Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 17)

Tiết 3: Chính trị các Nhiếp chính và Quan bạch.Văn hóa quốc phong.

3.1 Chính trị Nhiếp chính - Quan bạch với Michinaga và Yorimichi:

Từ đây chúng ta sẽ bước vào thời đại toàn thịnh của chính trị sekkan ( chính trị của chức Nhiếp chính và Quan bạch) mà điển hình là hai quyền thần Fujiwara no Michinaga (Đằng Nguyên Đạo Trường) và Yorimichi (Đằng Nguyên Lại Thông).

Đó là thời kỳ khai hoa kết trái của các cây bút nữ cung đình như Murasaki Shikibu (Tử, Thức Bộ) với tiểu thuyết trường thiên Genji Monogatari và Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn) với tập tùy bút Makura no Sôshi.

Như đã trình bày, sesshô (nhiếp chính) là chức đại diện thiên hoàng toàn quyền thực thi hành chính cho đến khi tân quân đến tuổi trưởng thành, còn kanpaku (quan bạch) là người trông coi giúp rập thiên hoàng khi ông đã thành nhân rồi. Khoảng thời gian này, cánh nhà Fujiwara đã độc chiếm hai chức vụ ấy và vinh hoa của dòng họ nhờ đó mà lên đến tột đỉnh.

Xin mở ngoặc ở đây để nói một chút về nếp sống cung đình. Thuở ấy, trong cung, quan chức nam giới thường mặc lễ phục gọi là sokutai (thúc đới) khá rườm rà trong những dịp lớn lao và ikan (y quan) giản dị hơn vào những ngày thường. Đàn bà như các nữ quan có phòng riêng (nyôbô, nữ phòng) thì mặc juuni hitoe (thập nhị đơn) gồm cả áo choàng ngoài karaginu (đường y) và váy gọi là mo (thường). Áo xống của họ thường làm bằng lụa (kinu), có hình trang trí (mon.yô) và in nhiều màu sắc (haishoku).

Nam giới thông thường mặc áo bào đơn (nôshi), áo “phường săn” (kariginu) còn nữ giới thì mặc áo khoác ngắn bên trên (koichigi) với quần phồng có hai ống (hakama). Thưòng dân thì mặc áo khoác ngắn (suikan) trùm lên áo mặc bên trên (hitatare), vận quần hai ống ngắn (kobakama) ở dưới. Muốn nhận ra rõ hơn, phải tham khảo tranh ảnh tư liệu.

            

                     

Dinh cơ quí tộc xây theo lối shindenzukuri

Nhà cửa người Nhật lúc đó là loại nhà xây cất theo kiểu tẩm điện (shindentsukuri) nghĩa là lấy phòng ngủ quay về hướng nam làm trung tâm sinh hoạt, cũng là nơi cử hành những nghi thức trọng đại trong gia đình, trên trải chiếu (tatami) và nệm bồ đoàn (warôda) hình tròn để ngồi. Ăn uống khá giản dị, thường ngày chỉ có 2 bữa, vì ảnh hưởng đạo Phật nên thường kiêng thịt và không dùng cả dầu khi nấu nướng. Nói chung họ ăn uống rất lành mạnh.Chúng ta vẫn có thành kiến là quí tộc Heian phong lưu, béo tốt nhưng cứ nhìn vào đồ ăn thức uống của họ thì nhất định là phần đông không thể nào như thế được.

Con trái đến tuổi từ 10 đến 15 thì làm lễ genpuku (nguyên phục = bới tóc đội mảo), con gái làm lễ mogi (thường trước = mặc váy) tức là lễ thành nhân. Con trai sau đó sẽ được phong chức tước, ra làm quan (shusshi = xuất sĩ) trong triều. Quí tộc Heian thường sống ở khu phía tả kinh đô (Sakyô). Chức sessho sở hữu một số dinh thự ngay khu trung tâm kinh đô nhưng ngoài việc đi hành hương chùa Hasedera trong vùng Yamato (nghĩa là vùng phụ cận), họ ít khi di chuyển ra khỏi kinh đô.

Trở lại lịch sử Heian thì từ thời Fujiwara Saneyori (Đằng Nguyên Thực Lại, 900-970), con cả củaTadahira (và lảnh chức sesshô kanpaku trải 4 triều Daigo, Suzaku, Murakami và Reizei) thì thường chỉ có người trong họ Fujiwara mới có thể nắm được chức vụ quan trọng đó.Năm 969 (Anna 2) xảy ra vụ biến loạn, dòng họ Fujiwara thành công trong việc đuổi được các họ khác và giành sân chơi lấy một mình. Từ đấy câu hỏi đặt ra chỉ là ai trong nhà Fujiwara sẽ ra giữ chức Sesshô-Kanpaku. Nếu có chuyện tranh giành thì cũng là giữa họ với nhau thôi chứ trong triều không còn thế lực nào trụ lại được với họ.

Đó là tình hình từ giữa thế kỷ thứ 10 bước sang thế kỷ 11 nên người ta gọi giai đoạn này là thời kỳ sekkan (sekkanki = nhiếp quan kỳ) và chính trị lúc ấy là chính trị sekkan (sekkan seiji). Những gia đình nào có người ra làm sekkan thì gọi là gia đình sekkan (sekkanke). Thế nhưng trước khi chào đón thời toàn thịnh với Michinaga và Yorimichi, họ Fujiwara cũng đã biết đến những xào xáo nội bộ vì tranh giành quyền bính.

Hệ phổ 18 đời thiên hoàng theo thứ tự thời gian và liên hệ giữa họ với ngoại thích Fujiwara

             (khởi đầu bằng Yoshifusa (1), con trai Fuyutsugu).

 

Đời các thiên hoàng

Tên thiên hoàng

Hậu, phi gốc gác  Fujiwara

Ngoại thích Fujiwara giữ chức Sesshô-kanpaku (đánh số theo thứ tự trước sau)

1

Ninmyô

Junshi

Yoshifusa (1)

2

Montoku

Meishi

Mototsune (2)

3

Seiwa

Kôshi

Mototsune

4

Yôzei

   -

Mototsune, Tadahira (3)

5

Kôkô

   -

Tadahira

6

Uda

Inshi

Tadahira

7

Daigo

Onshi

Saneyori (4)

8

Suzaku

 

Koremasa (5), Kanemichi (6), Yoritada (7), Kaneie (8)

9

Murakami

Anshi

Koremasa, Kanemichi, Yoritada, Kaneie

10

Reizei

Chôshi

Kaishi

Michitaka (9), Michikane (10), Michinaga (11)

11

Enyuu

Senshi

Michitaka, Michikane, Michinaga

12

Kazan

   -

Yorimichi (12), Atsumichi (13)

13

Ichijô

Teishi

Yorimichi, Atsumichi

14

Sanjô

Kenshi

Yorimichi, Atsumichi

15

Go-Ichijô

Ishi

Yorimichi, Atsumichi

16

Go-Suzaku

Kishi

Morozane (14)

17

Go-Reizei

Kanshi

Morozane

18

Go-Sanjô

Công chúa Teishi-

Morozane

 

Sau thời của Saneyori (4) thì xảy ra vụ tranh chấp quyền lực giữa hai anh em Kanemichi (6) và Kaneie (8) xong lại đến lượt chú cháu Michinaga (Đạo Trường, 11) và Korechika. Hai cuộc tranh giành đều xảy ra giữa bà con gần, chung một dòng máu. Trong trường hợp thứ hai thì Korechika bị tá thiên vì hành động của em mình, để cho ông chú là Michinaga giành được chức Tả đại thần, chấm dứt tình trạng nồi da xáo thịt của người cùng một chi.Từ đó trở đi, chỉ còn Michinaga là kẻ chỉ đạo tối cao, có thực lực hơn cả. Ông trở thành nhân vật gọi là trưởng tộc (uji no chôja) và có công đưa dòng họ Fujiwara bước vào thời kỳ toàn thịnh. Dầu sao ở đây có một điểm không được sang tỏ. Đó là việc  Michinaga chưa từng nắm chức Kanpaku. Cho dù ông được người đời xưng tụng là ngài Midô Kanpaku nhưng thực ra từ năm 995 cho đến 1016, suốt 21 năm trời, ông chỉ được phong chức chính thức là Nairan (Nội lãm) và sau đó lên thẳng Sesshô.

Nairan là người ở trong cung kiểm tra tất cả các văn thư trước khi đem trình lên thiên hoàng. Ông không thông qua chức kanpaku trước khi trở thành sesshô nhưng cuốn nhật ký của ông lại có nhan đề là Mido Kanpaku Nikki (Ngự đường quan bạch nhật ký). Còn danh hiệu Midô (Ngự đường) của ông vốn xuất phát từ một danh từ tôn giáo. Đó là chữ được dùng trong Jôdokyô (Tịnh Độ Giáo), một tông phái Phật giáo dạy người ta phải chuyên tâm tu hành trong thời mạt pháp để được vãng sinh cực lạc về cõi Tịnh Độ. Trong tông phái này có những tăng nhân tên tuổi như Kuuya (Không Dã) hay Genshin (Nguyên Tín, người soạn Yôjô yôshô tức Vãng Sinh Yếu Tập) . Genshin còn có tên là Eshin sôzu (Huệ Tâm tăng đô) vì ông là một chức tăng quan cao cấp (tăng đô) tu ở Huệ Tâm Viện (Eishin.in) trên núi Hieizan.

Thời kỳ đó trong dân chúng có lưu hành tư tưởng mạt pháp (mappô shisô) coi như lúc đó đã sắp đến ngày tận thế. Giáo lý Tịnh Độ giúp người xa lánh những nỗi bất an của đời này và hướng về hạnh phúc trong cõi đời sau. Nó dễ dàng được tiếp nhận vì đáp ứng đòi hỏi về mặt tinh thần của dân chúng. Đến cuối đời Heian, lại thấy xuất hiện những nhà truyền giáo thường dân mang tên là hijiri (thánh) mở rộng mạng lưới Jôdokyô ra toàn quốc.

Tư tưởng mạt pháp đến từ lời tiên tri cho rằng sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, thế gian sẽ trải qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau. Đó là các thời kỳ chính pháp (shôbô), tượng pháp (zôhô) và mạt pháp (mappô) và Phật pháp của Thích Ca theo thời gian sẽ mất dần hiệu quả. Người ta tin rằng kể từ năm 1052 (Eijô 7), loài người sẽ bước vào thời mạt pháp. Lúc đó sẽ có những chứng cứ cụ thể về nó: các việc bất tường như đạo tặc, hỏa tai và dịch lệ thi nhau xảy đến. Để thoát ra khỏi ám ảnh bất an của một xã hội như thế thì người dân chỉ còn có cách đặt hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp hơn trong một kiếp sau.

Cũng trong thời gian nay, giới quí tộc lại có tập quán tin rằng có những điều cấm kỵ (monoimi) và hướng xuất hành xấu tốt (katatagae). Nó vốn có nguồn gốc sâu xa từ âm dương đạo (onmyôdô) tức phép bói toán đến từ Trung Quốc. Theo đó, thời tiết và những hiện tượng tự nhiên đều có ảnh hưởng đến thời may vận rủi của con người. Mỗi ngày, khi hành động phải biết hạn chế một số điều để tránh hung và được kiết.Tránh những điều cấm kỵ và chọn đúng phương hướng mà đi là chuyện phải làm. 

Tư tưởng mạt pháp và giáo lý tịnh độ đưa người ta đến tín ngưỡng về Phật A Di Đà. Thời đó có những bức tranh vẽ cảnh Đức Phật tiếp độ người được vãng sinh về cõi cực lạc. Loại tranh đó mang tên là Raigôzu (Lai nghênh đồ). Sự liên quan giữa bức tranh và Phật A Di Đà nằm ở chỗ người ta tin rằng Phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây Phương cực lạc, mà người tin vào giáo lý Tịnh Độ sẽ được siêu sinh về chốn ấy. Ngoài ra còn thấy có nhiều truyện ký nói về những tấm gương của người được vãng sinh cực lạc ra đời. Chẳng hạn Nihon ôjô kyokurakuki (Nhật Bản vãng sinh cực lạc ký) của Yoshishige no Yasutane (Khánh Từ Bảo Dận) hay Ôjô Yôshuu (Vãng Sinh Yếu Tập) của tăng Genshin (Nguyên Tín), hai tác phẩm đáng đại biểu cho thể loại nói trên. Về tranh thì Shôjuraigôzu (Thánh chúng lai nghênh đồ) trên núi Kôyasan (Cao Dã Sơn) là tác phẩm miêu tả rất sống động, toát ra cái không khí trang nghiêm và vui thỏa khi Đức Phật hiện ra để tiếp dẫn những tín đồ đắc đạo.

                           

Quyền thần Fujiwara no Michinaga

Michinaga cũng sùng bái Jôdokyô. Ông đã phát nguyện xây một tòa kim đường thờ Phật gọi tắt là midô (ngự đường). Thật ra đấy là Amidadô (A Di Đà Đường) ở chùa Hôjôji (Pháp Thành Tự). Chính công trình xây dựng này là nguyên do dẫn đến nhan đề cuốn nhật ký của ông.

Cũng thế, Yorimichi (12), người kế nghiệp Michinaga, đã cho xây một kim đường khác, Byôdôin Hôôdô (Bình Đẳng Viện Phượng Hoàng Đường). Đây là một kiến trúc tiêu biểu về phật đường còn tồn tại. Bức tượng Phật A Di Đà Như Lai thờ ở đây là tác phẩm làm theo lối ghép gỗ (yosegi-zukuri)[1] của nghệ nhân nổi tiếng đương thời, Jôchô (Định Triều, ?-1057).

Michinaga sở dĩ xây dựng được thời đại toàn thịnh cho dòng họ bởi vì 4 cô con gái của ông kẻ trước người sau đã trở thành chính phi của thái tử hoặc hoàng hậu. Sau đây là quan hệ giữa họ và các thiên hoàng:

  1. Shôshi (Chương tử) = Hoàng hậu (tước Chuuguu) của Thiên hoàng Ichijô.
  2. Kenshi (Nghiên Tử) = Hoàng hậu (tước Chuuguu) của Thiên hoàng Sanjô.
  3. Ishi (Uy tử) = Hoàng hậu (tước Chuuguu) của Thiên hoàng Go-Ichijô.
  4. Kishi (Hỉ tử) = Hoàng phi của Thiên hoàng Go-Suzaku thời còn là Đông cung.

Nhờ sức các con gái mà Michinaga đã củng cố được quyền uy tuyệt đối giữa triều đình trong suốt cuộc đời chính trị 30 năm.

Một khi con gái nhà Fujiwara đã trở thành hoàng hậu, tất nhiên nếu có cháu cháu ngoại trai – con của con gái ông và thiên hoàng – thì cậu bé đó sẽ kế vị thiên hoàng trong tương lai và Michinaga nghiễm nhiên trở thành ngoại tổ của thiên hoàng.

Ngoại thích lại là ngoại tổ giàu kinh nghiệm như Michinaga thì việc trở thành nhiếp chính cho tân quân hãy còn trẻ tuổi là chuyện bình thường nếu không nói là cần thiết để dẫn dắt cậu bé ấy từng bước một trong việc trị nước. Như vậy quan hệ ngoại thích là vũ khí số một của Michinaga.

Cần nhắc lại là trong xã hội quí tộc Nhật Bản ngày xưa, con cái lúc nào cũng được nuôi dạy ở nhà mẹ, do đó mà liên hệ giữa tân quân với gia đình bên ngoại rất gắn bó. Như thế, thân thích bên ngoại (ông và các cậu) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm nom và bảo vệ thiên hoàng mới lên ngôi.

Quyền hành của ngoại thích Fujiwara lên đến tuyệt đỉnh khiến cho Michinaga đã bày tỏ niềm tự hào về cuộc sống vinh hoa của mình trong một bài waka chép lại trong Shôyuki (Tiểu hữu ký) của Fujiwara no Sanesuke, nếu dịch ra ngôn ngữ hiện đại thì bài thơ đó ý nói: “Trong cuộc đời này, ta đã được toại nguyện đủ mọi điều, thế gian này coi như đã thuộc về ta vậy”. Ông ta tự tín cho rằng phú quí vinh hoa của dòng họ mình đầy đặn chẳng khác nào một vầng trăng tròn (mãn nguyệt = mochizuki)”. Tác giả quyển Shôyuki nhắc đến bên trên cũng là một nhân vật thuộc cánh Fujiwara, Hữu đại thần Ononomiya Fujiwara no Sanesuke (Đằng Nguyên Thực Tư, 957-1046), cho nên sách đó mới có nhan đề là Tiểu hữu ký. Ononomiya là tên phủ đệ trước của một thân vương nhưng đã nhượng lại lại từ đời cha ông cho nhà Fujiwara.

Hai tác phẩm văn học sau đây đã ghi lại chi tiết sự vinh hoa phú quí của Michinaga. Trước tiên là “Truyện kiếp vinh hoa” (Eiga Monogatari) mà tác giả là bà Akazome Emon, một nữ quan hầu cận thân tín. Cuốn sách này đã khẳng định và cực tả cuộc sống hào nhoáng, đầy vinh quang của ông. Sau mới đến “Kính lớn” (Ôkagami). Quyển sách thứ hai này cùng với “Kính ngày nay” (Imakyô), “Kính nước (Mizukyô) và “Kính thêm” (Masukyô) tạo thành “Tứ kính” (Shikyô) tức 4 pho sách xem như 4 tấm kính phản chiếu lịch sử đương thời. Ôkagami còn có tên là “Chuyện nối dõi” (Yotsugi Monogatari) để cho ta thấy rằng sự vinh hoa đó không chỉ xảy ra trong cuộc đời Michinaga mà thôi.                 

                          

Tượng nữ văn hào Murasaki Shikibu

Nếu tóm tắt hơn nữa lược đồ bên trên về liên hệ giữa hoàng gia và con gái nhà Fujiwara thì ta thấy trước tiên, bà Shôshi (Akiko) đã nhập cung Thiên hoàng Ichijô (Nhất Điều), trở thành chánh cung của ông (chuuguu). Bà sinh được 2 con trai, sau này sẽ là Thiên hoàng Go-Ichijô (Hậu Nhất Điều) và Go-Suzaku (Hậu Chu Tước). Bà Kishi (Yoshiko) thành chính phi Thiên hoàng Go-Suzaku, đã sinh cho ông thời còn ở Đông cung một trai, sau này sẽ lên ngôi, hiệu là Go-Reizei (Hậu Lãnh Tuyền). Tóm lại, 3 vị thiên hoàng nói trên đều là cháu ngoại của Michinaga. Con trai và người kế nghiệp Michinaga (30 năm quyền bính) là Yorimichi (Lại Thông) lại giữ chức vụ sesshô kanpaku đầu triều thêm 50 năm nữa trải ba đời Go-Ichijô, Go-Suzaku và Go-Reizei, nối dài chính trị sekkan trên hai thế kỷ (Yoshifusa 857 - Morozane 1094).

3.2 Văn hóa quốc phong khai hoa:

Trong giai đoạn cực thịnh của nhà Fujiwara, thử hỏi văn hoá Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10 về sau đã có gì tiến triển?

Thực ra thời này phải nói là ở đại lục đã có nhiều biến động. Bên Trung Quốc, khí vận nhà Đường bắt đầu gặp những đám mây u ám. Năm 907 (Engi 7), Đường triều đang đứng mấp mé bên bờ vực. Do đó, năm 894 (Kanpyô 6), đại thần và học giả Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân) đã dâng kiến nghị lên triều đình yêu cầu ngưng lại tất cả những chuyến đi sứ sang bên đó. Một phần ông tỏ ra lo ngại hành trình đường biển quá nhiều sóng gió nguy hiểm, nhưng một phần cũng có ý chê bai, cho rằng Nhật Bản không còn có gì đáng học hỏi ở nhà Đường nữa.

Thế nhưng từ đó về sau , với những tinh hoa hấp thụ từ văn hoá đại lục, người Nhật đã phát triển văn hoá quốc phong, làm cho nền văn hóa sẳn có của họ ngày thêm tinh ròng.

                   

Sugawara no Michizane, đại thần và nhà văn hóa

Đặc sắc hơn cả có lẽ là sự ra đời của văn tự kana. Từ thế kỷ 11 trở đi, hai loại chữ viết hiragana và katagana đã vượt lên xa, ra ngoài vòng ảnh hưởng của chữ Hán (Kanji). Kết quả là một nền văn học quốc âm sử dụng kana như phương tiện truyền đạt chính đã khai hoa rực rỡ. Trừ văn kiện tư liệu có tính cách hành chính, giới quí tộc cũng đổ xô sử dụng kana ngay trong cả cuộc sống hằng ngày.

Văn tự kana đã thành hình như thế nào?[2]

Ngày xưa, người Nhật không có văn tự biểu âm mà chỉ dựa vào chữ Hán, một văn tự biểu ý. Do đó muốn chép lịch sử như trong Kojiki hay thơ trong Man.yôshuu, họ phải quyền biến, chế ra Man.yôgana. Làm như thế không tránh khỏi cái khổ tâm là viết một đằng đọc một nẻo. Có khi thì viết ra đúng theo ý, có khi thì như bùa chú, chẳng ai mà đoán nổi. Dùng chữ Hán “đông phong” (gió mùa đông) để diễn tả từ arashi (cơn bão) hay “bạch khí” (hơi nước trắng) để đọc là kiri (sương mù) thì không nói gì nhưng khi viết “mã thanh” mà đọc là i (âm thanh như tiếng ngựa hí) hay “ngưu minh” để đọc là mu (tiếng bò nghé ngọ) thì quả là cực nhọc cho mình và khổ cho con cháu đời sau mất công tìm hiểu.

Đến thời Nara và Heian, khi các du học sinh qua Trung Quốc trở về với cả một kho tàng kiến thức thì nhu cầu phải có một hệ thống văn tự biểu âm để truyền bá chúng trở nên bức bách. Do đó, mới có sự phân biệt âm on (âm) và kun (huấn) trong Kanji (chữ gốc Hán, mana = chân danh) cũng như sự hình thành của hai thứ văn tự biểu âm gọi là kana (giả danh, hay chữ mượn đỡ) là hiragana (bình giả danh) và katakana (phiến giả danh). Hiragana đến từ chữ Hán viết tháu (đá thảo, bình dị) và katakana thì lấy một vài nét (phiến, bộ phận) của nguyên thể chữ Hán ấy thôi. Xin đơn cử một hàng:

Âm

A

I

U

E

O

Hiragana

Từ gốc Hán

安 (an)

以 (dĩ)

宇 (vũ)

衣 (y)

於 (ư)

Katakana

Từ gốc Hán

阿 (a)

伊 (ý)

宇 (vũ)

江 (giang)

於 (ư)

 

Tương truyền, người đặt ra 47 âm (sau thành 48) âm cơ bản của tiếng Nhật được biểu ký đó là Hoằng pháp đại sư Kuukai (Không Hải, 774-835) qua một bài đạo ca gọi là Iroha uta mà người Nhật một khi đã đi học đều phải tập chép. Đó là một bản thu gọn cách nói đương thời chứ xưa kia, tiếng Nhật còn có rất nhiềm âm và cách đọc. Việc Kuukai là tác giả là điều mà Ôe no Masafusa (1041-1111), một học giả uyên bác, đã thuật lại theo lời cao tăng Genshin, người sống sau Kuukai khoảng trên nột trăm năm. Trước đó, một câu thơ của Naka Oô (Trọng Hùng Vương) trong Ryôunshuu (Lăng vân tập, 841) ca ngợi công đức Kuukai cũng có câu: Tự mẫu hoằng tam thừa, Chân ngôn diễn tứ cú. Dù sao, hệ thống Iroha, qui chuẩn mà các từ điển dùng ngày nay là hệ thống đã hình thành vào khoảng năm Jishô (1177-1181) ghi lại trong Iroha Jiruishô (Sắc diệp tự loại sao) của Tachibana no Tadakane (Quất, Trung Kiêm).

Thể loại văn chương tiêu biểu của thời này là hình thức thi ca gọi là Waka (Hòa ca). Thay vào những thi tập chữ Hán được soạn theo sắc chiếu cho đến lúc đó, năm 905 (Engi 5), Thiên hoàng Daigo (Đề Hồ) ra lệnh soạn thi tập Waka đầu tiên theo chiếu chỉ. Đó là tác phẩm mang tên Kokin Wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) tức tập thơ Waka xưa nay biên tập bởi một nhóm văn nhân dưới sự chỉ đạo của Ki no Tsurayuki. Trong đó ta thấy cả một ca phong tinh tế và kỹ xảo gọi là Kokinchô (Cổ Kim điệu), nó sẽ là mẫu mực lâu dài về sau cho các nhà thơ Nhật Bản. Thế rồi trong khoảng thời gian nó ra đời cho đến tập Shin Kokin (Tân Cổ Kim) của thời Kamakura, đã có tất cả 8 tuyển tập thi ca soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng, gọi chung là hachidaishuu (bát đại tập, 8 tập thơ của 8 đời).

Những nhà thơ tượng trưng cho thi phong của thời này đã xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ 9. Họ là 6 vị được xưng tụng là Rokkasen (Lục ca tiên) tức 6 thi hào, gồm: Sôjô Henjô (Tăng chính Henjô), Ariwara Narihira (vương tử Ariwara Narihira), Onô no Komachi (nữ quan Ono no Komachi), Kisen (nhà sư Kisen), hai ông Bunya no Yasuhide và Ôtomo no Kuronushi.

Ngoài ra, việc nhà biên tập Ki no Tsurayuki còn viết Tosa Nikki (Nhật ký Tosa) bằng chữ kana là một chuyện đáng chú ý.Bên cạnh đó, hình thức tiểu thuyết monogartari (truyện kể) đã có những tác phẩm như Taketori Monogatari (Truyện ông lão đốn trúc), uta-monogatari (truyện thơ) thì có Ise Monogatari (Truyện vùng Ise), đó là chưa nói đến tác phẩm Genji Monogatari (Truyện chàng Genji) do nữ quan Murasaki Shikibu sáng tác cho đến này vẫn là một tiểu thuyết trường thiên đáng tự hào của người Nhật. Còn bà Sei Shônagon cũng đã viết tập tùy bút Makura no Sôshi (Ghi nhanh bên gối), vốn được so sánh như một kiệt tác văn học không phải hổ thẹn khi đặt bên cạnh Genji Monogatari.

                            

Nữ sĩ Sei Shônagon

Về mặt mỹ thuật và công nghệ, với khuynh hướng quốc phong hóa được đẩy mạnh, trong lãnh vực kiến trúc, người Nhật đã sáng tạo ra lối xây cất nhà cửa có tên là shindenzukuri (nhà có trung tâm là tẩm điện) có hai cánh hai bên, với hai đặc điểm là shirogizukuri (vách ván thô không sơn phết) và hiwatabuki (mái lợp vỏ hinoki, một giống bách Nhật Bản) rất đậm đà phong vị. Bên trong căn nhà những fusuma, jôji (cánh cửa kéo ngăn các phòng và phết giấy bồi) và các tấm byôbu (bình phong) đều có trang trí tranh vẽ. Thay vào tranh Karae tức tranh kiểu Trung Quốc là tranh đề tài hoa điểu phong nguyệt theo lối vẽ Yamatoe kiểu Nhật cho nên đường nét rất dịu dàng mà màu sắc lại thanh nhã. Người ta cho rằng ông tổ của tranh Yamatoe là Kose no Kanaoka (Cự Thế, Kim Cương), một họa sư tên tuổi thời Heian mà đời hoạt động đã kéo dài đến khoảng năm 895 (Kanpyô 7).

Trong lãnh vực hội họa thì Yamatoe từ đó về sau, suốt thời insei (viện chính hay chính trị viện sảnh do các thái thượng hoàng chủ động) người ta đã thêm vào bên cạnh hình vẽ những lời bàn gọi là kotobagaki (từ thư). Do đó phát sinh ra hình thức văn nghệ gọi là emakimono (loại tranh cuộn) không khác chi thủy tổ những tiểu thuyết bằng tranh về sau.Các tác phẩm đại biểu phải kể đến Genji Monogatari Emaki (Tranh cuốn thuật truyện Genji), Bandainagon Emaki (Tranh cuốn thuật truyện qua Dainagon họ Tomo), Shinkisan Engi Emaki (Tranh cuốn nói về lai lịch núi Shingisan). Hầu như các kiệt tác trong thể loại này đã xuất hiện vào cuối thời Heian. Một tác phẩm đáng được kể ra vì sự hiếm có của nó là Chôshuugiga (Điểu thú hí họa) tương truyền là của quan tăng chính Toba (hiệu Kakuyuu, 1053-1140, tọa chủ phái Thiên thai và là một họa tăng được Thái thượng hoàng Toba sủng ái) bởi vì ông vẽ những động tác của con người qua hình ảnh các loại động vật như ếch, nhái, thỏ... một cách rất linh động. Ông còn có những tranh tài tình vẽ sinh hoạt của tàng lớp bình dân nông thôn các địa phương với nhan đề Senmen Koshakyô (Phiến diện cổ tả kinh).

Từ Yamatoe (tranh kiểu Nhật) đến Emaki (tranh cuộn)

Trong khi tranh vẽ theo kiểu Trung Quốc được gọi là Karae (Đường hội), thì tranh vẽ phong cảnh, nhân vật theo kiểu Nhật Bản được gọi là Yamatoe (Đại Hòa hội) mà hội chỉ có nghĩa là tranh mà thôi.

Khi thể loại văn chương gọi là truyện kể (vật ngữ = monogatari) phát triển, việc minh họa một quang cảnh (một scene) của câu truyện trên trang sách, quyển sách hay lá quạt trở thành một nhu cầu mang tính mỹ thuật. Tranh Yamatoe không mô phỏng Trung Quốc mà lại có một tác phong riêng. Ví dụ, khi vẽ một khung cảnh nào đó, người dùng thủ pháp fukinuki yatai như thể cầm một máy quay phim đứng từ trên cao chụp xuống toàn cảnh mà xem như không thấy có sự hiện hữu của trần nhà hay các vật trần thiết khác vốn có thể che khuất chúng. Ngoài ra ngưòi Nhật còn dùng phương pháp giản lược hóa tên là kasumi, một một kỹ xảo làm cho các sự vật thành ra mơ hồ đi. Những tranh cuộn tên là emaki (hội quyển) hay “truyện bằng tranh” có mục đích mô tả diễn biến câu chuyện theo từng cảnh tượng một, một phần là hình vẽ và một phần là chữ viết. Không đợi đến Katsushika Hokusai (1760-1849) của thời Edo trung kỳ, người ta đã thấy đâu đây tiền thân của “manga” hiện đại rồi!

Mô tả một quang cảnh thì vẽ áo xống lụng thụng và mềm mại (naeshishôsoku) nhiều hơn là vẽ người. Mắt các nhân vật chỉ tượng trưng bởi mỗi một nét ngang, lỗ mũi là một chữ shi(し), dáng đứng như một chữ ku (く). Loại tranh cuộn phát triển rất mạnh dưới thời này, ngoài các cuộn tranh về Truyện Genji, Nhật ký bà Murasaki Shikibu, Truyện đời tăng Saigyô, Truyện Ise, Truyện ông già đốn trúc, Truyện trong bộng cây... đó là chưa kể những bộ tranh cuộn với đề tài Trung Quốc như Trường Hận Ca, Vương Chiêu Quân...

Đồ dùng hay vật bày biện trong nhà - gọi là chôdobin (điều độ phẩm) – đã đưọc phát triển theo cách thức độc đáo của Nhật Bản. Thủ pháp makie nghĩa là gieo rắc (maki) kim nhũ ngân nhũ lên mặt tranh trang trí (e) rất thông dụng, có khi bay bướm hoa hòe nhưng có lúc cũng tạo ra một không khí lắng dịu, tao nhã. 

Cuối cùng, thư đạo cũng chuyển hướng từ thư pháp đời Đường sang dạng thư pháp Nhật gọi là Wayô (Hòa dạng).Ba nhà thư pháp tên tuổi (sanpitsu) mới đã xuất hiện. Đó là Ono no Michikaze (Tiểu Dã Đạo Phong), Fujiwara no Sakemasa (Đằng Nguyên Tá Lý) và Fujiwara no Yukinari (Đằng Nguyên Hành Thành). Thư pháp hoa lệ của họ được áp dụng lên thư tịch, lên bình phong vẽ theo lối Yamatoe cũng như lên các vật bày biện và dùng trong nhà.

Nói chung , trên đây là những thành quả văn hóa mà chính trị sekkan đã đem lại.

Việc học ngày xưa

Còn chuyện học hành thì sao? Người ta thường bảo đối với những cái du nhập từ lục địa, người Nhật đã có khả năng chọn lựa vì cách biển ngăn sông, do đó tránh được nhiều thứ tai hại, trong đó có hai chế độ hoạn quan và khoa cử. Đó là nói chung về độ phổ biến chứ chưa hẳn như vậy. Chế độ hoạn quan thì đúng là cái xấu nhiều hơn cái tốt và lịch sử đã chứng minh. Còn như khoa cử, nếu không có nó, hỏi làm sao đánh giá được việc học và tuyển chọn nhân tài cho công minh. Sở dĩ bị gọi là xấu là vì cái gì đi quá đà đều sinh ra hậu quả không hay. Riêng việc học thời Heian có thể trình bày như sau:

Thơ văn chữ Hán là cơ sở giáo dục của tầng lớp có địa vị cao trong xã hội Lúc đầu chỉ có con cái quí tộc và quan lại mới được đi học. Họ phải học Hán thi và cổ điển Trung Quốc. Chương trình gồm có: văn chương (monjô, văn học chữ Hán), minh kinh (myôgyô, Nho học), toán đạo (sandô, toán học), minh pháp (myôhô, luật pháp) và kỷ truyện (kiden, lịch sử). Sinh viên gọi là gakusei (học sinh) ở ký túc xá ( = tào ty, sôji) trong làng đại học (daigakuruô = đại học liêu). Sau vì nhu cầu của gia đình mình, quí tộc có thế lực lại mở các trường riêng như Kôbunkan (Hoằng văn quán) của họ Wake, Shôgakuin (Tưởng học viện) của họ Fujiwara, Gakukanin (Học quán viện) của họ Tachibana. Năm 828, tăng Kuukai mở trường tư Shuukeishuuchi-in (Tổng nghệ chủng trí viện) cho phép cả thường dân vào học, nhưng chỉ 20 năm sau khi ông mất, trường này cũng chấm dứt hoạt động.

Học vấn thời Heian phát triển khá mạnh, để lại những sách giáo khoa giá trị như bộ Ruiju Kokushi (Loại tụ quốc sử, 892) của học giả Sugawara no Michizane gồm 200 quyển, nay chỉ còn giữ được 62. Sách này chỉnh lý 5 bộ sử (ngũ quốc sử) và có những bộ phận nói đến chính trị, pháp luật, tổ chức hậu cung. Ngoài ra còn phải nhắc tới Nihonkoku Genbô Zenaku Ryôiki tục gọi là Nihon Ryôiki (Nhật Bản Linh Dị Ký, 822) dó tăng Keikai chùa Yakushiji viết. Sách bàn về lẽ báo ứng trong Phật giáo nên có tính cách dạy dỗ.

Trong chế độ luật lệnh, ở kinh đô có đại học do nhà nước cai quản (như Quốc tử giám), có 9 thầy (kyôkan = giáo quan) và 400 trò (gakusei = học sinh), riêng khoa toán lại lấy thêm 30 người sanshô (toán sinh). Người vào học phải là con và cháu các quan ngũ phẩm trở lên hay con các quan bát phẩm trở lên, lứa tuổi 13 đến 16. Học tới cấp cao sẽ phải qua các kỳ thi từ shuusai (tú tài), myôkyô (minh kinh) đến shinshi (tiến sĩ), myôhô (minh pháp). Họ học kinh điển Nho gia: các đại kinh như Hiếu kinh, Luận ngữ, Lễ ký, Xuân thu Tả truyện, các trung kinh như Mao thi, Chu lễ, Nghi lễ, các tiểu kinh như Chu dịch, Thượng thư. Cách học là tụng độc rồi giảng nghĩa, cứ 10 ngày có tuần thí, mỗi năm có tuế thí kiểm tra trình độ. Ba năm thi không đỗ hay nghỉ học quá 100 ngày, 9 năm liên tục thành tích vẫn yếu đều phải thôi học. Ở địa phương thì có nhà kokugaku (quốc học) do quan trưởng kokushi (quốc ty) trông coi. Học trò cũng phải ở tuổi 13 đến 16 và con số khoảng 20 đến 50. Tuy nhiên, sinh viên dù có đỗ cao chưa chắc đã làm quan lớn nếu không có gia thế.


[1] Kỹ thuật làm tượng gỗ bằng cách ghép nhiều mẫu gỗ vào nhau khác với kỹ thuật ichiboku-zukuri (nhất mộc) dùng một khối gỗ mà thôi.

[2] Chủ yếu dựa vào Monogatari Nihonshi (Kể truyện lịch sử Nhật Bản), quyển I, của Hiraizumi Noboru, sđd).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528506

Hôm nay

2162

Hôm qua

2291

Tuần này

2779

Tháng này

215202

Tháng qua

0

Tất cả

114528506