Cuộc sống quanh ta

Vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An trong cao trào cách mạng 1930 - 1931

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong diễn văn kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mầu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”.

Đảng lãnh đạo cao trào đấu tranh cách mạng 1930-1931
Trong cao trào cách mạng 1930-1931, cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An trở thành trận địa chính trong cuộc diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xứ uỷ Trung Kì, Tỉnh uỷ Nghệ An là cơ quan trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.       
Sau sự kiện thành lập Đảng (3-2-1930), tháng 3 năm 1930, Phân cục Trung ương lâm thời Trung Kì được thành lập, đặt trụ sở chính ở Vinh và một trụ sở ở Đà Nẵng. Phân cục Trung ương đã chỉ định hai Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An: Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An. Các đoàn thể quần chúng xung quanh Đảng bộ cũng được củng cố theo phương châm vừa đấu tranh vừa phát triển tổ chức. Các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân ở mọi miền đến lúc này đã gắn kết với nhau, phát triển rầm rộ theo phương hướng, mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoà nhịp với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, công nông Nghệ An đã vùng lên mạnh mẽ cả ở thành thị và nông thôn. Tính từ cuối năm 1929 đến tháng 4 năm 1930, toàn tỉnh đã nổ ra 15 cuộc đấu tranh, trong đó có 5 cuộc đấu tranh của công nhân Vinh-Bến Thuỷ, 9 cuộc của nhân dân các huyện Thanh Chương và Anh Sơn.
Trước phong trào đấu tranh ngày một dâng cao, nhà cầm quyền ra sức bắt bớ, giam cầm, xử án nhiều chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Để hướng dẫn quần chúng đấu tranh có kết quả, ngày 18-3-1930, Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kì đã rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân từ công nhân, công chức, học sinh, binh lính đến phu kéo xe, người buôn bán nhỏ…gia nhập các tổ chức cách mạng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Binh hội đỏ…để đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày; đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân hãy “mau mau tỉnh dậy, đoàn kết nhau lại làm cách mạng đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, đánh đổ Nam triều phong kiến chế độ, đánh đổ tư bản thoả hiệp. Dựng chính phủ liên hiệp công-nông-binh”.
Nhân ngày 1-5-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động phong trào kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam.
Hoà vào các cuộc đấu tranh ở nhiều nơi trong toàn quốc, tại Vinh-Bến Thuỷ đã nổ ra cuộc biểu tình lớn của công-nông nội, ngoại thành. Các cuộc biểu tình này do đồng chí Lê Mao (Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên thường trực Xứ uỷ Trung Kì phụ trách Tỉnh bộ Vinh) trực tiếp chỉ đạo cùng các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi. Sáng ngày 1-5-1930, 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa và Đức Thịnh (xưa thuộc Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Lộc, TP Vinh), An Hậu, Đức Hậu (thuộc xã Nghi Ân, Nghi Đức, TP Vinh), Song Lộc, Tân Hợp (Nghi Lộc) cùng một số nông dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) biểu tình kéo vào thành phố Vinh để phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thực hiện các yêu sách như: tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm tám giờ, chống khủng bố, ủng hộ Liên Xô…Binh lính bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương; 98 người bị bắt.
Nét nổi bật của cuộc biểu tình ngày 1-5-1930 ở Vinh-Bến Thuỷ là: “lần đầu trong lịch sử cách mạng xứ ta, công-nông-binh bắt tay nhau giữa trận tiền”(1). Cũng trong ngày 1-5-1930, cùng với Vinh-Bến Thuỷ, ở Thanh Chương đã nổ ra hai cuộc đấu tranh lớn.
Tại trường tiểu học Pháp-Việt Thanh Chương (Thị trấn chợ Rộ), trên 100 học sinh đã tập hợp tại quán Ngũ Phúc (thôn Võ Liệt) làm lễ kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động. Sau đó diễu hành thị uy xung quanh huyện lỵ, đi qua huyện đường Thanh Chương, hô các khẩu hiệu đòi bỏ các hình phạt vô lí trong nhà trường và miễn sưu thuế cho dân cày. Cuộc mít tinh này diễn ra nhanh chóng nhưng đã chứng tỏ phong trào học sinh sinh viên đã phát triển về nông thôn và hoà nhập vào làn sóng đấu tranh chung do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Cũng vào thời điểm đó, ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) đã nổ ra cuộc biểu tình của 3.000 nông dân thuộc các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận đòi lại ruộng đất và đường đi do tên Nguyễn Tường Viễn (tức Kí Viễn) chiếm đoạt. Tên Viễn khiếp sợ, bỏ chạy; nông dân đã đốt toàn bộ dinh cơ của y.
Hai hôm sau, Công sứ Pháp và Tổng đốc Nghệ An cùng án sát, thương tá, tri huyện Thanh Chương đem lính khố xanh về Hạnh Lâm để “dẹp loạn cộng sản”. Trước tình hình đó, hơn 1.500 dân chúng gần đồn điền Kí Viễn đã đổ ra bao vây quan lính, đòi thực hiện các yêu sách nói trên của dân và đòi phải miễn sưu, giảm thuế, chia đều ruộng đất công. Địch nổ súng đàn áp làm 18 người chết và 17 người bị thương. Sau đó chúng tiến hành những vụ bắt bớ kéo dài. 
Chỉ một ngày sau cuộc biểu tình 1-5-1930, Xứ uỷ Trung Kì đã phát truyền đơn phản đối thực dân Pháp và tay sai đàn áp cuộc biểu tình và kêu gọi nhân dân tiếp tục đấu tranh. Tờ “Người lao khổ” của Xứ uỷ Trung Kì số ra ngày 2-5-1930 đã nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh ở An Nam đã đến ngày quyết liệt, mỗi người trong anh em, chị em phải chết thì lại có hàng vạn anh em, chị em khác kế tiếp, dù đế quốc Pháp giở thói hung ác đến đâu cũng không thể ngăn trở phong trào cách mạng được”.
“Đứng về cả nước mà xét, ngày 1-5-1930 có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên vô sản Đông Dương xông pha lửa đạn để biểu dương tình đoàn kết cách mạng quốc tế của mình và nhiều người đã hi sinh”(2).
Từ sau ngày 1-5-1930, các bộ phận in ấn của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ ra sức in báo chí, truyền đơn để phân phát nội bộ và rải, dán ở nhiều nơi. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện ngày càng nhiều trên các cây cao, nóc đình, gây phấn chấn cho dân chúng và làm kẻ địch phải run sợ. Cho nên ngày 1-5-1930 được coi là mốc khởi đầu cho một bước ngoặt mới: cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt nam còn non trẻ lãnh đạo.
Từ ngày 1-5-1930 đến cuối tháng 8-1930, tại Nghệ An đã có hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân Vinh-Bến Thuỷ và nông dân các huyện dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Bất ngờ trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ với những hình thức mới lạ của nhân dân xứ Nghệ, thực dân Pháp buộc phải nới lỏng chính sách cai trị, giải quyết một số yêu sách của công nhân, nông dân, viên chức. Để chống tư tưởng vội thoả mãn với những kết quả đã đạt được, Xứ uỷ Trung Kì chủ trương cổ vũ quần chúng tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn. Báo “Người lao khổ” của Xứ uỷ Trung Kì ngày 13-7-1930 đã kêu gọi: “Rồi đây đế quốc sẽ cải lương cho anh em ít nhiều quyền lợi, song chỉ là để anh em đừng phản đối nó thôi. Chỉ khi nào anh em đứng dậy làm cách mạng cộng sản đánh đổ đế quốc thì mới hết khổ sở”.
Đặc điểm phong trào cách mạng giai đoạn này (từ ngày 1-5-1930 đến cuối tháng 8-1930) là có sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, tạo nên sự tác dộng tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau dưới sự chỉ đạo của các cấp bộ đảng. Trong từng cuộc đấu tranh đã có sự kết hợp khéo léo các khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, nâng cao dần ý thức giác ngộ của quần chúng. Ngay từ các cuộc biểu tình trong ngày 1-5-1930 đã mang tính chất chính trị ngày càng rõ rệt và càng về sau, tính chất chính trị của phong trào lại càng đậm nét, thể hiện trong các khẩu hiệu, yêu sách của cuộc biểu tình.
Phương thức đấu tranh mới mẻ của công nông Nghệ-Tĩnh đã làm cho kẻ thù lúng túng. Khâm sứ Trung Kì Saten (Chatel) đã thừa nhận trong bản báo cáo gửi Chính phủ Pháp ngày 5-7-1930: “Lâu nay, chúng ta chỉ mới biết đến những phương pháp hoạt động của các đảng cách mạng cũ. Lần này, các quan lại hình như lúng túng, bối rối về sự tổ chức hoàn hảo của Cộng sản theo kiểu châu Âu…Tình thế ấy đã đặt chúng ta vào tình trạng đôi đường khó xử.(3).
Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời
Mặc dù chính quyền thực dân, phong kiến tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng từ cuối tháng 8-1930, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh đã phát triển vượt bậc, với các cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt. Mở đầu là cuộc đấu tranh của hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn, ngày 30-8-1930.
Hôm sau, ngày 1-9-1930, tại Thanh Chương diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn gồm trên 2 vạn nông dân cả 5 tổng kéo về huyện lỵ áp đảo tri huyện, buộc y phải tháo chạy. Đoàn biểu tình đập phá huyện đường, phá trại giam, giải thoát tù nhân, đập phá đại lí rượu ti của Pháp. Chính quyền bị vô hiệu hoá. Bộ máy hào lí các tổng, xã, thôn như rắn mất đầu, lần lượt quy hàng cách mạng. Xã bộ nông (chính quyền cách mạng) lên nắm quyền ở thôn, xã. Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời từ đó. Như vết dầu loang, nhiều xã trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lập chính quyền Xô viết.
Như vậy, nếu cuộc biểu tình ngày 1-5-1930 ở Vinh-Bến Thuỷ được coi là sự kiện “đứng đầu dậy trước” mở màn cho cao trào cách mạng 1930-1931 thì cuộc biểu tình lịch sử ngày 1-9-1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của Xô viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tỉnh uỷ Nghệ An đã đánh giá sự kiện 1-9-1930 ở Thanh Chương: “Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy có ở An Nam bao giờ đã đưa anh em công nông đến một thời kì mới, thời kì đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kì công nông phải hi sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do”(4).
Trong khi phong trào ở nông thôn phát triển mạnh mẽ, tại Vinh-Bến Thuỷ, cũng trong ngày 1-9-1930, Tổng Công hội Vinh đã kịp thời phát động công nhân các nhà máy tổng bãi công để phối hợp hành động với nông dân Thanh Chương, Nam Đàn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Công hội Vinh, ngày 2-9-1930, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, công nhân nhà máy diêm Bến Thuỷ tiếp tục đấu tranh đòi thực hiện các yêu sách: tăng lương, bớt giờ làm, đòi phát xà phòng để tắm rửa, đòi bắt quạt máy và sơn cửa kính cho đỡ nóng.
Sau những cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân các nhà máy ở Vinh-Bến Thuỷ và những cuộc tổng biểu tình với quy mô lớn có trang bị vũ khí thô sơ của nông dân hai huyện Nam Đàn và Thanh Chương, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao với sự ra đời của các Xô viết thôn xã; chính quyền thực dân phong kiến bị rung chuyển, bộ máy hào lí ở cơ sở mất hiệu lực, quyền cai quản nông thôn thuộc về Xã bộ nông (chính quyền Xô viết nông dân).
Mặc dù nhà cầm quyền tìm mọi cách ngăn chặn nhưng phong trào cách mạng vẫn phát triển mạnh mẽ. Sáng ngày 12-9-1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng Phù Long, Thông Lạng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) tổ chức mít tinh, biểu tình quy mô lớn. Cuộc biểu tình do Tỉnh bộ Vinh, trực tiếp là các đồng chí Lê Doãn Sửu, Nguyễn Phúc lãnh đạo. Mặc dù trời mưa to, lại bị một toán tính hăm doạ nhưng đoàn biểu tình với những lá cờ đỏ dẫn đầu, đi hai bên là những tự vệ đỏ trang bị vũ khí dao, gậy vẫn giữ nghiêm hàng ngũ tiến về phủ lị Hưng Nguyên. Khi đến gần TP Vinh, số người tham gia biểu tình lên tới 30 ngàn, xếp hàng dài 4km.
    Đến Thái Lão, địch điều hai máy bay đến ném bom và xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình. Tổng số 217 người thiệt mạng và 125 người bị thương. Ngoài ra còn hàng chục người bị bắt, 277 ngôi nhà bị đốt cháy.
Vụ tàn sát cực kì dã man, vô nhân đạo này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Ngày 12-9-1930 trở thành ngày kỉ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh hàng năm.
Với hành động khủng bố tàn bạo, đế quốc Pháp tưởng có thể dập tắt nhanh chóng ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh bằng bom đạn, nhưng ngọn lửa căm thù càng sục sôi trong lòng hàng triệu người, và làn sóng cách mạng càng dâng cao ở khắp mọi nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Từ giữa tháng 9-1930, khắp nơi trong tỉnh đã tổ chức mít tinh, biểu tình, truy điệu những đồng bào đã hi sinh ở Thái Lão ngày 12-9. Lớn nhất là lễ truy điệu do Tỉnh uỷ tổ chức tại làng Lộc Đa (nay thuộc xã Hưng Lộc, TP Vinh) và ở chợ Cồn (Thanh Chương). Cuộc mít tinh và truy điệu ở chợ Cồn có hàng chục ngàn quần chúng tới dự và hàng trăm tự vệ đỏ bảo vệ. Xứ uỷ Trung Kì, các tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh đã phát truyền đơn, đăng báo ca ngợi tinh thần đấu tranh của quần chúng; đồng thời lên án tội ác thực dân Pháp và tay sai.
Truyền đơn của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện nhiều nơi sau ngày 12-9-1930. Nội dung các truyền đơn lên án tội ác tày trời của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống thực dân phong kiến giành độc lập: “Anh em, chị em hãy cùng với Đảng Cộng sản hợp thành một hàng trận để chống lại với chính sách tàn ác của đế quốc Pháp và đòi quyền tự do…”(5).
Cuối tháng 10-1930, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất đã được tổ chức tại làng Đồng Xuân (nay thuộc xã Xuân Tường, Thanh Chương). Xứ uỷ Trung Kì đã phái một đại biểu về chỉ đạo đại hội. Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh trong thời điểm nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao kịp thời của các cấp bộ Đảng thì phong trào sẽ không tránh khỏi sa vào xu hướng manh động và rất dễ bị kẻ thù dập tắt nhanh chóng.
Chính quyền Xô viết ở thôn xã mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ: thực hiện quyền tự do dân chủ như tự do hội họp, tự do hoạt động đoàn thể, nam nữ bình quyền, tổ chức học chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng tình đoàn kết xóm làng… Về kinh tế, chính quyền Xô viết chia ruộng đất công, tiền lúa công cho dân cày, bãi bỏ các khoản thuế vô lí, giãn nợ, giảm tô, làm thuỷ lợi….; Các thôn xóm đều có các đội tự vệ đỏ. Đó là một chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Lãnh đạo đấu tranh chống khủng bố trắng
Lo sợ trước phong trào đấu tranh ngày càng dâng cao, địch tiến hành khủng bố trắng. So sánh lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến Xứ uỷ, Tỉnh uỷ đều bị đánh phá nghiêm trọng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Xứ uỷ như Trần Phú, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh lần lượt hi sinh.
Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, các Xô viết đã gắn đấu tranh chống khủng bố với chống đầu thú, in và phát truyền đơn, tài liệu tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, cổ vũ quần chúng đấu tranh. Do đó, phong trào không bị dập tắt nhanh mà lùi dần trước những cơn lốc khủng bố trắng tàn bạo của thực dân Pháp và sau đó là thời kì rút vào bảo vệ, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Ở Nghệ An, nhiều vùng Xô viết vẫn tồn tại cho đến tháng 3-1931. Tại Thanh Chương, có nơi chính quyền Xô viết vẫn giữ được tới tháng 10-1931.
Trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, để duy trì vai trò và uy tín của Đảng, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền phản cách mạng, Xứ uỷ Trung Kì, Tỉnh uỷ Nghệ An cùng các cấp bộ Đảng đã đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng, mở các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, sử dụng mọi phương tiện tuyên truyền, cổ động để củng cố, nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng.
Nét nổi bật trong thời kì này là nhiều loại báo chí của Đảng xuất hiện đều đặn, rất kịp thời và phong phú. Xứ uỷ có báo “Người lao khổ”, “Công nông binh”, “Chỉ đạo”, “Vô sản”, “Tranh đấu”. Tỉnh uỷ Nghệ An có báo “Tiến lên”. Các huyện uỷ: Hưng Nguyên có báo “Sản nghiệp”, Nam Đàn có báo “Giác ngộ”, Thanh Chương có báo “Nhà quê”, Anh Sơn có báo “Gương vô sản”, Quỳnh Lưu có báo “Tia sáng”, “Lao động”, Nghi Lộc có báo “Dân nghèo”.
Ngoài báo chí, phải kể đến hàng loạt thơ ca cách mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong những năm 1930-1931, thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng với nhiều thể loại phong phú: thơ ca, hò vè, diễn văn, cổ động, câu đối, văn điếu, văn truy điệu…Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh phản ánh phong trào cách mạng, ca ngợi tinh thần đấu tranh oanh liệt của quần chúng, giáo dục sâu sắc lí tưởng đấu tranh cho một xã hội tương lai, tự do, hạnh phúc, vừa tố các tội ác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của đế quốc, phong kiến.
Song song với công tác tư tưởng, công tác tổ chức được các cấp bộ đảng luôn đề cao. Từ tháng 3-1931, Xứ uỷ Trung Kì đã quyết định giải thể Tỉnh bộ Vinh, lập ra Khu uỷ Vinh và Khu uỷ Bến Thuỷ trực thuộc Xứ uỷ Trung Kì; sáp nhập một số chi bộ thuộc hai đảng bộ Nghi Lộc và Hưng Nguyên (trước thuộc Tỉnh bộ Vinh) vào Đảng bộ Nghệ An. Lập ra các phân bộ đảng ở một số huyện để chỉ đạo từng vùng cho sát.
Những biện pháp tư tưởng và tổ chức trên đã góp phần xây dựng, củng cố, bảo vệ tổ chức đảng và duy trì phong trào cách mạng. Mặc dù bị khủng bố trắng, ở hầu khắp các vùng xô viết, kể từ đầu năm đến giữa năm 1931, các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng vẫn phát triển với tốc độ nhanh.
Công tác binh vận được chú trọng. Trong Thông cáo ngày 29-4-1931, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An vạch rõ: “Mỗi chi bộ phái ra một đồng chí chuyên trách về việc liên lạc với lính trong một thời gian ngắn ngủi sắp tới đây. Huyện bộ nào, phân chi bộ nào cũng phải tổ chức cho được những cán bộ Đảng trong quân lính. Dùng tình cảm dân tộc mà kéo cho được quảng đại quần chúng lính theo ảnh hưởng của Đảng”. Theo tinh thần Thông cáo, các cấp bộ đảng đã dùng mọi hình thức tuyên truyền giác ngộ anh em trong lính Việt và cả người nước ngoài. Sau đó tại Vinh xuất hiện những truyền đơn bằng ba thứ tiếng Đức, Pháp, Việt kêu gọi binh lính ủng hộ cách mạng Việt Nam.       
Vào giai đoạn thoái trào, trong tình hình địch đánh phá ráo riết bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cơ quan Xứ uỷ Trung Kì vẫn tồn tại trong sự bảo vệ khôn khéo của quần chúng cách mạng vùng Vinh-Bến Thuỷ.
 Ý nghĩa và bài học từ thực tiễn phong trào cách mạng 1930-1931
Cao trào cách mạng mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn. Phong trào đã khẳng định đường lối cách mạng Đông Dương do Đảng đề ra là đúng đắn, mở đầu cho giai đoạn cách mạng đi theo đường lối sáng tạo trên cơ sở lí luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. “Thắng lợi lớn nhất của Đảng ta trong cao trào cách mạng 1930-1931 là Đảng đã thực hiện được khối liên minh công-nông, do đó đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng cho giai cấp công nhân”(6).
Phong trào đã gây tiếng vang lớn trong nước và trên thế giới. Nó đã “góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong các thuộc địa, nhất là các nước phương Đông”(7) và nâng cao địa vị của Đảng ta trên trường quốc tế. Trong phiên họp ngày 11-4-1931, Hội nghị toàn thể lần thứ 11 Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản.        
Phong trào đã để lại những bài học cách mạng có giá trị. Trong lãnh đạo đấu tranh, Đảng bộ Nghệ An đã tạo ra được sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa phong trào công nhân và nông dân, thường xuyên tác động hỗ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển. Đó là sự liên minh tự giác, có tổ chức giữa hai giai cấp chủ lực của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ.
Trong thời kì đầu của cao trào cách mạng 1930-1931, đảng bộ đã đề ra được những khẩu hiệu sát đúng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi thiết thân hàng ngày của các tầng lớp nhân dân nên đã nhanh chóng tạo được phong trào đấu tranh sôi nổi khắp thành thị và nông thôn. Nhiều cuộc biểu tình có tổ chức đã giành được thắng lợi, đạt được mục tiêu đề ra từ đầu. Chính quyền thực dân, phong kiến đã phải chấp nhận một số yêu sách của nhân dân.
Tuy nhiên, điểm yếu của các cấp bộ đảng ở Nghệ An là chưa lôi cuốn được tất cả tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh, tạo thành mặt trận rộng rãi chống đế quốc, phong kiến. Về phương pháp đấu tranh có nơi có lúc còn chưa phù hợp, linh hoạt.
Thực tiễn sinh động từ cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng bộ Nghệ An và Đảng bộ Hà Tĩnh cùng toàn Đảng những bài học xương máu vô cùng sâu sắc, cả những bài học thành công và những bài học chưa thành công trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào.
 
Chú thích:
 (1)-Văn kiện Đảng (1930-1945), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội, 1977, t.1, tr.51.
 (2)-Hồng Thế Công-Dự thảo về lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương (Hồng Thế Công là bí danh của đồng chí Hà Huy Tập).
(3)-Hồ sơ lưu tại Văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An.
(4)-Văn kiện Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, trang 49.
(5)- Văn kiện Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, trang 55.
(6)-Trường Chinh, Tiến lên dưới lá cờ của Đảng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.9.
(7)-Văn kiện Đảng (1930-1945), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội, 1977, t.1, tr.289.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525312

Hôm nay

2126

Hôm qua

2364

Tuần này

22014

Tháng này

212008

Tháng qua

0

Tất cả

114525312