Chí sĩ Ngô Đức Kế (1878 - 1929) đỗ tiến sĩ từ khi rất trẻ nhưng đã từ bỏ quan lộ để dấn thân vào sự nghiệp cứu nước. Ông là yếu nhân hàng đầu của phong trào yêu nước, duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX.
Chí sĩ Ngô Đức Kế (1878 - 1929) đỗ tiến sĩ từ khi rất trẻ nhưng đã từ bỏ quan lộ để dấn thân vào sự nghiệp cứu nước. Ông là yếu nhân hàng đầu của phong trào yêu nước, duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX.
Từ bỏ quan lộ
Ngô Đức Kế tên thật là Ngô Bình Viên, hiệu Tập Xuyên, sinh trưởng trong một gia đình trí thức Nho học nối đời khoa bảng ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội là Ngô Phùng (1805-1863), đỗ cử nhân năm 1841, từng giữ chức Toản tu Quốc sử quán. Cha là Ngô Huệ Liên (1840-1912), Tham tri bộ Lễ, sau là Toản tu Quốc sử quán.
Ngô Đức Kế “Tài học trổ từ thuở thiếu niên” (Huỳnh Thúc Kháng), đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu năm Thành Thái thứ 9 (1897) khi vừa 19 tuổi rồi Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu năm Thành Thái thứ 13 (1901), khi 23 tuổi. Hoạn lộ thênh thang nhưng Ngô Đức Kế không màng. Trong lễ vinh quy bái tổ, tháng 5/1901, Ngô Đức Kế đã nói với người thân là chồng của cô ruột mình, tức cha của chí sĩ Võ Liêm Sơn, rằng: “Nước đã mất, cháu không bao giờ ra làm quan cả”. Ở lại quê nhà, mở hiệu thuốc Đông y mời thầy đến bốc thuốc, giao cho em trông nom, còn ông thì lập thư viện, đóng cửa đọc sách, ngẫm về việc nước và bắt đầu kết liên với các chí sĩ đồng chí hướng.
Năm 1903, Ngô Đức Kế cùng những trí thức lớn của xứ Nghệ như Nguyễn Sinh Huy/Sắc, Bùi Xuân Phong, Hoàng Xuân Hành, Đặng Nguyên Cẩn (sau ốm phải nghỉ lại),… ra Bắc hội kiến với các bạn đồng tâm, đồng chí là Lương Căn Can, Võ Hoành, Hoàng Đạo Phương, Ngô Quang Đoan, Bùi Văn Thức, Đặng Xuân Bảng, Hoàng Tăng Phụng, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến … để mưu sự cứu nước.
Năm 1905, trước khi sang Nhật Bản, Phan Bội Châu đã bí mật gặp Đốc học Nghệ An Đặng Nguyên Cẩn. Cụ Đặng nói: “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thì tôi với ông Tập Xuyên (tức Ngô Đức Kế) đảm nhiệm … (Phan Bội Châu. Tự phê phán, Ban NC Văn Sử Địa, 1955, tr.57). Đây là sự khẳng định, đánh giá cao vai trò của Ngô Đức Kế trong phong trào Duy Tân.
Sau đó, năm 1907, ông cùng Ðặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân mở "Triêu Dương thương quán" ở Vinh (Nghệ An), buôn bán hàng nội hóa và các sách tân thư của Đông Kinh Nghĩa Thục và nhằm tạo nguồn tài chính cho phong trào Đông du, Duy tân. Đúng như Nha mật thám Phủ Toàn quyền Đông Dương khẳng định: “Ngô Đức Kế hợp tác với Đặng Nguyên Cẩn, giả danh hoạt động buôn bán nhưng kỳ thực là để gửi ngân quỹ cho Phan Bội Châu”. Mùa thu 1907, người Pháp bắt đầu ra tay đàn áp, "Triêu Dương thương quán" buộc phải đóng cửa.
Cũng trong những năm này, Ngô Đức Kế tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Theo GS Nguyễn Đình Chú, Ngô Đức Kế còn tham gia Ban tu thư và giảng dạy, diễn thuyết ở Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn theo nghiên cứu của Vũ Thế Khôi thì Ngô Đức Kế (có thể) là tác giả của Văn minh tân học sách - Cương lĩnh Giáo dục và học thuật của Đông Kinh nghĩa thục (?).
Ngô Đức Kế kém Phan Bội Châu 11 tuổi, kém Phan Chu Trinh 6 tuổi, nhưng rất được các chí sĩ đàn anh trọng nể. Năm 1904, Phan Chu Trinh ra Bắc vận động duy tân, đã ra Hà Nội lại trở về Hà Tĩnh gặp Ngô Đức Kế đàm đạo tiếp rồi quay lại Hà Nội, gặp các sĩ phu Hà Nội và lên thăm Đề Thám.
Trước sự lớn mạnh của phong trào Duy tân, của Hội Duy tân, của Đông Kinh nghĩa thục, đặc biệt là sau vụ “Hà thành đầu độc”, chính quyền thực dân đã ra tay đàn áp. Tháng 11/1907, Ngô Đức Kế bị bắt, sang năm 1908 thì bị đày ra Côn đảo cùng với 26 chí sĩ yêu nước khác, trong đó có Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá…
“Mài bẻ nghìn muôn, chí khí còn”
Ở Côn Đảo, Ngô Đức Kế luôn phải làm việc khổ sai nặng nhọc ở Sở ruộng, Sở gỗ (đốn cây, cưa gỗ…) nhưng vẫn không hề nhụt chí, sau giờ làm ông vẫn tranh thủ, mày mò tự học tiếng Pháp. Huỳnh Thúc Kháng kể: “Tôi ra đảo có mang theo một quyển Pháp - Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, sau mua thêm được vài cuốn Tập đọc, Ngữ pháp cùng một quyển Lịch sử nước Pháp. Tôi cùng Ngô Đức Kế và vài ba người nữa hàng ngày làm việc xong, trở về khám thì cùng nhau học tiếng Pháp. Chúng tôi học tiếng Pháp bằng con mắt với cái não nên nghe và nói hay sai vận và không được lanh lẹ, song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch biết được đại khái”.
Trong tù nhưng Ngô Đức Kế và các chí sĩ yêu nước vẫn sống ngoan cường, lạc quan. Các ông vẫn làm thơ để bày tỏ nỗi lòng yêu nước, thương dân, nhớ nhà, để động viên lẫn nhau và cổ vũ phong trào. Kỷ niệm ngày ra Côn Đảo, Ngô Đức Kế làm bài tuyệt cú, có câu:
Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn,
Bách chiết thiên ma khí thượng tồn!
Huỳnh Thúc Kháng dịch: Ngày này năm ngoái đến Côn Lôn/Ma chiết trăm chiều khí vẫn còn.
Dựa theo lời kể của các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên bị đày Côn Đảo về sự hy sinh của Đội Cấn và người đồng chí Lương Ngọc Quyến, Ngô Đức Kế viết một tập ký sự bằng thơ chữ Hán là Đề Thái Nguyên thất nhật quang phục ký (Ghi chép về 7 ngày giành lại Thái Nguyên). Tập ký ca ngợi tinh thần hy sinh của nghĩa quân Thái Nguyên và hy vọng ở núi sông nước nhà sẽ đựơc độc lập. Ông còn “Thiên nhiên học hiệu ký” (Ghi chép về trường học thiên nhiên); “Sở am tập” (Tập văn về những điều am tường) và nhiều bài thơ khác.
Khí phách lạc quan kiên cường của ông và Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng đã được Phan Bội Châu ca ngợi trong Văn tế Phan Chu Trinh:
Đặng, Hoàng, Ngô, ba bốn bác hàn huyên, khi uống rượu, khi ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái.
Sống trọn 13 năm ở Côn Đảo, năm 1921, Ngô Đức Kế ra tù và tiếp tục hành trình yêu nước của mình bằng ngòi bút trong tư cách một nhà báo.
Cuối năm 1923, ông nhận lời mời của Hội Trung - Bắc Kỳ Nông Công Thương tương tế làm Chủ bút tạp chí Hữu Thanh ở Hà Nội. Thế là từ một cựu tù nhân Côn Đảo ông trở thành một nhà báo; từ một ông Nghè chữ Hán nay lại cầm bút sắt viết báo bằng chữ Quốc ngữ.
Ngô Đức Kế chủ trương dùng báo chí để tiếp tục sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí”, cổ động tinh thần yêu nước của đồng bào. Đặc biệt, trên tạp chí Hữu Thanh, ông đã phê phán mạnh mẽ tư tưởng Pháp - Việt đề huề, chống lại “cuộc chinh phục tinh thần” của thực dân Pháp, vạch trần âm mưu chính trị và những tư tưởng sai trái của tạp chí Nam Phong. Ông đã cho đăng nhiều bài nghị luận sắc sảo và mạnh mẽ như: “Nền quốc văn” (1924), “Luận về chính học cùng tà thuyết” (1924). Trong bài “Luận về chính học cùng tà thuyết”, ông coi việc Phạm Quỳnh ca tụng Truyện Kiều và Nguyễn Du lên hàng quốc hoa, quốc hồn, quốc túy, thánh thư và vận mệnh của cả một dân tộc là một tà thuyết có hại cho nhân tâm thế đạo, là làm vận nước suy yếu. Trong nghị luận “Nền quốc văn” ông ủng hộ tân học, truyền bá chữ Quốc ngữ, xây dựng nền Quốc văn nhưng đồng thời khuyến cáo việc bỏ chữ Hán cũng phải có lộ trình, không thể làm ngay một lúc.
Đầu năm 1926 tạp chí Hữu Thanh bị đóng cửa thì một năm sau ông lại cộng tác với Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng dân.
Cũng năm này, ông mở Giác quần thư xã, tiếp tục sự nghiệp của các nhà nho Duy tân, xuất bản nhiều sách tiến bộ nhằm mở mang dân trí. Riêng ông có soạn và xuất bản sách “Phan Tây Hồ di thảo”, “Đông Tây vĩ nhân”. Ông là người đầu tiên sưu tầm và công bố thơ văn của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Ngô Đức Kế trước tác khá nhiều, theo Huỳnh Thúc Kháng thì có đến “nghìn bài” nhưng hiện tại, theo GS Phan Văn Các chỉ còn 33 bài thơ với và một số bài văn xuôi, nghị luận.
Ngô Đức Kế qua đời ngày 10/12/1929 tại Hà Nội.
Là một trí thức Hán học nhưng Ngô Đức Kế đã rất sớm chuyển mình theo tư tưởng duy tân cứu nước. Ông là tấm gương trọn đời trung hiếu, khí phách kiên cường và tâm hồn cao thượng./.
2198
2332
2946
220869
120308
114503476