Nhìn ra thế giới

Vì sao các quốc gia thất bại (NGUỒN GỐC CỦA QUYỀN LỰC, THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO KHÓ) [Kỳ 5]

5.

“TÔI ĐÃ THẤY TƯƠNG LAI, VÀ NÓ HOẠT ĐỘNG”: TĂNG TRƯỞNG DƯỚI CÁC THỂ CHẾ KHAI THÁC

TÔI ĐÃ THẤY TƯƠNG LAI

Những khác biệt thể chế đóng một vai trò cốt yếu trong giải thích sự tăng trưởng suốt các thời đại. Nhưng nếu hầu hết các xã hội trong lịch sử đều dựa vào các thể chế chính trị và kinh tế khai thác, thì điều này có ngụ ý rằng tăng trưởng chẳng bao giờ xảy ra? Hiển nhiên không. Các thể chế khai thác, theo chính logic của chúng, phải tạo ra của cải sao cho nó có thể được khai thác. Một nhà cai trị độc chiếm quyền lực chính trị và trong sự kiểm soát của một nhà nước tập trung có thể đưa ra một mức độ nào đó của luật và trật tự và một hệ thống các quy tắc, và kích thích hoạt động kinh tế.

Nhưng sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác khác về bản chất với sự tăng trưởng do các thể chế bao gồm sinh ra. Quan trọng nhất, nó sẽ không là sự tăng trưởng bền vững mà đòi hỏi sự thay đổi công nghệ, mà đúng hơn là sự tăng trưởng dựa trên các công nghệ hiện tồn. Quỹ đạo kinh tế của Liên Xô cung cấp một minh họa sinh động về bằng cách nào nhà chức trách và các khuyến khích do nhà nước cung cấp có thể khởi xướng sự tăng trưởng nhanh dưới các thể chế khai thác và cuối cùng loại tăng trưởng này đi đến kết thúc và sụp đổ ra sao.

 

CHIẾN TRANH THẾ GIỚI lần thứ nhất đã chấm dứt và các cường quốc chiến thắng và chiến bại đã gặp nhau tại Cung điện Versailles, bên ngoài Paris, để quyết định về các tham số của hòa bình. Nổi bật giữa những người tham gia đã là Woodrow Wilson, tổng thống Hoa Kỳ. Dễ nhận thấy là sự vắng mặt của bất cứ đại diện nào từ Nga. Chế độ Nga hoàng cũ đã bị những người Bolshevik lật đổ vào Tháng Mười 1917. Một cuộc nội chiến đã diễn ra ác liệt khi đó giữa quân Đỏ (Hồng quân, Bolshevik) và quân Trắng (Bạch vệ). Những người Anh, Pháp, và Mỹ đã gửi một lực lượng viễn chinh chống lại những người Bolshevik. Một phái đoàn do nhà ngoại giao trẻ, William Bullitt, dẫn đầu và một trí thức và nhà báo kỳ cựu Lincoln Steffens đã được cử đi Moscow để gặp Lenin và cố hiểu ý định của những người Bolshevik và tìm cách đi đến thỏa thuận với họ. Steffens đã trở nên nổi tiếng như một kẻ đập phá thánh tượng, một nhà báo hay bới móc người đã kiên trì lên án những tội lỗi xấu xa của chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ. Ông đã ở Nga vào thời cách mạng. Sự hiện diện của ông đã có ý định làm cho phái đoàn có vẻ đáng tin và không quá thù địch. Phái đoàn trở về với những nét phác họa của một đề nghị từ Lenin về chấp nhận gì cho hòa bình với Liên Xô mới được tạo ra. Steffens đã hết sức ngạc nhiên trước cái ông thấy như tiềm năng to lớn của chế độ Soviet.

“Nước Nga Soviet,” ông nhớ lại trong tự truyện 1931 của mình, “là một chính phủ cách mạng với một kế hoạch tiến hóa. Kế hoạch của họ đã không phải là chấm dứt những điều xấu xa như nghèo khó và tiền của, sự hối lộ, đặc quyền, sự bạo ngược, và chiến tranh bằng hành động trực tiếp, mà để tìm ra và loại bỏ các nguyên nhân của chúng. Họ đã dựng lên một chế độ độc tài, được ủng hộ bởi một thiểu số được đào tạo, để tiến hành và duy trì trong vài thế hệ một sự sắp xếp lại một cách khoa học các lực lượng kinh tế mà đầu tiên sẽ dẫn đến dân chủ kinh tế và cuối cùng đến dân chủ chính trị”.

Khi Steffens trở về từ chuyến công tác ngoại giao, ông đã đi thăm bạn cũ của mình là nhà điêu khắc Jo Davidson và thấy ông đang nặn một tượng bán thân của nhà tài chính giàu có Bernard Baruch. “Thế ông đã ở bên Nga,” Baruch nhận xét. Sefens trả lời, “tôi đã sang tương lai, và nó hoạt động.” Và ông đã có thể hoàn thiện cách ngôn này thành dạng đã đi vào lịch sử: “Tôi đã thấy tương lai, và nó hoạt động.”

Ngay cho đến đầu các năm 1980, nhiều người phương Tây đã vẫn thấy tương lai ở Liên Xô, và họ tiếp tục tin rằng nó hoạt động. Theo một nghĩa nó đã, hay chí ít nó đã hoạt động một thời gian. Lenin chết năm 1924, và vào năm 1927 Joseph Stalin đã củng cố sự kìm kẹp của mình trên cả nước. Ông đã thanh trừng các địch thủ của mình và phát động một đợt vận động để nhanh chóng công nghiệp hóa đất nước. Ông đã làm việc đó thông qua việc tiếp sinh lực cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Gosplan, được thành lập năm 1921. Gosplan đã soạn ra Kế hoạch-Năm năm lần thứ nhất cho giai đoạn 1928 đến 1933. Tăng trưởng kinh tế kiểu Stalin là đơn giản: phát triển công nghiệp bằng mệnh lệnh nhà nước và nhận được các nguồn lực cần thiết cho việc này bằng cách đánh thuế nông nghiệp với các thuế suất rất cao. Nhà nước cộng sản đã không có một hệ thống thuế hiệu quả, nên thay vào đó Stalin đã “tập thể hóa” nông nghiệp. Quá trình này đòi hỏi sự xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất và việc lùa tất cả nhân dân thôn quê vào các nông trang tập thể khổng lồ do Đảng Cộng Sản vận hành. Điều này đã khiến cho công việc của Stalin dễ hơn nhiều để nắm lấy đầu ra nông nghiệp và dùng nó để nuôi tất cả những người xây dựng, và cung cấp người cho, các nhà máy mới. Những hậu quả của việc này cho nhân dân nông thôn đã là tai họa. Các nông trang tập thể đã hoàn toàn thiếu các khuyến khích để khiến người dân làm việc siêng năng, cho nên sản xuất sa sút nhanh. Phần lớn sản lượng làm ra bị bòn rút đến mức không còn đủ để ăn. Người dân bắt đầu chết đói. Cuối cùng, có lẽ sáu triệu người đã chết đói, trong khi hàng trăm ngàn người khác đã bị giết hoặc bị đầy đi Siberia trong tập thể hóa cưỡng bức.

Cả ngành công nghiệp mới được tạo ra lẫn các nông trang tập thể đã không hiệu quả về mặt kinh tế theo nghĩa rằng chúng tận dụng tốt nhất các nguồn lực mà Liên Xô có. Nghe có vẻ như một công thức cho tai họa và sự trì trệ kinh tế, nếu không phải là sự sụp đổ dứt khoát. Thế nhưng Liên Xô đã tăng trưởng nhanh. Lý do cho việc này là không khó hiểu. Cho phép người dân đưa ra các quyết định của riêng mình thông qua các thị trường là cách tốt nhất cho một xã hội sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nó. Khi thay vào đó nhà nước hay một elite hẹp kiểm soát tất cả các nguồn lực này, các khuyến khích đúng sẽ không được tạo ra, cũng chẳng có một sự phân bổ hiệu quả các kỹ năng và tài năng của người dân. Nhưng trong một số trường hợp năng suất của lao động và vốn có thể cao hơn rất nhiều trong một khu vực hay một hoạt động, như công nghiệp nặng ở Liên Xô, mà ngay cả một quá trình từ trên xuống, dưới các thể chế khai thác mà nó phân bổ các nguồn lực tới khu vực đó, có thể tạo ra tăng trưởng. Như chúng ta đã thấy ở chương 3, các thể chế khai thác ở các hòn đảo Caribe như Barbados, Cuba, Haiti, và Jamaica đã có thể tạo ra mức thu nhập cao tương đối bởi vì họ đã phân bổ nguồn lực cho sản xuất đường, một mặt hàng thèm muốn trên khắp thế giới. Việc sản xuất đường đã dựa vào các toán nô lệ đã chắc chắn không “hiệu quả”, và đã không có sự thay đổi công nghệ nào hay sự phá hủy sáng tạo nào trong các nước này, nhưng điều này đã không cản chúng để đạt được mức độ tăng trưởng nào đó dưới các thể chế khai thác. Tình hình đã tương tự ở Liên Xô, với công nghiệp đóng vai trò của đường ở vùng Caribe. Tăng trưởng công nghiệp ở Liên Xô đã còn được làm cho dễ dàng thêm bởi vì công nghệ của nó đã rất lạc hậu so với công nghệ đã sẵn có ở châu Âu và Hoa Kỳ, cho nên có thể gặt hái được các khoản lợi lớn bằng cách phân bổ lại các nguồn lực cho khu vực công nghiệp, cho dù tất cả những việc này được tiến hành một cách không hiệu quả và bằng vũ lực.

Trước năm 1928 hầu hết người Nga sống ở nông thôn. Công nghệ được nông dân sử dụng là công nghệ thô sơ, và đã có ít khuyến khích để sinh lợi. Quả thực, những tàn dư cuối cùng của chủ nghĩa phong kiến Nga đã chỉ mới được xóa bỏ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất một thời gian ngắn. Như thế đã có tiềm năng kinh tế khổng lồ chưa được thực hiện từ việc phân bố lại lao động này từ nông nghiệp sang công nghiệp. Công nghiệp hóa Stalinist là một cách dã man để tháo, mở khóa cho tiềm năng này. Bằng sắc lệnh, Stalin đã chuyển các nguồn lực được sử dụng rất kém này sang công nghiệp, nơi họ đã có thể được sử dụng một cách sinh lời hơn, cho dù bản thân công nghiệp đã được tổ chức rất không hiệu quả so với mức đã có thể đạt được. Thật vậy, giữa 1928 và 1960 thu nhập quốc dân đã tăng 6 phần trăm một năm, có lẽ là mức tăng tốc nhanh nhất của tăng trưởng kinh tế trong lịch sử cho đến thời điểm đó. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh này đã không được tạo ra bằng sự thay đổi công nghệ, mà bằng sự phân bổ lại lao động và bằng tích tụ vốn qua tạo ra các công cụ và các nhà máy mới.

Sự tăng trưởng nhanh đến mức đã cần đến các thế hệ của những người phương Tây để hiểu được, không chỉ Lincoln Steffens. Đã cần đến Cục Tình báo Trung ương của Hoa Kỳ để hiểu được. Thậm chí đã cần đến các lãnh tụ của chính Liên Xô, như Nikita Khrushchev, người đã khoác lác một cách khét tiếng trong một bài phát biểu trước các nhà ngoại giao phương Tây trong năm 1956 rằng “chúng tôi sẽ chôn các anh [phương Tây]”, để hiểu được. Mãi đến cuối 1977, một sách giáo khoa hàng đầu của một nhà kinh tế học Anh đã cho rằng các nền kinh tế kiểu Soviet là ưu việt hơn các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm đầy đủ và ổn định giá cả và thậm chí về mặt tạo ra những người con người với động cơ thúc đẩy vị tha. Chủ nghĩa tư bản già nua tồi tàn đã làm tốt hơn chỉ ở việc cung cấp quyền tự do chính trị. Quả thực, sách giáo khoa đại học được sử dụng rộng rãi nhất trong kinh tế học, được viết bởi người được giải Nobel Kinh tế Paul Samuelson, đã tiên đoán một cách lặp đi lặp lại sự thống trị kinh tế sắp đến của Liên Xô. Trong lần xuất bản 1961, Samuelson đã tiên đoán rằng thu nhập quốc dân Soviet sẽ vượt thu nhập quốc dân Hoa Kỳ có thể vào 1984, nhưng chắc là vào năm 1994. Trong lần tái bản 1980 đã có một chút sửa đổi trong phân tích, dẫu cho hai thời điểm bị lùi thành 2002 và 2012.

Mặc dù các chính sách của Stalin và các lãnh đạo Soviet kế tiếp đã có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh, họ đã không thể làm thế theo cách bền vững. Vào các năm 1970, tăng trưởng kinh tế hầu như đã bị ngừng. Bài học quan trọng nhất là, các thể chế khai thác không thể tạo ra sự thay đổi công nghệ bền vững vì hai lý do: sự thiếu các khuyến khích và sự chống đối của elite. Ngoài ra, một khi tất cả các nguồn lực được sử dụng rất không hiệu quả đã được phân bổ cho công nghiệp, thì còn ít lợi lộc kinh tế có được bằng sắc lệnh. Sau đó hệ thống Soviet vấp phải vật chắn đường, với sự thiếu đổi mới và các khuyến khích kinh tế tồi ngăn cản bất cứ sự tiến bộ thêm nào. Lĩnh vực duy nhất mà trong đó những người Soviet đã tìm được cách để đạt sự đổi mới nào đó đã là thông qua các nỗ lực lớn lao trong công nghệ quân sự và hàng không vũ trụ. Như một kết quả họ đã đưa được con chó đầu tiên, Laika, và con người đầu tiên, Yuri Gagarin, vào vũ trụ. Họ cũng đã để lại cho thế giới AK-47 như một trong những di sản của họ.

Gosplan đã là cơ quan lập kế hoạch được cho là có toàn quyền, chịu trách nhiệm về kế hoạch hóa tập trung của nền kinh tế Soviet. Một trong những lợi ích của chuỗi liên tiếp của các kế hoạch năm năm được soạn thảo và quản lý bởi Gosplan được cho là có tầm nhìn dài hạn cần thiết cho đầu tư và đổi mới hợp lý. Trong thực tế, cái được thực hiện trong công nghiệp Soviet ít liên quan đến các kế hoạch năm năm, mà thường xuyên được xét lại và soạn lại trên cơ sở các mệnh lệnh của Stalin và Bộ Chính trị, những người thường xuyên thay đổi ý định của họ và thường xét lại toàn bộ các quyết định trước đây của mình. Tất cả các kế hoạch đều được gắn nhãn “dự thảo” hay “sơ bộ”. Chỉ có duy nhất một bản kế hoạch được gắn nhãn “cuối cùng” – là kế hoạch cho công nghiệp nhẹ năm 1939 – được đưa ra ánh sáng từ trước tới nay. Bản thân Stalin đã nói trong năm 1937 rằng “chỉ có những kẻ quan liêu mới có thể nghĩ rằng công việc lập kế hoạch kết thúc với việc tạo ra bản kế hoạch. Việc tạo ra bản kế hoạch chỉ là sự bắt đầu. Hướng thực sự của kế hoạch bộc lộ ra chỉ sau khi ráp kế hoạch vào với nhau.” Stalin đã muốn tối đa hóa sự tự định đoạt của ông để thưởng những người hay các nhóm trung thành về mặt chính trị với ông và trừng phạt những người không trung thành. Về Gosplan, vai trò chính của nó đã là để cung cấp thông tin cho Stalin để ông có thể giám sát tốt hơn các bạn và các kẻ thù của ông. Nó thực sự đã thử tránh đưa ra các quyết định. Nếu bạn đưa ra một quyết định mà hóa ra là tồi, bạn có thể bị bắn. Tốt hơn là tránh mọi trách nhiệm.

Một thí dụ về cái gì đã có thể xảy ra nếu bạn coi công việc của mình một cách quá nghiêm túc, hơn là đoán một cách thành công Đảng Cộng Sản muốn gì, đã là cuộc tổng điều tra dân số năm 1937. Khi các bản khai được ghi nhận, đã trở nên rõ ràng là chúng cho thấy dân số khoảng 162 triệu, thấp hơn con số 180 triệu mà Stalin đã dự tính rất nhiều và quả thực thấp hơn con số 168 triệu mà bản thân Stalin đã công bố năm 1934. Tổng điều tra dân số năm 1937 là cuộc điều tra đầu tiên được tiến hành từ 1926, và vì thế là cuộc đầu tiên tiếp sau các nạn đói và các cuộc thanh trừng hàng loạt vào đầu các năm 1930. Con số dân số chính xác phản ánh điều này. Sự đáp lại của Stalin đã là sai bắt những người đã tổ chức tổng điều tra dân số và đày họ đi Siberia hay bắn họ. Ông đã ra lệnh tiến hành một cuộc tổng điều tra dân số khác vào năm 1939. Lần này những người tổ chức đã hiểu đúng; họ đã thấy rằng dân số thực đã là 171 triệu.

Stalin đã hiểu rằng trong nền kinh tế Soviet, người dân có ít khuyến khích để làm việc siêng năng. Một phản ứng tự nhiên là phải đưa các khuyến khích đó vào, và đôi khi ông đã làm vậy – thí dụ, bằng cách hướng cung ứng thực phẩm đến các vùng nơi năng suất đã sụt xuống – để tưởng thưởng những sự cải thiện năng suất. Hơn nữa, ngay từ 1931 ông đã từ bỏ ý tưởng tạo ra “con người xã hội chủ nghĩa” những người làm việc mà không có các khuyến khích tiền tệ. Trong một bài nói chuyện nổi tiếng ông đã phê phán “nghề lái buôn bình đẳng”, và trong thời gian tiếp theo đã không chỉ người làm các việc khác nhau được trả lương khác nhau mà một hệ thống tiền thưởng cũng đã được đưa vào. Thật đáng làm bài học để hiểu hệ thống này hoạt động ra sao. Điển hình một hãng dưới kế hoạch hóa tập trung phải đạt một chỉ tiêu sản lượng đặt ra trong kế hoạch, mặc dù các kế hoạch như vậy thường được thương lượng lại và thay đổi. Từ các năm 1930, các công nhân được trả tiền thưởng nếu các mức đầu ra đạt chỉ tiêu. Các khoản này đã có thể khá cao – đến mức 37 phần trăm lương cho chức vụ quản lý hay kỹ sư cao cấp. Nhưng trả các khản tiền thưởng như vậy tạo ra đủ loại phản khuyến khích (disincentive) đối với thay đổi công nghệ. Một mặt, sự đổi mới, lấy đi nguồn lực từ sản xuất hiện thời, gây rủi ro về không đạt chỉ tiêu và không được trả tiền thưởng. Mặt khác, các chỉ tiêu sản lượng thường dựa vào các mức sản xuất trước. Việc này tạo ra khuyến khích khổng lồ để đừng bao giờ mở rộng sản lượng, vì việc này chỉ có nghĩa là sẽ phải sản xuất nhiều hơn trong tương lai, vì các chỉ tiêu tương lai sẽ bị “đẩy lên nấc cao hơn.”  Đạt dưới mức [có thể đạt được] đã luôn luôn là cách tốt nhất để đạt các chỉ tiêu và nhận được tiền thưởng. Sự thực rằng tiền thưởng được trả hàng tháng cũng khiến tất cả mọi người chú tâm vào hiện tại, trong khi sự đổi mới là về chịu hy sinh hôm nay nhằm có nhiều hơn vào ngày mai.

Ngay cả khi tiền thưởng và các khuyến khích đã có hiệu quả trong làm thay đổi hành vi, thì chúng thường gây ra các vấn đề khác. Kế hoạch hóa tập trung đã đúng là không tốt khi thay thế cho cái mà nhà kinh tế học vĩ đại thế kỷ mười tám Adam Smith đã gọi là “bàn tay vô hình” của thị trường. Khi [chỉ tiêu] kế hoạch được diễn đạt bằng tấn thép tấm, tấm thép được làm quá nặng. Khi được trình bày bằng diện tích thép tấm, các tấm được làm quá mỏng. Khi kế hoạch về đèn chùm treo được trình bày bằng tấn, chúng nặng đến mức hầu như không thể treo được trên trần nhà.

Vào các năm 1940, các nhà lãnh đạo Liên Xô, cho dù không phải là những người say mê chúng ở phương Tây, [nhưng] đã biết kỹ về các khuyến khích tai ác này. Các lãnh đạo Soviet đã hành động cứ như chúng đã là do các vấn đề kỹ thuật, mà có thể chỉnh sửa được. Thí dụ, họ đã thay đổi ý tưởng về trả tiền thưởng dựa trên các chỉ tiêu sản lượng cho phép các hãng để sang một bên một phần lợi nhuận để trả thưởng. Nhưng một “động cơ lợi nhuận” như vậy đã không khuyến khích đổi mới hơn so với tiền thưởng dựa vào sản lượng. Hệ thống giá được dùng để tính lợi nhuận đã hầu như hoàn toàn không liên quan gì đến giá trị của các đổi mới hay công nghệ mới. Không giống trong một nền kinh tế thị trường, giá cả ở Liên Xô được chính phủ quy định, và như thế có ít liên hệ với giá trị. Để tạo ra các khuyến khích một cách đặc biệt hơn cho đổi mới, Liên Xô đã đưa ra tiền thưởng đổi mới rành mạch trong năm 1946. Ngay từ 1918, nguyên lý đã được công nhận rằng một nhà đổi mới nên nhận được phần thưởng bằng tiền cho đổi mới của mình, nhưng các phần thưởng được quy định là nhỏ và không liên quan đến giá trị của công nghệ mới. Việc này đã thay đổi chỉ vào năm 1956, khi quy định rằng tiền thưởng phải tỷ lệ với năng suất của đổi mới. Tuy vậy, vì năng suất được tính dưới dạng các lợi ích kinh tế đo được bằng hệ thống giá cả hiện hành, đấy lại chẳng phải là một khuyến khích tốt để đổi mới. Ta có thể điền đầy nhiều trang về các khuyến khích tai ác mà các sơ đồ này gây ra. Thí dụ, bởi vì quy mô của quỹ thưởng đổi mới được giới hạn bởi hóa đơn lương của một hãng, quy định này ngay lập tức làm giảm khuyến khích để sản xuất hay chấp nhận bất cứ đổi mới nào mà có thể tiết kiệm lao động.

Tập trung vào các quy tắc và các sơ đồ thưởng khác nhau có xu hướng che mờ các vấn đề cố hữu của hệ thống. Chừng nào quyền thế và quyền lực chính trị còn nằm trong tay Đảng Cộng Sản, đã là không thể để làm thay đổi một cách cơ bản các khuyến khích mà người dân đối mặt, tiền thưởng hay không phải tiền thưởng. Ngay từ khởi đầu của nó, Đảng Cộng Sản đã sử dụng không chỉ các củ cà rốt mà cả các cây gậy nữa, các cây gậy bự, để có được cái nó muốn. Năng suất trong nền kinh tế cũng đã không khác. Một bộ đầy đủ của các luật tạo ra các vi phạm hình sự đối với các công nhân những người được cảm thấy là lẩn tránh việc. Tháng Sáu 1940, chẳng hạn, một luật đã biến sự vắng mặt, được định nghĩa là bất cứ 20 phút vắng mặt mà không được phép hoặc thậm chí đứng ngồi không trong công việc, thành một sự vi phạm hình sự với mức phạt sáu tháng làm việc nặng và cắt 25 phần trăm lương. Tất cả mọi loại trừng phạt tương tự đã được đưa ra, và đã được thực thi với tần suất gây kinh ngạc. Giữa 1940 và 1955, 36 triệu người, khoảng một phần ba dân số trưởng thành, đã được phát hiện là phạm các tội như vậy. Trong số này, 15 triệu đã bị bỏ tù và 250.000 đã bị bắn. Trong bất cứ năm nào, đã có 1 triệu người lớn bị tù vì những sự vi phạm lao động; đấy là chưa nhắc đến 2,5 triệu người mà Stalin đã đày đến các gulag [trại cải tạo lao động] ở Siberia. Dẫu sao, nó đã không hoạt động. Mặc dù bạn có thể chuyển ai đó đến một nhà máy, bạn không thể ép người dân suy nghĩ và có các ý tưởng hay bằng cách đe dọa bắn bỏ họ. Sự ép buộc giống thế này đã có thể tạo ra sản lượng cao về đường ở Barbados hay Jamaica, nhưng nó không thể bù cho sự thiếu các khuyến khích trong một nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

Sự thực rằng các khuyến khích thật sự hiệu quả không thể được đưa ra trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã không phải là do các lỗi kỹ thuật trong thiết kế của các sơ đồ tiền thưởng. Nó là bản chất nội tại của toàn bộ phương pháp mà theo đó sự tăng trưởng khai thác đã đạt được. Nó đã được thực hiện bằng mệnh lệnh của chính phủ, mà đã có thể giải quyết một số vấn đề kinh tế cơ bản. Nhưng kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi rằng các cá nhân sử dụng tài năng và các ý tưởng của mình, và việc này chẳng bao giờ có thể làm được trong một hệ thống kinh tế kiểu Soviet. Những kẻ cai trị Liên Xô đã có thể từ bỏ các thể chế kinh tế khai thác, nhưng một bước đi như vậy sẽ làm nguy hiểm cho quyền lực chính trị của họ. Thực vậy, khi Mikhail Gorbachev đã bắt đầu rời khỏi các thể chế kinh tế khai thác sau 1987, quyền lực của Đảng Cộng Sản đã tan tành, và với nó, Liên Xô sụp đổ.

 

LIÊN XÔ đã có khả năng tạo ra sự tăng trưởng nhanh ngay cả dưới các thể chế khai thác bởi vì những người Bolshevik đã xây dựng một nhà nước tập trung hùng mạnh và sử dụng nó để phân bổ các nguồn lực sang công nghiệp. Nhưng như trong mọi trường hợp của tăng trưởng dưới các thể chế khai thác, kinh nghiệm này đã không dành vai nổi bật cho sự thay đổi công nghệ và đã không bền vững. Sự tăng trưởng đầu tiên chậm lại, rồi sau đó hoàn toàn xẹp xuống. Mặc dù chóng tàn, kiểu tăng trưởng này vẫn minh họa các thể chế khai thác có thể kích thích hoạt động kinh tế ra sao.

Suốt lịch sử hầu hết các xã hội đã bị cai trị bởi các thể chế khai thác, và các thể chế, mà đã tìm được cách để áp đặt một mức độ trật tự nào đó lên các nước, đã có khả năng tạo ra sự tăng trưởng hạn chế nào đó – cho dù chẳng có xã hội nào trong số các xã hội khai thác này đã tìm được cách để đạt tăng trưởng bền vững. Thực ra, một số điểm ngoặt lớn trong lịch sử được đặc trưng bởi những đổi mới thể chế mà đã củng cố các thể chế khai thác và đã làm tăng quyền lực của một nhóm để áp đặt luật và trật tự và hưởng lợi từ sự khai thác. Trong phần còn lại của chương này, chúng ta đầu tiên sẽ thảo luận bản chất của những đổi mới thể chế mà thiết lập mức độ nào đó của sự tập trung hóa nhà nước và cho phép sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác. Sau đó chúng ta sẽ chứng tỏ các ý tưởng này sẽ giúp chúng ta thế nào để hiểu Cách mạng Đồ đá Mới, sự chuyển đổi hết sức quan trọng sang nông nghiệp, mà làm nòng cốt cho nhiều khía cạnh của nền văn minh hiện tại của chúng ta. Chúng ta sẽ kết thúc bằng việc minh họa, với các thí dụ của các thành-quốc Maya, sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác bị hạn chế ra sao không chỉ bởi vì sự thiếu tiến bộ công nghệ, mà cũng bởi vì nó cũng khuyến khích sự ẩu đả từ các nhóm tranh đua muốn nắm sự kiểm soát nhà nước và sự khai thác mà nó tạo ra.

 

TRÊN BỜ SÔNG KASAI

Một trong những nhánh lớn của sông Congo là Kasai. Bắt nguồn ở Angola, nó chảy theo hướng bắc và nhập với sông Congo ở đông bắc Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại. Mặc dù Cộng hòa Dân chủ Congo là nghèo so với phần còn lại của thế giới, đã luôn luôn có những khác biệt đáng kể về thịnh vượng của các nhóm khác nhau bên trong Congo. Kasai là ranh giới giữa các nhóm này. Ngay sau khi đi vào Congo dọc theo bờ tây, bạn sẽ thấy dân tộc Lele, bên bờ đông là những người Bushong (Bản đồ 6, trang 59). Xét theo bề ngoài, phải có ít khác biệt giữa hai nhóm này về mặt thịnh vượng. Họ bị tách biệt chỉ bởi một con sông, mà cả hai bên đều có thể qua bằng thuyền. Hai bộ lạc có chung nguồn gốc và các ngôn ngữ họ hàng. Ngoài ra, nhiều thứ mà họ xây hay tạo ra là giống nhau về kiểu cách, bao gồm nhà, quần áo, và đồ thủ công.

Thế nhưng khi nhà nhân chủng học Mary Douglass và nhà sử học Jan Vansina đã nghiên cứu các nhóm này trong các năm 1950, họ đã phát hiện ra một số khác biệt gây sửng sốt giữa họ. Như Douglass diễn đạt, “Những người Lele nghèo, còn những người Bushong giàu …Mọi thứ mà người Lele có hay có thể làm, người Bushong có nhiều hơn và có thể làm tốt hơn.” Dễ kiếm được những giải thích đơn giản cho sự không bằng nhau này. Một sự khác biệt, gợi lại sự khác biệt giữa các nơi ở Peru mà đã bị hay đã không bị lệ thuộc vào mita Potosí, là, những người Lele đã sản xuất cho đủ sống qua ngày, trong khi những người Bushong sản xuất để trao đổi trên thị trường. Douglass và Vansina cũng nhận xét rằng những người Lele đã sử dụng công nghệ thấp. Thí dụ, họ đã không dùng lưới để săn, cho dù lưới cải thiện năng suất rất nhiều. Douglass biện luận, “sự thiếu vắng lưới là phù hợp với một xu hướng chung của người Lele là không đầu tư thời gian và lao động vào trang thiết bị dài hạn.”

Cũng đã có những khác biệt quan trọng về công nghệ nông nghiệp và tổ chức. Những người Bushong đã thực hành một dạng canh tác hỗn hợp nơi năm vụ được trồng kế tiếp nhau trong một hệ thống luân canh hai năm. Họ trồng khoai mỡ, khoai lang, sắn (mỳ), và đậu và thu hoạch hai, đôi khi ba vụ ngô mỗi năm. Những người Lele đã không có hệ thống như vậy và đã xoay xở để thu hoạch chỉ một vụ ngô một năm.

Cũng đã có những khác biệt nổi bật về luật và trật tự. Những người Lele được phân tán vào các làng được phòng thủ, mà đã liên tục xung đột với nhau. Bất cứ ai đi giữa hai làng hay thậm chí dám vào rừng để thu lượm thức ăn đã có khả năng bị tấn công hay bắt cóc. Ở nước Bushong, điều này hiếm khi, nếu có bao giờ, xảy ra.

Cái gì nằm đằng sau những khác biệt này về các hình mẫu sản xuất, công nghệ nông nghiệp, và sự thịnh hành của trật tự? Hiển nhiên đã không phải là địa lý đã khiến những người Lele sử dụng công nghệ săn bắn và nông nghiệp thấp. Đã chắc chắn không phải là sự vô minh, sự không biết, bởi vì họ đã biết các công cụ người Bushong sử dụng. Một sự giải thích khả dĩ khác có thể là văn hóa; liệu đã có thể chăng rằng những người Lele có một văn hóa không khuyến khích họ đầu tư vào lưới săn và nhà chắc chắn hơn và được xây cất tốt hơn? Nhưng điều này có vẻ cũng chẳng đúng. Như với người dân Kongo, những người Lele đã rất quan tâm đến mua súng, và Douglass thậm chí đã nhận xét rằng “việc họ hăm hở mua súng cầm tay … cho thấy văn hóa của họ không hạn chế họ ở mức các công nghệ thấp nếu những công nghệ này không đòi hỏi sự cộng tác và nỗ lực dài hạn.” Như thế không phải một ác cảm văn hóa với công nghệ, chẳng phải sự vô minh, cũng chẳng phải địa lý cho một sự giải thích tốt về sự thịnh vượng lớn hơn của những người Bushong so với những người Lele.

Lý do cho những khác biệt giữa hai bộ tộc này nằm ở các thể chế khác nhau mà đã nổi lên trong đất nước của những người Bushong và Lele. Chúng ta đã nhắc tới ở trước rằng những người Lele đã sống trong các làng được phòng thủ mà đã không là phần của một cấu trúc chính trị thống nhất. Đã khác ở bên kia Kasai. Khoảng năm 1620 một cuộc cách mạng chính trị đã xảy ra với sự lãn đạo của một người có tên là Shyaam, người đã tạo dựng Vương quốc Kuba, mà chúng ta đã thấy trên Bản đồ 6 (trang 59), với những người Bushong ở trung tâm của nó và với bản thân ông như nhà vua. Trước thời kỳ này, có lẽ đã có ít sự khác biệt giữa những người Bushong và Lele; những sự khác biệt đã nổi lên như những hệ quả của cách mà Shyaam đã tổ chức lại xã hội ở phía đông sông Kasai. Ông đã xây dựng một nhà nước và một kim tự tháp các thể chế chính trị. Chúng đã không chỉ được tập trung hóa hơn một cách đáng kể so với trước mà cũng đã bao gồm các cấu trúc rất tinh vi. Shyaam và những người kế vị ông đã tạo ra một bộ máy quan liêu để thu thuế và một hệ thống luật và lực lượng cảnh sát để thi hành luật. Các nhà lãnh đạo bị kiểm tra bởi các hội đồng, mà họ phải tham vấn trước khi đưa ra các quyết định. Thậm chí đã có sự xử án bởi bội thẩm đoàn, một sự kiện có vẻ độc nhất ở châu Phi hạ-Sahara trước chủ nghĩa thuộc địa Âu châu. Tuy nhiên, nhà nước tập trung mà Shyaam xây dựng đã là một công cụ khai thác và hết sức chuyên chế. Đã chẳng ai bỏ phiếu bầu ông, và chính sách đã được quy định từ trên đỉnh, không phải bởi sự tham gia của nhân dân.

Cuộc cách mạng này dẫn đến sự tập trung hóa nhà nước, luật và trật tự ở nước Kuba đến lượt nó đã dẫn đến một cuộc cách mạng kinh tế. Nông nghiệp được tổ chức lại và những công nghệ mới được chọn theo để tăng năng suất. Các cây trồng mà trước kia đã là các giống chính đã được thay thế bằng các giống mới có sản lượng cao hơn từ châu Mỹ (đặc biệt là, ngô, sắn, và ớt). Chu trình luân canh thâm canh đã được đưa vào trong thời gian này, và số lượng thực phẩm được sản xuất trên đầu người đã tăng gấp đôi. Để chấp nhận các giống cây trồng này và tổ chức lại nông nghiệp, đã cần nhiều người làm hơn ở ngoài đồng. Cho nên tuổi kết hôn được hạ xuống hai mươi, mà quy định này đã đưa những người đàn ông vào lực lượng lao động nông nghiệp ở tuổi trẻ hơn. Sự tương phản với người Lehe là rõ rệt. Các đàn ông Lele đã thường kết hôn ở tuổi ba mươi lăm và chỉ sau đó mới làm việc ở ngoài đồng. Cho đến lúc đó, họ đã cống hiến đời họ cho chiến đấu và đột nhập để cướp bóc.

Mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế đã đơn giản. Nhà vua Shyaam và những người ủng hộ ông đã muốn khai thác thuế và của cải từ người Kuba, những người đã phải sản xuất ra một khoản thặng dư trên mức bản thân họ tiêu thụ. Trong khi Shyaam và những người của ông đã không đưa ra các thể chế bao gồm ở bờ đông sông Kasai, lượng nào đó của thịnh vượng kinh tế là nội tại đối với các thể chế khai thác mà đạt được một mức độ nào đó về tập trung hóa nhà nước và áp đặt luật và trật tự. Khuyến khích hoạt động kinh tế tất nhiên đã là lợi ích của Shyaam và những người của ông, vì khác đi thì chẳng có gì để mà khai thác. Giống hệt Stalin, bằng mệnh lệnh Shyaam đã tạo ra một tập các thể chế mà có thể tạo ra của cải cần thiết để nuôi sống hệ thống này. So với sự thiếu vắng hoàn toàn của luật và trật tự mà là tình trạng ngự trị ở bên kia của bờ sông Kasai, thì việc này đã tạo ra sự thịnh vượng kinh tế đáng kể – cho dù phần lớn chắc đã bị khai thác bởi Shyaam và các elite của ông. Nhưng nó nhất thiết bị hạn chế. Hệt như ở Liên Xô, đã không có sự phá hủy sáng tạo nào ở Vương quốc Kuba và không có sự đổi mới công nghệ sau sự thay đổi ban đầu này. Tình hình này ít nhiều đã không thay đổi vào thời vương quốc lần đầu tiên đụng độ với các quan chức thuộc địa Bỉ trong cuối thế kỷ mười chín.

 

THÀNH TÍCH CỦA NHÀ VUA SHYAAM minh họa mức hạn chế nào đó của thành công kinh tế có thể đạt được ra sao thông qua các thể chế khai thác. Việc tạo ra sự tăng trưởng như vậy cần đến một nhà nước tập trung. Để tập trung hóa nhà nước, thường cần đến một cuộc cách mạng chính trị. Một khi Shyaam đã tạo ra nhà nước này, ông đã có thể sử dụng sức mạnh của nó để tổ chức lại nền kinh tế và tăng năng suất nông nghiệp, mà sau đó ông có thể đánh thuế.

Vì sao những người Bushong, chứ không phải những người Lele, đã có một cuộc cách mạng chính trị. Chẳng phải những người Lele đã có thể có Shyaam riêng của họ? Cái mà Shyaam đạt được đã là một sự đổi mới thể chế không gắn với địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết theo bất cứ cách tất định nào. Những người Lele đã có thể có một cuộc cách mạng như vậy và biến đổi các thể chế của họ một cách tương tự, nhưng họ đã không làm. Có lẽ đấy là do các lý do mà chúng ta không hiểu bởi vì sự hiểu biết hạn chế của chúng ta ngày nay về xã hội của họ. Có khả năng nhất là bởi vì bản chất tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử. Cùng sự tùy thuộc ngẫu nhiên có lẽ đã có hiệu lực khi một số xã hội ở Trung Đông mười hai ngàn năm trước đã bắt đầu một tập thậm chí cấp tiến hơn của những đổi mới thể chế dẫn đến các xã hội định cư và sau đó đến thuần hóa các thực vật và động vật, như chúng ta thảo luận tiếp đây.

 

MÙA HÈ DÀI

Khoảng 15.000 năm trước công nguyên (TCN), Thời kỳ Băng hà chấm dứt vì khí hậu trái đất nóng lên. Bằng chứng từ các lõi băng Greenland gợi ý rằng nhiệt độ đã tăng ở mức mười lăm độ C trong một khoảng thời gian ngắn. Sự ấm lên này có lẽ đã trùng với sự tăng lên nhanh của dân số vì sự ấm lên toàn cầu đã dẫn đến sự mở rộng các quần thể động vật và sự sẵn có lớn hơn nhiều của các cây dại và thực phẩm. Quá trình này đã bị đảo ngược nhanh vào khoảng năm 14.000 TCN, bởi một thời kỳ lạnh đi được biết đến như thời kỳ Younger Dryas, nhưng sau năm 9600 TCN, nhiệt độ toàn cầu lại tăng lên, bảy độ C trong thời gian ngắn hơn một thập kỷ, và kể từ đó vẫn ở mức cao. Nhà khảo cổ học Brian Fagan gọi nó là mùa hè dài. Sự ấm lên của khí hậu đã là một bước ngoặt khổng lồ mà đã tạo thành nền cho Cách mạng đồ Đá mới, nơi các xã hội người đã chuyển sang lối sống định cư, canh tác, và chăn thả. Việc này và phần còn lại của lịch sử con người đã tiến hành phơi nắng trong Mùa hè Dài này.

Có một sự khác biệt cơ bản giữa canh tác, chăn thả và săn bắt hái lượm. Những việc trước dựa trên sự thuần hóa các loài thực vật và động vật, với sự can thiệp tích cực vào các chu kỳ sống của chúng để làm thay đổi di truyền khiến cho các loài này hữu ích hơn cho con người. Sự thuần hóa là một sự thay đổi công nghệ, và cho phép con người sản xuất nhiều thực phẩm hơn nhiều từ các thực vật và động vật sẵn có. Sự thuần hóa ngô, chẳng hạn, đã bắt đầu khi con người thu lượm teosinte, giống cây dại là tổ tiên của ngô. Bắp teosinte rất nhỏ, chỉ dài vài centimet. Chúng thật còi cọc so với bắp ngô hiện đại. Thế nhưng, dần dần, bằng cách chọn các bông teosinte lớn hơn, và các cây mà các bông của nó không vỡ và vẫn ở trên thân để thu hoạch, con người đã tạo ra ngô hiện đại, một giống cây cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn rất nhiều từ cùng một miếng đất.

Bằng chứng sớm nhất về canh tác, chăn thả và thuần hóa thực vật và động vật đến từ Trung Đông, đặc biệt từ các vùng được biết đến như Hilly Flank, mà kéo dài từ miền nam của Israel hiện đại, lên qua Palestine và bờ tây của Sông Jordan, qua Syria và vào đến đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, bắc Iraq, và tây Iran. Khoảng năm 9.500 TCN các thực vật được thuần hóa đầu tiên, lúa mì emmer và đại mạch hai hàng, được tìm thấy ở Jericho trên bờ tây Sông Jordan ở Palestine; và lúa mì emmer, đậu Hà Lan, đậu lentils (lăng), tại Tell Aswad, xa hơn về phía bắc Syria. Cả hai là các địa điểm của một nền văn hóa gọi là văn hóa Natufian, và cả hai đã nuôi sống các làng lớn; làng ở Jericho đã có dân số có lẽ năm trăm người vào thời ấy.

Vì sao các làng canh tác đầu tiên đã xảy ra ở đây chứ không phải nơi khác? Vì sao những người Natufian, chứ không phải những người khác, đã thuần hóa đậu Hà Lan và đậu lentils? Phải chăng họ đã may mắn và chỉ ngẫu nhiên sống ở nơi đã có nhiều ứng viên tiềm năng cho việc thuần hóa? Trong khi điều này đúng, nhiều dân tộc khác đã sống giữa các loài này, nhưng họ đã không thuần hóa chúng. Như chúng ta đã thấy ở chương hai trong các bản đồ 4 và 5, nghiên cứu của các nhà di truyền học và các nhà khảo cổ học để định rõ sự phân bố của các tổ tiên hoang dã của các động vật và thực vật hiện đại đã được thuần hóa, tiết lộ rằng nhiều trong số các tổ tiên này đã trải ra trên các vùng rất rộng, hàng triệu kilomet vuông. Các tổ tiên hoang dã của các loài động vật được thuần hóa đã lan rộng khắp lục địa Á-Âu. Mặc dù các vùng Hilly Flank đã được thiên nhiên phú cho nhiều loại cây trồng hoang dại, ngay cả chúng cũng đã còn xa mới độc nhất. Đã không phải là, những người Natufian sống trong một vùng được phú cho một cách duy nhất các loài hoang dại, là cái làm cho họ đặc biệt. Chính là, họ đã sống định cư trước khi họ bắt đầu thuần hóa các thực vật hay động vật. Một mẩu bằng chứng đến từ các răng linh dương, mà chúng bao gồm men chân răng (cementum), xương mô liên kết mà phát triển thành các lớp. Trong mùa xuân và mùa hè khi sự phát triển của cementum nhanh nhất, các lớp có màu khác với các lớp hình thành trong mùa đông. Bằng cách lấy một lát cắt qua răng ta có thể thấy màu của lớp cuối cùng trước khi con linh dương chết. Sử dụng kỹ thuật này ta có thể xác định xem con linh dương bị giết vào mùa hè hay mùa đông. Tại các vị trí [khai quật] Natufian, người ta thấy những con linh dương bị giết trong mọi mùa, gợi ý sự cư trú quanh năm. Làng Abu Hureyra, ở quanh sông Euphrates, là một trong những khu định cư Natufian được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất. Trong thời gian gần bốn mươi năm các nhà khảo cổ học đã khảo sát các lớp của ngôi làng, mà cung cấp một trong các thí dụ được tư liệu hóa tốt nhất về cuộc sống định cư trước và sau canh tác. Khu định cư có lẽ đã bắt đầu vào khoảng năm 9.500 TCN, và các cư dân đã tiếp tục lối sống săn bắt hái lượm của họ một khoảng thời gian năm trăm năm nữa trước khi chuyển sang nông nghiệp. Các nhà khảo cổ học đã ước lượng rằng dân số của làng trước khi canh tác đã là giữa một trăm và ba trăm người.

Ta có thể nghĩ đủ loại lý do vì sao một xã hội có thể thấy có lợi để sống định cư. Thường xuyên thay đổi chỗ ở là tốn kém; phải mang trẻ con và người già, và là không thể để cất trữ thực phẩm cho những lúc đói kém khi di chuyển. Hơn nữa, các công cụ như đá xay, liềm hái hữu ích cho xử lý các thực phẩm dại, nhưng lại nặng để mang đi. Có bằng chứng rằng ngay cả những người săn bắt hái lượm đã cất trữ thực phẩm ở các địa điểm chọn lọc, như các hang. Một sự hấp dẫn của ngô là, nó có thể được cất trữ rất dễ, và đấy là lý do then chốt vì sao nó được thâm canh đến vậy khắp châu Mỹ. Khả năng để giải quyết một cách hiệu quả hơn vấn đề cất trữ và tích tụ các kho thực phẩm đã phải là một khuyến khích chủ chốt cho việc chấp nhận cách sống định cư.

Trong khi có thể đáng mong mỏi về mặt tập thể để trở thành người sống định cư, nhưng điều này không có nghĩa rằng nó nhất thiết xảy ra. Một nhóm di động của những người săn bắt hái lượm đã phải thống nhất để làm điều này, hay ai đó đã phải ép buộc họ. Một số nhà khảo cổ học đã gợi ý rằng mật độ dân số tăng lên và mức sống giảm xuống đã là các yếu tố chủ chốt trong sự nổi lên của cuộc sống định cư, buộc những người di động ở lại một chỗ. Thế nhưng mật độ dân số của các địa điểm Natufian đã không lớn hơn mật độ của các nhóm trước đó, cho nên có vẻ không có bằng chứng về mật độ dân số tăng lên. Bằng chứng xương và răng cũng không ngụ ý sự xấu đi của sức khỏe. Thí dụ, sự thiếu thực phẩm có xu hướng tạo ra các đường mỏng trong men răng người, một tình trạng được gọi thiểu sản men (hypoplasia). Các đường này thực ra ít phổ biến ở những người Natufian hơn ở những người canh tác muộn hơn.

Quan trọng hơn là lối sống định cư đã có những mặt lợi, nó cũng có các mặt bất lợi. Giải quyết xung đột có lẽ đã khó hơn nhiều đối với các nhóm định cư, vì những sự bất hòa đã có thể được giải quyết ít dễ hơn bằng cách một số người hay nhóm đơn thuần bỏ đi. Một khi người dân đã xây dựng các tòa nhà lâu bền và có nhiều tài sản hơn mức họ có thể mang, thì bỏ đi đã là một lựa chọn ít hấp dẫn. Cho nên các làng đã cần những cách hiệu quả hơn để giải quyết xung đột và các quan niệm tinh vi hơn về tài sản. Các quyết định đã cần được đưa ra về ai có quyền tiếp cận đến miếng đất gần làng, hay ai được hái quả từ hàng cây nào và được đánh cá ở phần nào của con suối. Các quy tắc phải được phát triển, và các thể chế mà tạo ra và thực thi các quy tắc đã phải được thảo ra tỉ mỉ.

Để cho cuộc sống định cư nổi lên, vì thế có vẻ hợp lý rằng những người săn bắt hái lượm đã bị buộc phải định cư, và việc này đã phải xảy ra sau một sự đổi mới thể chế tập trung quyền lực vào tay một nhóm mà có thể trở thành elite chính trị, thực thi các quyền tài sản, duy trì trật tự, và cũng hưởng lợi từ địa vị của họ bằng cách khai thác các nguồn lực từ phần còn lại của xã hội. Thực vậy, một cuộc cách mạng tương tự như cuộc đã được nhà Vua Shyaam khở xướng, cho dù ở quy mô nhỏ hơn, chắc đã là bước đột phá dẫn đến cuộc sống định cư.

Bằng chứng khảo cổ học quả thực gợi ý rằng những người Natufian đã phát triển một xã hội phức tạp được đặc trưng bởi hệ thống thứ bậc, trật tự, và sự bất bình đẳng – những sự khởi đầu của cái chúng ta nhận ra như các thể chế khai thác – một thời gian dài trước khi họ trở thành những người nông dân. Một mẩu bằng chứng có tính thuyết phục cho hệ thống thứ bậc và sự bất bình đẳng như vậy đến từ các mộ Natufian. Một số người đã được chôn cất với số lượng lớn đá obsidian (đá vỏ chai) và vỏ ốc răng (dentalium), mà được lấy từ bờ Địa Trung Hải gần Mount Carmel. Các loại đồ trang trí khác gồm các vòng đeo cổ, các nịt chân, và các vòng tay, mà được làm bằng răng chó và đốt ngón chân hươu cũng như vỏ sò ốc. Những người khác được chôn mà không có các thứ này. Vỏ ốc và cả đá vỏ chai đã được trao đổi, và việc kiểm soát sự trao đổi này đã khá chắc là một nguồn của sự tích lũy quyền lực và sự bất bình đẳng. Bằng chứng thêm về sự bất bình đẳng kinh tế và chính trị đến từ địa điểm Natufian ở Ain Mallaha, ngay bắc biển Galilee. Giữa một nhóm của khoảng năm mươi lều tròn và nhiều hố, rõ ràng được dùng để cất trữ, có một tòa nhà lớn được trát vữa một cách tăng cường gần vị trí trung tâm được dọn quang. Tòa nhà này hầu như chắc chắn đã là nhà của một thủ lĩnh. Trong số những chỗ mai táng ở địa điểm, một số công phu hơn nhiều, và cũng có bằng chứng về sự thờ cúng sọ, có lẽ biểu thị sự thờ phụng tổ tiên. Những sự thờ cúng như vậy là phổ biến ở các địa điểm Natufian, đặc biệt ở Jericho. Sự trội hơn của bằng chứng từ các địa điểm Natufian gợi ý rằng đấy có lẽ đã là các xã hội với các thể chế tinh vi xác định sự thừa kế địa vị elite rồi. Họ đã tiến hành buôn bán với các nơi ở xa và đã có các dạng mới nảy sinh của tôn giáo và các thứ bậc chính trị.

Sự nổi lên của các elite chính trị rất có thể đã tạo ra sự chuyển đổi đầu tiên sang cuộc sống định cư và sau đó sang canh tác. Như các địa điểm Natufian cho thấy, cuộc sống định cư không nhất thiết có nghĩa là canh tác và chăn thả. Người dân đã có thể định cư nhưng vẫn kiếm sống bằng săn bắt hái lượm. Rốt cuộc Mùa hè Dài đã làm cho các cây dại dồi dào hơn, và săn bắt hái lượm chắc đã hấp dẫn hơn. Hầu hết người dân có thể đã khá thỏa mãn với cuộc sống đủ sống dựa trên săn bắt hái lượm mà đã không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ngay cả sự đổi mới công nghệ cũng không nhất thiết dẫn đến sự sản xuất nông nghiệp gia tăng. Thực vậy, được biết rằng một sự đổi mới công nghệ lớn, việc đưa rìu thép vào giữa nhóm người Thổ dân Australia được biết đến như người Yir Yoront, đã không dẫn đến sự sản xuất mạnh hơn mà đến việc ngủ nhiều hơn, bởi vì nó cho phép việc thỏa mãn những đòi hỏi đủ sống một cách dễ dàng hơn, với ít khuyến khích để làm việc nhiều hơn.

Cách giải thích truyền thống, dựa vào địa lý, cho cuộc Cách mạng đồ Đá Mới – cốt lõi của lý lẽ của Jared Diamond, mà chúng ta đã thảo luận ở chương 2 – là, nó đã được thúc đẩy bởi sự sẵn có tình cờ của nhiều loài thực vật và động vật mà có thể dễ dàng được thuần hóa. Điều này đã khiến cho canh tác và chăn thả hấp dẫn và đem lại cuộc sống định cư. Sau khi các xã hội đã trở thành xã hội định cư và bắt đầu canh tác, họ bắt đầu phát triển hệ thống thứ bậc chính trị, tôn giáo, và các thể chế phức tạp hơn một cách đáng kể. Mặc dù được chấp nhận rộng rãi, bằng chứng từ những người Natufian gợi ý rằng cách giải thích truyền thống này đặt cái xe trước con ngựa. Những thay đổi thể chế đã xảy ra trong các xã hội một thời gian khá dài trước khi chúng chuyển sang canh tác và có lẽ đã là nguyên nhân của cả việc chuyển sang sống định cư, mà đã tăng cường những sự thay đổi thể chế, lẫn của Cách mạng đồ Đá Mới tiếp sau đó. Hình mẫu này được gợi ý không chỉ bởi bằng chứng từ các vùng Hilly Flank, các vùng được nghiên cứu sâu nhất, mà cả bởi sự trội hơn của bằng chứng từ châu Mỹ, châu Phi hạ-Sahara, và Đông Á.

Chắc chắn việc chuyển sang canh tác đã dẫn đến năng suất nông nghiệp lớn hơn và đã cho phép sự bành trướng đáng kể của dân số. Thí dụ, ở các địa điểm như Jericho và Abu Hureyna, ta thấy rằng làng canh tác ban đầu đã lớn hơn làng trước canh tác rất nhiều. Nói chung, các làng đã lớn lên từ hai đến sáu lần khi sự chuyển đổi xảy ra. Hơn nữa, nhiều hệ quả mà người ta đã lập luận một cách truyền thống như bắt nguồn từ sự chuyển đổi này đã xảy ra một cách chắc chắn. Đã có sự chuyên môn hóa nghề nghiệp lớn hơn và sự tiến bộ công nghệ nhanh hơn, và có lẽ sự phát triển của các thể chế chính trị phức tạp hơn và có lẽ ít bình quân chủ nghĩa hơn. Nhưng liệu việc này có xảy ra tại một nơi cá biệt hay không đã không được xác định bởi sự sẵn có của các loài thực vật và động vật. Thay vào đó, nó đã là hệ quả của xã hội đã trải qua các loại đổi mới thể chế, xã hội và chính trị mà đã cho phép cuộc sống định cư và sau đó sự canh tác nổi lên.

Mặc dù Mùa Hè Dài và sự hiện diện của các loài cây trồng và động vật đã cho phép việc này xảy ra, nhưng nó đã không xác định một cách chính xác ở đâu và khi nào nó xảy ra, sau khi khí hậu đã ấm lên. Đúng hơn, việc này đã được xác định bởi sự tương tác của một bước ngoặt, Mùa Hè Dài, với những sự khác biệt nhỏ nhưng quan trọng về thể chế. Khi khí hậu ấm lên, một số xã hội, như những người Natufian, đã phát triển các yếu tố của các thể chế được tập trung hóa và hệ thống thứ bậc, mặc dù các yếu tố này đã ở quy mô rất nhỏ so với quy mô của các nhà nước-quốc gia hiện đại. Như những người Bushong dưới thời Shyaam, các xã hội đã được tái tổ chức để tận dụng các cơ hội lớn hơn được tạo ra bởi sự tràn ngập của các thực vật và động vật hoang dã, và không nghi ngờ gì các elite chính trị những người đã là những người hưởng lợi chính của các cơ hội mới này và của quá trình tập trung hóa chính trị. Các nơi khác, mà đã có các thể chế chỉ hơi khác một chút, đã không cho phép các elite chính trị của chúng tận dụng một cách tương tự bước ngoặt này và tụt lại phía sau quá trình tập trung hóa chính trị và sự tạo ra các xã hội định cư, nông nghiệp, và phức tạp hơn. Và điều này mở đường cho một sự phân kỳ tiếp sau thuộc loại chính xác mà chúng ta đã thấy trước đây. Một khi những sự khác biệt này đã nổi lên, chúng lan ra một số nơi chứ không ra những nơi khác. Thí dụ, canh tác đã lan ra châu Âu từ Trung Đông vào khoảng năm 6.500 TCN, phần lớn như một hệ quả của sự di cư của các nông dân. Tại châu Âu, các thể chế đã trôi dạt xa các phần của thế giới, chẳng hạn như châu Phi, nơi các thể chế ban đầu đã là khác và nơi những đổi mới được khởi động bởi Mùa Hè Dài ở Trung Đông đã chỉ xảy ra muộn hơn nhiều, và thậm chí khi đó theo một dạng khác.

 

NHỮNG ĐỔI MỚI THỂ CHẾ của những người Natufian, mặc dù chúng rất có khả năng đã làm nòng cốt cho cuộc Cách mạng đồ Đá Mới, đã không để lại một di sản đơn giản trong lịch sử thế giới và đã không dẫn một cách không thể lay chuyển được đến sự thịnh vượng dài hạn của các đất nước ở Israel, Palestine, và Syria hiện đại. Syria và Palestine là các phần tương đối nghèo của thế giới hiện đại, và sự thịnh vượng của Israel đã chủ yếu được nhập khẩu bởi sự định cư của những người Do Thái sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và trình độ giáo dục cao của họ và sự tiếp cận dễ dàng của họ đến các công nghệ tiên tiến. Sự tăng trưởng ban đầu của những người Natufian đã không trở thành bền vững vì cùng lý do mà sự tăng trưởng Soviet đã xẹp xuống. Mặc dù hết sức đáng kể, thậm chí mang tính cách mạng trong thời của nó, đấy đã là sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác. Đối với xã hội Natufian cũng đã chắc là, loại tăng trưởng này đã gây ra các xung đột sâu sắc về ai sẽ kiểm soát các thể chế và sự khai thác mà chúng cho phép. Đối với mỗi elite được hưởng lợi từ sự khai thác, có một không-elite người sẽ thích thay thế anh ta. Đôi khi sự đấu đá nội bộ sẽ thay một elite bằng một elite khác. Đôi khi nó phá hủy toàn bộ xã hội khai thác, và tháo xích cho một quá trình sụp đổ nhà nước và xã hội, như nền văn minh hùng vĩ của các thành-quốc Maya được xây dựng hơn một ngàn năm trước đã trải qua.

 

SỰ KHAI THÁC KHÔNG ỔN ĐỊNH

Sự canh tác đã nổi lên một cách độc lập ở nhiều nơi quanh thế giới. Ở nơi bây giờ là Mexico, các xã hội đã hình thành mà thiết lập các nhà nước và các khu định cư, và đã chuyển sang nông nghiệp. Như với những người Natufian ở Trung Đông, họ cũng đã đạt mức độ nào đó của sự tăng trưởng kinh tế. Các thành-quốc Maya trong vùng nam Mexico, Belize, Guatemala, và Tây Honduras thực ra đã xây dựng một nền văn minh khá tinh vi dưới kiểu riêng của chúng về các thể chế khai thác. Kinh nghiệm Maya minh họa không chỉ khả năng tăng trưởng dưới các thể chế khai thác mà cả các giới hạn cơ bản khác của loại tăng trưởng này: sự bất ổn định chính trị mà nổi lên và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của cả xã hội, lẫn của nhà nước, khi các nhóm và những người khác nhau đấu tranh để trở thành những kẻ khai thác.

Các thành phố Maya đầu tiên đã bắt đầu phát triển vào khoảng năm 500 TCN. Các thành phố ban đầu này cuối cùng đã phá sản, vào thời gian nào đó trong thế kỷ đầu tiên sau công nguyên (SCN). Một mô hình chính trị mới đã nổi lên khi đó, tạo ra nền tảng cho Thời đại Cổ điển, giữa các năm 250 và 900 SCN. Thời kỳ này đã đánh dấu sự phát triển đầy đủ của văn hóa và nền văn minh Maya. Nhưng nền văn minh này cũng đã sụp đổ trong tiến trình của sáu trăm năm tiếp theo. Vào thời của các nhà chinh phục Tây Ban Nha đến trong đầu thế kỷ thứ mười sáu, các đền thờ và cung điện của các địa điểm Maya như Tikal, Palenque, và Calakmul đã lùi xa dần vào rừng, và đã không được tái phát hiện ra cho đến thế kỷ mười chín.

Các thành phố Maya đã chưa bao giờ thống nhất thành một đế chế, mặc dù một số thành phố đã phụ thuộc vào các thành phố khác, và chúng thường có vẻ đã hợp tác, đặc biệt trong chiến tranh. Mối liên kết chính giữa các thành-quốc của vùng, mà năm mươi trong số đó chúng ta có thể nhận ra bởi các nét khắc chìm [glyph] của riêng họ, là, người dân của họ đã nói khoảng ba mươi mốt ngôn ngữ Maya khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Những người Maya đã phát triển một hệ thống chữ viết và có ít nhất mười lăm ngàn câu khắc còn lại mô tả nhiều khía cạnh của đời sống elite, văn hóa, và tôn giáo. Họ cũng đã có một bộ lịch tinh vi để nghi ngày tháng được biết đến như lịch Đếm Dài. Nó đã rất giống với lịch riêng của chúng ta, trong đó nó đếm số năm diễn ra từ một thời điểm cố định và đã được tất cả các thành phố Maya sử dụng. Lịch Đếm Dài bắt đầu vào năm 3.114 TCN, mặc dù chúng ta không biết người Maya đã gắn cho thời điểm này tầm quan trọng gì, mà đi trước rất xa sự nổi lên của bất cứ thứ gì giống với xã hội Maya.

Những người Maya đã là các nhà xây dựng khéo léo những người đã sáng chế ra xi măng một cách độc lập. Các công trình và những câu khắc của họ cung cấp thông tin quan trọng về quỹ đạo của các thành phố Maya, vì họ thường đã ghi các sự kiện được tính niên đại theo lịch Đếm Dài. Ngó ngang qua tất cả các thành phố Maya, các nhà khảo cổ học như thế đã có thể đếm xem có bao nhiêu tòa nhà được hoàn tất trong các năm cá biệt. Vào khoảng năm 500 SCN, có ít công trình được ghi niên đại. Thí dụ, vào năm theo lịch Đếm Dài tương ứng với năm 514 sau công nguyên, đã chỉ có mười công trình được ghi. Sau đó đã có sự tăng đều đặn, đạt hai mươi vào năm 672 SCN, và bốn mươi vào giữa thế kỷ thứ tám. Sau đấy số các công trình được ghi niên đại giảm xuống. Vào thế kỷ thứ chín, nó giảm xuống mười công trình mỗi năm, và vào thế kỷ thứ mười, xuống zero. Những chữ khắc ghi niên đại này cho chúng ta bức tranh rõ ràng về sự mở rộng của các thành phố Maya và sự co lại của chúng sau đó từ cuối thế kỷ thứ tám.

Phân tích này về niên đại có thể được bổ sung bởi việc xem xét danh sách các vua mà người Maya đã ghi lại. Tại thành phố Maya ở Copán, bây giờ ở miền tây Honduras, có một công trình nổi tiếng được biết đến như Án Thờ Q. Án Thờ Q ghi lại tên của tất cả các vua, bắt đầu từ nhà vua sáng lập của triều đại K’inich Yax K’uk’ Mo’ hay “Vua Mặt trời Xanh chim Quetzal vẹt Macaw Đệ nhất”, được đặt tên không chỉ theo mặt trời mà cả theo hai loại chim kỳ lạ của rừng Trung Mỹ mà lông của chúng được người Maya đánh giá rất cao. Vua K’inich Yax K’uk’ Mo’ lên nắm quyền ở Copán vào năm 426 SCN, mà chúng ta biết từ niên đại theo lịch Đếm Dài được ghi trên Án Thờ Q. Ông đã lập ra triều đại mà đã trị vì trong bốn trăm năm. Một số người kế vị của K’inich Yax đã có những tên sinh động ngang thế. Nét khắc chìm của vị vua cai trị thứ mười ba dịch ra là “18 Thỏ”, tiếp sau ông là “Khói Khỉ” và rồi đến “Khói Vỏ Sò”, người chết vào năm 763 SCN. Tên cuối cùng trên án thờ là Vua Yax Pasaj Chan Yoaat, hay “Trời Rạng Sáng Thần Soi Sáng Đệ nhất”, người đã là nhà cai trị thứ mười sáu của dòng dõi này và đã lên ngôi khi Khói Vỏ Sò chết. Sau ông chúng ta biết về chỉ một vị vua nữa, Ukit Took (“Thánh Bảo Trợ Đá Lửa”), từ một mảnh vỡ của một án thờ. Sau Yax Pasaj, các công trình và các chữ khắc đã ngừng lại, và có vẻ rằng triều đại đã bị lật đổ không lâu sau. Ukit Took có lẽ đã thậm chí không phải là người có quyền kế vị thực tế mà chỉ là một người đòi không chính đáng.

Có một cách cuối cùng của việc xem xét bằng chứng này tại Copán, cách được các nhà khảo cổ học AnnCorinne Freter, Nancy Gonlin, và David Webster phát triển. Các nhà nghiên cứu này đã trình bày một cách chi tiết sự thăng trầm của Copán bằng cách xem xét sự trải ra của khu định cư ở Thung lũng Copán trong một thời kỳ dài 850 năm, từ năm 400 SCN đến năm 1250 SCN, sử dụng một kỹ thuật được gọi là thủy hóa đá vỏ chai, mà tính hàm lượng nước của đá vỏ chai vào ngày nó được khai. Một khi được khai, hàm lượng nước giảm theo một tốc độ được biết, cho phép các nhà khảo cổ học tính tuổi của miếng đá vỏ chai được khai từ mỏ. Freter, Gonlin và Webster sau đó đã có khả năng để xác định các miếng đá vỏ chai đã được định tuổi có thể tìm thấy ở đâu trong Thung lũng Copán và lần theo dấu vết xem thành phố đã được mở rộng và sau đó bị co lại như thế nào. Vì có thể đưa ra một sự phỏng đoán hợp lý về số các nhà và công trình trong một vùng cá biệt, có thể ước lượng dân số của thành phố. Trong giai đoạn 400-449 SCN, dân số đã không đáng kể, được ước lượng ở mức khoảng sáu trăm người. Nó đã tăng đều đặn lên đỉnh điểm hai mươi tám ngàn vào thời kỳ 750-799 SCN. Mặc dầu con số này có vẻ không lớn theo các tiêu chuẩn đương thời, nhưng đã là rất đông cho thời kỳ ấy; những con số này hàm ý rằng trong thời kỳ này, Copán đã có dân số lớn hơn London hay Paris. Các thành phố Maya khác, như Tikal và Calakmul, không nghi ngờ gì đã lớn hơn nhiều. Phù hợp với bằng chứng này từ niên đại theo lịch Đếm Dài, năm 800 SCN đã là đỉnh điểm dân số cho Copán. Sau đỉnh này nó bắt đầu rớt, và vào năm 900 SCN nó đã giảm xuống còn khoảng mười lăm ngàn người. Từ đó sự giảm sút vẫn tiếp tục, và vào năm 1200 SCN dân số đã trở lại mức tám trăm năm trước.

Cơ sở cho phát triển kinh tế của Maya Thời Kỳ Cổ Điển đã cũng như cơ sở cho những người Bushong và Natufian: việc tạo ra các thể chế khai thác với mức độ nào đó của sự tập trung hóa nhà nước. Các thể chế này đã có nhiều yếu tố then chốt. Vào khoảng năm 100 SCN, tại thành phố Tikal ở Guatemala, đã nổi lên một loại mới của vương quốc triều đại. Một tầng lớp cai trị dựa trên ajaw (chúa hay nhà cai trị) đã bén rễ với một nhà vua được gọi là k’uhul ajaw (chúa thánh thần) và, dưới ông, một hệ thống thứ bậc của các quý tộc. Chúa thánh thần đã tổ chức xã hội với sự hợp tác của các elite này và cũng liên lạc, hiệp thông với các thần. Trong chừng mực mà chúng ta biết, tập mới này của các thể chế chính trị đã không cho phép bất cứ loại tham gia nào của dân chúng, nhưng nó đã mang lại sự ổn định. K’uhul ajaw thu các đồ cống nạp từ các nông dân và đã tổ chức lao động để xây các công trình vĩ đại, và sự liên kết của các thể chế này đã tạo cơ sở cho một sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ. Nền kinh tế của những người Maya đã dựa trên một sự chuyên môn hóa nghề nghiệp sâu rộng, với các thợ gốm, thợ dệt, thợ mộc lành nghề, và những người làm công cụ và đồ trang trí khéo léo. Họ cũng đã trao đổi đá vỏ chai, da báo, vỏ sò biển, cacao, muối, lông chim giữa họ với nhau và giữa các chính thể trên những khoảng cách xa ở Mexico. Họ có lẽ cũng đã có tiền, và giống những người Aztec, đã sử dụng hạt cacao làm tiền.

Cách, mà theo đó Maya Thời Đại Cổ Điển đã dựa vào việc tạo ra các thể chế chính trị khai thác, là rất giống tình hình của người Bushong, với Yax Ehb’ Xook ở Tikal đóng vai trò giống như vai trò của Vua Shyaam. Các thể chế chính trị mới đã dẫn đến một sự tăng đáng kể về thịnh vượng kinh tế, mà phần lớn của nó sau đó được khai thác bởi elite mới xung quanh k’uhul ajaw. Một khi hệ thống này được củng cố, vào khoảng năm 300 SCN, tuy vậy, đã có ít sự thay đổi thêm về công nghệ. Mặc dù, có bằng chứng nào đó về những kỹ thuật thủy lợi và quản lý nước được cải thiện, công nghệ nông nghiệp đã thô sơ và dường như đã không thay đổi. Kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều theo thời gian, nhưng về tổng thể đã có ít đổi mới.

Đã không có sự phá hủy sáng tạo. Nhưng đã có các hình thức phá hủy khác, vì sự giàu có mà các thể chế khai thác đã tạo ra cho k’uhul ajaw và elite Maya đã dẫn đến chiến tranh liên miên, mà đã trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Chuỗi các xung đột đã được ghi lại trong các dòng chữ khắc Maya, với các nét chìm đặc biệt cho biết rằng một cuộc chiến tranh đã xảy ra vào một thời điểm cá biệt trong lịch Đếm Dài. Hành tinh (sao) Kim đã là thiên thể bảo trợ của chiến tranh, và những người Maya đã coi một số pha của quỹ đạo hành tinh này như đặc biệt thuận lợi cho việc tiến hành chiến tranh. Nét [khắc] chìm biểu thị chiến tranh, được biết như “chiến tranh sao” bởi các nhà khảo cổ học, cho thấy một ngôi sao trút một chất lỏng, mà có thể là nước hay máu, xuống trái đất. Các dòng khắc cũng tiết lộ các hình mẫu liên minh và cạnh tranh. Đã có các cuộc tranh giành quyền lực kéo dài giữa các nhà nước lớn hơn, như Tikal, Calakmul, Copán, và Palenque, và các nhà nước này đã chinh phục các nhà nước nhỏ hơn đưa chúng vào địa vị chư hầu. Bằng chứng cho việc này đến từ các nét chìm đánh dấu những sự lên ngôi vua. Trong thời kỳ này, chúng bắt đầu cho thấy rằng các nhà nước nhỏ hơn bây giờ bị thống trị bởi nhà nước khác, kẻ cai trị từ bên ngoài.

Bản đồ 10 (trang 148) cho thấy các thành phố Maya chính và các hình mẫu khác nhau của mối quan hệ giữa chúng như được các nhà khảo cổ học Nikolai Grube và Simon Martin dựng lại. Các hình mẫu này cho biết rằng mặc dù các thành phố lớn như Calakmul, Dos Pilas, Piedras Negras, và Yaxchilian đã có các mối quan hệ ngoại giao rộng, một số thường bị thống trị bởi một số khác và chúng cũng đã chiến đấu với nhau.

Sự thực áp đảo về sự sụp đổ Maya là, nó trùng với sự lật đổ mô hình chính trị dựa trên k’uhul ajaw. Chúng ta đã thấy ở Copán rằng sau cái chết của Yax Pasaj trong năm 810 SCN đã không có thêm vua nào. Vào khoảng thời gian này các cung điện hoàng gia bị bỏ rơi. Hai mươi dặm về phía bắc Copán, tại thành phố Quiringuá, nhà vua cuối cùng, Trời Ngọc Thạch, đã lên ngôi vua giữa năm 795 và 800 SCN. Công trình kỷ niệm được ghi niên đại cuối cùng là từ 810 SCN theo lịch Đếm Dài, cùng năm mà Yax Pasaj chết. Thành phố bị bỏ rơi ngay sau đó. Khắp khu vực Maya câu chuyện đều giống nhau; các thể chế chính trị mà đã tạo ra bối cảnh cho sự mở rộng buôn bán, nông nghiệp, và dân số đã biến mất. Các triều đình hoàng gia đã không hoạt động, các công trình và các đền đài đã không được tạo ra, và các cung điện bị bỏ trống. Như các thể chế chính trị và xã hội đã làm sáng tỏ, sự đảo ngược quá trình tập trung hóa nhà nước, nền kinh tế đã co lại và dân số giảm xuống.

 

Trong một số trường hợp các trung tâm chính đã sụp đổ do bạo lực lan rộng. Vùng Petexbatun của Guatemala – nơi các đền thờ lớn sau đó bị phá đổ và đá được dùng để xây dựng các tường phòng thủ rộng – cung cấp một thí dụ sinh động. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, nó đã rất giống với cái đã xảy ra trong Đế chế La Mã cổ đại. Muộn hơn, ngay cả ở những địa điểm, như Copán, nơi đã có ít dấu hiệu về bạo lực vào thời gian sụp đổ, nhiều công trình đã bị tẩy xóa hay bị phá hủy. Ở một số nơi elite vẫn còn thậm chí sau việc lật đổ ban đầu của k’uhul ajaw. Tại Copán, có bằng chứng về elite tiếp tục dựng lên các tòa nhà mới trong ít nhất hai trăm năm nữa trước khi chúng cũng đã biến mất. Ở những nơi khác các elite có vẻ đã biến mất cùng lúc khi chúa thánh thần biến mất.

Bằng chứng khảo cổ học hiện có không cho phép chúng ta đi đến một kết luận dứt khoát về vì sao k’uhul ajaw và các elite quanh ông ta bị lật đổ và vì sao các thể chế mà đã tạo ra Maya Thời Kỳ Cổ điển lại sụp đổ. Chúng ta biết việc này đã xảy ra trong bối cảnh chiến tranh gia tăng giữa các thành phố, và có vẻ có khả năng rằng sự chống đối và sự nổi loạn ở bên trong thành phố, có lẽ do phe nhóm elite khác lãnh đạo, đã lật đổ thể chế.

Mặc dù các thể chế khai thác, mà những người Maya tạo ra, đã làm ra của cải đủ để cho thành phố thịnh vượng và elite trở nên giàu có và tạo ra nghệ thuật và các công trình kỷ niệm tuyệt vời, hệ thống đã không ổn định. Các thể chế khai thác mà trên đó elite hẹp này cai trị đã tạo ra sự bất bình đẳng sâu rộng, và như thế tạo ra tiềm năng cho sự đấu đá nội bộ giữa những người có thể hưởng lợi từ của cải được khai thác từ nhân dân. Sự xung đột này cuối cùng đã dẫn đến sự phá hủy nền văn minh Maya.

 

HỎNG CÁI GÌ?

Các thể chế khai thác là rất phổ biến trong lịch sử bởi vì chúng có một logic mạnh mẽ: chúng có thể tạo ra sự thịnh vượng hạn chế nào đó trong khi đồng thời phân phối nó vào tay của một giới elite nhỏ. Để cho sự tăng trưởng này xảy ra, phải có sự tập trung hóa chính trị. Một khi việc này đã xảy ra, nhà nước – hay elite kiểm soát nhà nước – có các khuyến khích để đầu tư và tạo ra của cải, cổ vũ những người khác đầu tư để cho nhà nước có thể khai thác các nguồn lực từ họ, và thậm chí bắt chước một vài trong số các quá trình mà bình thường được khởi động bởi các thể chế kinh tế bao gồm và các thị trường. Trong các nền kinh tế đồn điền ở Caribe, các thể chế khai thác đã có dạng của elite cưỡng bức các nô lệ sản xuất đường. Tại Liên Xô, các thể chế khai thác đã có dạng của Đảng Cộng Sản phân bổ lại các nguồn lực từ nông nghiệp sang công nghiệp và sắp đặt loại nào đó của các khuyến khích cho các nhà quản lý và công nhân. Như chúng ta đã thấy, các khuyến khích như vậy đã bị bản chất của hệ thống làm xói mòn.

Tiềm năng tạo ra tăng trưởng khai thác tạo một lực đẩy cho việc tập trung chính trị và là lý do vì sao Vua Shyaam đã muốn tạo ra Vương quốc Kuba, và chắc cung cấp các lời giải thích vì sao những người Natufian ở Trung Đông đã thiết lập một dạng thô sơ của luật và trật tự, hệ thống thứ bậc, và các thể chế khai thác mà cuối cùng đã dẫn đến Cách mạng đồ Đá Mới. Các quá trình tương tự chắc cũng đã là nòng cốt cho sự nổi lên của các xã hội định cư và sự chuyển đổi sang nông nghiệp ở châu Mỹ, và đã có thể thấy trong nền văn minh tinh vi mà những người Maya đã xây dựng trên nền tảng được sắp đặt bởi các thể chế hết sức khai thác cưỡng bức số đông làm lợi cho số ít các elite.

Tuy vậy, sự tăng trưởng được tạo ra bởi các thể chế khai thác về bản chất là rất khác với sự tăng trưởng được tạo ra dưới các thể chế bao gồm. Quan trọng nhất, nó không bền vững. Do chính bản chất của chúng, các thể chế khai thác không khuyến khích sự phá hủy sáng tạo và tạo ra nhiều nhất chỉ một mức độ hạn chế của tiến bộ công nghệ. Sự tăng trưởng mà chúng tạo ra vì thế kéo dài chỉ lâu dường ấy. Kinh nghiệm Soviet cho một minh họa sống động về giới hạn này. Nước Nga Soviet đã tạo ra sự tăng trưởng nhanh vì nó đã nhanh chóng đuổi kịp một số công nghệ tiên tiến trên thế giới, và các nguồn lực đã được tái phân bổ từ khu vực nông nghiệp hết sức kém hiệu quả sang công nghiệp. Nhưng cuối cùng các khuyến khích trong mọi khu vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp, đã không kích thích sự tiến bộ công nghệ. Việc này đã xảy ra chỉ ở vài ổ nơi các nguồn lực được đổ vào và nơi sự đổi mới được tưởng thưởng mạnh mẽ bởi vì vai trò của nó trong cạnh tranh với phương Tây. Sự tăng trưởng Soviet, dẫu nhanh đến đâu, đã nhất thiết là tương đối ngắn ngủi, và nó đã hụt hơi rồi vào các năm 1970.

Thiếu sự phá hủy sáng tạo và đổi mới không phải là lý do duy nhất vì sao có những giới hạn khắc nghiệt cho sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác. Lịch sử của các thành-quốc Maya minh họa một sự kết thúc đáng ngại hơn và, than ôi, phổ biến hơn, lại do logic nội tại của các thể chế khai thác gây ra. Vì các thể chế này tạo ra những lợi lộc đáng kể cho elite, sẽ có khuyến khích mạnh mẽ đối với những người khác để chiến đấu thay thế elite hiện thời. Sự đấu đá nội bộ và sự bất ổn định, như thế là các đặc điểm vốn có của các thể chế khai thác và chúng không chỉ gây ra thêm những sự kém hiệu quả mà thường cũng đảo ngược bất cứ sự tập trung chính trị nào, đôi khi thậm chí dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của luật và trật tự và sa vào hỗn loạn, như các thành-quốc Maya đã trải qua tiếp sau thành công tương đối của họ trong Thời Kỳ Cổ Điển.

Mặc dù bị hạn chế một cách cố hữu, tăng trưởng dưới các thể chế khai thác tuy vậy có thể tỏ ra ngoạn mục khi nó trong chuyển động. Nhiều người ở Liên Xô, và còn nhiều người hơn ở thế giới phương Tây đã bị kinh sợ bởi sự tăng trưởng Soviet trong các năm 1920, 30, 40, 50, 60, và thậm chí mãi đến các năm 1970, theo cùng cách mà chúng ta bị mê hoặc bởi nhịp độ chóng mặt của sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc hiện nay. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết trong chương 15, Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản là một thí dụ khác về xã hội trải qua sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác và một cách tương tự không chắc sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững trừ phi nó trải qua một sự biến đổi chính trị cơ bản theo hướng các thể chế chính trị bao gồm.

Nguyễn Quang A dịch

Nguồn: Why Nations Fail (THE ORIGINS OF POWER, PROSPERITY, AND POVERTY)

Daron Acemoglu and Jemes A. Robinson

Crown Publishers ● New York

 

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528587

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

2860

Tháng này

215283

Tháng qua

0

Tất cả

114528587