Những góc nhìn Văn hoá

Hành vi trần thuật qua những bài vè nói về lũ lụt, hạn hán, sâu keo làm mưa

1. Dẫn nhập

1.1. So với các thể loại văn học dân gian khác như ca dao, tục ngữ, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… vốn ra đời từ thời cổ đại, gắn liền với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, mới chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian rất gần (khoảng cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII). Vè là một loại tự sự bằng văn vần, chú trọng người thật, việc thật diễn ra có tính chất đột xuất trong làng xã ngày xưa về mọi phương diện trong cuộc sống và những sự việc lớn vang động đến cả nước (3, tr. 13). Nếu truyện kể dân gian (bao gồm cả thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và truyện cười) thuộc loại tự sự bằng văn xuôi và ca dao là thơ của người bình dân thì vè là sự kết hợp giữa thơ dân gian và truyện kể dân gian, là thể loại tự sự bằng văn vần. Vè thường miêu tả, tường thuật, lý giải bộ lộ sự việc thực, con người thực, bày tỏ thái độ ca người hay phê phán sự việc nào đó dưới hình thức những câu văn ngắn, có vần.

Nghệ Tĩnh là một vùng đất có nhiều điểm khác biệt về địa lý, lịch sử, dân cư, ngôn ngữ và văn hóa. Kho tàng thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh vô cùng phong phú, đa dạng, gồm nhiều thể loại khác nhau. Bên cạnh hát ví, hát giặm, ca dao vốn là những thể loại xuất hiện từ rất lâu và tương đối ổn định, xứ Nghệ còn tự hào sở hữu một kho tàng vè vô cùng phong phú, phong phú nhất so với tất cả các địa phương khác. Tuyển tập vè xứ Nghệ gồm 9 tập với hơn 1000 bài vè do PGS. Ninh Viết Giao sưu tầm và biên soạn đã phần nào cho thấy sự phong phú của vè Nghệ Tĩnh. Trong công trình này, tác giả đã chia vè Nghệ Tĩnh ra thành từng mảng nội dung, đề tài. Chúng tôi xin giới thiệu ở đây một trong số các đề tài đó - những bài vè về lũ lụt, hạn hán, bão tố sâu keo làm mất mùa đói khổ (mà chúng tôi gọi tắt là những bài vè về thiên tai dịch họa) theo hướng tìm hiểu những đặc sắc về hành vi trần thuật trong những bài vè này.

 1.2. Hành vi trần thuật

Hành vi trần thuật là hành vi kể lại, thuật lại một sự tồn tại của hiện thực khách quan (trong quá khứ, hiện tại) bằng tín hiệu ngôn ngữ (3, tr. 91). Theo tác giả Đỗ Thị Kim Liên, hành vi trần thuật bao gồm trần thuật kể, trần thuật tả, trần thuật thông báo và trần thuật giải trình. Ở những bài vè về lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu keo là mất mùa đói khổ, tác gải đặt vè đã thực hiện hành vi trần thuật bằng cách kể lại, tái hiện lại một sự kiện, hiện tượng nào đó.  Đó là những sự kiện có thực, đã xẩy ra mà tác giả đặt vè là người trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến.

2. Hành vi trần thuật qua như những bài vè về lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu keo làm mất mùa đói khổ

2.1. Về nội dung và nghệ thuật trần thuật

2.1.1. Nội dung

62 bài vè được đưa vào giới thiệu ở phần này nói về lụt lội, hạn hán, sâu keo làm mất mùa khiến cho nhân dân lâm vào thảm cảnh đói khổ triền miên, đó là những vấn đề có quan hệ trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ. Trong đó có 9 bài nói về các trận lụt, 15 bài nói về hạn hán, 5 bài nói về các trận bão, 4 bài nói về nạn cào cào, châu chấu, sâu keo, 22 bài nói về mất mùa đói khổ là những gì mà người dân nơi đây vốn phải đối mặt hàng ngày trong cuộc mưu sinh. Xứ Nghệ là một vùng đất có khí hậu và thời tiết vô cùng khắc nghiệt với hai mùa nóng, lạnh rõ rệt. Mùa hè thường có gió Lào, cái thứ gió khủng khiếp đã thổi vào những trang văn của Nguyễn Tuân những dòng đầy ám ảnh: Gió cứ một điệu ù ù thổi từ đất ra biển, không một phút nào ngoảnh cổ lại. Cái điều ác hại nhất là gió lại nóng hơn cả nắng loé, bực bội hơn cả mùa hè. Đất ùn chướng luỹ, uất lên với nhiệt độ gió Lào, mất dần từng chút sinh ướt mịn nhuyễn của bản thể, cho đến mức không toát lấy được một giọt mồ hôi... Dưới ba thước ta còn đào thấy cá rô chết khô... và mùa này ở Nghệ, tránh đâu cho thoát gió lào” (Nguyễn Tuân, Gió lào). Và hạn hán cũng thường xẩy ra vào mùa này, Nắng rốc cây rốc đất. Nắng nóng đến mức Đồng khô đất trắng trông ra đổ buồn/ Giếng sâu hết nước hết bùn (tr. 556);Lúa lổ nghẹn đòng/ Ngô lổ không bông. Hết nắng nóng lại đến lũ lụt, bão tố, rồi còn phải đối mặt với nạn côn trùng phá hoại mùa màng. Kết quả là người dân nơi đây luôn sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực dù cho từ bao đời nay người Nghệ Tĩnh vẫn tự hào với truyền thống hay lam hay làm cần cù, chịu khó: Vợ chồng ta nỏ nhác/ Đôi ta rày không nhác/ Ta không say cờ bạc/ Nỏ đằm thắm rượu chè/ …/ Ta cũng gói cơm bầu nác/ Cũng đi phở (khai hoang) ruộng lầy (tr. 697). Có một điều kì lạ là dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, dù luôn phải sống trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, thậm chí nhiều lúc công sức mình bỏ ra đang đợi đến ngày thu hoạch thì bỗng chốc bị phá tan tành chỉ vì những loài côn trùng không biết từ đâu kéo đến tấn công hay chỉ qua một đêm mưa bão… thì người dân xứ Nghệ vẫn không chịu từ bỏ mảnh đất này. Họ vẫn hàng ngày bám đất bám làng, động viên nhau làm việc với niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng: Mẹ mi đừng chộ người ta giàu mà nói/ Đừng chộ đói mà cằn nhằn/ Đến cửu nguyệt trung tuần/ Đám ruộng su cũng tốt/ Rượu ngon với chè cốt/ Cơm lốc với cá rô/ Lúa thóc đổ đầy bồ/ Nợ nần ai trả hết/ Nợ nần chi trả kiệt (tr. 698).

2.1.2. Nghệ thuật

Ở những bài vè thuộc phạm vi đề tài chúng tôi tìm hiểu, tác giả đặt vè trước khi kể thường bắt đầu bằng những câu vòng vo đưa đẩy kiểu như:Hoàng triều Quý Tị chi niên/ Tôi đặt một chuyện để truyền về sau (2, tr. 492); Ngồi buồn kể sự lo thay (2, tr. 530); Thanh nhàn đặt chuyện hát chơi (2, tr. 551); Ngồi buồn thong thả/ Kể mấy chuyện ghin mưa (2, tr. 580); Năm ni Bảo Đại lục niên/ Tôi đặt một chuyện lưu truyền về sau (2, tr. 625); Nay mừng thấy phong điều vũ thuận/ Bĩ cực rồi đến vận thái lai/ Nôm na đặt một vài lời/ Để cho con cháu nhớ đời về sau (2, tr. 635)... Bằng cách này, người đặt vè tự đặt mình vào thế đối thoại với người nghe (người đọc), đồng thời xác định luôn điểm nhìn thời gian trần thuật là ở hiện tại, trong và sau khi sự kiện, hiện tượng diễn ra. Đặc biệt, điểm nhìn thời gian không có sự di chuyển đan xen giữa quá khứ và hiện tại mà luôn giữ vững tính đơn tuyến. Các tình tiết, sự kiện thường chỉ trình bày theo kiểu “tiến triển của phù điêu”, nó không hề quay trở lại để bổ sung những chi tiết bỏ sót hoặc từng diễn biến của câu chuyện mà có chỗ hổng, lơi lỏng, chưa chặt chẽ, ngược lại, dù nó có kể lể rộng rãi thì vẫn theo tính đơn tuyến, theo chiều tiến triển.

2.2. Các hành vi trần thuật

2.2.1. Trần thuật kể

Trần thuật kể là hành động dùng tín hiệu ngôn ngữ để nêu lên những đặc điểm chi tiết về đối tượng, sự vật, nhân vật, giúp người nghe hình dung rõ hơn về chúng. Hành động kể quan tâm đến yếu tố thời gian, đến tiến trình diễn biến của sự vật, hiện tượng, nhân vật. Trong tập hợp những bài vè nói về thiên tai dịch hoạ, trần thuật kể là hành vi phổ biến nhất. Mỗi bài vè là một câu chuyện sinh động về lũ lụt, hạn hán, bão tố, về nạn cào cào, châu chấu từ đâu bay đến phá hoại mùa màng, cũng có khi đó chỉ đơn giản là chuyện gánh nước đêm, chuyện ăn bánh đúc... Điều đặc biệt là mỗi sự kiện được kể lại, thuật lại đều tương ứng với một khoảng thời gian cụ thể, không gian cụ thể, thậm chí cụ thể đến cả ngày tháng, thời điểm xuất hiện của sự kiện, hiện tượng, tăng sức thuyết phục cho lời kể: Năm nay Tân Tị lạ đời/ Từ tháng tư lại tháng bảy ông trời không mưa/ Hăm bốn tháng tám làm một cái lụt rành to. Năm Tân Tị (1881), bốn tháng trời đẵng đẵng không mưa. Sang tháng tám, mưa xối xả gây thành lụt lớn, nước dâng rất nhanh, Ngày hăm ba có nước Ngàn Hạ/ Pha cầu Rải ra bàu/ Ngày hăm bốn có nước Rào Sâu/ Pha bãi Mồ chảy lại (tr. 489). Trong trận lụt này, nước của hai sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu cùng chảy vào đã làm cho một xã ở Nam Đàn ngập chìm trong nước, dân tình lâm vào cảnh khốn đốn, tìm mọi cách chống chọi với cơn lũ: Ba đứa con dại/ Mang lên chạn gác cho nó ngồi/ .../ Đầu hôm ở dưới chân cột/ Giừ đã thoen chân/ Kêu bà con xung quanh/ Đến kê con bò cho chút (tr. 489), thậm chí họ còn nghĩ đến việc bỏ làng mà đi:Bà con đến nghĩ/ Đòi đi rú ngay giừ/ Ngày mai nước to/ Đòi đi không được (tr. 490). Có khi ba bốn lần lụt xẩy đến trong khoảng thời gian rất ngắn: Trung tuần tháng tám năm Thân/ Trời làm ba lụt cho dân tồi tàn (tr. 659). Lũ lụt đã thế, hạn hạn còn khủng khiếp hơn vì nó kéo dài dai dảng hàng ba bốn tháng trời: Nhâm Dần trời nắng quá to/ Lại nhuần ngũ nguyệt thêm cho tháng trời (tr. 520); Ngọ Vi chi niên/ Trời làm loạn lạc nắng liền hai năm/ Nom ra đồng trắng băng/ Nắng hai năm ròng rã (tr. 620). Hạn hán lâu làm cho đồng ruộng cạn khô, không có nổi giọt nước uống nên cả ngày người ta phải chạy hết giếng nọ, khe kia, Kẻ lên giếng Bái, người vào giếng Hung để kiếm gánh nước. Sự thiếu nước khiến cho Đêm năm canh săn sóc/ Ngày sáu khắc bàn hoàn/ Đã ngủ không yên/ Ngồi cũng không yên/ Nằm cũng không yên/ Khăng khăng vì nước (tr. 533), thế nên mới có chuyện Gánh nước đêm hè (tr. 543), Bới khoai tháng ba, thậm chí còn có chuyện hào lý cắt người canh gác không cho các làng xung quanh đến gánh nước ở giếng làng mình, dẫn đến các làng xích mích với nhau một thời gian dài (Trời hạn giữ giếng, tr. 551). Nếu ta biết hai năm Ngọ Vị (1930 – 1931) trời làm hạn hán, nắng ròng rã tám tháng trời làm nông dân vô cùng đói khổ thì sang năm Thân (1932), bão tố lại đến bất ngờ vào ban đêm khiến cho mọi người không kịp trở tay: Năm Thân tháng bảy ghê thay/ Trời sa bão xuống ban ngày thì không (tr. 593), đến khi nhận ra có bão thì Bao nhiêu thuyền buôn/ Trôi lên chùa Nhãn (tr. 593). Hậu quả là sau trận bão khủng khiếp đó, Thuyền thì bỏ bến/ Chài giã bỏ sông/ Vợ lại bỏ chồng/ Con bồng con dắt (tr. 595).

Có thể nói, cuộc sống của người dân xứ Nghệ là quanh năm đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Sau lũ lụt là hạn hán kéo dài, và khi người ta đã quá quen với cảnh thiếu nước thì bão tố kinh hoàng lại bất ngờ ập đến. Mùa lại mất, đói khổ lại kéo dài. Nhưng điều kì diệu là người dân Nghệ Tĩnh vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Giải quyết xong thiên tai, họ lại bắt tay vào cày cấy vụ mùa mới với niềm hi vọng Tháng năm tha hồ gặt/ Ai ai cũng chắc mười/ Bĩ cực có thái lai/ Lẽ nào mà rứa mãi (tr. 608). Thế nhưng rồi ông trời lại ăn ở không cân, gây ra hết thiên tai rồi lại đến dịch họa: Rằng năm Kỉ Mão trung thiên/ Có đàn châu chấu miền trên bay về/ Ai ai cũng thấy ghê ghê/ Cắm lúa cắm má, người thì xôn xao/ Có kẻ chúng cắm một sào/ Kẻ nhiều một mẫu làm sao bây giờ? (tr. 600). Vậy là người ta đổ ra đồng đuổi bắt cào cào châu chấu: Ra thời cái giỏ cầm tay/ Đi bắt châu chấu giao ngay cho làng, cảnh tượng thật náo nhiệt: Làng trên xóm dưới/ Trống mõ ra đòi (tr. 603). Người ta còn trao giải thưởng cho ai bắt được nhiều và phạt nặng những ai không bắt đươc con nào: Giỏ đầy được thưởng quan năm/ Giỏ lưng quan mốt, năm tiền phạt ai không (tr. 600). Thậm chí, bà con còn tổ chức lập đàn, làm lễ tống cào cào, châu chấu: Lý hương lên phủ khai tờ/ Ở nhà trùm, lão tế đưa cào cào/ Tế rồi cờ trống kéo ào/ Ai bắt cào cào thì phải chôn tươi (tr. 600). Thế nhưng sau mỗi nạn châu chấu, cào cào là Ló đồng Cao sạch lép/ Ló đồng Thành sạch lép; Nó ăn hết bờ núi ngọn non/ Bờ tre ngọn cỏ hãy còn đất không. Dân tình lại lâm vào cảnh đói khổ triền miên: Năm Tân Vị mùa màng thất bát/ Bốn phương đều đói khát tội thay; Giáp Dần, ất Mão thuở nay/ Trời làm trận đói ngán ngây cả người… Hậu quả của những trận hạn hán, lụt lội, gió bão, của nạn cào cào, châu chấu và nhất là nạn đế quốc phong kiến là việc người nông dân đâm đầu vào các nhà giàu để cầm cố sào ruộng, thước nương cuối cùng, hay là tự cầm mình hoặc con cái làm đầy tớ không công cho đến khi ta trả hết nợ sau khi đã kéo nhau lên rừng đào hết khoai mài củ chuối để chèn dạ dày. Dưới đây là đoạn tái hiện một cuộc vay mượn cầm cố vẫn thường thấy trong những ngày đói:

Đến đây thưa: - “Chị với bà

Cho vay ít đọi”.

Đầu miệng thì nói

Tay: rửa đọi quét nhà

Miệng chị thì than ra:

- “Trong lòng toi đã mọng

Thế cho chị sào đất thước rọng”.

Chị chê: - “Ngái, cạn bùn”.

- “Ngũ nguyệt trung tuần

Đem ra mà trả”.

- Ăn nói quá lạ

Rằng cứ nợ trây,

Của chị của thầy,

Đừng hòng khi ni khi khác”.

Đến nhà người ta mượn tiền, trong khi miệng thưa với chủ xin vay mượn thì tay phải làm những việc lặt vặt trong nhà của hắn. Có sào ruộng xin được cầm cố thì bị chủ chê là xa và đất xấu… Có những người ngày trước là tay khá giả, bây giờ đua nhau mang những đồ dùng của mình đi bày ở các ga, các chợ để mong đổi lấy cái ăn được: Kẻ thì bán hết ông cha/ Nào ngai nào khám đưa ra hội này/ Cha bỏ con, tớ bỏ thầy/ Những đồ cổ tích bán đầy các ga (tr. 618). Cảnh cơ cực của những người đói khổ còn như vậy thì cảnh cơ cực của những người bần cố nông còn kinh khủng biết chừng nào: Đi khắp thiên hạ/ Đói khát rạc rài/ Miền trong miền ngoài/ đâu đâu cùng đói (tr. 621). Trong mỗi gia đình, cái đói cũng làm cho vợ chồng thường cằn nhằn với nhau, sống kém êm ấm thuận hoà. Bởi Người ta thì có đồ cầm/ Mình bòn một trự tiền đồng không ra nên mới có chuyện Chồng chị nặng lời/ Mẹ con bay thật khốn/ Chỉ ngồi ăn tốn/ Chẳng biết toan lo (tr. 629). Cái đói làm cho người ta chỉ còn biết nghĩ đến việc làm thế nào để tồn tại cho qua cơn đói: Lục được nồi ló ngô/ Cha bỏ tay vô/ Con cũng bỏ tay vô/ Gặm cả cùi lẫn hạt (tr. 515)…

Có thể coi những bài vè về đề tài này như một biên niên sử về thiên tai, dịch hoạ xẩy ra ở Nghệ Tĩnh từ những năm cuối thế kỷ XIX lại nay. Qua lời kể của tác giả dân gian, người đọc dễ dàng hình dung được tính chân xác và tính chất nghiêm trọng của sự kiện.

2.2.2. Trần thuật tả

Trần thuật miêu tả là hành động dùng tín hiệu ngôn ngữ nêu lên những đặc điểm chi tiết về đối tượng, sự vật, nhân vật, giúp người nghe hình dung rõ hơn về chúng. Đối tượng, sự vật, nhân vật thường được hiện lên qua sự quan sát của người nói.

Bên cạnh tính chân xác nhờ các yếu tố không gian, thời gian được đưa vào trong bài, các sự kiện được kể trong phạm vi đề tài này còn được tác giả dân gian miêu tả bằng những chi tiết cụ thể và không kém phần sinh động. Chẳng hạn như cảnh lụt lội: Nước từ trên rú/ Nước đổ về đây/ Chỉ một đêm ngày/ Khắp đồng điền trắng cả/ Khắp xóm làng trắng cả; cảnh sau khi cơn bão đã tạm ngưng: Nghe phất mưa bay/ Nghe ù ù gió thổi/ Thanh tre cây cối/ Bỏ ngan ngát đầy vời/ Trông lên trên trời/ Chộ một trời một nước/ Nhà thời chổng ngược/ Cửa bay ra ngoài/ Phên rách tả tơi… (tr. 590); cả đến loài châu chấu, cào cào Mình như sắc sắc/ Cánh mốc hồng hoàng/ cơn cỏ cắn ngang/ Cơn ló non cắn tận đất/ Một bầy bay chặt/ Đôi ba cánh đồng/ Đứng ngoài mà trông/ Thấy như mây như khói; hay cảnh ruộng đồng bị bỏ hoang lâu ngày Mạ su, cao chết kiệt/ Ruộng bỏ đất nằm không, Bãi không còn rau má/ Nương bứt hết ngọn khoai; thậm chí cả chân dung người đói cũng hiện lên với tất cả dáng vẻ đói khát: Cẳng đi bổ chồm/ Bụng sát tận hông

            So với trần thuật kể, trần thuật tả trong những bài vè nói về lụt lội, hạn hán, sâu keo làm mất mùa đói khổ xuất hiện không nhiều nhưng lại có giá trị to lớn trong việc giúp người nghe hình dung rõ hơn về những điều được kể. Đặc biệt, chính những yếu tố miêu tả đã góp phần làm nổi rõ tính chất nghiêm trọng của những sự việc đã xẩy ra. Những hình ảnh về một trận lụt, một cơn bão tố, một đợt hạn hán, về đại dịch côn trùng hay về một trận đói hoành hành hiện lên trước mắt người đọc/ người nghe như những thước phim quay chậm nhờ tác giả đặt vè đã khéo léo sử dụng kết hợp hai yếu tố kể và tả: Trận lụt năm Dậu/ Sóng lên phá nhà/ Bão dông vừa ra/ Nhà cửa cũng truốt/ Mùa màng cũng truốt/ Mất tuốt đuồn đuột/ Chùa đền cũng trôi/.../ Khắp nơi đều lút/ Lụt lút khâu đầu/ Lụt lút xà thượng/ Dân biết ở nơi nao/ Van chắc xi xao/ Đem nhau vô rú (tr. 475).

2.2.3. Trần thuật thông báo

Trần thuật thông báo là hành động dùng tín hiệu ngôn ngữ thuật lại một sự việc nào đó xẩy ra hoặc người nói được tiếp nhận từ người khác mà người nói cho rằng sẽ gấy hiệu lực đối với người nghe, vì người nghe chưa biết. Hành vi trần thuật này trong những bài vè về lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu keo làm mất mùa đói khổ thường là lời của những người nông dân nghèo khổ – nạn nhân trực tiếp của thiên tai, dịch họa – hướng đến những đối tượng có quyền uy, có khả năng giúp đỡ họ thoát khỏi cuộc sống cơ cực như vua, quan, và đặc biệt là ông trời:

            Ông vua Tự Đức ơi!

            Mùa đã mất rồi

            Dân làm không được

            Mùa thì mất nước

            Mùa thì mất khô

            Lúa đã đổ bồ

            Trời đang hòng lấy (tr. 481)

 

            Anh đã đi đến cửa trời /.../

            Ngọc hoàng ngài mới hỏi

            Dưới hạ giới a răng?

            Anh tiến lại thưa rằng:

            - “Mấy lâu ni đang nắng,

            Mấy tháng trời đang nắng

            Trên ni thì phẳng lặng

            Dưới hạ giới quắt khô

            Khoai không có trong bồ

            Ló cấy rồi héo sạch

            Đỗ, ngô đều mất sạch

            Bốn hương đều đói rách...” (tr. 564)

2.2.4. Trần thuật giải trình

Trần thuật giải trình là hành vi người nói nêu lên những suy nghĩ, nhận xét của người nói về một sự việc nào đó nhằm làm cho người nghe hiểu rõ hơn về sự việc đó. Hành vi này có thể được thực hiện khi có sự việc gì xẩy ra trước đó mà người nghe và người nói chưa thật sự hiểu nên người nói đã giải thích thêm nhằm làm cho người nghe hiểu đầy đủ hơn. Hành vi giải trình trong những bài vè thuộc đề tài này có giá trị như những lời trữ tình ngoại đề trong truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhờ đó mà những tâm tư, tình cảm, thái độ cũng như nguyện vọng của người dân lao động được bộc lộ một cách cụ thể, rõ nét và trực tiếp. Hành vi giải trình còn có tác dụng làm cho bản chất của các sự kiện được kể lại, thuật lại trở nên sáng rõ:

Trận lụt năm Mùi (1859)

Không tày năm Dậu (1861)

Tưởng vua quan thấu

Biết bớt thuế giảm dong

Tưởng cai lý thương

Cho làm ăn dễ dãi

Tưởng nhà giàu có ngãi

Cho vay nợ giảm lời

Ai ngờ cũng đồng loài

Cứa tay cắt cổ (tr. 479)

Trước tình cảnh khốn đốn do hậu quả của lũ lụt gây ra, người nông dân chỉ còn biết trông vào sự giúp đỡ của vua chúa, quan lại hay những nhà giàu có: Tưởng vua quan thấu, Tưởng cai lý thương, Tưởng nhà giàu có ngãi . Cứ “tưởng” máu chảy ruột mềm, “tưởng” vua quan là bậc phụ mẫu của dân, “tưởng” con người ta ai cũng có lòng nhân ái nên người ta mới hi vọng, mới trông mong, Ai ngờ cũng đồng loài/ Cứa tay cắt cổ. Cho nên mới có chuyện Nom ra mọi chỗ/ Cám cảnh nước nôi/ Thảm thiết thương ôi/ Con nhà kẻ khó (tr. 479). Ở bài khác, người đặt vè đã giải thích cho việc Người người đứng ngóng/ Mong trời có mây/ Một trộ mưa dông đầy bãi, là vì đã hai năm rồi trời hạn hán mất mùa, nhân dân vô cùng đói khổ:

 Đời cha cho chí đời ông

Lúa thời có cấy mà không gặt về

Đêm nằm lo nghĩ nhiều bề

Đói mình đã vậy con thì làm sao

Giỗ tết cũng chỉ rượu trầu

Khách khứa cũng chỉ vài câu phàn nàn

Lại thêm một nỗi thuế quan

Lấy tiền đâu mà đóng (tr. 533)

3. Kết luận

Lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu keo... luôn là những thiên tai dịch hoạ mà người nông dân mà đặc biệt là người nông dân xứ Nghệ từ bao đời nay vẫn phải đối mặt. Từ khi xuất hiện, vè giống như một khẩu báo (báo bằng miệng) của nhân dân, đã phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thực, việc thực diễn ra trong làng xã ngày xưa trong đó có những chuyên về thiên tai, dịch hoạ. Cũng như các loại hình thơ tự sự khác, vè sử dụng cả phương thức tự sự và phương thức trữ tình nhưng chủ yếu là dùng phương thức tự sự. Hành vi trần thuật qua những bài vè về lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu keo làm mất mùa đói khổ đã phần nào cho thấy đặc trưng của vè đồng thời thấy được những đặc sắc của người đặt vè trong nghệ thuật kể chuyện cho dù đó là những “sản phẩm nghệ thuật” mộc mạc và ít trau chuốt về hình thức nhất.

 

Tài liỆu tham khẢo

 

1. Nguyễn Nhã Bản (chủ biên) (2001), Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An.

2. Ninh Viết Giao (1999), Kho tàng vè xứ Nghệ (tập 1), Nxb Nghệ An.

3. Đỗ Thị Kim Liên (2005), Ngữ dụng học, Nxb đại học quốc gia Hà Nội, H.

4. Phương Lựu (cb) (2000), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, H.  

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521577

Hôm nay

26

Hôm qua

2345

Tuần này

2351

Tháng này

219516

Tháng qua

121009

Tất cả

114521577