Đất Nghệ

Đền và miếu làng Phú Hậu thờ ai?

Lời tòa soạn:Sau nhiều chục năm cùng với các thiết chế văn hóa làng xã bị phế bỏ, hư hỏng, nhiều tư liệu lịch sử và các trầm tích văn hóa phi vật thể bị mai một. Hiện nay, do điều kiện kinh tế thuận lợi hơn, nhất là nhận thức về các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều làng xã đã khôi phục lại đình, đền, miếu của địa phương mình. Tuy nhiên, rất nhiều nơi không còn lưu trữ/giữ [kể cả trong ký ức cộng đồng] được các nội dung lịch sử liên quan, kể cả thành hoàng làng mình là ai. Làng Phú Hậu, xã Diễn Tân, Diễn Châu là một trong rất nhiều trường hợp tương tự. Hành trình đi tìm lịch sử làng đang được nhiều người, ở nhiều nơi tiến hành. Tuy nhiên, đây là một hành trình khó khăn, thậm chí vô vọng vì chúng ta đã tự hủy hoại đi quá nhiều những trầm tích lịch sử - văn hóa của quê hương mình. Bài viết sau của tác giả Cao Khoa đưa ra một gỉa thiết về lịch sử thành hoàng làng, do không có điều kiện kiểm chứng thông tin nên đây vẫn là quan điểm và nhận định của tác giả; Thông điệp của chúng tôi là xóa/phá thì dễ, tìm lại mới khó và các cơ quan chuyên môn cần sớm quan tâm sâu sắc vấn đề này nếu không sẽ dẫn đến sự sai lạc khi dựng lại lịch sử làng xã.

Làng Phú Hậu, xã Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An được hình thành sau các làng khác trong vùng. Các làng khác cận kề với làng Phú Hậu đều gọi là kẻ, như Kẻ Thum (phía Bắc); Kẻ Sanh, Kẻ Nguôi (phía đông); Kẻ Tạnh, Kẻ Tròi (phía Nam), Kẻ Đạu( phía Tây). Có lẽ vì vùng đất của làng Phú Hậu trũng hơn các làng xung quanh, khó khăn cho việc định cư nên mãi về sau mới có người đến ở, nên có tên muộn hơn. Tên làng thời kỳ đầu được gọi là Cư Kiến (có nghĩa là ở độ). Người xưa kể lại: Một lần có vị quan hành hạt qua đó thấy người dân đi nhủi, đi mò nửa người ngâm dưới nước, nửa người lộ ở phía trên, quan hỏi cận thần: “Làng này là làng gì?”, vị cận thần đáp: “Làng này mới lập nên chưa có tên”. Quan phán: “Từ nay ta đặt tên cho làng này là làng Bán Kiến (tức là thấy một nửa). Về sau làng đổi tên là Phú Kiến (thấy giàu có), và cuối cùng đổi thành Phú Hậu (nghĩa là giàu có và nhân hậu). Đến những năm giữa thế kỷ XX, làng Phú Hậu vẫn còn Đền, Đình, Miếu, Nhà Thánh…Các nghi thức tế lễ vẫn được duy trì đều đặn. Nhưng một điều mà người dân trong làng, kể cả những nhà nghiên cứu khi đến với làng đều chưa lý giải được: Đền, miếu làng Phú Hậu thờ ai?

Trong sách Diễn Châu - Địa chí văn hóa và làng xã do nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 1995, trang 471 viết: “Đền Phú Hậu có hiệu bụt “Hộc tốc đại vương thần linh linh ứng”. Đền thờ một ông hàng nhủi, do làm việc kiệt lực nên ông hàng nhủi này bị chết. Vì rất linh ứng nên dân lập đền thờ, đặt tên là “Hộc tốc đại vương”. Còn trong sách “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An”của Ninh Viết Giao do nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2000, trang 412 viết: Đền Lễ, chưa biết thờ ai. Với bài này, người viết xin được trả lời câu hỏi hai thiết chế văn hóa cổ của làng Phú Hậu thờ ai.

Tại làng Phú Hậu, từ đời này sang đời khác vẫn lưu truyền một câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. Chuyện kể rằng, có một người đánh cá từ miền xa tới Sác Rầm, đoạn kênh Nhà Lê cách cầu Đậu chừng 1km để đặt đăng đó bắt cá (Cầu Đậu nằm trên đường 7, cách thị trấn Diễn Châu khoảng 4km về phía Tây). Một hôm, ông thấy có chiếc bình hương trôi vào đó của mình, ông nhặt ném ra ngoài, bình hương lại trôi vào quẩn quanh trong đó. Vài ba lần như vậy, ông lầm rầm khấn: “Nếu phải thần thánh thì cho tôi con cá to, tôi sẽ vớt bình hương lên thờ”, quả nhiên có con cá to chui vào đó của ông. Linh cảm bình hương là vật thiêng do thần thánh ứng báo,ông đã vớt bình hương lên lập một miếu thờ đơn sơ, ngày ngày thắp hương khấn vái. Về sau khi ông mất, làng tôn ông là Thành Hoàng làng nên đã lập đền thờ ông và thờ chiếc bình hương đó; mỗi khi tế lễ trước hết khấn linh thần bản thổ, sau mới cẩn cáo Thành Hoàng.

Đền thờ làng Phú Hậu được xây dựng năm nào không rõ. Đền tọa lạc trên khu đất cạnh Hói Rầm, địa danh gắn với câu chuyện về người đánh cá được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đền đã được nhà vua ban sắc phong (có lẽ là lần thứ hai) vào đầu thế kỷ XX, việc xin sắc phong có tình tiết như sau:

Ngày đó làng Phú Hậu có ông Nguyễn Thúc Hiên đỗ phó bảng năm Canh Tuất (1910), sau đó được bổ giữ chức Tri phủ Bồng Sơn (Quảng Ngãi). Trong một kỳ thi do triều đình tổ chức, cụ Nguyễn Thúc Hiên được mời coi thi (hoặc giám khảo). Cụ đã giúp cho ông Phán Long Ân đỗ đạt. Ông Phán người làng Long Ân (thuộc xã Diễn Trường ngày nay) là chỗ thân tình với Cao Xuân Dục (bấy giờ) đang là Thượng thư Bộ học sung phụ chính đại thần hàm Thái tử Thiếu bảo. Ông Phán nhờ cụ Cao Xuân Dục tâu với nhà vua phong sắc cho đền làng Phú Hậu. Mỗi khi tế lễ, sắc phong được xướng lên nên có người còn nhớ được một phần:

                         “Đô đại Thành Hoàng

                        Lịch triều gia phong

                        Kim triều gia tặng

                        Hàm quang Thượng đẳng

                        Tối linh đại vương

                        Tôn thần.”

Năm 1925 với số thóc thu được của ruộng làng và tiền bán các chức sắc trong làng như chánh, phó Hương Hội, Hương Tường, Hương Hiệu, Hương Bộ, chạy Hậu…làng đã xây dựng lại đền to đẹp hơn. Việc thi công do thợ Diễn Yên và Diễn Nguyên đảm nhiệm.Đầu năm 1927 đền được làm xong. Đền gồm 18 gian nhà, có Thượng điện, Trung điện, Hạ điện; phía Nam có hữu lâu, phía Bắc có tả lâu. Khi khánh thành, làng tế lễ linh đình và tổ chức các trò chơi như đánh cờ người, thi bơi chải, đánh đu, đi cầu vồng vô cùng náo nhiệt. Hàng năm, việc tế lễ ở đền có các kỳ như sau:

 -Cúng giao thừa: Vào lúc giao thừa các vị Lý trưởng và ngũ Hương có mặt ở Đền để cúng tế. Lễ vật có bánh chưng, bánh ngọt và các món ăn bình dân.

-Lễ tế Thành Hoàng làng: Đây là lễ trọng được tổ chức hai kỳ trong năm. Kỳ một vào ngày 16 tháng giêng (âm lịch), sau khi tế ở Đền thì làm lễ rước lên Đình, ngày 18 tháng giêng mới rước trở lại Đền. Kỳ hai vào ngày 16 tháng 6 (âm lịch), vẫn rước ngài lên Đình rồi rước trở lại đền ngay trong ngày hôm đó.

Đền thờ làng Phú Hậu được dỡ bỏ vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó cụ Thành Hoàng được rước xuống đền làng Đa Phúc, cũng là một làng của xã Diễn Tân. Được ít lâu sau đền làng Đa Phúc cũng được dỡ bỏ, dân làng lại rước cụ vào Đền Nẻ thuộc xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho đến nay.

Thành Hoàng làng Phú Hậu tên là gì, từ đâu tới và đã đến lập làng vào thời kỳ nào? Các cụ cao niên trong làng chỉ nói lại, người đầu tiên đến lập làng là họ Bùi, sau đó đến họ Đậu, họ Cao, họ Đinh, họ Nguyễn… Nhiều năm tôi cất công đi tìm trong trung tâm lưu trữ Quốc gia của Viện Khoa học xã hội và thư viện tỉnh Nghệ An, hy vọng tìm ra sắc phong của  Đền làng hoặc chí ít cũng đọc được hương ước của làng, mong  có thông tin gì về cụ Thành Hoàng. Nhưng vẫn không có dấu vết nào để làm sáng tỏ hoặc gợi mở một điểm gì về điều đó.

Làng Phú Hậu có nghề nhủi truyền thống, trước đây gia đình nào cũng có một, hai chiếc nhủi. Mỗi khi nước kênh Nhà Lê xuống cạn theo thủy triều, hàng trăm người cùng nhủi trên một khúc kênh làm cho cá, tôm nổi lên vì đục nước. Phụ nữ thì đi mò. Họ mang giỏ vào thắt lưng, thường đi một tốp dăm, bảy người, dùng hai bàn tay mò dưới nước để bắt cá. Ngoài ra làng Phú hậu còn có nghề làm võng cói. Hầu như phụ nữ cả làng biết bện võng, họ thường làm tại nhà mình, hoặc tập trung một nhóm người đến làm tại nhà một ai đó, gọi là phường võng. Tiếng nói làng Phú Hậu có nét riêng, khác hẳn với tiếng nói các địa phương khác trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở Nghệ Tĩnh người ta nói “mô, tê, răng, rứa”, còn ở làng Phú Hậu lại dùng “đâu, kia, sao, vậy” như tiếng nói phổ thông. Về âm điệu hơi nặng, ngữ điệu không chuẩn (ngã,nặng); ở cuối câu thường nói: “Ra vầy nầy” hoặc “Ra vậy kìa”. Đặc biệt ở Nghệ Tĩnh gọi con cua đồng là con “Giam”, nhưng làng Phú Hậu gọi là con “Rốc”. Tên gọi cá biệt này giống nhiều vùng duyên hải Bắc bộ. Trò chơi pháo đất thì giống ở Thái bình. Trẻ em đi tắm ở kênh Nhà Lê thường nắm đất sét vắt thành những chiếc pháo như cái bát rồi ném úp xuống đất, pháo nào có tiếng nổ to và thủng rộng hơn là thắng.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, tôi đã về Thái Bình, Nam Định, đi tìm những làng có nghề nhủi cá, có tiếng nói giống với làng Phú Hậu. Tôi đã vào một số dòng họ Bùi ở những địa phương trên, hi vọng tìm ra một nhánh nào đã có người vào nghệ An lập nghiệp. Nhưng không có dấu hiệu nào khả tín.

Đến đầu năm 2014, khi đi dự ngày thơ Việt Nam tại huyện Diễn Châu, tôi gặp được ông Bùi Ngọc Can, trưởng ban liên lạc họ Bùi của huyện nhà. Hôm sau tôi đến nhà và được ông cho xem gia phả dòng họ, vô cùng may mắn là tôi đã tìm được tung tích cụ Thành Hoàng làng Phú Hậu, cụ tên là Bùi Quang Tiến, con thứ 6 của cụ Bùi Nhật Chiếu từ ngoài bắc vào Nghệ An lập nghiệp.

Họ Bùi ở Diễn Châu có xuất xứ từ Thanh Hóa ra Định Công (Hà Nội) sinh sống, sau đó được di tán ra nhiều địa phương phía Bắc. Đến đời cụ Bùi Nhật Chiếu (nghe nói cụ là một vị tướng dưới triều Lê) trở vào Nghệ An,  đến nay đã được hai mươi đời. Cụ sinh 8 người con trai, mỗi người đi lập nghiệp một phương, trong đó người con thứ 3 định cư ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu. Người con thứ 6 về Phú Hậu, người thứ 8 về xứ Hoa Lũy (tức xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An). Có lẽ vì vậy mà tiếng nói của người làng Phú Hậu rất giống tiếng nói vùng Đông Câu, Kim Lũy của xã Diễn Kim. Căn cứ vào gia phả họ Bùi, cụ Bùi Quang Tiến đã về làng Phú Hậu khoảng đầu thế kỷ XVII, đến nay đã được 19 đời (trên, dưới 400 năm). Sau khi ông đến định cư ở đó, người của các họ khác trong vùng lần lượt đến làng Cư Kiến sinh sống và nói theo tiếng nói của bộ phận đến trước. Bởi thế tiếng nói làng Phú Hậu mang tính phương ngữ rõ rệt.

Như vậy, có thể kết luận Đền làng Phú Hậu thờ ông thành Hoàng là Bùi Quang Tiến, người đã lập làng và truyền nghề cho làng suốt bốn thế kỷ qua.

Về Miếu thờ của làng Phú Hậu tọa lạc trên khu vực phía bắc làng, trước đây có người gọi là Đền Lễ, có người gọi là Đình Lễ. Thực ra nó không phải đền, không phải đình mà là Nền Lễ (hoặc còn gọi là Nền tế).

Nền Lễ là một am thờ có 3 bệ thờ liền nhau theo hàng ngang. Am không có mái che, nằm trong khuôn viên có tường bao xung quanh, rộng chừng 50m2. Am thờ này được làng lập nên vào những năm đầu thế kỷ XX theo đề xuất của cụ Nguyễn Như Phu sau khi cụ đỗ tú tài năm 1900. Am thờ những người làng mất mộ, mất giỗ (cô hồn) và để trấn yểm không cho ma đói vào làng quấy nhiễu.

Có một câu chuyện như sau. Ngày đó làng Hạnh Lâm (làng Quảng Phong thuộc xã Diễn Cát hiện nay) có một toán cướp chuyên đi cướp phá các làng khác trong vùng. Một ngày, chúng dự định sẽ chèo thuyền theo con sông Mo vào làng Phú Hậu để hành sự. Một người đàn bà làng Phú Hậu lấy chồng về Hạnh Lâm đã mật báo cho dân làng biết. Người thanh niên họ Bùi (sau này thường gọi là anh hùng họ Bùi) đã huy động trai tráng trong làng chuẩn bị đất đá, cuốc thuổng và gậy gộc tập kết trên bờ lũy của làng để đối phó. Con sông Mo là một nhánh nhỏ được nối từ kênh Nhà Lê chảy vào khu đầm lầy của làng Phú Hậu gọi là Rộc Giữa. Khi bọn cướp chèo thuyền vào đến sát bờ lũy của làng, mọi người hò nhau ném đá và chủ động tấn công làm chết nhiều tên cướp. Xác chết được kéo đến chôn tập trung một chỗ cạnh con đường phía bắc làng, gọi là Cồn Mả Đống. Cồn đó mới được san bằng để canh tác trong khoảng ba mươi năm lại đây. Đến nay làng Phú hậu vẫn lưu truyền câu lục bát:

                   “Thà rằng chết chém chết đâm

            Không cho Cồn Đống Hạnh Lâm vào làng”.

Am thờ cô hồn và trấn yểm ma đói được đặt trên nền đất trống nên gọi là Nền Lễ. Đến những năm 60 của thế kỷ trước , Nền Lễ được san bằng thành một bãi đất hoang. Năm 2011, làng Phú Hậu đã quyên tiền lập lại nơi thờ có mái che hai tầng và đặt lại tên là “MIẾU THỜ NỀN LỄ”.

Hiện nay làng vẫn tổ chức tế lễ hai kỳ vào tiết thanh minh và rằm tháng 7 hàng năm./.                                                            

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443467

Hôm nay

225

Hôm qua

2333

Tuần này

21280

Tháng này

218641

Tháng qua

112676

Tất cả

114443467