Người xứ Nghệ

Hoàng hậu nhà Trần - Chủ các đồn điền ở Hà Tĩnh đầu TK XV

Chùa Am (Diên Quang tự),

nơi tu hành của Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con và cháu

TRONG một chuyến du sơn kinh lý tại phía nam vùng Đỗ Gia (nay là huyện Hương Khê), nhà vua đang ngự trên thuyền rồng cùng đoàn tùy tùng ngược dòng sông bỗng trên bờ một cô gái cất lên câu hát:

                                    Chàng thì thuyền rộng nghênh ngang

                                     Thiếp dùng bán nguyệt sẻ san cõi bờ.

Nghe câu hát và nhìn thấy dung nhan người đẹp, nhà vua động lòng cho tuyển vào cung làm Á phi. Thấy người con gái có tên Ngọc Hào nhan sắc tuyệt vời lại thêm tài “phun châu nhả ngọc”, vua Trần Duệ Tông (1372-1377) phong làm Hoàng hậu. Nhà vua và bà Ngọc Hào sinh được một con gái là công chúa Trần Thị Ngọc Hiên (hiệu Huy Chân). Bà Trần Thị Ngọc Hào là con ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê (gia đình gốc ở Thiên Trường, Nam Định).

Năm 1377, trong chuyến nam chinh, không may vua bị tử trận tại thành Đồ Bàn (Bình Định)(1). Trong những năm cuối thế kỷ XIV, Quốc gia suy yếu, triều đình rối loạn. Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lòng dân ly tán, quân Minh kéo quân sang xâm chiếm nước Đại Việt. Trong cảnh loạn ly nhiễu nhương, bà đưa công chúa và cung nhân tôi tớ 572 người giả cách ăn mặc theo lối người tu hành, bỏ kinh thành trở về quê quán. Cùng đi với bà có hai viên cận thần là Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính.

Sau 50 ngày trèo non, lội suối, ngày đi đêm nghỉ, ăn rau, uống suối, đoàn người về đến quê, nhưng cung nhân tôi tớ đã tản mất nhiều, chỉ còn lại 172 người. Họ ở lại dọc núi Cóc và núi Trà Hạt (Đức Thọ). Bà nhìn thấy vùng này dân cư còn thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, liền tìm cách chiêu mộ dân nghèo cùng nhau đến khai phá rừng núi, lập làng, lập xóm. Hơn 3.000 người đáp lại lời kêu gọi của bà, ra sức chặt cây, phá rú, đốt cỏ, làm nương rẫy ruộng vườn, xây dựng nhà cửa, tụ họp thành xóm làng. Bà và gia nhân ra sức tổ chức, sắp xếp công việc quy củ, hướng dẫn dân nghèo khai khẩn đất đai. Sau mấy năm một trang trại rộng lớn được mở mang trên từ Lâm Thao, Hòa Duyệt (Hương Khê), Thượng Bồng, Hạ Bồng (Hương Sơn), nay là huyện Vũ Quang; giữa đến Lạng Quang, Du Đồng, Đồng Công và dọc dãy núi Trà Sơn thuộc huyện Đức Thọ. Nhân dân các vùng này khai phá được gần 4.000 mẫu ruộng đất, sản xuất theo phương thức đồn điền, vừa sản xuất nông nghiệp vừa quan tâm đến trao đổi, buôn bán.

Với số ruộng đất khai phá được và số dân đông đúc hơn, bà chia ra làm bốn xóm gọi là bốn “điếm” gồm Lai Sơn, Ngụ Khê, Hằng Nga và Tùng Chinh. Bà có hai cung nữ tận tụy và hai trung thần là Nguyễn Thời Kính và Trần Quốc Trung. Bà đem nàng Kỵ gả cho ông Kính và nàng Phạm gả cho ông Trung và bà lấy tên hai cặp vợ chồng ấy đặt tên cho hai điếm mới lập ra. Một điếm gọi là Kính Kỵ (nay thuộc xã Đức Long), một điếm gọi là Trung Phạm (nay là xã Đức Lập, huyện Đức Thọ).

Thời bấy giờ giặc Minh canh phòng rất nghiêm ngặt, nhưng vì trang trại của bà ở chỗ núi non xa vắng nên trong nhiều năm tháng chúng vẫn không hề hay biết đến. Hai mẹ con bà sống trong cảnh điền viên giữa chốn núi rừng hoang vu, chung vui, hòa hợp với cuộc sống của những người lao động. Trong đó có nhiều người là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà đang dần dần quên lãng cuộc đời cung điện vàng son xưa thì một việc tình cờ xảy đến, khiến họ gặp gỡ và có dịp làm nên công trạng vẻ vang.

Năm Đinh Dậu (1417), ở đất Lam Sơn, Lê Lợi tập hợp nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh, giải phóng quê hương đất nước. Nghĩa quân Lam Sơn đã từng chiến đấu với quân Minh mạnh hơn mình nhiều lần. Thời gian này nghĩa quân Lam Sơn trải qua những thời kỳ gian khổ nhất, thiếu thốn lương thực, quân trang, quân dụng, phải rút lên vùng rừng núi biên giới Việt – Lào để bảo toàn lực lượng rồi chuyển vào Nghệ - Tĩnh để phát triển thêm lực lượng. Năm Bính Ngọ (1426), nghĩa quân đánh vào Nghệ An. Lê Lợi sai một tướng giỏi là Bùi Bị đem quân đánh úp lỵ sở giặc Minh ở Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh). Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi vùng này, ông tiến sâu vào vùng rừng núi và vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy giữa chốn rừng sâu, núi thẳm bày ra cảnh đồng ruộng tươi tốt, nhà cửa đông đúc và hai nữ chủ nhân yêu kiều như giai nhân nơi chốn kinh đô hoa lệ. Hỏi rõ sự tình, ông Bùi Bị về tâu chuyện với Lê Lợi vào thời gian nghĩa quân về đóng quân ở núi Yên Mã, xây thành Lục Niên, nơi tiếp giáp giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Tướng công Bùi Bị nhân dịp này đưa bà Trần Thị Ngọc Hào và con gái Huy Chân đến gặp Lê Lợi. Trong cuộc gặp gỡ này, bà Ngọc Hào hiến dâng tất cả lương thực, khí giới, tiền bạc bà đã sản xuất và tích lũy được trong nhiều năm cho nghĩa quân, sai hai viên quan cận thần của triều Trần trước đây là Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính theo nghĩa quân giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. Thấy công chúa Huy Chân có vẻ đẹp thùy mỵ, đoan trang, tài giỏi, Lê Lợi lấy làm Cung phi và sai lập cung điện Phượng Hoàng ở làng Kính Kỵ và điện Ngũ Long ở làng Hòa Yên làm nơi ở cho bà.

Bà Trần Thị Ngọc Hào còn chuyển một số trang trại vừa khai phá được cho nghĩa quân làm đồn điền trồng trọt, tích lũy lương thực phục vụ kháng chiến lâu dài. Nhờ có đủ lương thực, thực phẩm, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, đủ sức giải phóng toàn bộ đất Nghệ - Tĩnh năm 1426, mở rộng địa bàn hoạt động, tiến ra Đông Đô đánh thắng nhiều trận trong các năm 1426 và 1427, cuối cùng đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Công chúa Huy Chân – Vương phi của Lê Lợi sinh hạ được một người con gái tên là Ngọc Châu, phong tước là Trang Từ công chúa. Sau khi nhà vua băng hà (1433), năm 1435 Huy Chân xin về quê tu hành với mẹ ở chùa Am.

Trang Từ công chúa được vua gả cho Minh Quận công Bùi Ban-con trai Mậu Quận công Bùi Bị. Về sau Bùi Ban đi đánh giặc Chiêm Thành bị thương nặng và mất ở xứ Truông Bụt, làng Thổ Hoàng (huyện Hương Khê) và được lập đền thờ ở đó.

Hết tang chồng, công chúa Trang Từ giao sơn trại Bùi Ban cho hai con nuôi là Bùi Văn Khánh và Bùi Thị Hoàng để lấy Khôi Quận công Trần Hồng ở làng Đồng Lạc (phủ Đức Thọ). Năm năm sau Trần Hồng chết, bà không có con, xin về tu hành cùng mẹ và bà ở chùa Am. Ba người cùng tu hành trong 20 năm, được nhân dân trong vùng yêu quý, kính trọng.

Bà Ngọc Hào và bà Huy Chân mất vào thời Hồng Đức (1440-1447). Bà Trang Từ mất vào thời vua Lê Hiến Tông (1498-1503). Để ghi nhận công đức của bà, các đời vua Lê đã đúc tượng bà bằng đồng, thờ tại chùa Am (hiện nay chùa Am đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa).

Ngày nay, trên sườn  Am Sơn có một ngôi chùa cổ kính, nơi gần 600 năm trước, một bậc kỳ nữ bỏ công sức khai phá vùng rừng núi âm u, xây dựng thành làng xóm trù phú, đồng ruộng tốt tươi, một vùng trù phú bao la, một cánh đồng phì nhiêu cho Hà Tĩnh./.

_____________

(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, 1993, tập II, tr. 161.

 

Tài liệu tham khảo

 

- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, 1993, tập II.

- Tạp chí Tri tân số 56 (26-7-1942) và số 70 (3-11-1942).

- Nhan cảo chùa Am. Báo Nam Phong số 138 (1929).

- Tìm hiểu Di tích Lịch sử chùa Am. Tài liệu tự in của Ban Quản lý Di tích.

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529038

Hôm nay

285

Hôm qua

2334

Tuần này

21311

Tháng này

215734

Tháng qua

0

Tất cả

114529038