Đất Nghệ

Những lưỡi kiếm độc đáo phát hiện ở Làng Vạc

 NHỮNG cuộc khai quật trước đây ở di tích Làng Vạc thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An đã cho chúng ta biết một bộ sưu tập đồ đồng vô cùng phong phú độc đáo mà tiêu biểu là những lưỡi dao găm cán tượng động vật sinh động như hai con hổ nâng một con voi bằng hai chân trước hay hai con rắn xoắn xuýt với nhau đỡ một con voi, trên lưng voi có bành. Có thể nói đây là những lưỡi dao găm độc nhất vô nhị.

Gần đây một số nhà sưu tập cổ vật ở Hà Nội thu thập được một số lưỡi kiếm cũng rất độc đáo, được biết là có xuất xứ từ Làng Vạc. Tuy chỉ có vài chiếc nhỏ nhắn, nhưng sự có mặt của những lưỡi kiếm này ở đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc. Do đó, tôi muốn giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Cho đến nay tôi đã tiếp xúc được 4 chiếc có kiểu dáng khá giống nhau, trong đó 1 chiếc là cán đồng lưỡi đồng, 3 chiếc còn lại là cán đồng lưỡi sắt. Dưới đây xin giới thiệu kiểu dáng cùng kích thước những lưỡi kiếm đó.

- Kiếm thứ 1: Thuộc loại kiếm cán đồng lưỡi đồng. Kiếm có lưỡi dài, cán tròn hình trụ, chắn tay ngang rộng, đốc cán dẹt đúc thủng những đường cong như những cánh hoa trong một đường cong tạo dáng hình thuyền. Lưỡi có sống dọc chạy dài từ cán đến mũi nhọn, mặt cắt ngang lưỡi hình thoi dẹt. Kiếm có màu xanh xám.Toàn bộ kiếm dài 81cm, lưỡi dài 66,5cm, rộng 3,4cm, cán 10cm, rộng 2 - 2,8cm, đốc rộng 8cm, dài 4cm, chắn tay ngang rộng 7cm.

- Kiếm thứ 2: Thuộc loại kiếm cán đồng lưỡi sắt. Kiếm có lưỡi thon dài, mũi tương đối nhọn, giữa dày mỏng dần về hai bên. Cán tròn hình trụ, trên có 3 đường gờ tròn nổi vòng quanh cán và hoa văn kỷ hà, chắn tay ngang rộng. Đốc cán dẹt giống chiếc kiếm trên, cũng đúc thủng những đường cong như những cánh hoa trong một đường cong tạo dáng hình thuyền. Toàn bộ kiếm dài 74cm, lưỡi dài 60cm, rộng 3,5cm, cán dài 10cm, rộng 2,5cm, đốc dài 4cm, rộng 7,5cm, chắn tay ngang rộng 6cm.

- Kiếm thứ 3: Thuộc loại kiếm cán đồng lưỡi sắt, có kiểu dáng và trang trí giống như kiếm thứ 2 nhưng kích thước ngắn hơn chút ít. Toàn bộ kiếm dài 63cm, lưỡi dài 51cm, rộng 3cm, cán dài 9cm, rộng 2,5cm, đốc dài 3cm, rộng 7,5cm, chắn tay ngang rộng 7,5cm.

- Kiếm thứ 4: Thuộc loại kiếm cán đồng lưỡi sắt. Chiếc kiếm này có lưỡi rất ngắn, lưỡi và cán có độ dài gần bằng nhau. Cán tròn hình trụ, trên cán có 2 gờ tròn nổi vòng quanh cán và văn hình kỷ hà, lưỡi sắt giữa dày mỏng dần về hai bên, mặt cắt ngang gần hình bầu dục dẹt mũi nhọn, chắn tay ngang rộng. Đốc cán có kiểu dáng gần giống các kiếm trên, cũng được đúc thủng những đường cong như những cánh hoa trong một đường cong tạo dáng hình thuyền. Toàn bộ kiếm dài 24cm, lưỡi dài 11,5cm, rộng 2cm, cán dài 9,5cm, rộng 2,5cm, đốc dài 3cm, rộng 8cm, chắn tay ngang rộng 8cm.

Đáng chú ý là trong những cuộc khai quật trước đây ở Làng Vạc chúng ta chưa phát hiện được loại kiếm độc đáo này. Là những người làm công tác khảo cổ, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về sự có mặt của loại kiếm này trong một di tích văn hóa Đông Sơn trên vùng đất đỏ trung du này.

Thật tình cờ, song cũng thật là may mắn, gần đây chúng tôi được biết trên vùng Bá Thước thuộc vùng núi tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện được một số loại kiếm giống như thế này. Chúng tôi có may mắn tiếp xúc được 2 chiếc kiếm loại này trong một sưu tập tư nhân ở Thanh Hóa có kiểu dáng và kích thước cũng gần giống với những lưỡi kiếm trên. Cả hai chiếc kiếm này đều thuộc loại kiếm cán đồng lưỡi đồng. Chúng đều có cán tròn hình trụ, trên cán cũng có các vòng gờ nổi vòng quanh cán và hoa văn kỷ hà. Lưỡi thon dài, hai mặt có sống nổi chạy dài từ cán tới mũi, mặt cắt ngang lưỡi gần hình thoi dẹt, mũi nhọn sắc. Chắn tay ngang rộng. Đốc cán dẹt, đúc thủng những đường cong như những cánh hoa trong một đường cong tạo dáng hình thuyền. Một chiếc dài 80cm, lưỡi dài 65cm, rộng 3cm, chắn tay ngang rộng 7cm, cán dài 11cm, rộng 3cm, đốc dài 4cm, rộng 7cm. Chiếc kia dài 65cm, lưỡi dài 50cm, rộng 2,7cm, cán dài 11cm, rộng 3cm, đốc dài 4cm, rộng 8cm, chắn tay ngang rộng 7cm. Rất tiếc là do công việc làm ăn, nhà sưu tập không cho biết địa danh cụ thể nơi phát hiện, mà chỉ nói là chúng có xuất xứ từ huyện Bá Thước.

Như vậy là cho đến nay, loại kiếm độc đáo này trên đất nước ta chỉ phát hiện được ở 2 địa điểm là Làng Vạc và một nơi nào đó trên vùng núi Bá Thước và chúng là một sản phẩm của văn hóa Đông Sơn.

Trước đây khi phát hiện được loại dao găm có cán là tượng các loại động vật như rắn, hổ, voi trong di tích Làng Vạc nhiều nhà nghiên cứu nước ta cho là có quan hệ với văn hóa Điền trên đất Vân Nam Trung Quốc. Nay với sự xuất hiện của loại kiếm độc đáo này, một số trong chúng tôi đã suy nghĩ đến tìm mối quan hệ của chúng trong các văn hóa đồng thau trên đất Hoa Nam.

Lại một may mắn nữa đến với chúng tôi. Số là nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Dũng trong tạp chí Khảo cổ số 9 năm 2010 trong bài “Bước đầu bàn về văn hóa Khả Lạc” trong lúc giới thiệu về văn hóa Khả Lạc đã giới thiệu những lưỡi kiếm có kiểu dáng giống như loại kiếm phát hiện ở Làng Vạc này và cho rằng loại kiếm này chưa phát hiện được trong bất cứ một văn hóa nào ở Trung Quốc mà xác nhận chúng là một sản phẩm đặc trưng cho một văn hóa mới: văn hóa Khả Lạc.

Như vậy là loại kiếm độc đáo ở Làng Vạc đã tìm được đồng loại trên đất Hoa Nam như trong chúng tôi đã có người nghĩ đến. Đây là một phát hiện quan trọng gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, do đó tôi muốn giới thiệu kỹ hơn một tí về văn hóa Khả Lạc để chúng ta cùng tham khảo.

Di tích Khả Lạc thuộc huyện Hách Chương tỉnh Quý Châu Trung Quốc giáp tỉnh Tứ Xuyên với văn hóa Ba Thục nổi tiếng. Văn hóa Khả Lạc, phát hiện được chưa nhiều, chủ yếu là di tích Khả Lạc.

Di tích Khả Lạc đã qua 2 mùa khai quật quy mô khá lớn. Mùa khai quật 1976 - 1978 phát hiện 207 mộ, trong đó có 39 mộ kiểu Hán, 168 mộ cư dân bản địa; mùa khai quật năm 2000 phát hiện 111 mộ, trong đó 3 mộ kiểu Hán, 108 mộ cư dân bản địa. Như vậy qua 2 mùa khai quật tại Khả Lạc đã phát hiện 42 mộ kiểu Hán và 276 mộ cư dân bản địa. Mộ cư dân bản địa có niên đại thời Chiến Quốc - Tây Hán.

Mộ bản địa chủ yếu là mộ huyệt đất, kích thước tương đối nhỏ, mộ chôn nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Mộ có nhiều kiểu chôn khác nhau, nhưng đặc trưng hơn cả là kiểu chôn “sáo đầu táng”, nghĩa là mộ chôn bao đầu, tức là đầu được đặt trong nồi đồng, nồi sắt hoặc trống đồng. Có khi đầu và chân còn được kê trên chậu rửa bằng đồng, chậu rửa có khi còn dùng để che mặt. Theo bài báo thì ở Trung Quốc chưa nơi nào phát hiện được kiểu chôn này.

Mộ bản địa phát hiện được nhiều đồ đồng, điển hình có kiếm đồng kiểu lá liễu có phong cách văn hóa Ba Thục; kiếm lá liễu đốc đúc thủng các đường cong tạo dáng hình thuyền và kiếm cùng loại này song lưới bằng sắt; qua không có cán, chuôi thẳng, lưỡi thẳng mảnh hoặc hình tam giác, trên lưỡi và chuôi có trang trí đồ án người dắt tay nhau. Đáng chú ý là trong một mộ ở đây đã phát hiện được 1 chiếc trống đồng kiểu Thạch Trại Sơn, tức là trống đồng có 3 phần tang thân và chân cân đối, trang trí văn mặt trời nhiều tia, văn kỷ hà, văn vòng tròn có tâm, văn vòng tròn tiếp tuyến, văn người hóa trang lông chim và đặc biệt là văn chèo thuyền, văn đua thuyền, v.v... Cho đến nay, đây là chiếc trống đồng Hê gơ loại I duy nhất phát hiện được trên đất Quý Châu.

Theo các học giả Trung Quốc thì văn hóa Khả Lạc là văn hóa vật chất của nước Dạ Lang. Nước Dạ Lang nằm giữa văn hóa Điền ở Vân Nam và văn hóa Ba Thục ở Tứ Xuyên, giữa chúng có mối giao lưu trao đổi văn hóa từ rất sớm.

Qua tư liệu trên có thể thấy loại kiếm cán đồng lưỡi đồng đốc đúc thủng các đường cong tạo dáng hình thuyền và kiếm cùng loại cán đồng lưỡi sắt ở đây khá giống với 2 loại kiếm cùng loại phát hiện ở Làng Vạc và Bá Thước. Ở đây cũng phát hiện được trống đồng kiểu Thạch Trại Sơn cũng khá gần gũi với trống Đông Sơn phát hiện ở Làng Vạc.

Tác giả Dương Dũng còn cho biết kiểu mộ “sáo đầu táng” không thấy bất kỳ ở đâu trên đất Trung Quốc, ngoài Khả Lạc lại đã phát hiện ở Prohear phía đông nam Campuchia(1).

Với việc phát hiện được loại kiếm đốc đúc thủng các đường cong tạo dáng hình thuyền ở Làng Vạc, Bá Thước và mộ chôn kiểu “sáo đầu táng” ở Prohear Campuchia, tác giả Dương Dũng trong bài viết của mình đã cho rằng “giữa văn hóa Khả Lạc với các văn hóa đồng thau và văn hóa đồ sắt bán đảo Trung Nam có thể đã có mối quan hệ và là mối quan hệ trực tiếp” “trong thời kỳ vương triều Tần Hán khái phát khu vực Tây Nam, cư dân bản địa Khả Lạc ngoài số lớn vẫn ở lại đất cũ, có thể một bộ phận đã ly hương ra đi”(2).

Ở ta, cũng đã có ý kiến liên hệ việc có mặt loại kiếm có đốc đúc thủng các đường cong tạo dáng hình thuyền đặc trưng của văn hóa Khả Lạc ở Làng Vạc, Bá Thước với truyền thuyết thời dựng nước Âu Lạc của An Dương Vương(3).

Rõ ràng việc có mặt loại kiếm đặc trưng của văn hóa Khả Lạc trong một di tích văn hóa Đông Sơn trong vùng trung du Thanh Nghệ là một hiện tượng giao lưu văn hóa vô cùng quan trọng từ thời dựng nước. Nhưng lý giải về mối quan hệ này như thế nào cần phải hết sức thận trọng, không thể giản đơn suy luận và cần có thêm nhiều nguồn tư liệu nữa. Ngay như tại di tích Làng Vạc, với những cán dao găm tượng động vật và loại dao găm cán hình loa chắn tay ngang rìa lưỡi hai bên không thẳng mà uốn lượn nhiều ý kiến cho rằng đó là thể hiện mối giao lưu văn hóa giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền ở Vân Nam liền kề với vùng núi nước ta. Và cũng tại Làng Vạc với việc phát hiện một lưỡi cuốc chim hai đầu lưỡi trang trí văn xoắn ốc, nhiều ý kiến cho nó thể hiện mối liên hệ với văn hóa vùng Tây Bắc Á. Hơn nữa, văn hóa Khả Lạc là văn hóa vật chất của nước Dạ Lang xưa chứ không phải là nước Ba Thục.

Qua đó có thể thấy mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn với các văn hóa đương thời vô cùng phức tạp, việc có mặt những lưỡi kiếm độc đáo này trong di tích Làng Vạc đặt ra nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa đồng thau khu vực Hoa Nam. Tuy hiện nay những vấn đề đặt ra chưa thể có kết luận cuối cùng, song sự có mặt của chúng cũng làm phong phú thêm văn hóa Đông Sơn và mở ra hướng nghiên cứu mới.

 -----------------

(1)- Andreas Reinecke, Vin Laychour and Seng Sonetra: The first golden age of Campuchia: excavation at Prohear, Bonn, 2009.

(2)- Dương Dũng: “Bước đầu bàn về văn hóa Khả Lạc” (Trung văn), Khảo cổ số 9 năm 2010

(3)- Nguyễn Việt: “Hà Nội thời Tiền Thăng Long”, Nhà xuất bản Hà Nội, 2010


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521013

Hôm nay

290

Hôm qua

2291

Tuần này

22054

Tháng này

218952

Tháng qua

121009

Tất cả

114521013