng trong lòng bề bộn, thẫn thờ tự hỏi:
 


Người đâu gặp gỡ làm chi…


Nhưng nếu người trong cuộc không có cơ hội gặp nhau, gần nhau, hiểu nhau, nếu bước đầu tình yêu bồng bột không được tiếp nối bởi những bước xây dựng tiếp theo, kết tinh qua một thời gian thử lửa thì… tình yêu mặc dầu có nở hoa, hoa tình yêu rồi ra cũng phải thui chột. Một tâm hồn đa tình như Nguyễn tất phải biết đến điều đó cho nên liền ngay cuộc gặp gỡ ngày hội Đạp thanh – giai đoạn thứ nhất – sẽ liên tiếp là 4 lần gặp gỡ.

Bốn lần gặp gỡ này hợp thành giai đoạn thứ hai của tình yêu tiến triển, giai đoạn đôi bên xây dựng tình yêu, giai đoạn của tình yêu kết tinh.

Lần thứ nhất là lần gắn bó: hai bên đối thoại, nói lên với nhau hai chữ yêu nhau:
 


Rằng trăm năm cũng từ đây…


Lần thứ nhì gây cơ hội phô tài để hai bên đi sâu vào sự hiểu nhau. Chàng Kim có dịp phô tài hội hoạ, Thuý Kiều cũng nhân dịp đáp lại, đã để cho người yêu chính mắt nhìn thấy mà thầm phục cái tài "nhả ngọc phun châu" của mình:
 


Tay tiên gió táp mưa sa…


Cũng trong lần này, Kim Trọng lại còn hiểu thêm người yêu trong tận cùng tiềm thức: Kim biết Kiều luôn luôn bị ám ảnh bởi một mặc cảm: mặc cảm đoạn trường:
 


Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay…


Lần thứ ba là lần thử lửa: người trong cuộc sẽ cùng nhau cảm thông trọn vẹn. Lúc bấy giờ đêm đã vào khuya, trăng xế đầu cành, thư phòng vắng vẻ, Kim Kiều đối diện. Bản đàn Bạc mệnh vừa buông tiếng cuối cùng: dư âm còn ngân vang, còn đọng lại nơi đầu mày cuối mắt của cả người gẩy đàn lẫn kẻ nghe đàn:
 


Hoa hương càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu…


Và cả hai bên đều cảm thấy xiêu xiêu đến rợn người trước cơn lốc thu hút của vực sa ngã, lòng vực đen thẳm sẽ là nấm mồ của tình yêu, nếu người trong cuộc không kịp cầm lòng: họ đều biết rõ như vậy. Nhưng… trăng vẫn còn sáng, đêm vẫn còn khuya, men tình nồng nàn, men nhạc ngân lên đến tận ngọn núi Thần Châu, đến tận đỉnh hòn Vũ Giáp… cả hai muốn quên tất cả để lặng chuồi xuống dốc.

Nguyễn Du – chính Nguyễn, tôi chắc thế – cũng cảm thấy chóng mặt. Nguyễn nhận thấy cần phải chấm dứt cuộc thử lửa. Nguyễn dằn lòng hạ bút:
 


… đừng lấy làm chơi!
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao…


Kiều vụt tỉnh và cố gắng cầm lòng, cố gắng dìu Kim Trọng để cả hai cùng cố gắng dìu nhau vượt qua miệng vực sa ngã.

Nhưng Định mệnh đã lảng vảng từ lâu, chăm chú rình mò. Và giữa lúc tình yêu vừa qua cơn thử lửa để thăng hoa tới tuyệt đỉnh thì Định mệnh phũ phàng lên tiếng:
 


Tin đâu đã gõ cửa ngăn gọi vào…


Cũng vì vậy mà lần gặp gỡ thứ tư là lần ly biệt: gặp gỡ ngắn ngủi nhưng ly biệt dài tới mười lăm năm.

 

*


Thường thường sau khi kết tinh đến mực chín muồi, tình yêu sẽ bước sang giai đoạn cuối cùng: giai đoạn thể hiện, giai đoạn hôn nhân. Nhưng Nguyễn Du lại nghĩ rằng hôn nhân sẽ hạ thấp tình yêu – sự thể hiện nào mà có thể sánh kịp những ý tưởng còn đang tiềm tàng trong tâm não? Đối với Thuý Kiều, Kim Trọng không thể là một người chồng. Đối với Kim Trọng, Thuý Kiều không thể là một người vợ. Đối với nhau, cả hai chỉ có thể mãi mãi là những người yêu.

Cho nên với Nguyễn Du, giai đoạn thứ ba của mối tình Kim – Kiều không phải là giai đoạn hôn nhân. Giai đoạn thứ ba là đêm tái hợp, là đêm Kim Kiều thoả thuận:
 


Đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ.


 

*


Đêm tái hợp nhắc đến đêm năm xưa hội ngộ. Bản đàn cũ khoan nhặt lại vang lên, nhưng để rồi tắt ngấm. Không khí nay đã khác hẳn. Người trong cuộc mang nặng thêm mười lăm năm quá khứ, nay cũng đã đổi thay. Người gảy đàn tự nhủ:
 


Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa…


Và cả hai chợt hiểu: đối với họ, đối với mối tình của họ, giai đoạn thứ ba không thể là giai đoạn hôn nhân. Mối tình đầu đã thăng hoa đến chỗ tuyệt vời. Giai đoạn thứ ba chỉ có thể là giai đoạn mặc niệm. Trắng đêm lần tái ngộ, người trong cuộc tìm ra một lối thoát:
 


Duyên đôi lứa đổi làm duyên bạn bầy.


Và một thái độ: thái độ của một đôi giáo sĩ cùng chung một niềm thông cảm trước bàn thờ, nơi yên vị tự mười lăm năm cũ, một mối tình đầu thăng hoa đã đến tuyệt vời.

 

*


Trần Thanh Hiệp
Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh

Trên sông Tiền Đường, lúc đó sau mười mấy năm dài đằng đẵng sống trong day dứt, Thuý Kiều đã không còn tìm thấy đường thoát nào khác ngoài lối đi vào cõi chết.

Trước cửa ngõ vũ trụ mở rộng bao la giữa vòm trời cao và con nước mênh mông, Thuý Kiều lạnh lùng "Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang". Giả thử bước đi ấy đã có thể là chuyến trở về theo nhịp điệu luân hồi thì những tiếng nói mà hậu thế dành cho Thuý Kiều sẽ chỉ còn là những lời thương khóc một giai nhân đa tài nhưng bạc mệnh.

Nhưng mảnh lưới của ngư ông lại cố ý vớt con người tài sắc đó lên, đem trả lại cho đôi tay âu yếm của một người yêu đính ước là một người chồng mà số mệnh đã đày đoạ phải xa cách ngay từ phút sơ ngộ.

Có thể nói những vấn đề phức tạp nhất của triết lý Đoạn trường tân thanh đều phát sinh từ cái nút biến chuyển động tác ấy, đưa tới cuộc tái hợp Kim Trọng – Thuý Kiều tẻ nhạt trong cái không khí tàn tạ của "gương vỡ lại lành" "đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ". Và cái hình ảnh kết thúc trên đã đem lại cho Nguyễn Du biết bao nhiêu là lời phê bình, vừa để khen vừa để chê. Đáng lẽ phần trách nhiệm của Nguyễn Du không vượt khỏi phạm vi trách nhiệm của một dịch giả. Nhưng ngọn bút thần diệu của thi sĩ họ Nguyễn đã "hoán thai đoạn cốt" cho một Thanh Tâm Tài Nhân trong Đoạn trường tân thanh. Bởi vậy người ta đã gán cho Nguyễn Du cái trách nhiệm của một tác giả.

Tất nhiên, tùy theo khán pháp nghiên cứu, người ta đặt và sẽ đặt Nguyễn Du trước nhiều luận thuyết khác nhau. Đi song song với đời sống hơn một trăm năm của Đoạn trường tân thanh có cả một quá trình phê phán cho đến nay vẫn chưa hề hứa hẹn chấm hết. Vì tới mỗi một giai đoạn lịch sử mới, người ta lại phải tiếp tục khai phá thi phẩm này. Người đi trước đã trao lại cho chúng ta ít nhiều mâu thuẫn trong triết lý Đoạn trường tân thanh. Chúng ta lựa chọn lấy những mâu thuẫn chính yếu và thử đem giải quyết.


I. Những cửa ngõ đưa tới mâu thuẫn

Bàn tới triết lý Đoạn trường tân thanh, người ta thường phải nhắc đến tư tưởng Tam giáo. Những mâu thuẫn trong triết lý Đoạn trường tân thanh được nêu lên từ trước đến nay đều do sự đối chiếu tư tưởng Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh và tư tưởng Tam giáo (hay đúng hơn tư tưởng Nho Phật). Khác với Nho và Phật, Lão giáo không được Nguyễn Du trình bày trực tiếp như Nho và Phật giáo. Điều này cũng dễ hiểu vì sức tác động của Lão giáo đối với người Việt Nam xưa kia thường chỉ thể hiện ở hai trường hợp: công phá Nho, Phật giáo và đồng hoá với phong tục bình dân. Vậy phải xét lại hai nguồn tư tưởng Phật học và Nho học của Nguyễn Du mà thôi.


1. Cửa ngõ Phật học: Từ cửa ngõ Phật học đi thẳng vào triết lý Đoạn trường tân thanh, khám phá bằng con mắt nghiêm khắc của giáo lý Phật học, người ta liền nhận thấy ngay cái lệch lạc của Nguyễn Du khi thuyết minh về Nghiệp báo. Lệch lạc vì bất nhất và không chính thống. Chữ nghiệp của nhà Phật vốn không chỉ bao hàm một ý niệm đơn giản. Trái lại chữ Nghiệp chứa đựng một nội dung vô cùng phức tạp. Nó vừa giải thích được những nguyên nhân bản thể đồng thời lại quy định được cả những phương châm, phương thức, phương pháp hành động. "Nghiệp" là tâm điểm của hệ thống liên lạc nhân quả. Con người do hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng từ những đời kiếp trước phối hợp với kiếp hiện tại đã tạo nên cho mình một thân phận, hay nói theo thuật ngữ Phật học, một Biệt nghiệp. Và tất cả mọi người với biệt nghiệp của họ đã kiến tạo nên một Công nghiệp của xã hội. Biệt nghiệp và công nghiệp hỗ tương tác động mà chi phối đời sống con người. Cho nên đời sống đó nằm trong tay con người mà không phương thức một ý chí tối cao của một đấng toàn trí toàn năng nào cả.

Vấn đề dứt nghiệp không phải là công việc trả nợ, mà là vấn đề chuyển nghiệp. Nhờ giác ngộ, con người tìm thấy những nghiệp nhân. Tùy theo ác thiện mà diệt trừ hay tăng trưởng những nghiệp nhân đó khả dĩ cải thiện đời sống của mình và của xã hội…

Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã du nhập vào nội dung của chữ Nghiệp những ý niệm về Trời trong vai trò tư pháp định công, tội:
 


"Cho hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

"… nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao?
Số còn nặng nợ má đào,
Người đà muốn chết trời nào có cho".

"Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau".


Rồi ngược lại, Nguyễn Du lại nâng cao địa vị con người so với trời:
 


"Sư rằng: giải cứu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".


Chính cái quan niệm mơ hồ về nghiệp báo như vậy đã đẩy động tác đến một kết cấu tương phản với giáo lý Phật học; Thuý Kiều, sau mười lăm năm chịu đau đớn nhục nhã, vì tự bán mình chuộc tội cho cha, đã rửa sạch nghiệp cũ, nhận nghiệp mới. Sự thật, trong suốt thời gian đó, để chuyển nghiệp Thuý Kiều chưa hề diệt trừ hết những nghiệp nhân xấu vẫn chứa sẵn trong người nàng tự những kiếp nào. Đó là chưa kể Thuý Kiều đã mắc thêm những tội ác của báo oán để khiến cho "Máu rơi, thịt nát, tan tành"!

Rồi giả thiết rằng Thuý Kiều đã chuyển được nghiệp của mình thì sông Tiền Đường chính là lối trở về để Thuý Kiều bước sang một kiếp khác nhận một nghiệp mới. Nhưng cái thân nhơ nhớp đó không thể là nơi chứa đựng nghiệp mới này và cũng không ai có thể biết trước được thời gian sạch nghiệp như nhà sư Tam Hợp mà chỉ dẫn cho Giác Duyên đợi chờ bên sông Tiền Đường.

Nói tóm lại, tới khám xét triết lý Đoạn trường tân thanh bằng cửa ngõ Phật học, chúng ta có thể tìm gặp được những mâu thuẫn nội tại của nguồn tư tưởng Phật học của Nguyễn Du.


2. Cửa ngõ Nho học: Nghi ngờ bản lĩnh của Nguyễn Du về Phật học, như có người đã làm, thì còn là vấn đề phải bàn cãi. Nhưng người ta không thể chê trách Nguyễn Du về Nho học được, không thể nghi ngờ cả cái địa vị ưu tú trên văn đàn thời Lê mạt của dòng họ Nguyễn (Nghi Xuân) mà Nguyễn Du là một phần tử đáng kể. Nhưng qua Đoạn trường tân thanh, người ta đã tìm thấy nhiều nhược điểm thật sửng sốt đáng lẽ không thể có được đối với một nhà Nho học uyên thâm như Nguyễn Du:

Trước hết là những ý niệm về Trời. Nho giáo công nhận có Trời nhưng Trời chỉ là một cái lý độc nhất tuyệt đối, Thái Cực, lưu hành khắp vũ trụ, làm nguyên nhân cho sự sinh hoá của vạn vật. Nhưng cho rằng Lý Thái Cực này quá cao siêu đối với tri thức của con người nên Nho giáo không tìm đến bản thể, chỉ nghiên cứu những động thể của Lý Thái Cực mà thôi. Rút lại Trời chỉ còn là một ý niệm của chuyển động đơn thuần đi đến phức tạp, sinh sinh hoá hoá, vô cùng vô tận. Và sự chuyển động ấy có tính chất tất nhiên vì theo một quy luật chung. Sự tất nhiên đó là Thiên Mệnh.

Vậy Trời đối với Nho giáo chỉ là một cái Lý vô hình và thiên mệnh chỉ là một biến động của Lý ấy vốn có chứa đựng trong khắp vạn vật. Tri thiên mệnh vì thế không phải là thái độ của một tín đồ chịu khuất phục trước uy quyền của một đấng giáo chủ, mà chỉ là một sự hoà đồng của một phần tử trong cái nhịp điệu biến hoá đương nhiên của toàn thể.

Nhưng với Nguyễn Du, Trời không còn là một lý vô hình nữa, vì đã được nhân cách hoá. Trời định công, tội cho con người và Trời cũng mang nhiều dục vọng như con người, ghen cả với sự toàn thiện của con người…

Một mặt khác, Nguyễn Du đã vượt khỏi những ràng buộc luân lý Nho giáo khi để cho Thuý Kiều tự ý thề thốt với Kim Trọng trước khi được phép cha mẹ. Hành động tự do ấy đã bị các nhà Nho khe khắt lên án. Nguyễn Công Trứ đã dõng dạc buộc cho Thuý Kiều tội tà dâm khi Thuý Kiều phải vào chốn thanh lâu:
 


Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Tấm thân tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu?
...
Dễ đem chữ Hiếu mà lầm được ai?


Để cho Thuý Kiều phải gánh tội tà dâm, Nguyễn Du đã xây dựng một hình ảnh tương phản với hình ảnh Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người đàn bà kiểu mẫu Nho giáo…

Kiểm điểm lại, trên địa hạt của Phật học hay của Nho học mà nghiên cứu triết lý Đoạn trường tân thanh, chúng ta đã ghi nhận được những mâu thuẫn do Nguyễn Du đã dựng nên đối với Phật học và Nho học. Ngoài những mâu thuẫn riêng của từng nguồn tư tưởng, còn có mâu thuẫn gây nên bởi sự xung đột của hai nguồn tư tưởng đó: Cái tất nhiên của thiên mệnh đã bị nghiệp lực phá vỡ và ngược lại nghiệp lực đã phải chịu sự can thiệp của thiên mệnh và bước song hành của thuyết Tạo Hoá đố hồng nhan, tài mệnh tương đố, v.v.

Trước những mâu thuẫn rõ rệt đó, nếu cứ mượn những ánh sáng của Phật học và Nho học mà xét đoán thì khó lòng mà có thể dễ dãi với Đoạn trường tân thanh. Từ Nguyễn Công Trứ, qua Phan Thạch Sơ, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho đến Nguyễn Bách Khoa, Đức Nghiệp và Minh Hạnh, người ta chỉ tìm thấy những lời khiển trách nghiêm khắc. Riêng có học giả Trần Trọng Kim, cố gắng lồng nó vào khung Phật học và Nho học. Dĩ nhiên là tiếng nói ấy chẳng khuất phục được phe đối lập.

Nhưng phải chăng dư luận đó đã thành hẳn một nếp phê bình về Đoạn trường tân thanh? Nghĩa là Nguyễn Du, bên cạnh sự thành công rực rỡ về văn chương, đành chịu nhận những lời khiển trách kia chăng? Nếu giả thử rằng không còn điều gì để bàn luận nữa thì ít nhất cũng còn phải giải thích cái địa vị hiện tại mà Đoạn trường tân thanh đã chiếm được trong mọi tầng lớp dân chúng. Chúng ta tin rằng sự kiện đó còn giúp chúng ta khai phá thêm những lối đi mới và thống nhất những mâu thuẫn các nhà phê bình, đứng trên quan điểm Phật học và Nho học, đã nêu lên cho đến nay.


II. Thống nhất mâu thuẫn từ một điểm khởi hành mới

Nỗi khó khăn của những người muốn giải thích bài toán Đoạn trường tân thanh chính là cái việc phải chứng minh được tính chất thuần nhất của Đoạn trường tân thanh cả về nội dung lẫn hình thức trước dễ dãi bình dân cũng như trước khe khắt của trí thức. Đối với bình dân thì công việc được nhiều phần nhẹ nhàng vì bình dân tiếp nhận Đoạn trường tân thanh không cần phân tích. Nhưng đối với trí thức thì cũng là một vấn đề khá phiền phức, nhất là khi phân tích Đoạn trường tân thanh, họ có cả một hệ thống triết lý để sử dụng. Những lập luận yếu ớt, gượng gạo của học giả họ Trần đã không trấn áp nổi những lời chỉ trích của những người nhân danh Phật học và Nho học để lên tiếng. Lại còn có những người vì lúng túng, không tìm được chỗ đứng, đã bỏ qua vấn đề nội dung để chỉ đề cập tới vấn đề hình thức, cắt xén Đoạn trường tân thanh cho vừa với lý luận của mình.

Chúng ta sẽ cố gắng, với cái nhìn tổng hợp của thời đại, hãy thử bắt tay tiếp tục hoàn tất cái công việc đang còn dở dang kia. Lẽ tất nhiên chúng ta phải tránh những bước đi xưa cũ để lên đường theo một hướng mới. Chúng ta khởi hành đúng từ xuất phát điểm thì sẽ khỏi mắc những tệ bệnh thiên lệch.

Đa số người Việt Nam yêu thích Đoạn trường tân thanh là vì họ bắt gặp hình ảnh, nhịp ý, nhịp tình của họ trong đó. Đoạn trường tân thanh vì vậy là kết tinh của nền văn học bình dân Việt Nam. Đừng vội cho rằng nói như thế là đã dung tục hoá Đoạn trường tân thanh. Bông hoa nghệ thuật ấy đã vươn lên từ đám vườn quần chúng để rồi toả hương sắc cho cả khu vườn văn học Việt Nam.

Tồn tại độc lập đối với những lời phê bình, là một thực tại nghệ thuật, Đoạn trường tân thanh đã tự biện hộ cho nó. Nếu còn phải nói điều gì, chẳng qua cũng chỉ để tìm hiểu Nguyễn Du trong việc kết tinh được nền văn học bình dân bằng những chất liệu do bình dân cung cấp và do chính cá nhân Nguyễn Du cống hiến. Những chất liệu ấy không còn ở nguyên trạng nữa, vì đã được nhào nặn để xây dựng thành một áng văn bất hủ. Nhưng để cho tiện việc trình bày, chúng ta tạm kết tập những chất liệu ấy thành hai hệ điểm:


1. Tín ngưỡng bình dân, nền tảng tinh thần cấu thành triết lý Đoạn trường tân thanh

Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh lúc nào cũng đứng về phía bình dân mặc dầu văn tài lỗi lạc đã đưa Nguyễn Du lên địa vị của một trong năm "An Nam ngũ tuyệt". Ngay từ bước đầu, Nguyễn Du đã muốn rời bỏ mảnh đất bác học của mình:
 


Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.


Hai thuyết Tài mệnh tương đố Tạo Hoá đố hồng nhan đã được chiếu rọi qua lăng kính bình dân.

So sánh nhập đề Đoạn trường tân thanh với nhập đề Cung oán ngâm khúc chúng ta sẽ có một chứng cớ rõ rệt:
 


Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.


Ở những đoạn diễn tả tư tưởng bác học, Nguyễn Du chưa khoác hẳn được bộ áo bình dân. Phải đợi lúc Nguyễn Du trình bày những nhân vật bình dân hay lúc Nguyễn Du được thảnh thơi không phải suy tưởng, chúng ta mới nhận đủ bình dân tính của thơ Nguyễn Du. Để kết thúc Đoạn trường tân thanh đáng lẽ Nguyễn Du đã có thể ngừng ở hai câu thơ với một nội dung bác học:
 


Thiện tâm ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


Nhưng Nguyễn Du không quên vọng thêm lên tiếng nói muôn thuở của đám người đông đảo:
 


Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Sự thật đó hình như hay bị lãng quên.

Nhiều người vẫn mang một ám ảnh rằng Nguyễn Du đã phải sáng tạo một thi phẩm theo khuôn khổ bác học, nên họ đã không ngần ngại đem xét xử Nguyễn Du trước công lý Nho học và Phật học. Và cũng còn có kẻ lại đã đưa Nguyễn Du "đấu tố" trước toà án giai cấp đấu tranh. Hèn nào mà chả có lắm mâu thuẫn!

Hãy trả Nguyễn Du về cho nguồn tín ngưỡng bình dân.

Đòi hỏi này sự thật không phải một điều hoàn toàn mới lạ. Nhiều nhà phê bình trước kia cũng nhắc đến cái nguồn tín ngưỡng bình dân ấy nhưng lại chỉ coi như một cửa ngách để đẩy lui Đoạn trường tân thanh vào hậu trường. Ở đây ngược lại, chúng ta chọn nguồn tín ngưỡng bình dân đó làm sân khấu cho nhân vật trong Đoạn trường tân thanh, và dĩ nhiên cả Nguyễn Du, động tác trên lĩnh vực của họ. Tự đó, phóng tầm mắt ra bốn phía, chúng ta có thể ghi nhận được cái khả năng của dân tộc chế hoá các nguồn tư tưởng ngoại lai. Và chúng ta sẽ thấy các mâu thuẫn lần lần được san phẳng và thống nhất.

Danh từ tín ngưỡng này không mang một ý nghĩa thuần tuý tôn giáo. Đối với bình dân, tín ngưỡng chỉ có nghĩa là một lòng tin hồn nhiên, bằng trực giác, bằng tưởng tượng, bằng hy vọng, v.v. mà không bắt buộc phải có lòng tôn thờ của một tín đồ mộ đạo. Cả một quá khứ sinh tồn xa dài mấy nghìn năm đã rèn đúc cho dân chúng Việt Nam những nếp suy tưởng riêng biệt, quy định bởi những yếu tố chủng tộc, kinh tế, chính trị. Bởi lịch sử của họ là cả một cuộc trường kỳ đối kháng nên nếp cảm nghĩ của họ nhẹ phần vô ngã siêu hình, nặng phần hữu ngã. Âu cũng là một cần thiết để giữ cho họ khỏi bị dịu dàng đồng hoá, tận diệt. Nhưng cái cơ cấu đặc biệt tinh thần và vật chất của họ, ngoài những phản ứng tự vệ, vẫn giúp họ có được một đời sống tinh thần phong phú, hiền hoà, không chỉ bó chặt trong thế giới hữu hình, hiện tại mà còn vươn tới thế giới vô hình, quay trở về dĩ vãng, hướng lên tương lai. Họ hình như có liên lạc thường xuyên với vũ trụ vạn hữu, những liên lạc họ thiết lập một cách hồn nhiên bằng trí tưởng tượng mà không bằng những suy tưởng siêu hình [4] .

Trên nền tảng bao gồm những tương quan đó họ quy định tiêu chuẩn để nhận thức và hành động. Nhưng không phải là để phục vụ cho một lý tưởng nào cao xa mà để phục vụ cho đời sống hằng ngày của họ thêm đầy đủ ý nhị. Có thể nói họ đã chấp nhận một luật tắc trung tâm mà họ tin chắc rằng đã chi phối đời sống con người: Luật Nhân Quả. Đó là một lòng tin thiết thực và hợp lý có thể được minh chứng và củng cố bằng kinh nghiệm. Luật tắc đó sẽ biến dạng qua nhiều sắc thái để giải thích dẫn đạo sự sống tại khắp mọi mặt: luân lý, văn chương, luật pháp, v.v. Nó không kiến tạo được một hệ thống thuần tưởng nhưng nó tan biến vào tâm trí bình dân Việt Nam.

Tất cả mọi nguồn tư tưởng ngoại lai nào du nhập Việt Nam đều gặp phải cái chủ quan đó. Nếu là đồng tính thì nguồn tư tưởng ngoại lai được thấm nhập trực tiếp. Đạo Lão với tính chất phóng khoáng, tự do đã ăn sâu vào dân chúng Việt Nam để trở thành phong tục (cúng lễ, đồng bóng, v.v.). Nếu là dị tính thì liền gặp ngay một sự đối kháng lúc ào ạt, lúc mềm dẻo để đi tới kết quả là tu chỉnh nguồn tư tưởng cho thích hợp với chủ quan Việt Nam.

Đại diện cho cái chủ quan bình dân Việt Nam, Nguyễn Du đã tu chỉnh hệ thống tư tưởng của Phật giáo và Nho giáo. Nguyễn Du đã mang thêm một ý niệm về Trời, không phải của Phật giáo (vì Phật giáo không bàn đến Trời) mà cũng không phải của Nho giáo (Trời của Nho giáo là một cái Lý vô hình). Chính là của bình dân Việt Nam. Để chế ngự xu hướng tự do quá khích hoặc lòng tham không bờ người ta đã phải ước lệ một trọng tài: Trời.

Không có Trời, ai ở với ai.
Đối với bình dân chính Trời đã nhận rõ hiếu tâm của Thuý Kiều, đã nhận rõ Thuý Kiều không mắc tội tà dâm. Tuy nhiên Thuý Kiều là người đa tình có lẽ vì đa tài. Mà tất cả những thứ gì quá độ đều nguy hiểm. Hình phạt mười lăm năm phong trần đã quá đủ để cảnh tỉnh Thuý Kiều. Nên Trời đã không bắt Thuý Kiều chết, cho nàng được sống tái hợp với Kim Trọng. Trời ở đây là một cơ quan vô hình giữ trọng trách điều chỉnh xã hội. Cũng bởi thế cho nên Thuý Kiều mới được báo ân và trả oán đến máu rơi, thịt nát… (điều mà Phật giáo ngăn cấm). Ý niệm Trời của bình dân Việt Nam là một ý niệm hết sức linh động. Nhưng có một đặc điểm là bình dân Việt Nam chỉ đem ý niệm Trời phụ thuộc vào đời sống của mình mà không đem đời sống của mình phụ thuộc vào ý niệm Trời. Và thiếu ý niệm ấy, trong mỗi cá nhân sẽ mất những giềng mối bảo vệ đời sống xã hội khỏi hỗn loạn.

Người ta đã đặt vấn đề Hiếu trong Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Công Trứ đã nghiêm khắc phủ nhận hiếu tâm của Thuý Kiều mà kết luận rằng nàng chỉ là người tà dâm. Vì rằng việc Thuý Kiều ở lầu xanh đâu có là chỉ vì để chuộc tội cho cha. Đó là Nguyễn Công Trứ đã mượn luân lý Nho giáo mà xét xử. Nhưng chữ Hiếu của bình dân Việt Nam thiết thực và giản dị hơn chữ Hiếu của Nho giáo. Nó không là những nghi tắc phiền toái cứng nhắc khiến con người phải quên thân mình đi (cha mẹ còn sống không được đi xa, cha mẹ khoẻ đánh đập con không được kêu đau, cha mẹ già đánh đập con phải giả vờ kêu đau, v.v.). Đối với họ, Hiếu là tình tri ân công đức cha mẹ nuôi dưỡng, tượng trưng cho sự ràng buộc máu mủ giữa các thế hệ. Người con có hiếu không bắt buộc phải gò ép vào những khuôn phép hình thức. Thuý Kiều tuy không đợi lệnh cha mẹ đã đính ước với Kim Trọng nhưng bán mình chuộc tội cho cha vẫn là người con có hiểu. Và cái hành động hy sinh ấy không là cận nhân thì cũng là viễn nhân của việc Thuý Kiều vào thanh lâu hai lần để rồi hy vọng tìm một cơ hội tự giải phóng. Chưa ai muốn vào thanh lâu để thoả mãn lòng tà dâm!

Tóm lại, nguồn tín ngưỡng bình dân đã giúp Nguyễn Du cải bổ tư tưởng Nho học và Phật học thuần tuý, thích ứng với chủ quan Việt. Học thuyết Duy Nghiệp chỉ còn rút lại thành một luật tắc: Nhân Quả đơn giản như những câu ca dao:
 

Ở hiền gặp lành

Cây xanh cành lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước…


Và nền luân lý Nho giáo đầy thành tích đã biến cải thành một nền luân lý bình dân phù hợp với nhân tính.

Chúng ta có thể thấy rõ rằng chọn tín ngưỡng bình dân làm cứ điểm lập luận, không những chúng ta giải quyết được những mâu thuẫn kể trên mà còn có được thêm một viễn kiến sâu xa khám phá Đoạn trường tân thanh.

Tuy nhiên cần nói ngay rằng tín ngưỡng bình dân không phải là một yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của Đoạn trường tân thanh. Chúng ta không thể bỏ quên được sự đóng góp của cá nhân Nguyễn Du.


2. Sự cống hiến của chủ quan Nguyễn Du

Đến với bình dân, đứng chung một vị trí với bình dân, Nguyễn Du đã không chỉ giữ một thái độ thụ động. Như một cái cây mọc trên đất bình dân, được chất màu bình dân nuôi dưỡng, Nguyễn Du đã mang lại cho thơ bình dân những cống hiến đặc sắc tiến thăng tư tưởng bình dân.

Trước hết Nguyễn Du đã thu xếp cho cái hồn nhiên bình dân gặp gỡ cái suy tưởng sâu sắc bác học. Chữ Nghiệp của nhà Phật giúp cho bình dân đào sâu luật nhân quả, khám phá giải thích sự sống. Chữ Tâm cũng truyền cho bình dân ý chí quay trường, chọn mình làm trung tâm điểm của đời sống.

Nhưng điều đáng kể nhất là Nguyễn Du đã khơi nguồn rung cảm cho bình dân để nâng cao trình độ thưởng ngoạn. Chúng ta đừng quên rằng Đoạn trường tân thanh trước hết là một tác phẩm văn nghệ. Nhờ hai giả thuyết "Tài, Mệnh Tương Đối" và "Tạo Hoá Đố Hồng Nhan", Nguyễn Du có thể đẩy tới cực độ của nó, thảm kịch Thuý Kiều, thảm kịch xã hội Thuý Kiều, mà không phải là hoàn toàn bịa đặt. Lòng chúng ta sẽ chan chứa yêu thương, giận thù, kinh tởm những hiệp thông mà Nguyễn Du trình bày trong Đoạn trường tân thanh. Người bình dân không phải nhọc nhằn gì mới có thể hiểu được rằng:
 


Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…


và:
 


Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen…


Thế thì hai cái giả thuyết này, có thể mâu thuẫn với thuyết Duy Nghiệp của Phật giáo, đã tự lý giải được sự hiện diện trong Đoạn trường tân thanh.

Tất cả những kỳ công kể trên, Nguyễn Du dã thực hiện bằng một thứ linh cảm đặc biệt mà người ta chỉ tìm thấy ở những thi hào. Linh cảm đó trùng khít Nguyễn Du với vạn vật, rung lên nhịp điệu của tiếng than, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng lá rơi, nước chảy, gió reo, của hoa nở, trăng lên, sóng vỗ, v.v. và Nguyễn Du đã dẫn dắt theo mình cả một đám dân chúng quảng đại. Vì Nguyễn Du đã nói tiếng nói của họ, đã rung cảm, suy tư từ tâm trạng họ. Sự kiện ấy bó buộc Nguyễn Du phải phá vỡ những nguồn tư tưởng bác học chứa chất trong mình, điều mà tất cả những ai còn đứng riêng rẽ trên địa hạt của từng nguồn tư tưởng đó không khỏi bất bình vì những mâu thuẫn Nguyễn Du đã tạo nên cho họ.
 

*
Tới đây chúng ta tạm thời có thể kết luận. Nhưng trong cái khuôn khổ của một Nguyễn Du tác giả kết tinh của tín ngưỡng bình dân Việt Nam và của một Đoạn trường tân thanh, tác phẩm kết tinh của văn nghệ bình dân Việt Nam.

Những mâu thuẫn mà thoạt đầu chúng ta tưởng sẽ phải bó tay, vô phương giải quyết thì dưới ánh sáng của một triết lý sống bình dân, đã tiêu tan để thống nhất một cách thoả mãn trong một toàn thể thuần nhất.

Chúng ta chưa dám đoán quyết rằng Nguyễn Du đã giải thích đúng đắn, giải quyết đúng đắn những vấn đề cá nhân và xã hội. Nhưng chúng ta dám khẳng định rằng Nguyễn Du đã trình bày rất sống những sự thật mà hiện nay vẫn còn bắt gặp bất luận ở Đông phương hay Tây phương. Thảm kịch Thuý Kiều không phải chỉ là đau xót riêng tây của Nguyễn Du, của chúng ta, những người Việt Nam trong khoảng hơn một thế kỷ nay, mà của loài người tất cả đang run sợ trước những trang sổ mở đoạn trường vĩ đại. Tiếng nói Nguyễn Du sẽ chỉ mất hết mầu nhiệm ngày nào mà nhân loại không còn phải nhỏ lệ khóc cho thân phận con người.

Còn một điều khá quan trọng đáng lưu ý chúng ta đó là việc còn phải phân biệt bình dân với bác học. Nguyễn Du đã mang cái vốn tư tưởng sở đắc trong Nho và Phật học cống hiến cho bình dân. Có thể là chúng ta vẫn còn nhiều bất mãn đối với nguồn tư tưởng bình dân, thể hiện qua Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh, những bất mãn của con người hôm nay đối với những con người hôm qua. Nhưng phần lỗi ở Nguyễn Du hay ở đám người mà Nguyễn Du đã phản ảnh dưới ngọn bút thi thánh của mình?

Phải chăng những giọt nước mắt mà Nguyễn Du chờ đợi là những giọt nước mắt của những kẻ tri âm, nối nghiệp?


[1]Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa
[2]Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa
[3]Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa
[4]Xin xem thêm: "Thần tri và Hồn tính của dân tộc Việt Nam", Nguyễn Sĩ Tế, Sáng tạo, số 4, tháng Giêng 1957

(*): Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm
Nguồn: Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528958

Hôm nay

25

Hôm qua

2334

Tuần này

21231

Tháng này

215654

Tháng qua

0

Tất cả

114528958