Văn hoá học đường

Sinh viên thời $

 

 Tôi xin mạn phép đặt tự đề cho bài nhàn đàm của mình bằng cách lấy lại tên bài của Văn Thịnh đăng trên TCVHNA ngày 25 tháng 2 năm 2009. Tôi chỉ thay biểu tượng @ bằng biểu tượng $ (đọc S ngang?), biểu tượng của đồng đô la, của thế lực đồng tiền, của thời kỳ thương mại hoá tràn lan, vô lối.

      Cần phải nói ngay rằng sinh viên Việt nam thời nay nhìn chung có đông về số nhưng rõ giảm về chất. Đông về số là bởi vì nước ta đang ở thời kỳ xã hội hoá giáo dục, trường đại học mọc lên như nấm, kỳ thi đại học càng ngày càng có xu hướng dễ hơn, người dân ngay càng nhận thức rõ về tầm quan trọng của tấm bằng đại học, “đại học bằng mọi giá!”

        Hệ luỵ của việc tăng lên về số lượng là sự giảm xuống về chất lượng. Điều này không có nghĩa là trong đội ngũ sinh viên không có những cá nhân xuất sắc, nhưng bởi số lượng sinh viên tạp nham quá nhiều cho nên chất lượng sinh viên của chúng ta từ chỗ “nước biển” trở thành “nước lợ”. Bởi vậy sinh viên giờ xưng “thằng” gọi “con” cũng một phần là vì lẽ đó.

        Sự tạp nham trong đội ngũ sinh viên vô hình trung gây khó cho những người thầy chân chính. Những người thầy giỏi, có tâm huyết mà gặp phải những lớp chỉ có vài sinh viên học được và muốn được học, còn lại là những sinh viên mà lời thầy dạy như nước chảy lá môn, lời thầy răn như kiếm chém trong nước, thì có kiên nhẫn lắm cũng chỉ vài ba buổi, sau đó cũng đâm ra chán nản, vừa dạy vừa ngao ngán trong lòng.

         Còn ở những ông thầy khác, những người ít tâm huyết hơn, ít quan tâm đến chữ nghĩa hơn, thì số lượng sinh viên hùng hậu nhưng “nỏ biết chi” này lại trở thành đồng loã của họ. Đó là nguyên nhân của việc dạy học theo châm ngôn: “Sống chểt mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Oái oăm thay, thực tế chỉ ra rằng những ông thầy đạo mạo có tư tưởng thức thời và … “lòng bao dung vô hạn” này lại được lòng sinh viên vì họ thoáng về điểm chác. Cứ 8, 9, 10 là thấy phết, nhớ lễ tết có chùa thầy… là được. Vì thế tôi cho rằng khi các trường đại học chuyển từ hệ thống đào tạo theo niên chế sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ, hệ thống cho phép sinh viên có quyền được chọn thầy để học thì chưa chắc các giáo viên giỏi đã được nằm trong tầm ngắm, bởi thường thì thầy giỏi mới đánh giá đúng và công minh.

        Nhắc đến lễ chùa thầy mới nhớ một số không nhỏ sinh viên thời $ sớm nhận ra rằng, học hay không học thì vẫn có bằng (thử hỏi tỉ lệ sinh viên không được tốt nghiệp đại học ở nước ta là bao nhiêu? Một số không tương đối tròn trĩnh!). Họ cũng sớm nhận ra rằng, than ôi, thầy nào mà chẳng cần tiền, thời kỳ bão giá, khủng hoảng thì lại cần hơn. Cho nên trước mỗi kỳ thi, hay những ngày lễ tết, số sinh viên này không quên góp quỹ đi thầy, chỉ mong thầy hạ cố cho, “chúng em học nỏ biết chi, thầy ạ.”

       Suy đi tính lại cũng chỉ thấy thời $, xã hội bằng cấp đè nát xã hội học tập. Giờ người ta thường nói “có bằng là xin được việc” chứ mấy người nói: “có trình độ là xin được việc”? Việc xã hội hoá bằng cấp góp phần pha loãng chất lượng sinh viên, cào bằng quyền lợi của người có chữ và kẻ ít chữ, tạo nên một đội ngũ trí thức vàng thau lẫn lộn. Bản thân tôi đã từng chứng kiến có những sinh viên học đại học “nỏ biết chi”, ra trường “chạy nhảy” thế nào lại xin được vào dạy đại học, sau một thời gian kinh nghiệm, với tấm bằng đại học trung bình thi thế nào lại đậu cao học, và như thế tiến tới, không gì có thể ngăn cản nổi.

        Như đã nói ở trên, trong lực lượng sinh viên thời $ không phải là không có nhiều cá nhân có trí tuệ, có ý thức học tập và rèn luyện, có nhiều em học một lúc nhiều bằng đại học, say mê nghiên cứu, tìm tòi. Vấn đề đặt ra là làm sao cho số lượng sinh viên này ngày càng được nhân lên, làm sao chất lượng đào tạo đại học ngày càng tăng lên, làm sao cho các “ét-vê” không bị gọi là “thằng”, là “con” nữa. Những câu hỏi này vẫn đang thẩm thỏm mong chờ những câu trả lời cụ thể từ phía từng gia đình, từng nhà trường và cả xã hội.

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445847

Hôm nay

262

Hôm qua

2285

Tuần này

21456

Tháng này

212106

Tháng qua

120141

Tất cả

114445847