Tôi cứ nghĩ điều đó là đương nhiên sau một ca phẫu thuật nặng như thế. Nhẩn nha một lúc, ông bảo tôi: “Anh sắp 90 tuổi. Lần sinh nhật này anh giao cho cô tổ chức”. Tôi mau mắn nhận lời, bởi Trung tâm Minh triết, nơi tôi tham gia và ông cũng là một trong những người hưởng ứng tích cực từ thời mới thành lập, cũng đã có ý định ấy từ năm ông 85 tuổi. Tôi có ý định sẽ đề nghị Trung tâm tiến hành Tiệc mừng thọ sớm hơn cái mốc 90. Dường như ông hiểu “cái tài” tổ chức của tôi nên đề ra yêu cầu gọn nhẹ: buổi gặp mặt không đông, gồm những người thân thiết, nhưng điều quan trọng là “cô phải làm một bài thơ chữ Hán mừng thọ anh, bằng chữ nghĩa của cô, không được tập cổ”. Chuyện thơ phú này quả quá khó đối với tôi, nhưng tôi không dám thoái thác, nghĩ mình cũng còn thời gian, và ông đâu dễ chịu thua bệnh tật. Vậy mà mới thoáng có ít hôm, tôi còn chưa kịp đến thăm sức khỏe ông lần nữa. Nghe tin về ông, tôi có cảm giác trong ngành Nghiên cứu cổ học Việt Nam, một cây cổ thụ đã ngã xuống. Với tôi, ông đúng là một cây cổ thụ về tuổi tác và về thâm niên của rất nhiều lĩnh vực.
Tôi nhớ rất rõ rằng khi tôi đang còn ôm chiếc bàn xếp, xách theo chiếc đèn chai, đêm đêm đến trường Nguyễn Thượng Hiền theo học chương trình năm đầu cấp II thì ông đã là một thày giáo lão luyện trong nghề. Học sinh vùng kháng chiến Yên Định, Thanh Hóa đã truyền nhau câu ca về giờ giảng văn của ông: “Nghe tin thày Khánh giảng Kiều, Dù cho mưa sớm dông chiều cũng đi”(2). (Đó là một lời tôn vinh có thể còn hơn rất nhiều những danh hiệu chính thức khác! Thật hiếm có một người thày dạy văn dành được vinh dự ấy). Khi tôi đã học xong chương trình Đại học Hán học, bắt đầu những cuộc điền dã, khai thác văn bản... để đi vào nghiên cứu thì ông cũng đã có nhiều công trình xuất bản, đã là cán bộ trụ cột của ngành Văn hóa tỉnh Thanh. Sau đó, nhiều lần về làm việc với Ty Văn hóa Thanh Hóa, với các huyện, tôi được biết ông và những công trình của ông. Tuy nhiên tôi thực sự được làm việc với ông hoặc mời ông cùng cộng tác trong nhiều chương trình nghiên cứu là từ khi ông chuyển ra Hà Nội, công tác ở Viện Văn hóa dân gian. Nhưng dù nghiên cứu văn hóa dân gian nhưng ông lại rất gần gũi và am hiểu văn học cổ cận đại Việt Nam. Qua những lần cộng tác và cùng ông tham gia các hội thảo khoa học, tôi đã thực sự quý trọng và thán phục ông ở vốn kiến thức đa diện, sức cường ký và đặc biệt là sức viết. Và dường như càng về những năm cuối đời sức viết của ông càng mạnh, hầu như bình quân năm nào ông cũng có sách xuất bản. Thể loại trước tác đa dạng, sách nghiên cứu thì có sưu tầm, khảo cứu, chuyên đề chuyên luận, địa chí, bút kí và khảo cứu các bộ môn thuộc về văn hóa dân gian, như diễn xướng (tuồng, chèo, ca múa, hát ả đào, hò vè, trò diễn...), tín ngưỡng, phong tục...; sáng tác thì kiêm cả các thể loại cổ kim. Về cổ có thơ, phú, văn tế, câu đối, có tác phẩm hiện được dùng chính thức trong lễ hội hàng năm, như bài văn tế Thánh mẫu đền Hải Khẩu, Kỳ Anh...; về hiện đại thì có tự truyện, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết lịch sử, hồi ký... Tài liệu ông khai thác, tiếng Pháp có, tiếng Anh cũng có, chữ Hán có, sách báo được in trước Cách mạng Tháng Tám, trong thời kháng chiến càng nhiều, đặc biệt những tư liệu điền dã, tư liệu thu thập trong dân gian thì rất phong phú, dẫn liệu Đông Tây kim cổ mà cứ như “lấy ra từ trong túi”. Thành tựu nghiên cứu hơn bốn chục năm (từ 1970 đến nay), với khoảng sáu chục đầu sách in riêng, hơn trăm đầu sách chủ biên và cũng khoảng chừng ấy sách có bài tham gia, đã công bố(3), có lẽ là một kết quả ít người có được. Đương nhiên trong thành tựu nghiên cứu, số lượng chưa phải là tất cả. Tôi và một vài đồng nghiệp thường cũng căn vặn ông về nguyên ủy, văn bản, chứng lý một số vấn đề ông phát hiện, công bố. Ông chỉ lắng nghe, có khi giải đáp, có khi không, nhưng sẵn sàng ghi nhận. Có khi ông tỏ vẻ dễ dàng nhưng thực ra đầy thách thức: “Thì anh chờ sự phát hiện của các cô các cậu”. Nghĩ lại tôi thấy cũng chưa hẳn là ông không có lý, bởi muốn chứng minh một vấn đề khoa học, ngoài trực cảm ban đầu, quá trình tìm tòi tiếp theo không phải ít gian nan. Và với tuổi tác như ông, có những điều chỉ cần là ý kiến khơi gợi cũng đã rất đáng quý. Ví như vấn đề Đạo thánh Việt Nam, vấn đề Minh triết Hồ Chí Minh, quả là ông đã đề xuất những hướng đi có triển vọng. Vấn đề Minh triết Hồ Chí Minh hiện đang được Trung tâm Minh triết tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi phát triển, và cũng đã thu được những thành tựu... Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cũng thường vui vẻ bảo tôi: “Nhiều điều anh viết không giống mọi người, anh hiểu khác mọi người. Anh có cảm giác ngày nay người ta thích viết khó những điều dễ. Không tin cô đọc mà xem”. Tôi thường tranh luận lại, cho rằng đặt vấn đề trên bình diện lý luận thì không dễ hiểu nhưng tính thuyết phục lại cao hơn, ông chỉ cười. Thực ra đó là quan niệm và phương pháp luận của ông, và mỗi người trong nghiên cứu cũng có cách, có cái tạng riêng. Nhưng nói vậy chứ chưa hẳn ông không để tâm đến những vấn đề có tính lý luận, chẳng hạn một Dẫn luận về Folklore, Dẫn luận trong Địa chí Thanh Hóa, Tập II, về “Văn hóa xã hội”..., trong đó ông đặt ra nhiều vấn đề mang tính lý luận và phương pháp luận. Riêng về Địa chí tôi đã được đọc một vài cuốn, nhưng lời Dẫn luận này của ông đúng là vừa có tầm lý luận vừa có minh chứng thực tiễn và nhờ vậy cuốn sách đạt được chất lượng đáng nể; có thể xếp bộ Địa chí Thanh Hóa vào loại sách Địa chí viết có bài bản. Ông cũng là người rất thích tìm tòi những vấn đề mới, những tác giả còn ít được biết đến, như Mai Am, Nhữ Bá Sĩ, Đào Duy Từ, Phan Kính, Đạo Mẫu và Mẫu Liễu Hạnh...; Quyển truyện lịch sử Ba trăm năm lẻ và Sào Nam thiên cổ sự gửi gắm những lý giải riêng, khá độc đáo của ông về Nguyễn Du và Phan Bội Châu, còn tập hồi ký Cửa riêng không khép lại không hoàn toàn là chuyện của riêng ông mà phải nói đó là chuyện của một thời... Tôi chưa có dịp đọc hết tác phẩm của ông, cũng không dám nghĩ đến việc bình giá những thành quả lao động sáng tạo của ông mà chỉ ghi lại một vài cảm nghĩ, nhận thức qua một số tác phẩm của ông ngẫu nhiên được đọc, hoặc cùng ông tham gia một số công trình nào đó, chắc chắn không khỏi phiến diện, nhưng đó là những ý nghĩ chân thành.
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh có rất nhiều bạn, già cũng như trẻ, trong giới nghiên cứu cũng như giáo giới và các giới khác. Các đồng nghiệp gọi ông bằng đủ các danh xưng: thày, ba, bác, ông, anh, cụ,... ông đều chấp nhận rất vui vẻ, thân tình. Ông có nhiều bạn thân, cũng có những người không thân, nhưng trong quan sát của tôi thì ít ai giận ông. Có lẽ cũng bởi vì ông rất dân chủ, bình đẳng và cởi mở trong quan hệ, dường như cũng không giận ai, không bao giờ có ý “gia trưởng”, hoặc áp đặt bằng mệnh lệnh người phụ trách, thế nhưng các công trình ông chủ biên đều được tiến hành trôi chảy, vui vẻ và bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ thời gian. Đó cũng là cái tài đặc biệt về tổ chức và điều hành công việc của riêng ông. Ngày tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, tôi nghe nhiều đồng nghiệp nói: “Quả thật ông đã để lại một khoảng trống không dễ gì thay thế!”. Riêng đối với gia đình tôi, ông vừa là bậc trưởng lão, lại như một người anh, thân tình. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu được mấy năm, chúng tôi sửa nhà cưới vợ cho con trai út. Nhà sửa xong, ông đến chơi, ưu ái tặng cho đôi câu đối và bảo “cho mỗi người một vế”:
Tứ bích đồ thư cung thưởng nội;
Ngũ châu phong vũ tiếu đàm trung.
(Bốn vách đồ thư vui thưởng ngoạn;
Năm châu mưa gió nói cười ran).
Vế một của câu đối, “nhà tôi” đã xin phép ông đổi lại hai chữ. Nguyên câu ông cho là Tứ khố thi
nhưng “bốn kho thi thư” thì to lớn quá “ông xã” e là tôi đâu có đủ tầm đủ sức. Ông cười bảo: “Tùy chú, nhưng kho của nhà thôi mà!” Kể ra thì cả vế hai của câu đối, ông cũng quá khen, nhưng đúng là ông đã “bắt” được “cái thần” của hai chúng tôi. Đó cũng là điều hy hữu trong bạn bè, chúng tôi rất cảm ơn ông. Mới cách đây ít lâu ông đến chơi, “nhà tôi” đã nói với ông: “Thế nào em cũng sẽ viết đôi câu đối của anh cho để treo”. Giá như ông kịp nhìn thấy chữ nghĩa của mình thì cũng là một niềm vui.
Ông đã đi xa, Trung tâm Minh triết chưa kịp có chén rượu mừng thọ ông, tôi ân hận không còn dịp hoàn thành lời hứa tặng ông bài thơ mừng thọ dù hay dở thế nào, đành xin được viết mấy câu tiễn biệt ông:
Bát thập dư niên diệc lữ hành,
Nghiệp sư gia đạo dĩ viên thành.
Văn chương chính sự đa minh triết,
Cử bộ tiên hương nhất mộng thanh.
(Tám chục năm dư, cuộc lữ hành,
Trị nhà, hướng đạo đã tròn vành.
Văn chương chính sự nhiều minh triết,
Trở gót làng tiên, giấc mộng thanh).
Lòng thành, mong được ông chứng giám.
---------------------------
(1). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Khánh có chức danh chính thức được phong là “Phó giáo sư”, ở bài này tôi xin được gọi ông là Giáo sư theo nghĩa dân gian: một nhà giáo bậc thày.
(2). Câu thơ này Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Khải, một thày dạy toán có uy tín của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng hay làm thơ và có thơ hay, đọc cho tôi nghe và kể chính ông đã từng là một “fan” đội “mưa sớm dông chiều” đến nghe lén những giờ giảng Kiều của thày Khánh.
(3). Con số này theo thống kê của tác giả Đặng Minh Phương.