Khách mời văn hóa

GS Ngô Bảo Châu: "Đó có lẽ là một tình yêu quá lớn"

 “Hai ngày liền tôi không ngủ, lúc nào trong đầu cũng có một mạch điện chập liên tục, cứ lóe từ bên này sang bên kia. Lại có lúc, tôi dừng khựng xe một cách vô thức trên đường cao tốc…” - Tròn mười năm sau ngày được xướng tên, người Việt Namđầu tiên nhận giải thưởng Fields vẫn lưu giữ bầu ký ức tươi nguyên về những khoảnh khắc bừng sáng của niềm vui khám phá, cả những thời điểm khắc nghiệt của sáng tạo.

10 năm, thế giới đã thay đổi quá nhiều, theo chiều hướng tốt lên và cả xấu đi theo cách mà chúng ta không ngờ nhất, liệu có cách giải nào cho “bài toán thế kỷ”?

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Vũ Khánh Tùng

 

“Tôi từng có một thế giới nhỏ thuần khiết”

Nếu không phải vì sự kiện trọng đại này thì một thập niên đối với ông thường là dài hay ngắn?

- Thường thì tôi ít quan tâm đến việc kỷ niệm sự kiện theo số năm chẵn, nhưng lần này thì nó có ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa lớn đấy! Vì nó khép lại một giai đoạn và mở ra một giai đoạn khác trong cuộc đời mình. Cảm giác vui, dễ chịu vì sau vô vàn khó khăn có những kế hoạch đã hoàn thành, có những kế hoạch mới mở ra. Khó mà nói 10 năm là dài hay ngắn, nhưng đây đúng là 10 năm đáng kể trong cuộc đời với những dịch chuyển lớn.

Điều đó gần như cũng đúng với chặng đường 10 năm qua của toán học Việt Namkể từ sau cái mốc khó quên kia: Fields, Ngô Bảo Châu, Bổ đề cơ bản... Nó rõ ràng đưa tới sự ưu tiên, thay vì những bàng quan trước đó ?

- Quả là đã có một sự thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tốt lên thấy rõ cho khoa học cơ bản nói chung và toán học VN nói riêng. Trong suốt một thời gian khá dài, mặc dù có tiềm lực rất lớn nhưng bức tranh phát triển của toán học VN vẫn khá là bi đát, mọi thứ đều đi xuống, các bạn trẻ không buồn học toán, để lại một khoảng trống thế hệ rất lớn. Những nỗ lực từ trong và ngoài nước như chương trình Formath Vietnam - cây cầu nối giữa toán học Pháp và VN nhằm giúp đỡ các nhà toán học trẻ VN (được khởi xướng từ 1996 và tôi cũng được mời tham gia từ năm 2003) là cùng nhằm mục đích tạo một sinh khí mới cho toán học Việt Nam. Từ chương trình này, và một vài chương trình tương tự, hàng trăm bạn trẻ VN đã có cơ hội hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở châu Âu và bây giờ trở thành những nhà toán học thực thụ, những thành viên tích cực của cộng đồng toán học VN. Về sau này thì nhiều bạn trẻ không còn thực sự cần đi qua cây cầu ấy nữa nhưng đó phải nói là những bước khai phá đầy ý nghĩa.

Một thời điểm vô cùng quan trọng là năm 2007, khi VN lần đầu tiên đăng cai tổ chức Olympic Toán học quốc tế (IMO). BTC đã huy động rất nhiều tài năng toán học của VN từ các nước về để tham gia vào một lực lượng chấm thi rất hùng hậu gồm 60 nhà toán học (rất tiếc lần đó tôi không về được). Cũng chính trong không khí đó mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là GS Nguyễn Thiện Nhân đã khích lệ cộng đồng toán học xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học.

Hy vọng chương trình được phê duyệt dường như lớn lên khi ở nhà bắt đầu nghe phong thanh tôi có thể là ứng cử viên được nhận Huy chương Fields. Thế rồi 2 ngày trước khi có thông tin chính thức, đề án xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về toán học mà hạt nhân là Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã được Chính phủ phê duyệt. Với toán học VN và cá nhân tôi thì đó là một sự kiện vô cùng quan trọng mở đầu cho chặng đường phát triển mới của toán học VN.

Và cho đến ngày hôm nay thì như bạn thấy đấy, chỗ chúng ta đang ngồi là trụ sở mới khang trang của VIASM. Toán học Việt Nam đã vững mạnh hơn so với 10 năm trước. Chúng ta có thể mong đợi hy vọng những bước phát triển có tính đột phá trong 10 năm tới.

Giáo sư Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ năm 2010. Ảnh: AFP

Biết tin mình được giải Fields vào 6 tháng trước khi tin vui được công bố, ông làm sao có thể “sống yên” được trong nửa năm với một bí mật lớn đến vậy?

- Cảm giác khó khăn nhất là lúc vừa nhận tin. Khi đó tôi đang thỉnh giảng ở ĐH Columbia thì có một cuộc điện thoại gọi tới phòng làm việc của tôi (lúc đó tôi còn chưa dùng điện thoại di động). Thật ra thì trước đó tôi cũng đã linh cảm mình có một cơ hội, vì công trình đó khá có được tiếng vang trong cộng đồng toán học, nhiều người cũng nói có khả năng cao, thêm việc tôi được chọn đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể của Hội nghị… Thế nhưng lúc nhận được tin, tôi đã rất bồn chồn, tôi lo đến mức bụng đau quặn lên, phải đi bộ vòng quanh trường mất cả tiếng mới trấn tĩnh lại được. Lý do rất đơn giản: tôi hiểu là cuộc sống của tôi sẽ thay đổi rất nhiều từ đây. Trước đó, tôi hoàn toàn thuần túy là một nhà khoa học, cuộc sống của tôi diễn ra rất hẹp trong phạm vi gia đình và cái văn phòng làm việc tại trường, hàng tuần có vài cái seminar, tiếp xúc với sinh viên, đồng nghiệp… Một thế giới rất nhỏ, hạn chế nhưng thuần khiết, không phải động chạm nhiều tới xã hội…

Có thể gọi nó là tháp ngà được không?

- Nó là một dạng tháp ngà đấy! Lúc đó tôi tự hỏi, liệu mình có nên từ chối giải thưởng không, tôi không muốn thay đổi cuộc sống của mình, tôi chưa có lý do để muốn thay đổi điều đó. Rồi thì muốn hay không muốn, trong một thời gian ngắn hoặc dài, tôi sẽ thành một người của công chúng, lên báo lên chí, tôi chưa bao giờ thích chuyện đó cả. Nhận giải thưởng, cũng có nghĩa tôi nhận trách nhiệm như một người cầm cờ cho toán học VN. Nên nếu tôi từ chối vinh dự và trách nhiệm đó thì như là tôi đang phản bội lại tất cả những cố gắng của các thầy cô đã có công dung dưỡng mình. Câu hỏi đó vậy thôi không đặt ra nữa, nhưng quả thực tôi rất là lo. Vì vai trò đó quá lớn so với những gì tôi chuẩn bị trước đó…

Lo đến nỗi át cả mừng sao? Cảm giác nào rõ hơn?

- Vâng, thật ra tôi không mừng đâu, quả thật là không mừng. Tôi cũng hơi lạ về cảm giác đó ở mình, vì thái độ của tôi về sự vinh dự có lẽ là hơi khác người. Tôi luôn nghĩ rằng mình phải trân trọng những vinh dự đó, nhưng có lẽ sự phấn chấn nó đã xảy đến ở những thời điểm khác, trước đó. Lúc mình làm ra, giải quyết một vấn đề. Hay lúc mình chia sẻ với đồng nghiệp. Thì đó là những niềm vui thực sự. Còn lúc vinh dự đến thì nó liên quan đến trách nhiệm hơn. Và mình chấp nhận đó. Cái gì nó liên quan đến tổ chức xã hội, mình cảm thấy sự cần thiết của nó, giá trị của nó, thì mình chấp nhận nó một cách trân trọng, nhưng vui mừng thì không. Không phải lúc ấy.

 

“Tôi có lúc như chơi cờ mù”

Những vui mừng trước đấy diễn ra ở thời điểm nào?

- Nó có nhiều thời điểm khác nhau vì đây là công trình rất lớn, nhiều tầng lớp, nên là mỗi một bước khám phá, chạm được vào nó, mình vui lắm.

Nó có gần giống cái cảm giác: Giáp Tết thì thường vui hơn Tết?

- Tôi vẫn nhớ hồi còn bé ở Hà Nội thì đúng là tôi thường có cảm giác đó thật. Nhưng những niềm vui trong khoa học nó khác lắm. Nó xảy ra rất bất ngờ sau một quá trình mình đã cố gắng rất là lâu và bền bỉ, rồi nó chợt bùng lên, đó thực sự là một cảm giác rất đặc biệt.

Khi tôi bắt đầu làm luận án Tiến sĩ thì ông thầy của tôi, GS Gérard Laumon, cũng đưa ra một bài toán rất gần với bài toán Bổ đề cơ bản sau này. Khi đó tôi đã giải quyết được bài toán đó bằng một phương pháp mới và do đó tôi hy vọng có cơ hội tiếp cận bài toán lớn kia. Nó giống như khi mình leo lên một quả đồi và nhìn thấy quả núi rất là to. Nhiều khi nó là một trực cảm, còn nó vừa với sức mình hay không thì chưa biết.

Năm năm sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, khi tôi bắt đầu có ý định mông lung về bổ đề cơ bản, tôi bỗng có một quyết định dứt khoát, là ngay lập tức thông báo cho những cộng sự của tôi là tôi ngừng cộng tác với họ, tôi sẽ thoát ra khỏi đó để tập trung cho bài toán mình muốn làm. Đó phải nói là một quyết định khá cực đoan vì những công trình khoa học mà tôi đầu tư trước đó đang phát triển tốt. Lý do đơn giản là tôi không muốn mất thời gian suy nghĩ cho vấn đề đó để quay lại với bài toán tôi từng nghĩ tới từ hồi làm luận án tiến sĩ.

Đúng lúc đó thì tôi đọc lại một bài báo nổi tiếng, lúc đầu thì thấy nó bình thường, nhưng đến một lúc, tôi chợt hiểu đấy chính là cái tôi tìm, chính là cái mô hình cho phép tôi có thể áp dụng cái ý tưởng tôi từng có. Và tôi nhớ khoảnh khắc đúng là niềm vui của sáng tạo khi tôi đang làm việc trong một Viện nghiên cứu ở Pháp. Phát hiện đó tuy rất đơn giản, nhưng nó làm sáng tỏ nhiều điều mà tôi chỉ hiểu một cách mù mờ trước đó. Phát kiến toán học đôi khi là thế, nó là một cái gì đó rất đơn giản nhưng nó như là mở mắt mình trong rất nhiều vấn đề khác bằng cách trổ ra một cửa sổ mới và xếp đặt lại một trật tự mới.

Đấy là khoảnh khắc đầu tiên khiến tôi bắt đầu cảm thấy vững tin vào con đường mình chọn. Rất nhiều cái trước đó mà tôi muốn nghiên cứu đang phức tạp rối rắm thì vào ngày hôm đó bỗng trở nên ngăn nắp rõ ràng.

Sự ngăn nắp ấy về sau có bị xáo trộn?

- Hè 2003, tôi có một thời gian làm việc khá dài cùng ông thầy của mình, GS Gérard Laumon tại Viện Toán học VN. Tôi lại cũng trao đổi với ông khá là hào hứng về cái phát kiến đơn giản kia của mình nhưng bản thân ông ở thời điểm đấy cũng còn bán tín bán nghi về nó. Lúc đó, ông thầy tôi cũng đang nghiên cứu vấn đề đó trong một trường hợp đặc biệt, và tôi đã thuyết phục bằng được ông thử dùng cách nhìn mới của tôi để giải quyết bổ đề cơ bản trong trường hợp đặc biệt đó. Thế rồi rất nhanh, khi về lại Pháp, trong suốt 2-3 tháng trời ngày nào tôi cũng trao đổi với ông 2-3 tiếng, lúc đó còn chưa có máy tính, không có zoom, tất cả công thức hoàn toàn chỉ nói qua điện thoại, không có bảng, không có giấy bút…, giống như là chơi cờ mù vậy.

Và tôi nhớ thời điểm thứ 2 bùng nổ ấy là lúc tôi đang lái xe ra sân bay đón bố tôi sang chơi. Lúc đó bỗng có cái gì xảy ra trong đầu, tự nhiên tôi bỗng hình dung ra chứng minh điều đó nó sẽ như thế nào. Cái hình dung đó nó bừng sáng đến mức làm tôi dừng khựng giữa đường cao tốc, không đi nổi nữa. Dừng xe một cách vô thức, vì sướng quá.

Ông mất bao lâu để bừng tỉnh? Một tiếng còi?

- Không, người ta bóp còi nhiều đấy! (cười)

Còn lần nào ông… gây ách tắc giao thông nữa không?

- Lần này thì tôi được mời tới Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Mỹ), cho một chuỗi bài giảng trong suốt mùa thu 2007. Thì lúc đó quả là tâm lý của mình rất là xung đột, vì cái viện nghiên cứu đó giống như một giáo đường linh thiêng của toán học và những người nghe mình trình bày là những bộ não uyên bác nhất của toán học thế giới ở thời điểm đó, những người mà trước đó tôi chỉ ngưỡng mộ, chứ chưa bao giờ tiếp xúc. Họ cứ thế ngồi nghe tôi suốt cả một mùa thu một cách rất thích thú và tất cả đều tin tưởng con đường đi của tôi là đúng. Chỉ duy nhất 1 người, là không.

Ai vậy?

- Là tôi. Sau thành công đã có, trong thâm tâm của tôi lúc đó tự dưng bắt đầu có chút ngờ vực về con đường đi của mình. Vì trong suốt 3-4 năm tôi cố gắng bằng mọi cách để giải quyết bài toán rộng hơn, bài toán phổ quát, nhưng tôi không làm được. Mình cảm thấy tất cả những gì mà con người ta có thể thử, mình đều đã thử hết, không để sót bất kỳ một khả năng nào mà nó vẫn không ra. Mình có một niềm tin mãnh liệt là nó phải đúng nhưng không sao chứng minh được. Giống như là khi mình nấu ăn mà bị thiếu đi một nguyên liệu không thể thay thế vậy, nhưng không thể tìm thấy.

Thì đây thực sự là một may mắn, ngoài cố gắng, tài năng… Giữa chuỗi bài giảng, trước những người nghe uyên bác ấy, có lần tôi đã hỏi một người trong số họ. Rằng đã bao giờ trong một trường hợp đặc biệt hay một cái ví dụ nào đó mà một câu hỏi như vậy đã được giải đáp hay không; một câu hỏi có lẽ thiên về phần kỹ thuật mà tôi cảm thấy đó chính là chỗ tôi vướng mắc… Thì rất bất ngờ là ông ấy bảo là ông có, có một trường hợp như thế, một điểm thắt mà ông ấy từng có một nghiên cứu từ 20-30 năm trước, nhưng vì nó quá đơn giản nên ông chưa bao giờ công bố cái tính toán đó. Rồi một tuần sau ông ấy quay lại với bản nháp tìm được và ngay lập tức tôi hiểu rằng đó chính là mẩu nguyên liệu cuối cùng mà tôi thiếu. Mặc dù lúc đó hoàn toàn là trực cảm thôi. Nhiều khi làm toán cần rất nhiều trực cảm. Kể cả mình chưa xây được nhà nhưng mình đã thấy rõ với ngần ấy nguyên liệu mình có thể xây được.

Đấy là viên gạch cuối cùng?

- Nó là cái mạch vữa cuối cùng, không có cái mạch ấy, tất cả mọi thứ trước đó có thể sụp đổ. Và sau đấy hai ngày liền tôi không ngủ, lúc nào trong đầu cũng có một mạch điện chập liên tục, cứ lóe từ bên này sang bên kia. Dù lúc đó chưa có một chứng minh đầy đủ nhưng tôi đã gần như chắc chắn về cơ bản, mình sẽ chứng minh nó như thế nào.

Tới mùa thu 2008, tôi bỗng tìm ra một lỗ hổng trong bài viết hơn 300 trang của tôi, lúc đó tôi tin tưởng mình đúng nhưng có một chỗ nào đó, cách mình làm là sai. Đó là một khoảng thời gian rất căng thẳng. Làm toán có những chỗ rất an toàn, kiểu gì cũng ra những công cụ đã được tìm thấy nên khó mà sai được, nhưng đây là một công trình hoàn toàn mới, thì gần như là mình đi bên cái rìa của những cái đã biết, rất là dễ sai, chỉ cần bước hụt một cái là sẽ rơi xuống vực. May mắn là cuối cùng tôi cũng đã tìm được lỗ hổng đó.

 

“Giờ thì tôi đã vững tâm trở lại”

Tôi cảm thấy ông vật lộn với Bổ đề cơ bản giống như… người Ai Cập cổ đại xây Kim tự tháp vậy, những tảng đá thật nặng được bẩy lên cao đôi khi lại chỉ bằng một phương pháp rất đơn giản nhưng để nghĩ ra nó, thực sự tin vào nó, kiên định với nó, thì lại không hề đơn giản?

- Đúng như thế, mà cũng không hẳn thế. Thật ra có những lý thuyết toán học rất là mạnh, đã được xây dựng, mình có thể sử dụng, có thể lấy đó làm điểm tựa của mình. Thế nhưng có những chỗ nó như là đồng không mông quạnh, mình phải dựng từ đầu, thì đó là những chỗ rất nguy hiểm, mình không biết đâu là đúng đâu là sai. Rằng, cái trực quan có thể đánh lừa mình, có thể là nó đúng rồi đấy, nhưng cách lập luận của mình có thể là sai, thì lúc đó tôi phải dò dẫm rất nghiêm cẩn.

Tức là ông đang đi trên một con đường mà vết xe đổ nếu có thì chỉ có thể là do mình gây ra?

- Một con đường mà có nhiều người đi rồi thì nó đã thành đại lộ, nói chung là mình sẽ được an toàn vì nó sẽ có những biển chỉ dẫn. Đây, mình hoàn toàn không có biển chỉ dẫn và có thể bị rơi vào hố bất kỳ lúc nào và phải tự leo lên.

Thì đấy là những thời điểm mà niềm vui nó lớn hơn nhiều so với niềm vui được vinh danh. Tất nhiên không phải được vinh danh là không vui, nhưng cái niềm vui trước đó, nó rất khác. Ở những thời điểm mà tâm lý nó còn hỗn mang, phức tạp, cái niềm vui nó lớn hơn nhiều.

Tôi từng được nghe ông nói về cảm giác trống rỗng sau khi xong việc với Bổ đề cơ bản. Ông mất bao lâu để ra được khỏi đó?

- Cảm giác đó kéo dài khá lâu. Đúng là như vậy, về mặt khoa học, mình cảm giác trống rỗng, dường như toàn bộ kiến thức mình đã dùng hết rồi, đã dồn hết mình cho nó rồi. Tất nhiên mình vẫn có thể tiếp tục cái công việc đó, mình có thể viết thêm bài, mở rộng nó…, thế nhưng mình không cảm thấy một chút thích thú nào trong việc đó.

Chính xác là từ năm 2010, tôi gần như phải xây dựng lại con đường khoa học của mình. Tất nhiên trước đó mình cũng đã có một hiểu biết khá rộng rồi nhưng giờ thì cần phải mở rộng nó hơn, tất cả những gì trước đây mình không biết thì giờ mình phải học hết, không chỉ học mà còn phải thành thục.

Ông có đồng ý với câu: Vòng nguyệt quế đôi khi cũng chính là sợi dây thòng lọng?

- Không, tôi không thích câu đấy, nhưng đúng là nó cũng có những “cạm bẫy” nhất định, đúng không, những sự phân tâm, có thể làm mình bị sao nhãng đi việc chính. Chẳng hạn như có thể hoàn toàn bị cuốn đi vì những công việc xã hội, như tham gia chương trình toán học này, xây dựng Viện Toán cao cấp này… Giờ thì nó đã định hình rồi, vận hành tốt rồi, nhưng trong quá trình 10 năm ấy, không biết bao nhiêu việc không tên khác, rất là tốn thời gian. Trong khi khoa học, nếu như ngày nào đó mình không nghĩ đến nó thì nó sẽ bị tuột đi.

Thật ra, đối với những người làm khoa học chân chính thì khi không còn được làm khoa học như họ mong muốn thì đó là cả một sự đau khổ thực sự, day dứt thực sự. Giải thưởng Fields, nó không phải trao cho một sự nghiệp khoa học mà là một công trình khoa học đặc biệt nên tác giả của những công trình đó gần như là đã dành toàn bộ vốn liếng, con người của họ trọn vẹn vào đó rồi, rất khó để xây lại một con đường mới lớn hơn, trong khi còn kèm theo là những trách nhiệm xã hội khác. Sẽ dễ vượt qua hơn nếu như làm nhiều công trình, có thể không có cái nào nổi bật hẳn lên, nhưng những người đó, họ sẽ giữ nhịp giỏi hơn mình, nếu như không làm cái này thì họ sẽ đi làm cái kia, họ có nhiều “vũ khí” cho nhiều cách làm toán khác nhau hơn…

Còn ở ông, là một tình yêu quá lớn?

- Có lẽ vậy. Có lẽ là như thế. Nhưng may mắn là sau rồi mình cũng hiểu được mình phải đi tìm một con đường mới, rất nhiều thứ phải học lại từ đầu. Cái cũ có hay đến đâu thì đến một lúc nào đó, tốt nhất là mình nên chuyển sang cho người khác, đối với mình thì cũ nhưng với người ta thì mới, khi làm được thì niềm vui của họ sẽ lớn hơn nhiều.

10 năm qua, tôi dành khá nhiều thời gian làm việc với các nghiên cứu sinh, tôi thường giao cho họ nghiên cứu những vấn đề mà tôi quan tâm dù bản thân tôi không phải là chuyên gia. Kể ra nếu tôi là chuyên gia thì sẽ dễ hơn, an toàn hơn cho tôi nhưng khi không phải thì nó có cái thú vị là mình được cùng các bạn trẻ khám phá ra một hướng mới, hiểu biết thêm các ngành khác mới. Nó là một quá trình vừa dạy vừa học, không phải lúc nào cũng thành công nhưng luôn thú vị. Giờ thì tôi đã vững tâm trở lại về triển vọng khoa học của mình, lúc nào cũng có thể có những bài toán mới, những hướng nghiên cứu mới.

10 năm vừa rồi là một thời gian bản lề đối với cá nhân tôi cũng như Viện Toán cao cấp, trong cố gắng mở rộng hướng nghiên cứu, kỹ thuật nghiên cứu khác nhau, xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng lòng tin... 10 năm tới, sẽ không cần thiết phải mở rộng nữa mà phải đi sâu hơn, cao hơn. Đấy thực sự là khát vọng của tôi cho nền toán học VN.

 

“Quản trị xã hội ở VN đã tốt lên rất nhiều”

Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác ông hợp với Pháp hơn là Mỹ?

- Có lẽ là thế. Chắc sau này có thể mình sẽ không ở Mỹ lâu nữa, mặc dù mình cũng rất thích Mỹ, một đất nước thật nhiều xung đột nhưng thực sự vẫn là một đất nước vĩ đại. Nhưng có lẽ là nó quá dữ dội so với bản tính của mình. Pháp nhìn chung hiền hòa hơn.

Ông có định quay về Pháp?

- Chưa biết được nhưng có lẽ là sẽ. Tôi luôn thích về Pháp, vì về mặt khoa học cũng như tình cảm mà nói, tôi vẫn là một thành viên của cộng đồng khoa học Pháp, phần lớn công việc của tôi vẫn gắn liền với nhiều cộng sự ở Pháp mà trong đó nhiều trụ cột vốn là thầy giáo và những bạn bè đồng nghiệp thân thiết của tôi, những người đã rất tiếc khi tôi sang Mỹ và luôn mong tôi về lại… Thật ra là giờ mình cũng bắt đầu về Pháp nhiều hơn, vì cách đây mấy tháng mình vừa nhận vị trí GS thỉnh giảng thường xuyên tại trường ĐH Collège de France.

Nhưng hành trình quay lại khá là lận đận: Ngay sau hôm ông bắt đầu bài giảng đầu tiên thì Paris… phong tỏa vì COVID-19? Cảm giác của ông lúc đó?

- Kế hoạch lẽ ra sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, trước khi tôi quay trở lại ĐH Chicago nhưng đùng một cái, COVID. Cảm giác của tôi lúc đó phải nói là hơi bực mình vì đã mất bao công chuẩn bị, tôi quả thật hụt hẫng, không biết làm sao lúc đó. Nơi ở tôi được bố trí là một căn hộ studio ở trung tâm, thường ra thì sẽ rất tiện lợi, nhưng khi phố xá bị phong tỏa, hàng quán trường học đóng cửa, ngày ngày một mình giữa bốn bức tường, chắc tôi điên mất. Cũng may sau đó có một cộng sự thân thiết đã bố trí giúp tôi một căn hộ ngoài thiên nhiên ở ngoại ô, ít ra còn có cây cối mà… trò chuyện (cười). Rồi dần cũng có đường bay trở lại và tôi quay về Mỹ.

COVID-19 xuất hiện khiến mọi thứ chung quanh bỗng chốc đông cứng lại, cuộc sống dường như thu nhỏ hơn, nó có khiến tâm thế sống của ông thay đổi?

- Về mặt tiêu cực của nó thì ai cũng đã nhìn thấy rồi, nhưng một mặt, tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ lại về cuộc sống của mình, rằng có nhất thiết phải như trước nay không. Ừ thì cuộc sống giờ đây có thể trở nên nhàm chán hơn, ít màu sắc hơn: bớt được tụ tập bạn bè, quán xá hay đi du lịch… Nhưng chính ra, đây lại là lúc cho ta thấy đời sống thật ra có nhiều lựa chọn hơn ta tưởng, khi có rất nhiều thứ có thể làm khác đi không nhất thiết phải như trước. Và ngoài ra, còn bao nhiêu vấn đề quan trọng khác của đời sống như môi trường, chất lượng sống… cũng đều cần thiết trả lời câu hỏi đó: Có nhất thiết phải như trước, khi mà vẫn có thể có những cách làm khác, đơn giản hơn mà hiệu quả hơn? Có phải lúc nào cũng cần đặt cạnh tranh lên hàng đầu hay không, có phải lúc nào cũng phải đặt mình vào thế thắng trong mọi cuộc đua hay không, trong khi nó là cái thua của toàn xã hội: là xung đột, là biến đổi khí hậu…

Khi chia sẻ về câu chuyện chứng minh Bổ đề cơ bản cũng như về tâm thế lựa chọn thời COVID, ông thường rất hay dùng từ “hóa ra rất đơn giản”. Ông có nghĩ một trong những bi kịch của con người chính là họ luôn mất quá nhiều thời gian để… phức tạp hóa mọi chuyện?

- Con người ta sống được là nhờ có định kiến, nhưng đấy cũng là bi kịch. Con người có vô vàn định kiến, có những định kiến chấp nhận được, nhưng đa số là sai lầm, rằng phải thế nọ thế kia, thì mới được coi là đúng chuẩn. Khi mình sống bằng định kiến thì mình sẽ không nhìn thấu được hết mọi chuyện, không biết đặt ra những phản đề như tại sao lại phải sống theo những định kiến đó, chỉ vì đa số đều thế, vì “người ta bảo rằng, họ bảo rằng…”; vì chẳng phải nghĩ gì cả, cứ theo số đông mà làm thôi…, đúng không? Thường thì trẻ con mới hay hỏi thế, sao phải thế nọ mà không là thế kia, nhưng với những cơ hội như COVID, tôi nghĩ người lớn chúng ta cũng nên học con trẻ câu hỏi đó.

10 năm, ấn tượng VN trong ông diễn tiến thế nào?

- Theo dõi và chứng kiến cách VN kiểm soát và dập dịch Covid, tôi nhận thấy trình độ quản trị xã hội ở VN, về cơ bản, đã tốt lên rất nhiều. Còn nhớ, ở thời điểm 2003-2005, khi tôi bắt tay xây dựng các khóa đào tạo master trong khuôn khổ chương trình Formath Vietnam, chỉ là những khóa học nhỏ cho khoảng hơn hai mươi em, nhưng phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc họp, cuộc họp nào cũng 9 người 10 ý, hầu hết lạc đề, không đi đến đâu, không biết đằng nào mà lần. Nhưng một vài năm trở lại đây, khi tham gia một số cuộc họp tại VN, tôi đã thật sự ấn tượng về chất lượng cuộc họp, thái độ tham dự, các ý kiến đưa ra đa phần là sắc nét…

Từ 2010 đến nay, khi có cơ hội tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với các bạn nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài nhưng đã chọn trở về VN, tôi rất mừng vì nhìn thấy đang có một lực lượng các bạn trẻ trong nước thực sự có kỹ năng, làm việc có trách nhiệm. Tôi hy vọng từ đây sẽ xây dựng được những nhóm nghiên cứu mới chưa có ở VN, những công trình toán học được thực hiện ở VN có thể vươn ra được thế giới.

Có lời chúc rằng còn những 5 bài toán thế kỷ vẫn đang chờ ông?

- Ồ không, bài toán đó nếu có thì phải do tự mình xây nên chứ sao lại do người khác chọn giúp mình!

10 năm, 1 mái đầu ngả bạc trước tuổi, duy nét cười thư sinh thì vẫn xanh mơ, ông thấy mình già đi hay trẻ hơn?

- Già đi nhiều chứ, trẻ mãi làm sao được! (cười)

Xin cảm ơn Giáo sư!

THỦY LÊ thực hiện

Nguồn: https://laodong.vn

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496455

Hôm nay

2237

Hôm qua

2310

Tuần này

21236

Tháng này

213848

Tháng qua

120308

Tất cả

114496455