Văn hoá học đường

Trường học ở chân trời 2020*

Vẽ lên đường hướng của trường học ngày mai rất khó vì trường học là một tổng thể tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, kỷ thuật, … của từng quốc gia hay cộng đồng.

Một Hội thảo tổ chức năm 1999, tại Poitiers (Pháp), với sự góp sức của hơn 50 chuyên gia giáo dục đến từ nhiều nước trên thế giới, đã cố gắng trả lời một số câu hỏi thuộc chủ đề trường học tương lai. Quyển sách Trường học ở chân trời 2020 gom tụ một số phát biểu trong Hội thảo này.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, cấu trúc của quyển sách – dựa trên 4 chủ đề của Hội thảo – lần lượt triển khai vấn đề văn hóa, vấn đề hệ thống giá trị đạo đức & luân lý, vấn đề bình đẳng xã hội và sau cùng, vai trò của người đi dạy.

Vấn đề văn hóa tối thiểu, theo các chuyên gia, là vẹn tròn khả năng nói và viết tiếng mẹ, đồng thời hiểu biết lịch sử. Biết ta từ đâu đến mới có thể tự vạch ra đường hướng tương lai. Làm chủ được tiếng mẹ mới tự định nghĩa được cá thể và tự rèn luyện bản thể hầu có khả tiếp nhận và hòa đồng với môi trường, hội nhập, giao lưu với cộng đồng trong đó có thể có những liên hệ đa văn hóa.

Chủ đề thứ nhì thuộc về đạo đức xã hội. Trường học phải đối đầu với những thay đổi lớn về khoa học kỷ thuật mà từ đó mỗi một trong chúng ta phải có những suy nghĩ luân lý và nhân bản. Tiến bộ khoa học phải song hành với các giá trị xã hội, đạo đức và triết lý. Khoa học vô ý thức chỉ là suy tàn của tâm hồn (Rabelais, nhà tư tưỡng Pháp, thế kỷ thứ 15-16 “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme”). Những vấn đề như thụ tinh trong ống nghiệm, thay đổi cấu trúc gen, …là những tiến bộ của khoa học mà ta phải suy nghĩ trước khi đưa vào ứng dụng.

Đồng thời, khoảng cách giàu-nghèo, mạnh-yếu trong xã hội càng ngày càng rộng ra với tất cả những hiện tượng kỳ thị Bắc/Nam (nước phát triển phía Bắc và các nước đang phát triển phía Nam). Giữa bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, trường học tương lai phải đón tiếp và đối xữ tử tế với những “diễn viên” đến từ nhiều chân trời khác nhau, phải góp phần đào tạo những con người sống không kỳ thị .

Chủ đề thứ ba cổ điển hơn và lập lại những suy nghĩ cố hữu của giáo dục : có thể nào, nhờ trường học mà tạo ra được thêm bình đẳng xã hội ? Trên phương diện thuần triết lý nhân bản, mọi người sinh ra đều bình đẳng và học đường phải là nơi giúp tất cả trẻ phát triển để sống hạnh phúc. Đó có thể là một trong những sứ mạng nền tảng của giáo dục.

Sau cùng, với tất cả các vấn đề đó, làm sao định nghĩa chỗ đứng, vai trò của người đi dạy và làm sao đào tạo họ.

Chủ đề này rất quan trọng: trên hai vai của giáo viên là cả sự thành công hay thất bại của việc học hành. Nhưng nhà giáo không làm việc một mình mà là người đi cùng một quảng đường với học trò, tiếp tay với gia đình và xã hội để lo cho giới trẻ.

Nhiều chuyên gia trong Hội thảo nói là “thế hệ học trò ngày mai là thế hệ những người trẻ suốt ngày ngồi trước màn hình” (screenviewers hay screenagers). Trường học hết là nơi duy nhất mà chúng thu thập kiến thức. Người đi dạy không cạnh tranh với những màn hình này mà nên dùng chúng như một trong những dụng cụ giáo dục. Ích lợi điễn hình nhất là chúng, những phương tiện này, giúp dạy từ xa chẳng hạn.

Nhưng các màn hình không thể nào “truất phế” vai trò của người đi dạy vì người thầy mang lại cho trò một liên hệ xã hội, có tình người, có suy nghĩ đạo đức và có uyển chuyển thích nghi với các đặc thù xã hội hay tâm lý của trò.

Liên hệ thầy-trò vẫn có giá trị ở chỗ đó. Trường học là nơi trò được xã hội hóa, là nơi trò tập tành sống với người khác, …

Dạy học ở những năm 2020 có thể theo cách truyền kiến thức (hình thức cổ điển) mà cũng có thể mang hình thức “quản lý học trò, quản lý lớp học, quản lý một chủ đề” cùng với học trò. Tất cả là tùy đường hướng và chủ đích của giáo dục. Dĩ nhiên mỗi giáo viên phải nắm vững chuyên môn để trên cơ sở đó, dùng những phương tiện hiện đại để giúp trò lĩnh hội kiến thức. Đào tạo giáo viên tương lai là đào tạo những khả năng đa dạng ấy.

Nhưng giáo viên cũng không nên quên hai điều :

– người đi học và người dạy học là hai diễn viên của một công trình, liên đới hòa hợp và làm việc cùng nhau. Điều này ảnh hưởng đến triết lý của việc dạy học, nội dung các bài dạy, phương pháp sư phạm và cách kiểm tra kiến thức ở trường ;

– sự học không còn giới hạn trong thời gian đến trường mà sẽ phải tiếp tục suốt đời người đi học. Cả người đi học và người dạy học phải chuẩn bị và được chuẩn bị để có thể hấp thụ kiến thức mới hay để thay đổi theo dòng thời gian. Dạy học thành “tiếp tục học để dạy” và “dạy cách học”.

Dạy học, cái chính vẫn là dạy làm ngườitheo nghĩa “dùng kiến thức để sống, để liên hệ với người khác, để giải quyết các tranh chấp, để hiểu luật lệ và tự định nghiã chỗ đứng của mình đối với các cấu trúc của xã hội và của chính quyền”. Để tự do và có trách nhiệm.

Tất cả những chủ đích này của giáo dục không mới. Các chuyên gia trong Hội thảo đã nhắc lại và đưa ra một số giải pháp cụ thể để thực hiện chúng.

UNESCO cũng đã cho ra đời những tiêu chuẩn tương tự (1).

Có mới chăng là các chuyên gia ở Hội thảo Poitiers đã nhấn mạnh trên :

. những biến đổi của xã hội, trong đó có sự biến đổi của người đi học

. những kỷ thuật thông tin mới cần mang vào áp dụng cho việc dạy học,

. vai trò đồng hành của cả hai người đi học và người dạy học

. sự cần thiết phải chuẩn bị người đi học cho những thay đổi tương lai

Hôm nay cũng như ngày mai, trường học là nơi đào tạo công dân, kiểm soát kiến thức, cho bằng cấp và giáo dục mọi người theo hệ thống “luật lệ”, “qui chuẩn” và các “giá trị đạo đức” lưu hành trong xã hội. Đó là kết luận của Hội thảo.

Trường học lý tưỡng, mà các tác giả viết sau Hội thảo Poitiers, là một trường học mà ở đó mọi người đều bình đẳng, mọi thành viên tôn trọng người đối diện vì chính cá nhân họ được kính trọng. Họ đoàn kết với nhau và vượt qua hết các kỳ thị.

Vài lời bàn của người điểm sách:

1. Không phải chỉ có ở nước ta mới cần cải tổ hệ thống giáo dục. Ngay cả ở những nước Âu Mỹ, với những nền giáo dục tưỡng như đã hoàn hảo, thường xuyên, họ đặt lại vấn đề giáo dục để cập nhật hóa, để làm tốt hơn, để hoàn chỉnh hệ thống, … và nhất là để trả lời đúng nhất những nhu cầu của thế hệ trẻ.

2. Chủ đích của giáo dục, theo trào lưu hiện thời, có thể tóm lược trong một câu: dạy học là dạy làm người sống trong xã hội. Xã hội thay đổi, học trò phải được chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi ấy và hơn thế nữa, một số học trò hôm nay còn có thể là diễn viên tạo thay đổi xã hội sau này.

Trong bài “Bàn về cách thức chấm điểm học trò” (2), tác giả những dòng này có bàn tới một số khả năng như khả năng lặp lại (savoir-restituer), khả năng ứng dụng (savoir-appliquer), khả năng hành động hay thực hiện (savoir-faire), khả năng xữ sự hay làm người (savoir- être).

Thế giới, môi trường xã hội không ngừng đổi thay, ngoài các khả năng đó, ta phải thêm vào khả năng thích ứng và biến đổi (savoir-devenir).

Tất cả năm loại kiến thức này có thể được xếp hạng và hình dung như năm vòng tròn, cùng tâm điểm mà vòng tròn nhỏ nhất là khả năng lập lại còn vòng tròn to nhất là khả năng thích ứng và biến đổi – kiến thức thích ứng và biến đổi này bao gồm hết những kiến thức trước– .

3. Để có thể đạt, ít hay nhiều, gần hay xa, các chủ đích đó – để phần đông học trò của chúng ta có khả năng thích ứng và biến đổi cùng với những hoàn cảnh mới trong tương lai – giáo dục có lẻ phải đi từ người đi học, giúp các em tự định nghĩa mình một cách vững chắc, tự trọng, có kiến thức, trí óc cởi mở và đầy sáng tạo, tôn trọng người khác, tôn trọng xã hội và được xã hội tôn trọng. Tư cách của người thầy, cách tổ chức và sinh hoạt của trường học, phương thức của liên hệ giữa thầy và trò, … là những “mẫu”, những “bài học” góp phần “luyện” trẻ, quan trọng không kém nội dung của môn toán hay môn sinh học.

Hội thảo Poitiers hay quyển sách giới thiệu trên không nói gì khác hơn !

4. Trong dấu ngoặc và một cách rất cụ thể, hiện chúng tôi nghĩ rằng những bài học về kỹ năng, nhất là trong tình huống “giáo dục trả bài” (nghĩa là chỉ kiểm tra khả năng lặp lại), hay “giáo dục nhồi nhét kiến thức”, rất vô ích: không thể nào dự trù hết những tình huống tương lai để truyền cho trẻ những cách xữ sự. Cách sống là phần sáng tạo của mỗi cá nhân. Chúng ta không phải là những… chú lính chì, giống nhau hết.

Cuối cùng, xin kết luận bằng câu nói của Montaigne : “giáo dục không phải để có những cái đầu đầy mà những cái đầu biết suy nghĩ” (une tête bien faite plutôt qu’une tête bien pleine).

Thế mới biết là có những triết lý giáo dục rất là xưa (Michel de Montaigne, thế kỷ thứ 16) nhưng vẫn còn tính thời sự. Cái cần là phải có phương pháp để thực hiện.

............................................

(*):(Ecole, horizon 2020); Tác giả : Francine Vaniscotte và Pierre Laderrière tổng hợp .
Institut Européen pour la Promotion des Innovations et de la Culture en Education.
NXB L’Harmattan, 2002 (210 trang). 

(1) Xin xem thêm ở đây :

http://dantri.com.vn/c25/s25-537689/unesco-va-giao-duc-dai-hoc.htm

(2) Dân Trí điện tử ngày 12.01.2011

http://dantri.com.vn/c25/s25-450584/ban-ve-cach-thuc-cham-diem-hoc-tro.htm

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441202

Hôm nay

2202

Hôm qua

2287

Tuần này

21106

Tháng này

216376

Tháng qua

112676

Tất cả

114441202