Những lý giải nguyên nhân bên ngoài như: vì họ bỏ giá rẻ, vì sao họ lại bỏ giá rẻ đến thế, vì ta đã gia nhập WTO... và những nguyên nhân bên trong như: gặp khó từ chính “ông thuế” và luật đấu thầu hiện hành và chủ đầu tư của ta… đã được phân tích sâu sắc kèm theo những dẫn chứng thuyết phục, mà tôi xin phép không đưa lại.
Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến đã nêu, tuy vậy, dù là người ngoài ngành nhưng từ thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy, nếu chỉ dừng lại ở các phân tích đánh giá đó, chúng ta khó có thể sửa, và sớm loại bỏ được những nguy hại trước mắt cũng như những tiềm ẩn, hậu hoạn lâu dài.
Trước hết cần phải thấy sự thực mà ai cũng biết: xin đừng đổ lỗi cho người mà hãy nhìn thẳng vào ta. Nếu chủ đầu tư Việt nam qui định chặt chẽ chủng loại chất lượng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… và có sự kiểm soát chặt chẽ thì nhà thầu Trung Quốc làm sao bỏ thầu thấp được. Mà việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của ta. Một nguyên nhân quan trọng, đúng như tác giả Mai Anh đã viết: “đằng sau những câu chuyện trúng thầu của Trung Quốc, tại sao trước sau một cuộc đấu thấu thầu các đoàn “tham quan học hỏi” của chủ đầu tư nước ta lại ra vào liên tục nước họ đến thế?”Tôi muốn bổ sung, vì tế nhị, vì ngại phiền phức, thậm chí vì trăm thứ bà rằn nữa nên bạn Mai Anh và một số bạn khác chỉ khéo léo nói thế thôi, chứ theo tôi nhiều cuộc thắng thầu của Trung Quốc là do có sự “bôi trơn” bằng những hình thức vô cùng tinh vi, không lộ liễu, rất khó vạch mặt chỉ tên nhưng lại rất thực huệ, khiến ai đã dính vào đều sướng, đều khó rứt ra. (Tôi biết rất rõ những phi vụ làm ăn của mấy tỉnh Trung Quốc trong việc “chuyển giao hữu nghị” một số xi mămg lò đứng sang Việt Nam trước đây) Và khi các ông chủ lớn và cấp trên của ông chủ lớn đã gật đầu, một số hạ thuộc “dây máu ăn phần” tội gì mà “phát hiện” vấn đề, tội gì mà mà “có ý kiến phản bác”…, và những người trung thực chỉ đành im hơi lặng tiếng. Thế là mọi việc êm ru. Xin nêu một ví dụ đau lòng: trong lúc cả nước căng thẳng vì thiếu điện trong một thời gian dài, vì sao “người ta” lại phớt lờ sự chậm trễ vận hành của mấy nhà máy điện trọng điểm do Trung Quốc nhận thầu như nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2(chậm hơn 20 tháng) và nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1( từ khi hòa lưới đến nay đã 14 tháng mà tổ máy 1 chỉ hoạt động được chừng 2 tháng.) Những “Ai” đã làm ngơ chuyện tày trời đó? Vì sao người ta lại tê liệt cảnh giác một cách dây chuyền đến như vậy? Hỏi chủ đầu tư chưa đủ mà còn phải hỏi mấy ông Bộ trưởng chủ quản và Bộ có liên quan(không giấu gì các bạn, tôi vẫn nhớ nét mặt huyên hoang của một vị Bộ trưởng khi ông này vung tay nói lớn tại một cuộc họp cách đây đã vài năm: hễ ai bỏ giá thầu rẻ là ta chơi!) thậm chí tới cả ông Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
Qua các bài viết gần đây, còn được biết thêm, người ta đang tràn ngập lãnh thổ chúng ta. Thử hỏi hiện nay có tỉnh nào trên nước ta là không có hình bóng người của bọn họ không? Từ Móng Cái đến mũi Cà Mâu, từ núi rừng Cao Bằng, Hà Giang.. cho đến vùng Tây Nguyên chiến lược, vùng đồng bằng Nam bộ phì nhiêu…, ở đâu cũng thấy. Có bạn đọc bảo tôi, ở Lâm Đồng mới có 922 người của họ thôi mà. Trước câu nói ngây thơ đó tôi buộc phải hỏi lại: đúng là phần đông người của bọn họ chỉ chú ý làm ăn nhưng xin hỏi, nếu chỉ có 1 phần trăm, thậm chí 5 phần ngàn số đó là dân địch tình chiến lược thì chúng ta sẽ ra sao? Họa mất nước có đâu xa!
Một điều dường như phi lý nữa là trong hơn 20 năm qua, FDI của Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI đổ vào nước ta, nhưng nếu là tổng thầu EPC thì có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim hóa chất.. của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm. Trung Quốc không mặn mà với FDI mà chỉ muốn thắng thầu! Người ta không thể không truy hỏi trách nhiệm của mấy ông chủ đầu tư lớn của Việt nam như Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện Lực, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Hóa chất… và cấp trên của họ.Các nhà thầu Trung Quốc có thế mạnh gì thế nhỉ? Không giúp tiền, không giúp kỹ thuật.. chỉ là một “anh làm thuê”! Sao họ có thể “khống chế” dây dưa với chủ? Muốn làm gì thì làm? Phải chăng tay “nhiều ai đó” phía chúng ta đã nhúng chàm? Và nhúng chàm rất sâu rồi?
Một điều khiến tôi rất đau lòng nữa là, vì sao sau khi Vietnamnet vừa nêu vấn đề, đã nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng và những phân tích, đề xuất của họ rất đúng rất hay. Hóa ra số người biết và hiểu rõ vấn đề khá đông. Vì sao trước đây họ im lặng? Vì sao họ nói không ai nghe?
Mới thấy “mở rộng dân chủ” vẫn chỉ là câu cửa miệng và xem ra đối với một số nhân vật lãnh đạo, “sống và làm việc theo gương Bác” là một việc dễ làm quá!
Tôi buồn(cái buồn của kẻ thất phu) vì mấy lý do trên, nhưng tôi vui, rất vui vì nhân dân đã dần thức tỉnh qua sự kiện còn đang nóng bỏng này.
Nhân dịp 65 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh
Ghi chú:Tất cả các số liệu và một số ý dùng trong bài viết đã được lấy từ các bài viết sau:
-Trung Quốc thắng 90% công trình thượng nguồn ở Việt Nam, (bức tranh tổng thể về hợp tác EPC với Trung Quốc)
-Ra rìa đói việc khi TQ thắng thầu, hôm 5/8 (phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch HH cơ khí Việt Nam)
-Không thể dĩ hòa vi quí với nhà thầu Trung Quốc: (bài viết của Phó Ban quản lý dự án Khí điện đạm Cà Mau)
-Đối sách nào cho bí kíp giá rẻ của Trung Quốc? (Cuộc họp của Bộ Công Thương )
:- "Khốn khổ vì chạy theo tiến độ kiểu nhà thầu Trung Quốc" (Hiện trạng tồi tệ của một số dự án do Trung Quốc làm EPC)
"Dở nhất của nhà thầu Trung Quốc là thiết bị kém". (phỏng vấn ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương)
-Dự án Bauxit Lâm Đồng có 922 lao động Trung Quốc (báo cáo tình hình lao động của tổ hợp dự án Bauxit)
-Khi chủ đầu tư chưa “tin” nhà thầu trong nước ( các TĐ chê bai nhà thầu VN kém) đăng hôm 19/8.
-Ra điều kiện chặt về thiết bị khi Trung Quốc trúng thầu, ngày 24/8/2010
-Biết người biết ta khi Trung Quốc trúng thầu
*Xin chân thành gửi lời cám ơn nữ phóng viên VNnet Phạm Huyền