Cuộc sống quanh ta

Tôn Thất Thân, cháu ngoại học giả Phạm Quỳnh - Người thầy đầu tiên của những học sinh giỏi toán

Cách đây 5 năm, khi tôi viết bài về PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (người mà năm 1974 đã cũng với Hoàng Lê Minh, Đặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng rinh những chiếc huy chương Toán quốc tế đầu tiên cho Việt Nam) thì có một chi tiết khá đặc biệt: PGS.TSKH Vũ Đình Hoà đã nhắc đến một người thầy với một tình cảm xúc động lạ kỳ.

Đó là thầy Tôn Thân (tên đầy đủ là Tôn Thất Thân –PT chú), giáo viên dạy chuyên Toán của Trường THCS Trưng Vương. Nhắc đến thầy, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa liên tục phải gỡ đôi kính dày hơn 10 điốp của mình để lau nước mắt. Thời gian trôi đi, tôi vẫn chưa gặp được thầy Tôn Thân thì thật bất ngờ, trong cuộc trò chuyện mới đây của tôi với Giáo sư Ngô Bảo Châu (người vừa được trao giải thưởng Fields), thầy Tôn Thân lại xuất hiện. Thầy cũng chính là thầy giáo dạy chuyên Toán cấp hai của Ngô Bảo Châu, cũng là một trong những thầy giáo đã ảnh hưởng lớn đến con đường khoa học sau này của Giáo sư. Điều đó một lần nữa lại thôi thúc tôi tìm gặp thầy Tôn Thân.

                                                                                                                        *
                                                                                                                      *  *
Học trò của thầy Tôn Thân, ngoài Giáo sư Ngô Bảo Châu, PGS. TSKH Vũ Đình Hòa còn có rất nhiều người thành đạt. Đó là Lê Thị Hồng Vân, nữ tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam hiện đang là giảng viên trường ĐH của CH Séc, thường xuyên được mời thỉnh giảng ở Pháp, Đức. Nguyễn Đình Công, trước đây là Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Vũ Hà Văn, con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương hiện là Giáo sư tại Mỹ, một trong những nhà toán học hàng đầu về chuyên ngành tổ hợp. Hoàng Nam Tiến, một trong những giám đốc đầy năng lực của FPT…
 
*
*  *
Thầy Tôn Thân đón tôi với một nụ cười thật hiền hậu. Thầy đẩy xe giúp tôi lên bậc thềm nhà cao ngút, ân cần như tôi là học trò cũ của thầy vậy. Tôi hỏi thầy có phải là cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh, chủ bút của tờ Nam Phong không, thì giọng thầy náo nức: “Đúng rồi, Phạm Quỳnh là ông ngoại của thầy, tiếc là ông mất khi thầy còn quá nhỏ (mới hai tuổi – PT chú). Nhưng thầy chịu ảnh hưởng lớn bởi cốt cách và tri thức của ông qua lời kể của mẹ. Ông mồ côi sớm, sức khỏe lúc nào cũng yếu ớt, nhưng trong ông lại tiềm tàng một ý chí tự học vươn lên mãnh liệt. Ông yêu nghề dạy học vô cùng, tất cả mọi công danh, thành đạt, tiếng tăm của ông đều do nỗ lực tự học của ông mà nên. Sang Pháp, ông đã diễn thuyết bằng tiếng Pháp, hoàn toàn do ông tự học tiếng Pháp ở trường Viễn Đông Bác Cổ (Thật ra là ông từng học Trường Thông Ngôn, rồi Trường Bưởi, toàn do các thầy người Pháp chính gốc dạy bằng tiếng Pháp; sau tốt nghiệp thủ khoa mới vào làm ở Trường Viễn Đông Bác Cổ – PT chú). Sau này, ông còn dịch thơ Đỗ Phủ, chữ Hán cũng là do ông tự học, càng cho thấy một năng lực bền bỉ, kiên trì, vượt mọi khó khăn, biết quý trọng tri thức của ông. Tất cả những phẩm hạnh của ông như một mạch nước ngầm bền bỉ thấm vào thầy”. Thầy Tôn Thân bảo với tôi rằng, truyền thống gia đình và cả yếu tố bẩm sinh di truyền là vô cùng quan trọng. Bố thầy là GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng Trường Thăng Long xưa, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Đặng Thai Mai từng dạy học (mẹ thầy là Phạm Thị Giá trưởng nữ của Phạm Quỳnh – PT chú). Theo thầy Tôn Thân, những yếu tố làm nên thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu, ngoài môi trường khoa học lành mạnh mà anh được may mắn thừa hưởng từ bố mẹ, và sau này là trường ĐH Sư phạm cao cấp của Pháp; ngoài năng lực, sự nỗ lực vượt bậc của anh trong suốt 15 năm dành cho “Bổ đề cơ bản”, thì còn có yếu tố di truyền từ truyền thống gia đình.
Nhắc đến những học trò của mình, thầy Tôn Thân và người bạn đời của mình là cô giáo Vũ Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương đã nghỉ hưu đều xôn xao, lòng dâng lên những cảm xúc êm dịu, ngọt ngào nhất. Thầy Tôn Thân vốn là một giáo viên dạy Văn của Trường THCS Trưng Vương (Thật ra là dạy văn ở một trường cấp II huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội; sau chuyển sang dạy toán cho đội học sinh của huyện kịp dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn thành phố; từ đó, dạy chuyên toán – PT chú), nhưng những năm 1970, trường lại thiếu giáo viên dạy chuyên Toán. Vậy là thầy chuyển sang dạy chuyên Toán, đầy thử thách và mạo hiểm, nhưng có lẽ đó cũng là cái duyên của thầy với Toán học. Thế rồi, lớp chuyên Toán đầu tiên được thành lập, cả thành phố chỉ tuyển được 30 em sau kỳ thi tuyển đầy khắc nghiệt. Hồi đó, kiến thức về toán học của thầy có lẽ chưa đủ nhiều, nhưng bù lại, thầy yêu học trò của mình vô cùng, thầy dành cho học trò tất cả những tình cảm trong trẻo nhất. Thầy đã dạy họ bằng một tình yêu trẻ nhỏ, thắp lên trong những cô cậu học trò non nớt những khát vọng đầu đời. Còn tôi thì nghĩ rằng, tình yêu đó của thầy quá lớn đã khiến thầy có lúc như mê muội, như bị mê dụ, thôi miên thầy lao vào chân trời của Toán học. Trong hồi ký của PGS.TSKH Vũ Đình Hòa, anh viết về thầy Tôn Thân của mình với những lời tha thiết: “Rơi rụng ít nhiều trong cuộc đời, nhưng vẫn còn những người trong số chúng tôi làm khoa học và chắc chắn sẽ chỉ làm khoa học chứ không làm gì khác. Vâng, thầy đã truyền cho chúng tôi một lý tưởng về cuộc sống và con người. Kỷ niệm thơ ấu của chúng tôi có một giai đoạn sáng chói là thời gian học thầy. Có lẽ thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi” (Chúng tôi nhấn mạnh –PT chú). Làm sao anh có thể quên được thầy Tôn Thân với dáng vẻ gầy gò thư sinh, cọc cạch đạp xe đến nhà những học sinh yếu kèm toán cho các em vào mỗi buổi chiều. Làm sao họ có thể nguôi nhớ về những cuốn sách nhàu nhĩ quý hiếm mà thầy cất công sưu tầm, tìm kiếm để mang đến cho học trò. Rồi hình ảnh thầy đứng co ro, chờ học sinh xem đá bóng ở ngoài sân vận động dưới sương đêm giá buốt, để chở học sinh về nhà mình ngủ. Hình ảnh thầy và trò miệt mài tìm những lời giải toán đẹp nhất quanh chiếc bàn làm việc cũ kỹ của thầy, đến khi tìm ra lời giải, thì tiếng chuông xe điện đã leng keng báo hiệu ngày mới. Thầy đã dành cho học sinh của mình những quyển sách quý nhất trên giá sách của mình. Chính trái tim nóng ấm, dịu dàng một tình yêu học trò luôn thường trực trong thầy đã là một chất men làm thăng hoa, khiến thầy không ngừng có những sáng tạo, sáng kiến mới mẻ, độc đáo trong dạy toán và trong phương pháp sư phạm.
Thầy Tôn Thân xúc động nhớ lại: “Những năm đầu tôi phải tự học tiếng Nga, tiếng Pháp để đọc sách toán của họ, hồi đó ngoài quyển sách giáo khoa, chúng tôi chỉ có một vài quyển sách tham khảo. Sách vở hiếm hoi, học trò thì quá thông minh khiến tôi lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Nhưng tôi quyết tâm không để cháy giáo án, không thể để hết vốn, tất cả vì học trò. Ngày nào tôi cũng tìm tòi tư liệu về toán, sưu tầm các bài toán mới với những lời giải khác nhau để mang đến cho các em. Mà lạ lắm, hồi đó học sinh chuyên toán học toán say mê lạ lùng. Có những tiết học thầy trò quá say sưa, trống báo hết giờ lúc nào cũng không hay. Tôi tâm niệm, dạy toán là vừa dạy khoa học, nhưng cũng là dạy nghệ thuật, làm sao để khơi gợi các em tình yêu toán học và một khát vọng chiến thắng”. Thầy tâm sự, thầy không bao giờ áp đặt cách dạy của mình vào những bộ óc non nớt nhưng khao khát sáng tạo. Giờ luyện tập, thầy len giữa thế giới sáng tạo của học trò, cùng hồi hộp, cùng vui buồn với các em qua những trang nháp trắng tinh đến khi chằng chịt con số, hình vẽ. Thầy còn tìm đọc loại sách “Kim Đồng” để hiểu thêm sự vật qua đôi mắt trẻ thơ sẽ ra sao. Đêm đêm, bên những bài toán hóc búa, thầy luôn trăn trở, khi giải bài này, các em sẽ theo con đường nào? Thầy đã “sống lại đời học trò”, để hiểu cách nghĩ kiểu học trò, chọn đúng điểm tựa nâng các em lên tầm cao hơn. Thầy để cho các em tự bầu đội tuyển, học trò tự tôn vinh nhau sẽ không có yếu tố nhiễu chen vào. Để bù đắp tình trạng thiếu sách học trầm trọng, thầy Tôn Thân đã sáng tạo ra “Hồ sơ bài tập”, ở đó thầy ghi đề bài, xuất xứ đề bài và các cách giải khác nhau, có ý hay của học sinh kém và cả thiếu sót của học sinh giỏi (có bài tập thầy sưu tầm được 15 cách giải). Thầy còn phát động phong trào viết báo tường bằng toán học, ai có lời giải hay, nghĩ được đề bài hay, thì viết vào tờ báo tường đó để tất cả cùng chiêm ngưỡng. Thầy cũng là tác giả của “bài tập câm” (nôm na là thầy đưa ra ký hiệu để học trò dựa vào đó nghĩ ra các loại đề bài khác nhau, khơi gợi tư duy của học trò). Năm nào Tết đến, quà thầy mừng tuổi cho học trò là những gói quà nhỏ xinh xắn, bên trong có bánh kẹo và một bài tập toán, em nào giỏi thầy tặng đề toán khó, em nào yếu, thầy dành cho đề nhẹ hơn…
Năm 1980, ngành Giáo dục đã tổ chức hội nghị tổng kết sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, dạy học lần thứ nhất (đến nay vẫn chưa có lần thứ hai). Thầy Tôn Thân đã “trình diễn” cách dạy một bài toán hình học về tam giác. Thầy không đi theo cách thông thường là dựa vào giả thiết để chứng minh, mà bắc một “cây cầu phụ” từ giả thiết để chứng minh. Kết thúc giờ trình diễn, thầy Vụ trưởng Vụ cấp III lúc bấy giờ đã reo lên: “Trời ơi, lâu lắm rồi tôi mới được dự một kiểu dạy học như thời Pháp ngày xưa”. Cả hội trường rộ lên tiếng vỗ tay không ngớt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng xúc động, đến bên ôm lấy thầy Tôn Thân (Chúng tôi nhấn mạnh – PT chú). Tại hội nghị này, thầy đã được trao giải A. Kể lại cho tôi nghe câu chuyện này, thầy Tôn Thân cho hay thầy rất tâm đắc với câu nói: “Đừng bắt người ta uống, hãy làm cho người ta khát”. Dạy học cũng vậy, đừng áp đặt học trò, luôn khơi dậy lòng khao khát chiếm lĩnh những đỉnh cao toán học trong học trò, càng không nên nhồi nhét học trò.
Ngô Bảo Châu là học sinh khóa chuyên Toán cuối cùng của thầy Tôn Thân, vì sau đó thầy chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Năm 1995, thầy bảo vệ luận án Tiến sỹ. Năm 2002, thầy được phong chức danh Phó Giáo sư và năm 2006, thầy được nhận danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân. Hiện nay, thầy vẫn là chuyên viên cao cấp của Viện Khoa học giáo dục, vẫn viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thầy là tác giả của 50 đầu sách về phương pháp dạy học tiên tiến, phương pháp làm toán hiện đại. Nhưng lòng thầy nhiều trăn trở về hệ thống trường chuyên lớp chọn hiện nay, quá nhiều, tràn lan và biến tướng nên việc chọn học sinh giỏi không thể nào chính xác được. Có nhiều người còn sai lầm khi đặt ra mục tiêu của lớp chuyên là để luyện thi đại học, cho rằng, học chuyên như một món đồ trang sức, dạy nhồi nhét kiểu gà nòi. Thầy rất buồn khi hiện nay, chỉ còn hệ thống chuyên cấp III, trong khi những năng khiếu toán học và những môn khoa học cơ bản, cần được phát hiện, nuôi dưỡng từ cấp hai, nếu không nó dễ thui chột. Nhưng cấp II hiện nay hệ thống chuyên đã bị dẹp bỏ.
Câu chuyện của thầy và những học trò chuyên toán năm xưa đã khiến tôi cồn cào nhớ về thầy cô của mình. Ai cũng có một vùng kỷ niệm tuyệt đẹp, thánh thiện đó. Thầy Tôn Thân ở một nghĩa nào đó có lẽ cũng giống như hình ảnh thầy giáo già Đuysen trong truyện ngắn Người thầy đầu tiên của nhà văn Aimatov. Đuysen khi đọc còn đánh vần một cách chật vật, trong tay không có lấy một quyển sách giáo khoa nhưng đã mở trường, mở ra một chân trời mới cho biết bao đứa trẻ nghèo, đã thắp lên ước mơ vươn đến đỉnh chóp cao siêu của khoa học trong cô bé Antưnai, sau này là viện sĩ triết học…
Trong nhiều lá thư học trò gửi cho thầy Tôn Thân từ những đất nước xa xôi, nhiều người đã viết, khi họ bước lên bậc thềm vinh quang, lòng họ đều rưng rưng nhớ đến thầy Tôn Thân. Bởi lẽ, họ có thành đạt, hào quang bao nhiêu đi chăng nữa thì những ánh hào quang đó có lẽ cũng đều bắt đầu từ những “bài học đầu tiên” của thầy Tôn Thân (Chúng tôi nhấn mạnh – PT chú).
 
Nguồn :Công An Nhân Dân cuối tuần, số 136 (1866) –  5/9/2010

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525308

Hôm nay

2122

Hôm qua

2364

Tuần này

22010

Tháng này

212004

Tháng qua

0

Tất cả

114525308