Tin tức

Hội nghị - Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - Nguồn lực cho sự phát triển bền vững”

Toàn cảnh Hội thảo

Từ ngày 24 -26/10, tại thành phố Tây Ninh, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2024 và hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - Nguồn lực cho sự phát triển bền vững”.

Tham dự lễ khai mạc Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; ông Nguyễn Hồng Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh; bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.

 

Các đại biểu về tham dự hội nghị.

 

Hội nghị tập huấn ngành Di sản văn hóa nhằm tổng kết, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2024, qua đó định hướng cho hoạt động của toàn ngành trong thời gian tới, với mục tiêu từng bước nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Xác định văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước, hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - Nguồn lực cho sự phát triển bền vững” được tổ chức, quy tụ đầy đủ đại diện của các bên liên quan tới di sản văn hóa, gồm các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn đến từ 63 tỉnh/thành phố; đại diện các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đặc biệt là giới nghiên cứu và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm… nhằm tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa thời gian qua và định hướng phát huy giá trị bền vững trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị.

 

Để có được những nhận thức tổng thể và chuyên sâu, gắn lý luận với thực tiễn, hội thảo được thiết kế nội dung chia theo 3 tiểu ban, bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực cơ bản về di sản văn hóa, cụ thể: Tiểu ban 1, Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh - nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Tiểu ban 2, Bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu; Tiểu ban 3, Quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển và hội nhập.

Các đại biểu tham gia tham luận, qua đó từng bước hoàn thiện những cơ sở lý luận phù hợp với thực tiễn để đưa ra những giải pháp tối ưu hướng đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tổng thể của toàn xã hội; thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ các rào cản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá… nhằm quản lý hiệu quả, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài sản vô giá - kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, để di sản văn hóa Việt Nam thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đất nước theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2024.

Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về di sản văn hoá, đặc biệt là hồ sơ Luật Di sản văn hóa sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển khai thác các nguồn tài nguyên văn hoá, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy vai trò của văn hóa để phát triển kinh tế và xã hội; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030, đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Hội thảo bế mạc vào ngày 26/10./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522540

Hôm nay

272

Hôm qua

2325

Tuần này

21314

Tháng này

220479

Tháng qua

121009

Tất cả

114522540