Người xứ Nghệ

Nhớ bác Nguyễn Thúc Chuyên

Sáng nay, lúc 9 giờ có một  người đàn ông giọng Huế điện báo: Ông Chuyên ở Huế đã mất lúc 9 giờ sáng hôm qua. Ngày 30 tháng 9 âm tức ngày 13 tháng 11 dương lịch sẽ đưa tang ông. Tôi không cảm thấy bất ngờ lắm về tin này vì cách đây gần 2 tháng tôi đã được anh Mai Khắc Ứng báo cho biết là bác bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Hôm đó tôi sững sờ vì cái tin của anh Ứng báo. Bác ấy vừa mới ra Vinh, về quê Nam Đàn rồi có ghé thăm tôi. Hôm đó bác vẫn khỏe, giọng vẫn sang sảng, vẫn hào hứng chuyện viết lách lắm. Có ai ngờ…

Vừa rồi tôi đã chuẩn bị vô Huế thăm bác nhưng rồi gặp lúc bão Sơn Tinh nên lại hoãn. Chưa kịp vào thăm  thì bác đã đi xa.

Tôi là kẻ hậu sinh, mãi đến gần đây, khoảng 6 – 7 năm gì đó, mới được gặp và quen biết bác.  Hôm đó, nếu nhớ không sai thì thầy giáo Nguyễn Thế Quang và anh Đào Tam Tỉnh đón bác đến thăm tạp chí Văn hóa Nghệ An. Dáng bác cao, mảnh khảnh, da ngăm đen, rắn rỏi, tác phong tự tin và lịch thiệp. Tôi và các đồng nghiệp trong tòa soạn không nghĩ là bác đã sang tuổi 80. Mái tóc bác, khó tìm ra được một sợi bạc. Mãi đến đầu năm nay, vẫn thế, một mái tóc xanh. Người ta bảo tóc xanh là sức khỏe tốt. Mà bác khỏe thật, chẳng bệnh tật gì, chỉ đến khi trời làm tội, bắt bác phải chịu cái căn bệnh quái ác này.

Buổi đầu gặp gỡ ấy, sau mấy câu sơ giao, tôi và bác đã quấn với nhau về công chuyện làm báo, làm tạp chí Văn hóa Nghệ An. Càng nói chuyện tôi càng thấy bác biết nhiều, biết cặn kẽ, rành rọt nhiều chuyện, nhiều thứ, chuyện thời xưa, chuyện thời nay.

Thế rồi sau buổi làm quen đó, bác đã cộng tác với tạp chí Văn hóa Nghệ An. Có thể nói, bác là một trong những cộng tác viên gắn bó nhất, nhiệt tình nhất với VHNA. VHNA đối với bác như là một người bạn lớn và bác xem VHNA như là một chốn thân tình nơi quê nhà. VHNA là nơi bác gửi gắm những điều cần trao gửi với mọi người, kể cả  những duyên nợ với quê hương, với tiền nhân, với nghề nghiệp. Bác đã làm rất nhiều cho VHNA. Không chỉ là viết bài, là góp ý, bác còn nhiệt thành giới thiệu VHNA với rất nhiều bạn bè, bạn đọc về VHNA. Tôi nghe bạn bè ở Huế kể rằng, bác đã đi đến nhiều bạn bè ở Huế để nói về VHNA và “rủ” họ viết bài cho VHNA. Về sau, đối với bản tin Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An, bác còn nhiệt tình hơn thế, bác là đại diện cho tờ này ở Huế. Nghĩ lại chuyện này thật áy náy và hối hận. Chả là một lần gọi điện vào gặp anh Mai Khắc Ứng, anh Ứng bảo cụ Chuyên vừa tới, đang ở đây. Anh cho tôi gặp bác. Tôi vừa thật lòng, vừa dại mồm nói vui để đùa với ông: ÔÔng bựa ni bị họ bỏ bùa rồi răng mà bỏ Văn hóa Nghệ An để theo Khoa học xã hội và nhân văn rồi hè. Bác cười to, bảo: “Mần chi có chuyện đó. Thấy họ nhiệt tình và có vẻ tử tế thì mình giúp cho  thôi. Mình vẫn thích viết cho Văn hóa Nghệ An hơn”.

Mà đúng thế thật, bác đã cần mẫn viết cho VHNA trong suốt nhiều năm qua, từ chuyện lịch sử vắt sang chuyện văn hóa, từ chuyện dòng họ đến chuyện các nhân vật. Đặc biệt bác rất quan tâm đến số phận một lớp người yêu nước và cách mạng hồi đầu TK XX. Tôi biết, và thấy đúng, vì bác cho rằng chúng ta chưa hiểu đúng, đánh giá đúng và xử sự đúng với họ. Bác đã dành ra nhiều công sức và thời gian để khảo cứu, tìm hiểu về lớp người này, và về sau, bác đã dành bản thảo cuốn sách “157 nhân vật phong trào Đông du” cho Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành. Bác tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của chí sĩ yêu nước Trần Đông Phong và lên tiếng về việc nguyện vọng được chôn cất thân xác tại quê nhà của chí sĩ này không được thực hiện. Bác cũng đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu Phan Bội Châu. Nhiều tài liệu và nhận định của bác đã được nhiều nhà nghiên cứu văn bản học, sử học, văn học tiếp nhận và sử dụng trong các công trình của mình. Tôi nghĩ, nếu không là một nhà giáo chuyên nghiệp nhất định bác sẽ là một nhà nghiên cứu sử học hoặc văn học chuyên nghiệp vì bác có phẩm chất của một nhà khoa học. Tôi nghĩ vậy vì bác được sinh ra trong một gia đình đại trí thức nổi tiếng ở xứ Nghệ có ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều và cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đều đỗ đại khoa Nho học, anh trai là Giáo sư Nguyễn Thúc Hào - một nhà toán học, nhà giáo nổi tiếng. Được học hành bài bản từ thời trẻ, bác không chỉ có kiến văn rộng, có nhiều chỗ sâu sắc, bác còn là người đàng hoàng về tính cách, thoáng đãng về tư duy và thân tình, độ lượng trong ứng xử. Tôi nhớ nhiều lần nhận được bài của bác, tôi hẹn sẽ in vào số này, số khác nhưng rồi do những lí do khác nhau, chưa in được, cũng không thông báo với bác nhưng bác vẫn không có ý kiến gì. Chỉ có lúc nào vui câu chuyện khác, bác mới khẽ nhắc rằng mình còn bài này, bài kia chỗ cậu…Rồi một chi tiết rất nhỏ nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều vì nó nói lên một điều rất lớn về tính cách và nhân cách của bác. Chẳng ai lạ gì, nhuận bút của VHNA rất thấp, nhất là thời gian gần đây, so với các báo, bản tin như Nghệ An, Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An (nơi bác làm đại diện cho họ ở Huế) nhưng chưa bao giờ bác hỏi về nhuận bút hoặc nói về điều này; bác chưa bao giờ chê nhuận bút VHNA thấp, hoặc bài này, bài nọ nhuận bút chưa tương xứng, cũng chưa bao giờ khen nhuận bút chỗ này chỗ kia cao. Viết bài với bác như một sự thôi thúc tự tâm, tự trí chứ không vì bất cứ một cái gì khác. Bác gắn bó, bác “thương” VHNA, tôi nghĩ, là vì bác nhìn thấu tới một điều cao cả hơn những điều trông thấy, đó là bác thực hiện bổn phận với quê hương. Bác cộng tác với VHNA không chỉ vì cho VHNA có cái để in mà cái chính là bác gửi gắm ở đó cái tình của mình với tiền nhân, với quê hương và chia sẻ những cái mình có cho bạn đọc.

Được quen biết và tiếp xúc với bác không nhiều, không lâu, nhưng ấn tượng của bác để lại trong tôi thật sâu sắc. Đến bây giờ, nhắm mắt lại là tôi lại nhớ cái dáng cao, hơi chút mảnh khảnh, tay cầm chiếc túi xách giả da nhỏ… Và nhớ bác mỗi lần về Vinh lại đạp xe đến thăm chúng tôi…

Cách đây chưa lâu, tôi vừa đi đưa tang nhà giáo, nhà Folklore Vũ Ngọc Khánh, nay lại nghe tin bác mất. Cả hai người đều tuổi Bính Dần, đều là cộng tác viên thân thiết của VHNA.  Lòng tôi buồn ngao ngán và chợt nghĩ, các ông đi hết rồi thì cái công việc các ông đang dang dở ai gánh cho….

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529038

Hôm nay

285

Hôm qua

2334

Tuần này

21311

Tháng này

215734

Tháng qua

0

Tất cả

114529038