Văn hoá học đường

Năm học mới và muôn nẻo "chạy trường"

Không giống như các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về việc các vị phụ huynh chạy đua nhau đưa con vào các trường chuẩn, trường chất lượng cao.

Ở tỉnh ta hiện nay, mà nhất là tại TP Vinh, việc phụ huynh phải tất bật tìm cho con em mình một chỗ học đã trở thành vấn đề nóng vào đầu mỗi năm học trong mấy năm gần đây. Ngoài những lý do về việc mong con học gần nhà, gần nơi làm để tiện đưa đón còn có lý do về việc thiếu trường, thiếu lớp khiến cho câu chuyện đưa trẻ đến trường tưởng như đơn giản nhưng hóa ra lại rất phức tạp.

Từ tranh nhau suất học mầm non...
Hiện nay trên địa bàn TP Vinh có 40 trường mầm non, ngay từ đầu tháng 7, các trường đều thông báo đến toàn thể người dân về việc tiếp nhận trẻ em trên địa bàn, nhưng hầu như không có trường nào có thể đáp ứng tối đa mọi nhu cầu tiếp nhận hồ sơ trẻ nhập học. Việc quá tải này diễn ra không chỉ đối với trường quốc lập (nhận trẻ trên tất cả các địa bàn), mà còn đối với các trường ở các phường, xã, nhận học sinh trên tuyến (trên địa bàn phường mình).
Vất vả nhất có lẽ là các bậc phụ huynh khi nộp hồ sơ cho con em vào học tại Trường mầm non Hưng Bình. Ngày 30/6 trường này bắt đầu ra thông báo về việc ngày 15/7 sẽ tiếp nhận hồ sơ cho trẻ vào học với chỉ tiêu là 50 (chỉ nhận những trẻ sinh năm 2008 về trước). Xác định được việc sẽ có nhiều hồ sơ đăng ký nên ngay từ 1 giờ sáng ngày 15/7 đã có tới hơn 100 phụ huynh đã tập trung trước cổng trường, chờ đến giờ mở cổng để vào nộp hồ sơ. Vì số lượng hồ sơ nộp vào vượt quá chỉ tiêu nhà trường nên tình trạng chen lấn, không ai nhường ai tranh nhau nộp hồ sơ đã diễn ra. Chỉ đến khi các vị phụ huynh đồng ý việc lựa chọn theo danh sách thứ tự lập trước đó, thì mọi việc mới được giải quyết.
Không riêng trường mầm non Hưng Bình, tại Trường mầm non Hoa Sen, năm nay nhà trường có chỉ tiêu nhận 60 cháu độ tuổi từ 1 đến 1,5 (sinh từ tháng 1 đến tháng 6/2009), vào lớp nhà trẻ, thế nhưng số hồ sơ nộp vào lại lên đến 193 bộ, đồng nghĩa với tỉ lệ 1 chọi 3. Vì thế, ngoài những tiêu chí đầy đủ về hồ sơ (hộ khẩu, giấy khai sinh, đơn), nhà trường phải tổ chức bốc thăm công khai để chọn 60 cháu vào học. Hay như tại trường mầm non Lê Mao (chỉ nhận học sinh trên địa bàn phường), năm nay nhà trường nhận các cháu từ 1 đến 3 tuổi với 120 suất, thế nhưng số hồ sơ nộp vào đã tăng nhanh một cách đột biến, thường rơi vào trường hợp các cháu sinh năm Đinh Hợi, Mậu Tý. Ngay cả số cháu trên địa bàn phường cũng không bố trí hết, theo như cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà: "Nếu như được phép, nhà trường có thể nhận đến 400 cháu, trong khi hiện tại chỉ đủ điều kiện nhận tối đa là 260 cháu".
...đến vất vả xin cho con em vào lớp 1
            Không chỉ có việc xin vào học tại các trường mầm non mới diễn ra cảnh chen lấn, tốn nhiều công sức của các vị phụ huynh. Việc xin cho con em vào học lớp 1 ở nhiều nơi trên địa bàn TP Vinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc chỉ vì phải tuân theo nguyên tắc và do thiếu trường.
            Chị Trần Thị Thành (khối Trung Mỹ, phường Lê Mao) không giấu được vẻ bất ngờ khi cháu chị (gọi bằng mợ) cho dù đã có hồ sơ đầy đủ (hộ khẩu, giấy khai sinh, đơn) và đã được gia đình nộp đúng hạn theo yêu cầu của nhà trường nhưng vẫn không được nhận vào học tại Trường TH Lê Mao. Đến ngày 9/8, khi các bạn đã bước vào kỳ học hè, thì cháu Nguyễn Tuấn Huy vẫn phải ở nhà chỉ vì theo quy định cháu Huy phải có chứng thực bằng sổ đỏ. Trong khi, hiện tại cháu sống cùng ông bà nội, do bố mẹ đang đi lao động tận bên Liên bang Nga.
Thông thường, tại các phường, xã, hàng năm trước khi bước vào năm học mới, địa phương kết hợp với các trường tiểu học tổ chức khảo sát và nắm danh sách các cháu nằm trong độ tuổi đến trường để bố trí, sắp xếp lớp học. Nhưng đối với một phường chưa có trường mầm non, tiểu học như phường Hưng Phúc (Tp Vinh), thì việc cứ đến dịp tựu trường là các bậc phụ huynh lại phải vất vả đi xin cho con em mình đến học ở các phường khác, từ chổ chỉ là sự thông cảm khi phường mới thành lập (cách đây 5 năm), nay đã trở thành vấn đề bức xúc của đông đảo cán bộ và nhân dân trong phường. Năm nay, theo số liệu điều tra phổ cập giáo dục, toàn phường có 132 em bước vào lớp 1, nhưng theo sự phân bổ của Phòng GDĐT thành phố, chỉ có 110 em được bố trí về các trường: TH Hecman (50), TH Hưng Bình (30), TH Hưng Dũng (30). Việc nộp hồ sơ thường chỉ diễn ra sau khi các trường này đã thu xếp xong cho con em trên địa bàn phường mình.
            Ông Trần Sỹ Lộc (Bí thư chi bộ khối Quang Phúc) cho rằng: "Việc hàng năm người dân trong phường lại phải chịu cảnh chạy khắp nơi xin học cho con em là điều không công bằng, gây bất bình trong nhân dân". Tại các kỳ họp HĐND cử tri đã nhiều lần nêu lên ý kiến về việc cần phải xây dựng trường TH và MN hệ công lập, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho các thế hệ con em trong phường. Thế nhưng cho đến nay chỉ có 1 dự án xây dựng trường MN tư thục đang được tiến hành, và 1 dự án xây dựng trường liên thông các bậc học đang làm các thủ tục đầu tư xây dựng. Vì thế mà việc chạy trường xem ra vẫn còn là điều bức bách đối với người dân chí ít là trong vài ba năm tới.
            Rõ ràng, việc chạy trường trên địa bàn trong thời gian qua chưa phải là sự chạy đua để vào những trường học có chất lượng cao mà là do thiếu trường, lớp trong khi nhu cầu đưa con em đi học của người dân tăng lên. Thiết nghĩ để tình trạng này không xẩy ra về sau, thì phía ngành giáo dục thành phố cần phải có những giải pháp kịp thời cùng với việc quy hoạch lại, nâng cao khả năng tiếp nhận, quy mô của các trường, thậm chí thành lập thêm trường mới. Đồng thời, đối với những trường hợp là các cháu được gửi cho ông bà (do bố mẹ đi làm ăn xa), các cháu là con của lao động ngoại tỉnh có nhu cầu đến trường, thì cần phải có những giải pháp linh hoạt để xử lý.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445799

Hôm nay

214

Hôm qua

2285

Tuần này

21408

Tháng này

212058

Tháng qua

120141

Tất cả

114445799