Văn hoá học đường

Bên khung cửa nhà Thầy

Năm 2002, tôi về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học cao học. Đám học trò tỉnh lẻ chúng tôi biết tiếng thầy La Khắc Hòa (Lã Nguyên) từ lâu song chưa có dịp được gặp mặt, thụ giáo thầy. Mấy người bạn ở khoa Văn sư phạm bảo hồi này thầy đang đi dạy bên Hàn Quốc. Khi thầy về cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị bảo vệ luận văn. Thầy cười tươi, bảo đây là thời kỳ cách mạng thứ hai trong đời dạy học kiếm ăn của mỗ. Thời kỳ thứ nhất á, là thời của các lớp ôn thi đại học những năm chín mươi. Thời này dài, dài hơn một chút. Mà chúng mày biết không, cái giỏi của bọn luyện thi là đưa được những khúc gỗ vào đại học, hờ hờ. Rất nhiều khúc gỗ hờ hờ… Vui thế, rồi thầy trầm lại. Thế hệ chúng tao hỏng, hỏng mấy chục năm, hỏng gần hết. Chúng mày phải làm lại thôi, không làm lại thì chết… Mấy năm vừa rồi tao phải ngồi đọc lại, suy nghĩ lại. Rồi có thêm cái thằng internet, sợ thật, thế giới nó ùa vào khủng khiếp, ông Sử (GS. Trần Đình Sử), tao… bừng tỉnh, như là khỏi mù… Nói thế chứ, rồi cũng phải nuôi con cái ăn học, để chúng nó khổ, tội lắm. Bọn mày rồi cũng thế thôi. Chả tránh được…

Tôi nghĩ, có lẽ cũng bởi một phần những năm tháng cực khổ đã trải qua, mà mỗi lần gặp tôi, câu hỏi thường trực của thầy bao giờ cũng là, “Thế nào, dạo này có túng quá không con?’’.

Năm 2007, tôi ngập ngừng đến nhà thầy xin làm luận án tiến sĩ. Trái ngược với cảm xúc khấp khởi, bồn chồn lo lắng của tôi sau cú nhấn chuông, thầy mở cửa, nhìn thấy chiếc xe máy Suzuki đỏ chót, thầy lấp lánh cười: Ờ ờ, vào đi, vào đi. Mà sao thằng này nó lại có cái xe đỏ như xe cứu hỏa thế hả? Tôi phì cười, quên cả sợ.

Đầu những năm 2000, có lẽ là những tháng ngày rất đẹp đẽ của văn chương. Ngày đó chúng tôi còn trẻ, đói khổ nhưng nhiệt huyết, ngoài văn học ra thì chẳng cần gì, đăng được một bài trên báo cũng mừng rú lên như phát rồ. Tôi quả là người may mắn, hai lần may mắn, vì giai đoạn học hăng hái nhất thì được học thầy giỏi, giai đoạn dạy nhiều nhất lại được dạy những lứa học trò ngoan, tha thiết với văn chương.

Gặp thầy hai tiếng, thầy cho ba bốn cái đề tài. Từ sử thi Tây Nguyên đến sử thi hiện đại. Từ tiền chiến đến hậu chiến. Từ phê bình đến lịch sử phê bình... Mà đề tài này là hệ quả bật ra từ ý tứ của đề tài kia. Tôi trộm nghĩ, thầy mà cứ gợi ý thế này thì chắc mình từ tiền tuyến đến tiền liệt tuyến mất thôi hí hí. Mấy hôm sau thầy gọi điện, thôi, thôi ư tờ ứt, vứt, vứt hết con ạ. Mày làm cái này cho thầy, làm cái hậu hiện đại trong văn học Việt Nam… Làm cái gì nó mơi mới một tí, mới đi xa được…

Tôi ù cả tai, một là vì vừa vã mồ hôi chuẩn bị xong mấy cái đề cương; hai là vì cơ bản chưa biết hậu hiện đại là cái chi chi…

Thế rồi cũng hì hụi đọc và làm. Nhiều lần sợ chữ nghĩa không tới, chỉ dám nhắn tin thầy. Thầy bảo, luận án từ từ, từ từ, cứ lo mà kiếm ăn đi đã, rồi đọc dần, nghĩ dần, đến lúc viết tập trung viết một mạch, ào cái là xong. Bài báo đầu tiên tôi đăng Văn nghệ, thầy gọi điện bảo thế này, thế này, thế, nhớ là đằng sau trang báo luôn có những cặp mắt tinh tường con nhé… Lại nhớ, hồi còn trẻ trâu, tôi cũng tập tọng viết dăm ba truyện ngắn. Có lần, khi một truyện của tôi được chọn vào top 10 truyện ngắn hay trong năm của báo Văn nghệ, thầy gọi điện bảo, mày sáng tác được đấy con ạ, nhưng chú ý xem, giữa động (sáng tác) và tĩnh (nghiên cứu) thì nên chọn gì con nhé… Tôi đùa, em chỉ “táng x/sác” a-ma-tơ cho vui thôi, chứ em không định thành nhà văn đâu ạ. Ừ ừ, chú ý, chú ý nhé, giữ cái gia đình… Thằng Nguyên [Phạm Xuân Nguyên] giỏi, con vợ hắn cũng giỏi, nhưng không giữ được nhà vì Nguyên nó cứ khách khứa giao du hết Việt kiều lại trong Nam ngoài Bắc, vợ nó không chịu được. À hồi nọ tao định giới thiệu con cháu với thằng Nghĩa [Phạm Duy Nghĩa], sau mới nghe được ngày còn sinh viên thằng Nghĩa đánh một thằng, bôi xà phòng lên đầu rồi bị đuổi một năm. Khiếp, thằng trông hiền hiền thế mà ghê phết nhể. Tôi bảo Phạm Duy Nghĩa chỉ đánh một thằng hâm thôi thầy. Nghèo và ngu người ta còn chịu được chứ hâm mà lại học văn thì không ai chịu được. Vì lâu lâu không thấy ai đánh nên ông Nghĩa mới đánh cảnh cáo nó thầy ạ.

- Thế cái nhà mày đang ở nó như thế nào con? Thầy hỏi.

Tôi mô tả, rằng chỗ em ở thì cũng tàm tạm, là khu tập thể cũ, tuổi mới gần 30 năm, xi sắt Liên Xô nên tốt hơn nhà bây giờ. Và dù đã được tự tôi “duy tu, bảo dưỡng, cơi nới, lăn sơn qua trần thuật” mấy lần song thầy vẫn lắc đầu bảo: Thế có mỗi phòng thì nó như cái đình à? Khổ quá, chậc, khổ quá. Văn học cũng quan trọng, nhưng cuộc đời còn quan trọng hơn. Đừng để vợ con nó khổ quá, tội lắm con ạ.

Rồi cũng có dịp Thầy ghé qua tệ xá của tôi. Năm đó, vào mùa đông, nhân dịp có hội đồng chấm luận văn, tôi đón Thầy về nhà trên chiếc xe cứu hỏa quen thuộc. Vợ chồng mừng rối lên, chẳng biết làm gì ngoài việc đẩy cái này vào, kéo cái kia ra cho nhà đỡ chật. Thầy đi bộ bốn tầng cầu thang, tay xách túi quà to, vừa đi vừa bảo à à, à à, nó ở đây, nó ở đây, ý chừng bảo cái nhà của thằng học trò là như thế này đây. Thú thực, tôi không xấu hổ vì nghèo, mà chỉ ngại thằng con mấy tuổi cứ khách đến là hay nói linh tinh. Tôi bảo, thầy ơi, thằng cu nhà em mấy lần về nhà thầy chơi, cái thằng hay nghịch đó… À à, tao biết rồi, biết rồi, giờ nó có nghịch không? Không, giờ nó không nghịch, chỉ hay nói linh tinh thôi ạ. Thế nó nói thế nào? À, nó cứ đế theo, ví dụ em bảo đây là ông Hòa thì nó bảo cháu chào ông “Hòa sữa”, em bảo đây là ông Mỳ thì nó bảo cháu chào ông “Mỳ tôm”. Có lần, em có ông cụ đồng hương đến chơi, em bảo chào ông Dụng đi con, nó bảo a a, ông “Rụng rái”, cháu chào ông “Rụng rái” ạ hơ hơ… Thầy cười sặc, bảo thằng này khá, thằng này khá, kệ nó, cứ thế cho nó vui con ạ…

Thầy vào phòng, ôm con gái tôi, nào, ông bà có quà cho cháu đây, bánh bà Vân (cô Vân nhà thầy) mua gửi đấy. Thằng bố mày đâu, chụp cho ông cháu tao kiểu ảnh nào… Căn phòng tập thể chật chội của vợ chồng tôi ấm áp rộn rã tiếng cười…

May mắn cho những ai trong đời gặp được những người thầy tốt. Có lẽ tôi là một người như vậy. Chút chữ nghĩa tôi có được bây giờ là nhờ sự chỉ bảo của các thầy cô. Đầu tiên là các thầy cô khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, những người đã dạy tôi làm quen với nghiên cứu văn học. Trong học tập và công việc, tôi còn được nhiều thầy cô, các bậc tiền bối, đồng nghiệp giúp đỡ, khích lệ. Riêng thầy Hòa là người đặc biệt, người khai sáng tư tưởng cho tôi. Mỗi lần gặp thầy, đọc thầy, những tia lửa được lóe lên trong câu chuyện khiến tôi nảy sinh ý tưởng và ngày càng đam mê văn học. Thầy dạy tôi nghiên cứu văn học bằng lý tính, có phương pháp luận. Thầy giúp hình thành trong tôi một nhãn quan cởi mở về văn học. Từ đó, giúp tôi hiểu văn học là gì và phải nghiên cứu nó như thế nào.

Nói chữ nghĩa sơ sơ thì là vậy, nhưng thực ra cũng là chuyện vô tận vô cùng. Trong thâm tâm, tôi gắn bó với thầy nhiều hơn ở phía tình đời. Mặc dầu, tôi biết, hễ gặp chúng tôi ở đâu là thầy mở lớp “cấp tốc” đào tạo ngay tại đó. Này, tao bảo, tay Bakhtin hắn nói…; này, tao vừa dịch bài của tay Lotman, hay không chịu được… Chết chết, những cái quan trọng bọn Tây nó nói hết rồi, thật mày ạ…; À này, tao đang viết bài về tay Nguyễn Duy; hờ hờ, Nguyễn Duy là một dòng khác; tay Nguyễn Duy hát xẩm ngọng hay không chịu được, tối tao gửi cho mà xem; tay Thiệp [Nguyễn Huy Thiệp] cái chất dân gian của nó cứ ngồn ngộn ra, kinh thật; ông Khánh [Nguyễn Xuân Khánh] ông ấy là một bồ chữ mày ạ; thằng Thân [Đặng Thân] không biết quê gốc ở đâu, tôi bảo hình như Nghệ An, ừ ừ, cái quê thích làm cách mạng, nó viết ghê đấy, nó là một chủ thể khác, một cách viết khác…

Hôm tôi bảo vệ luận án có nhiều bạn văn đến dự. Đặng Thân, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Trần Hưng... Thầy rất vui. Thầy thích chơi với bọn trẻ. Mà lạ, cứ hễ thầy nói câu nào là cả hội trường lại cười rộn lên theo câu đó. Cái văn học hậu hiện đại ngày ấy còn hơi là lạ nên cũng có nhiều ý kiến này khác trái chiều. Tôi thì gồng sức ra để chứng minh, thầy lại tung tăng hóa giải khúc mắc bằng những chuỗi cười. Có anh bạn tôi khi về còn nhắc mãi, hôm dự buổi bảo vệ luận án về văn học hại hậu đậu hay hậu hại điện gì đó của ông, vui ông ạ! Ông thầy ông giỏi gỡ, cứ trò bí chỗ nào là cụ gỡ chỗ đó, mà gỡ khéo nên các cụ kia cũng không thấy mếch lòng…

Sau khi bảo vệ luận án, có một vài chỗ ở Hà Nội có nhã ý mời tôi qua làm việc, trong đó có một nơi tôi hỏi ý kiến Thầy. Thầy bảo thế à, thế à, từ từ để tao hỏi cho, tao có thằng bạn làm ở đấy, nhưng nó đang ốm, để tao hỏi. Sau này tôi mới biết thầy không hỏi mà tình nguyện làm “mật thám” cho tôi, thầy lấy lí do đi thăm ông bạn ốm, thế là tỉ tê lân la nắm bắt hết tình hình cơ quan nọ, chưa ra đến cổng thầy đã bốc máy thôi thôi, xong rồi con ạ, chỗ này toàn bọn giặc già, chết rồi chưa chôn, tao do thám hết rồi, thôi về mà đi dạy học con ạ…

Khi tôi học xong, thầy gọi vợ chồng tôi, bảo giờ thằng Thế xong rồi, đến lượt cái Vân Anh đi học đi cho xong một việc, tao hướng dẫn cho… Ôi được thế còn gì bằng. Chỉ là bọn tôi ngại, đã dốt lại xin Thầy hướng dẫn cả hai không đành. Thế là Thầy lại chủ động giúp làm cố vấn. Thầy hay đùa, bảo vợ tôi thế thằng Thế nó hay bắt nạt con không? Tôi nghĩ thầm, nhà con nó chọc được cả tiết chó, thầy chả phải lo. Thầy bảo, làm văn học hậu hiện đại, nhưng gia đình cứ là phải truyền thống đấy nhé, nhớ chưa nhể, ừ. Hậu hiện đại là tan tành hết đấy hiểu chưa, hờ hờ. Ngày cô vợ tôi bảo vệ luận án, lúc đó thầy đang nằm viện, cô Vân phải tháp tùng ra trường. Thầy vẫn nói hăng say, như thầy vẫn thế. Thầy cô gọi vợ chồng tôi ra hành lang, bảo chúng mày đang túng, thầy cô cho mấy đồng. Nói rồi thầy nhét chiếc phong bì vào túi tôi. Nước mắt tôi đột nhiên rơi. Em không nhận, thầy ơi, chúng em còn trẻ, chúng em lo được mà. Thầy bảo, tao coi vợ chồng mày như con cái, không được chối, cho đỡ vất vả, thế, thế thôi, về mà lo việc đi…

Sau lần phải mổ ở Việt - Xô, thầy cười, thế mà suýt chết mày ạ. Tôi nhăn mặt, thầy chỉ được cái, chết thế nào được. Sau này, qua mấy lần nằm viện, có lúc thập tử nhất sinh vì bệnh tật, tuổi già, cô Vân càng phải thường xuyên tháp tùng, giám sát thầy, từng bữa ăn, giấc ngủ, rồi thuốc uống. Có lần thầy đắc chí, hôm nọ trốn được bà ý một cái, đi Xuân Hòa chơi với thằng Thế cùng với Đặng Thân, Văn Giá, ăn chơi thả cửa hờ hờ, vui thật… Bà ấy quản lý chặt lắm… Ông Hiến [Hoàng Ngọc Hiến] bảo vợ ông ấy chửi ông ấy ngu, ông bảo ừ, tôi ngu, ngu như Mỹ. Mà thằng Thân sao nó uống với hút khiếp thế? Chúng mày trẻ, sướng thật, chậc chậc…

Tôi cười hi hi, nghĩ thầm (nhưng không dám nói thầy), thầy ơi, chúng em rồi cũng già đi, rồi cũng liệt dương với liệt giường hết cả. Cứ có những khoảnh khắc bên nhau, bên tình thầy trò bạn bè thương quý, cùng nhau cảm nhận buồn vui của cuộc đời này, cùng nhau ăn bát phở sáng, uống ly bia, như thế này, là hạnh phúc rồi Thầy nhỉ. Mà, có khi hạnh phúc còn là những khoảnh khắc không lời. Như ngọn gió xuân bên khung cửa… Có lẽ, người ta khát sống cũng là bởi cái tình đời thẩn thơ li ti ấy, phải thế chăng…

Tuổi già thêm bệnh tật, phải thăm bệnh viện nhiều hơn, nhưng thầy luôn lạc quan, tràn đầy năng lượng sống và làm việc. Đến bệnh viện, bà chụp cho ông một cái ảnh đăng phây, đề “dưỡng sinh định kỳ”, đủ cho con cháu yên lòng. Tôi biết Thầy là người thương chiều con cháu hết mực, đến cái sức khỏe đang ngày một xuống cấp của mình cũng hài hước hóa giải âu lo, âu lo ông bà tự gánh, cho con cái chúng nó còn yên tâm làm ăn. Và trên hết, tôi hiểu ở thầy, là sự thấu thị quy luật của nhân gian, của buồn vui sướng khổ trên mặt đất này, nên thầy cô luôn vui sống. Mỗi lần đến thăm, khi bọn tôi hỏi thầy có khỏe không, thầy lại cười hớn hở, khỏe cái gì mấy cái lão già, nay Chúa lấy đi một thứ, mai kia lại lấy đi một thứ, rồi ò í e hết, cứ vui thôi, khi nào các cụ ới thì đi, thế thôi, hờ hờ… Rồi lại lấp lánh nụ cười thường trực, rồi lại mang trà, hoa quả, và nếu có tôi thì bao giờ cũng có một vài ly rượu để nhâm nhi.

Tôi có cảm giác, nghèo khó, chiến tranh, ly loạn, những xoay vần nhân thế và thời gian càng làm thầy và cô thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn. Mỗi lần đến nhà thầy cô, lũ học trò lại được nhấm nhá những trận cười rả rích. Bà ấy giám sát tao ăn uống ghê lắm. Mà không ghê sao được. Giờ con cháu đều có công việc riêng, ở xa, ông bà chả chăm sóc nhau thì ai chăm. Vâng, bố mẹ em cũng thế, các cụ còn tự lo được nên không khiến. Thế nên, mỗi sáng thức dậy khỏe mạnh là mỗi ngày hạnh phúc rồi. Rồi thì chăm chăm chút chút, khi thì mấy khóm trà, khi một gốc hồng nhung, khi chùm hoa giấy, lúc lại ngắm tổ chim sâu lảnh lót trong vườn. Tôi nhớ nhất cảm giác cả nhà rồng rắn đến cổng nhà thầy, thấy thầy cô ra tận ngõ đón, như con cháu về nhà. Tôi không diễn tả được cảm giác này bằng ngôn ngữ. Chỉ thấy thoáng nhói lên trong lồng ngực, một niềm hạnh phúc bé nhỏ thôi nhưng cũng đủ nghẹn ngào. Về sự ấm áp của tình thầy trò. Về ý nghĩa của những niềm vui đời sống. Tôi hãnh diện và hạnh phúc vì được là học trò của Thầy.

Có lần, lâu lâu mới đến chơi với thầy, thầy ăn mặc chỉnh tề, đi từ cầu thang xuống, chưa thấy người đã thấy tiếng. Tao để ria đấy chúng mày ạ, hờ hờ, xem được không nào… Tôi không biết cô có ý kiến gì không song thầy tỏ ra rất khoái chí. Vâng, thầy thích thì cứ để cho nó vui thầy ạ. Cô bảo thầy trò ông chỉ được cái nhí nhố… Thế là cả nhà cười. Cô vợ tôi lúc về cứ rinh rích, bảo em thấy buồn cười lắm, trông thầy cứ thế nào ý hi hi. Tôi bảo nãy sao không thấy cười.

Sức khỏe kém đi, nhưng cường độ làm việc của thầy dường như lại tăng lên, có thể nói là một sự hồi sinh mãnh liệt. Mấy năm gần đây, thầy in hàng chục đầu sách chuyên khảo, dịch thuật, phê bình có giá trị mà ở đó, tôi tin, những tia lửa điện sẽ luôn bén lên trên cánh đồng nghiên cứu văn học Việt Nam ít nhiều còn trống trải.

Từ lâu, việc đến nhà Thầy với gia đình tôi cũng có nghĩa là về nhà mình. Ở đó, không còn quy tắc, chỉ có sự đầm ấm, gần gũi. Có lúc Thầy bảo, tao coi mày như bầu bạn, có lúc Thầy bảo tao coi tụi bay như con cái... Đến nhà Thầy, khi uống trà, khi uống rượu, có khi rảnh lại cùng Thầy cô làm đồ ăn, rồi vừa làm, vừa chuyện. Chuyện của Thầy là những câu chuyện bất tận về "hậu hiện đại", "diễn ngôn", về "ký hiệu", "mô hình". Ôi, chuyện của Thầy, chuyện thầy Hòa!... Học trò dốt, chỉ thích trò chuyện với Thầy về nhân tâm thế sự, về những linh tinh buồn vui cuộc đời.

Và bao giờ cũng vậy, đến thăm Thầy, luôn là cảm giác bình yên khi ngồi bên khung cửa...

Ngày lễ tết, có lúc đến được với Thầy, có lúc không. Thầy bảo, thôi thôi thăm nom gì, còn lo mà kiếm ăn nuôi con con ạ.

Thầy bảo, vợ chồng gắn bó với nhau chủ yếu là bởi đã cùng nhau đi qua thuở hàn vi, đi qua sóng gió cuộc đời...

Thầy bảo, đừng bao giờ bỏ chuyên môn. Xuân Hòa chúng mày lạ lắm, thỉnh thoảng lại nẩy ra một vài thằng, đất ấy có mạch riêng, hay lắm.

Là Thầy yêu quý học trò Xuân Hòa nên động viên thế thôi, tôi biết.

Hôm nay, rời khung cửa nhà Thầy, trên đường về Xuân Hòa bụi đỏ, lòng chợt thầm cảm ơn cuộc đời vì đã có (và vì đã mang đến cho chúng tôi duyên may được gặp) những người Thầy như thế. Và cũng thầm cảm ơn cô Vân, người luôn đồng hành cùng Thầy đi qua bụi thời gian...

 

Chanh cốm và mai vàng nở rất nhiều bên khung cửa nhà Thầy. Và hôm nay, ở Xuân Hòa con cũng thế, rất nhiều mùi hương hoa sữa…/.

Năm 2002, tôi về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học cao học. Đám học trò tỉnh lẻ chúng tôi biết tiếng thầy La Khắc Hòa (Lã Nguyên) từ lâu song chưa có dịp được gặp mặt, thụ giáo thầy. Mấy người bạn ở khoa Văn sư phạm bảo hồi này thầy đang đi dạy bên Hàn Quốc. Khi thầy về cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị bảo vệ luận văn. Thầy cười tươi, bảo đây là thời kỳ cách mạng thứ hai trong đời dạy học kiếm ăn của mỗ. Thời kỳ thứ nhất á, là thời của các lớp ôn thi đại học những năm chín mươi. Thời này dài, dài hơn một chút. Mà chúng mày biết không, cái giỏi của bọn luyện thi là đưa được những khúc gỗ vào đại học, hờ hờ. Rất nhiều khúc gỗ hờ hờ… Vui thế, rồi thầy trầm lại. Thế hệ chúng tao hỏng, hỏng mấy chục năm, hỏng gần hết. Chúng mày phải làm lại thôi, không làm lại thì chết… Mấy năm vừa rồi tao phải ngồi đọc lại, suy nghĩ lại. Rồi có thêm cái thằng internet, sợ thật, thế giới nó ùa vào khủng khiếp, ông Sử (GS. Trần Đình Sử), tao… bừng tỉnh, như là khỏi mù… Nói thế chứ, rồi cũng phải nuôi con cái ăn học, để chúng nó khổ, tội lắm. Bọn mày rồi cũng thế thôi. Chả tránh được…

Tôi nghĩ, có lẽ cũng bởi một phần những năm tháng cực khổ đã trải qua, mà mỗi lần gặp tôi, câu hỏi thường trực của thầy bao giờ cũng là, “Thế nào, dạo này có túng quá không con?’’.

Năm 2007, tôi ngập ngừng đến nhà thầy xin làm luận án tiến sĩ. Trái ngược với cảm xúc khấp khởi, bồn chồn lo lắng của tôi sau cú nhấn chuông, thầy mở cửa, nhìn thấy chiếc xe máy Suzuki đỏ chót, thầy lấp lánh cười: Ờ ờ, vào đi, vào đi. Mà sao thằng này nó lại có cái xe đỏ như xe cứu hỏa thế hả? Tôi phì cười, quên cả sợ.

Đầu những năm 2000, có lẽ là những tháng ngày rất đẹp đẽ của văn chương. Ngày đó chúng tôi còn trẻ, đói khổ nhưng nhiệt huyết, ngoài văn học ra thì chẳng cần gì, đăng được một bài trên báo cũng mừng rú lên như phát rồ. Tôi quả là người may mắn, hai lần may mắn, vì giai đoạn học hăng hái nhất thì được học thầy giỏi, giai đoạn dạy nhiều nhất lại được dạy những lứa học trò ngoan, tha thiết với văn chương.

Gặp thầy hai tiếng, thầy cho ba bốn cái đề tài. Từ sử thi Tây Nguyên đến sử thi hiện đại. Từ tiền chiến đến hậu chiến. Từ phê bình đến lịch sử phê bình... Mà đề tài này là hệ quả bật ra từ ý tứ của đề tài kia. Tôi trộm nghĩ, thầy mà cứ gợi ý thế này thì chắc mình từ tiền tuyến đến tiền liệt tuyến mất thôi hí hí. Mấy hôm sau thầy gọi điện, thôi, thôi ư tờ ứt, vứt, vứt hết con ạ. Mày làm cái này cho thầy, làm cái hậu hiện đại trong văn học Việt Nam… Làm cái gì nó mơi mới một tí, mới đi xa được…

Tôi ù cả tai, một là vì vừa vã mồ hôi chuẩn bị xong mấy cái đề cương; hai là vì cơ bản chưa biết hậu hiện đại là cái chi chi…

Thế rồi cũng hì hụi đọc và làm. Nhiều lần sợ chữ nghĩa không tới, chỉ dám nhắn tin thầy. Thầy bảo, luận án từ từ, từ từ, cứ lo mà kiếm ăn đi đã, rồi đọc dần, nghĩ dần, đến lúc viết tập trung viết một mạch, ào cái là xong. Bài báo đầu tiên tôi đăng Văn nghệ, thầy gọi điện bảo thế này, thế này, thế, nhớ là đằng sau trang báo luôn có những cặp mắt tinh tường con nhé… Lại nhớ, hồi còn trẻ trâu, tôi cũng tập tọng viết dăm ba truyện ngắn. Có lần, khi một truyện của tôi được chọn vào top 10 truyện ngắn hay trong năm của báo Văn nghệ, thầy gọi điện bảo, mày sáng tác được đấy con ạ, nhưng chú ý xem, giữa động (sáng tác) và tĩnh (nghiên cứu) thì nên chọn gì con nhé… Tôi đùa, em chỉ “táng x/sác” a-ma-tơ cho vui thôi, chứ em không định thành nhà văn đâu ạ. Ừ ừ, chú ý, chú ý nhé, giữ cái gia đình… Thằng Nguyên [Phạm Xuân Nguyên] giỏi, con vợ hắn cũng giỏi, nhưng không giữ được nhà vì Nguyên nó cứ khách khứa giao du hết Việt kiều lại trong Nam ngoài Bắc, vợ nó không chịu được. À hồi nọ tao định giới thiệu con cháu với thằng Nghĩa [Phạm Duy Nghĩa], sau mới nghe được ngày còn sinh viên thằng Nghĩa đánh một thằng, bôi xà phòng lên đầu rồi bị đuổi một năm. Khiếp, thằng trông hiền hiền thế mà ghê phết nhể. Tôi bảo Phạm Duy Nghĩa chỉ đánh một thằng hâm thôi thầy. Nghèo và ngu người ta còn chịu được chứ hâm mà lại học văn thì không ai chịu được. Vì lâu lâu không thấy ai đánh nên ông Nghĩa mới đánh cảnh cáo nó thầy ạ.

- Thế cái nhà mày đang ở nó như thế nào con? Thầy hỏi.

Tôi mô tả, rằng chỗ em ở thì cũng tàm tạm, là khu tập thể cũ, tuổi mới gần 30 năm, xi sắt Liên Xô nên tốt hơn nhà bây giờ. Và dù đã được tự tôi “duy tu, bảo dưỡng, cơi nới, lăn sơn qua trần thuật” mấy lần song thầy vẫn lắc đầu bảo: Thế có mỗi phòng thì nó như cái đình à? Khổ quá, chậc, khổ quá. Văn học cũng quan trọng, nhưng cuộc đời còn quan trọng hơn. Đừng để vợ con nó khổ quá, tội lắm con ạ.

Rồi cũng có dịp Thầy ghé qua tệ xá của tôi. Năm đó, vào mùa đông, nhân dịp có hội đồng chấm luận văn, tôi đón Thầy về nhà trên chiếc xe cứu hỏa quen thuộc. Vợ chồng mừng rối lên, chẳng biết làm gì ngoài việc đẩy cái này vào, kéo cái kia ra cho nhà đỡ chật. Thầy đi bộ bốn tầng cầu thang, tay xách túi quà to, vừa đi vừa bảo à à, à à, nó ở đây, nó ở đây, ý chừng bảo cái nhà của thằng học trò là như thế này đây. Thú thực, tôi không xấu hổ vì nghèo, mà chỉ ngại thằng con mấy tuổi cứ khách đến là hay nói linh tinh. Tôi bảo, thầy ơi, thằng cu nhà em mấy lần về nhà thầy chơi, cái thằng hay nghịch đó… À à, tao biết rồi, biết rồi, giờ nó có nghịch không? Không, giờ nó không nghịch, chỉ hay nói linh tinh thôi ạ. Thế nó nói thế nào? À, nó cứ đế theo, ví dụ em bảo đây là ông Hòa thì nó bảo cháu chào ông “Hòa sữa”, em bảo đây là ông Mỳ thì nó bảo cháu chào ông “Mỳ tôm”. Có lần, em có ông cụ đồng hương đến chơi, em bảo chào ông Dụng đi con, nó bảo a a, ông “Rụng rái”, cháu chào ông “Rụng rái” ạ hơ hơ… Thầy cười sặc, bảo thằng này khá, thằng này khá, kệ nó, cứ thế cho nó vui con ạ…

Thầy vào phòng, ôm con gái tôi, nào, ông bà có quà cho cháu đây, bánh bà Vân (cô Vân nhà thầy) mua gửi đấy. Thằng bố mày đâu, chụp cho ông cháu tao kiểu ảnh nào… Căn phòng tập thể chật chội của vợ chồng tôi ấm áp rộn rã tiếng cười…

May mắn cho những ai trong đời gặp được những người thầy tốt. Có lẽ tôi là một người như vậy. Chút chữ nghĩa tôi có được bây giờ là nhờ sự chỉ bảo của các thầy cô. Đầu tiên là các thầy cô khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, những người đã dạy tôi làm quen với nghiên cứu văn học. Trong học tập và công việc, tôi còn được nhiều thầy cô, các bậc tiền bối, đồng nghiệp giúp đỡ, khích lệ. Riêng thầy Hòa là người đặc biệt, người khai sáng tư tưởng cho tôi. Mỗi lần gặp thầy, đọc thầy, những tia lửa được lóe lên trong câu chuyện khiến tôi nảy sinh ý tưởng và ngày càng đam mê văn học. Thầy dạy tôi nghiên cứu văn học bằng lý tính, có phương pháp luận. Thầy giúp hình thành trong tôi một nhãn quan cởi mở về văn học. Từ đó, giúp tôi hiểu văn học là gì và phải nghiên cứu nó như thế nào.

Nói chữ nghĩa sơ sơ thì là vậy, nhưng thực ra cũng là chuyện vô tận vô cùng. Trong thâm tâm, tôi gắn bó với thầy nhiều hơn ở phía tình đời. Mặc dầu, tôi biết, hễ gặp chúng tôi ở đâu là thầy mở lớp “cấp tốc” đào tạo ngay tại đó. Này, tao bảo, tay Bakhtin hắn nói…; này, tao vừa dịch bài của tay Lotman, hay không chịu được… Chết chết, những cái quan trọng bọn Tây nó nói hết rồi, thật mày ạ…; À này, tao đang viết bài về tay Nguyễn Duy; hờ hờ, Nguyễn Duy là một dòng khác; tay Nguyễn Duy hát xẩm ngọng hay không chịu được, tối tao gửi cho mà xem; tay Thiệp [Nguyễn Huy Thiệp] cái chất dân gian của nó cứ ngồn ngộn ra, kinh thật; ông Khánh [Nguyễn Xuân Khánh] ông ấy là một bồ chữ mày ạ; thằng Thân [Đặng Thân] không biết quê gốc ở đâu, tôi bảo hình như Nghệ An, ừ ừ, cái quê thích làm cách mạng, nó viết ghê đấy, nó là một chủ thể khác, một cách viết khác…

Hôm tôi bảo vệ luận án có nhiều bạn văn đến dự. Đặng Thân, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Trần Hưng... Thầy rất vui. Thầy thích chơi với bọn trẻ. Mà lạ, cứ hễ thầy nói câu nào là cả hội trường lại cười rộn lên theo câu đó. Cái văn học hậu hiện đại ngày ấy còn hơi là lạ nên cũng có nhiều ý kiến này khác trái chiều. Tôi thì gồng sức ra để chứng minh, thầy lại tung tăng hóa giải khúc mắc bằng những chuỗi cười. Có anh bạn tôi khi về còn nhắc mãi, hôm dự buổi bảo vệ luận án về văn học hại hậu đậu hay hậu hại điện gì đó của ông, vui ông ạ! Ông thầy ông giỏi gỡ, cứ trò bí chỗ nào là cụ gỡ chỗ đó, mà gỡ khéo nên các cụ kia cũng không thấy mếch lòng…

Sau khi bảo vệ luận án, có một vài chỗ ở Hà Nội có nhã ý mời tôi qua làm việc, trong đó có một nơi tôi hỏi ý kiến Thầy. Thầy bảo thế à, thế à, từ từ để tao hỏi cho, tao có thằng bạn làm ở đấy, nhưng nó đang ốm, để tao hỏi. Sau này tôi mới biết thầy không hỏi mà tình nguyện làm “mật thám” cho tôi, thầy lấy lí do đi thăm ông bạn ốm, thế là tỉ tê lân la nắm bắt hết tình hình cơ quan nọ, chưa ra đến cổng thầy đã bốc máy thôi thôi, xong rồi con ạ, chỗ này toàn bọn giặc già, chết rồi chưa chôn, tao do thám hết rồi, thôi về mà đi dạy học con ạ…

Khi tôi học xong, thầy gọi vợ chồng tôi, bảo giờ thằng Thế xong rồi, đến lượt cái Vân Anh đi học đi cho xong một việc, tao hướng dẫn cho… Ôi được thế còn gì bằng. Chỉ là bọn tôi ngại, đã dốt lại xin Thầy hướng dẫn cả hai không đành. Thế là Thầy lại chủ động giúp làm cố vấn. Thầy hay đùa, bảo vợ tôi thế thằng Thế nó hay bắt nạt con không? Tôi nghĩ thầm, nhà con nó chọc được cả tiết chó, thầy chả phải lo. Thầy bảo, làm văn học hậu hiện đại, nhưng gia đình cứ là phải truyền thống đấy nhé, nhớ chưa nhể, ừ. Hậu hiện đại là tan tành hết đấy hiểu chưa, hờ hờ. Ngày cô vợ tôi bảo vệ luận án, lúc đó thầy đang nằm viện, cô Vân phải tháp tùng ra trường. Thầy vẫn nói hăng say, như thầy vẫn thế. Thầy cô gọi vợ chồng tôi ra hành lang, bảo chúng mày đang túng, thầy cô cho mấy đồng. Nói rồi thầy nhét chiếc phong bì vào túi tôi. Nước mắt tôi đột nhiên rơi. Em không nhận, thầy ơi, chúng em còn trẻ, chúng em lo được mà. Thầy bảo, tao coi vợ chồng mày như con cái, không được chối, cho đỡ vất vả, thế, thế thôi, về mà lo việc đi…

Sau lần phải mổ ở Việt - Xô, thầy cười, thế mà suýt chết mày ạ. Tôi nhăn mặt, thầy chỉ được cái, chết thế nào được. Sau này, qua mấy lần nằm viện, có lúc thập tử nhất sinh vì bệnh tật, tuổi già, cô Vân càng phải thường xuyên tháp tùng, giám sát thầy, từng bữa ăn, giấc ngủ, rồi thuốc uống. Có lần thầy đắc chí, hôm nọ trốn được bà ý một cái, đi Xuân Hòa chơi với thằng Thế cùng với Đặng Thân, Văn Giá, ăn chơi thả cửa hờ hờ, vui thật… Bà ấy quản lý chặt lắm… Ông Hiến [Hoàng Ngọc Hiến] bảo vợ ông ấy chửi ông ấy ngu, ông bảo ừ, tôi ngu, ngu như Mỹ. Mà thằng Thân sao nó uống với hút khiếp thế? Chúng mày trẻ, sướng thật, chậc chậc…

Tôi cười hi hi, nghĩ thầm (nhưng không dám nói thầy), thầy ơi, chúng em rồi cũng già đi, rồi cũng liệt dương với liệt giường hết cả. Cứ có những khoảnh khắc bên nhau, bên tình thầy trò bạn bè thương quý, cùng nhau cảm nhận buồn vui của cuộc đời này, cùng nhau ăn bát phở sáng, uống ly bia, như thế này, là hạnh phúc rồi Thầy nhỉ. Mà, có khi hạnh phúc còn là những khoảnh khắc không lời. Như ngọn gió xuân bên khung cửa… Có lẽ, người ta khát sống cũng là bởi cái tình đời thẩn thơ li ti ấy, phải thế chăng…

Tuổi già thêm bệnh tật, phải thăm bệnh viện nhiều hơn, nhưng thầy luôn lạc quan, tràn đầy năng lượng sống và làm việc. Đến bệnh viện, bà chụp cho ông một cái ảnh đăng phây, đề “dưỡng sinh định kỳ”, đủ cho con cháu yên lòng. Tôi biết Thầy là người thương chiều con cháu hết mực, đến cái sức khỏe đang ngày một xuống cấp của mình cũng hài hước hóa giải âu lo, âu lo ông bà tự gánh, cho con cái chúng nó còn yên tâm làm ăn. Và trên hết, tôi hiểu ở thầy, là sự thấu thị quy luật của nhân gian, của buồn vui sướng khổ trên mặt đất này, nên thầy cô luôn vui sống. Mỗi lần đến thăm, khi bọn tôi hỏi thầy có khỏe không, thầy lại cười hớn hở, khỏe cái gì mấy cái lão già, nay Chúa lấy đi một thứ, mai kia lại lấy đi một thứ, rồi ò í e hết, cứ vui thôi, khi nào các cụ ới thì đi, thế thôi, hờ hờ… Rồi lại lấp lánh nụ cười thường trực, rồi lại mang trà, hoa quả, và nếu có tôi thì bao giờ cũng có một vài ly rượu để nhâm nhi.

Tôi có cảm giác, nghèo khó, chiến tranh, ly loạn, những xoay vần nhân thế và thời gian càng làm thầy và cô thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn. Mỗi lần đến nhà thầy cô, lũ học trò lại được nhấm nhá những trận cười rả rích. Bà ấy giám sát tao ăn uống ghê lắm. Mà không ghê sao được. Giờ con cháu đều có công việc riêng, ở xa, ông bà chả chăm sóc nhau thì ai chăm. Vâng, bố mẹ em cũng thế, các cụ còn tự lo được nên không khiến. Thế nên, mỗi sáng thức dậy khỏe mạnh là mỗi ngày hạnh phúc rồi. Rồi thì chăm chăm chút chút, khi thì mấy khóm trà, khi một gốc hồng nhung, khi chùm hoa giấy, lúc lại ngắm tổ chim sâu lảnh lót trong vườn. Tôi nhớ nhất cảm giác cả nhà rồng rắn đến cổng nhà thầy, thấy thầy cô ra tận ngõ đón, như con cháu về nhà. Tôi không diễn tả được cảm giác này bằng ngôn ngữ. Chỉ thấy thoáng nhói lên trong lồng ngực, một niềm hạnh phúc bé nhỏ thôi nhưng cũng đủ nghẹn ngào. Về sự ấm áp của tình thầy trò. Về ý nghĩa của những niềm vui đời sống. Tôi hãnh diện và hạnh phúc vì được là học trò của Thầy.

Có lần, lâu lâu mới đến chơi với thầy, thầy ăn mặc chỉnh tề, đi từ cầu thang xuống, chưa thấy người đã thấy tiếng. Tao để ria đấy chúng mày ạ, hờ hờ, xem được không nào… Tôi không biết cô có ý kiến gì không song thầy tỏ ra rất khoái chí. Vâng, thầy thích thì cứ để cho nó vui thầy ạ. Cô bảo thầy trò ông chỉ được cái nhí nhố… Thế là cả nhà cười. Cô vợ tôi lúc về cứ rinh rích, bảo em thấy buồn cười lắm, trông thầy cứ thế nào ý hi hi. Tôi bảo nãy sao không thấy cười.

Sức khỏe kém đi, nhưng cường độ làm việc của thầy dường như lại tăng lên, có thể nói là một sự hồi sinh mãnh liệt. Mấy năm gần đây, thầy in hàng chục đầu sách chuyên khảo, dịch thuật, phê bình có giá trị mà ở đó, tôi tin, những tia lửa điện sẽ luôn bén lên trên cánh đồng nghiên cứu văn học Việt Nam ít nhiều còn trống trải.

Từ lâu, việc đến nhà Thầy với gia đình tôi cũng có nghĩa là về nhà mình. Ở đó, không còn quy tắc, chỉ có sự đầm ấm, gần gũi. Có lúc Thầy bảo, tao coi mày như bầu bạn, có lúc Thầy bảo tao coi tụi bay như con cái... Đến nhà Thầy, khi uống trà, khi uống rượu, có khi rảnh lại cùng Thầy cô làm đồ ăn, rồi vừa làm, vừa chuyện. Chuyện của Thầy là những câu chuyện bất tận về "hậu hiện đại", "diễn ngôn", về "ký hiệu", "mô hình". Ôi, chuyện của Thầy, chuyện thầy Hòa!... Học trò dốt, chỉ thích trò chuyện với Thầy về nhân tâm thế sự, về những linh tinh buồn vui cuộc đời.

Và bao giờ cũng vậy, đến thăm Thầy, luôn là cảm giác bình yên khi ngồi bên khung cửa...

Ngày lễ tết, có lúc đến được với Thầy, có lúc không. Thầy bảo, thôi thôi thăm nom gì, còn lo mà kiếm ăn nuôi con con ạ.

Thầy bảo, vợ chồng gắn bó với nhau chủ yếu là bởi đã cùng nhau đi qua thuở hàn vi, đi qua sóng gió cuộc đời...

Thầy bảo, đừng bao giờ bỏ chuyên môn. Xuân Hòa chúng mày lạ lắm, thỉnh thoảng lại nẩy ra một vài thằng, đất ấy có mạch riêng, hay lắm.

Là Thầy yêu quý học trò Xuân Hòa nên động viên thế thôi, tôi biết.

Hôm nay, rời khung cửa nhà Thầy, trên đường về Xuân Hòa bụi đỏ, lòng chợt thầm cảm ơn cuộc đời vì đã có (và vì đã mang đến cho chúng tôi duyên may được gặp) những người Thầy như thế. Và cũng thầm cảm ơn cô Vân, người luôn đồng hành cùng Thầy đi qua bụi thời gian...

Chanh cốm và mai vàng nở rất nhiều bên khung cửa nhà Thầy. Và hôm nay, ở Xuân Hòa con cũng thế, rất nhiều mùi hương hoa sữa…/.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114514419

Hôm nay

220

Hôm qua

2263

Tuần này

220

Tháng này

212358

Tháng qua

121009

Tất cả

114514419