Người xứ Nghệ

Nghệ nhân Ba Duy: Một đời hát dân ca

NGƯỜI nghệ sỹ nghệ nhân ấy đã mù lòa ở tuổi tám mươi. Trong liên hoan tiếng hát gia đình văn hóa Hà Tĩnh lần thứ hai, gia đình ông gồm ba thế hệ: Ông, con trai con gái, con dâu và các cháu cùng tham gia, đã đoạt giải A với số điểm cao nhất hội diễn. Hổ phụ sinh hổ tử rõ là có di truyền, con trai ông, anh Trần Đức Giao cũng cùng cha nhận giải nhất.

Nghệ sĩ ưu tú Đức Duy cùng con cháu biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh 

Ngày tôi gặp nghệ sỹ Đức Duy là một ngày xuân 1959 khi đội tuyên truyền văn nghệ tỉnh về Sơn Thịnh, Sơn Hòa biểu diễn phục vụ. Đức Duy và Đình Chung, Ngọc Tỉnh hồi đó ở tuổi đang xoan, hát rất hay bài tam ca “con kiến mà leo cành đào”. Nếu giọng Đình Chung như chuông đẩu, giọng Ngọc Tỉnh như chuông chùa thì giọng Đức Duy có thể ví với chuông vàng. Ấn tượng bài tam ca còn đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ. Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Đức Duy là như thế!                                                             

Người ta vẫn nghĩ ông là nghệ nhân dân ca thực thụ. Đúng mà chưa chính xác! Ông biết hát dân ca từ nhỏ thật, nhưng sau khi vào đội tuyên truyền văn nghệ tỉnh, sau này là Đoàn Văn công Hà Tĩnh, được đi đây đi đó nhiều, ông học được các nghệ nhân khắp nơi trong tỉnh, học hát giặm ở Thạch Hà, hát ví ở Đức Thọ, Kỳ Anh, học chèo Kiều ở Nghi Xuân v..v… Ông gom nhặt, chắt lọc để cùng với vốn dân ca mang từ Trường Lưu quê ông thành kho dân ca của một nghệ nhân nghệ sỹ, dồi dào ca từ, dạn dày kinh nghiệm, cùng với lối nói chuyện có duyên và giọng hát thiên phú, làm cho ông khi đã lên sân khấu thì ngay từ câu hát đầu đã hút hồn khán giả. Sức hút của ông bắt nguồn từ giọng hát vàng, từ nét mặt đào hoa của một chàng trai đẹp mã cùng với lối diễn xuất mộc mạc, đơn giản mà hàm súc. Ông là một nghệ sỹ “có đầu”. Những lời ông hát ông diễn, những chuyện ông kể đều từ sự lao động miệt mài, suy nghĩ thận trọng và ý thức thật đầy đủ. Hãy nghe ông hát câu phường vải:

 Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở

Anh đến bến đò thì đò đã sang sông

Đến em thì em đã lấy chồng

Em yêu anh như rứa hỏi có mặn nồng lấy chi!

Trong câu hát ví có ba chữ “đã” mà ông đã hát rất khác nhau. Ở câu 1: “hoa kia đã nở” ông hát “đà”, “hoa kia đà nở”, đà nở là vừa nở xong, còn rực rỡ sắc hương, thế mới tiếc! Còn câu thứ 2 “đò đã sang sông” thì ông hát nguyên từ “đã”, là đò rời bến sang bên kia rồi, sự đã rồi không làm sao níu kéo lại được nữa; còn câu thứ 3 “đến em thì em đạ lấy chồng”, một tiếng “đạ”, một tiếng thở dài, một nỗi niềm thất vọng. Ba tiếng “đã”, ba cung bậc, ba tiếng lòng gan ruột! Hỏi có mấy ai mà đào sâu vào câu hát đến thế? Không dễ dãi với tiếng hát lời ca, từ những năm bảy mươi, Đức Duy đã được xem là một “ca sỹ có đầu”.

   Cũng câu ví ấy, ở phần thứ hai, câu đáp của người con gái:

  “Anh đến giàn hoa, hoa đến thì hoa phải nở

 Anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang sông…”

Ông lớn tiếng và phẫn nộ trong hội thảo dân ca Nghệ Tĩnh tổ chức năm 1985 tại Vinh rằng: “Tôi đau xót và tức giận khi hai ca sĩ học trò Xuân Năm và Lệ Thanh đều hát là:

  Đến duyên em thì em phải lấy chồng

  Em yêu anh như rứa có mặn nồng tùy anh.

Ông nói: “Sao lại vô duyên đến thế! Như thế là đến thì thì rồi em không chịu được nữa nên em phải lấy chồng! Còn chi là tình nghĩa nữa!”.

Ông hát rằng:

 Đến duyên em cha mẹ ép em phải lấy chồng

Giừ trách nhau chi lắm cho cực lòng nhau thêm…

Ông bình luận: “Thế mới là đau, mới là tình là nghĩa, dù đã đến duyên rồi nhưng cha mẹ ép đành phải lấy chồng, em cũng cực lòng lắm, anh trách nhau chi cho cực thêm nữa!”.

Ông không được đến trường nhiều như ông muốn. Học xong cấp 1 rồi vì nhà nghèo phải đi hát kiếm ăn, nhưng theo lối dân gian, ông đã học được rất nhiều. Mỗi lần gặp ông, tôi lại được nghe ông hát thêm một câu mới, một điệu mới, ông nói thêm vài điều bổ ích, không lần nào cũ, không bao giờ chán.

     Với câu dặm “Ô lục soạn”, ông hát:

 “…Ung vô xúc một đọi độ

Mụ xúc một mủng khoai

Nấu lên một nồi hai

Nhắc ra trửa cựa nhà ngoài

Hai ung mụ ngồi nhai

Sướng bằng năm ô lục soạn

Đẹp bằng mười ô lục soạn”.

Khi có người chêm vào sau câu “trửa cựa nhà ngoài” hai câu nữa:

  “Ung thì trôốc cúi quá tai

  Mụ thì ngồi chò hỏ xéo khoai”

thì ông rất giận. Ông nói: hình tượng “trôốc cúi quá tai” là của anh nghiện, ngồi gục đầu vào hai đùi, vừa không đẹp, vừa thiếu văn hóa. Còn người vợ ngồi “chò hỏ” thì cực xấu, nhất là phụ nữ ngày xưa mặc váy mà ngồi chò hỏ là rất hớ hênh, hai hình tượng này không nên gắn vào cho hai vợ chồng đang hạnh phúc, đang sướng đang đẹp bằng năm bằng mười ô lục soạn!

Nghệ nhân nghệ sĩ ưu tú Đức Duy không chỉ có giọng hát vàng, dù rằng chỉ thế cũng đáng quý lắm rồi. Ông còn tự soạn những tiết mục, những tổ khúc dân ca để biểu diễn. Ông có tài chắp nối những câu hò, câu ví giặm cổ thành bài gọn gàng cho một tiết mục, khi cần thiết ông cũng có thể lấy nơi này nơi kia, bài này bài kia một vài câu xào xáo thêm thắt cho hợp cảnh hợp tình, theo lối sáng tác rất chi là dân gian mà ông thường gọi quấy quá rằng: “gặp chi hát nấy”, “tiện mô bắt xắp nấy”, miễn là trơn tru, “trơn bọt lọt lạch”! Nhờ giọng hát tuyệt vời người nghe thấy hay, không ai nỡ bắt bẻ ông.

Nghệ sĩ Đức Duy với nhà thơ Xuân Hoài

Đối với đoàn văn công Hà Tĩnh hồi đó, ông chưa phải đã thật già nhưng nhiều anh chị em gọi ông bằng “Ba” và ông cũng tự xưng là “Ba”. Từ đó tên Đức Duy thành Ba Duy, không phải thứ ba như Năm Ngữ, Cả Tam, Sáu Lầu… Nhất là sau khi ông cùng Đoàn Văn công không chuyên khu 4 đi biểu diễn ở Trung Quốc và Triều Tiên về thì cái tên Ba Duy trở thành phổ biến. Tiếng hát của ông theo bước chân ông vang lên trên khắp nẻo đường biểu diễn, trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong nước, ngoài nước, đến với các chiến sĩ phòng không bên mâm pháo, với các trận địa, các đơn vị thanh niên xung phong… Ở đâu, lúc nào ông cũng được mến mộ, được người nghe với thái độ yêu thương. Sau đó vào những năm 1973, 1974, phần vì hoàn cảnh gia đình vợ yếu con đông, phần vì bất đắc ý và bị rẻ rúng, ông xin nghỉ hưu khi mới độ tuổi năm mươi, khi giọng ca đang kỳ xuân sắc, và mãi đến đợt phong nghệ sỹ lần thứ hai, ông mới được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nghĩa là sau các học trò Xuân Năm, Song Thao. Có thể nói cả về cuộc đời lẫn sự nghiệp đều muộn mằn như ông hằng tâm sự, có thể ở ông có điều gì đó không trôi chảy, chưa trọn vẹn nhưng anh chị em trong Đoàn Văn công Hà Tĩnh hồi ấy đến nay vẫn thương ông, trân trọng ông. Sau khi nghỉ hưu, phần vì mưu sinh, phần lại nhớ nghề, ông đi hát khắp nơi, ai mời gọi là ông đến góp tiếng hát cho đời, còn một chút hơi tàn còn hát. Khi mắt bị lòa, mấy lần mổ không thành công thì do lòng tự trọng, ông không mấy khi đi hát nữa. Ông ngại người ta gọi là ông Xẩm. Có lẽ ông cũng biết hát xẩm, nhưng mấy chục năm ở với ông, tôi chỉ nghe ông hát hò ví giặm với chèo Kiều chứ không hát xẩm như cụ Phương, bà Cầu, dù rằng giọng hát của ông không hề thua kém họ. Ông có một mong ước cuối cùng là được ghi một cuốn băng về tiếng hát của mình. Băng ghi hình thì có lẽ hơi khó vì đã hơi muộn, còn băng tiếng thì với những tư liệu đã có, cùng với việc ghi thêm một số bài nữa thì việc làm này trong tầm tay của ngành Văn hóa chúng ta./.

Vĩ thanh:

Đọc bài này của  nhạc sĩ Vi Phong tôi lại nghĩ nhiều về nghệ sĩ Ba Duy - Trần Đức Duy trong một nỗi nhớ da diết và day dứt… Ông Ba Duy đi năm 2000; Ông Vi Phong đi năm 2003. Rồi khi tìm lại được tấm ảnh nhà thơ Xuân Hoài lúc đương thời là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh với nghệ sĩ Ba Duy, tôi lại nhớ về ông, người có công đầu trong việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa ở vùng đất phía Nam Xứ Nghệ 10 năm cuối cùng của thế kỷ trước. Có lẽ, thời của chúng tôi, của chúng ta, ở Hà Tĩnh, ba con người này ở trong tốp đầu có công giữ gìn những điệu ví câu hò của quê hương xứ sở. Số trời không cho, ông Xuân Hoài, năm 2006, cũng theo về với bạn, khi mà cả một chương trình nghiên cứu Núi Hồng đồ sộ của ông chỉ mới bắt đầu.

Tiếc là các ông đã không còn đồng hành cùng chúng ta hôm nay. Và tiếc nhất là các ông đã “đi xa” trong tầm nhận thức, trong hành trang văn hóa của những con người đáng ra phải biết, phải nhớ…

Nhớ là vậy. Tiếc là vậy. Nhưng, những gì các ông đã làm, những gì các ông để lại cũng đủ để làm ấm lòng cho người hôm nay vững bước trên hành trình tìm về với tiếng hát của tiền nhân… (Người biên tập)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529001

Hôm nay

248

Hôm qua

2334

Tuần này

21274

Tháng này

215697

Tháng qua

0

Tất cả

114529001