Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Chu Huy Mân, vị Đại tướng của quân đội, với cái tên Hai Mạnh, là nhớ tới mộtcon người không chỉ mạnh về quân sự mà còn mạnh cả về chính trị.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Chu Huy Mân, vị Đại tướng của quân đội, với cái tên Hai Mạnh, là nhớ tới mộtcon người không chỉ mạnh về quân sự mà còn mạnh cả về chính trị.
Nói đến Đại tướng Chu Huy Mân, nhiều người hay nghĩ đến tài năng quân sự, xông pha trận mạc, mà ít nghĩ đến một con người 76 tuổi đảng là 76 năm trăn trở với công tác xây dựng Đảng, suy nghĩ nhiều về việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên. Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân, chúng ta có thể khẳng định rằng chính cái chất chính trị, tư tưởng, đạo đức của con người ông đã làm nên chất quân sự, chất tướng Chu Huy Mân. Với ông, chính trị, tư tưởng, đạo đức là cái gốc, cái nền của quân sự. Chính vì vậy, trọn cuộc đời đi theo Đảng, phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Đại tướng Chu Huy Mân không bao giờ sao nhãng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức người tướng, đồng thời quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên.
Từ trải nghiệm cuộc đời hơn bảy mươi năm chiến đấu dưới ngọn cờ đỏ búa liềm của Đảng, Đại tướng Chu Huy Mân quan tâm hàng đầu đến việc bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, giáo dục niềm tin vững chắc vào Đảng, vào nhân dân, vào sự tất thắng của cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Với Đại tướng Chu Huy Mân, niềm tin này đã được nuôi dưỡng từ nhỏ. Khi xin mẹ đi thoát ly hoạt động cách mạng, trước nỗi xúc động còn ít nhiều băn khoăn của mẹ, lúc đó cậu bé Chu Văn Điều nhìn thẳng vào mẹ và nói: “Dù gian khổ đến thế nào đi nữa, con cũng chịu đựng được, mẹ hãy tin con. Cách mạng thế nào cũng thắng”[1].
Theo Đại tướng Chu Huy Mân, tư tưởng và tình cảm là vấn đề chủ yếu nhất của đời sống tinh thần của con người. Tư tưởng có thể đúng đắn hoặc sai lầm, tình cảm có thể thấp hèn hoặc cao đẹp. Ông quan tâm bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho cán bộ, đảng viên, loại bỏ những sai lầm và thấp hèn có thể có trong tư tưởng, tình cảm của mỗi người. Việc giáo dục ấy phải được tiến hành thường xuyên, vì tư tưởng, tình cảm con người luôn luôn chuyển biến theo hoạt động thực tiễn xã hội. Việc bồi dướng ấy lại phải đặc biệt quan tâm đến những tư tưởng và tình cảm lớn có ý nghĩa chi phối đời sống tinh thần của mỗi người và của cả dân tộc. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Đại tướng Chu Huy Mân nói: “Tôi năm nay đã 94 tuổi, 76 tuổi Đảng. Lớp tuổi chúng tôi nếu không có lòng tin vững chắc ở lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục đích và tôn chỉ của Đảng - ở nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đặt ra và chiến đấu thì không thể vượt qua thử thách, nhất là thử thách chết sống”[2].
Lý tưởng là điểm hội tụ của những tư tưởng lớn của cả một Đảng, của cả một dân tộc. Mọi hành động anh hùng cũng như mọi sự nghiệp lớn chỉ có thể bắt nguồn từ một mục tiêu lớn, một lý tưởng lớn. Khi đã phai nhạt lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì bất cứ người nào cũng trở nên nhỏ bé, tầm thường và sẽ không còn ý nghĩa trong sự vận động của lịch sử, dù đó là người đã được coi là lỗi lạc, đã từng được yêu mến quý trọng một thời. Vì vậy, Đại tướng Chu Huy Mân thường xuyên quan tâm đến việc bồi dưỡng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và những tư tưởng lớn cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời chăm lo giáo dục những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu cái chân, cái thiện, cái mỹ; yêu tính trung thực, chân thành, thủy chung, ghét những thói hư tật xấu, những sa đọa biến chất, căm thù mọi thứ giặc nội xâm. Khi nói về Đảng bộ PMU 18, Đại tướng Chu Huy Mân đồng tình với quan điểm của đồng chí Phan Diễn, đúng là đảng bộ ở nơi đó bị tê liệt. Đại tướng cho rằng “đó là nơi nhiều người âm mưu bòn rút của Nhà nước, tha hóa, sành sỏi ăn chơi. Nhiều cán bộ đảng ở đó không phải là đảng viên cộng sản”.
Cùng với việc giáo dục lý tưởng, Đại tướng Chu Huy Mân quan tâm giáo dục nhân cách làm người. Chính những tư tưởng đúng đắn, lý tưởng cao đẹp lại được tiếp nhận không phải chỉ bằng lý trí mà còn bẳng tình cảm và nhân cách, từ đó lại trở thành tình cảm lớn, nhân cách cao đẹp, tạo nên sự bền vững trong mỗi con người. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ nâng cao lý tưởng cách mạng mà còn phải tu dưỡng nhân cách. Nhân cách thấp kém thì không thể có lý tưởng cao đẹp.
Một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là có bản lĩnh đấu tranh và đánh thắng giặc trong lòng. Đại tướng Chu Huy Mân cho rằng “một đảng viên cộng sản, một cán bộ cách mạng nếu không dám nhìn sự thật thì dù ở cấp nào cũng đã là hư hỏng”[3]. Những tháng ngày cuối cùng trên giường bệnh, Đại tướng Chu Huy Mân trăn trở với hiện tình đất nước, với một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Ông cho rằng phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hư hỏng trong Đảng. Cuộc đấu tranh chống loại giặc này không chết người như cuộc đấu tranh ngoài chiến trường chống quân xâm lược, nhưng gặp khó khăn không nhỏ bởi chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cản trở thường ngoan cố tìm thế lực để bao che. Cần phải giáo dục đảng viên có bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào sự thật này. Tức là phải nhận rõ kẻ thù, chỉ đích danh loại kẻ thù không gươm không súng nhưng nguy hiểm không kém các loại kẻ thù khác, là đồng minh của các loại kẻ thù khác. Phải đấu tranh giữa hai con người trong một con người. Kết quả cuối cùng theo Đại tướng là “ai có đủ lòng tin vào Đảng, vào tổ chức, có bản lĩnh thì người đó sẽ tránh xa được thoái hóa biến chất, đẩy chủ nghĩa cá nhân ra khỏi con người mình để trở thành người cách mạng chân chính, tự nguyện đi theo ngọn cờ cách mạng của Bác Hồ, của Đảng cho đến khi tắt thở”[4].
Với Đại tướng Chu Huy Mân, giáo dục lòng tin vào Đảng là điều quan trọng nhất. Theo ông, người cách mạng phải có niềm tin. Chính lòng tin vào Đảng tạo sức mạnh để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên không có niềm tin rất dễ sa ngã, hủ hóa, xa rời Đảng, xa rời con đường cách mạng. Mặt khác, đảng viên không tin vào Đảng thì làm sao nhân dân có thể tin vào Đảng. Chính những suy thoái đạo đức của một bộ phận đảng viên, cán bộ do thiếu niềm tin vào Đảng đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng.
Theo Đại Tướng Chu Huy Mân, giáo dục đạo đức cho đảng viên là phải giáo dục bản lĩnh dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Có ý kiến cho rằng, thành quả của Đảng là vĩ đại, những chuyện như PMU 18 chỉ là một vết nhơ, không thể vì những vết nhơ đó mà làm lu mờ nỗ lực và thành quả của Đảng (!?). Đại tướng Chu Huy Mân cho rằng nói như vậy là ngụy biện, là không dám nhìn sự thật. Không dám nhìn vào sự thật là đồng lõa với giả dối, bệnh hình thức, qua loa, đại khái, mà giả dối là bản chất của giai cấp bóc lột. Là đảng viên thì phải xa lạ với bệnh hình thức, những loại vỏ bọc, che chắn. Đạo đức của người đảng viên là phải “chỉ tiêu một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Người đảng viên không thể chỉ hô hào chống tham nhũng. Mọi vấn đề không thể chỉ dừng lại ở các nhận định, kết luận trên nghị quyết Nói đến một bộ phận đảng viên, cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất là “cần xác định tính chất rất quan trọng của vấn đề, là nó phá hoại sức chiến đấu, làm giảm khả năng lãnh đạo, bản chất cách mạng bị biến dạng, uy tín và thanh danh của Đảng bị hạ thấp, cuối cùng đương nhiên hiệu quả lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bị yếu đi”[5]. Vì vậy, giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên phải được thiết kế như một trận đánh. Vốn là chỉ huy chiến trường, Đại tướng Chu Huy Mân nói về việc tu dưỡng, giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giống như việc bắt đầu “đánh giá địch có đúng mới có quyết tâm đúng. Đánh giá đúng bệnh thì mới có quyết tâm chữa bệnh. Nếu đánh giá không đúng thì không có quyết tâm chữa. Ngay cả cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, nếu đánh giá đúng thì phải làm cho tốt, như một cuộc tấn công, có diện có điểm, có phương pháp, sơ kết tổng kết hẳn hoi và để cho dân góp ý. Muốn làm phải làm kiểu ấy, chứ làm như lâu nay không đạt kết quả”[6].
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có tiết lộ thông tin là Đại tướng Chu Huy Mân đã đọc cho ông nghe nguyên văn những lời tuyên thệ dưới lá cờ Đảng trong giờ phút được kết nạp tháng 11-1930, tức là 76 năm về trước. Qua đồng chí Lê Khả Phiêu, Đại tướng Chu Huy Mân cũng đã gửi một bức tâm thư tới đồng chí Tổng Bí thư của Đảng lúc đó, đó là tâm huyết của một lão thành cách mạng gửi lên Đảng và mong Nghị quyết của Đại hội X, trong đó vấn đề xây dựng củng cố Đảng đạt kết quả cao nhất. Rất tiếc cho đến hiện nay, tôi chưa được đọc hai văn bản quan trọng đó. Nhưng qua cuộc đời hy sinh, cống hiến của ông cho Đảng và dân tộc và những lời tâm huyết của ông, tôi hiểu và có thể khẳng định rằng, một trong những nội dung quan trọng trong đó mà Đại tướng Chu Huy Mân muốn nhắn lại với Đảng là việc chăm lo giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là nội dung quan trọng nhất để xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Làm thế nào để đạt được kết quả? Theo Đại tướng, có nhiều cách làm tốt, có hiệu quả, một trong số đó là toàn Đảng phải học tập lại. Đại tướng cho rằng, qua những vụ việc tiêu cực ở một số đảng bộ, làm cho các đảng bộ đó tê liệt cho thấy “nguy cơ có nhiều người giữ chức vụ trong Đảng ở nhiều nơi đã không có hiểu biết về Đảng”. Đảng viên, đặc biệt là những người giữ chức vụ trong Đảng mà không hiểu biết về Đảng thì không xứng đảng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cho nên giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức của đảng viên, điều đầu tiên là phải học tập lại để hiểu biết về bản chất của Đảng. Điều hiểu biết mà Đại tướng muốn nói tới là tư tưởng Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu đã động viên Đại tướng “chịu khó gánh cả hai vai quân sự, chính trị cho khỏe càng tốt”. Điều hiểu biết đó là mỗi đảng viên khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng phải hiểu rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[7] . Phận sự của đảng viên và cán bộ là phải thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”[8].
Sự hiểu biết đó không phải chỉ là tự hiểu biết mà “hằng năm toàn Đảng có một cuộc học tập chính trị, kết hợp tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Làm từ trên xuống dưới, không từ một ai”[9]. Tự phê bình và phê bình phải đi kèm nhiều biện pháp khác, đặc biệt là kết hợp giữa “mạnh tay”, xử lý kiên quyết với tạo cho họ cơ hội khắc phục, sữa chữa khuyết điểm. Đại tướng nói: “Do tình trạng tha hóa, biến chất, hư hỏng của cán bộ, đảng viên đã phổ biến nên nếu chỉ “mạnh tay” không thì khó thuyết phục người ta thành khẩn. Vì vậy phải cho họ cơ hội. Theo đó, tự phê bình thẳng thắn, tự nhận lỗi chân thành và hứa không tái phạm thì được tiếp tục theo dõi phấn đấu, giúp đỡ tiến bộ. Tất nhiên trong quá trình tự phê bình và phê bình, nếu ai đó có sai phạm nặng, vẫn phải xử lý kiên quyết”[10].
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh Đại tướng Chu Huy Mân nói: “Nghị quyết của Đại hội toàn quốc có rồi. Vấn đề là quyết tâm tổ chức thực hiện thế nào? Có làm đến nơi đến chốn hay không... Năm nay tôi đã 93 tuổi, tuổi mụ là 94, như vậy cũng đã thọ rồi. Tuổi Đảng cũng đã 76, tôi vào Đảng lúc 17 tuổi. Về cá nhân mình, tôi ra đi cũng rất thanh thản, nhưng tôi cứ băn khoăn, trăn trở, khi cơn đau do bệnh gây nên, không ngủ được, gượng ngồi dậy, lại nằm xuống, lại nghĩ ngay đến sự vĩ đại của nhân dân mình, dân tộc mình, sự vĩ đại của Đảng ta, của Bác Hồ kính yêu mà càng nghĩ với cái vĩ đại ấy bao nhiêu tôi lại lo lắng tới những cái khó khăn mới đang thử thách Đảng ta và dân tộc ta”[11]. Điều lo lắng của vị Đại tướng là hoàn toàn có cơ sở, đã được Đảng ta nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những khuyết điểm yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Điều trăn trở cho đến tận phút cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân về “những cái khó khăn mới đang thử thách Đảng ta và dân tộc ta” cũng được Đảng ta coi là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Đó là “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Đảng ta coi đây là “khâu đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng hiện nay, là “mắt xích” chủ yếu mà chúng ta cần nắm lấy”.
Nói như vậy để thấy rằng đồng chí Chu Huy Mân, vị Đại tướng có một tầm nhìn xa, trông rộng về con đường đi lên của đất nước. Ông đã tiên tri, tiên lượng được trở lực lớn nhất trên con đường phát triển đất nước là sự hư hỏng, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ trong Đảng. Những ý kiến của Đại tướng như “Không dám nhìn thẳng vào sự thật là hư hỏng”; “nâng cao phẩm chất đạo đức của người đảng viên trước hết, xuyên suốt là nâng cao nhận thức về Đảng, về mục tiêu, lý tưởng của đảng”; “thật thà, thẳng thắn, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”; “phải rèn luyện cả lý tưởng và nhân cách, chống chủ nghĩa cá nhân”; “phải mạnh tay, kiên quyết xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên”; v.v.. đều được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI. Điếu đó chứng tỏ rằng những lời tâm huyết của Đại tướng Chu Huy Mân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và mỗi cán bộ, đảng viên nguyện thực hiện tốt những lời căn dặn của ông. Đó là cách kỷ niệm tốt nhất, có hiệu quả nhất ngày sinh của các bậc tiền bối trong tình hình hiện nay.
B.Đ.P
[1] Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Đại tá Lê Hải Triều thể hiện), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.13.
[2] Đại tướng Chu Huy Mân: Không dám nhìn thẳng vào sự thật là hư hỏng, Báo Tuổi trẻ Online, ngày 07-02-2013.
[3] Báo Tuổi trẻ Online, ngày 07-02-2013.
[4] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân (qua lời kể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), Tin247.com, ngày 10-7-2006
[5] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân, TL đã dẫn.
[6] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân, TL đã dẫn.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.249.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.5, tr.250.
[9] Báo Tuổi trẻ Online, ngày 07-02-2013.
[10] Báo Tuổi trẻ Online, ngày 07-02-20013.
[11] Báo Đất Việt Online, ngày 28-9-2012
2189
2334
21415
215838
0
114529142