Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Duy lấp lánh trang đời mỗi dày mỗi kịch

Trong những nhà thơ Việt Nam đương đại, có lẽ Nguyễn Duy là tên tuổi được phổ cập tương đối rộng rãi vào quần chúng. Nói về sáng tạo thì luôn tồn tại nghịch lý.

Ở lĩnh vực công nghệ, người làm ra cái xe đạp và người làm ra cái xe hơi không bao giờ có sự nhầm lẫn. Thế nhưng, ở lĩnh vực nghệ thuật, những bài thơ đẳng cấp xe đạp vẫn lắm lúc tạo ra nhà thơ đẳng cấp xe hơi. Sự may mắn ấy như lộc trời, cho ai thì người ấy được, chẳng thể so bì hay đố kỵ. Sau nhiều tập đơn lẻ, thơ Nguyễn Duy được tuyển chọn lại thành một cuốn hơn 400 trang, do NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam ấn hành, giúp độc giả khái quát được ba yếu tố làm nên danh tiếng Nguyễn Duy: Thứ nhất, vần điệu nhịp nhàng, dễ đọc dễ thuộc. Thứ hai, tác giả có khả năng trình diễn để tiếp cận công chúng. Thứ ba, năng lực thẩm mỹ của người viết có nét tương đồng với không khí xã hội nên được hiệu ứng đám đông đẩy lên cao!

  
Sự nghiệp thi ca của Nguyễn Duy khởi động từ cuộc thi thơ năm 1972-1973 do báo Văn Nghệ tổ chức. Giải nhất đồng hạng cùng Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Đức Mậu, bốn bài thơ của Nguyễn Duy là “Bầu trời vuông”, “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Giọt nước mắt và nụ cười” được xem như một phát hiện mới lạ ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có vẻ như xác định được mỏ vàng lộ thiên ở bản thân, Nguyễn Duy tăng tốc với kiểu thơ thăng hoa khái niệm “là”. Nào “ở đây là tấm lòng ta, sông dài núi rộng cũng là ở đây”, nào “trong veo là nắng với trời”, nào “bao nhiêu là giọt mưa rào”, nào “bao nhiêu là bóng siêu nhân”, nào “cũ xưa đến vậy là cùng”… Hình như Nguyễn Duy muốn chứng minh thi ca không có chữ “là” sẽ không đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy bạn đọc tinh tường dễ dàng nhận ra nhiều câu thơ nửa như tấu nói nửa như hò vè.
  
Người rất yêu Nguyễn Duy có thể bào chữa thơ ông đã đạt đến mức giản dị, còn người ít yêu Nguyễn Duy có thể đánh giá thơ ông nhiều chỗ dễ dãi. Chẳng sao, mỗi lần Nguyễn Duy đọc lên vẫn có khối kẻ hào hứng đấy. Phong cách thơ Nguyễn Duy không dành cho những ai tìm đến văn chương để một mình suy tư, mà cực kỳ phù hợp với không gian xúm xít lim dim đôi mắt, dong dỏng đôi tai. Ngay cả những câu thơ riêng tư nhất viết về vợ thì giọng điệu Nguyễn Duy vẫn như đang có MC của Đài truyền hình VN cầm micro dí trước mặt: “Móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc/ Vợ dìu ta tầng bậc thang mòn”!
  
Từ khi quyết tâm bỏ tên khai sinh Nguyễn Duy Nhuệ để lấy bút danh Nguyễn Duy cho đến khi tuyên bố ly thân với nàng thơ, nhà thơ Nguyễn Duy đã có một phần tư thế kỷ viết miệt mài. Nguyễn Duy viết nhiều đến mức ông đưa dăm ba câu ca dao vào thơ như “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhau cơm búng lưỡi lừa cá xương” hay “không trầu mà cũng chẳng cau, làm sao cho thắm môi nhau thì làm” mà nhiều người ngỡ ca dao ăn theo ông chứ không phải ông ăn theo ca dao! Nguyễn Duy viết nhiều đến mức ông chế biến ra không ít bài thơ hời hợt mà chính ông cũng không đủ thời gian để nhẫn nại chỉnh sửa hoặc nhẹ nhàng tiêu hủy, như bài “Cô bé nhà bên” chỉ từa tựa tạp văn có ngắt xuống dòng, như bài “Xiếc trên dây” nếu không có câu thơ của Bạch Cư Dị làm đề từ thì chẳng khác gì đoạn văn tường thuật show diễn tạp kỹ đang cần bán vé. Những ai khó tính nhiều khi đọc bài thơ ký tên Nguyễn Duy đâm ra giận… nhà in, vì tưởng nhân viên kỹ thuật tắc trách đã dán nhầm tác phẩm trên báo tường nào vào vị trí lẽ ra phải dành trang trọng cho thơ Nguyễn Duy, chẳng hạn bài “Trên đồng bông Phước Sơn” hay bài “Gửi về Lam Sơn” viết dằng dặc mong nhớ mà không có một câu thơ nào! Nói cách khác, trong nỗi đam mê chinh phục, Nguyễn Duy quên mất một phẩm chất cần thiết cho tầm vóc nhà thơ là phải biết hoài nghi những tràng vỗ tay phấn khích!
  
Thế mạnh của Nguyễn Duy nằm ở sự nhận diện nhanh nhạy và khái quát sắc sảo. Với “Lạng Sơn, 1989”, ông nảy một ý thơ lý thú: “AQ túm tóc Chí Phèo, để hai bác lính nhà nghèo đều thua
  
Suốt hành trình thơ, Nguyễn Duy luôn chứng minh bản lĩnh một thi sĩ lợi khẩu. Lẽ thường, khi chạm vào trắc ẩn nhân tình thế thái, phải nhìn thật gần mới thấy trái tim nhà thơ run rẩy. Còn với Nguyễn Duy, từ xa đã nghe réo rắt những tiếng kêu cảm thán tội nghiệp quá, thê thảm thay. Như ba vạt đồi như lên khỏi vùng thơ xôn xao đàm thoại của Nguyễn Duy là ba bài thơ dài “Đánh thức tiềm lực”, “Nhìn từ xa… Tổ quốc” và “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”. Bài thơ “Đánh thức tiềm lực” nhờ sự bảo đảm “Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế” nên lời lẽ mạnh mẽ và dõng dạc: “Cần lưu ý/ Có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ Sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ Có cái môi mỏng hơn lá mía/ Hôn má bên này bật máu má bên kia/ Có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ Khái niệm bắn ra không biết lối thu về
  
Giá trị thơ Nguyễn Duy giữa văn bản và trình diễn có một khoảng cách nhất định. Lối dùng chữ lắt léo và cá tính của Nguyễn Duy dễ làm sung sướng phát điên phát rồ cho những ai không đủ kiên trì đối diện với thăm thẳm tâm trạng con người. Thơ Nguyễn Duy không có văn bản ngoài văn bản. Mỗi câu thơ hoàn thành sứ mệnh kiêu hãnh ngay dấu chấm, làm cho sức liên tưởng trong thơ Nguyễn Duy không mấy sâu rộng. Những tiết điệu uyển chuyển “ngấp nga ngấp ngoảng kêu ma, hóa ra ta gặp bóng ta trên tường
                                           Nguon: lethieunhon.com
  
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528987

Hôm nay

234

Hôm qua

2334

Tuần này

21260

Tháng này

215683

Tháng qua

0

Tất cả

114528987