Nhìn ra thế giới

Tổng quan về giáo dục Hàn Quốc

 
1) Đất nước Hàn Quốc
Là một quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc phía Bắc giáp với Bắc Triều Tiên; phía Đông giáp với biển Nhật Bản, phía Tây là Hoàng Hải. Thủ đô của Hàn Quốc là Seoul - một trung tâm đô thị lớn thứ hai trên thế giới1. Hàn Quốc có khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi. Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng 100.032 km vuông. Với dân số 48 triệu người, Hàn Quốc là quốc gia có mật độ dân số cao thứ ba trên thế giới, sau BangladeshĐài Loan.

2) Hệ thống GDPT Hàn Quốc
Trẻ em Hàn Quốc từ 3-5 tuổi thuộc giai đoạn mẫu giáo (Kindergarten), không bắt buộc; bắt đầu vào lớp 1 là 6 tuổi.  Giai đoạn phổ thông gồm ba cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở ( THCS) và Trung học phổ thông (THPT).
Tiểu học kéo dài 6 năm từ 6 tuổi đến 12 tuổi; THCS 3 năm từ 13 đến 15 tuổi và THPT 3 năm từ 16-18 tuổi. Ở cấp học này, HS có thể chọn một trong hai hướng: THPT cơ bản (General High School) và TH nghề (Vocational High School). Lên Đại học cũng theo hai hướng Giáo dục hàn lâm ( 4 năm) và Giáo dục nghề ( 3 năm)
Giáo dục bắt buộc ở Hàn Quốc là 9 năm (giai đoạn Tiểu học và THCS)
2)  Tư tưởng chỉ đạo chương trình giáo dục phổ thông Hàn Quốc
Chương trình GDPT lần thứ 7 (1997-2006) của Hàn Quốc hướng tới việc tạo ra “con người được giáo dục ” như một mẫu hình lí tưởng. Con người được giáo dục tốt là mục tiêu của chương trình. Con người  được giáo dục tốt theo quan niệm ghi trong CTGD Hàn Quốc 2 có các đặc trưng sau:
1) Đó là con người luôn gắng tìm sự phát triển cá tính của chính mình trên nền tảng hiểu biết sâu rộng và sự phát triển lành mạnh.
2) Đó là con người chứng tỏ được khả năng sáng tạo trên cơ sở những kiến thức và kĩ năng vững chắc.
3) Đó là con người biết khám phá và định hướng nghề nghiệp trên cơ sở nền tảng kiến thức và kĩ năng rộng lớn với sự đa dạng của các môn học cơ bản.
4) Đó là con người biết sáng tạo ra cái mới trên cơ sở hiểu biết văn hóa truyền thống.
5) Đó là con người biết góp phần vào việc phát triển cộng đồng nơi mình sinh sống, với tư cách một công dân của xã hội dân chủ.
Sau 2006, Chương trình GDPT Hàn Quốc được xem xét và xây dựng lại, gọi là Chương trình 2007. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Chương trình giáo dục Hàn Quốc năm 2007 được xác định cũng nhằm hướng đến con người được giáo dục tốt nhất :“ Giáo dục Hàn Quốc nhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập dưới ánh sáng của tư tưởng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm vì sự phồn thịnh của đất nước và nhân loại.”3
Để phát triển con người được giáo dục với chất lượng cao Chương trình nêu lên các tiêu chí sau:
            1) Phát triển cá tính của mỗi người và chăm sóc tất cả mọi người.
            2) Giúp thể hiện năng lực sáng tạo và ứng dụng kiến thức, kĩ năng
            3) Có một nền tảng tri thức rộng để học tiếp và định hướng nghề nghiệp
            4) Sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở các giá trị truyền thống dân tộc
            5) Nhiệt tình cải tạo cộng đồng như một công dân
Với định hướng trên, Chương trình GD Hàn Quốc 2007 được thiết kế theo các yêu cầu khái quát như:
            1) Giúp HS tiếp cận với những thay đổi của xã hội
            2) Tuân thủ hệ thống Chương trình GD cơ bản quốc gia cùng với Chương trình tự chọn là trung tâm.
            3) Nâng cao chuẩn các vùng môn học với yêu cầu chuyên sâu
            4) Cung cấp các lĩnh vực học tập khác nhau và các phương pháp học tập đa dạng phù hợp với năng lực, thái độ và hứng thú của HS.
            5) Đề cao tinh thần tự chủ của các nhà trường trong việc tổ chức và thực hiện chương trình địa phương.
            6) Thiết lập hệ thống đánh giá CT nhằm xếp loại chất lượng GD.
3) Chu kỳ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông Hàn Quốc
Từ 1955 đến 2009 Hàn Quốc4 thay đổi 9 lần CTGD Quốc gia, cụ thể từ 1955 đến 1997 có 7 lần như sau:

Những mốc thay đổi CT quốc gia
Ngày tháng tuyên bố
Thời kì thực hiện
Chương trình quốc gia lần thứ nhất
1 - 8 - 1955.
1955-1962
Chương trình quốc gia lần thứ hai
15 - 2-  1963.
1963-1972
Chương trình quốc gia lần thứ ba
14 - 2- 1973
1973-1981
Chương trình quốc gia lần thứ tư
31-12- 1981
1982-1988
Chương trình quốc gia lần thứ năm
30 - 6 -  1987
1989-1994
Chương trình quốc gia lần thứ sáu
30 - 9- 1992.
1995-1999
Chương trình quốc gia lần thứ bảy
30 -12- 1997
2000- 2006

Chương trình lần thứ 7 mới thực hiện đại trà từ 2000 đến 2006, thì năm 2007, CTGDPT của Hàn Quốc lại đã thay đổi và hiện đang chuẩn bị xây dựng lại CT mới ( chỉ tập trung vào bậc THPT) gọi là CT 2009.
Qua nhiều lần thay đổi, có thể thấy CT GD Hàn Quốc đã chuyển từ cứng nhắc, gò bó đến linh hoạt, uyển chuyển và hướng tới người học. Từ định hướng lấy nội dung môn học làm trọng tâm (subject-matter centered) ởlần thứ nhất( 1955) đến CT lấy“kinh nghiệm làm trung tâm”(experience-centered curriculum) lần thứ hai ( 1963)...từ việc “hướng nhiều hơn vào sự cần thiết của xã hội thông tin tương lai” của CT lần 5 đến việc chuyển “ từ cấu trúc tập trung (centralized) sang phi tập trung (decentralized).Tuân theo nguyên tắc “địa phương hóa” hoặc” hệ thống địa phương tự trị”, hệ thống giáo dục tự trị (educational autonomy system) của lần thứ 6. 
Từ “hệ thống giáo dục khép kín”(the closed educational system) thành “hệ thống GD mở” (the open system) và từ “hệ thống giáo dục hướng vào người sản xuất”(the producer-centered educational system) đến “hệ thống giáo dục hướng tới người tiêu dùng” (the consumer-centered), đó là định hướng của CT lần thứ 7. CT năm 2007 tiếp tục tư tưởng của CT lần thứ 7, nhấn mạnh tính phân hóa (differentiated curriculum) nhưng được điều chỉnh một số điểm không lớn.
4) Mục tiêu của GD Hàn Quốc
Chương trình năm 2007 của Hàn Quốc ghi rõ:“ Mục tiêu của giáo dục Hàn Quốc nhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập dưới ánh sáng của tư tưởng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm vì sự phồn thịnh của đất nước và nhân loại.”5
Để phát triển mục tiêu chung vừa nêu, mục tiêu giáo dục của các cấp đã được cụ thể hóa như sau:
4.1) Mục tiêu GD tiểu học
Chúng ta mong đợi sau khi học xong CT tiểu học, các em sẽ có được những tri thức cơ bản và các kĩ năng sống. Kết thúc bậc tiểu học, HS cần đạt được các yêu cầu sau:
            a) Rèn luyện cân đối cả về vật chất lẫn tinh thần
            b) Có cơ hội phát triển các kĩ năng sống cơ bản và biết bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng nhiều cách khác nhau.
            c) Có sự lựa chọn đúng đắn hơn khi tìm kiếm mục tiêu và phương pháp học tập.
            d) Có tầm nhìn rộng về truyền thống và văn hóa dân tộc.
            e) Có thói quen sống khỏe mạnh, có tình yêu đối với đất nước Hàn Quốc và những dân tộc xung quanh.
4.2. Mục tiêu GD THCS
Học sinh THCS bắt đầu giai đoạn tiếp theo với sự phát triển học vấn và các kĩ năng sống, những hiểu biết, như một người công dân,... Kết thúc trường THCS, HS sẽ:
a) Có được cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, được tôi luyện kinh nghiệm để tự khám phá bản thân mình.
b) Phát triển các kĩ năng sống, những khả năng giải quyết vấn đề cần thiết cho tương lai, và có khả năng tự thể hiện một cách sáng tạo.
c) Biết tìm kiểm và sử lí từ nền tảng kiến thức và kĩ năng rộng lớn để học lên cao và phát triển nghề nghiệp.
d) Có niềm tự hào về truyền thống và văn hóa của đất nước và có quyết tâm cải thiện nó ngày càng tốt hơn.
e) Có hiểu biết về nguyên tắc dân chủ mà Hàn Quốc chịu sự chi phối, trau dồi ý thức về trách nhiệm xã hội.
4.3. Mục tiêu GD THPT 
Mục tiêu của bậc THPT nhằm khuyến khích HS có những kĩ năng khác nhau cần thiết cho tương lai và với tính cách của một công dân toàn cầu. Kết thúc THPT, HS sẽ:
a) Rèn luyện cơ thể và tinh thần khỏe mạnh và biết khám phá các giá trị của bản thân và cuộc sống bên ngoài.
b) Có khả năng suy nghĩ, lập luận và phê phán với phương pháp sáng tạo
c) Tiếp tục có một nền tảng kiến thức và kĩ năng cơ bản, rộng lớn để học tiếp lên cao và phát triển nghề nghiệp phù hợp với hứng thú và tài năng của mỗi người.
d) Nhiệt tình cải thiện truyền thống và văn hóa dân tộc
e) Nỗ lực làm việc vì đất nước và phát triển ý thức công dân toàn cầu.
5.  Nội dung giáo dục ( các lĩnh vực/môn học)
Chương trình bao gồm chương trình cơ bản chung của quốc gia và chương trình tự chọn ở THPT
5.1) Chương trình cơ bản chung của quốc gia bao gồm các môn học, các hoạt động tự chọn và các hoạt động ngoài giờ lên lớp ( ngoài CT)
a) Chủ đề môn học được chia ra làm 10 lĩnh vực: Tiếng Hàn, GD đạo đức, Nghiên cứu XH, Toán, Khoa học, nghệ thuật ứng dụng ( công nghệ, kinh tế gia đình), Thể dục, Âm nhạc, Nghệ thuật và Ngoại ngữ ( tiếng Anh). Tuy nhiên nội dung môn học cho các lớp 1 và 2 có sự phân biệt bằng việc chỉ học các môn tiếng Hàn, toán, kỉ luật cuộc sống, cuộc sống thông minh, cuộc sống dễ thương và chúng ta là lớp Một.
b) Các hoạt động tự chọn được chia ra các hoạt động tự chọn theo môn học các hoạt động tự chọn sáng tạo.
c) Các hoạt động ngoài giờ lên lớp bao gồm hoạt động HS tự quản lý, các hoạt động thích ứng ( nghi); các hoạt động tự phát triển, các hoạt động dịch vụ xã hội và các hoạt động thi đấu( thể thao)
5.2) Chương trình tự chọn THPT bao gồm các môn học và các hoạt động ngoài CT.
a) Các môn học được chia thành môn chung và môn chuyên sâu
- Môn chung bao gồm: Tiếng Hàn, GD đạo đức, nghiên cứu XH, Toán, Khoa học, Công nghệ và Kinh tế gia đình, Thể dục, âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ, chữ Hán, cổ điển Hy La và tự chọn.
- Các môn học chuyên sâu bao gồm các học trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, nghề cá và vận tải biển, kinh tế gia đình và GD nghề, khoa học, thể dục, nghệ thuật, ngoại ngữ và quan hệ quốc tế
b) Các hoạt động ngoài CT bao gồm hoạt động tự quản, hoạt động thích ứng, các hoạt động tự phát triển, các hoạt động dịch vụ xã hội và các hoạt động thi đấu( thể thao).
Chương trình cơ bản quốc gia nêu các môn học và các hoạt động, bao gồm: Tiếng Hàn, GD đạo đức, Nghiên cứu xã hôi, Toán, Khoa học, Thực hành nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Nghệ thuật, Tiếng Anh, Hoạt động tự chọn, Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Riêng lớp 1 và 2 chỉ học các môn sau: Tiếng Hàn, Sống có kỉ luật, Sống thông minh, Toán, Sống dễ chịu.
Lớp 11 và 12 học các môn học tự chọn ( Elective subject) với hai loại: tự chọn cơ bản ( general elective) và tự chọn chuyên sâu ( intensive elective )
Ví dụ môn Tiếng Hàn: tự chọn cơ bản là đời sống ngôn ngữ Hàn; còn tự chọn chuyên sâu là: nói, đọc hiểu viết luận, ngữ pháp và văn học.
Với môn Toán, tự chọn cơ bản là thực hành toán, còn tự chọn chuyên sâu gồm: Toán I, Toán II, tích phân và vi phân, xác xuất và thống kê, toán rời rạc.
5.3. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên;
Giáo viên (GV) tiểu học dạy HS từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Một GV dạy tất cả các môn. Tuy nhiên một số trường hiện này đã có GV cho một số môn chuyên biệt như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, thực hành nghệ thuật và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Ngoài trường Đại học quốc gia giáo dục Hàn Quốc, còn có 11 trường Đại học giáo dục (universities of education), 41 trường cao đẳng (colleges of education) là nơi đào tạo và cấp bằng cho GV các cấp. GV tiểu học tốt nghiệp ở các khoa tiểu học của các trường đại học GD và cao đẳng. 11 trường ĐHGD được nhà nước thành lập từ năm 1981 đào tạo GV 2 năm, nhưng gần đây để bảo đảm chất lượng đã thay đổi nâng lên 4 năm đại học. Mỗi ĐHGD có trường tiểu học để SV thực tập giảng dạy.
Giáo viên THCS là GV bộ môn (specialist teachers) dạy HS từ 12 đến 15 tuổi – đây là giai đoạn GD bắt buộc. GV THCS được đào tạo từ 41 trường Cao đẳng Sư phạm trong cả nước.
GVTHCS được đào tạo hệ chính quy 4 năm qua hai giai đoạn: giai đoạn cơ bản ban đầu và giai đoạn trang bị nghiệp vụ sư phạm. Sau 4 năm phải qua được 140 tín chỉ. Muốn trở thành GV THCS, người xin việc phải đạt 42 điểm ở các môn chính giai đoạn cơ bản và 20 điểm ở phần nghiệp vụ sư phạm. Tất cả các cơ quan GD đều yêu cầu ở người xin việc những thủ tục như nhau. Sau khi có điểm tín chỉ, để được cấp bằng GV, cần phải tiến hành thủ tục xin cấp phép ( chứng nhận hành nghề) bằng hai cách thi hoặc không thi cấp phép.
Giáo viên THPT là GV bộ môn dạy HS từ 15 đến 18 tuổi trong các trường THPT (senior high schools). Việc đào tạo GV THPT nhìn chung cũng giống như đào tạo GV THCS.
5.4. Biên soạn SGK và các loại học liệu khác
Có nhiều bộ SGK, nhất là sách của các môn liên quan đến kỳ thi quốc gia ( vào đại học-Cao đẳng) như Toán, Tiếng Hàn, Tiếng Anh... Trong nhiều năm qua, Bộ GD giao quyền cho các công ty tư nhân tổ chức biên soạn và in ấn, phát hành sách giáo khoa trừ một số bộ môn, trong đó có bộ môn tiếng Hàn. Sách giáo khoa do đội ngũ các GS đại học, cơ quan chuyên môn của Bộ, Viện CT và Đánh giá Hàn Quốc (KICE) tổ chức biên soạn... Các nhà xuất bản tự tổ chức và gửi lên trên để được xem xét, đánh giá và cấp phép.
Có ba loại SGK: Loại I do Bộ GD biên soạn và giữ bản quyền; Loại II được Bộ GD cấp phép (certified) và có thể sử dụng; Loại III là loại sách có xác nhận (recognized) hoặc chịu sự quản lí của Bộ GD.
Loại I là loại gần như dùng trong tất cả các trường tiểu học. Với THCS là các môn như tiếng Hàn, lịch sử Hàn Quốc, giáo dục đạo đức. Loại II là loại sách được sử dụng phần lớn trong các trường THCS và loại III là loại rất ít được sử dụng.
5.5. Kinh phí, ngân sách, chế độ, chính sách về định biên giáo viên/lớp, học sinh/lớp, số lớp/trường,…
Ngân sách các trường tiểu học và THCS phụ thuộc vào nhà nước, miễn phí và bắt buộc trong toàn quốc. Đối với THPT, người học phải đóng một số học phí để bổ sung vào ngân sách nhà nước, quỹ phụ huynh và địa phương. Bộ GD, khoa học và công nghệ chuyển 80 % ngân sách cho các cơ quan GD tỉnh, thành phố dành cho GD tiểu học và THCS. Số còn lại thuộc về quỹ quản lý của Bộ. Chính quyền trung ương cũng phải chịu phí tổn cho GV trong GD bắt buộc.
Bảng tổng hợp sau đây cho biết những số liệu tổng quan về nhà trường, số HS và GV Hàn Quốc năm 20096. Từ bảng thống kê, có thể suy ra được các thông tin về tỉ lệ :
- Tỉ lệ giữa giáo viên (GV) và học sinh (HS)
            + Tiểu học: 1 GV/ 19,84 HS
            + THCS: 1GV/ 18,39 HS
            + THPT: 1GV/ 17, 26 HS
            + TH nghề : 1GV/ 13,32 HS
- Tỉ lệ giữa giữa trường công và trường tư :
            + Tiểu học: trường công chiếm 98,38%; trường tư là 1,3 %
            + THCS: trường công chiếm 78,78 %; trường tư là 21%
            + THPT: trường công chiếm 56,19 %, trường tư là 42,89 %
            + TH nghề: trường công chiếm 58,32%; trường tư là 40,95 %
- Trường THPT chiếm 68,9 % và TH nghề là 31,1% và trung bình cứ 2,2 HS vào THPT thì có 1 HS vào TH nghề ( 2,2/ 1).
Bảng 1: Thống kê tổng quan về GDPT Hàn Quốc năm 2009
 

 
 
Số lượng trường
 
 
 
Số lượng
 
Loại trường
 
Tổng
Quốc gia
Trường công
Trường tư thục
Học
sinh
Giáo viên
Tiểu học
 
5.629
17
5.735
75
3474.395
175.068
THCS
 
3.106
9
2.447
650
2.006.972
109.075
Trung
phổ thông
1.534
14
862
658
1.484.966
85.997
học
Nghề
691
5
403
283
480.826
36.077

Bảng 2: Số lượng HS trong mỗi lớp học ở Hàn Quốc qua một số năm7
 

Loại
1980
1990
2000
2006
2007
2008
2009
Tiểu học
51.5
41.4
35.8
30.9
30.2
29.2
27.8
THCS
62.1
50.2
38.0
35.3
35.0
34.7
34.4
THPT
59.9
53.6
44.1
33.7
34.3
35.1
34.2

Có thể thấy số HS trong mỗi lớp/ mỗi cấp qua các năm giảm rất đáng kể. Những năm gần đây 2008- 2009 số HS cho cả ba cấp học của Hàn Quốc chỉ trên dưới 30 HS.
Nền kinh tế mạnh mẽ với “Huyền thoại sông Hàn” ( Miracle on the Han River) trong những năm qua đã giúp Hàn Quốc có cơ sở để đào tạo và thu hút nhiều nhân tài vào nghề sư phạm. “ Sự đãi ngộ ưu ái về tài chính và nghề nghiệp ổn định đã thu hút được nhiều tài năng cá nhân vào nghề sư phạm. Đội ngũ nhà giáo tuyệt vời của Hàn Quốc đã đóng góp to lớn vào chất lượng của giáo dục nhà trường8. Lương của GV Hàn Quốc được xếp cao thứ 4 so với 32 nước trong khối OECD ( xem bảng 3.8.1: Lương GV THCS).
Ghi chú: chấm đen là mức lương tối đa, chấm trắng là lương khởi điểm, cột xanh là lương bình quân sau 15 năm giảng dạy
6) Những điểm nổi bật của giáo dục phổ thông Hàn Quốc
Hệ thống GDPT Hàn Quốc theo mô hình 6-3-3, tức là 6 năm Tiểu học, 3 năm THCS và 3 năm THPT. Như vậy, khác với Việt Nam, bậc Tiểu học của Hàn Quốc kết thúc ở lớp 6, nhưng giống Việt Nam, bậc THCS của Hàn Quốc kết thúc ở lớp 9 và bậc THPT kết thúc ở lớp 12. Chương trình GDPT Hàn Quốc có các đặc điểm nổi bật9 sau:
6.1) Từ lớp 1 đến lớp 10, HS học chung một CT dựa trên chuẩn quốc gia. Từ lớp 11 đến 12 học theo tự chọn. 10 năm đầu học chung một chương trình, chỉ có các hoạt động tự chọn và hoạt động ngoài giờ lên lớp ( ngoại khóa).Tuy đến 2 năm cuối THPT mới thực hiện tự chọn nhưng các lĩnh vực và nội dung tự chọn hết sức phong phú, đa dạng, nhất là phần tự chọn chuyên biệt.
6.2) Từ lớp 1 đến lớp 10, CT phân hóa trên cơ sở năng lực học vấn. Đối với lớp 11 và 12, CT phân hóa trên cơ sở hứng thú và định hướng nghề nghiệp tương lai. Tăng cường những nội dung sát với nhu cầu thực tế của địa phương, khuyến khích khả năng sáng tạo, suy nghĩ độc lập của học sinh và tạo điều kiện cho học sinh học sâu những nội dung mà các em lựa chọn. Chẳng hạn riêng lĩnh vực Nghề cá và vận tải biển đã có tới 37 nội dung tự chọn như: khái quát về nghề cá, khái quát về vận tải biển, tổng quát về địa lý biển, quy trình thông tin nghề cá và vận tải biển, ngư sinh học, khái quát về quản lý nghề cá, công nghệ, ngành công nghiệp cá, sản phẩm biển, nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản, lưu thông hải sản, môi trường biển, dân số vùng biển, khái quát về động lạnh, nhà máy đông lạnh, trang thiết bị và thiết kế đông lạnh, điện lực và điện tử biển, luật biển, ứng dụng thông tin liên lạc điện tử, quản lí thông tin biển...v.v...
6.3) Mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương và trường học trong việc tổ chức và thực hiện CT, giảm tính chất “tập quyền” của CT. Nhà trường được phép mở rộng các hoạt động hợp lí. Nguyên nhân chính là nhà trường cần được tạo cơ hội nhiều hơn trong việc nâng cao năng lực của họ về vận dụng CT với các công việc liên quan. Nó cũng hướng tới động viên khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu độc lập hoặc các hoạt động sáng tạo trong nhà trường.
6.4) Khái niệm CT học tự chọn đã được giới thuyết. Đối với lớp 11 và 12, HS tự chọn một số khóa học mà họ muốn có sự hướng dẫn chắc chắn, để chuẩn bị cho tương lai của mình.
6.5) Giảm bớt số lượng nội dung CT môn học trong năm với tổng số nội dung CT giảm tải là 30%. Hạn chế tối đa những nội dung không cần thiết rườm rà và tổ chức các nội dung theo một hệ thống thứ tự bảo đảm sự nguyên vẹn không gián đoạn.
6.6) Đa dạng hóa nội dung CT, phương pháp giảng dạy để phù hợp với cá tính, năng lực, năng khiếu và hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Chú ýphương pháp GD coi trọng thực hành và lấy học sinh làm trung tâm.
6.7) Chất lượng CT được kiểm định xuyên suốt hệ thống đánh gía CT
bằng việc áp dụng chuẩn đã xác định.
6.8) Chương trình giáo dục của Hàn Quốc được đổi mới khá thường xuyên và có một khoảng tự do rất lớn cho người soạn sách giáo khoa. Như trên đã nêu từ 1955 đến 2009 CTGD Hàn Quốc đã thay đổi 9 lần.
7. Một số hạn chế của CTGD Hàn Quốc
Có thể thấy, các chương trình GDPT Hàn Quốc trước đây về cơ bản không khác Việt Nam là mấy, nghĩa là cũng mang tính “tập quyền” rất cao, bắt buộc đối với tất cả các bậc học, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, áp dụng cho mọi loại hình trường, cả tư thục và công lập. Quy định chặt chẽ mục tiêu giáo dục, các môn cần dạy trong từng năm học, số ngày học và phân bố thời gian cho từng môn học trong từng năm. Chương trình được tiêu chuẩn hóa và quy định chặt chẽ để biên soạn SGK, cung cấp những hướng dẫn tổng quát cho hoạt động dạy – học và phương pháp đánh giá. Đến lượt mình, SGK chi phối sâu sắc đến hoạt động dạy – học.... Kết quả là tính phân hóa, cá thể hóa rất thấp và quyền lựa chọn môn học phù hợp với năng khiếu, sở thích của học sinh là không đáng kể. “ Trước khi CT lần 7 được áp dụng, GD phổ thông Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng mà nhiều nhà nghiên cứu GD của Hàn Quốc gọi là “school collapse”, “classroom breakdown” (Kim Mee-Sook 2003), tạm hiểu là “sự tan rã lớp học”. Cụm từ này dùng để chỉ tình trạng nhiều học sinh không chú ý nghe giảng trong giờ học. Các em đến lớp chỉ để gặp bạn bè, đùa nghịch và lấy bằng cấp. Các lớp học thêm bên ngoài trường học mới là nơi học chính của các em. Tình trạng này do nhiều lí do, trong đó có phần ảnh hưởng quan trọng của việc áp dụng CT GD thiếu sự phân hóa và cá thể hóa. Một khi học sinh phải học những môn học mà các em không có sở trường và không phù hợp với định hướng nghề nghiệp thì việc thiếu hứng thú trong giờ học những môn đó là điều dễ hiểu”10
Ngay cả với CT hiện hành ( CT lần thứ 7 và 2007), GD Hàn Quốc cũng không phải không có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn:
Giáo dục Hàn Quốc có tính cạnh tranh hết sức quyết liệt, và đôi khi dẫn đến những biểu hiện có phần tiêu cực. Theo một thống kê năm 2002, có đến 84.8 % học sinh phổ thông có ít nhất một lần đi học thêm ở các cơ sở dạy thêm tư nhân. Chi phí cho sự học hành của con cái là một gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình Hàn Quốc. Các bậc phụ huynh có con đi học phải chi đến 25 % thu nhập cho giáo dục. Phần chi cho giáo dục từ tư nhân chiếm 7 % GDP, từ nhà nước là 4 %. Tổng cộng, trong những năm gần đây, chi phí cho giáo dục từ cả hai nguồn không năm nào dưới 10 % GDP11 
Cho đến những năm gần đây, GD Hàn Quốc vẫn bị phê phán nhiều bởi phương pháp giảng dạy nặng tính thuyết giảng, nặng định hướng nội dung, cung cấp kiến thức, mà không chú ý thích đáng đến thực hành và sự đa dạng, khác biệt của đối tượng- trung tâm của quá trình GD là người học.
Tuy thế, trong thời gian qua, nhất là 10 đầu thế kỉ XXI, GD Hàn Quốc vẫn
đạt được nhiều thành tích. Năm 2006 là nước tham gia Chương trình đánh gía HS quốc tế (PISA), Hàn Quốc đã đạt kết quả rất cao, chỉ đứng sau Phần Lan, xếp hạng thứ 1 về năng lực đọc-hiểu, thứ 2 về Toán và thứ 7 về khoa học trong số 30 nền kinh tế thành viên của tổ chức OECD12
Cần phải khẳng định có được thành tựu ấy trước hết Hàn Quốc có một nền tảng cơ sở vật chất kinh tế - xã hội phát triển hết sức mạnh mẽ. Thêm vào đó là việc đề cao vị trí đặc biệt của giáo dục đối với xã hội, cộng với tinh thần hiếu học và nhu cầu giáo dục càng cao của người dân đã góp phần thúc đẩy giáo dục Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ... Điều này Việt Nam còn nhiều hạn chế so với Hàn Quốc, nhất là điều kiện kinh tế- xã hội.
 
Chú thích và tài liệu tham khảo
Chú thích
 
1. L. Forstall, R.P. Greene, and J.B. Pick, "Which are the largest? Why published populations for major world urban areas vary so greatly", City Futures Conference, (University of Illinois at Chicago, July 2004)
2. Understanding Korean Education - Vol. 1 School Curriculum in Korea - Copyright 2007 Published by the Korean Educational Development Institute.
3. KICE - Proclamation of the Ministry of Education and Humamn Resources Developement 2007-79
4. Theo INCA- www.inca. org.uk . Korea education
5. KICE - Proclamation of the Ministry of Education and Humamn Resources Developement 2007-79
6. Statistical Yearbook of Education, 2009 ( Kapsung Kim- Officce oh Teacher Policy Reseach - KEDI)
7. Statistical Yearbook of Education, 2009 ( tài liệu đã dẫn)
8. Secrets of an Education Powerhouse (2009)- MEST and KEDI
9. Xem thêm: Cho- Jae-Hyun và Bùi mạnh Hùng: Chương trình Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Tạp chí Ngôn Ngữ, số 3 năm 2008.
10. Cho-Jae-Hyun và Bùi mạnh Hùng ( Tài liệu đã dẫn)
11. Lee Ji-Soon 2001, Kim Gwang-Jo 2003, Kim Mee-Sook 2006, Choi Eun-Hee 2006
12. Organisation for Economic Co-operation and Development (Tổ chức Hợp tác và Phát Triển kinh tế )
 
Tài liệu tham khảo
1)      Korea Education-2007-2008- Ministry of Education & Human Resources Development, Republic of Korea
2)      KEDI - http://eng.kedi.kr
3)      National Curriculum. KICE - 2006 - http://www.kice.re.kr
4)      Proclamation of the Ministry of Education and Humamn Resources
Developement - KICE - 2007
5)      An International Comparative Study of School Curriculum- NIER 1999.
6)      INCA - htttp://inca.org.uk
7)      http:// asianinfo.org/korean education
8)      Statistical Yearbook of Education, 2009 ( Kapsung Kim- Officce oh Teacher Policy Reseach- KEDI- 2010)
9)      www.wikipedia.org.wiki

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445576

Hôm nay

276

Hôm qua

2237

Tuần này

21185

Tháng này

211835

Tháng qua

120141

Tất cả

114445576