Người xứ Nghệ
Họa sĩ Lê Huy Tiếp và những món quà đặc biệt giành cho quê hương Nghệ An
Họa sĩ Lê Huy Tiếp trao tặng thiết kế logo cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Những người yêu hội họa Việt Nam chắc hẳn không ai không biết tới họa sĩ Lê Huy Tiếp - người tiên phong của thế hệ họa sĩ thứ ba trong nền mỹ thuật hiện đại nước nhà. Tranh của ông để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem với gam màu tươi sáng và đặc biệt là bằng bút pháp hiện thực lãng mạn nhưng giàu tính triết lý nhân sinh. Tuy nhiên, không nhiều người biết ông được sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước và cách mạng nổi tiếng trên quê hương xứ Nghệ, chính vì vậy dù xa quê nhưng trong tâm hồn họa sĩ chất Nghệ vẫn thấm đẫm và ông luôn nặng lòng với quê hương.
Trong những ngày mùa thu tháng 9/2023, tôi may mắn được trò chuyện với họa sĩ Lê Huy Tiếp trong chương trình gặp mặt thân nhân gia đình các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Vẫn dáng vẻ giản dị, giọng nói ấm áp mang chất Nghệ, trong mỗi câu chuyện họa sĩ kể luôn thấy được nỗi lòng thiết tha của một người con xa quê.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp sinh năm 1950, quê ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Là cháu của họa sĩ Lê Văn Miến (gọi Lê Văn Miến bằng ông trẻ) - vị họa sĩ Tây học đầu tiên, người được coi là mở đầu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Lê Huy Tiếp là con trai duy nhất của hai chiến sĩ cộng sản Lê Huy Điệp và Nguyễn Thị Thiu và là cháu của đồng chí Nguyễn Thị Xân - nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ông Lê Huy Điệp là Đảng viên năm 1930, nguyên Bí thư Huyện ủy khóa đầu tiên của Đảng bộ huyện Nghi Lộc năm 1947; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An (năm 1948); Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, lần lượt phụ trách các công tác: Trực Đảng, Tuyên huấn, Tổ chức và Phó Hội trưởng Liên Việt tỉnh Nghệ An (năm 1954-1957); Trưởng ban Tôn giáo vận kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An (từ năm 1961 đến 1969).
Bà Nguyễn Thị Thiu là đảng viên năm 1930, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên khu IV năm 1946; Hội trưởng HLPN tỉnh Nghệ An (1954 đến 1965); Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An; Đại biểu Quốc hội khóa II...
Họa sĩ Lê Huy Tiếp là kết tinh tình yêu giữa hai người chiến sĩ cộng sản, một mối tình “thủy chung hiếm thấy”. Theo lời kể của họa sĩ Lê Huy Tiếp thì sau một thời gian hoạt động cùng nhau, ông Lê Huy Điệp đã thầm yêu bà Nguyễn Thị Thiu dù biết bà hơn tuổi. Biết mình đang hoạt động cách mạng, phải đối diện với hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng nên bà Nguyễn Thị Thiu từ chối, nhưng ông Lê Huy Điệp vẫn một lòng chờ đợi.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, hai người chiến sĩ mới gặp lại nhau. Lúc này, ông Lê Huy Điệp đã là Thường vụ Tỉnh ủy, cán bộ cấp trên của bà Nguyễn Thị Thiu và điều ngạc nhiên nhất là ông vẫn chờ đợi bà suốt hơn 10 năm hoạt động. Một lần nữa, ông Lê Huy Điệp báo cáo tổ chức và ngỏ lời cầu hôn bà Nguyễn Thị Thiu, nhưng sợ những đòn roi tra tấn đã làm mình mất khả năng làm mẹ nên bà lại lần thứ hai chối từ. Nhưng tình yêu chân thành của ông Điệp cùng với sự thuyết phục của các đồng chí trong tổ chức đã lay động trái tim bà Nguyễn Thị Thiu. Đám cưới của 2 người được tổ chức (năm 1948) trong niềm vui của anh em, bạn bè, đồng chí và được đăng trên tờ báo tỉnh nhà.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp chào đời sau ngày cưới hai năm, khi bà Nguyễn Thị Thiu đã ngoài 40 tuổi. Từ nhỏ Lê Huy Tiếp đã tự học vẽ, yêu thích toán, lý, hóa. Năm 12 tuổi, Lê Huy Tiếp bị đau đầu khi học khoa học tự nhiên và hai năm sau thị lực mắt phải chỉ còn 1/10. Với định hướng và sự động viên của bố, năm 1965, chàng trai xứ Nghệ mới 15 tuổi nhưng với niềm đam mê hội họa cháy bỏng đã liều mình đạp xe hơn 300 cây số từ Nghệ An ra Hà Nội để trị bệnh và theo đuổi giấc mơ hội họa trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh. Trận bom Mỹ dọc đường khiến cậu bé 15 tuổi chết hụt, hôn mê 3 ngày và làm mờ đi một phần trí nhớ nhưng khát khao được làm họa sĩ vẫn rực cháy trong tâm hồn Lê Huy Tiếp.
Năm 1966, Lê Huy Tiếp thi đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1969, ông được cử đi học tiếp tại Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Matxcơva ở Liên Xô (cũ). Năm 1975, ông tốt nghiệp về làm Phó Chủ nhiệm Khoa Đồ họa và Khoa Mỹ thuật môi trường tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho đến tận năm 2002. Ngoài sự nghiệp giáo dục tại nhiều trường, ông còn tham gia rất nhiều năm trong Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ và Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa và hiện nay đang là Ủy viên Hội đồng Đồ họa. Với những đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, họa sĩ Lê Huy Tiếp được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin; Giải thưởng Nhà nước về Hội họa. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Văn học Nghệ thuật với 04 tác phẩm gồm: "Chiến tranh" (sơn dầu - 1987), "Đợi" (sơn dầu - 1977), "Eva trở về" (sơn dầu - 1997) và bộ tranh in độc bản "Môi trường biển" (2001).
Tác phẩm "Eva trở về" (sơn dầu - 1997)
Tính đến nay, ngoài những tác phẩm của họa sĩ được Viện Bảo tàng Mỹ thuật mua như “Chiến tranh” và “Miền Trung”, thì một số tác phẩm quan trọng nhất, kể cả những bức có tên nằm trong số tranh mà họa sĩ được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 đều nằm trong tay các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế sở hữu.
Dù không học tập và làm việc tại quê hương nhưng với những năm tháng tuổi thơ gắn bó với quê nhà, tình cảm đối với quê hương trong ông vẫn rất sâu đậm. Có ba món quà đặc biệt, họa sĩ đã giành tặng cho quê hương thể hiện tình cảm, sự quan tâm đối mảnh đất chôn rau rốn của mình.
Theo nguyện vọng của bố mẹ, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã tặng Bức tranh gốm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tỉnh ủy Nghệ An. Hiện nay, bức tranh đặc biệt này đang được treo trang trọng tại Hội trường Tỉnh ủy.
Năm 1985, khi đang theo học chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Matxcơva, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã sáng tác bức tranh vẽ trên gốm “Bác Hồ trước bản đồ” thể hiện sự trăn trở suy nghĩ của Bác về kế hoạch xây dựng đất nước. Tranh có kích thước 165 x112,5cm, gồm có 88 viên gốm. Đặc biệt, để ra được màu sắc trong bức tranh, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã nung gốm 3 lần từ 800 đến 12000. Việc vận chuyển bức tranh về nước cũng không hề đơn giản, tác giả đã cẩn thận bọc kỹ từng viên gốm để không vỡ. Sau khi đưa về Việt Nam, bức tranh này đã được Tổng cục Đường sắt hỏi mua để treo ở ga Hà Nội.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp trước bức tranh “Bác Hồ trước bản đồ” tặng Tỉnh ủy Nghệ An năm 2000
Năm 1990, hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội gồm Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Võ Thúc Đồng đã đến thăm gia đình lão thành cách mạng Lê Huy Điệp và Nguyễn Thị Thiu. Bố mẹ họa sĩ đã có nguyện vọng tặng lại bức tranh của con trai cho Tỉnh ủy Nghệ An - nơi hai cụ đã công tác. Họa sĩ Lê Huy Tiếp rất vui khi thực hiện nguyện vọng đó. Hội đồng hương có nhã ý làm một khung thật đẹp bằng gỗ mít chạm trổ tinh xảo và được sơn son thếp vàng để họa sĩ Lê Huy Tiếp đặt tranh lên để tặng cho Tỉnh ủy Nghệ An.
Đầu năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Lê Huy Tiếp và Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã trực tiếp trao tặng lại bức tranh “Bác Hồ trước bản đồ” cho Tỉnh ủy Nghệ An với tình cảm trân trọng. Buổi lễ trao tặng có sự hiện diện của Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Võ Thúc Đồng, Thiếu tướng Lê Nam Thắng và lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An.
Năm 2022, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã trao tặng hai kỷ vật là Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của mẹ và dì là bà Nguyễn Thị Thiu và Nguyễn Thị Xân cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh bảo quản, phát huy giá trị.
Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/2023), họa sĩ lại trở về quê hương và trao tặng thiết kế logo cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi đang lưu giữ hàng ngàn tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ trong phong trào cách mạng 1930-1931 trên quê hương xứ Nghệ. Đó là những món quà vô giá mà họa sĩ nổi tiếng Lê Huy Tiếp tặng lại cho quê hương Nghệ An./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)
tin tức liên quan
Videos
Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Toni Morrison
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thống kê truy cập
114487757
2171
2337
22111
215069
120271
114487757