Người xứ Nghệ

Hồ Xuân Hương và Tốn Phong, người tình si

1. Tốn Phong họ Phan, cùng họ với nữ sĩ Phan My Anh. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, đoán tên là Huân, nghĩa là Nam Phong. Gió nam, hay Tốn Phong nhưng chữ phong trong bài tựa Lưu Hương Ký lại có nghĩa là núi. Tốn Phong tên thật là Phan Nam Sơn chăng? Tiếc là chưa tìm được gia phả để truy nguyên Tốn Phong là Phan Huy Huân hay Phan Nam Sơn. Trong bài tựa cho Lưu Hương Ký, Tốn Phong còn xưng danh hiệu Nham Giác Phu, nghĩa là Người ẩn trong núi mà hiểu sự đời. Bài thơ số 10 trong 31 bài thơ tặng Hồ Xuân Hương, Tốn Phong cho địa chỉ:

Trường đình từ biệt nàng còn nhớ,

Ghi lấy, Hoan Nam, Thạch ẩn nhi.

Tốn Phong quê ở Hoan Nam (Nghệ Tĩnh), nhà ở gần núi huyện Thạch Hà, nơi chánh quán dòng họ Phan Huy Ích.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, triều đình Huế mở khoa thi đầu tiên năm 1807 và sáu năm sau mới mở khoa thi thứ hai năm 1813. Tốn Phong đi thi trường Nghệ và cả hai khoa đều hỏng. Tốn Phong không lưu lại tên trong các kỳ thi Hương, nhưng để lại trên đời bài tựa Lưu Hương Ký, và 31 bài thơ chữ Hán riêng tặng Hồ Xuân Hương. Năm 1963 ông Trần Thanh Mại phát hiện tại Thư viện Khoa học Trung ương Hà Nội đóng lẫn với bài Du Hương Tích động ký của Chu Mạnh Trinh. Ông Trần Thanh Mại đã dịch và xét cẩn thận bài tựa và công bố trên Tạp chí Văn học(1).

2. Bài tựa tập thơ Lưu Hương Ký

“Làm thơ có phải dễ đâu! Vì trong lúc ngâm vịnh có thể xuất phát từ mối tình (cảm hứng), nhưng phải biết dừng lại trong phạm vi lễ nghĩa. Cho nên thơ có thể làm cho trời đất chuyển động, quỷ thần cảm xúc, giáo hóa tốt lành, nhân luân đầy đủ. Vì vậy mà Khổng Tử khen thơ Quan Thư (Kinh Thi), đã có câu: “Vui mà không đến nỗi buông tuồng, buồn mà không đến nỗi đau thương” chính là như thế. Sau thơ Quan Thư, không nghe có thơ nào được như thế nữa. Đời xưa Ban Thái Cơ tiếp tục công việc của anh, là Ban Cố đã chép nối Hán Sử. Tô Tiểu Muội (em Tô Thức đời Tống) cùng với cha và anh đã trở thành nhà đại gia; hai nàng đáng gọi là tay nữ sử vậy.

Nước ta có tiếng là đất văn hiến, nhưng phụ nữ nhiều người không được học. Khoảng giữa đời Lê có bà Hồng Hà nữ tử(2) (Đoàn Thị Điểm) chép sách Truyền Kỳ (Tục Truyền Kỳ Tân Phả), nhưng lời văn đều thiên về giọng trào phúng đùa bỡn. Duy có bà Phan My Anh, người trong họ tôi, có tiếng giỏi thơ văn, các bậc tiền bối đều khen ngợi, My Anh không thích ghi chép lại thơ văn của mình. Tôi thường được các tài tử văn nhân, đọc lại cho nghe thơ của bà, thì thấy đều là xuất phát từ mối tình mà đều dừng lại trong lễ nghĩa. Tuy vậy tôi không thấy được toàn tập thơ văn bà, thường rất lấy làm ân hận!

Mùa xuân năm Đinh Mão (1807), tôi đến thành Thăng Long, nhân cùng bạn là Cư Đình nói chuyện về các tài nữ xưa nay, bạn ấy nói cho biết cùng quận với tôi, có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ dùng phép tắc mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ.

Tôi liền tới hỏi thăm. Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu mà đã thành ra đôi bạn thân thiết. Trong những khi uống rượu ngâm thơ, kẻ xướng người họa, tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra, cho nên khi hát lên, ngâm lên những thơ ấy, tay thì muốn múa, chân cứ muốn giậm mà không tự biết. Từ đó, có những lúc tôi phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương cũng vì mẹ già nhà túng, mà ăn ở cũng không được yên ổn.

Sang mùa xuân năm Giáp Tuất (1814), tôi tìm đến chỗ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng vừa tủi, Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương Ký, đưa cho tôi xem mà bảo tôi rằng: “Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa”. Tôi mở tập ấy ra xem thì thấy những bài thơ năm chữ, bảy chữ, những điệu ca phú và từ chép đầy trong một quyển. Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc lạ lùng. Hồi dần dần càng đọc, càng thấy lòng thư thái mà trở nên vui thích khoái trá.

Tôi thường nghe: người đất Nghệ An thuần tú và ham học. Đúng thư thế thật! Đàn ông tuấn kiệt thì có các bậc khoa bảng đời trước, đàn bà tinh anh thì có những người như Phan My Anh và Hồ Xuân Hương. Người ta nói núi cao sông sâu sinh ra nhân tài tuấn kiệt, quả không sai vậy.

Bởi vậy tập Lưu Hương Ký tuy đầy vẻ gió trăng mây móc, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý đã nói trên là: xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ nghĩa.

Bởi thế tôi xin nêu rõ ra đây để ngày sau có dịp chọn lựa thơ ấy làm thơ dân phong chăng.

Nay đề tựa.

Thăng Long, năm Giáp Tuất (1814) tháng Trọng Xuân (tháng hai)

Người đồng quận là Nham Giác Phu

Tốn Phong Thị viết ở nơi ngồi dạy học...”

Theo bài tựa và các bài thơ, Tốn Phong sau khi hỏng thi kỳ thi Hương Trường Nghệ năm 1807 và 1814, ra Thăng Long dạy học tại gần Hồ Kim Âu, trước Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong Dụ Am Ngâm Lục, Phan Huy Ích cũng có nói ông mở nhà Học nơi đây, phải chăng Tốn Phong đã dạy thuê nơi người anh cùng họ. (Phan Huy Ích là bậc tiến sĩ dạy các lớp các thí sinh sắp đi thi và Tốn Phong dạy lớp nhỏ và vỡ lòng) Tốn Phong đến chơi cùng Cư Đình bàn chuyện văn thơ xưa nay, nói đến thơ ngày nay Cư Đình có giới thiệu đến Hồ Xuân Hương. Người cùng quê Hoan Châu, Tốn Phong hỏi thăm địa chỉ và đến thăm hiệu sách của nàng ở phố Nam thành Thăng Long gần đền Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không. Trong thơ văn Cao Bá Quát 20 năm sau có nhiều bài thơ nhắc đến Cư Đình. Cư Đình có nghĩa là người ở nơi đình làng, có lẽ ông đang cư ngụ làm ông từ lo hương khói, hay coi thẻ xin xăm, coi bói phong thủy nơi một đình nào đó tại Thăng Long nên lấy Cư Đình làm bút hiệu.

Tốn Phong được biết Hồ Xuân Hương là em ông Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống đậu đầu Song Nguyên hai kỳ thi Hội và thi Đình, làm Thượng thư triều Lê - Trịnh. Ông Đào Thái Tôn(3) dựa vào từ em mà đoán rằng Hồ Xuân Hương cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống, con Hồ Sĩ Danh. Trong khi theo gia phả thì nếu Hồ Xuân Hương con Hồ Phi Diễn thì cùng ông tổ cách bốn đời là Hồ Sĩ Anh. Theo Gs Hoàng Xuân Hãn(4), ngày xưa cách nhau 3-4 đời là gần, từ em họ cũng thường chỉ nói em, nhất là khi anh chị là bậc sang (khác với ngày nay họ hàng chỉ biết nhau 2, 3 đời).

Năm 1807, Tốn Phong đến thăm Hồ Xuân Hương nơi hiệu sách ở Phố Nam, sau đó nàng “mẹ già nhà túng nên ăn ở không yên ổn”. Hiệu sách không có lời nàng phải đi buôn, đem sách vở, tơ lụa, lĩnh, bán tại các hội làng, các trấn. Năm 1814, Tốn Phong đến thăm Xuân Hương tại Cổ Nguyệt Đường, làng Nghi Tàm và viết tựa Lưu Hương Ký, mẹ Xuân Hương còn đó, lúc này Xuân Hương thôi đi buôn và dạy học lớp học do Tử Minh mất năm 1811 để lại và sau đó mẹ mất nên Xuân Hương phải cư tang mẹ một năm, nên đến đầu năm 1816 mới về Vịnh Hạ Long cùng Tham Hiệp Trần Phúc Hiển.

3. Hồ Xuân Hương tả buổi gặp gỡ Tốn Phong qua bài Ngụ ý Tốn Phong thị:

Gặp anh chàng dáng đi lật đật, ăn diện bảnh bao, chàng đến sớm sương còn ướt áo tơ xanh lục, chàng xức dầu thơm “made in annam” mùi trầm, mùi xạ hương, hay mùi củ xã? Chàng xưng là đồng hương đến tán mình, Xuân Hương có cảm tình, nhưng nhìn đùa với nửa con mắt, không biết là duyên hay là nợ. Nếu nàng mềm lòng hay bị tiếng sét ái tình chắc không hỏi thế. Chàng bước đi thơn thớt như gió lọt cành lê, gió lướt mặt hồ. Anh chàng muốn cầu duyên, chắp chỉ đào thêu trướng gấm nên làm thơ tặng nàng như chuyện chàng Vu Hựu thả lá đề thơ với nàng cung nữ Hàn Thúy Tần. Thăng Long có sông Tô Lịch chảy qua cống thành vào hào thành và chảy ra sông Hồng thật hợp tình hợp cảnh. Tốn Phong ăn nói lưu loát điệu đàng quá, khiến nàng đâm ra nghi ngờ nghĩ rằng phải tinh con mắt mới biết ngọc hay đá.

Ngụ ý Tốn Phong thị

            Bài I

Chồn bước may đâu khéo hẹn hò,

Duyên chi hay bởi nợ chi ru?

Sương xoa áo lục nhồi hơi xạ,

Gió lọt cành lê lướt mặt hồ,

Muốn chấp chỉ đào thêu trướng gấm,

Mà đem lá thắm thả dòng Tô.

Trong trần mấy kẻ tinh con mắt,

Biết ngọc mà trao mới kể cho.

4. Từ đó Tốn Phong thường lui tới hiệu sách nàng, như gió đông thổi trên đường hoa, nghĩ ra chàng cũng có công đi tìm thơm. Từ kẻ lạ mặt, không ai giới thiệu mà đến làm quen không ngượng ngùng chi cả. Vì nặng lòng thăm nàng, nên nhẹ đến chuyện công danh thi cử gánh vác chuyện non sông. Khi thì cùng nàng trong vườn nắng nhuộm màu xanh biếc, khi thì trong phòng khách trăng soi trải hồng ấm cúng. Nàng tự hỏi ai nhớ lấy cho lòng mình và tự hỏi trăm năm có duyên nợ gì với Tốn Phong không? Bài thơ xem chừng Hồ Xuân Hương đã cảm động cái công đeo đuổi của Tốn Phong, nhưng Tốn Phong chưa thi đỗ, chưa có công danh gì, còn phải đi dạy học nơi này nơi khác kiếm ăn, chưa chắc Xuân Hương đã nhận lời.

Bài II.

Đường khoa dìu dặt bước Đông Phong,

Nghĩ kẻ tìm thơm cũng có công.

Lạ mặt dám quen cùng gió nước,

Nặng lòng nên nhẹ đến non sông.

Da trời nắng nhuộm màu xanh biếc,

Phòng gấm trăng in giải thức hồng.

Ai nhớ lấy cho lòng ấy nhỉ!

Trước trăm năm hẳn nợ chi không?

Điển tích:

Đông Phong: gió Đông, chúa mùa Đông, thơ Thôi Hộ "Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông"

Một đêm, Tốn Phong nằm mơ, thấy mình là Ngưu Lang và Xuân Hương là Chức Nữ và sông Tô Lịch là giải Ngân Hà chia cắt. Tốn Phong viết:

Sông Tô tuy hẹp ấy Ngân Hà.

Mộng thấy qua cầu giấc tối qua.

Tốn Phong ý muốn cưới nàng để đôi bên không còn là Ngưu Lang Chức Nữ nữa. Xuân Hương từ chối khéo léo qua bài: Tốn Phong đắc mộng chi dữ ngã khan nhân thuật ngâm tịnh ký. Tốn Phong ngủ thấy mộng, ghi lại đưa ta xem, ta ngâm thuật chuyện và chép lại.

Bài thơ Xuân Hương viết:

Tâm sự em đây nói ra chàng có hiểu chăng? Chúng ta đồng tâm sự hợp nhau lắm, nhưng bạn với nhau thế này là đủ, cưới nhau vì nhục dục có vui đâu, chàng còn phải lo học hành thi cử để lập công danh trả nợ với non sông. Tình ái nồng nàn kéo dài lâu sẽ nhạt. Lời thề dù nặng, biết đâu rồi sẽ nhạt phai, còn em xin chịu duyên phận hẩm hiu số kiếp đã định, sau này có nhớ nhau đành nghĩ đến chuyện Xương giang: "Xương giang một giải nông sờ, bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia".

Tốn Phong ngủ thấy mộng

ghi lại đưa ta xem

ta ngâm thuật chuyện và chép lại

Nhớ ai mà biết nói cùng ai,

Rằng chữ đồng ta quyết một hai.

Hoa liễu vui đâu mình dễ khéo,

Non sông đành giả nợ còn dài.

Chén tình dầu nhẫn lâu mà nhạt!

Giải ước nguyền âu thắm chẳng phai?

Đày đọa duyên trần thôi đã định,

Xương giang đành để ngắm tương lai.

5. Tốn Phong chắc buồn lắm, nhưng nghĩ cho cùng, công danh sự nghiệp chưa có, thi cử chưa đỗ đạt, chỉ là anh đồ nghèo, lấy gì bảo đảm tương lai cho nàng? Rồi chẳng bao lâu Tốn Phong lên đường trở về Hoan Châu chuẩn bị khoa thi tới. Xuân Hương tặng Tốn Phong bài thơ tiễn biệt viết theo thể sở từ:

Xuân Hương cám ơn chàng bấy lâu nay đã đến chơi, xa nhau nhớ viết thư cho nhau, tình bạn nồng nàn tôi xin giữ mãi, lòng đâu dám như cuộc đời khi mưa khi gió mà đổi thay như trở bàn tay, như sự đời chìm nổi trên sóng nước khi nói thế này khi nói thế khác, chàng đi xa về Nam, Hoan Châu cách đất Bắc Hà bao nhiêu dặm, lời hẹn biển thề non (thệ hải minh sơn) ước được mãi mãi ngàn năm. Ai có thể vẽ được nên tranh tấm lòng ngay thẳng của tôi: Nếu ông tơ bà nguyệt se được ba mối tơ: chàng, vợ chàng và tôi vào một? Chàng là khách đa tình có hay chăng năm canh hồn tôi như con bướm mộng đập cánh bay hơ hãi.

Tặng Tốn Phong

Bướm ong mừng đã mấy phen nay,

Hồng nhạn xin đưa ba chữ lại.

Dám đâu mưa gió trở bàn tay,

Những sự ba đào xeo tấc lưỡi.

Nam Bắc xa xa mấy dậm đây,

Hải sơn ước để ngàn năm mãi

Bức tranh khôn vẽ tấm lòng ngay,

Tơ nguyệt rày xe ba mối lại

Hỏi khách đa tình nhẽ có hay,

Năm canh hồn bướm thêm bơ bải.

Hải sơn: thệ hải minh sơn, thề non hẹn biển,

Bơ bải: tiếng Việt xưa, có nghĩa hơ hải, hay bơ vơ bừa bãi, bơ vơ tan tác.

Ông tơ bà nguyệt không xe được ba mối tơ. Xuân Hương mẹ già nhà túng đi buôn bán khắp nơi. Tốn Phong cũng thế khi phải bôn ba vào Nam ra Bắc tìm chỗ dạy học kiếm ăn. Cuộc tình đành dang dở.

6. Sang mùa xuân năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong tìm đến Cổ Nguyệt Đường, hai bên gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Xuân Hương đưa tập Lưu Hương Ký cho Tốn Phong viết tựa. Và Tốn Phong năm 1807 đã viết 11 bài thơ Đường tặng Xuân Hương nay viết tiếp 20 bài khác thành một tập thơ riêng tặng Hồ Xuân Hương. Tổng cộng 31 bài. Tôi sẽ dịch và chú thích trong bài tới. Tám năm qua nàng lận đận đi buôn mưu sinh, nay Tử Minh mất để lại lớp học, Cổ Nguyệt Đường lại khai giảng, đời sống nàng đã ổn định. Bây giờ nàng đã được Tham Hiệp Trấn Yên Quảng hứa cưới nàng đưa về Vịnh Hạ Long. Nàng hy vọng kiếp này là lần cuối trong cuộc tình duyên trăm năm của nàng. Nghĩ lại càng đau cho phận bạc, nói lên cho vơi đi tấm thân bèo dạt. Những lời thề ngày xưa vẫn còn dính, mái tóc mây đã cắt vẫn đeo bên lòng. Bây giờ tìm được người xứng đáng tài tình là Tham Hiệp Yên Quảng, dù là nơi nghìn non muôn nước cũng thề theo chàng.

Tốn Phong bây giờ si tình đã bớt, nên an ủi nàng, viết tập thơ tặng nàng và Xuân Hương đã họa bài thơ Tốn Phong.

Họa Tốn Phong nguyên vận

Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều,

Những chắc trăm năm há bấy nhiêu,

Nghĩ lại luống đau cho phận bạc,

Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.

Chén thề thuở nọ tay còn dính,

Món tóc thời xưa vẫn cánh đeo,

Được lứa tài tình cho xứng đáng,

Nghìn non muôn nước cũng tìm theo.

 

 

-------------------

(1) Trần Thanh Mại. Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán? Tạp chí văn học số 3-1963 tr 33, 64.

Trần Thanh Mại. Trở về vấn đề Hồ Xuân Hương TCVH số 10-1964 tr 58 - 64.

Trần Thanh Mại. Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó. TCVH số 11 - 1964 tr 73, 78

(2) Sách Hồng Hà Phu Nhân di văn, mới phát hiện có 28 bài thơ trào phúng của Đoàn Thị Điểm, nhưng sách Tục Truyền Kỳ Tân Phả: có các truyện Hải Khẩu Linh từ, Vân Cát Thần Nữ, An Ấp Liệt Nữ, Bích Câu Kỳ Ngộ, Bách Tùng thuyết thoại... là sách soạn tiếp nối, sách Truyền Kỳ của Nguyễn Dữ.

(3) Đào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương, Từ cội nguồn vào thế tục. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

(4) Hoàng Xuân Hãn. Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long. Về Tình sử và Văn thơ Hồ Xuân Hương. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 10, 11 tháng 12 năm 1983 Paris tr 92 - 149.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528999

Hôm nay

246

Hôm qua

2334

Tuần này

21272

Tháng này

215695

Tháng qua

0

Tất cả

114528999