Cuộc sống quanh ta

Hồi ký Bùi Công Trừng [I]

I; TÔI ĐÃ TÌM ĐƯỢC CHÂN LÝ

Bùi Công Trừng (21/1/1902 – 21/2/1977), nhà hoạt động chính trị, quê làng Cựu Xuân Dương, huyện Hương Trà (nay là phường Phú Hậu, thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Thoát li hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ, ông sang Pháp du học năm 1925 rồi tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1927, Bùi Công Trừng được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông Staline ở Moskva (Liên Xô) cùng với Ngô Ðức Trì, Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Xích.

Về nước hoạt động ở Sài Gòn, ông từng làm Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, đồng thời bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần đày ra Côn Đảo (1932-1937), Kon Tum (1940-1944).  Cuối năm 1944, Bùi Công Trừng vượt ngục Trà Kê (Kon Tum) trở lại lãnh đạo phong trào cách mạng và Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Đầu năm 1947, ông ra công tác ở chiến khu Việt Bắc, được cử làm Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Kinh tế suốt thời gian kháng chiến. Hòa bình lập lại, Bùi Công Trừng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III (9-1960), Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Ông còn là người sáng lập kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học đầu tiên, Chủ nhiệm Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế.

Bùi Công Trừng mất năm 1977 tại Hà Nội, để lại cuốn hồi ký “Phải sống cho đời sống” và một tập sách dày gồm những suy nghĩ của ông về phát triển kinh tế địa phương, kết quả của những nghiên cứu sâu sắc và khoa học, đến tận thời kỳ "bung ra" (1979-1980) vẫn còn đắc dụng cho các tỉnh ủy.

Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2014), VHNA xin trân trọng giới thiệu một bản hồi ký của nhà cách mạng Bùi Công Trừng.

**

*

Khách du lịch nào đến Thừa Thiên mà không thì thầm cái là lạ của lăng tẩm nhà Nguyễn. Sông Hương, núi Ngự, hình ảnh quen biết và xinh đẹp bao giờ cũng hiện ra trước mắt tôi với cái tình man mác dìu dịu trong lòng. Nhưng cái nếp sống của vua quan triều đình Huế thì tôi thấy khó chịu lắm. Nếu tôi nhớ đến nhân vật cụ Ngáo nổi tiếng là anh chàng chuyên làm nghề trặc chó kiêm đao phủ thì tôi cũng không bao giờ quên được những cái mặt khinh khỉnh nhưng ngu độn của các cụ Hiệp, cụ Thượng trong thành Huế bấy giờ. Lúc bé tôi còn nhớ cô tôi kể lại chuyện ông Trần Cao Vân bị đem ra chém không đứt cổ đã làm cho cụ Ngáo mất vía không ngủ suốt mấy đêm. Cảnh du xuân của cái ông vua bé con với xa giá, với voi ngựa làm cho tôi nô nức đi xem chừng nào, khi còn là thằng bé tí hon, thì những mũ cao, đai ngọc, kiệu giá, voi ngựa càng làm cho tôi buồn cười chừng ấy khi tôi lớn lên. Còn nhớ không thể nào quên được cái cảnh ông giáo sư đạo mạo giảng lớp tôi học với bộ quốc phục khăn đen, áo dài đứng đờ người ra không một chút phản ứng trước tên giám đốc Pháp khi tên này ngang nhiên chửi nói giống An Nam là bẩn thỉu. Và bao nhiêu chuyện luồn cúi, nịnh hót của cái làng quan lại đối với đám quan trên của họ và đối với các ông quan thầy Tây nhan nhản đã trở thành lối sống thông thường. Còn nói đến hối lộ thì quan to miếng to, quan nhỏ miếng nhỏ đã trở nên cái bí quyết của nghề làm quan mà không mấy ai cho đó là chuyện sỉ nhục nữa. Chao ôi, thằng “dân ngu khu đen”coi mấy lớp đè đầu kêu than cho lắm cũng chả ai thèm nghe!

Ông Võ Liêm Sơn, thầy học của tôi lúc đó, đâm chán đời, than: “thần thánh không thiêng”. Nguyễn Thái Bạt, bị cầm tù lỏng, đã dùng tổ rôm, tài bàn để tự đầu độc. Đặc biệt, tôi rất thương hại cho anh Khóa Hường, xóm chợ Dinh, một người trong đám con nhà Nho lỡ thời, mỗi khi nổi cơn điên lên là thống trách chửi rủa cái lũ người yêu ma đã dẫn lối đưa đường cho bọn Tây đóng bô chiếm mất cây đa nơi chôn nhau cắt rốn của gia đình thương yêu tưởng tượng của anh. Đọc truyện vua tôi nhà Tống nhục nhã bưng phù hương bát nước của ông cha dâng cho giặc Kim thì tôi càng bực bội cho cái cảnh đầu hàng bần tiện của bọn vua tôi nhà Nguyễn. Không khí nghẹt thở của đất kinh kỳ làm cho tôi bứt rứt vô cùng. Tôi cố leo lên đỉnh núi Ngự Bình để giải phóng tâm hồn trong ngày rảnh rang nhưng những tiếng thông reo chỉ gợi thêm nỗi buồn dìu dịu cứ đi sâu mãi vào tâm hồn đang bị bế tắc. Tầm mắt của tôi không vượt xa hơn những hình ảnh mờ mịt của mặt biển ngoài phá Tam Giang khi tôi đứng trên đỉnh núi Ngự. Tôi luôn nhón chân lên để thấy xa hơn nhưng làm sao vượt ra khỏi giới hạn của tầm mắt? Một hôm tôi quyết định: hãy đi Sài Gòn một chuyến thử xem.

Bố tôi vốn trước là một người giang hồ, liền bằng lòng cho tôi đi. Đến Sài Gòn, tôi thấy có vẻ Âu hóa, bề ngoài người ta ăn nói có bạo dạn hơn nhưng tôi lấy làm buồn cười là trong những con người mặc âu phục có một quan niệm mà tôi không thể nào hiểu được là họ còn thích cái kiểu thuộc địa Nam Kỳ hơn kiểu bảo hộ Trung Kỳ! Tôi đến Sài Gòn trong khoảng một năm thì bà con Sài Gòn đón ông Va-ren. Người ta tụ tập tại Phủ Toàn quyền. Tôi còn nhớ ông Va-ren, người to bề ngang, thấp thấp, có một bộ râu ria đang để ý. Ông là một ông toàn quyền mới, một ông toàn quyền mà người ta trầm trồ là người của Đảng Xã hội Pháp đấy. Nếukhông thấy bộ râu ria và chiếc batoong của ông ta mà chỉ nghe cái điệu nói của ông ta thì người ta tưởng là ông Xa-rô lại sang lần nữa. Sau khi nghe buổi nói chuyên của ông Va-ren, ai nấy đều “xẹp bơm”, đó là một bài học thực nghiệm đã dạy bọn thanh niên chúng tôi trong buổi ấy. Đối với việc chống lại độc quyền thương cảng Sài Gòn ai là người hăng hơn Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu? Nhưng có ai ngờ Bùi Quang Chiêu khi đi Pháp về lại thay thế cho Lê Quang Trinh và lại trở thành người được tín nhiệm của Phủ Toàn quyền trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Còn cụ thượng Khả tuy về nhà nhưng hết sức ủng hộ cụ thượng Bài lên ghế Thượng thơ Bộ Lại của triều đình Huế trong buổi ấy. Mà cụ Bài thì ai mà không biết, người Huế đã tặng cho cụ cái danh hiệu Hiệp sĩ bồi Tây! Còn Nguyễn Phú Khai thì về sau im lặng và làm việc một cách kín đáo cho Phòng Nhì.

Chân lý ở đâu? Tại sao lắm trò tráo trở?! Tôi lúc đó càng ngày càng thương anh Nguyễn An Ninh ngồi tù. Cụ Phan Bội Châu trong buổi đó tự cho mình là người thủ đoạn, nhưng bây giờ nghĩ ra, bản chất của cụ là con người thật thà, chất phác. Về sau dần dần người ta không còn nghe cụ giới thiệu cây batoong của ông Va-ren tặng cụ nữa. Tôi thương cho cái tình cảnh cụ càng ngày càng trở nên con người thất chí! Tôi cũng còn nhớ ông Phan Chu Trinh nói với tôi: “Này anh, bọn thanh niên vận động bài trừ ngoại hóa cho là đắc sách lắm, theo tôi thì nên thôi cái trò trẻ con ấy đi, các anh đã bị đánh lừa”. Tôi còn nhớ một hôm cùng anh Trần Huy Liệu đi xem lễ song thập ở Chợ Lớn. Hoa kiều sắp hàng biểu tình đánh trống ếch. Anh Liệu chảy nước mắt khi cảm động nghĩ đến tình cảnh dân nước mình. Tôi với anh đáng lẽ vui thì phải, nhưng lại trở thành ngao ngán, buồn thiu thỉu trở về Sài Gòn.

Trong buổi ấy chúng tôi nghĩ yêu nước là chính đáng lắm, yêu nước là một chân lý, nhưng tại sao người ta lại trơ tráo đem cái yêu nước quý hóa ấy làm một món hàng mua bán kiếm lời?

Yêu nước là phải lắm. Nhưng trước đây khoảng 35 năm tôi và một số bạn bè thường băn khoăn làm thé nào để cứu nước. Trong những cuộc mít tinh, biểu tình chả khi nào mà chúng tôi không nêu cao cái dân nguyện thỉnh cầu các quyền tự do, nào là tự do đi lại, tự do báo chí, tự do xuất dương, tự do hội họp,v.v... Nhưng Chánh phủ Pháp dân chủ con cháu của Rút-xô lại không hề chịu đếm xỉa gì cả. Tại sao họ đày biệt xứ ông Phan Chu Trinh là con người nêu cao những quan niệm của Rút-xô, Ma-di-ni và Băn-tam? Tại sao họ chà đạp cái thực chất của chủ nghĩa dân chủ dân quyền, tại sao họ rất hăng hái chửi chủ nghĩa Bôn-sơ-vích? Bôn-sơ-vích là cái gì? Chủ nghĩa Cộng sản là cái gì? Tại sao bọn Tây thuộc địa đào mả ông Phan Đình Phùng, chém ông Thái Phiên, lại ghét Cộng sản đến thế? Bọn Tây thuộc địa, không cần phải luận nữa, chúng nó là vô nhân đạo, là phi chân lý, vậy thì thử tìm chân lý qua cái nó thù ghét nào. Mà thực vậy, những người Cộng sản Pháp mà bọn Tây thuộc địa ghét cay ghét đắng, lại bênh vực người An Nam. Tôi đã được đọc những cuốn sách nhỏ in lại những bản tham luận của những người Cộng sản tại Hạ Nghị viện Pháp bênh vực các dân thuộc địa. Rồi tôi đọc cuốn Tuyên ngôn Cộng sản đăng trên báo L’An Nam của ông Phan Văn Trường. Với tinh thần yêu nước, tôi rất thù ghét bọn chà đạp dân tộc Việt Nam. Câu trong cuốn Tuyên ngôn Cộng sản nói rằng: “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ” làm cho tôi hứng thú. Tiếp đó, tôi mượn một số sách Cộng sản để đọc. Ông Trường tiếp tục cho tôi mượn các cuốn “Bệnh thiếu thời của Chủ nghĩa Cộng sản” và cuốn “Làm gì” của Lê-nin. Tôi chịu khó đọc nhưng chưa hiểu nổi. Tôi cũng nghĩ phải làm gì đây, để cứu nước, để xóa bỏ người bóc lột người?

Một hôm, tôi được thơ của anh Ngọc, một người Công giáo rất tin đạo, có chân trong nhóm Phục Việt vừa sang Pháp gửi về, khuyên tôi nên đi Pháp để học hỏi thêm. Lúc đó, trong nhóm thanh niên, chúng tôi cũng muốn làm việc nhưng không biết làm gì cho nên chuyện. Tôi phải đóng vai trò chủ tiệm cơm Lạc Long lữ quán để che đậy cái cơ quan đi lại của đám thanh niên cấp tiến trong buổi ấy. Nhưng tôi cảm thấy nếu cứ tiếp tục như thế mãi không khéo lại trở thành ông chủ hiệu thực thụ thì nguy to. Cuối năm 1926, tôi quyết định đi Pháp rồi dần dần đi xa hơn để tìm hiểu sâu hơn về chân lý. Những anh em làm tàu đường Mác-xây – Sài Gòn thường đưa cho tôi những sách báo bên Pháp gửi về, hứa sẽ bí mật đưa tôi sang Pháp. Còn nhớ trước khi xuống tàu, tôi nắm chặt tay anh Liệu, một người bạn đồng sự và rất thân thiết của tôi. Những anh em bạn trẻ tuổi trong lúc ấy đều ủng hộ tôi.

Đến Paris, nhờ trước tôi đã có hoạt động trong tổ chức “Những người thanh niên cấp tiến ở Việt Nam” nên được giới thiệu ngay vào Công đoàn Giáo giới Quốc tế. Người hướng dẫn đầu tiên cho tôi hiểu thế nào là chân lý là đồng chí Vét-nốt-sê, Tổng bí thư Công đoàn giáo giới Quốc tế lúc ấy. Nhờ đó mà tôi mới hiểu thêm về cái ý nghĩa của câu: “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ”. Đạo đức, luân lý cao nhất của thời đại chúng ta là sự hy sinh đấu tranh để xóa bỏ nạn người bóc lột người. Muốn làm cho chân lý vĩ đại đó được thực hiện, nếu không có một tổ chức khoa học của đội quân cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân vững chắc thì không thể nào lãnh đạo công cuộc chiến đấu gay go, lâu dài và vĩ đại đó đến thắng lợi được. Tôi dần dần hiểu cái ý nghĩa chủ yếu của cuốn “Làm gì” của người lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga.

Năm 1927, sau khi họp Đại hội Phản đế Đồng minh Thế giới ở Bơ-ruýt-xen do đồng chí Henri Barbusse chủ tọa, tôi sang Liên Xô ngay và từ đó tôi tự nguyện gia nhập vào đội ngũ của tổ chức Thanh niên Cộng sản. Năm 1930, khi về nước, tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên ba mươi mấy năm chiến đấu cho phong trào cách mạng vô sản thế giới, cho công cuộc giải phóng dân tộc, lòng yêu nước của tôi luôn luôn nồng nàn, là tấm gương yêu nước chân chính, triệt để của giai cấp công nhân cách mạng. Tôi thiết nghĩ lòng yêu nước chân chính của người dân thuộc địa quyết triệt để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, rút cuộc dần chúng ta đi đến với Chủ nghĩa Cộng sản.

Tôi đã đi vào con đường của Chủ nghĩa Cộng sản xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và chân chính./.

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553739

Hôm nay

299

Hôm qua

2242

Tuần này

21435

Tháng này

221282

Tháng qua

122920

Tất cả

114553739