Thủa còn đi học trường Pháp, Lê Thiệu Huy là một học sinh giỏi nhất của trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Anh đỗ tú tài toàn phần ban Toán vào loại ưu (Mention Excellent). Với bằng cấp này, anh có thể được chính quyền Pháp cấp học bổng đi du học, nhưng vì chiến tranh thế giới lần 2 đang diễn ra ác liệt, nước Pháp đã bị phát xít Đức chiếm đóng, nên anh thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, lớp PCB (Phisique - Chimie - Béologie = Lý - Hóa - Sinh). Tại đây anh đã tham gia hoạt động trong tổ chức Tổng hội sinh viên Đông Dương AGEI (Association Générale des Étudiands Indochinoises).
Ngày 9 - 3 - 1945, Nhật làm cuộc đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, các trường Đại học ở Hà Nội buộc phải đóng cửa. Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, anh Lê Thiệu Huy cùng một số sinh viên khác, tham gia công tác phát chẩn cứu đói, chôn cất người bị chết đói, làm công tác cứu thương, phát thuốc cứu người bị nạn trong chiến tranh giữa Mỹ và Nhật, có lúc anh còn tham gia dạy các lớp Truyền bá Quốc ngữ… Tháng 6 năm 1945, nghe tin ở Huế mở trường Thanh Niên Tiền Tuyến, Lê Thiệu Huy cùng một số bạn sinh viên học ở Hà Nội quê ở miền Trung như: Hoàng Xuân Bình, Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Thế Lâm (Lâm Kèn), Phan Văn Diên rủ nhau đi vào Huế xin học trường này. Đây là một trường do bộ Thanh Niên của chính phủ Trần Trọng Kim mở ra, mà luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu là hai nhà sáng lập công khai xây dựng nên, với mục đích đào tạo thanh niên cho tương lai. Cả bộ khung giảng viên và học viên có cả thảy 47 người. Trước cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, lực lượng thanh niên này đã có mưu trí bắt gọn nhóm nhảy dù của Pháp theo lệnh của De Gaulle tại Hiền Sĩ, cách Huế về phía Bắc gần 20km… Anh Lê Thiệu Huy là người cầm cờ đi đầu vào tiếp cận với nhóm nhảy dù này, do Thiếu tá Castella làm nhóm trưởng… Sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng Thanh Niên tiền tuyến đã làm nòng cốt chỉ huy các phân đội “Giải phóng quân” Huế đi vào Nam chiến đấu, hoặc chi viện cho lực lượng cách mạng Lào, hoặc làm bộ khung huấn luyện cho các trường quân sự như trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây, trường Quân chính ở khu 4, khu 5… hay công tác tại các cục, phòng, ban… ở Bộ Quốc phòng - Lê Thiệu Huy giỏi tiếng Anh, nên được cử làm sĩ quan liên lạc giữa ông Tạ Quang Bửu, Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao và Hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Mỹ. Bấy giờ đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ chức Chủ tịch Quân ủy có bàn với ông Tạ Quang Bửu cử Lê Thiệu Huy cùng Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường đem một số tiền và vàng qua Lào rồi qua Xiêm (Thái Lan) để mua vũ khí. Ba chàng “ngự lâm quân” chấp hành mệnh lệnh, liền lên đường vào Quảng Trị, theo đường số 9 để sang Lào, đi đến Tehépon thì tắc đường do quân Tàu Tưởng hành quân đi lại ngược xuôi trên đường 9; còn quân Pháp thì đang đóng giữ các phòng tuyến ở Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến… Quả thật là tiến thoái lưỡng nan… May sao 3 anh gặp được một người bạn cũ ở trường Thanh Niên tiền tuyến là anh Đặng Văn Việt đang chỉ huy một đơn vị liên quân Việt Lào đánh Pháp ở Tchépon. Họ đã bàn cách tháo gỡ vượt các phòng tuyến của Pháp. Các anh đã dùng tiền mua trang phục Tàu Tưởng, biến thành 3 sĩ quan quốc dân đảng gồm cả phù hiệu và huy hiệu, trà trộn vào quân Tàu Tưởng. Cuối cùng các anh đã đến được ThàKhẹt, một tỉnh của lực lượng cách mạng Lào đang được kiểm soát dưới quyền lãnh đạo của chính phủ kháng chiến Lào. Tại đây, 3 anh em Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình và Nguyễn Trọng Thường đã được gặp Tổng chỉ huy lực lượng kháng chiến Lào: Hoàng thân Xuphanuvông. Thực dân Pháp đã bội ước Hiệp định sơ bộ do Hồ Chủ tịch ký với Pháp ngày 6-3-1946. Ngày 21-3-1946, Pháp dẫn quân đánh chiếm ThàKhẹt. Mặt trận ThàKhẹt của lực lượng kháng chiến Lào bị vỡ, tình thế rất nguy ngập. Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội của Lào phải gấp rút vượt sông Mê Kông qua đất Thái Lan. Hoàng thân Xuphanuvông được các anh Huy, Bình, Thường và một số cán bộ người Lào đưa xuống thuyền. Giặc Pháp trông thấy đã dùng súng liên thanh bắn rà sát mặt sông. Thấy nguy cho tính mạng Hoàng thân, anh Lê Thiệu Huy liền lấy thân mình che chắn, chẳng may anh trúng đạn và tử thương. Lê Thiệu Huy tắt thở trong vòng tay của Hoàng thân Xuphanuvông cho đến lúc thuyền cập bờ trên đất Thái. Hoàng thân cùng các anh Nguyễn Trọng Thường, Hoàng Xuân Bình và một số cán bộ người Lào… đã làm lễ mai táng vĩnh biệt người đồng chí, người con ưu tú của nhân dân hai nước Việt Lào. Trong trận này, liền sau đó, Hoàng thân cũng bị thương…
…Ở quê nhà, khi hay tin con hy sinh, cụ Lê Thước đau đớn vô cùng, viết bài thơ “Khóc con” để dưới di ảnh liệt sĩ Lê Thiệu Huy với những câu đầy thương cảm người con đoản mệnh nhưng rất hào hùng:
“Đau lòng xiết kể hỡi con ơi!/ Hăm sáu xuân xanh đã một đời!/
Thấy cảnh chỉn e tằm đứt ruột/ Nghe tin nào khác sét bên tai/
Treo gương trung liệt chung ba nước/ Uổng kiếp tài hoa mới nửa thời/
Lai láng trời Tây hồn cố quốc/ Quân thù chưa diệt hận chưa nguôi”.
Ít lâu sau, thông qua con đường ngoại giao, Hoàng thân Xuphanuvông đã biên thư gửi cho cụ Lê Thước kể lại sự việc đau lòng của mình như sau: “Kính gửi cụ Lê Thước, thân sinh liệt sĩ Lê Thiệu Huy,
(Trích)… Thưa Ngài, anh Lê Thiệu Huy người con yêu quý nhất của Ngài mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm cho tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào” (…)
“Và sau đây, tôi xin tường thuật cái chết anh dũng của anh Lê Thiệu Huy để quý quyến rõ (…). Ngày 21 tháng 3 năm 1946, vì lực lượng quân ta quá ít, không đủ chống đỡ một lực lượng mạnh hơn, tinh nhuệ hơn của giặc Pháp được quân Anh giúp sức. ThàKhẹt bị thất thủ. Tình thế nguy ngập, tôi và một số anh em trong chính quyền cùng với anh Lê Thiệu Huy xuống xuồng vượt sông MêKông sang Xiêm để tạm lánh. Khi xuồng ra giữa sông, nói đến đây tôi thấy uất giận và căm tức quân Pháp dã man, đang phăng phăng vượt khỏi cơn nguy hiểm thì bỗng trong thuyền có ai đó thốt lên một tiếng ối! Tôi quay lại thì than ôi! Anh Lê Thiệu Huy đã trúng đạn ngay giữa bụng, xuyên ra sau lưng, máu chảy ra nhiều (…..). Thuyền chưa sang tới bờ thì mặt anh Huy tái dần, chỉ kịp thốt ra mấy câu khè khè rồi tắt thở (…..)
Thuyền vào đến bờ, anh em đem tử thi anh Huy lên và tổ chức mai táng. Đứng trước thi hài anh Huy có đông đủ mặt anh em Việt Kiều và người Lào ở Xiêm thăm viếng và tỏ lòng mến tiếc…
Ngày 21 - 3, ngày kỷ niệm cái chết anh dũng của anh Huy, là ngày căm hờn của toàn nhân dân Lào và riêng gia quyến Ngài.
Đến đây, tôi xin thành thật cảm ơn Ngài và chúc quý quyến luôn luôn mạnh khỏe”
XUPHANUVÔNG
(Ký và dấu của Chính phủ kháng chiến Lào)
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mỗi lần qua Việt Nam, Chủ tịch Xuphanuvông thường đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Thiệu Huy ở phố Huế (Hà Nội). Lần nào cũng vậy, theo phong tục dân tộc ta, Hoàng thân đều có thắp nén hương thơm trước di ảnh liệt sĩ Lê Thiệu Huy, Huân chương Quân Công hạng Ba. Năm 1991, Chính phủ Lào đã truy tặng liệt sĩ Huân chương Độc lập hạng Nhất. Và mới đây, trong năm 2011, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng liệt sĩ Lê Thiệu Huy danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là một phần thưởng cao quý, một vinh dự vô cùng to lớn đối với vong linh liệt sĩ Lê Thiệu Huy, gia đình, dòng họ và quê hương Anh ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi mộ của anh hùng liệt sĩ chôn bên bờ sông MêKông trên đất Thái Lan, lâu ngày đã bị xói mòn, sụt lở đất, làm trôi mất di cốt. Giờ đây trên quê hương Anh, người ta cứ thấy một tháng đôi lần, có người em ruột của Anh chưa hề biết mặt nhau là anh Lê Thượng Quýnh, cứ đều đặn đến nghĩa trang Đại Nài (Hà Tĩnh) cắm hoa, thắp nén hương ở trước mộ với một lòng tôn kính, thương nhớ, dù đây chỉ là một bia mộ tượng trưng…
Sau ngày thống nhất đất nước, anh Hoàng Xuân Bình, người duy nhất còn sống trong số ba vị “ngự lâm quân”, đã cất công cố tìm người yêu, từng đính hôn với anh Lê Thiệu Huy là cô Lộc, em gái một người bạn trong lực lượng Thanh niên tiền tuyến ở Huế, để xoa dịu nỗi lòng của cô. Anh Bình đã được gặp mặt. Sau khi anh Lê Thiệu Huy hy sinh, do người anh thông báo, cô Lộc đã đi tu, trở thành “Bà mẹ bề trên” (Mère Supérienre) của một nhà tu kín. Từ đó, trong nhiều năm, anh Hoàng Xuân Bình vẫn lui tới thăm cô Lộc (xơ Lộc) vào ngày 21 tháng 3, cùng nhau ôn lại kỷ niệm về anh Huy. Có lần Hoàng Thân Xuphanuvông và phu nhân Viêng Khăm (tên Việt Nam của bà là Nguyễn Thị Kỳ Nam) đến thành phố Hồ Chí Minh, hỏi anh Bình địa chỉ của xơ Lộc và Ngài đã đến thăm xơ Lộc ở tu viện. Thật là một cử chỉ cao quý đầy tính nhân văn, làm cho anh Bình “xúc động đến ứa nước mắt” (chữ dùng của anh Bình).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- “Ông Hoàng đỏ người hùng của đất nước Lào” - Nxb Trẻ - 2004.
- “Trường Thanh Niên Tiền Tuyến - Huế - 1945 - Một hiện tượng lịch sử” - Nxb Công an Nhân dân - Hà Nội 2008.
- “Người lính già Đặng Văn Việt chiến sĩ đường số 4 anh hùng” - Nxb Trẻ - 2003.