Khách mời văn hóa

Hãy xây dựng gia đình dựa trên sự bình đẳng và tình yêu thương (Trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên)

 

Nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Thủy Nguyên

LTS: Trong vài thập kỷ qua, dưới tác động của nhiều nhân tố khác nhau từ toàn cầu hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường hay sự thay đổi trong tư duy, tâm lý và sự vận động của đời sống kinh tế xã hội… mà văn hóa gia đình cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Từ kết cấu gia đình, mô hình gia đình đến nhiều yếu tố trong văn hóa gia đình cũng thay đổi khác trước, đa dạng hơn và cũng phức tạp hơn. Vậy nên, sự biến đổi đời sống văn hóa gia đình được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có buổi trao đổi với nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Thủy Nguyên. Không giới hạn mình trong việc viết văn, làm thơ, Hà Thủy Nguyên còn quan tâm tìm hiểu nhiều vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến văn hóa, trong đó có văn hóa gia đình. Không chỉ tìm hiểu mà trong cuộc sống gia đình, chị cũng lựa chọn những giá trị văn hóa mới mẻ mà nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết đến….

Phóng viên (PV): Là một người quan tâm đến vấn đề gia đình, văn hóa gia đình, chị nhận xét thế nào về các mô hình gia đình truyền thống của người Việt Nam? (Cụ thể ở đây chúng ta bàn luận về gia đình người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thôi, vì những nơi khác cũng mang những sắc thái riêng nên khó mà bàn hết được). Những ưu điểm và khuyết điểm của các mô hình gia đình Việt Nam truyền thống là gì?

Nhà nghiên cứu Hà Thủy Nguyên (HTN): Trước hết phải thú thực rằng tôi không phải là người ưa thích mô hình gia đình Việt Nam truyền thống, tôi nói điều này không phải để tuyên bố, mà để chỉ rõ định kiến của bản thân mình. Mô hình gia đình truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, mà trong lịch sử đã lan rộng trên khắp đất nước ta, vốn dĩ dựa trên nền tảng Nho giáo với chữ Lễ hàng đầu, mà theo quan điểm của tôi, Lễ mang tính ràng buộc bằng các trách nhiệm, mà chủ yếu là trách nhiệm của người vợ và con cái. Từ các quy định về Lễ của Nho giáo khi chuyển sang Việt Nam theo suốt dòng lịch sử, đã biến Lễ không chỉ là quy tắc hành xử mà còn bổ sung thêm vào các tập quán rườm rà không cần thiết. Đáng ra, Lễ phải được điều chỉnh theo mỗi gia đình thì Lễ lại trở thành thứ áp đặt bắt các gia đình với những cá nhân khác nhau phải tuân theo một khuôn mẫu.

Tôi cho rằng sự trọng Lễ trong mối quan hệ gia đình đến nay đã tạo nên những định kiến xã hội về ngoan - hư, có học - vô học khi nhận định một con người, trong khi nó không phải toàn bộ vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Nó chỉ đại diện cho sự tuân thủ hay bất tuân mà thôi. Ví dụ như theo đúng “Lễ” trong mô hình gia đình gia giáo xưa ở Bắc Bộ, trước khi ăn cơm, con cái phải mời người lớn trong gia đình. Nhưng gia đình tôi có một quy định không cần mời, nhưng phải đợi nhau ngồi hết vào bàn ăn mới được động đũa, và không được tranh phần ngon về cho mình mà phải san sẻ đều cho mọi người. Nếu người ngoài dự bữa cơm nhà tôi, hẳn sẽ nghĩ chúng tôi là một gia đình vô lễ, không biết dạy con cái, đúng không nhỉ. Nhưng với tôi, đơn giản đó là sự khác biệt văn hóa và khác biệt trong hệ giá trị.

PV: Gia đình tồn tại và phát triển dựa trên những nhân tố chính của nó. Theo chị thì những nhân tố chính nào giúp định hình văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam?

HTN: Câu hỏi này có lẽ sẽ thích hợp với các nhà nghiên cứu Việt Nam học hơn là một người viết văn trẻ yêu thích lối sống tự do như tôi. Vì thế, tôi xin miễn bàn về nhân tố định hình văn hóa gia đình truyền thống của Việt Nam, mà tôi xin đề xuất nhân tố nên có để định hình gia đình Việt Nam hiện đại: đó là sự bình đẳng và tình yêu thương. Bình đẳng và tình yêu thương dường như rất khó để lan tỏa rộng ở bề mặt xã hội, nhưng lại không khó khi gieo mầm ở mỗi gia đình.

PV: Gia đình, cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác, luôn có sự biến đổi. Theo chị nhận thấy, gia đình Việt Nam đã biến đổi như thế nào trong mấy thập niên gần đây, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?

HTN: Sự biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, tiếc rằng lại theo một thái cực khác của gia đình truyền thống. Nếu gia đình truyền thống trói buộc trong trách nhiệm và cản trở cá nhân xây dựng sự nghiệp riêng thì gia đình hiện đại ở thời công nghiệp hóa lại biến gia đình thành một chỗ tạm bợ với mối quan hệ thuần lợi ích kinh tế và thiếu tình cảm. Hãy hình dung mà xem, những người đô thị dành phần lớn thời gian trong ngày ở chỗ làm việc. Ra khỏi nhà từ 7h sáng (hoặc có thể sớm hơn), và cũng phải 7h tối mới về được đến nhà sau khi chen chúc đám đông tắc đường (ở các thành phố nhỏ, người đi làm có cơ hội về nhà dễ dàng hơn so với thành phố lớn). Những đứa trẻ cũng phải chịu đựng một khung thời gian tương tự. Chúng ta phải dành 8 tiếng để ngủ. Vậy thì chúng ta còn bao nhiêu thời gian cho gia đình? Có lẽ chỉ là dăm ba tiếng vào buổi tối, mà trong đó sẽ bị chia cho những công việc khác như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, và những đứa trẻ thì phải làm bài tập. Người đô thị hiện đại dành quá ít thời gian cho gia đình tới mức mà họ coi gia đình là cản trở cho sự thành công của mình. Nhiều bạn bè của tôi nói với tôi rằng họ thích ở văn phòng hơn ở nhà và đợt nghỉ dịch COVID-19 vừa qua với họ là một thảm họa vì họ phải dành quá nhiều thời gian ở cùng gia đình. Tôi cho rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội, bởi vì nền tảng tinh thần cần thiết cho thế hệ sau chỉ là sự thờ ơ, vật chất và thực dụng.

Trong khi ấy, thế giới đã bước vào thời đại thông tin, tức là cơ hội để chúng ta ở nhà nhiều hơn và chăm lo cho gia đình nhiều hơn đang mở ra, thì chúng ta lại không tạo cơ chế xã hội để khuyến khích điều ấy, mà vẫn trói chặt người lao động ở nơi làm việc và những đứa trẻ ở trường học. Đây là một điều đáng tiếc mà có lẽ chúng ta nên tìm cách điều chỉnh để có một mô hình gia đình mới tốt đẹp hơn.

PV: Theo tôi thấy, trong lịch sử, văn hóa gia đình cũng chịu tác động nhiều của các trào lưu xã hội rộng lớn hơn. Không biết chị có thấy như vậy không? Theo chị thì hiện nay, văn hóa gia đình đang chịu tác động của những trào lưu văn hóa xã hội nào? Liệu đó có phải là những tác nhân chính gây nên sự biến đổi trong văn hóa gia đình hay không? Ngoài ra còn có những tác nhân chính nào tác động mạnh đến sự biến đổi của văn hóa gia đình hiện nay?

HTN: Như tôi đã nói ở trên, văn hóa gia đình hiện nay đang chịu chi phối lớn của mô hình lao động 8 tiếng/ngày ở nơi làm việc. Chúng ta những tưởng đó là mưu sinh, nhưng không, nó chi phối chủ đạo đến nền nếp sinh hoạt và khuôn mẫu tương lai của những đứa trẻ. Đó là một mẫu hình gia đình không đáng để ngưỡng vọng và gây chán nản với những ai mong muốn sự chia sẻ tình cảm thực sự. Đó chính là lý do nhiều người trẻ chọn cách sống độc thân hoặc kết hôn muộn, bởi vì họ thà được thoải mái một mình và không bị cuốn theo các cuộc mưu sinh hơn là tự trói mình trong lộ trình đi học - đi làm - kết hôn - đẻ con - kiếm tiền để nuôi con - con lại đi học và đi làm, và cứ thế. Nếu cơ cấu lao động không chuyển đổi thì tương lai của Việt Nam sẽ có nhiều người độc thân hơn và có nhiều các bậc làm cha làm mẹ không biết nuôi dạy con cái hơn, đặc biệt là với chính sách thúc đẩy sinh con trước 30 tuổi hiện nay, thế thì tôi xin được nói thẳng rằng đó là một tương lai đáng lo ngại.

PV: Giáo dục gia đình vốn thường được quan tâm và nhắc đến nhiều trong cuộc sống. Và khi văn hóa gia đình thay đổi thì giáo dục gia đình cũng sẽ thay đổi. Theo chị, sự thay đổi trong giáo dục gia đình hiện nay sẽ đi theo những hướng nào? Liệu giáo dục gia đình có bị thất thế trong bối cảnh hiện đại không hay là ngày càng có vai trò lớn hơn?

HTN: Nếu xã hội Việt Nam cứ tiếp tục vận hành theo mô hình công nghiệp, thì vai trò giáo dục gia đình sẽ gần như không có. Thật tệ hại khi những đứa trẻ được người giúp việc dạy dỗ và chăm nom, mới hai tuổi đã đi nhà trẻ trong suốt thời gian bố mẹ đi làm và tiếp thu theo những gì cô giáo hướng dẫn, sau này lớn lên chúng sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà trường. Dù nhà trường có tốt đến đâu đi chăng nữa thì cơ chế một giáo viên quản lý rất nhiều học sinh cũng không thể tốt bằng bố mẹ và ông bà chăm nom và dạy dỗ con cái. Sự phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội của các bậc phụ huynh hiện nay chỉ chứng minh một điều rằng họ yếu kém tới mức không đủ khả năng dạy dỗ con, và như thế thì họ vẫn là sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục cho dù họ có thành đạt đến đâu trong sự nghiệp.

PV: Giới trẻ hiện nay đang đứng giữa nhiều khuynh hướng khác nhau liên quan đến đời sống gia đình bởi các sự tương quan với nhiều yếu tố khác như là kinh tế, công việc, địa vị xã hội, cá tính mỗi người. Rõ ràng những thay đổi trong những yếu tố này cũng tác động mạnh đến đời sống gia đình. Vậy, chị có thể bàn luận thêm về những vấn đề này trong mối quan tâm của chị được không?

HTN: Vấn đề này để bàn sâu có lẽ quá rộng, tôi chỉ xin bàn tiếp một góc nhỏ mà chúng ta đang dở dang ở những câu hỏi trước, đó là vấn đề cơ cấu công việc. Tức là xem xét nhân tố cơ cấu công việc tác động đến văn hóa gia đình. Người trẻ muốn chọn một đời sống như thế nào thì sẽ kéo theo mô hình công việc và gia đình như thế. Ví dụ như tôi, tôi muốn mình được làm những thứ mình thích bất kể có thành đạt hay không, nên tôi chọn cách làm việc tại nhà và không làm việc chính thức ở bất cứ đâu. Tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình, tôi lấy một người chồng có quan điểm giống tôi, và tôi tạo điều kiện cho con tôi cũng có một cuộc sống như thế. Thế nên, quan trọng là những người trẻ khác muốn gì, điều gì thôi thúc họ nhất thì họ sẽ chọn cho mình cách làm việc và cách xây dựng gia đình theo giá trị ấy.

PV: Chúng ta vẫn nói gia đình là hạt nhân của xã hội. Nhưng theo chị, trong bối cảnh hiện nay, gia đình liệu có còn là hạt nhân cơ bản của xã hội nữa hay không? Để xây dựng văn hóa gia đình sao cho phù hợp với sự phát triển mà không làm mất đi những nét đẹp của gia đình truyền thống thì theo chị chúng ta phải làm gì trong giai đoạn hiện nay và sắp tới?

HTN: Dù thời đại nào đi chăng nữa thì gia đình vẫn là hạt nhân của xã hội, chỉ là định nghĩa về gia đình và cơ cấu gia đình khác nhau ở mỗi thời kỳ, mỗi khu vực mà thôi. Thế nên, nỗ lực gìn giữ “nét đẹp” nào đó trong nền nếp của khuôn mẫu gia đình thời xưa là không cần thiết, bởi vì nỗ lực ấy có thể bị biến tướng thành chủ nghĩa hình thức sáo rỗng, và một khi nó bị kết hợp với chủ nghĩa vật chất thì sẽ hình thành các lề thói kém văn minh và lãng phí như những phong tục cưới xin, ma chay, giỗ chạp, lễ tết… hiện nay.

Thay vì đó, những giá trị đẹp đẽ về mặt tinh thần nên được đề cao như là sự bình đẳng, tình yêu thương, sự thấu hiểu, thậm chí là cả tinh thần coi trọng tri thức, tinh thần tự lập… Tất cả giá trị ấy là tùy thuộc đặc tính của mỗi gia đình lựa chọn mà từ đó các gia đình có thể đưa ra các quy tắc hành xử trong gia đình mình, thứ mà các cụ xưa vẫn gọi đó là Lễ.

Nếu có những vấn đề nào mà xã hội cần quan tâm trong sự phát triển của văn hóa gia đình hiện nay đó là xử lý các vi phạm về quyền con người ở trong quy mô gia đình, chứ không phải áp đặt những quy chuẩn về một gia đình văn minh.

PV: Xin chân thành cảm ơn những trao đổi rất thẳng thắn và cũng rất thú vị của chị!

Bùi Hào thực hiện

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487769

Hôm nay

2183

Hôm qua

2337

Tuần này

22123

Tháng này

215081

Tháng qua

120271

Tất cả

114487769