Tin tức

Nghệ An: công bố sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Cồn Đất

 

 

Các nhà Khảo cổ đang tiến hành khai quật tại di chỉ Cồn Đất. Ảnh: Mạnh Hà

 

Chiều 25/4, tại huyện Quỳnh Lưu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An tổ chức Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Cồn Đất, xã Quỳnh Nghĩa.

 

Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Khảo cổ học Cồn đất thu hút sự quan tâm của nhiều Nhà khảo cổ.

 

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu; đại diện các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Nghệ An cùng các chuyên gia khảo cổ trong nước và quốc tế.

Di chỉ Cồn Đất thuộc địa phận thôn 4, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1979, khai quật lần đầu tiên năm 1981 với hai hố có diện tích 75m2. Năm 2020, Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại di chỉ, kết quả sơ bộ cho thấy các tầng văn hóa ở đây mang đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn. Căn cứ vào đặc trưng di vật, niên đại Carbon C14 đã được công bố, Cồn Đất được dự đoán có niên đại trong khoảng 6.000 - 4.000 năm cách ngày nay. Di chỉ Cồn Đất có vai trò quan trọng trong việc nhận thức các giai đoạn phát triển của văn hóa tiền sử Việt Nam ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ.

 

Nhiều mẫu vật được phát hiện trong đợt khai quật này đã góp phần khẳng định thêm địa tầng văn hóa đa dạng của Văn hóa Quỳnh Văn.

 

Nhằm có một cái nhìn tổng thể hơn về tầm quan trọng của di chỉ Cồn Đất, đầu năm 2024  Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch khai quật di chỉ khảo cổ học Cồn Đất quy mô lớn với mục tiêu:  thu thập và chỉnh lý di tích và di vật Cồn Đất; đánh giá vai trò, phương thức con người thích nghi với môi trường tự nhiên trong lịch sử.

 

Các nhà khảo cổ đang lấy mẫu hiện vật tại hố khai quật. Ảnh Mạnh Hà

 

Cuộc khai quật được thực hiện từ trung tuần tháng 3/2024. Sau hơn một tháng rưỡi thực hiện công việc, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Quốc gia Philippines, cùng các phương pháp khai quật khảo cổ học hiện đại,  Đoàn đã tiến hành đào hai hố khai quật ở địa điểm Cồn Đất, kết quả khai quật đã thu được nhiều mẫu vật có giá trị cung cấp nhiều thông tin mới về di chỉ này.

Cụ thể, Đoàn khai quật khảo cổ đã thu thập được hơn 1500 mẫu than để xác định niên đại bằng phương pháp C.14, có 160 công cụ đá được chia thành các nhóm công cụ cuội ghè và công cụ cuội nguyên, phát hiện 25 cụm gốm và có 320 dấu vết chân cọc nhỏ... Đây là những thông tin, tư liệu vật chất quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến sự xuất hiện của người cổ xưa tại di tích, phương cách con người sinh sống, quá trình chiếm lĩnh xác thực và tính chất, niên đại và quy mô của di tích này.

 

Mẫu vật gốm được phát hiện tại di chỉ Cồn Đất. Ảnh: Mạnh Hà

 

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng khẳng định: Dựa trên kết quả khai quật và thông qua các mẫu vật, hiện vật thu thập được như: bộ công cụ đồ đá, đặc biệt là bộ sưu tập đồ gốm phát hiện được ở Cồn Đất với đặc trưng phổ biến là gốm đáy nhọn văn chải hai mặt được xem là mang đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn. Đồng thời các nhà khảo cổ học cũng đánh giá di chỉ khảo cổ học Cồn Đất là một trong những di tích khảo cổ học hiếm hoi ở Đông Nam Á còn lưu giữ được địa tầng văn hóa đa dạng. Do vậy, để có thể nhận diện đầy đủ tính chất và giá trị của di tích nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di chỉ Cồn Đất trong thời gian tới.

Đồng thời Đoàn khảo cổ học cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ di tích, mở rộng thu thập tư liệu, nghiên cứu và khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung tư liệu để xác định rõ hơn quy mô, cấu trúc và tính chất di tích. Bên cạnh đó, xây dựng Hồ sơ xếp hạng di tích nhằm bảo tồn di tích Cồn Đất trước mắt và lâu dài./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447177

Hôm nay

2211

Hôm qua

2299

Tuần này

2815

Tháng này

213436

Tháng qua

120141

Tất cả

114447177