Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi - chí sĩ Hồ Học Lãm [III]

CHƯƠNG III

VIỆT MINH

Khoảng đầu hè năm 1934 (đầu tháng 4), gia đình tôi dọn về ở một biệt thự hai tầng có vườn cây rộng đẹp, đó là Mai Viên Tân Thôn.

Tôi rất thích nơi ở này vì nó rộng rãi, thoáng đãng song vì biệt lập cho nên tôi không có bạn bè, chỉ thui thủi chơi một mình ngoài vườn hoa. Tầng một có nhiều phòng, bếp và các công trình phụ. Tầng trên gồm một phòng lớn của mẹ và tôi, cạnh đó một phòng đóng im ỉm suốt ngày là phòng chị tôi. Đối diện phòng của hai mẹ con là phòng cha, gồm hai phòng nhỏ cách nhau bằng một hành lang và cầu thang. Phòng của cha rộng khoảng 11, 12 mét vuông có cửa sổ thoáng mát và ánh sáng chan hòa. Nhưng cha đi làm việc suốt ngày. Trong phòng bày biện vẫn như phòng của ông ở Pháng Ngọa Cảng, chỉ khác một điều ngày chủ nhật ông làm việc không phải chong đèn. Bàn làm việc của ông vẫn đầy sách báo, cạnh phía sau phòng cha tôi là một phòng kho nhỏ để va ly đồ đạc.

Cũng như ở Pháng Ngọa Cảng, một số người yêu nước Việt Nam lại tới nhà tôi ở. Nhưng họ thoắt hiện, thoắt biến bất thường, tôi chẳng nhớ nổi mặt ai, tên ai ngoài chú Quốc Vọng.

Có một ký ức khó quên là ngôi nhà này rộng và vắng vẻ quá. Đêm, tôi hay bị một số bóng hình hư ảo trên trần nhà ám ảnh, đó là những hình tầu xe, người đi kẻ lại làm tôi hoa mắt (có lẽ bệnh hoang tưởng của trẻ em chăng?). Có đêm tôi thấy một con chó lông trắng đi từ phía cửa phòng cha tôi tới gần phòng hai mẹ con, hễ tôi chớp mắt vì mỏi thì thấy con chó lại ở đầu hành lang bên kia. Hiện tượng đó kéo dài khiến tôi sợ, vì trong nhà không nuôi chó, tôi kêu lên: "Mẹ ơi con sợ", bà vội bế tôi nằm vào phía trong sát tường, sau đó tôi mới ngủ được. Đến giờ tôi cũng không hiểu hiện tượng đó là nguyên nhân tại sao?

Một buổi sáng đẹp trời, mẹ mặc áo váy đẹp cho tôi và xách một va ly con bằng mây, dắt tôi ngồi lên xe kéo tay ra ga xe lửa. Bà mua vé hạng hai rồi đưa tôi lên ngồi trên toa xe khá sang trọng. Tàu chạy qua làng mạc, cánh đồng lúa, các ga xép, kẻ xuống người lên trông nhộn nhịp và lạ mắt. Buổi trưa, mẹ gọi mấy món ăn, họ bưng một khay vuông có nhiều món đẹp mắt và ngon. Tôi rất thích thú và ăn ngon miệng, trong bụng nghĩ đi đâu mà thú vị quá nhỉ, ước gì mẹ thường xuyên đưa mình đi chơi như vậy! Cuối cùng tầu dừng ở một ga lớn, mẹ và tôi lại ngồi xe đến một khách sạn trung. Sau khi rửa mặt, thay quần áo sạch sẽ, mẹ dắt tôi đến một nơi đông người, toàn những người lạ hoắc, tôi không nhớ mặt người nào cũng không biết tên một người nào, chỉ biết mọi người ngồi cả buổi rất buồn tẻ vì chỉ thấy họ nói cái gì đó. Đến bốn năm giờ chiều, hai mẹ con lại lên xe lửa, ngồi toa hạng ba ra về. Vì đi đêm, tôi ngủ gật trong lòng mẹ...

Nhưng chuyến đi đó để lại một ấn tượng mới mẻ, sâu sắc, bởi vì đó là chuyến đi bằng xe lửa đầu tiên trong đời tôi. Khi lớn lên, hồi tưởng chuyến đi thú vị đó, tôi hỏi mẹ. Bà bảo: "Đó là thành phố Thượng Hải, một thành phố lớn và phồn hoa nhất Trung Quốc, cũng là một thành phố có nhiều tô giới các nước như Pháp, Anh, v.v... Mình chỉ đến khu ở của người Trung Quốc thôi, nếu lạc sang tô giới Pháp  dễ bị bắt lắm...", "Thế hôm ấy đến Thượng Hải làm gì hở mẹ?", "Anh Cả Nguyễn Lương Bằng triệu tập thầy con đến họp Mặt trận phản đế đồng minh. Vì bận, thầy con không đi được, mẹ đi thay".

Chính ở đây tôi gặp ông Nguyễn Ái Quốc, nhưng do còn quá ít tuổi nên tôi không nhớ được gì thật rõ rệt. Năm 1954, tôi gặp lại Bác ở nhà anh Nguyễn An Ninh, Bác cười nhắc: "Mới ngày nào còn mặc quần thủng đít mà bây giờ to nậy như thế này". Tôi cãi vì tôi chỉ nhớ gặp Bác năm tôi mười hai, mười ba tuổi, (khoảng 1943 - 1944) tại Liễu Châu. Bác nói là gặp tôi ở Thượng Hải. Khi kể lại chuyện này cho mẹ tôi nghe, bà giật mình vì trí nhớ của Bác.

Chúng tôi ở Mai Viên Tân Thôn có một tháng thì dọn về số 10 Tam Sơn Lý. Sau này tôi hỏi mẹ: "Mai Viên Tân Thôn đẹp thế sao không ở đó, có thích hơn không?", "Tiền thuê nhà đắt quá, nhà mình không kham nổi", "Đắt là bao nhiêu, còn ở Tam Sơn Lý là bao nhiêu?", "Thuê ở Mai Viên Tân Thôn mỗi tháng 120 đồng quốc dân tệ, thuê ở Tam Sơn Lý có 70 đồng một tháng thôi. Nhà mình phải nuôi các anh em yêu nước trong nhà cũng tốn kém lắm,... nếu không khéo thu xếp thì không nuôi nổi được đâu. Họ có khó khăn mới đến ở nhờ mình, con ạ". Họ là những ai, mãi về sau tôi mới hiểu. Bởi vì thời điểm đó tôi mới ba tuổi rưỡi, và tôi những tưởng mình là người Trung Quốc, đồng loại với những người hàng xóm. Mẹ tôi dặn: "Ai hỏi con là người ở đâu? Con trả lời mình là người Quảng Đông, Hoa kiều ở Indonesia về...".

Tam Sơn Lý là khu chung cư với nhiều biệt thự hai tầng. Khu đó rộng rãi, có tường bao quanh. Cả khu có năm dãy, mỗi dãy có bốn ngôi biệt thự, xây cùng một kiểu. Giữa các dãy nhà biệt thự là đường bê tông rộng 8 đến 10 mét, ô tô ra vào thoải mái. Ngôi nhà chúng tôi ở gần cuối dãy thứ ba. Trẻ con trong khu kết bạn thoải mái, mặc dù các gia đình sống biệt lập và không quan hệ với nhau. Cho nên ngôi nhà chúng tôi ở là một vương quốc riêng, với lối sống hoàn toàn Việt Nam.

Tầng trên có hai phòng lớn. Phòng trong rộng khoảng 16 mét vuông của mẹ và tôi, phòng ngoài rộng nhất, khoảng 20 mét vuông kê hai tủ sách, một bàn làm việc, một giường đơn. Khoảng cuối năm 1934 đầu năm 1935, có chú Đặng Xuân Thanh đến ở đó. Chú biết cha tôi nuôi nhiều đồng hương từ Việt Nam sang, kinh tế không sung túc cho lắm, cho nên hàng tháng chú đưa cho mẹ tôi một khoản tiền nhỏ coi như tiền thuê nhà. Chú học ở Đức về. Cha tôi xin cho chú vào làm ở bộ phận dịch thuật tài liệu quân sự của Bộ Tổng tham mưu. Vì chú giỏi chữ Hán, tiếng Anh, Pháp và Đức, do đó sau một thời gian làm việc được phong quân hàm đại úy. Cạnh phòng mẹ là phòng cha tôi, rộng khoảng 14 - 15 mét vuông, cửa sổ thoáng rộng, ánh sáng chan hòa. Trước hai phòng lớn là hành lang, đối diện phòng mẹ là phòng chị khoảng 15 - 16 mét vuông. Cạnh phòng ngoài là phòng tắm, trước phòng tắm là cầu thang xuống tầng một. Cạnh phòng chị và phòng cha có một lối đi nho nhỏ, có một thang sắt dựng đứng lên sân thượng. Trên sân thượng có một phòng nhỏ khoảng 6, 7 mét vuông. Về sau chú Văn (người Lào) ngủ một mình ở đấy, vì chú thích ở riêng. Tầng một có cấu trúc tương tự, hai phòng lớn dành cho các chú ở, phòng cha tôi thẳng xuống là kho chứa thực phẩm, v.v... Phòng chị và hành lang thẳng xuống là một phòng rộng lớn khoảng 25 mét vuông đặt một bàn ăn vuông to rộng có thể ngồi 8 người. Khi đông người, kéo bốn cánh hình bán nguyệt ở bốn góc bàn lên, sẽ thành một bàn tròn to. Ngoài ra, một nhà tắm và hành lang khá rộng mở ra phía cửa ra vào của ngôi biệt thự. Tại đó là bếp nấu ăn cho cả nhà. Nồi nấu cơm bằng chảo gang to, một chảo gang vừa để xào nấu thức ăn. Chất đốt là củi to bằng cái đòn xe.

Từ ngày dọn về Tam Sơn Lý, các chú người Việt về ở rất đông và ở lâu. Sau này mẹ cho biết, chỗ ở Pháng Ngọa Cảng tiền thuê nhà chỉ có 20 đồng quốc dân tệ. Nếu chỉ cho gia đình bốn người chúng tôi ở là được. Mặc dù chỗ ở không sang, nhưng căn hộ gia đình tôi ở là dãy thứ nhất, trước mặt dãy nhà là sân rộng và khoảng trống mênh mông, kể cũng thoáng. Vì chú Quốc Vọng yêu cầu tìm chỗ ở rộng và biệt lập để đón nhiều người đến ở trong nhà. Nếu ở chung với người Trung Quốc sợ lộ nhà mình toàn người nước ngoài thì thật bất tiện và nguy hiểm. Do đó chú Quốc Vọng tìm thuê nhà ở Mai Viên Tân Thôn, nhưng vì tiền thuê nhà đắt quá, chú lại đi lùng sục khắp nơi, cuối cùng tìm tới địa điểm này. Kể ra chỗ ở này cũng khang trang, chỉ thiếu vườn hoa thôi, trẻ con thích hoa, cho nên tôi vẫn quyến luyến Mai Viên Tân Thôn.

Dọn về Tam Sơn Lý đúng đầu hè 1934 (khoảng giữa tháng 5), tôi lớn thêm một tuổi. Có lẽ vì tôi đã lớn? Cũng có lẽ vì các chú đến ở nhà lâu dài, không còn tình trạng thoắt hiện thoắt biến, cho nên tôi nhớ hầu hết tên các chú như: Chú Thược (Đặng Văn Cáp, sau năm 1954 là Viện trưởng Đông y Trung ương), chú Đức, Giai, Lộc, Trình (Đỗ Đăng Trình), Hải (Phi Vân, Nguyễn Hữu Căn), Hoa (Lý Quang Hoa, Hoàng Ngọc Ân), Long (Từ Chí Kiên, biệt danh Long Cong), Trụ đen (Lê Quốc Trụ), Liễu (Mạnh Văn Liễu - Phùng Chí Kiên), Văn (người Lào), Cao (Cao Hồng Lĩnh), v.v...

Chú Lê Quốc Vọng, nay đổi tên là Lê Tân Dân thời kỳ này không ở trong nhà nữa, cha tôi xin cho chú làm "Liên phó" Đại đội phó ở binh đoàn xe hơi (khí xa binh đoàn) đóng cách Nam Kinh 100 cây số. Thỉnh thoảng, chú có về chơi nhà tôi một vài hôm.

Cũng như tầng hai, các phòng tầng một có sàn bằng gỗ, hai phòng ngủ của các chú luôn được lau sạch bóng. Phòng ngoài chỉ kê một giường đơn và một bàn làm việc, phòng trong kê một giường đôi. Mùa hè các chú nằm dưới sàn ở hai phòng với bốn cái quạt. Mùa đông thiếu chăn, đệm các chú ngủ chung và dồn vào một phòng với một lò sưởi than đá (cái lò thiết kế rất kín, có ống thông khói thoát ra ngoài trời). Hàng ngày mẹ tôi đặt vài tờ "nhật báo", tạp chí v.v... Một số chú là công nông, văn hóa thấp, không đọc sách báo được, mẹ tôi mua bộ cờ tướng để các chú giải trí. Với con mắt trẻ em, tôi thấy cuộc sống trong gia đình đông vui, êm ấm.

Về Tam Sơn Lý, mẹ tôi mua sắm nhiều thứ trong gia đình (không đơn giản như ở Pháng Ngọa Cảng) như bàn ghế ăn, chăn, đệm, quạt, lò sưởi v.v... Sau này mẹ kể nhờ thời gian ở Pháng Ngọa Cảng ít người ở trong nhà, bà dành dụm được mấy trăm quốc dân tệ. Về Tam Sơn Lý nhờ số tiền đó mới mua sắm được nhiều thứ nhưng cũng chỉ là tối thiểu để sử dụng trong gia đình.

Ở Trung Quốc, đồ gỗ rất đắt tiền. Có một thời gian, trong nhà cha mẹ tôi có tới hai mươi người đến ở, phải chia làm hai bàn ăn. Thức ăn hàng ngày có thịt, cá đầy đủ, thỉnh thoảng các chú mổ gà, vịt, gói nem rán, v.v... Vì thèm thức ăn dân tộc, thỉnh thoảng mẹ tôi mua nước mắm và mắm tôm về ăn. Người Trung Quốc chủ yếu ăn xì dầu, nếu ăn nước mắm hay mắm tôm là sang, vì những thứ đó đắt hơn xì dầu. Thỉnh thoảng mẹ tôi mua bánh mì bơ (cũng là thứ đắt tiền) ăn sáng cho cả nhà. Bình thường chỉ ăn cơm rang, mỳ sợi, cháo hoa với trứng muối, trứng bắc thảo v.v...

Về sau mẹ kể, giá cả những năm đầu thập kỷ hai mươi rất rẻ. Ăn kham khổ, mỗi người một tháng chỉ mất 3 đồng quốc dân tệ, ăn vừa phải là 5 đồng, ăn khá là 7 đồng, ăn sang và ngon là 12 đến 15 đồng. Tôi tò mò hỏi: "Thời kỳ đó nhà mình ăn mất bao nhiêu tính theo đầu người hả mẹ?" Bà trả lời: "Thuê nhà mất 70 đồng, điện nước cũng phải đến 20 đồng. Chi tiền ăn cho cả nhà tùy số lượng người khoảng 70 đến 100 đồng hoặc có khi hơn. Người ăn đông, nấu nướng cũng dễ hơn con ạ...". Tôi tròn con mắt nhìn mẹ và hỏi: "Mẹ có dành dụm được xu nào không?". "Tháng ít người thì tiết kiệm được chút ít, tháng đông người đành dè xẻn, ăn uống kham khổ một chút rồi cũng xong... Tiền lương trung tá của thầy con là 220 đồng. Thầy con có chế độ sử dụng hai cần vụ, để cần vụ trong nhà cũng bất tiện cho sinh hoạt của nhà mình, do đó thầy con lấy cớ để vợ đảm đương việc nhà, đề nghị cơ quan cho nhận tiền cần vụ. Mỗi cần vụ là 10 đồng, như vậy là 20 đồng, vị chi thu nhập hàng tháng của thầy con là 240 đồng. Mẹ cứ liều liệu mà chi tiêu thôi... Trên đây tính chỉ là đại khái thôi, chứ thực ra mọi thứ chi phí trong nhà không thể kể hết được... Ví dụ các chú ốm đau, đi bệnh viện khám bệnh, thuốc men cũng do thầy con chi tiền ra... Chú Lý Quang Hoa mắc chứng đau đầu, đi khám bệnh ở bệnh viện "Cổ Lâu" cũng khá tốn kém, nhưng khám mãi mà chẳng tìm thấy mầm bệnh từ đâu? Thấy tốn kém quá, chú đành thôi việc chữa bệnh. Ngoài ra còn chi học phí cho chị con nữa chứ...".

Qua câu chuyện mẹ kể sau này, khi tôi đã mười hai, mười ba tuổi, tôi mới hiểu sự khó khăn của cha mẹ tôi, đó là lý do tại sao hồi trước, tôi xin cha tôi mua đàn pianô, ông trả lời đơn giản: "Thầy không có tiền..". Trong lòng tôi bất bình: "Trong nhà nuôi nhiều người thế mà thầy bảo không có tiền... Chắc thầy tiếc tiền". Cũng như khi tôi hỏi: "Tại sao không cho chị học đại học?", mẹ cũng bảo là không có tiền. Ấy là chuyện sau này mẹ tôi kể lại thì biết vậy, chứ khi đó tôi vẫn là đứa trẻ bốn, năm tuổi, chỉ biết nô đùa suốt ngày ngoài đường với các bạn thôi.

Tôi còn nhớ hôm đầu ông Lý Quang Hoa đến nhà tôi. Một buổi chiều, khoảng hai, ba giờ tôi kêu đói, mẹ đang rang cơm cho tôi thì nghe tiếng chuông cửa. Bà mở cửa và tôi đứng ngay cạnh, thấy một người đàn ông mặc Âu phục (các chú ra ngoài đường đều mặc Âu phục, riêng cha tôi thích mặc quần dài và áo dài thụng, mùa đông cũng như mùa hè) bước xuống xe kéo, hỏi bằng tiếng Trung Quốc trọ trẹ: "Đây có phải nhà Hồ Học Lãm tiên sinh không?". Mẹ tôi trả lời: "Chính phải, ông là ai?". Người đến bèn trả lời bằng tiếng Việt: "Tôi là Lý Quang Hoa, người làng cụ Hồ". (Thời đó, ai cũng gọi cha tôi là cụ Hồ, gọi mẹ tôi là chị Hồ, hay bà Hồ - theo phong tục xưng hô bằng họ của người Trung Quốc). Mẹ tôi nhường đường: "Mời anh vào". Chú Hoa đến ở nhà tôi sau nhiều người cách mạng Việt Nam khác. Chú luôn kêu đau đầu, không thích ăn cá. Hàng ngày, chú chỉ đọc báo và đánh cờ. Vì chú viết chữ Hán rất đẹp, ít lâu sau cha tôi xin cho chú làm văn thư trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Vì chú chưa qua trường quân sự, nên lúc đầu được phong là binh nhì. Sau thời gian thử việc, chú được phong cấp chuẩn úy (Thời bấy giờ Trung Quốc không có máy chữ, cho nên phải có những người chữ đẹp chuyên chép các công văn hay báo cáo).

Một buổi trưa hè, sau khi chơi trò trốn tìm ngoài đường, mặt đen cháy (tôi được cả nhà nói là cháu ruột chú Trụ đen), người nóng ran, khát nước đến cháy cổ. Tôi chạy về nhà kêu ầm ĩ: "Ôi, sốt quá, sốt quá, nước, nước!". Chú Trình lấy tay sờ lên đầu bốc "khói" của tôi kêu to: "Chà, cháu tôi sốt quá, mau mang thuốc cảm đến đây...". Miệng nói, tay chú bế tôi đặt lên giường đơn, lấy chăn bông đắp lên người tôi. Còn tôi vừa lấy chân đạp chăn, miệng vừa kêu sốt, hai chú cháu vật lộn trên giường, chú Thược lúng túng bưng nước và thuốc cảm tới. Vừa hay lúc đó mẹ tôi từ ngoài cổng đi vào nhà, chú Trình nói: "Chị ơi, cháu sốt cao quá chị ạ...". "Để tôi xem nào...". Mẹ tôi sờ trán tôi và cười: "Nó có sốt gì đâu, chắc là nô ngoài đường nóng quá đấy mà... À, tiếng Nghệ "sốt" có nghĩa là "nóng" chứ không phải là sốt cảm gì đâu...". Chú Trình cười hiền lành "Thế à!". Các chú khác đang mải đánh cờ, thấy thế phá lên cười và nói: "Người cùng một nước mà không hiểu nhau...". Mẹ tôi tung chăn cho tôi nhảy xuống sàn ngồi cạnh quạt và cho uống một cốc nước sôi để nguội. Nhà không có tủ lạnh, vì thời ấy tủ lạnh đắt tiền lắm.

Kể cũng lạ, ở tuổi đó sao tôi có thể chơi cả ngày ngoài nắng không biết mệt. Hàng ngày, sau bữa cơm trưa, mẹ bắt tôi nằm cạnh bà để ngủ trưa, nhưng tôi chẳng bao giờ ngủ trưa được.Tôi nằm im chờ khi nào mẹ tôi thiếp đi, bèn nhẹ nhàng lẻn xuống cầu thang chuồn ra ngoài đường. Nhưng nếu không ra ngoài đường chơi, ở nhà chả biết làm gì, chẳng có ai trò chuyện với đứa trẻ bốn tuổi. Chỉ vì tôi ham chơi, mẹ hay đánh tôi.Khi tôi thanh minh lý do gì đó, bà "bốp" một cái vả vào mồm: "Cãi trả này, cãi trả này!", lại bốp một cái nữa. Vậy mà tôi vẫn chứng nào tật ấy.

Hôm đó, sau khi hai chú cháu hiểu nhau về ngôn ngữ, chú Trình nói: "Thôi từ nay cháu đừng đi chơi ngoài nắng nữa, ăn cơm xong, trưa nằm dưới sàn với các chú cho mát, chú kể chuyện cho nghe". Từ hôm đó, trưa nào tôi cũng ở nhà, nằm cạnh chú Trình, chú thủ thỉ kể chuyện cổ tích. Những lúc vui, chú cười tít mắt, trông rất hiền, tôi rất mến chú. Dần dần tính tôi hình như thuần lại, không hay ra nô đùa ngoài đường với lũ bạn nữa.

Một hôm chú Trình hỏi: "Cháu biết mình là người đâu không?", "Người đâu? Mình là Hoa kiều ở Indonesia".  Các chú cười ồ, chú Trình cười tít mắt, xoa đầu tôi và bảo: "Mình là người An Nam, đó là tên gọi nước ta của người Trung Quốc. Chính ra, phải gọi mình là người Việt Nam cháu ạ!". "Người Việt Nam? Mình không phải người Trung Quốc à? Thế Việt Nam ở đâu?". Chú lấy một bản đồ thế giới trải rộng ra sàn và chỉ: "Trung Quốc to như lá dâu đây này (Thời bấy giờ Trung Quốc in bản đồ gồm cả nước Mông Cổ ngày nay), còn nước mình bé tí tẹo hình chữ "ét"gầy nhom". Tôi tròn mắt nhìn lên bản đồ vừa sửng sốt, vừa thất vọng vì không ngờ nước Trung Quốc to như lá dâu, đẹp ơi là đẹp, còn nước mình trông sao bé nhỏ, gầy còm thế.

Trông vẻ mặt sững sờ, như đoán được ý nghĩ tôi, chú Trình nói: "Ấy thế cháu ạ, nước mình tuy bé tẹo so với Trung Quốc nhưng nổi tiếng là bé hạt tiêu!". "Bé hạt tiêu? Nghĩa là thế nào hả chú?". "Hạt tiêu tuy bé nhưng rất cay!". Tôi nghi hoặc nhìn chú vì tuổi ấy không thể nhận thức được vấn đề chính trị, ý nghĩa sâu xa của câu nói. Chú Trình lại cười xoa đầu tôi tỏ vẻ thông cảm với nỗi băn khoăn của tôi:

"- Lớn lên rồi cháu sẽ hiểu!.

- Thế nhà mình ở Trung Quốc làm gì, sao không về nước?". Tôi hỏi.

- Làm cách mạng, cháu ạ.

- Cách mạng là gì ạ?”

Mọi người cười phá lên.

“Chết chưa! Câu hỏi hóc búa quá!", một chú nghe đối thoại của hai chú cháu bèn trêu chú Trình.

Chú Trình gãi gãi đầu cười rồi nói: "Là đánh Tây!".

Các chú phá lên cười, tôi vẫn không hiểu tại sao các chú cười, hỏi tiếp: "Tây là ai cơ?",

"Tây ư. Tây là, là thằng Pháp, thằng mắt xanh mũi lõ, chúng nó cướp nước mình, bắt mình làm nô lệ..."

"Thế nô lệ là gì hả chú?" …

Cuối cùng một chú hát: "Thằng Tây nó đi giầy Tàu, trên đầu đội mũ trắng, hai tay cầm cần câu...". Sau đó là cả một câu chuyện vui rông dài và thủ thỉ.

Cuối cùng một đứa bé bốn tuổi như tôi mới rõ nguồn cơn, gốc gác của mình, vừa hay mẹ tôi đi vào. Bà nói: "Những việc trong nhà mình con tuyệt đối không được kể với ai. Ai có hỏi con vẫn cứ nói mình là người Quảng Đông, Hoa kiều ở Indonesia về nước..., chớ cho ai biết mình là người Việt Nam nhé!".

"Tại sao?"

"Vì nếu thằng Tây biết nó sẽ bắt các chú và cả thầy mẹ...".

Từ đó, tôi có ý thức cảnh giác, tuyệt nhiên không bép xép việc nhà với bạn bè của tôi. Vả lại cách ăn mặc của cả nhà cũng giống hệt người Trung Quốc, cho nên láng giềng không ai tò mò chuyện gia đình chúng tôi cả. Thực ra, chỉ có cơ quan Bộ Tổng tham mưu và Tưởng Giới Thạch biết gia đình Hồ Học Lãm là người Việt Nam.

Một hôm mẹ tôi nói với chú Trình: "Chú dạy con bé học chữ quốc ngữ đi". Thế là chú Trình bày giấy bút lên sàn nhà, hai chú cháu nằm bò trên sàn, chú vừa viết vừa nói: "Đây là chữ O, O giống quả trứng gà phải không nào?". Tôi nhìn thấy chữ chú viết khéo quá, đúng là giống quả trứng gà. "Ô thời đội mũ, Ơ thời có râu". Tôi ngạc nhiên lắm và lấy làm thú vị vì chữ quốc ngữ không phải các nét sổ ngang sổ dọc hình vuông như chữ Trung Quốc. Tôi thích quá đòi cầm bút viết. Ôi, chữ O tôi vẽ nét run run, tròn tròn như hòn bi méo, xấu ơi là xấu, không sao vẽ thành hình bầu dục. Vậy mà hai chú cháu lúi húi mấy buổi trưa, tôi đọc được bảng chữ cái tiếng Việt, nhưng không sao viết được chữ. Cuối cùng chú Trình nói với mẹ tôi: "Cháu bé quá, thôi đừng bắt tội nó. Chữ quốc ngữ dễ học mà. Lớn lên cháu học cũng không muộn". Đành rằng tôi cũng còn bé quá, nhưng quan trọng là chú không có phương pháp sư phạm, nằm bò dưới sàn cũng khó tập viết. Thế là việc quốc ngữ đành gác lại cho tới 12 năm sau. Năm đó là hè 1934, tôi mới tròn bốn tuổi.

Mới hôm qua, mẹ nói chị vừa thi tốt nghiệp trung học, đỗ thứ nhì trong lớp. Bà vẫn nói chị tôi thông minh học giỏi. Sáu tuổi đã đi học, hai năm nhảy cóc ba lớp, nghĩa là hè năm 1935, chị mới mười lăm tuổi đã đỗ cao trung (tương đương lớp 12 ngày nay, thông thường mười tám tuổi mới tốt nghiệp cao trung. Chế độ học là 12 năm từ tiểu học lên cao trung) và bà chê tôi không thông minh. Còn quá bé, tôi chẳng hiểu thế nào là thông minh, nhưng nghe mẹ nói vậy và tin bà nói đúng. Cho nên tôi càng hết sức sùng bái chị tôi. Mẹ tôi vẫn nói khi tôi còn bé, chị Diệc Lan hay bế và dắt tôi đi chơi cùng bạn bè mình. Nhưng từ ngày tôi bắt đầu có trí nhớ, đó là xuân hè năm 1933 ở Pháng Ngọa Cảng, tôi chẳng thấy chị tôi chơi với tôi gì cả. Chị cũng giống cha tôi, ngày hai buổi, sáng đi vào trường, trưa về ăn cơm rồi nghỉ một tý xong lại vào trường, chiều tối về, ăn cơm xong lại ngồi vào bàn học (cha thì làm việc). Hai người làm việc đến khuya, trăm ngày như một. Vậy mà tình chị em vẫn đâm chồi nảy lộc... Chị tôi sinh 1920, hơn hẳn tôi mười tuổi. Trong ảnh chụp ở Pháng Ngọa Cảng, tôi tròn ba tuổi, chị tôi tròn mười ba tuổi.

Thông minh lại chăm học, chị tôi thường đứng nhất nhì trong lớp, cùng một bạn trai là Trương Nộ Quân. Mãi sau chị mới cho tôi biết, năm 16, 17 tuổi, hai người yêu nhau. Khi cha mẹ tôi biết, hai ông bà giấu nhiều thư của anh Nộ Quân, khiến hai người mất liên lạc với nhau. Sau khi tốt nghiệp cao trung (tương đương lớp 12 ngày nay), anh ấy về quê Hồ Nam. Chị tôi vào làm việc tại trường nuôi tơ tằm. Cha tôi ép chị phải lấy anh Lê Tân Dân (tức Lê Quốc Vọng, Lê Thiết Hùng) mặc dù anh hơn chị tôi tới hơn mười tuổi.

Chị tôi chê anh Hùng là người không có tài năng, chỉ là người tốt, trung thành với cách mạng. Cha tôi dọa: "Nếu con không lấy anh ấy, cha sẽ từ con". Do tư tưởng còn phong kiến, do ý thức dân tộc, chị tôi lấy anh Lê Tân Dân vào mùa hè năm 1937 ở Vu Hồ. Sau khi tốt nghiệp, chị tôi vào trường nuôi tằm vừa học vừa làm công nhân chứ không học đại học. Sau này chị kể, các chú cộng sản ở trong nhà tôi cho rằng học lực như chị tôi là quá đủ, điều cần thiết ở chị là rèn luyện "công nông hóa", lối sống ăn học như chị tôi quá nặng "tính chất tiểu tư sản". Trước khi vào trường, cha mẹ tôi cho chị một món tiền thưởng để khích lệ sự phấn đấu của chị tôi. Mấy hôm đó chị rất vui, bận rộn, mỗi lần từ ngoài phố về, chị mang hàng chồng sách, giấy, vở, bút và mực, v.v... để chuẩn bị cho việc đi xa.

Hàng trước từ phải sang: Hồ Học Lãm, hồ Mộ La, Ngô Khôn Duy. Hàng sau từ phải sang: Bùi Hải Thiệu, Diệc Lan, Lê Tân Dân (Lê Thiết Hùng)

Ảnh chụp năm 1933 tại Pháng Ngọa Cảng

Rồi một hôm chị về và nói với tôi với đôi mắt to, sáng, ánh lên sự hóm hỉnh: "Bác ơi, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Tôi sửa soạn bữa sinh nhật, lát nữa mời bác sang dùng bữa với tôi nhé!". Tôi vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, háo hức, định chạy ngay sang phòng chị, nhưng chị ngăn lại: "Khoan, bác hãy ở nhà bác chờ, tôi sẽ đến mời bác sau. Bây giờ tôi về nhà chuẩn bị cái đã nhé!" Nói xong chị về phòng chị và đóng cửa lại. Tôi đứng tựa cửa phòng mẹ nóng lòng chờ đợi. Eo ơi, sao mà đợi lâu thế. Chờ mãi không thấy cửa phòng chị mở, tôi đứng mãi mỏi cả chân đành ngồi bệt xuống sàn. Khi đang suy nghĩ vẩn vơ, cửa phòng chị mở toang, chị tươi cười cúi rạp người xuống: "Xin mời bác!". Tôi sung sướng ba chân bốn cẳng chạy sang phòng chị. Chị lấy giấy báo trải làm mâm trên giường, cắt giấy thành hoa văn hình tròn làm đĩa, trên đó có những cái bánh ga tô không kem to bằng lòng bàn tay và rất nhiều loại kẹo, hai chai nước chanh ga. Chị cắm mấy que diêm quanh một cái bánh ga tô và nói: "Giả vờ đây là nến nhé". Nhưng khi chị châm lửa vào, chỉ "xoẹt" một cái, diêm tắt ngấm, chẳng giống bánh ga tô kem to đẹp với những ngọn nến sáng như cảnh trong phim ảnh. Tôi vừa cảm động, vừa buồn buồn, vì thương chị chả có được một bánh ga tô kem thực sự (thực ra, hôm đó có lẽ cũng không phải là sinh nhật chị, chị cố tình bày ra để em gái mình vui trước khi chị đi xa nhà, xa đứa em nhỏ hơn mình mười tuổi). Hôm đó, hai chị em lấy nước chanh làm rượu, cùng chén tạc chén thù, ăn hết bánh ga tô và kẹo...

Thật ra chị tôi vẫn rất trẻ con, vì chị mới mười lăm tuổi, chỉ hơn thời chụp ảnh ở Pháng Ngọa Cảng có hai tuổi. Đó là một kỷ niệm đẹp, nhưng để lại trong tôi một dư âm thật "xót xa”, không hiểu vì sao. Còn nhiều kỷ niệm nữa, không sao quên được. Chị và tôi đi chơi công viên và chị chụp ảnh cho tôi. Có lần một chú chụp cho hai chị em tôi một kiểu ảnh ngồi trên bãi cỏ, tôi nằm ngả người trong lòng chị...

Ít hôm sau, chị biến mất. Hỏi mẹ, bà bảo chị đi làm công nhân rồi. Có lần, mẹ và tôi đến tận trường thăm chị. Chị giới thiệu các công đoạn nuôi tằm và xe tơ. Ở đó có những con tằm nhả tơ vàng và có tằm nhả tơ màu xanh nhạt, mầu hồng, mầu vàng và trắng, trông đẹp mắt lắm.

Một ngày trước tết âm lịch, có tiếng chuông cửa, mẹ ra mở cửa, tôi lon ton theo sau. Khi cửa mở toang, hóa ra chị tôi về, nhưng thương chị quá, hai chân chị sưng vù không đi được, mẹ cùng anh kéo xe xốc nách hai bên, đỡ chị đi từng bước. Nghe tiếng mẹ tôi gọi với, chú Trụ đen chạy ra, cõng chị tôi lên gác và đặt ngồi trên giường trong phòng chị. Tôi băn khoăn nhìn chị, mẹ cởi giầy vải (thời ấy ở Trung Quốc thường đi giầy vải, sang thì đi giầy da) và bỏ tất ra, tôi thấy từng ngón chân chị sưng tấy, da nứt nẻ và chảy máu. Mùa đông ở vùng Nam Kinh lạnh lắm, có tuyết dày. Tôi còn nhớ, có nhiều hôm rét cóng, trong nhà không có lò sưởi, tay tôi cóng đến mức không cầm được đũa để và cơm. Gót chân và ngón chân lạnh buốt đến mức máu như bị đông lại và đau đau, mà "đông" thật, vì đau buốt... Đến mùa trời ấm, máu tụ ở chân tan ra, gót chân và ngón chân ngứa rất khó chịu. Đấy, gia đình tôi ở trong nhà gạch xây kiên cố và ấm áp còn bị lạnh cóng như vậy. Huống hồ nhà ở của trường nuôi tằm là nhà cấp bốn, ăn uống kham khổ, thiếu thốn mọi bề. Ví dụ ở nhà, mẹ tôi hay nấu nước nóng ngâm chân cho tôi, do đó "cước" sưng nhẹ thôi. Còn ở trường, chị tôi làm gì có điều kiện như vậy, cho nên chị bị lên cước trầm trọng. Ngay cả hai bàn tay chị cũng đỏ mọng lên vì cước, chị không cầm được đũa. Hàng ngày mẹ cho chị tôi ngâm chân trong nước nóng pha muối, những chỗ nứt da chảy máu được rửa sạch rồi bôi thuốc mỡ. Ngày ba bữa mẹ tôi và các chú bưng thức ăn lên phòng, vì chị tôi không đi lại được. Mười ngày sau, chị tôi bình phục, đỏ da thắm thịt chứ không tiều tụy như hôm mới về. Chị xin trường cho nghỉ phép một tháng để chữa bệnh, năm đó chị ăn Tết ở nhà.

Những ngày chị nghỉ phép về nhà, nhiều đêm ba mẹ con nằm chung và bao giờ chị tôi cũng nằm ở giữa để kể chuyện cuộc sống ở trường. Sáng nào cũng chỉ có ba bát cháo hoa với dưa muối mặn. Ngày chỉ có hai bữa cơm rau dưa, cuối tuần mới có chút thịt lợn mỡ, mọi người tranh nhau ăn. "Con ăn mỗi bữa ba bát cơm đầy, nếu ăn chậm sẽ hết cơm. Hàng ngày nắng cũng như mưa mọi người thay phiên nhau đi hái dâu, đi giữa bụi cỏ rất nguy hiểm, đang đi bất thần rắn độc bò qua. Vùng đó có nhiều loại rắn màu trắng, màu xanh, đỏ, đen, hoa văn; có con mình dẹt dẹt trông rất lạ mắt. Đêm hè cũng như mùa đông, phải thay nhau trực cho tằm ăn. Mùa rét người không có lò sưởi không sao, nhưng tằm nhất thiết phải có lò sưởi giữ độ ấm. Hè phải mở toang cửa cho thoáng, thậm chí nóng quá phải có quạt. Để tránh ruồi muỗi chích vào tằm, phòng nuôi tằm phải có màn trắng trùm kín, v.v... Mùa đông không đủ chăn ấm, chúng con cứ hai người ngủ chung... Một buổi tối, vừa ăn xong thì nhận được thư thầy mẹ. Con chạy vào phòng khách bật đèn lên đọc thư. Con đứng tựa lưng vào một bàn làm việc kê cạnh cửa sổ kính đóng chặt vì ngoài trời gió rét lắm. Đang đọc thư chăm chú bỗng thấy sống lưng lạnh, vô tình ngoảnh đầu nhìn ra phía sau. Con thấy ngoài cửa kính có một người đàn bà tóc xõa, mặc áo trắng, đang dang hai cánh tay hù dọa, con sợ hết hồn và lạnh cứng người. Vừa lúc đó, các bạn con vừa nói chuyện oang oang vừa từ hành lang đi tới. Khi đó bóng ma biến mất...".

Tôi thấy thương chị vô cùng. Trong lòng trẻ thơ, tôi không khỏi thầm oán trách thầy mẹ và nghĩ: nếu được ở nhà học đại học, chị tôi đâu đến nỗi khổ sở như vậy? Mọi người trong nhà ai cũng được no ấm sung sướng, riêng chị bị đầy đọa nơi gian khổ? Về sau mẹ cho biết, bà rất muốn cho chị học đại học, vả lại đó cũng là nguyện vọng và ước mơ của chị. Nhưng học phí đại học rất cao, trong nhà nuôi các đồng chí cách mạng... Như vậy, việc cho chị đi học có khó khăn về kinh tế.

"Thế mà con cứ tưởng thầy mẹ giầu lắm, cho nên nuôi nhiều người như vậy".

Mẹ tôi cười: "Chỉ có mỗi tiền lương của thầy thôi, làm sao mà giầu được?".

Có lần, tôi thắc mắc: "Sao các chú không đi làm việc kiếm tiền đi? Sao các chú ở nhà mình đông và ở lâu thế?".

Bà cười: "Con còn nhỏ dại, chưa hiểu gì con ạ. Cấm con không được nói lung tung như vừa rồi với các chú nhé, kẻo các chú buồn... hiểu lầm thầy mẹ. Đi làm phải có trình độ nghề nghiệp. Trong các chú, chỉ có mỗi chú Lý Quang Hoa được thầy con xin được việc đi làm thôi, bởi vì chú rành chữ Hán hơn, viết chữ Nho rất đẹp. Chú ấy chỉ làm mỗi việc là sao chép công văn, báo cáo thôi. Chú chưa được học trường quân sự, cho nên lương tháng của chú có được mỗi 30 đồng thôi...".

"Thế chú có đưa tiền ăn cho mẹ không?"

"Có chứ, chú hiểu thầy mẹ có khó khăn, cho nên mỗi tháng đưa mẹ 20 đồng, 10 đồng để chi tiêu các thứ lặt vặt. Chú Trụ đen làm nghề cắt tóc, mỗi tháng đưa mẹ năm, ba đồng".

Tò mò, tôi hỏi mẹ, cha tôi hàng tháng đưa bà bao nhiêu tiền. Bà trả lời:

"Hàng tháng thầy con đưa 220 đồng, chỉ giữ 20 đồng để ăn sáng, ngày bốn lần ngồi xe kéo từ nhà đến cơ quan và về nhà, còn ít tiền thầy con hút thuốc lá...".

Bà lại nói tiếp: "Thật ra thầy con sống rất tằn tiện. Khi nào có những việc "thù tạc" (mời bạn bè đi ăn uống hay chơi mà chược) mẹ phải đưa thêm vài ba chục. Nhưng có khi những bài thầy viết được đăng, hay làm công việc gì ở cơ quan có tiền thưởng, thầy lại đưa mẹ vì biết nhà mình cần tiền nuôi các chú mà...".

"Số tiền đó khoảng bao nhiêu hả mẹ".

"Cũng không chừng, khi thì dăm ba chục, khi thì vài trăm. Những khi đó, mẹ vẫn giữ lại ít tiền cho thầy con tiêu thêm khi cần thiết".

Mẹ giải thích thêm: "Các chú cũng chẳng muốn ăn bám nhà mình đâu, con ạ, vì cứu nước, các chú phải sang Trung Quốc...".

Thật ra các lý lẽ chính trị tôi không hiểu gì, do lối sống và những câu chuyện bàn về thời cuộc trong bữa ăn cơm tối (bữa trưa cha tôi vẫn giữ nếp ăn vội vài bát rồi lên nhà nghỉ để chiều đi làm) dần dần một cái gì đó hình thành ở trong tôi, tuy mọi thứ đó còn lờ mờ, nhưng nó khiến tôi nhạy cảm hơn và có ý thức giữ kín lối sống trong gia đình và vô hình trung để ý các câu chuyện mang tính chất chính trị (khi đó tôi khoảng năm tuổi rưỡi, sáu tuổi gì đó, nghĩa là từ đầu 1936 trở đi).

Trong nhà đông miệng ăn, mình mẹ tôi không làm xuể, một số chú như Đức, Giai, Lộc, Thược, Văn giúp mẹ tôi làm cơm, dọn bàn, bổ củi, rửa bát v.v... các việc vặt trong gia đình.

Bỗng có những hôm, trong nhà xuất hiện nhiều người, trong đó có một chú rất hiền hòa, hay xoa đầu và hỏi han tôi, đó là chú Liễu (sau này là Phùng Chí Kiên). Có chú cao to, giọng nói ồm ồm, tiếng cười sảng khoái, đó là chú Trịnh Đông Hải (Vũ Anh v.v... Những hôm đó cha tôi cùng các chú họp hành bàn điều gì đó ở phòng trong của tầng một. Nét mặt mọi người trang nghiêm, nói năng nhỏ nhẹ, kẻ ra người vào. Mẹ tôi cùng các chú Thược, Đức, Giai, Lộc và Văn lo lau dọn, chợ búa và cơm nước.

Trong số những người đến nhà tôi, có một nhân vật rất ngộ nghĩnh, mẹ tôi bảo: "Con chào bác Nguyễn Hải Thần đi con!". Nghĩa là ông ấy với cha tôi xấp xỉ tuổi nhau (sau này tôi mới biết ông là người cùng xuất dương Đông du như cha tôi). Ông có bộ râu dê hoa râm, thưa thớt, đôi mắt đỏ ngầu đầy dử và luôn nhấp nháy, thỉnh thoảng rút chiếc khăn mùi xoa cáu bẩn lau dử mắt. Tôi không khỏi kêu thầm trong bụng: "Eo ơi, bác ấy lôi thôi và bẩn thỉu quá!". Ngộ nhất khi ông nói tiếng Việt với mọi người hay pha lẫn tiếng Quảng Đông, ví dụ khi tỏ thái độ tán thành ý kiến người ta, ông nói: "Hầy lớ, hầy lơ (phải rồi, phải rồi) tồng pào nhất tịnh tán thành lớ (đồng bào nhất định tán thành lớ!". Mục kỉnh của ông một bên có quai, một bên buộc dây đeo vào tai. Hai mắt kính tụt xuống đầu mũi khi đọc báo, mỗi lần nhìn mặt mọi người, đầu cúi gằm, ngước cặp mắt đỏ đục lên nhìn qua đôi kính. Bộ áo ông mặc cũ kỹ tàn tạ, trùm lên tấm thân hom hem, trông cứ thấy tồi tội làm sao ấy.

Sau này mẹ tôi kể, sau khi Đông du thất bại, Nguyễn Hải Thần về ở Quảng Châu. Vì không có một trình độ nghề nghiệp gì, ông phải ngồi đầu đường xó chợ xem bói cho người qua lại, kiếm sống, song cuộc sống vẫn hết sức chật vật. Ông lấy một bà vợ người Quảng Đông đẻ một lũ con, cho nên gia đình càng túng bấn hơn. "Thầy con viết thư mời ông về Nam Kinh thành lập mặt trận, ông nhiệt tình hưởng ứng ngay".

Khi rỗi rãi, mẹ tôi mang giấy bút ra nhờ Nguyễn Hải Thần viết gì đó. Ông gấp tờ giấy làm nhiều ô vuông, rồi trải phẳng trên bàn. Tay phải cầm bút lông, tay trái bấm từng đốt ngón tay tính tính toán toán, nói lẩm bẩm rồi viết quanh trong các ô vuông, đoạn lấy bút khuyên tròn một số chữ. Tôi tròn mắt nhìn vào tờ giấy đầy chữ. Mẹ hỏi gì đó, ông trả lời: "Hầy lớ, hầy lớ, sao này xấu lắm lớ... sao này thì tốt...". Về sau tôi mới biết ông lấy số tử vi, mẹ tôi nói: "Ông lấy số tử vi giỏi, nhưng luận đoán không giỏi". Nghe thế thì biết thế, tôi không thể hiểu được tử vi là gì, và mẹ lấy cho ai, để làm gì. Vì cha tôi ban ngày phải đi làm việc ở cơ quan, tối đến mới họp nhau bàn công việc. Vậy là ban ngày, mẹ tôi ngồi cạnh xem ông lấy số tử vi, tôi cảm thấy ông dáng vẻ hết sức ngộ nghĩnh, giống các ông thầy bói ngoài đường, ngoài chợ thật. Để tỏ lòng kính trọng, các chú gọi ông là cụ Nguyễn[1].

Một buổi sáng, cha tôi, ông Nguyễn Hải Thần và các chú kéo nhau đi mãi đến trưa mới về. Về đến nhà, các chú bàn tán vui vẻ sôi nổi. Các chú Đức, Giai, Lộc v.v... giúp mẹ tôi làm cơm. Bày các món ăn rất thịnh soạn lên một bàn tròn ở phòng ăn, một bàn vuông ở phòng trong (vì đông người quá phải bày hai bàn). Còn tôi ngồi riêng một góc. Ông Nguyễn Hải Thần ngồi cạnh cha tôi, với chú Liễu (Phùng Chí Kiên), chú Cao (Cao Hồng Lĩnh), Hoa (Lý Quang Hoa), Tân Dân (Lê Thiết Hùng) v.v... quanh bàn tròn. Buổi cơm trưa mọi người được ăn cua biển. Tôi lần đầu tiên và cũng là cuối cùng được ăn cua biển ở Trung Quốc. Khoảng bảy, tám giờ tối, mọi người vào ngồi ở phòng trong, các bàn bày la liệt kẹo bánh. Trẻ con thích kẹo bánh, cho nên tối hôm đó tôi được ăn thỏa thích. Chị tôi và một bạn gái biểu diễn hát múa, các chú vỗ tay hoan nghênh sôi nổi.

Tối hôm đó, cảm thấy "vui ơi là vui" tôi buột mồm đánh một câu: "Giá như hôm nào cũng khai hội (họp) như thế thì vui biết mấy". Bỗng mọi người phá lên cười to. Mặt tôi nóng ran, xị xuống và nghĩ thầm: "Mình nói đúng quá chứ lỵ, người lớn chúa hay cười trẻ con, thật là vô lý!...". Sau đó các chú nói chuyện râm ran, mắt tôi díp lại, mẹ bế tôi lên gác ngủ.

Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy nhà vắng vẻ như cũ, chỉ mỗi ông Nguyễn Hải Thần ở lại nhà một thời gian khoảng vài ba tuần rồi trở về Quảng Đông. Đó là khoảng cuối năm 1935, đầu năm 1936.

Mãi về sau tôi mới biết đó là đầu năm 1936, ngày thành lập "Việt Nam độc lập vận động đồng minh hội", theo thói quen gọi tắt của Trung Quốc gọi là "Việt Minh", nghĩa đen là Hội đồng minh của phong trào độc lập Việt Nam. Mẹ tôi kể:

"Vì cha con thấy các chú ở nhà đông như vậy mà không có danh nghĩa gì dễ gây nghi ngờ là cộng sản, chú Lê Tân Dân (tức chú Quốc Vọng) rất ủng hộ, vì chú thấy bọn Quốc dân đảng Việt Nam hoạt động có sừng có mỏ, lại được bọn Quốc dân đảng Trung Quốc hiệp trợ, chú ngại ảnh hưởng của chúng. Chú trao đổi với chú Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên, đại diện của Đảng) và được chú Liễu ủng hộ. Thầy con viết đơn đề nghị với chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc cho phép thành lập hội, mặt khác gọi điện trình bày nguyện vọng thành lập hội với Tưởng Giới Thạch. Tưởng tin thầy con không phải là cộng sản, xét về lâu dài ông ta có thể lợi dụng thầy con với danh nghĩa giúp Việt Nam đánh Pháp, do đó ông ta đồng ý ngay, ra lệnh cấp dưới ký và đóng dấu chuẩn y cho thầy con thành lập hội. Và thầy con cùng chú Lý Quang Hoa, chú Hải (Phi Vân), soạn thảo ra tuyên ngôn, điều lệ hội... đăng trên tờ báo ra hàng tháng, lấy tên là "Việt Thanh". Tất cả mọi chi phí đều do thầy mẹ chi. Lúc đầu hy vọng phía chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc sẽ giúp đỡ kinh phí hoạt động. Nhưng bọn Vi Đăng Tường[2]dèm pha với chính phủ Trung Quốc, cho nên tờ báo ra được hai kỳ tháng 1 và tháng 2 năm 1936 thì đành phải đình bản...".

"Ai đọc những báo đó?"

"Các chú gửi đi cho Việt kiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, cả ở Pháp nữa. Việt kiều gửi tiền ủng hộ hội, nhưng Việt kiều ở Trung Quốc cũng nghèo, số tiền chẳng đáng kể, nhưng đường lối chủ trương của Hội được Việt kiều ủng hộ, con ạ".

"Cuối cùng hội như thế nào? Hoạt động được những gì?"

Mẹ tôi cười, trả lời:

"Cơ quan ngôn luận "Việt Thanh" phải đình bản, do đó hội không hoạt động được. Thầy con và anh Tân Dân bàn với nhau cứ để thế, không tuyên bố giải tán, để các chú ở trong nhà mình có danh nghĩa hội viên "Việt Minh"

"Thế ông Nguyễn Hải Thần không làm gì cho hội ư?"

Mẹ khẽ cười nói: "Lúc đầu ông phấn khởi lắm, ông nói với thầy con nếu hội hoạt động tốt, ông sẽ bỏ nghề thầy bói, ở lại Nam Kinh làm việc cho hội. Ông cũng chạy đôn đáo nhiều nơi xin kinh phí, nhưng không có hiệu quả gì, do đó ông ở nhà mình gần một tháng, cuối cùng phải bỏ về Quảng Đông với vợ con... Ông cũng sang Nhật cùng thầy con thời Đông Du. Sau khi có lệnh trục xuất lưu học sinh, một số người nản chí bỏ về nước, một số người vào học trường sĩ quan lục quân Bảo Định như thầy con. Nguyễn Hải Thần không học hành gì cả, bỏ về kiếm sống ở Quảng Đông. Lớp người học trường sĩ quan ra cũng mỗi người một số phận. Có người sau khi tốt nghiệp tìm đường về nước rồi bị giết hại, người thì ốm chết, v.v... Thực ra, việc thành lập hội Việt Minh cũng rất phức tạp. Lúc đầu các chú không đồng ý mời Nguyễn Hải Thần và Vi Đăng Tường (Quốc dân đảng Việt Nam) tham gia Việt Minh. Thầy con phân tích và thuyết phục mãi, rằng: "Tên hội thể hiện tinh thần liên minh các đảng phái trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nếu mình không mời họ vào, sẽ gây sự nghi ngờ đối với chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa chúng ta nên có tư tưởng đoàn kết rộng rãi và tranh thủ hết sức mọi tầng lớp, các đảng phái, không thì cách mạng khó thành công...". "Các chú nói sao hở mẹ?", "Các chú đành chấp nhận ý kiến thầy, nhưng thâm tâm không phục. Các chú cho rằng thầy con chính trị non, thiếu quan điểm lập trường...".

"Thầy con nghĩ sao?"

"Tất nhiên đó là những ý kiến nói sau lưng... Mẹ kể lại, thầy con cười bảo: "Tính khí thanh niên bao giờ cũng sôi nổi, hăng hái (ông dùng chữ "cương cường") và thẳng thắn. Nhưng họ là những thanh niên tốt, thật lòng vì sự nghiệp cứu nước. Cách mạng phải dựa vào lực lượng này. Bà chớ có tự ái vặt, đừng chấp nhặt những câu nói của thanh niên... nhưng bà hay nóng tính, phải sửa tính đi. Vợ chồng mình xuất dương để tìm đường cứu nước, vậy mà chưa làm được gì thì đã già rồi. Nay anh em ở trong nhà, bà đừng nói linh tinh để anh em hiểu lầm. Bà phải coi nuôi các anh em là một nghĩa vụ của mình, bà ạ. Người thì chờ dịp đi học Liên Xô, người thì chờ dịp về nước hoạt động. Họ cũng sốt ruột và khổ tâm lắm đấy. Nếu gặp thời cơ, họ sẽ đi hết, bà có mời, họ cũng không ở lại nhà mình đâu...".

Nhưng tôi lờ mờ cảm thấy các chú chỉ quý cha tôi thôi.

 

*

*    *

 

Về sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh với tiến trình  thành lập "Việt Nam độc lập vận động đồng minh hội" (gọi tắt là Việt Minh) năm 1936 tại Nam Kinh, xin trích dẫn hồi ký "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ" của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (Đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự số 10-1986).

"...Cũng trong thời gian này, tôi được đồng chí Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên) thay mặt Ban lãnh đạo hải ngoại gặp tôi giao cho một nhiệm vụ đột xuất là theo dõi Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng cũ vừa từ Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) lên Nam Kinh, xem họ có âm mưu gì thì phải kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Anh nói, giọng không vui: - Người mình với người mình, trên đất nước người. Cố gắng lôi kéo, phân hóa, cảm hóa họ, chí ít cũng vô hiệu hóa. Anh dặn tiếp: Việc này rất cần đến sự đồng tình nhất trí ủng hộ của ông Hồ Học Lãm...

Vừa lúc ông Hồ Học Lãm đưa cho tôi một lá thư của một người Việt Nam đến Nam Kinh bị bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch bắt giữ, nhờ ông Hồ Học Lãm bảo lãnh. Xem thư thì hóa ra đồng chí Đông A, người của tổ chức ta phái đến cộng tác với tôi. Ngoài đồng chí Đông A, tổ chức còn phái thêm một vài đồng chí khác nữa.

Qua tìm hiểu, tôi càng rõ Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... là một bọn đầu cơ chính trị, giả danh cách mạng. Chúng đã phản lại đường lối của Việt Nam Quốc dân đảng hồi còn các lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu... hệt như Tưởng Giới Thạch đã phản lại đường lối Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn.

Sau cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng tháng 2 năm 1930 bị thất bại, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và đồng bọn chạy trốn sang Côn Minh, làm những việc xằng bậy. Gần đây, chúng bị tướng Long Vân, tỉnh trưởng Vân Nam trục xuất, bèn chạy lên Nam Kinh, định lôi kéo Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công... khôi phục lại Việt Nam Quốc dân đảng, theo đường lối Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên. Và tất nhiên để cầu xin sự giúp đỡ của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Trong đội ngũ Quốc dân đảng Trung Hoa lúc đó, không thiếu gì kẻ đang ôm ấp một ý đồ thâm hiểm sau này đối với đất nước Việt Nam.”

Lê Thiết Hùng viết tiếp về quá trình thành lập Việt Minh như sau. Chủ trương của tổ chức Đảng đứng đầu là đồng chí Phùng Chí Kiên là đoàn kết các lực lượng cách mạng, tiến bộ của Việt Nam tại Trung Hoa chống đế quốc Pháp, quân phiệt Nhật, đồng thời ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Lấy đội ngũ đảng viên cộng sản Đông Dương làm nòng cốt, đã chủ trương vận động một số nhân sĩ Việt Nam, bà con Việt kiều, tranh thủ sự ủng hộ của một số nhân sĩ Trung Quốc để việc thành lập Mặt trận, với hạt nhân đoàn kết là ông Hồ Học Lãm. Đại hội thành lập Mặt trận có đông đủ đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc, đại diện của Trung ương Quốc dân đảng Trung Hoa, của đương cục Trung Quốc, ông Hồ Học Lãm được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Lê Thiết Hùng và Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ (hai tên này cũng buộc phải tham gia) và một vài đảng viên cộng sản bí mật được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành. Về tài chính, đương cục Trung Quốc nhận mỗi tháng giúp vài trăm đồng. Mặt trận quyết định ra một tờ báo hàng tháng, lấy tên là Việt Thanh.

Ông Lê Thiết Hùng viết tiếp:

“Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng ta đánh giá cao việc này. Một công hai việc: vừa hợp pháp hóa được tổ chức cách mạng của ta với đương cục Trung Quốc và ngăn chặn được âm mưu phản cách mạng của bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ...

Do báo chí công khai ở Nam Ninh có đăng tin về việc này nên ở Mạc Tư Khoa, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nắm được.Và Quốc tế cộng sản cũng biết qua tin tức. Lúc đó là những năm 1935 - 1936. Trước nguy cơ chiến tranh thế giới của bọn đế quốc, Quốc tế cộng sản đã có chủ trương thành lập một mặt trận chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình rộng rãi ở khắp các nước. Việt Nam đã tổ chức được một Mặt trận. Phải chăng theo phương hướng nói trên? Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau khi đã được báo cáo đầy đủ liền chỉ thị cho Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng ta: Mặt trận là phải có cơ sở phong trào ở trong nước. Do đó Mặt trận không thể tồn tại và phát triển được ở ngoài nước.

Chấp hành chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của ban lãnh đạo hải ngoại, tôi về báo cáo lại với ông Hồ Học Lãm. Hai bác cháu đều nhất trí: Không tuyên bố giải tán nó, nhưng cũng không hoạt động gì thêm nữa, cứ để nó đấy, sau này lúc nào cần sẽ dựng nó dậy.”

Đầu những năm 1940, khi anh Lê Tân Dân từ Lão Hà Khẩu chuyển về Liễu Châu để tiện cho công tác với hội Việt Minh, cha tôi có viết thư về nhà cho mẹ con tôi biết. Theo hồi ký của anh Thiết Hùng, việc này là do Bác Hồ yêu cầu cha tôi sắp xếp khi hai người bí mật gặp nhau cuối năm 1939.

Trong Chương III và chương IV của Hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể về những giao dịch của các anh Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam, Trịnh Đông Hải, Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh, Lý Quang Hoa … với chủ nhiệm tây nam hành dinh của Quốc dân đảng, tướng Lý Tế Thâm. Về việc này, cha tôi có nói rằng Lý Tế Thâm đã dặn đi dặn lại rằng “chớ có để Cộng sản Việt Nam ở Trung Hoa lợi dụng dịp này để về nước hoạt động”.

Dương Kế Vinh là trùm đặc vụ thân tín của Tưởng Giới Thạch được xếp đặt ở hành dinh của Lý Tế Thâm để ngầm giám sát Lý.

Theo các nhà cách mạng tiền bối kể lại, một hôm, Dương Kế Vinh đến thăm cha tôi ở bệnh viện. Ông ta nói với cha tôi rằng nhóm thanh niên trong Việt Minh chính là cộng sản.  Cha tôi đáp: “Với cách mạng Việt Nam, các ông chưa giúp được gì, nhưng về phần riêng như cá nhân ông chẳng hạn, thì đã nhờ cách mạng Việt Nam mà phát tài hàng triệu. Ông muốn đám thanh niên trẻ của chúng tôi làm tình báo cho mình thì không được đâu, họ là những người cách mạng. Vì ông lôi kéo không được, nên vu cho họ là cộng sản chứ gì? Nếu ông nói họ là cộng sản thì ông hãy tìm cho được chứng cớ, tôi sẽ lấy cái đầu của tôi đảm bảo cho họ”. Sau đó, Dương Kế Vinh không gặp cha tôi nữa. Ông ta còn nói cha tôi cậy nhiều tuổi để nói át ông ta.

 

*

*    *

 

Vai trò tác dụng của Mặt trận Việt Minh trong tiến trình vận động cách mạng những năm đầu thập kỷ 40 ở hải ngoại đã được các lão thành cách mạng như Vũ Anh, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lãnh, Đặng Văn Cáp phản ảnh trong tuyển tập Hồi ký “Đầu nguồn”, NXB Văn Học, 1977.

Ông Vũ Anh (Trịnh Đông Hải) viết về vai trò của Việt

Nam độc lập đồng minh hộithời kỳ từ giữa năm 1940 như sau[3]:

“(Tháng sáu 1940) Bác Hồ lên đường đi gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Trước khi đi Bác dặn đi, dặn lại chúng tôi ở nhà phải chuẩn bị mọi mặt để Bác về có thể lên đường về nước ngay..

Bác đi được hơn một tuần thì ở nhà chúng tôi nhận được thư cụ Hồ Học Lãm. Lúc bấy giờ cụ đã già, về hưu. Vì chiến tranh nên cụ nghỉ dưỡng lão tại Quý Châu, thủ phủ Quý Dương. Cụ cho chúng tôi biết hiện nay bọn đệ tứ chiến khu định đưa Trương Bội Công (trước làm quan cho Tưởng đã về hưu) ra thành lập một tổ chức cách mạng (chưa rõ danh nghĩa gì) nhằm tập hợp số thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc và những người Trung Quốc lâu năm ở Việt Nam chuẩn bị cho “Hoa quân nhập Việt”. Theo cụ Lãm, Trương Bội Công xưa nay không có tinh thần cách mạng, và cũng chưa tham gia một tổ chức cách mạng nào. Ông ta chỉ dựa vào thế lực của bọn Tưởng để mưu đồ cá nhân. Trương Bội Công có trình bày ý đồ của y cho cụ Lãm và tỏ ý muốn mời cụ tham gia nhằm lợi dụng danh nghĩa của cụ để lôi kéo thanh niên ta. Cụ Lãm bàn với chúng tôi nên nhanh chóng thu xếp lên gặp Trương Bội Công, nếu có thể thì gia nhập tổ chức này để kiếm đường về nước dễ dàng hơn. Cụ báo cho chúng tôi biết cụ cũng sẽ nhận lời Trương Bội Công mà tham gia tổ chức của y với mục đích phá cho được ý đồ đen tối của chúng, không để chúng làm bậy mang tiếng xấu cho cách mạng Việt Nam. Chúng tôi lại họp bộ Hải ngoại ở nhà anh Kiên (Phùng Chí Kiên) để thảo luận. Cả ba đều nhất trí là nên lợi dụng tổ chức của Trương Bội Công để tìm đường về nước. Nhưng sẽ đi làm nhiều đợt. Đợt đầu đi ba người, lên gặp Trương Bội Công trước, xem xét tình hình rồi tìm cách báo cáo lại cho ở nhà biết … Chúng tôi bàn luận vừa xong thì Bác về.

Mỗi lần có biến cố gì mới, có Bác là chúng tôi yên tâm. Sau khi nghe báo cáo lại toàn bộ tình hình, Bác đồng ý với chúng tôi và đề nghị đánh điện cho anh Đồng, anh Giáp và anh Lãnh đừng đi Diên An nữa mà ở lại Quý Châu, chờ chúng tôi lên bàn công tác.

Chúng tôi đi ô tô hai ngày đến Quý Dương. Anh Đồng, anh Giáp và anh Lãnh chờ chúng tôi ở đấy. Chúng tôi báo cáo lại ý kiến của Bác cho các anh nghe rồi rủ nhau về Liễu Châu. Khi chúng tôi đến chỗ Trương Bội Công thì đã thấy cụ Lãm ở đó. Chúng tôi ở lại dò xét Trương Bội Công một thời gian và phát hiện tên này chỉ là một gián điệp của Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi vội gửi thư về báo cáo với Bác.

Ba hôm sau, Bác tới Liễu Châu. Tôi đón Bác ở khách sạn Liễu Châu. Bác hẹn ngày, hẹn địa điểm mời tất cả các anh đến gặp Bác.

Cuộc gặp mặt được tiến hành sau đó một hôm, tại rừng thông Liễu Châu. Tất cả đều thống nhất là phải sớm cắt đứt quan hệ với Trương Bội Công.

Bác đặt ra cho chúng tôi hai vấn đề thảo luận.

  • Ta tách rời tổ chức của Trương Bội Công lên Quế

Lâm thì phải nhân danh một tổ chức gì cho hợp pháp với bọn Tưởng.

  • Phải kiếm cách về nước, càng sớm càng tốt.

Hai vấn đề này đều khó như nhau, cùng phức tạp, cấp

bách như nhau. Nó như hai con toán rắc rối làm đầu óc chúng tôi căng thẳng.

Sau một hồi thảo luận sôi nổi, một tia sáng mới đã loé

lên trong đầu óc chúng tôi.

Anh Hoan báo cáo với Bác về Việt Nam độc lập đồng

minh hội. Hội này thành lập từ tháng Giêng năm 1936, do cụ Hồ Học Lãm đứng đầu. Thành viên chính lúc bấy giờ có anh Hoan, anh Lê Thiết Hùng … Về phía Quốc Dân Đảng có Nghiêm Kế Tổ và một số người khác nữa. Hội xuất bản tờ báo Việt Thanh, sinh hoạt tại Nam Kinh. Khi thành lập có báo cáo lên nhà đương cục Tưởng Giới Thạch. Giấy tờ vẫn còn nhưng Hội cứ tan dần. Anh Hoan đề nghị làm một tờ trình, cụ Lãm ký rồi mang lên Đệ tứ chiến khu.

Bác đồng ý và thêm:

  • Ta có thể lợi dụng tổ chức này. Nhưng phải nói

như thế nào để chúng không bắt bẻ được ta. Tôi đề nghị chúng ta báo lên Điện Công sảnh là tháng Giêng năm 1936 ta có thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội. Hội này hoạt động một thời gian rồi về nước hoạt động. Bây giờ trong nước lại phái một số cán bộ ra để lập một bộ phận của Hội, gọi là Việt Nam độc lập đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ. Chúng ta cử cụ Lãm làm chủ nhiệm và đồng chí Lâm Bá Kiệt[4]làm phó chủ nhiệm.

Ngừng một lúc, Bác nói thêm:

  • Làm như thế không những chúng ta hợp pháp

hoá được tổ chức của chúng ta ở đây, mà vấn đề quan trọng hơn là chúng ta còn có thể ở đây lâu dài, làm nhiều việc khác, giữ mối quan hệ giữa ta với Trung Quốc, nhất là với Đệ tứ chiến khu đề phòng việc “Hoa quân nhập Việt”. Làm thế nào để khi chúng “nhập Việt”, chúng ta đã ở ngay trong nước, và, với danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh hội, chúng ta có thể đường hoàng buộc chúng phải nói chuyện với chúng ta.

Sau khi Việt Nam độc lập đồng minh hộiHải ngoại

biện sự xứđược thành lập, Bác đồng ý cho chúng tôi tổ chức một buổi nói chuyện để gây thanh thế với Đệ tứ chiến khu.

Buổi nói chuyện được tổ chức trong một trường học lớn ở Quế Lâm, có 4 cửa đi vào. Mỗi cửa kê một chiếc bàn lớn. Ai vào nghe thì ký vào tờ giấy ấy. Hôm ấy anh Đồng nói bằng tiếng Pháp, anh Giáp nói bằng tiếng Trung Quốc. Người đến nghe rất đông, nhưng rất trật tự, nề nếp …”

 

 


[1]Những năm 1912 – 1915, dưới sựlãnh đạo của Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần có tham gia một sốhoạt động vũtrang đánh Pháp. Đây là những vụviệc manh động, dẫn đến thất bại. Tuy nhiên nhờđó mà Nguyễn Hải Thần vẫn gây được uy tín nhất định trong người Việt ởhải ngoại.

[2]Lúc đó là đại diện (phụtrách) Biện sựsứcủa Việt Nam quốc dân đảng ởNam Kinh.

[3]Hồi ký “Đầu nguồn”, NXB Văn Học, 1977, tr. 246 - 249

[4]Tức ông Phạm Văn Đồng. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441684

Hôm nay

284

Hôm qua

2317

Tuần này

21588

Tháng này

216858

Tháng qua

112676

Tất cả

114441684