Người xứ Nghệ

Thầy tôi - Tiểu khúc thứ tư: Vĩ thanh

 

 

VHNA: Hôm nay là ngày giỗ thầy - Gs Nguyễn Tài Cẩn [23 tháng Giêng]. VHNA đăng bài viết của Gs Đinh Văn Đức để tưởng niệm thầy và hy vọng qua bài viết này chúng ta có thể hiểu thêm về ông - Gs Nguyễn Tài Cẩn và các trí thức cùng thế hệ  đã sống và làm việc như thế nào giữa bao khó khăn của một thời gian khó.

Thế là thầy tôi đã qua đi một giỗ. Con chim đại bàng của khoa học nhân văn nước nhà ngừng vỗ cánh để lại bao thương tiếc. Đám tang thầy ở xứ Nghệ năm ngoái đúng theo kiểu nhà quê chân chất, cũng cờ đèn kèn trống từ nhà thờ họ trong xóm đến nghĩa trang. Nhưng ngạc nhiên nhất là những người nông dân nghèo, chất phác huyện miền núi Thanh Chương, trong khi chả biết gì về ngôn ngữ học, nhưng nghe tiếng thầy đã kéo cả ngàn người đứng trên tỉnh lộ 46 để tiễn đưa người đồng hương nổi tiếng. Đám càng đông càng dài/ Càng dài càng dài mãi (Thanh Hải); Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người (Đỗ Trung Quân). Thầy tôi đã "lớn nổi thành người" với quê hương.

Có lần, một bạn hỏi tôi: “Tại sao trong tiểu khúc thứ nhất viết về thầy (1996) ở bài thơ Kính thầy, tôi lại có câu: Trà rót minh niên buồn cố sự/  Bính Dần lòng đạo chẳng pha phôi. Tôi im lặng. Rồi giải thích: "Có được câu này là nhờ vào một tứ thơ cực hay của Quách Tấn: Mây trôi, cố sự lòng man mác/ Trà rót minh niên chén ngậm ngùi (1993). Nhưng với thầy Cẩn thì tôi muốn chia sẻ: “Những giọt nước mắt đời không thấy” (**) trong những năm tháng làm khoa học của thầy, bởi lẽ đã có những sự tình không phải đơn giản với chặng đời đã qua của thầy cho đến khi thầy Thất thập (1996).

Cuộc đời thầy tôi là cuộc đời phong phú của một nhà khoa học nhân văn tài ba nhưng không phải là lúc nào cũng suôn sẻ, không phải lúc nào cũng được người đời hiểu  và thông cảm đầy đủ cho. Nhưng lòng “đạo” của thầy thì nhất quán.

Đang tính học cử nhân sau khi đỗ tú tài, ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thầy đã rời Hà Nội về Nghệ tham gia hoạt động ngay từ cuối năm 1946 theo chỉ đạo của người anh cả (sau đó là liệt sĩ). Thầy làm công tác dân vận, từ Nông hội đến Tuyên truyền khu ủy… GS Đặng Thai Mai đã chuyển thầy sang giáo dục phổ thông (1949) rồi dự bị đại học (1952).

Là người đầu tiên được cử làm chuyên gia tiếng Việt ở Liên Xô (1955), may mắn được rơi vào một môi trường học thuật tốt: Trường ĐH Tổng hợp Leningrad, thầy đã có cơ hội vừa giảng dạy vừa tự học một cách hệ thống, vừa nghiên cứu với hết khả năng khi gặp dịp. Thầy đã vinh dự là người tốt nghiệp Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên ở Liên Xô với đánh giá rất cao với đề nghị sớm chuyển thành Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ Khoa học), nhưng do công việc, thầy cần  trở về nước gấp để thay cho cho thầy Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội xuất ngoại.

Được tiếp xúc với những tư tưởng và kĩ năng khoa học tiên tiến đương thời, thầy phấn khởi và hăm hở đem sự nhạy bén, tài năng trí tuệ đóng góp về cho đất nước với mong muốn nhanh tay xây dựng nền ngôn ngữ học nước nhà lúc khởi đầu.

Tư duy của thầy có khác. Thầy không muốn đi theo lối mòn trong việc xây dựng một cơ ngơi mới là ngôn ngữ học. Thầy muốn đi tắt đón đầu như cách mà nay ta hay nói. Theo thầy, khoa học nếu đi theo lối mòn thì không bao giờ đuổi kịp quốc tế còn đi tắt đón đầu thì phải có tầm nhìn, có năng lực và phải biết tổ chức, lại phải có thông tin, và nhất là phải được sự đồng thuận. Thầy tôi biết tất cả những khía cạnh phức tạp đó. Tuy nhiên, nhiệt tình đóng góp không ngăn nổi ông thực hiện những mong muốn mà ông hằng ấp ủ khi ở nước ngoài. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi thầy về làm việc vào đầu thập kỷ 60 tuy mới thành lập 5 năm nhưng đã thừa kế được một truyền thống lâu năm của đại học Việt Nam xưa, với những giáo sư danh tiếng mà một số tên tuổi ngày nay đã trở thành huyền thoại. Trong không khí ấy lẽ ra sẽ rất thuận cho thầy tìm cách vận động phát triển và đổi mới.  Thầy bắt tay tổ chức đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học bằng những hành động rất cụ thể. Các hội nghị khoa học lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia không chỉ của các giáo sư, các thầy lâu năm mà có cả cán bộ trẻ và các sinh viên. Có những báo cáo khoa học đã làm cho nhiều người ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy sinh viên lại tham gia vào những hội nghị khoa học bình đẳng với các thầy ở trong một môi trường cởi mở. Thầy khuyến khích các năng khiếu khi chọn những báo cáo của cán bộ trẻ viết bài có chất lượng. Tôi nhớ năm ấy (1962)  cô giáo Hoàng Thị Châu mới tốt nghiệp ở Liên Xô về nhưng đã có một  bài nghiên cứu rất tốt khi bước vào khoa học. Đó là bài Bàn về nguồn gốc một số tên sông ở Đông Nam Á (bài báo đến nay vẫn coi là có giá trị). Thầy Cẩn  đã quyết định cho đưa ra báo cáo trước hội nghị toàn trường.

Gs Nguyễn Tài Cẩn chụp ảnh lưu niệm với BTV, PV, CTV tạp chí VHNA

Thầy thấy đại học ta khuôn sáo quá, vẫn theo cung cách cũ tức là người thầy thì giảng còn học trò thì ghi một cách thụ động, cái mà chỉ có ở trường làng xưa, cho nên thầy quyết định tổ chức các seminar thảo luận nội dung các bài giảng, cho sinh viên tranh luận. Việc công bố các kết quả nghiên cứu được coi trọng. Thầy  chọn những sinh viên có năng lực ngay từ năm thứ 2 để bồi dưỡng tập sự nghiên cứu khoa học. Nhờ khả năng tổ chức giỏi giang và tính chuyên nghiệp trong hoạt động, thầy đã xốc được phong trào nghiên cứu trong sinh viên và cán bộ trẻ. Trong trình bày giới thiệu các tư tưởng khoa học, thầy luôn chọn lối nói cụ thể, đơn giản và dễ hiểu. Biệt tài trong nghệ thuật nói trước công chúng, thầy đã chinh phục nhiều học trò tình nguyện đi vào con đường Việt ngữ học. Để nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp thầy lại đề xuất việc cho sinh viên năm cuối làm khóa luận. Đây là hình thức mới mà trước đây chưa có ở đại học ta. Tất cả những cái mới đó được nhiều người hưởng ứng, hoan hỉ, thông cảm, chia sẻ. Nhưng cũng nhiều người không đồng tình vì ngại thay đổi và đã có những phản ứng tiêu cực vì động đến lợi ích cá nhân, thấy làm theo lối mới mình bị lu mờ,  vẫn muốn giữ  trạng thái “trong lớp, ông thầy là tất cả” theo lối cũ.

Và rồi thầy đã mang vạ.

Những phản ứng không đồng thuận lúc đầu còn nhỏ nhưng dần dần trở lên mạnh và đã có những tập hợp để ngăn cản. Thầy bắt đầu nhận ra tình hình không dễ nhưng với quyết tâm và kiên trì thầy vẫn tìm mọi cách để thực hiện từng việc nhỏ, nhưng mà sức cản ngày càng trở lên mạnh mẽ hơn và bắt đầu có những lời thị phi về những việc thầy  làm. Lúc đầu chỉ là những  phản ứng không đồng thuận,  không nhất trí nhưng dần dần thì tiến tới những nhận xét mang tính quy chụp. Việc thầy chủ trương cho sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp thì đã bị phê phán là chủ trương ấy chỉ nhằm nâng đỡ người giỏi, “đánh vào công nông” (?) bởi vì anh chị em cán bộ mới học xong từ các trường bổ túc công nông lên đại học thì làm sao mà biết nghiên cứu khoa học (!) và việc nâng cấp, hiện đại hóa các giáo trình theo kiểu mới, khuyến khích học ngoại ngữ,… thì cũng bị phê phán là phi thực tiễn, bắt chước nước ngoài, đưa những tư tưởng học thuật lạ lẫm vào trong giảng đường đại học (!),… Năm 1962, tại Đại hội Đảng ở trường bắt đầu có hiện tượng bè phái, lúc đó tư tưởng cấp tiến và bước đi bạo dạn, muốn đổi mới đối với một trường đại học bị phê phán là “hữu khuynh”. Là ủy viên thường vụ, thầy tôi, về sau, bị quy trách nhiệm cùng các GS Lê Văn Thiêm, TS Hoàng Tụy, tham gia dự thảo và ủng hộ một nghị quyết của Đảng ủy về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới cách thức giảng dạy trong nhà trường ĐH Tổng hợp. Cái nghị quyết năm ấy bị cho là không hợp thời, thậm chí bị quy là đi chệch ra khỏi đường lối và mang tính hữu khuynh. Một kết luận như vậy thật là nặng nề và đáng tiếc. Cuộc mất đoàn kết kéo dài ở Trường ĐHTH HN bắt đầu từ khoa Toán đã lan sang các khoa khác, ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của thầy Cẩn, và thầy phải tìm sách thoái lui. Nhưng cũng không xong. Trong những năm cuối cùng của thập kỉ 60, Khoa Ngữ Văn đã mất đoàn kết nghiêm trọng. Các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Tôn Gia Ngân, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Hàm Dương,… bị chụp mũ là nhóm người trong khoa có tư tưởng hữu khuynh và phải chịu trách nhiệm về lối đi của khoa. Mặc dầu thầy tôi không có bất cứ quyền lực nào ở trong khoa ngoài cương vị Chủ nhiệm bộ môn.  Từ sau năm 1964, thầy còn khốn khó vì bị nghi ngờ là có tư tưởng xét lại theo cái logic  của một số người: Thầy lấy vợ người Nga, vậy thì thầy hữu khuynh “theo xét lại" là cái chắc. Trong khi đó, cô Nonna Stankevich - vợ thầy, nhất quyết đòi ở lại Việt Nam thời chiến theo nguyên tắc “xuất giá tòng phu”, cô đồng cam cộng khổ trên núi rừng Việt Bắc suốt bốn năm, chia sẻ gian nan với khoa chúng tôi. Còn bảo rằng thầy Hoàng Hữu Yên hữu khuynh thì chúng tôi mới lấy làm lạ. Dưới con mắt trẻ chúng tôi hồi đó, thầy Yên là một người tả khuynh, rất tả khuynh nữa bởi vì ông là người nông dân xứ Nghệ, có tính thẳng thắn nhưng mà rất gia trưởng và khá cứng rắn trong quản lí khoa nên anh em vị tất đã hài lòng cách xử thế đôi khi cứng nhắc của thầy.

 Năm 1970, cuộc  phê phán hữu khuynh ở ĐH Tổng hợp Hà Nội đã kết thúc như một bi kịch với sự phải ra đi khỏi Trường của hai nhà toán học nổi tiếng là GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy. Đây chính là những nhà toán học xuất sắc nhất của đất nước ta thời bấy giờ (và cho cả đến ngày nay). Mấy khoa khác cũng như vậy. Riêng khoa Ngữ Văn thì thầy Tôn Gia Ngân và thầy Hoàng Hữu Yên cũng phải ra đi (người thì về Đại học Sư phạm người thì về Bộ Đại học) theo những áp lực rất lớn của nhiều phía. Chúng tôi chờ đợi đến lượt thầy Trần Đình Hượu và thầy Nguyễn Tài Cần, chắc hai thầy cũng sẽ phải như thế, nhất là sau các cuộc họp phê phán mang không khí đấu tố nhằm vào các thầy vào tháng giêng năm 1970 ở hội trường tầng 4 Khoa Tiếng Việt. Chỉ mỗi thầy Nguyễn Hàm Dương là không sợ, thầy công khai nói:  "Chúng tôi chả có sai gì, chỉ muốn cho khoa tốt lên, mạnh lên thôi. Còn nói hữu khuynh à? Khi tôi 16 tuổi đầu, ôm cây chuối bơi qua sông Mekong theo Hoàng thân Xuphanuvông, rồi ở tù bên Thái Lan vì đi chở vũ khí trên biển về Nam Bộ đánh Pháp sống chết suốt mấy năm…, nay các anh lại bảo là  hữu khuynh à? Có giỏi thì gác bút giấy lại, xin vào Nam mà chiến đấu đi mấy ông tiểu tư sản ạ”. Thầy hơi có vẻ công thần nhưng nghĩ lại, thầy đã nói đúng.

Nhưng rồi bỗng như có một luồng gió từ đâu  đến, tình hình dần  trở nên khác đi. Thầy Trần Đình Hượu vốn là người rành lịch sử tư tưởng cổ, có triết lí của nhà Nho khi bị quy chụp là duy tâm thầy đã bỏ về bên Gia Lâm, mua mảnh vườn làm một ngôi nhà tre ở tận Trâu Quỳ để điền viên. Thầy vể rất lâu không thấy đến khoa trừ khi có giờ dạy và người ta cũng dường như quên mất thầy. Cũng chính trong những năm tháng đó GS Trần Đình Hượu đã dồn tâm sức đọc sách, làm khoa học riêng và đã viết nên cuốn sách sau này có giá trị rất cao: Tư tưởng Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống được Giải thưởng Nhà nước (2000).

Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì phải chịu nhiều áp lực hơn. Có lúc thầy đã hở ra: “Chắc tôi sẽ phải đi khỏi trường, còn thì chưa biết về đâu, các ông trẻ ở lại gắng chèo chống qua cơn bĩ cực”. Riêng tôi thì đinh ninh thế nào thầy cũng phải rời khỏi Khoa Ngữ Văn với sự nghiệp ngữ học dang dở ở đây.

Tuy nhiên,  tình hình lại không như thế. Trong lúc không khí trong trường và khoa còn đang khá căng thẳng với nhiều áp lực hướng vào thầy Cẩn, thầy Hượu thì như  có một sự tình bất ngờ diễn ra.

Vào sáng ngày mồng 1 tháng Giêng năm 1971, anh em công đoàn khoa chúng tôi đến nhà thầy chúc tết Dương lịch cô Nonna, vợ thầy. Chúng tôi tặng cô hoa, uống nước chè với kẹo và chuẩn bị ra về thì bỗng thấy có những người lạ mặt ngõ cửa và bước vào. Chúng tôi được yêu cầu không ra khỏi nhà thầy Cẩn vội và chờ thêm một lúc nữa ở phòng phụ (chỗ gara cũ). Mấy phút sau thì có một chiếc Vonga đỗ ở cửa và từ trên xe bước xuống một người. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng cười tươi, ôm một bó hoa, xách một chai rượu và hộp bánh vui vẻ đi vào nhà và trong lúc thầy Cẩn và cô Nonna lúng túng ra đón. Thủ tướng hỉ hả vào phòng khách ngồi nói chuyện với gia đình thầy Cẩn trong khoảng bốn mươi phút, còn chúng tôi thì lưu lại nhà thầy mà hết sức ngạc nhiên. Sao trong tình thế này Thủ tướng lại đến nhà một nhân vật mang tiếng hữu khuynh, mà lại với một nụ cười hể hả và bó hoa giơ cao về phía chúng tôi. Lúc đó được giải thích là Thủ tướng đến để cảm ơn bà Nonna V. Stankevich đã tham gia dịch rất tốt bản Di chúc của Bác Hồ sang tiếng Nga. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng đằng sau đó còn có ẩn ý nào đó của một bậc trí thức lớn, đầy thâm thúy và nhân ái.

Tin về sự xuất hiện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở nhà thầy Cẩn vào thời điểm đó đã nhanh chóng lan ra các nơi. Ban Khoa giáo, Bộ Đại học rồi Trường ĐHTH HN  cũng không khỏi ngạc nhiên và tự nhiên sau đó người ta như bắt đầu thay đổi thái độ đối với thầy Cẩn.

Không lâu sau đó, thầy Cẩn nhận được một giấy triệu tập của Ban Khoa giáo biệt phái thầy lên công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng một thời gian, tại ngay Ban Khoa giáo, để làm công việc thường trực ban chỉ đạo biên soạn bộ sách Ngữ pháp tiếng Việt của Nhà nước. Văn phòng Khoa giáo lúc đó do ông Trần Quang Huy, hạ cấp của ông Tố Hữu, phụ trách. Năm trước,  chính từ văn phòng  ông  Huy đã phát ra mệnh lệnh cứng rắn về cuộc phê phán tư tưởng hữu huynh ở Đại học Tổng hợp, nay tự dưng thầy Nguyễn Tài Cẩn lại lên làm việc ngay dưới trướng ông Huy điều đó khiến chúng tôi rất lấy làm lạ. Hai ba mươi năm sau chúng tôi mới hiểu được câu chuyện: Trong không khí căng thẳng lúc đó, người đã thuyết phục ông Trần Quang Huy và các vị lãnh đạo Khoa giáo có cách ứng xử với thầy Cẩn hợp lí hơn chính là GS Nguyễn Khánh Toàn và GS Đặng Thai Mai. GS Toàn và ông Huy đều là ủy viên trung ương dự khuyết khóa III, một người thì ở Khoa giáo, một người là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. GS Nguyễn Khánh Toàn đã nói với ông Trần Quang Huy: “Tôi bảo đảm với anh, Cẩn không có gì hữu khuynh cả đâu. Nó là người cộng sản có tài, có bản lĩnh, đã được thử thách cho nên nếu các anh bên đó không dùng thì để mình dùng, cho Cẩn về chỗ mình. Anh Đặng Thai Mai cũng rất ủng hộ việc này”. Ông Trần Quang Huy phân vân nhưng sau đó vẫn quyết định giữ thầy Nguyễn Tài Cẩn biệt phái về ban Khoa giáo làm việc để tìm hiểu thêm. Cùng các thầy Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản và  một chuyên viên về Văn học là ông Tạ Phong Châu ở Bộ Giáo dục, thầy Cẩn làm việc khoa học rất cần mẫn và năng động tại ban tu thư cấp cao này với những cuộc trao đổi rất thẳng thắn về khoa học, thậm chí đấu tranh với nhau về những quan điểm học thuật, nhưng chính qua đó, ông Huy đã thấy thầy thật sự giỏi và có tâm huyết, có ý thức rõ ràng. Nhận thức của ông Huy đối với thầy Cẩn đã dần dần thay đổi. Năm sau đó, trước khi thầy Cẩn mãn việc và trở lại trường, ông Huy đã hỏi thầy Cẩn: “Bây giờ chúng tôi muốn bố trí anh  một công việc quản lí ở trong địa hạt khoa học xã hội, anh nghĩ thế nào?" Thầy Cẩn đã đáp: “Dạ thưa anh, không phải chuyện “kinh cung chi điểu” (con chim sợ cành cây cong) nhưng xin được cảm ơn anh và mong được trở về cương vị giảng dạy như dạo trước. Giảng dạy và nghiên cứu là sở trường của tôi”. Thầy trở về Khoa làm việc một cách thanh thản và vui vẻ, không một lời trách móc, ai nhắc lại cố sự, thầy chỉ im lặng… cho đến bài diễn văn ngắn đọc ở Đại học Quốc gia năm 2000 khi thầy nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh . Nhớ hồi ở Khoa giáo, chắc do ông Trần Quang Huy kể về thầy, có lần ông Tố Hữu nhắn thầy qua văn phòng gặp nhà thơ, nhưng thầy thoái thác xin để dịp khác. Khi ông Tố Hữu về hưu lại nhắn thầy tới chơi. Khi này thì thầy đạp xe lên nhà, gặp nhà thơ và được Tố Hữu đón tiếp ân cần. Thầy ngồi khá lâu, chỉ đàm đạo chuyện văn chương. Cuối buổi nhà thơ buông một câu hỏi gợi: "Chuyện xưa, anh Cẩn nhớ chuyện chi nhất?" Thầy cũng hơi bất ngờ nhưng trong giây lát, thầy thưa: “Dạ, nhớ nhất là lần anh nói chuyện ở khu bốn năm 47, anh ví thằng Tây nay tìm cách chiếm lại nước ta theo kiểu người ta tét bánh, lấy lạt tét từng miếng để rồi ăn cả chiếc,… anh được mọi người hoan hô”. Ông Tố Hữu trầm tư nói:  "Nhớ dai hị”. 

Cuốn sách Ngữ pháp tiếng Việt mà thầy cùng với tập thể soạn ở Ban Khoa giáo mất hơn ba năm mới xong, nhưng phải mười năm sau mới xuất bản được (1983). Cuốn sách ấy, cho đến ngày hôm nay vẫn được đánh giá là công trình chỉn chu, thể hiện được khá đầy đủ đặc trưng của tiếng Việt và bám sát những quan điểm học thuật ngôn ngữ học tương đối hiện đại đương thời. Đặc biệt là trong sách đã có thể hiện những tư tưởng ngôn ngữ học Đông phương mà thầy Cẩn đã tâm huyết từ hai chục năm trước để vận dụng vào nghiên cứu Việt ngữ học, theo đó tiếng được coi là đơn vị cơ sở của ngữ pháp tiếng Việt.

Sau khi trở về trường (1973) thầy Cẩn bắt đầu chuyển địa hạt nghiên cứu. Thầy chuyển sang nghiên cứu lịch sử tiếng Việt trên cả phương diện ngữ âm, từ vựng, lịch sử, văn tự,… trong đó ưu tiên cho ngữ âm và văn tự và từ nguyên. Mùa hè năm 1972, như chúng tôi đã có dịp kể, trong một dịp đi giảng bài ở Tổng cục Thông tin tại huyện Phúc Thọ, thầy đã phát hiện ra bộ ván khắc thời Lê sơ ở Linh Tiên Quán xã Phụng Thượng. Bộ ván khắc ấy có bài Cao thượng ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh đã cho thầy nhiều ý tưởng trong loạt bài công bố về Hán Nôm.

Thấy Cẩn cùng các học trò cũ thăm đền thờ Quang Trung ở TP Vinh

Mười năm sau, vào năm 1983, thầy cho xuất bản công trình Một số vấn đề về chữ Nôm với sự cộng tác của cô Nonna, tiếp tục cho cho sản phẩm ngôn ngữ trên phương diện ngôn ngữ học lịch sử mà thầy bắt đầu từ một thập kỉ trước mà  mở đầu là cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt (1979), sau một thập kỉ nữa, vào năm 1995, thầy cho xuất bản tập sách  Một số vấn đề về Ngữ âm lịch sử tiếng Việt.  Các công trình Lịch sử  tiếng Việt của thầy là những tài liệu hết sức quý được quốc tế biết đến và trân trọng, các sách vừa mang tính lí luận vừa mang phong cách nghiên cứu rất đặc sắc của thầy. Biết thầy có những nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc như vậy, năm 1984 khi GS Nguyễn Đổng Chi - Viện phó Viện Hán Nôm - qua đời thì GS Nguyễn Khánh Toàn đã có ý mời thầy về làm Viện trưởng nhưng thầy đã cân nhắc và  từ chối,  đồng thời thầy đã giới thiệu một người học trò về tham gia vào ban lãnh đạo của Viện. Thầy tâm sự với tôi: “Mình không dám chê thiện ý của cấp trên nhưng mà tính đi tính lại, không nhận được Đức ạ.  Kinh nghiệm cho thấy tính mình ham khoa học, ham chuyên nghiệp hóa các hoạt động, mình mà đã nhận việc gì trong quản lí khoa học thì cũng nghĩ ngay đến việc đề ra những ý tưởng mới, tìm cách tiếp xúc quốc tế để tìm các thông tin, cải tiến cách làm việc và chính quy hóa các hoạt động. Nhưng như thế ở ta không ổn vì sẽ đụng chạm đến nhân sự và lợi ích của người này người khác, rồi lại sinh sự ra. Anh em ta vốn cầu toàn theo kiểu an phận cho nên ngại thay đổi cho nên mình thay đổi sẽ gây xung đột và mang vạ nữa, cho nên thôi, đành vậy hãy làm khoa học cho tốt theo sở trường của mình. Từ nay đến cuối đời, trời cho sống được bao nhiêu thì mình sẽ gắng theo cái hướng đó thế sẽ an lành hơn và cũng hợp lẽ hơn”. Đó là những lời gan ruột thầy bộc bạch ngay trước Đổi mới.

Mới nói với tôi tuần trước, thì tuần sau thầy nhận được lời mời của Tập đoàn truyền thông Asahi ở Nhật Bản mời thầy sang dự cuộc hội thảo quốc tế lớn do tập đoàn tài trợ với tiêu đề: “Tiếng Hán và chữ Hán trong khu vực”. Họ đã tìm đúng chuyên gia,  thầy hỏi tôi có nên đi không, tôi nói: “Nên đi quá đi chứ thầy, vấn đề là liệu Bộ ta và cấp trên có cho thầy đi không vì vấn đề này có nhạy cảm khi quan hệ giữa ta với Trung Quốc đang lúc không suôn sẻ. Sang Nhật họp về chuyện Hán em không rõ người ta có đặt vấn đề gì không”. Thầy nói “Tôi xuất phát từ khoa học, vào lúc chiến tranh biên giới nổ ra năm 79 tôi vẫn mạnh dạn đề nghị cấp trên cho in cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt  mà trên cũng đã thấy có lợi cho nên đã cho xuất bản và sách đã gây được tiếng vang trong giới khoa học thì bây giờ tôi nghĩ đi bàn thảo với ông Hashimoto (nhà Hán ngữ học nổi tiếng của Nhật) có gì phải ngại”. Tôi an tâm vì thấy thầy đã có thay đổi trong nhận thức và cách xử thế cũng thật là linh hoạt.

Rồi thầy đi Nhật họp. Tôi tiễn thầy và đón thầy ở Nội Bài. Thầy khệ nệ xách một cái quạt máy nặng từ Nhật về và nói rằng đây là quà tặng cho bà Nonna vì dạo nọ ban đêm trộm vào nhà phang tôi chảy máu đầu cũng chỉ cốt lấy cái quạt, cho nên bây giờ tôi mang cái quạt Nhật về thì chắc bà ấy mừng lắm. Cũng lại là một cách suy nghĩ rất riêng của thầy.

Mùa thu năm 1985, tôi được nhà trường điều động về làm Chủ nhiệm khoa Tiếng Việt (thay thầy Hoàng Trọng Phiến). Thầy Cẩn ủng hộ tôi không phải vì chuyện quyền hành gì mà thầy muốn tôi đem một tư duy mới của ngôn ngữ học về một khoa thực hành tiếng mà lâu nay anh em ta chỉ có thói quen giảng dạy theo lối truyền thống. Nhưng thầy cũng băn khoăn và nói với tôi: “Đức cẩn thận nhé, nhớ nhìn trước nhìn sau và thận trọng trong mọi hành động, nhất là với các anh chị lớn tuổi và những người chưa được đi học tập ở nước ngoài. Muốn thay đổi một phương pháp không dễ,  cho nên cứ từ từ làm được đến đâu thì chắc đến đấy”.

Tôi nghe lời thầy, nhưng thực tế ở khoa này còn phức tạp hơn thế rất nhiều, và mỗi lần gặp điều phức tạp thì tôi lại nhớ đến lời thầy dặn. Tôi rất hiểu anh chị em trong khoa rất vất vả, là những người không được học nhiều về lí luận, lại có nguồn cán bộ rất khác nhau, chỉ thực hành tiếng theo kinh nghiệm bản thân và cùng lúc phải làm nhiều nhiệm vụ: dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào và Campuchia,  sang dạy tiếng Việt tại nước bạn Campuchia. Anh chị em rất vất vả, lo ăn, lo mặc, họ không có thì giờ để nghĩ đến nghiên cứu, càng không có thì giờ để nâng cao chất lượng. Nguồn lực cạn kiệt, ý muốn thì có nhưng lực bất tòng tâm không thể làm gì nhiều hơn, ngay cả muốn viết lại cuốn giáo trình theo lối mới hay dạy thí điểm theo một phương pháp mới cũng thật không dễ. Tôi đã hết sức cố gắng nhưng phần thành công chẳng là bao, lại còn phải lo cơm áo gạo tiền vào thời cuối bao cấp và "đêm hôm trước" của đổi mới. Tôi phải  lo từng đồng tiền bát gạo, lo vá từng cái màn thủng của sinh viên nước ngoài, tìm từng chiếc chiếu lành cho họ nằm và thậm chí còn phải tổ chức gánh nước để đổ vào bể chứa những hôm mà bể của sinh viên hết nước. Thật là những năm tháng đáng nhớ.

Thầy luôn động viên tôi, thỉnh thoảng thầy đi chợ rồi rẽ qua nhà và hỏi tôi về công việc và góp cho đôi ý. Thầy nói: “Mục tiêu không được thay đổi, có điều có lúc phải đi đường thẳng, có lúc thì phải đi đường vòng, có lúc phải đi đường dích dắc. Đức là người được đào tạo cơ bản được trong môi trường chuyên nghiệp cho nên cố gắng bằng mọi cách dầu chỉ là công việc rất nhỏ, rất thông thường thôi, nhưng mà phải luôn luôn  nghĩ đến đổi mới tìm cách giúp khoa chính quy hơn”. Thật là cảm động  khi thầy còn dặn tôi là phải liêm khiết, nghèo nhưng không được tham vặt, dầu là bao thuốc lá hay cái kẹo vì môi trường Đức làm việc với bạn nước ngoài, đôi khi người ta cũng cho mình cái này cái nọ, dầu là nhỏ nhưng mà mọi cái cần minh bạch. Tôi thấm thía điều ấy. Thầy cũng  dặn dò không chỉ tôi và cả một vài học trò khác mà thầy quý mến, vì vậy vào những lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn tìm cách thấu hiểu chia sẻ cái nghĩa bạn bè trong những tháng năm gian khó.

Từ khi có Đổi mới, tâm lí thầy  nhẹ nhõm hơn. Thầy vẫn hết lòng, hết sức làm việc. Tôi thấy không lúc nào thầy ngơi công việc, không làm việc cá nhân thì làm việc với các cơ quan bạn lúc thì Viện Ngôn ngữ, lúc thì Viện Hán Nôm, lúc thì hội thảo này, hội thảo khác,… thầy gầy rộc vì ăn uống không đủ, da xanh tái, nhiều khi thầy hút thuốc liên tục. Tôi cũng can ngăn thầy, lâu lâu để dành được chén rượu hay chút gì tôi cũng muốn biếu thầy, nhưng thầy luôn  nói với tôi: “Tình cảm là cái lớn hơn, ông về chăm sóc vợ con và lo cho nhà đi. Tôi tuy vậy so với anh còn là khá hơn nhiều thứ đấy. Thực ra thầy nói cho yên lòng, bữa ăn của thầy quá đạm bạc. Tôi có cảm giác thầy luôn luôn thiếu ngủ, không chỉ vì thức khuya dậy sớm mà còn suy tư thế sự. Có lúc tôi  nói  thầy cẩn thận kẻo lao phổi. Thấy đùa lại lao phổi ngày xưa khác, còn lao phổi nay có thuốc để uống khỏi được rồi. Trong thời gian tôi làm ở Khoa Tiếng Việt thì vợ tôi đi học vắng nhà. Thầy dường như hàng tuần, ban đêm khoảng chín giờ, biết các cháu đã đi ngủ thầy thường đạp xe rong các phố rồi ghé vào nhà tôi (lúc ấy ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài). Thầy gác xe vào nhà ngồi. Tôi biết ý pha một ấm trà đặc mời thầy uống. Có lúc thầy khen ngon. Có lúc bảo cho thật nóng vào. Có lúc không nói bất kì chuyện gì, chỉ ngồi yên một lúc hút thuốc, uống nước rồi về. Cũng có lúc chuyện trò sôi nổi. Thầy không chỉ động viên, hướng dẫn tôi về chuyên môn mà còn luôn tìm cách giáo dục rèn luyện tôi về nhân cách, bản lĩnh.

Một hôm, năm 1986, thầy ghé vào Khoa Tiếng Việt, nét mặt buồn buồn. Thầy hỏi tôi: "Anh Bửu (GS Tạ Quang Bửu) mất rồi, quàn ở Bách Khoa. Tôi tính đi viếng anh nhưng không biết đi với ai. Nếu ông có đoàn đi viếng thì cho tôi ké vào. Anh Bửu là nhà trí thức lớn, đáng trọng lắm”. Hiểu ý thầy, tôi sắm vòng hoa, đề tên cơ quan rồi hai thầy trò đi viếng. Lúc ra, tôi hỏi thầy có ghi sổ tang không, thầy bảo: “Anh Bửu là kiểu người để trong tâm chứ không phải viết ra giấy”.

Có cả chuyện riêng mà nếu không có thầy thì tôi đã đi sai hướng trên những thang giá trị mà mình đã chọn. Tôi vẫn còn nhớ trong thời gian tôi làm chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (vào khoảng độ 1986-1987), do quen biết một vài vị quan chức ở  Bộ, có ông thấy tôi được việc, muốn xin tôi về làm ở Vụ Hợp tác Quốc tế. Thời đấy vụ này được coi là một vị trí rất khả dĩ, vì có nhiều dịp tiếp xúc với quốc tế và có cơ hội được đi ra nước ngoài, dầu chỉ là những chuyến ngắn ngày. Sau đó ít lâu, ông vụ trưởng vụ tổ chức, một người đồng hương khả kính của tôi, cũng ngỏ ý với ông hiệu trưởng xin tôi về bộ để làm việc ở một vụ đang còn thiếu người. Có những gợi ý mời mọc, tôi cũng cảm thấy phấn chấn vì được có người để ý đến, và lúc ấy tuổi ngoài bốn mươi nên cũng có hăng hái mong thăng tiến (?) nên đã có lúc xiêu lòng và muốn thay đổi công việc. Một hôm tôi tìm đến thầy Cẩn thỉnh ý. Ngồi ngoài hiên, trời vào thu không nóng lắm, nhưng thầy đưa cho tôi cái quạt mo bảo quạt đi. Rồi thầy lặng lẽ nghe tôi nói cho hết. Nghe xong thầy chẳng nói gì, chỉ rút thuốc lá hút rồi đọc một mình câu Kiều:

                              Sao bằng lộc trọng quyền cao,

                              Công danh ai dễ dứt nào cho qua.

Là học trò gần thầy tôi hiểu ngay đó là lời trách của thầy. Cái quạt mo thầy đưa là để cho đầu tôi bớt nóng và tĩnh tâm lại. Chắc thâm tâm thầy trách tôi lắm. Bao nhiêu năm công lao thầy bỏ ra đào tạo để hướng tôi thành chuyên gia, giảng viên ngôn ngữ học, nay bỗng chốc tôi… dễ dãi bỏ qua để theo chút quyền lực hành chính nhỏ nhoi. Là người tế nhị, thầy đặt tay lên vai rồi nói với tôi: “Chuyện ông vừa nói với tôi cũng cần phải suy nghĩ đã”. Tối hôm sau thầy ghé tôi sớm hơn. Uống hết ấm chè, hút hết điếu thuốc, thầy ngồi thừ người rồi nhẹ nhàng khuyên tôi: "Bộ là cơ quan công quyền, dân chuyên môn chúng mình về đó e phức tạp lắm, xưa Nguyễn Du đã nói:

 Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.

Áo xiêm  buộc trói lấy nhau,

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi.

Sao bằng riêng một biên thùy..."

Thầy đọc hết câu này thì dừng lại. Tôi thoáng hiểu ngay ý của thầy. Thầy không những không bằng lòng mà còn khó chịu về cách suy nghĩ của tôi. Tôi lấy làm ân hận lắm. Nhưng mà cũng nhờ có cuộc nói chuyện ấy và mà tôi như được giác ngộ để hiểu ra cái điều: Mình đã tự nguyện chọn thang giá trị nào thì mình thì mình nên đi đến trọn đời bằng hết sức mình. Từ đấy, tôi yên tâm làm công việc học thuật và không có bất cứ mơ màng gì khác. Giấc mộng công hầu không còn ám ảnh hay làm tôi vương vấn  nữa. Cuộc đời trở nên thanh thản hơn, tự nhiên hơn và cũng gặt hái được nhiều hơn. Mỗi khi nghĩ đến chuyện cũ, tôi lại nghĩ ngay đến sự thâm thúy của thầy.    

Riêng về mặt lợi ích cá nhân thầy đã lặng lẽ nâng đỡ tôi. Năm 1990, Từ Paris,  qua một mẩu thư ngắn gửi về, thầy nhắn tôi sau 5 năm đã là đủ,  nên nghỉ quản lí Khoa Tiếng Việt, thầy đã giới thiệu tôi để Đại học Paris 7 mời tôi thỉnh giảng. Trong thư thầy nói: "Tôi đã thu xếp cho Đức xong việc này, nhưng tôi chỉ đặt cho ông viên đá đầu tiên thôi, còn sau đó thì Đức phải tự mà lo nhé. Gắng chuẩn bị ngoại ngữ cho tốt vào”. Quả thật như vậy, theo lời thầy, kể từ sau chuyến đi Paris năm ấy, tôi đã cố gắng để có dịp  lưu chân ở nhiều làng đại học quốc tế khác và tôi luôn nhớ lời thầy dặn (cái đích thì không thay đổi còn con đường để đi tới cái đích thì có thể tùy cơ).

Có lần tôi hỏi thầy: “Từ hồi  theo thầy đến giờ em thấy thầy khi vào cửa công hay khi đứng trước các nhà quản lí thầy thường hết sức mềm mỏng, thậm chí nhún nhường thế là thế nào hả thầy?" Thầy cười bảo: “ À, có gì lạ đâu ông, những nơi ấy đâu có phải sân nhà mình, ở sân nhà mình, mình muốn võ gì, muốn quyền gì thì mình múa, nhưng đây là sân nhà khác rồi tốt hơn hết đừng để cho người ta nghĩ mình là người quan trọng cả ”. Tôi thấm lời thầy, đúng là thầy hành xử theo kiểu Nho giáo.

Là người có tầm nhìn rất xa, có nhãn quan chính trị sâu sắc tuy không làm chính trị, thầy luôn truyền ngọn lửa tự lập, tự chủ cho học trò của mình. Có lần thầy bảo tôi:  "Muốn gì cũng phải mạnh, có tiềm lực thì mới tự chủ được, một quốc gia đã vậy, một con người cũng vậy thôi. Dựa dẫm là không xong, không được đâu, một khi chỗ dựa của mình vì lợi ích nào đó mà người ta thỏa hiệp thì mình sẽ nguy đầu tiên đấy, dễ “ mồ côi” lắm,  ca dao xưa đã chẳng nói là gì:

                                 Trời mưa bong bóng phập phồng,

                                 Mẹ đi lấy chồng , con ở với ai?"

Theo lời thầy, tôi nghiệm ra là lúc nào cũng phải cố gắng lên một tí. Trong sân nhà mình, sân khoa học, thì thầy đã đi hết tất cả đường quyền, vũ thuật của mình, nghiêm khắc với học trò, với đồng nghiệp miễn sao gặt hái được kết quả dạy và nghiên cứu cho tốt. Tuy vậy, thầy cũng  rất dân chủ và vui vẻ, dễ gần. Thầy đi đến đâu là có tiếng cười ở đấy (“ Cù như Cẩn”), và học trò nghe tiếng thầy giảng là xúm nhau để xem tài thao lược  sư phạm và cái vốn văn hóa rất cao của thầy.

Xưa nay, lẽ thường, những người ngang tài ngang sức thường ít phục nhau hoặc là còn đố kị, nhưng trường hợp thầy Cẩn cũng khác. Thầy và thầy Cao Xuân Hạo là hai người được coi như những bậc đầu ngành của ngữ học nước ta. Thầy Hạo là người cực kì sắc sảo, thông minh và nhạy bén, được thầy Cẩn luôn  tôn trọng và khen ngợi. Chúng tôi luôn được thầy nhắc: “Ông Hạo lí luận đại cương cực giỏi và uyên bác. Các ông phải tìm ông ấy mà học, ở nước ta ông ấy là người rất hiếm về năng lực ngôn ngữ học đấy”. Còn thầy Cao Xuân Hạo thì cũng hết sức trọng thầy Cẩn, ông luôn tuyên bố: “Anh Cẩn cực sáng suốt, là người đầu tiên mang lí luận Đông phương học về ứng dụng ở nước ta và đã “nội địa hóa” thành công lí luận, làm thay đổi cách nhìn cách nghĩ đối với tiếng Việt và Việt ngữ học. Riêng về phương pháp nghiên cứu và phương pháp sư phạm thì các cậu nhất thiết nên học và làm theo anh ấy”. Hai vị "tiên chỉ" của làng Việt ngữ học nói với nhau như vậy khiến chúng tôi biết điều về sự khiêm tốn và biết trọng thị nhau, gắng học hỏi nhau. Tôi nhớ  mùa thu năm 1977, tại Moskva, thầy Cẩn và thầy Hoàng Tuệ sang dự một hội nghị ngôn ngữ học quốc tế, lúc ấy anh Trương Đông San vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Từ vựng học. Trời tuyết lạnh, buổi tối thầy Cẩn và thầy Tuệ bảo chúng tôi đưa hai thầy từ Khách sạn Tháng Mười đến thăm anh Trương Đông San ở tận MGU. Anh San bất ngờ và vô cùng cảm động nói với hai thầy: “Em đang định khăn gói đến chào hai anh sao hai anh lại lặn lội đến tìm em thế”. Thầy Cẩn nói “Bây giờ ông thành ông nghè đầu tiên của ngôn ngữ học của nước ta, chúng tôi phải đến chào ông mới hợp lẽ”. Nói vậy nhưng trong câu chuyện thầy rất chân thành và nói với anh San: “Nay ông đã đỗ học vị cao nhất trong giới ngôn ngữ học nước nhà, trở về nước ông cố gắng làm sao tập hợp anh em làm được một vài việc hữu ích cho ngành ta, nhất là với anh em trẻ, như vậy cũng đã là quý lắm rồi”. Anh San ghé vào tai chúng tôi nói: “Đấy là các cụ đang nhắc khéo mình đấy, phải gắng thôi để các cụ tin cậy”. Anh San là một người hiền hậu, trung thực vui vẻ và cũng là người khiêm tốn. Qua đó, tôi cũng  rút ra được bài học cho chính mình. Với thầy Cẩn, bài học lớn nhất là giữ nhân cách và lao động hết mình. Trong học thuật phải  lưu ý đến từng chi tiết. Tôi nhớ cách đây mấy năm, trong một bài viết, nhân dẫn câu Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (Cây ngô đồng rụng một chiếc lá, thiên hạ đều biết mùa thu đến), tôi cao hứng chuyển thành câu lục bát:

                                     Ngô đồng một chiếc lá rơi

                                     Đó đây đều biết là trời sang thu

và tự cảm thấy bằng lòng. Gửi bài viết cho thầy để thỉnh ý, ít hôm sau thầy có thư góp ý: "Bài viết cũng được, câu thơ chuyển như thế cũng là được. Tuy nhiên chưa tiết kiệm.  “Theo tôi - thầy viết - hơi thừa chữ “là”, cho dù nó là từ nối hay từ tình thái. Nên thay vào đó bằng chữ “đất” nghĩa là “đất trời sang thu” thì tốt hơn. Nói trời sang thu cũng được nhưng mới là chỉ cái “tiết” chứ chưa phải cái không gian, còn “ đất trời” thì có chỗ cho cả cây ngô đồng, vả lại, “đất trời” càng củng cố cho hai chữ “ thiên hạ” mà Đức mới chỉ  gọi là “ đó đây”. Tôi thấy giật mình: Thầy kĩ tính và sâu đến từng chi tiết.

Trong đời, thầy chưa bao giờ được nhận bất cứ hình thức khen thưởng nào, nên vào năm 1997, khoa Ngôn ngữ học đã đề nghị nhà trường và Đại học Quốc gia xin Nhà nước tặng thưởng huân chương cho thầy. Nghe tin ấy thầy nói với chúng tôi: "Các ông cẩn thận đấy, không lại xui cho tôi, ở ta nhiều cụ sau khi được huân chương ít lâu là tịch. Năm trước, cụ Nguyễn Thúc Tư, bậc đàn anh của tôi ở Nghệ, vừa được thưởng xong là đi (!). Mới đây trên trung ương cụ Sáu cũng vậy".

Thầy đã nghỉ hưu 5 năm, trường và khoa ủng hộ nhiệt thành, nhưng theo nguyên tắc thì huân chương là phần thưởng phải bắt đầu từ mức thấp nhất cho nên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ đề nghị Nhà nước tặng cho thầy Huân chương Lao động hạng Ba. Chờ lâu chưa thấy kết quả,  bỗng một hôm có đại diện Bộ Giáo dục về trường nói rằng bà Phó Chủ tịch Nước sau khi xem hồ sơ của thầy thì không đồng ý kí quyết định thưởng. Mọi người ngạc nhiên, thì ông đại diện của Bộ giải thích là bà Phó Chủ tịch Nước đã nói: “Tôi biết rõ anh Cẩn, anh ấy phải nhận Huân chương Lao động hạng Nhất mới xứng, còn nếu trình huân chương Lao động hạng Ba thì tôi không kí đâu”.  Cho nên, Bộ ta phải về làm lại thủ tục. Hôm kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm ấy, thầy được được tặng thưởng Huân chương hạng Nhất. Anh Hà Huy Vui - con rể của thầy - phát biểu trong buổi lễ trao tặng (mà thầy vắng mặt): “Tôi rất mừng là cha vợ tôi được tặng thưởng Huân chương Lao động, với ông Huân chương Lao động là đúng nhất và Lao động hạng Nhất lại càng đúng ”. Tôi nghĩ đấy là một ý nghĩ trung thực và rất là hợp lí của một người làm khoa học (anh Vui là TSKH về Toán).

Lễ truy điệu và an táng Gs Nguyễn Tài Cẩn ở quê nhà Thanh Chương [18.4.2011]

Năm 1999, thầy đang ở nước ngoài, nhân dịp Nhà nước chủ trương tặng  thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Thầy tôi không biết tin đó. Mấy anh em học trò  của thầy, tôi và các  anh Vũ Đức Nghiệu, Trần Trí Dõi, bàn nhau đề nghị thầy làm hồ sơ để dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thầy viết thư cho tôi lời lẽ nhẹ nhàng nhưng cũng kiên quyết: “Cảm ơn Đức và các anh em, nhưng theo thiển ý của tôi thì không nên làm bởi vì cũng phải tính toán và cẩn trọng khi những gì tôi đã phải chịu hôm xưa đến nay chưa chắc đã được giải tỏa hết (!)”. Và thầy không đồng ý làm hồ sơ. Tuy nhiên, chúng tôi thì kiên quyết và sau đó tôi đã trực tiếp làm toàn bộ hồ sơ của thầy từ đầu chí cuối. Khi làm xong hồ sơ thì cần phải có chữ kí của thầy. Tôi viết thư cho thầy. Khi thấy câu tôi viết: “Em tin tưởng dù chưa lạc quan” thì thầy tâm đắc, cho rằng tôi đã đánh giá đúng. Thầy nói rằng chính vì câu đó mà thầy đồng ý kí vào bản hồ sơ bên cạnh chữ kí của tôi là người đứng khai, và để cho cẩn thận, thầy còn kí thêm nhiều chữ để fax về cho tôi và còn giải thich kí nhiều như vậy là sợ tuổi già rồi nhiều khi kí không giống nhau người ta dễ nghi là làm hồ sơ giả mạo (!). Trước sau thầy vẫn cẩn thận như vậy, nghe chị Nam Hoa - con gái thầy - nói khi thầy nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng thì thầy cũng kí và dặn đi dặn lại như vậy.

Thầy được Giải thưởng Hồ Chí Minh, không chỉ thầy vui mà chúng tôi còn vui hơn rất nhiều vì những gì là lao động của thầy, công lao của thầy đã được ghi nhận. Thầy về nước nhận giải và như đã nói, bài phát biểu của thầy tại Đại học Quốc gia khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (2001) rất hay đã được in lại trong một cuốn sách mới đây gồm các bài viết về thầy . Không nhắc lại chuyện cũ, nhưng thầy gọi tôi đến và bảo: “Số tôi nó thế nào ấy ông ạ, tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, nay được nhận giải thì người ta lại phát cho tôi cái bằng ghi là được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Mà tôi xưa nay có làm gì về văn học nghệ thuật đâu” (!) Tôi nói “Chuyện này là trọng sự thầy nên xin Nhà nước cho đổi lại tấm bằng”. Thầy không đồng ý và nói “Người ta đã phê vào Châu bản rồi - ý nói là Chủ tịch nước đã kí - thì không thể thay đổi được. Nhưng thôi cũng vinh dự rồi, chắc anh em cũng hiểu đúng là tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ là được rồi. Rồi thầy nói thêm: “Đừng làm phiền các cụ, trên ấy người ta phải lo nhiều việc dân việc nước, bao nhiêu việc lớn, chuyện nhỏ nhoi về hành chính này can chi mà phải phiền xin đính chính”. Tôi cũng không biết nói gì hơn. Thầy Cẩn chính là một ông Kim Ngọc của ngành ta. Cái khác nhau là ở chỗ ông Kim Ngọc vì xót dân nghèo mà hành động, còn thầy là nhà khoa học và sư phạm tâm huyết có tầm nhìn xa. Cả hai, nhờ có đổi mới mà được vinh danh. Những gì thầy bị phê phán năm chục năm trước thì nay đang là mục tiêu của cả ngành đại học. Người ta đang hô hào làm các việc: Coi người học là trung tâm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá chuẩn đầu ra và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ngay từ sinh viên,…

Năm 2008, thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đặc cách không qua danh hiệu Nhà giáo ưu tú như thường lệ.  Đó là sáng kiến, tấm lòng và thái độ kiên quyết của Ban Giám hiệu trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệt tình ủng hộ. Thầy cảm động. 

Gần đây, tôi có kể với thầy là người ta vừa đặt tên phố Lê Văn Thiêm gần nhà tôi, thầy nói nhẹ: "Thế cũng là sửa sai và trả lại danh dự cho anh ấy. Giá mà lúc anh ấy còn sống, nói lại với người ta một câu thì vẫn hơn". Trong cuộc đời, thầy luôn  là người biết "giữ mình trong áng can qua”, biết sức mình và thể hiện ở sự chân thành thật sự. Thầy ít chê bai người khác, rất chặt chẽ và khe khắt trong chuyên môn, nhưng để đánh giá các việc khác thầy lại luôn thể tất. Tôi nhớ cách nay ngoại mười năm, một lần lên Đại học Quốc gia, thấy hội trường có treo đôi câu đối, thầy đọc và ngẫm lâu khi thấy chữ nghĩa có chỗ chưa ổn. Thầy trao đổi với GS Nguyễn Văn Đạo (Giám đốc). Ông Đạo liền gợi ý là nên thay đôi khác và nhờ thầy làm hộ, thầy liền nói: "Không nên". Người trước được anh mời nên cũng tâm huyết lắm với đứa con của mình. Vậy thì ta chớ nên thay, chỉ tìm cách sửa những chỗ chưa ổn thôi. Như thế tác giả vẫn được tôn trọng và sản phẩm thì lại hoàn chỉnh hơn, được tiếng cho người ta hơn”. Nửa tháng sau, thầy chuyển cho anh Đạo đôi câu đối đã được nhuận sắc (nay đang treo ở hội trường lớn), anh Đạo rất cảm kích về cách ứng xử của thầy.

Có lần tôi hỏi thầy ai là người chia sẻ với thầy nhất trong đám bạn bè của thầy thầy, không do dự thầy nói ngay “Ông Hượu (tức là GS Trần Đình Hượu ), ông ấy với tôi rất gần gũi với nhau trong cách suy nghĩ không phải bây giờ mà từ thời ở Huỳnh Thúc Kháng Nghệ An, lúc ấy tôi dạy sư phạm trung cấp. Con người ấy thật đáng tin cậy và đáng chia sẻ. Tôi nhớ có lần tôi ở Leningrad, ông Hượu ở Moskva, cuối năm 1959 đầu năm 1960, thế sự có nhiều chuyện phức tạp. Một chiều, bỗng nghĩ ra một việc tôi liền ra ga mua vé tàu đi từ Len đến Mát, chơi với ông Hượu. Hai đứa uống cà phê suốt đêm và mỗi đứa hút hết một bao thuốc lá ngồi tâm sự về thế cuộc. Sáu giờ sáng hôm sau tôi lại ra tàu trở về Leningrad, ông biết đấy, 700 cây số. Hồi bị quy là duy tâm, ông ấy vượt qua nhẹ nhàng hơn tôi, nhờ đó ngồi nhà viết được mấy quyển sách hay”.

Những người thông minh sắc sảo thật sự ít biểu lộ về mình, lại hay hóm hỉnh. Thầy Phan Ngọc có lần nói ông Hạo là người bẩm sinh ra để làm ngôn ngữ học còn thầy với ông Cẩn thì chỉ nhờ vào tự học mà trở thành chuyên gia, đây cũng là lời nói khiêm tốn của một người hết sức thông minh giỏi giang. Thầy Cẩn có lúc nói: "Ông Hạo là  người cực thông minh, sắc sảo, tài hoa, ông ấy còn có lúc ham chơi chứ tôi thì không  ham chơi được, cứ phải như con kiến, mỗi ngày chở thêm một ít”. Tất cả những điều đó cũng làm cho chúng tôi thấm thía,  không chỉ có tôi mà cả những học trò rất gần gũi của thầy như các anh Lê Quang Thiêm, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Văn Lợi, Vũ Đức Nghiệu, Trần Trí Dõi,… Có lần tôi hỏi thầy trong đời đi dạy học thầy có buồn gì về học trò không, thầy bảo: "Nếu nói về khoa học thì thật sự tôi chưa có đệ tử”. Tôi tái mặt bởi vì đấy là một câu răn đe thật sự đối với thế hệ chúng tôi. Nhưng để làm an lòng, thầy giải thích: "Các ông đã cố gắng rồi nhưng cần cố gắng nữa, những kết quả của các ông quả thật chưa phải là điều tôi mong muốn”. Tôi lấy lại được thăng bằng nhờ câu sau: "Nhưng các ông nói chung cũng là niềm vui của tôi rồi bởi vì các ông trưởng thành thì tôi cũng mừng,  có người để mà tâm sự, để mà chia sẻ. Cũng phải thông cảm thôi vì thế hệ các ông bây giờ (tức là thời bao cấp) đang khó khăn quá, đói kém, mệt mỏi nên cũng không thể đòi hỏi hơn được”. Thầy trầm tư rồi nói: "Nhân tình thế thái thì cũng còn có nhiều đáng buồn lắm, ví như trong những lúc tình hình phức tạp, khi tôi gặp khó cũng có những học trò tìm cách xa lánh, không dám tỏ ra gần gũi tôi, thậm chí không dám nói chuyện với tôi ở chỗ đông người vì sợ thiệt thòi cho bản thân, rồi lại cũng có  người học trò sau lưng tôi, nói những lời thị phi này nọ, cơ hội tát nước theo mưa, nhưng các ông xem lẽ đời là phức tạp lắm, học trò cũng có năm bảy loại cho nên cũng không có gì đáng trách. Xưa cụ Tống Duy Tân còn bị học trò bắt nộp cho Tây để lĩnh thưởng thì một vài chuyện vặt ấy nay có sá gì”. Nói rồi thầy cười, thầy hút thuốc và chuyển sang chuyện khác. Thầy tôi là như thế đó, rất vui vẻ, dân dã, rất gần, quần chúng nhưng rất nghiêm khắc, rất lạnh lùng trong tư duy khoa học và trong nguyên tắc xử thế.

Mùa xuân năm 2009. Sau tết, tôi và anh Lê Quang Thiêm đến thăm thầy và chia tay thầy để thầy qua bên Nga. Thầy trò đàm đạo với nhau suốt buổi, uống nước chè và tán đủ chuyện. Thầy vui. Cuối buổi thầy giữ chúng tôi lại ăn cơm. Nhưng anh Thiêm và tôi xin cáo lui để thầy nghỉ. Thầy tiễn chúng tôi ra sân. Mùa xuân đến, sân nhà thầy có cây đào đang nở hoa rất đẹp. Thầy trò đứng dưới bóng cây. Không biết là linh tính thế nào, lần đầu tiên, thầy bỗng ôm lấy từng đứa một và hôn rất thân thiết. Chúng tôi  rất xúc động. Cũng không ngờ đó cũng là vòng tay cuối cùng thầy ôm chúng tôi để rồi đi xa mãi mãi.

Năm trước giỗ đầu thầy, tôi mang chai rượu ngô từ Mộc Châu về thắp hương lễ thầy. Chúng tôi lại đứng dưới bóng cây đào dạo trước. Đào lại đang độ nở. Giỗ thầy hăm ba tháng Giêng âm lịch, cũng sau tết, tôi miên man đứng dưới gốc cây mà lòng bồi hồi nhớ thầy, tựa vào câu thơ xưa của Vũ Đình Liên:

                                     Năm nay đào lại nở

                                    Không thấy ông đồ xưa

                                    Những người muôn năm cũ

                                    Hồn ở đâu bây giờ?

                  Thầy tôi đã đi xa, xa thật rồi. Nhưng tâm hồn thầy vẫn ở đây, bây giờ, vẫn ở bên cạnh chúng tôi, những người học trò không giỏi giang cũng chả thông minh gì. Nhưng  nhờ thầy dìu dắt, chăm bẵm trong suốt nửa thế kỉ mà đã có được sự  trưởng thành nào đó...

 

                                                     Cuối Đông năm Nhâm Thìn, 2012

                                                                                                          


[*]GS TS Ngữ Văn, NGND Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.

** Tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nga A. Tchekhov 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529145

Hôm nay

2192

Hôm qua

2334

Tuần này

21418

Tháng này

215841

Tháng qua

0

Tất cả

114529145