Từ nhỏ, cô Nhẫn không được học hành. Lúc đi ở, ông chủ có nuôi thầy đồ trong nhà, công việc của cô là hàng ngày phải quét dọn nhà trường, lo trầu thuốc, cơm nước mời thầy. Cô thường chú ý lắng nghe thầy giảng sách cho học trò. Vốn sáng dạ, cô học mót được khá nhiều chữ, nhiều câu, những điển tích trong thi thư, những ý nghĩa trong kinh, truyện.
Đặc biệt, từ rất sớm, cô đã có tài ví, hát. Những chữ nghĩa bòn mót được lúc đi ở, cô đã biết vận dụng một cách tài tình, sáng tạo, nên những câu hát làm các cậu nho cũng phải kinh ngạc và thán phục.
“Giăng giăng nguyệt giọi sân đình
Gió phong phanh thổi, sao linh tinh tàn”.
Giăng = nguyệt; sân = đình; gió = phong; sao = tinh… Nghe câu hát ấy ai dám bảo tác giả là người “vô học”, thất học?... Không chỉ chữ nghĩa, câu hát còn chứa đựng tình cảm làm rung động lòng người.
Tiếng tăm cô Nhẫn không chỉ truyền “nội trong huyện Kỳ Anh” mà lan khắp cả vùng Nghệ Tĩnh.
*
Cô Nhẫn và phường ví, giặm Kỳ Anh đã để lại nhiều câu hát đặc sắc, nhiều giai thoại lý thú.
Thường đêm đi hát với bạn, nhưng ngày thì cô Nhẫn phải làm lụng vất vả. Có lần đi bắt cáy về chỉ được ngang lưng oi cáy mén, cô gặp một bạn trai, anh ta liền hát ghẹo:
“Người ta bắt cáy đầy oi,
Răng em bắt được nạm cáy ròi rứa em?”
Cô Nhẫn ví đáp, đùa lại:
“Lòng thương dạ nhớ thầy nho,
Chân buồn tay rụ, ai bắt cho mà đầy?”
Có lần gặp ba anh cu Biên, cu Hải và cậu Chu, cô Nhẫn liền ví một câu, gọi tên cúng cơm ba chàng nho sĩ, làm cho họ ngớ ra, không đáp lại nổi:
“Gặp đây em hỏi thật anh hào,
Biên, Chu Hải ngoại ngộ ba đào tính răng”.
(“Biên chu hải ngoại ngộ ba đào” có nghĩa là: chiếc thuyền lẻ loi ngoài biển gặp sóng gió).
Phó bảng Kỷ người đen, râu quai nón rậm, có lần bị cô Nhẫn hát chọc:
“Em liếc xem bức tranh sơn thủy tùng đình
Bức tranh nay rạng rỡ, em say tình biết bao!”.
Kỷ cũng ví trêu lại:
“Nước lên nhấn nhẫn bờ rào,
Thuyền người ta sang cả, em cầm trào đợi ai”?
Câu ví có tên Nhẫn, Nhẫn liền ví lại một câu có tên Kỷ:
“Mặc nước lên nhấn nhẫn vào bờ rào,
Em đợi người tri kỷ cầm trào cho em sang”.
Cả Trạch, con ông Nghè Nguyễn Đức Huy làm Tri phủ Triệu Phong, người Thạch Hà vào ở chợ Voi. Lần ấy hát với cô Nhẫn, cô ví hỏi họ tên, quê quán, Trạch đáp lại, vẻ tự hào:
“Bây giờ anh nói với thuyền quyên,
Anh con quan phủ Triệu ở miền chợ Voi”.
Cô Nhẫn liền lấy tích “Mạnh mẫu trạch lân” vặn lại:
“Chữ rằng “Mạnh mẫu trạch lân…”
Cớ chi quan phủ Triệu lại ở gần chợ Voi?”.
Nghe đối, cậu cả không sao trả lời nổi, vì xưa mẹ thầy Mạnh Tử còn biết chọn nơi xóm làng đến ở, cho con nhiễm tính thuần lương, mà quan phủ là một ông Nghè, lại đến ở gần chợ! Cậu bèn về mách với cha. Ông phủ bèn gà cho con một câu để hôm sau hát đáp lại: “Chữ rằng: “Vương thổ vương dân”, nên quan phủ Triệu mới ở gần chợ Voi”. (Vương thổ vương dân” là đâu cũng đất, cũng dân nhà vua).
Còn nhiều những chuyện ví hát giữa cô Nhẫn với cậu Hoán (Phú Dẫn), với đầu huyện Hiến, (Nghi Xuân)… Có anh học trò hỏng thi lại hay nói láo, cô hạ một câu:
“Văn chương mắm lẹp, anh nói dối đàn bàn,
Ba bài kinh nghĩa “liệt” cả ba còn gì!”
Và với Cả Canh - Nguyễn Thức Canh, con quan Sơn phòng sứ Nguyễn Thức Tự ở Đông Chữ, Nghi Lộc vào Kỳ Anh trá hình làm khách ăn chơi để vận động yêu nước, có lần trong buổi hát, đã ví một câu chòng ghẹo:
“Nhất cao là núi Hoành Sơn
Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi”.
“Mặc ướm hở lườn” là nói đàn bà nở ngực, nở vú. Cô Nhẫn vận dụng ý của cô Điểm xưa đáp lại sứ Tàu, mà ví:
“Chữ rằng nhân kiệt địa linh,
Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh anh tài”.
Hai câu trên không phải mới đặt, nhưng được vận dụng sáng tạo trong trường hợp đó.
Lúc đã cao tuổi, cô Nhẫn - người ta quen gọi bằng cô - không đi hát nữa, nhưng vẫn thường có mặt trong các cuộc hát ví, và “gà” cho các cô con gái, các cậu con trai những câu đáp thông thái, những câu đố làm đối phương không gỡ nổi.
Có lần cô Thuyn ở Mỹ Lũ ví trách con trai bỏ cuộc hát:
“Đôi ta tình trúc nghĩa mai,
Ai ngờ Lưu, Nguyễn bỏ Thiên thai ra về”.
Các cậu lúng túng phải viện đến tài cô Nhẫn mới đáp lại được:
“Đôi ta tình nghĩa ái ân
Chốn Thiên thai mà bỏ, bởi bụi hồng trần còn mang”.
Lại có lần o Loan ở Xuân Sơn đố đám con trai:
"Biết lấy chi mà trả công ơn cho thầy mẹ hội giừ,
Miệng mẹ nhai bông ngọc, tay cốt ngư mẹ lần”.
Cô Nhẫn vận dụng chuyện “Nhị thập tứ hiếu”, “gà” đáp lại:
“Anh về anh mang lốt giả băng sơn
Tìm con hươu non vắt sữa, trả công ơn mẹ già”.
Cô Nhẫn mất năm 1958, thọ 73 tuổi. Nhưng với mọi người thì cô vẫn mãi mãi trẻ trung với tài năng xuất chúng của một nghệ nhân dân gian. Cô Nhẫn không chỉ làm cho tên tuổi của mình sống mãi, mà nhờ cô, các bạn hát của cô, trong đó có các nho sĩ, trí thức như đầu huyện Hiến, Cả Trạch, Cả Canh, Phó bảng Kỷ… cũng được lưu danh thiên cổ.