Góc nhìn văn hóa

Sáng mãi những bài học từ Di chúc của Bác Hồ

Mặc dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng giờ đây, đọc lại Di chúc của Bác Hồ, ta thấy đây không chỉ là những tư tưởng lớn, mà còn mang lại cho chúng ta những bài học lớn còn nguyên giá trị.

Thứ nhất: Vấn đề cơ bản cần làm đầu tiên, thường xuyên, liên tục là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải thường xuyên đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn có ý thức trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Trong Bản Di chúc, Bác nhấn mạnh: "Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng ta, dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" tức là Bác dặn dò: phải hết sức chú trọng, hết sức toàn tâm toàn ý trong việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng bởi vì đoàn kết là nhân tố quyết định bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng. Đồng thời, Bác còn chỉ rõ cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết trong Đảng là: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Bác nhấn mạnh điều cốt yếu khi thật thà tự phê bình và phê bình là "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Không những thế, Bác còn nhắc đến vấn đề trau dồi đạo đức cách mạng của mỗi đảng viên. Bác đặc biệt nhấn mạnh: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công,tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Bác đã nhiều lần dùng điệp từ "Thật sự”, “Thật” để nhấn mạnh tính tiên phong, tính gương mẫu của mỗi đảng viên.

Thứ hai: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy cũng phải luôn luôn có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Mùa hè năm 1965, Bác bắt đầu viết Di chúc. Từ năm 1965 đến khi Bác mất (1969) là thời kì mà cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta trải qua những năm tháng rất gian khổ, quyết liệt, đầy thử thách. Năm 1965, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, bắt đầu ném bom, bắn phá miền Bắc một cách dữ dội, liên tiếp đưa quân Mỹ vào Miền Nam. Năm 1968, Mỹ ném bom từ vĩ tuyến 19 trở vào với mật độ dày đặc hơn trước. Phong trào cộng sản quốc tế cũng có những dấu hiệu đáng lo. Nhưng với tầm nhìn xa sáng suốt, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, Bác vẫn có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay mở đầu bản Di chúc, Bác đã viết: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".

Bác đã biết trước mức độ cực kì khốc liệt, gian khổ của cuộc chiến đấu, biết trước như vậy để xác định tinh thần chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ. Bác đã khẳng định chắc chắn rằng chúng ta sẽ thắng lợi bằng những từ ngữ giàu tính chất khẳng định: "nhất định", "chắc chắn". Rõ ràng Báckhẳng định niềm tin tưởng, qua đó truyền cho người đọc sức mạnh của tinh thần cách mạng, ý chí cách mạng, sức mạnh của chủ nghĩa lạc quan cách mạng của người cộng sản. Câu "Đó là một điều chắc chắn" đứng tách riêng thành một dòng đã khẳng định một cách chắc nịch niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Trong phần cuối Di chúc, Bác còn nhắc lại và khẳng định một lần nữa:

"Còn non, còn nước, còn người

                     Thắng giặc Mỹ ra sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi mước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Bác đã lặp lại nhiều lần từ “nhất định” để vừa nhấn mạnh vừa khẳng định niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn sáu năm sau, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã khẳng định niềm tin của Bác là có cơ sở, là hoàn toàn đúng đắn.

Thứ ba: Phải không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Trong Di chúc, trước hết, Bác đánh giá cao những phẩm chất tốt đẹp của Nhân dân với những từ ngữ rất trân trọng, Người khẳng định: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng".

Nhân dân ta rất trung thành với Đảng, vì vậy trách nhiệm trước hết của Đảng là phải quan tâm đến đời sống của Nhân dân, bởi vì lợi ích của Đảng và lợi ích của Nhân dân, của dân tộc là một. Trong Di chúc, Bác căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân". Lời căn dặn của Người rất cụ thể, rõ ràng tỉ mỉ, chu đáo như tấm lòng người cha lo cho con cháu trong nhà. Khi Đảng làm tốt điều đó thì cuộc sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, từ đó nhân dân sẽ càng có niềm tin vững chắc vào Đảng, sẽ một lòng một dạ đi theo Đảng đến cùng.

Thứ tư: Phải đặc biệt quan tâm đến thanh niên - thế hệ tương lai.

Lớp người sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng không ai khác ngoài các thế hệ thanh niên, bởi vì họ sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi vậy Đảng phải đặc biệt quan tâm tới các thế hệ thanh niên. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trước hết cần giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa "hồng" vừa "chuyên". Bởi vì theo Bác, đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn đầu tiên khi đánh giá một con người. Người có đạo đức cách mạng là người có phẩm chất cao đẹp, luôn có lòng yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, sẵn sàng cống hiến hi sinh suốt đời cho đất nước, nhân dân. Bác từng nói: "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Và Bác căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Bác dùng chữ "quan trọng" bởi vì chỉ có thanh niên là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, nếu có những thế hệ thanh niên nối tiếp nhau có phẩm chất cách mạng cao đẹp, có tài năng thì Tổ quốc Việt Nam sẽ mãi mãi giàu mạnh, trường tồn. Trong hai yếu tố "hồng" (Đạo đức cách mạng), "chuyên" (Tài năng) thì yếu tố "hồng" phải được đặt lên hàng đầu.

Thứ năm: Phải cống hiến, hi sinh cho lý tưởng cao đẹp, cho Tổ quốc, Nhân dân đến trọn đời.

Di chúc lại một lần nữa thể hiện phẩm chất cao đẹp của Bác, thể hiện một tấm gương sáng ngời suốt đời hi sinh vì nước, vì dân: “Về việc riêng - suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Bác đã xác định mình là người tự nguyện phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tự nguyện phấn đấu, hi sinh cho lý tưởng của Đảng mà không hề đòi hỏi một quyền lợi gì cho riêng mình, cho nên Bác "không có điều gì phải hối hận", không có điều gì phải băn khoăn, phải bận tâm bởi vì Người đã phục vụ Tổ quốc, Nhân dân đến phút cuối cùng của cuộc đời mình, không có điều gì phải tiếc, còn nếu có tiếc thì chỉ tiếc là "không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Tấm gương ngời sáng của Bác, những dòng chữ trong Di chúc của Bác chắc chắn sẽ làm mỗi chúng ta phải ngẫm nghĩ, tự nghiêm túc soi vào bản thân mình.

Là người suốt đời vì nước, vì dân nên Bác luôn nhắc nhở việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân thì nên tránh. Cho đến nhữmg phút cuối cùng của đời mình, Người vẫn nhắc nhở: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân". Những lời căn dặn cuối cùng của Người làm cho người đọc rưng rưng nước mắt.

Có thể nói bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện cô đọng, sâu sắc những tư tưởng lớn của Người mà còn mang lại cho chúng ta những bài học lớn đầy giá trị. Những bài học mà Di chúc mang lại mãi mãi tỏa sáng theo thời gian./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114488510

Hôm nay

229

Hôm qua

2291

Tuần này

2320

Tháng này

215822

Tháng qua

120271

Tất cả

114488510