Cuộc sống quanh ta

Thay đổi quan niệm khoa học xã hội. Vai trò và cách xây dựng nó phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước

I.Trước những khó khăn, vấp váp trong thực tế xây dựng CNXH ở nước ta và ở toàn phe, chúng ta đã thấy sự cần thiết phải đổi mới tư duy, chúng ta không thể nhìn lại vai trò của các khoa học xã hội, và từ đó nhìn nhận những nhược điểm của khoa học xã hội nước ta. Những nhược điểm đó có khi là của riêng ta nhưng cũng có khi là của chung nhiều nước XHCN, ta phát triển chậm, học theo nên cũng mắc phải. ý thức về sự đổi mới tư duy, về sự nhìn lại những nhược điểm đó, cho đến nay có lẽ cũng chưa phải là đầy đủ, sâu sắc đến độ cần thiết. Tuy vậy cũng đã nhiều người nhận xét ở ta khoa học xã hội không được giao cho đảm nhiệm những chức năng xã hội đáng kể, và bản thân nó cũng bất lực không làm được gì nhiều.

Dẫn đến tình trạng kém cỏi đó là là quan niệm khoa học xã hội, quan niệm vai trò khoa học xã hội trong sự phát triển đất nước, và từ đó là cung cách xây dựng và hoạt động của các khoa học xã hội của ta.
Giai đoạn khoa học của việc tìm kiếm các tri thức nhân văn và xã hội ở nước ta chỉ mới bắt đầu rất gần đây. Trước đây, hoạt động học thuật của ta chỉ có làm văn, viết sử, giải thích kinh điển Nho giáo. Từ khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây đến nay, học thuật phát triển mạnh, rộng hơn và khoa học hơn nhưng về đại thể vẫn chưa vượt ra khỏi thời kỳ ban đầu: học theo, nói lịa, bắt chước và ứng dụng. Đã vậy, khi lựa chọn con đường của chủ nghĩa xã hội, chúng ta đứng trước một lý thuyết hoàn chỉnh là chủ nghĩa Mác - Lênin, trước những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và các nước XHCN khác, với nền khoa học xã hội của họ đã ở trình độ phát riển cao hơn. Những điều kiện trên tạo cho ta thói quen suy nghĩ theo các nguyên lý Mác - xít nhận thức theo quan điểm, lập trường và hành động theo các nghị quyết, theo ý kiến truyền đạt từ cấp trên. Chúng ta cũng nhấn mạnh khoa học kĩ thuật là then chốt, nhưng khoa học kĩ thuật theo cách hiểu chung là khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Cũng không ai nói khoa học xã hội không có giá trị, có khi là ngược lại, nhưng cách quan niệm khoa học xã hội, cách sử dụng nó trong thực tế làm cho các khoa học xã hội biến dạng, teo lại trở thành bất lực, vô dụng.
Cứ nhìn vào việc chúng ta quan tâm nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, vào việc phát triển, giảng dạy rất nhiều ngành khoa học xã hội thì thấy chúng ta rất coi trọng các khoa học xã hội, Nhưng ta quan niệm khoa học xã hội gắn với chính trị, phục vụ cho chính trị, nên trong các trường đại học của ta không có ngành học là chính trị học mà tất cả các bộ môn khoa học xã hội khác làm nhiệm vụ thuyết minh và biện chính cho chủ nghĩa duy vật lịch sử , giải thích và minh hoạ nghị quyết, tuyên truyền cho đường lối chính sách. Các khoa học trừ phần lấy tư liệu, tổng kết tư liệu từng phần và dừng lại đó, thì bỏ đối tượng và phương pháp riêng để tự chính trị hoá, thường là dùng phương pháp riêng để minh hoạ chính trị. Trong sách báo bàn luận đến nhiều lý thuyết cao xa. Có người nói đó là bệnh “hàn lâm”, nhưng có lẽ đúng với thực tế hơn thì nên nói đó là bệnh lặp lại, xào xáo, từ chương, giống với bệnh hàn lâm ở tính xa thực tế nhưng lại khác ở xu hướng và trình độ tìm tòi về lý thuyết.
Cách quan niệm đơn giản về khoa học, về chính trị, về nội dung Mác-xít Lêninít làm cho các khoa học xã hội bỏ con đường nghiên cứu cụ thể để thành khoa học, trở thành bất lực trước thực tế, thành thứ trang sức vô bổ cho đời sống xã hội . Những khuynh hướng minh hoạ chính trị, từ chương, kinh viện, xào xáo sách vở vào nước ta, gặp truyền thống học thuật Nho giáo, gặp cung cách suy nghĩ nhà Nho càng thêm trầm trọng.
II.Tôi không có tham vọng đề xuất những ý kiến rộng lớn, có tầm giải quyết chiến lược hay bao trùm các khoa học xã hội. Với sự phân tích thực trạng ở trên, tôi nghĩ việc nâng cao hay phát triển các khoa học xã hội ở ta cần được giải quyết một số mặt:
a) Thay đổi những quan niệm ấu trĩ về khoa học xã hội, để các ngành khoa học xã hội bám chắc đối tượng, vận dụng phương pháp của nó, tiến hành nghiên cứu thực sự để thành những khoa học và dùng những tri thức tìm kiếm được bằng con đường đó phục vụ cho đất nước.
b) Xác định chức năng xã hội của các ngành khoa học đó là cung cấp những tri thức chính xác làm cơ sở cho việc vạch đường lối và xây dựng thực tế.
c) Tổ chức đội ngũ. Phân công giữa trường ĐHTH và các Viện thuộc UBKHXH, giữa trường ĐHTH, UBKHXH và các cơ sở khác để tránh tình trạng người đã ít lại làm cùng một việc. Cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ, bổ sung người để mở ngành mới hướng mới . Điều đó lại càng quan trọng khi khoa học xã hội của ta lạc hậu, thiếu hẳn những ngành mới , phục vụ thực tế đắc lực.
Cũng cần chú ý đào tạo thế hệ nối tiếp một cách liên tục. Đầu tư thích đáng để đào tạo nhanh hơn, giành thời gian có ích dài hơn. Nên quy định tuổi chậm nhất để làm nghiên cứu sinh là 25 chẳng hạn, tránh tình trạng lấy được bằng Phó tiến sĩ thì tuổi đã về già.
d) Giải quyết được những việc đó thì có thể chờ đợi những bước tiến vững chắc, những kết quả dầu nhỏ cũng là đáng tin cậy, khỏi có tình trạng hoạt động khoa học của ta hiện nay là theo hướng bột phát và theo dịp khánh tiết. Cứ đến một dịp kỷ niệm nào đó thì ban Tổ chức nhận được rất nhiều báo cáo khoa học nhưng cái nào cũng là xào xáo, viết vội vàng, vô thưởng vô phạt. Chính người viết cũng không tiếp tục quan tâm đến nó; đến một dịp khác lại viết vấn đề khác , có khi là ở một ngành khoa học khác. Khoa học như thế không phải là một công việc nghiên cứu liên tục và có tổ chức.
III.Các ngành khoa học xã hội của ta tuy ra đời chưa lâu nhưng tập trung nhièu sức lực nên đã làm được nhiều về phương diện nghiên cứu dân tộc. Nhưng theo tôi, ở đây, khoa học xã hội của ta có nhược điểm là nghiên cứu cô lập. Tôi nói cô lập với hai nội dung:
1)                Cô lập đối tượng nghiên cứu, không nhìn Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới xung quanh.
2)      Cô lập tổ chức nghiên cứu, không tranh thủ quan hệ, trao đổi với những người nghiên cứu về Việt Nam ở các nước khác.
Sự cô lập như vậy làm cho ta chỉ biết ta, ta nói ta nghe nhiều khi nói những chuyện lạ lùng đầy khí vị sô vanh.
Một nhược điểm nữa cũng rất lớn là tuy ta ở trong khu vực Đông á và Đông Nam á là những khu vực đang phát triển rất nhanh chóng, được cả thế giới quan tâm theo dõi, lại có rất nhiều điểm tương đồng với ta, thế nhưng chúng ta hiểu biết rất ít, thậm chí rất sai về các nước đó. Ngay cả đến Trung Quốc, Lào, Căm Pu Chia, Thái Lan, hiểu biết của chúng ta cũng rất mỏng.
Muốn là hữu ích và không dị dạng, chúng ta cần nỗ lực nhiều để nâng khoa học xã hội của ta lên trình độ khoa học và hiện đại, khắc phục tình trạng nói lại sách vở nước ngoài, xào xáo từ chương để đi vào nắm bắt, phát hiện các vấn đề thực tế và giải quyết nó, tìm tiếng nói chung với khoa học xã hội các nước khác. Muốn thế, không những cần thu thập thông tin, trang bị phương tiện, xây dựng đội ngũ mà cần mở rộng quan hệ trao đổi, hợp tác, cần có trình độ khoa học cơ bản cao hơn, mới hơn mới giải quyết nổi các vấn đề thực tế, mới tránh khỏi tình trạng bất lực vô bổ.
Phải chăng cũng nên nghĩ đến cả việc phát triển các hội, các câu lạc bộ để tham gia nghiên cứu?
 
6/5/1988
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445897

Hôm nay

2112

Hôm qua

2285

Tuần này

21506

Tháng này

212156

Tháng qua

120141

Tất cả

114445897