Đất Nghệ

Chùa Hương Tích - Một di sản Phật giáo nổi tiếng Xứ Nghệ

1. Khái quát chung

Danh sơn Hồng Lĩnh có ngôi cổ tự linh thiêng, một địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của xứ Nghệ với nhiều huyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn. Đó chính là chùa Hương Tích, một địa chỉ kì thú của du khách thập phương.

Hương Tích cổ tự toạ lạc và tựa lưng vào dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Cùng với thời gian và trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử, di tích Phật giáo này đã thay đổi về địa điểm và diện mạo, nhưng sự linh thiêng và tôn nghiêm thì vẫn trường tồn trong lòng người dân địa phương và Phật tử cả nước. Hương Tích cổ tự đã từng nổi tiếng là Hoan Châu Đệ Nhất Danh Lam. Chùa được xây dựng trên động Hương Tích với hình khe thế núi tuyệt vời đã trở thành địa danh đất Phật trong lòng du khách hành hương mộ đạo trong cả nuớc. Khách đổ về đây để có những giây phút tĩnh tâm hướng tới Bồ tát, hướng về đất Phật, hướng về cõi siêu linh tịnh độ, để thắp nén tâm hương cầu xin chư Phật, chư Bồ tát phù hộ, độ trì cho cuộc sống mỗi ngày được may mắn, tốt đẹp hơn lên.

Từ Bắc vào Nam, theo quốc lộ 1A, qua Bến Thuỷ, qua cầu Hạ Vàng rồi rẽ trái chừng 3 km thì đến chân quả núi thiêng, là nơi toạ lạc của chùa Hương Tích. Còn từ Nam ra ta qua cầu Nghèn, rẽ phải về hướng Đông - Bắc chừng 2 km cũng tới chân quả núi thiêng này.

Hương Tích cổ tự có sự hấp dẫn và làm đắm say lòng người ở nhiều phương diện như huyền thoại về công chúa Diệu Thiện, về đất thiêng nơi chùa toạ lạc, về vị sư đầu tiên trụ trì, về tính thiêng của từng điểm đến trong quần thể di tích.

                                                                                Chùa Hương tích (1992) - Ảnh: Đình Thông

Chùa Hương Tích tọa lạc ở lưng chừng núi Hương Tích, là một trong bảy quả núi của danh sơn Hồng Lĩnh hùng vĩ, đã từng là biểu tượng của non nước quê hương xứ Nghệ. Huyền thoại về Hồng Lĩnh hùng vĩ với 99 ngọn núi và 100 con chim phượng hoàng đi tìm chốn đậu, chuyện ông Đùng đã dùng dây thừng kéo núi từ nhiều nơi về đây để xếp thành dãy núi Ngàn Hống, chuyện ông Đùng moi đất tìm quặng, đốt than luyện sắt và dạy người dân nơi đây nghề rèn nông cụ. Những huyền tích nêu trên còn lại là một số hòn đá lớn mang tên Hòn Đe, Lò Thổi/Bễ Lò,… Các hang động có tiếng róc rách của những dòng suối nhỏ ngày đêm tuôn nước, cây cối đa hình, đa sắc đã tạo cho cảnh sắc nơi đây thiêng liêng hùng vĩ. Chẳng thế mà trên Anh Đỉnh, một trong 9 ngôi đỉnh đồng (cửu đỉnh) to lớn đặt trước Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, đã lấy biểu tượng cảnh đẹp Hồng Lĩnh, mà tiêu biểu là chùa Hương Tích, để tạc vào.

Tương truyền có một thày địa lí tài ba đã cưỡi diều giấy bay khắp Hồng Sơn đi tìm huyệt đất chọn thế đắc địa để xây dựng Chùa Hương, thấy ở lưng chừng ngọn núi Hương Tích có khí thiêng nghi ngút, mắt thường không thể nhìn thấy được, thường nhân chỉ cảm thấy trong tâm rờn rợn, mắt thấy huyền huyền, ảo ảo, mơ mơ, thực thực, không thực mà thực, thực mà không thực, đấy mới là thực. Thế là ngôi chùa Hương Tích đã được toạ lạc tại đây và mang tên quả núi Hương Sơn. Chùa tựa lưng vào những tảng đá lớn vững chắc của hậu sơn, ẩn mình như một thiền sư đang tĩnh tâm toạ thiền, thụ khí… hợp với phong cách của nhà Phật. Xung quanh ngôi chùa là những cây lớn toả bóng mát xuống mái chùa đã tạo cho không gian nơi đây trầm tư, u tịch, thiêng liêng, huyền ảo. Đặc biệt, nhiều hạng mục của tổng thể công trình kiến trúc đã được gắn với những triết lí, sự tích, truyền thuyết Phật giáo như Am Diệu Thiện linh thiêng gắn với sự tích hoá Phật của Bà chúa Ba/Công chúa Diệu Thiện, Am Dược Sư gợi lại câu truyện thầy thuốc Triệu Chấn có đức lớn, thuật cao, Giếng Trời giải thích hiện tượng Thuỷ Sinh tại cảnh chùa… Cuộc hành trình từ chân núi đi lên cõi Phật chừng 3km, Phật tử sẽ đi qua nhiều địa hình và địa danh gắn với điển tích, mỗi điển tích lại có một khung cảnh thiên nhiên kì thú và được giải thích bằng những huyền thoại khác nhau, tạo sự tưởng tượng phong phú cho khách hành hương về vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo xứ Nghệ nói riêng.

Du khách có thể đi lên chùa Hương Tích bằng đường thuỷ, thoả sức ngắm mặt hồ Nhà Đường mênh mông với cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thiên nhiên kì thú, với vô số hòn đá, lùm cây hiện ra, biến mất ở hai bên bờ nước với những tiếng chim hót lạ lùng… Nếu du khách muốn thử sức mình đi lên đất Phật bằng đường bộ thì phải chuẩn bị cho mình một cây gậy trúc, cũng giống như đi Chùa Hương (Hà Tây cũ), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). Bắt đầu đến cửa rừng là gặp đoạn dốc, nơi có miếu Cửa Rừng. Tại đây, khách hành hương dâng nén tâm nhang xin phép sơn thần, thổ địa phù hộ cho sức khoẻ và thượng lộ bình an để đi được đến nơi về được đến chốn, chân cứng đá mềm. Qua 1.000m tương đối bằng phẳng từ miếu Cửa Rừng tới trạm nghỉ Phật Bà là một rừng thông đang độ trưởng thành, nơi du khách được thụ hưởng âm cảnh gió thổi, thông reo dẫn ta tới Động Soi, đi về phía Tây lên Am Giác Phổ/xây vào đời vua Trần Nhân Tông (1282), công trình này hiện nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Nơi đây phong cảnh thanh tịnh, tịch mịch, rất phù hợp với nhà Nho tu Phật. Đây cũng là một di chỉ của Đạo giáo giúp ta hoài niệm về một thời Nho-Phật-Đạo nhất nguyên.

Cũng phải nói thêm, trạm nghỉ Phật Bà toạ lạc bên dòng suối mộng mơ, nước chảy rì rào, hoà trộn với huyền thoại của người xưa, phía dưới là khe Quỉ Khốc, phía trên một am thờ nhỏ nhìn về phía Đông. Tương truyền, đây là nơi nghỉ của Bà chúa Ba trước khi được thần hổ Trắng đưa lên Hương Tích. Tới đây, khách hành hương xuống suối rửa chân tay, rũ sạch bụi trần truớc khi vào am thắp hương kính lễ, xin các bậc tối thượng cho ta được tiếp tục hành trình lên cõi thiêng liêng chùa chính được hanh thông suôn sẻ.

Du khách phải vất vả trải qua khoảng 1km đường với nhiều chỗ dốc đứng, bước từng bước trên những bậc đá gập ghềnh khó đi. Đây là đoạn đường thử thách tâm Phật trên đường đi tới đất Phật của Phật tử và nhân dân trong chuyến hành hương về chùa Hương Tích.

Vượt qua đoạn dốc dựng đứng thì hiện ra trước mắt ta một cảnh tuyệt đẹp. Đây chính là Phật cảnh của chùa Hương Tích toạ lạc. Ở đây có điện thờ, ban thờ, am thờ,… Qua cổng chùa là một bãi đất nhỏ để nhiều bát hương, người xưa gọi là Bãi Chợ theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian, đây là Chợ Âm Phủ - nơi gặp gỡ của các linh hồn. Trước khi lên chùa, khách hành hương vào đây thắp hương an ủi các vong hồn và gửi gắm đức tin.

Qua Bãi Chợ, Phật tử và du khách đặt chân lên các bậc đá để dẫn đến chùa Thượng. Bái Đường chùa Thượng bài trí các tượng pháp Phật giáo theo cách bài trí của tượng pháp Phật giáo Đại Thừa. Bên trái toà Bái Đường là Tổ Đường/nơi thờ tự tượng pháp và an vị chư vị sư tổ trụ trì đã viên tịch. Bên trái là Hàn Lâm Sở, nơi thờ cúng các chúng sinh, cô hồn. Nơi đây có cả Điện Mẫu. Phía trên là Am Diệu Thiện/Am Phật Bà, nơi Công chúa Diệu Thiện hoá Phật. Đi về phía Tây chừng 200m có Giếng Trời và Am Dược Sư, được cho là nơi cư ngụ của Triệu Chấn khi đến Ngàn Hống tìm thuốc trị bệnh cứu người, cũng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho chùa Hương Tích. Đi lên phía Bắc chừng 30 phút là nơi Trang Vương Lập Tự, địa điểm xây chùa đầu tiên/Nền Trang Vương.

Hương Tích Tự là chốn linh thiêng nổi tiếng từ xưa, khách hành hương thường đổ về đây thắp nén tâm hương cầu xin thánh thương Phật độ, xin được bình an, cầu được con cái, giải được nỗi oan, công thành danh toại. Đầu xuân vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch, chùa mở hội/ngày Công chúa Diệu Thiện hoá Phật, thiện nam, tín nữ tới chùa thành kính cầu tài, cầu lộc, cầu tự, cầu an, cầu may,… Cuối năm, họ lại trở về chùa để dâng lễ tạ ơn Phật đã phù hộ cho một năm đã qua.

2. Đôi nét về chùa Hương Tích và sự tích về Bà chúa Ba

Chùa Hương Tích tên chữ là Hương Tích Tự/Hương Tích Động; toạ lạc ở lưng chừng Động Hương Tích/núi Hương Tích, 1 trong 7 ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, ở độ cao 550m so với mặt nước biển.

Hương Tích nghĩa là “chứa mùi thơm” gắn liền với huyền ngôn ni sư Diệu Thiện, tại nơi đây đã hiến dâng 2 mắt và 2 cánh tay cho vua cha chữa khỏi bệnh nên để lại tiếng thơm cho muôn đời. Giải thích về hiện tượng này, một số người cho rằng, đi quanh chùa thấy phảng phất mùi hương; một số người khác lại cho rằng, dòng suối phía Tây chùa có một loại cỏ mọc từ đá lên có tên gọi là Thạch Sương Bồ, khi nước chảy qua đánh động sẽ tạo ra mùi thơm dễ chịu. Suối thơm này gọi là Hương Tuyền, cũng có quan niệm chữ Hương Tích lấy từ điển tích trong kinh nhà Phật nói về giai đoạn xưa kia Đức Phật tu khổ hạnh ở núi Hương Sơn/ngọn núi Tuyết Sơn.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các di vật Phật giáo của chùa Hương Tích không còn nữa. Tuy nhiên, nhân gian vẫn còn lưu truyền sự tích chùa Hương: khoảng 500 năm trước Công Nguyên, vua Sở Trang Vương không sinh được Hoàng Tử để nối nghiệp đế vương mà chỉ sinh hạ ba nàng công chúa là Diệu Ân, Diệu Duyên, Diệu Thiện. Khi đã trưởng thành, hai chị được vua cha gả chồng cho hai vị quan trong triều. Vua cha muốn gả Diệu Thiện cho một vị võ quan có tài thao lược để sau này nàng nối ngôi. Biết vị võ quan là kẻ nham hiểm, độc ác nên nàng không theo ý vua cha. Mặt khác, Diệu Thiện đã đem lòng yêu mến và thề non hẹn biển với vị quan ngự y tài đức tên là Triệu Chấn. Vua cha không chấp nhận, Diệu Thiện đã bỏ đi tu. Theo lệnh vua, viên quan võ đã phóng hoả đốt chùa. Diệu Thiện và tăng ni được Phật độ cứu thoát khỏi hoả nạn. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ cõng nàng trốn sang đất Việt Thường, đến núi Ngàn Hống, rồi đưa công chúa đến suối Hương Tuyền dừng chân nghỉ tạm. Nơi đây ngày nay vẫn gọi là Trạm Nghỉ Phật Bà. Vài hôm sau, Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi ẩn thân tại nơi này. Khu rừng và ngôi chùa do Sở Trang Vương lập tự bị cháy nhiều lần, Thần Hổ đưa Diệu Thiện xuống động Hương Tích to đẹp. Trong thời gian tu luyện tại Ngàn Hống, Diệu Thiện nổi tiếng là ni sư có tấm lòng từ bi, bác ái… Trong lúc này, vua Sở Trang Vương đang mắc bệnh nan y, quan ngự y khuyên phải có hai con mắt và đôi bàn tay của một trong ba người con gái tự nguyện hiến dâng thì mới cứu được tính mệnh. Hai công chúa chị không ai dám hi sinh, vua cha cử người sang đất Việt Thường cầu xin Diệu Thiện. Mặc dù biết vua cha là kẻ độc ác nhưng với lòng từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha để cứu vớt chúng sinh, Diệu Thiện đã móc hai mắt và cắt hai tay đưa cho sứ giả mang về làm thuốc chữa cho vua cha. Trang Vương khỏi bệnh, cảm động trước tấm lòng từ bi của cô con gái út bị ruồng bỏ đã cử người sang đất Việt Thường trả nghĩa, cử quan quân mang vật liệu đến Ngàn Hống xây chùa ở động Đá Đôi. Sau này, nhân dân gọi là Trang Vương Lập Tự/Động Trang Vương. Cảm động công đức của Diệu Thiện, Đức Phật bèn ban cho đôi tay hoàn lại, đôi mắt sáng ra. Sau khi hoá thân, Diệu Thiện trở thành Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Ngàn mắt là để nhìn thấy nghìn nỗi thống khổ của chúng sinh, nghìn tay là để cứu vớt hết nghìn nỗi thống khổ đó. Nơi Diệu Thiện hoá Phật nay gọi là Am Diệu Thiện.

Lại nói về Quan Thái y Triệu Chấn, khi ông biết Diệu Thiện đã xuống tóc đi tu liền rời kinh thành quyết tâm đi tìm Diệu Thiện. Sang đất Việt Thường, đến núi Ngàn Hống, ông sống ẩn thân trong thạch động/một hang đá hẹp, hằng ngày cưỡi voi của thiên thần ban cho đi lên các đỉnh núi và xuống các thung lũng sâu để hái cây thuốc mang về cứu dân và đi tìm Diệu Thiện. Hang đá hẹp nơi Triệu Chấn tá túc để cứu người ngày nay được gọi là Am Dược Sư .

Nghe tin Diệu Thiện đã hoá thành Phật, Triệu Chấn vô cùng cảm kích và càng chú tâm vào công việc tìm thuốc cứu người. Một ngày khia, bỗng nhiên trên trời có tiếng nổ lớn, hào quang phát sáng cả đất trời, Triệu Chấn đã hoá thân vào cõi hư vô, con voi cũng hoá xác lưng chừng thạch động Hương Tích/phía trên suối Hương Tuyền.

3. Một số vấn đề đặt ra

3.1. Chùa Hương Tích là một di sản nổi tiếng của Phật giáo xứ Nghệ có giá trị thiên nhiên và cảnh quan. Chùa được xây dựng vào thời gian nào, bao nhiêu lần tôn tạo,… là những vấn đề cần được các nhà sử học, các nhà quản lí di tích và các nhà Phật học quan tâm xác định niên đại cụ thể.

3.2. Những di vật khảo cổ như Nền Trang Vương ngày nay chỉ còn sót lại một số dấu tích như 9 cái nền được xếp bằng đá, gạch vỡ bị chôn lấp dưới lớp cỏ tranh. Về niên đại của những dấu tích này, nhiều ý kiến chưa thống nhất, cho nên phải chăng các nhà khoa học, các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí tôn giáo và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cần khảo sát và đánh giá thực trạng các giá trị lịch sử, văn hoá của di sản, để có kế hoạch tu bổ, tôn tạo và bảo tồn các giá trị di sản quí giá này của dân tộc.

3.3. Tổng thể cảnh quan thiên nhiên và các nơi thờ tự ở chùa Hương Tích là những giá trị vô giá của dân tộc, cần lập quy hoạch để bảo tồn các giá trị đó. Chúng ta tránh lập lại những bài học đắt giá như thực cảnh chùa Hương (Hà Tây cũ), dân tự phát xây dựng nhiều cơ sở thờ tự, báo chí và các cơ quan thông tin đại chúng đã lên tiếng, Ban Quản lí Di tích và Danh thắng ở địa phương lại chỉ đạo phá đi tất cả, phá xong bỏ ngổn ngang vật liệu trên hiện trường tới nay vẫn nhìn thấy di vật phế tích đang thi gan cùng tuế nguyệt./.

Tài liệu tham khảo:

1. Can Lộc một vùng địa linh nhân kiệt, Nxb Chính trị Quốc gia 2005.                  

2. Sự tích chùa Hương Tích- Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An 2010.                

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521011

Hôm nay

288

Hôm qua

2291

Tuần này

22052

Tháng này

218950

Tháng qua

121009

Tất cả

114521011