Khách mời văn hóa

GS.TS Trần Ngọc Vương: Hãy để Tết là những ngày hạnh phúc

Hãy coi Tết là một kỳ nghỉ lớn, là dịp cho người ta được giải thoát, giải phóng khỏi những lo toan bận rộn, và được quyền rơi vào một không gian, một trạng thái tâm lý ít nhất là có cảm giác hạnh phúc.  Đây là chia sẻ của GS, TS Trần Ngọc Vương (Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong cuộc trò chuyện cuối năm với chúng tôi.

PV: Thưa giáo sư, những năm gần đây có hiện tượng thay vì đón Tết tại nhà với những bổn phận truyền thông thì nhiều gia đình, cá nhân lại chọn cách “trốn Tết” với những chuyến du lịch xa. Ông có cho rằng đó là một biểu hiện của việc con người hiện đại đang tìm cách chống lại truyền thống hay không?

GS.TS Trần Ngọc Vương: Trong những biến đổi theo xu hướng hiện đại hoá của một xã hội đang phát triển thì những điều như thế là không tránh khỏi. Ngày Tết thông thường người ta nghĩ rằng mình có bổn phận phải đi thăm những người thân quen, chúc tết chỗ này kia, thể hiện sự quan tâm chu đáo với mọi người. Theo tôi thì trong phạm vi thực của đời sống, ý nghĩa đích thực của những ngày lễ tết thì nên nhìn nó trong những khung khổ nào đó xác định thôi. Anh đừng biến tất cả những ngày lễ tết thành gánh nặng. Mục tiêu hàng đầu hãy coi Tết cũng là một kỳ nghỉ lớn, là dịp cho người ta được giải thoát, giải phóng khỏi những lo toan bận rộn, những nỗi ám ảnh nào đó và được quyền rơi vào một không gian, một trạng thái tâm lý ít nhất là có cảm giá HẠNH PHÚC. Trong một chu kỳ của đời sống thì tôi cho rằng cái gì ảnh hưởng tiêu cực thì nên thu hẹp nó đi. Để mỗi cá nhân đều cảm thấy ngày lễ tết là dịp mình được  sống với những mong muốn, nhu cầu bình thường và lành mạnh của mình.

PV: Thưa giáo sư, theo truyền thống, mỗi dịp Tết đến, xuân về là thời khắc thiêng liêng của sự sum họp, đoàn tụ của các gia đình, họ mạc. Nhưng vài năm trở lại đây điều đó dường như đã có nhiều thay đổi. Cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình gia đình truyền thống dường như đứng trước những thách thức ghê gớm. Ví dụ như mẫu hình gia đình các bà mẹ đơn thân dường như đang được cổ suý hiện nay chẳng hạn. Ông có suy nghĩ như thế nào về điều ấy?

GS.TS Trần Ngọc Vương:Đúng là những năm gần đây, xã hội Việt Nam chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc gia đình truyền thống. Sự phá vỡ cấu trúc đại gia đình không chỉ có ở môi trường thành phố mà cũng diễn ra mạnh mẽ cả ở nông thôn. Cấu trúc của gia đình hiện đại do sự phát triển thiếu chuẩn mực, định hướng, thiếu sự kiểm soát bằng các loại cơ chế thực sự khoa học cho nên đúng là có thực tế cấu trúc gia đình trong quy mô lớn bị tan rã dẫn đến các hiện tượng không lành mạnh. Về mặt luật pháp anh không thể ngăn cản hoặc chống lại những hiện tượng như các gia đình mô hình mẹ đơn thân, thậm chí là các ông bố đơn thân nữa. Tôi cho rằng cổ vũ cho những chuyện đó không phải là xu hướng của truyền thông lành mạnh. Anh có thể chấp nhận nó như một thực tế, như một loại hiện tượng xã hội hoàn toàn không thể loại bỏ đi được nhưng anh cổ vũ cho nó là câu chuyện khác. Việc nuôi dạy những đứa trẻ với tư cách từng cá thể nói riêng và như một thế hệ nói chung rõ ràng cần sự hợp tác của rất nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ.

PV: Ở một thái cực khác, văn hoá dòng tộc, một dạng “gia đình lớn” dường như đang phình ra, trở thành một thứ mốt thời thượng...rồi báo chí thời gian qua cũng đã phát hiện những chuyện “cả họ làm quan”... Những thực tế ấy đang phản ánh điều gì, theo ông?

GS.TS Trần Ngọc Vương: Chuyện phục hồi văn hoá họ tộc một cách tràn lan mà không có một hệ ý tưởng chủ đạo cũng là hiện tượng có thật. Nhưng theo quan sát của cá nhân tôi thì các dòng họ hiện nay dường như chỉ là sự tập hợp quanh những người có ưu thế kinh tế. Những người có vai vế trong họ mạc là người làm ra tiền và mang tiền về xây những công trình cho dòng họ để lấy cái tiếng trong khuôn khổ dòng họ của mình cũng như tạo ra uy thế nào đó với dòng họ khác. Ý nghĩa văn hoá lành mạnh tích cực dòng họ mất đi. Người ta dường như đang mải tập trung vào các hoạt động biểu hiện mang màu sắc PR, quảng  cáo như làm đám cưới thật to, đám ma thật lớn, những nghi thức “vinh quy bái tổ” hoành tránh chứ không chú trọng phát triển nó trong chiều sâu văn hoá. Đó là một trong nhưng điều đáng báo động.

Câu chuyện “cả họ làm quan”, chuyện “con ông, cháu cha” thì thực ra có lâu rồi nhưng nó ngầm ẩn, tiềm tàng. Chúng ta từng có những ước lệ mang tính cấm kỵ, không đề cập đến những chuyện đó nhất là ở quy mô quốc gia. Cái đó trong tính tự nhiên của nó thì cũng không hoàn toàn tiêu cực một chiều. Vấn đề ở chỗ cái đó nó có thật, anh không chối bỏ được thì anh phải khai thác tổ chức nó như thế nào phục vụ cho xã hội một cách lành mạnh, đúng hướng trên cơ sở sự hiểu biết mang tính chất thấu thị với những hiện tượng như vậy.

Còn có ai đó nói rằng con lãnh đạo mà làm lãnh đạo là phúc cho dân tộc thì tôi không hiểu tại sao họ lại có thể phát ngôn như vậy được. Nói như thế thì anh chống chế độ thế tập “con vua lại làm vua” ngày xưa làm gì? Những câu nói như thế ở quy mô quốc gia là không chấp nhận được. Mặc dù điều có thật là ý chí, nghị lực, khát vọng nữa của người lãnh đạo có thể được  di truyền tự nhiên và di truyền xã hội vào cấu trúc gia đình của họ. Cái “di truyền” đó cũng có những phương diện lành mạnh, tích cực có thật nhưng anh nói bạt mạng như thế thì hoàn toàn không ổn tý nào. 

Tôi phải nhắc lại rằng, khát vọng, kinh nghiệm, tri thức của người cầm quyền tác động đến gia đình, thân tộc của họ cũng là một thành tố tích cực nếu biết khai thác đúng hướng. Anh chỉ có thể nói được đến thế thôi chứ không thể khái quát “con lãnh đạo làm lãnh đạo là phúc của dân tộc được”. Những phát ngôn ấy được  báo chí truyền thông tung ra ở tầm đại diện quy mô quốc gia thì cực kỳ nguy hiểm.

PV: Chúng tôi rất chia sẻ những suy nghĩ của ông. Câu chuyện về văn hoá họ tộc có lẽ cũng phản ánh phần nào những dị biến trong đời sống xã hội của chúng ta. Một khía cạnh khác mà chúng tôi muốn nói đến là câu chuyện đời sống tâm linh của người Việt. Những năm gần đây chúng ta nghe nói quá nhiều đến những điều không tốt đẹp như chuyện người người nhà nhà, trong đó có cả nhiều quan chức, chen chúc nhau cướp ấn đền Trần, chuyện cầu tài, cầu lộc một cách thái quá…

GS.TS Trần Ngọc Vương: Những nhu cầu nghiêng về văn hoá tâm linh thì thời nào, xã hội nào cũng có. Vấn đề là mức độ khác nhau, quan niệm khác nhau thôi. Đúng là những năm tháng vừa rồi con người Việt Nam dường như chưa thật là cảm thấy mình yên tâm được trong đời sống thường. Có lẽ vì thế những thời khắc giao thoa mang tính tâm linh đặc biệt như dịp tết nhất người ta thường có những biểu hiện về mặt văn hóa cũng hơi bất bình thường. Vấn đề ở chỗ con người xã hội được định hình hoặc tự phát định hình theo một hướng nào đó trong một không thời gian nào đó theo cách thế nào là chuyện những người có trách nhiệm tổ chức văn hoá xã hội  phải suy nghĩ trước.

Tuy nhiên, nhìn chung nếu càng hướng tới các miền, mà chúng ta lạm dụng gọi là miền tâm linh, thì điều đó nó càng phản ánh sự khủng hoảng của xã hội. Ở Việt Nam, đời sống tâm linh, văn hóa,  tín ngưỡng hiện cũng đang rơi vào trạng thái nhiễu  loạn. Cho nên nếu chúng ta chấp nhận và coi là một nét truyền thống, bình thường, hướng về cội nguồn , gia đình, tổ tiên, theo cái nghĩa như vậy thì nó còn giữ được sự lành mạnh tương đối. Còn cái gì nếu quá lên đều gây phản cảm, phản tác dụng. Tôi không dám khuyên bảo mà chỉ muốn đưa ra một cảnh báo với nhiều người rằng, chúng ta nên hành xử đúng nhu cầu, điều kiện đồng thời đảm bảo sự “an toàn văn hóa” của mình.

Còn với tư cách một cá nhân có ảnh hưởng xã hội mà anh thực hành văn hóa theo vị thế “hình mẫu” mà anh lại làm sai, thể hiện sự lố bịch thì tác động cũng không nhỏ. Mỗi cá nhân phải tự ý thức mình trong khung khổ hợp lý, đồng thời những cá nhân trong nhóm có khả năng gây ảnh hưởng đến xã hội ví dụ như quan chức, người nổi tiếng thì cũng phải có ý thức rằng ngoài chuyện riêng tư cá nhân thì những hành độ của họ còn có tác động xã hội.

PV: Nhưng thưa giáo sư, các quan chức, người nổi tiếng ngoài vị trí và sự ảnh hưởng xã hội của họ thì với tư cách cá nhân họ cũng có đời sống tín ngưỡng, tâm linh của mình. Phải chăng họ phải đặt những điều đó sang một bên để giữ gìn hình ảnh của mình?

GS.TS Trần Ngọc Vương: Đó không chỉ là chuyện giữ hình ảnh đâu mà có những cái sâu xa nữa. Nhà triết học Trung Quốc cổ đại là Mạnh Tử có nói với học trò của mình một điều tưởng như đơn giản nhưng lại sâu sắc rằng :  Không phải quỷ thần của nhà mình mà lễ lạt khấn vái thì là xiểm nịnh. Quỷ thần của người khác anh xin cái gì? Cho nên tôi quan sát thấy ở ta đã có những biểu hiện của “tham nhũng tâm linh” nữa cơ. Với tư cách một người làm nghiên cứu thì tôi thấy đây là một hiện tượng thú vị cần tìm hiểu. Chẳng hạn tại nhiều cơ sở tôn giáo tôi đã chứng kiến chuyện người ta ưu tiên cho các quan chức nào đó chẳng hạn, rồi chuyện họ công khai dọc danh tính của rất nhiều quan chức với nhiều chi tiết liên quan. Tôi không biết nhu cầu tâm linh của họ hợp lý đến đâu, có thật đến đâu nhưng việc xướng tên các quan chức, rồi sắp xếp danh sách các quan chức ấy trước những người dân bình thường khác. Chuyện ưu tiên cho quan chức mọi thứ về mặt hành lễ trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là chuyện có thật và nên coi đó là một sự tham nhũng về văn hóa tâm linh.

Cái khuyết điểm ở đây thuộc về những người trong cuộc, của cả người muốn được cầu cúng và người cầu cúng hộ. Với tư cách người phụ trách một cơ sở tín ngưỡng, tâm linh văn hoá thì đòi hỏi anh phải có những hành xử cũng đúng chuẩn mực văn hoá. Khổ nỗi nhiều người chủ trì, chủ quản một cơ sở văn hóa, tâm linh có uy tín hoặc có lời đồn là uy tín cũng sẵn sàng, thậm chí DỖ những người có chức, quyền để được xướng tên người đó trong hành lễ như một sự bảo trợ cho cơ sở của mình. Những cái đó chẳng hay ho, tốt đẹp gì cả. 

Trong xã hội mà khuôn mẫu hành vi tính chất NHÂN TRỊ của văn hoá không phải PHÁP TRỊ cao như ở nước ta thì sự gương mẫu của những người có vị trí xã hội là một đòi hỏi mang tính BẮT BUỘC. Vì thế mỗi người trong vị trí của mình phải ý thức hành xử như thế nào cho nó phù hợp với tư thế văn hoá của mình.

PV: Xin cảm ơn ông !

 

Tr.Sơn (thực hiện)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528737

Hôm nay

2118

Hôm qua

2275

Tuần này

21010

Tháng này

215433

Tháng qua

0

Tất cả

114528737