Khách mời văn hóa
Phong tục có thể thay đổi nhưng cảm thức về Tết vẫn vẹn nguyên
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Nhân dịp Tết sắp tới, VHTTNA đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (NNCVHDG) Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Đại học học Quốc gia Hà Nội về những thay đổi trong cảm thức và phong tục đón Tết ngày nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VHTTNA: Thưa ông, xưa và nay người ta chờ đón cái Tết như thế nào? Có gì khác nhau không?
NNCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Tết Nguyên đán là thời điểm kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới, và theo thói quen dân gian, nó bắt đầu tính cho một mùa mới trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Với các chính thể quản trị xã hội ngày trước, Tết cũng là thời điểm bắt đầu một năm thực thi các kế hoạch vận hành hoạt động cho quốc gia. Với từng con người, Tết thức dậy tâm thức cá nhân về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, không những trong tính chu kỳ, mà quan trọng hơn là trong thời gian một đi không trở lại.
Theo trục không gian, các cụ xưa nói, Tết cả là thời điểm giao hòa Thiên - Địa - Nhân là như vậy. Nguyễn Trãi, khi ẩn dật ở Côn Sơn, ngẫm nghĩ nhiều về thế thái nhân tình mà vẫn mang tâm thức: "Chong đèn chực tuổi cay con mắt". Thật là tâm trạng.
Trong tâm thức của một cộng đồng, theo trục thời gian, thì Quá khứ - Hiện tại - Tương lai bừng lên trong Tết. Người ta ôn cố - uống nước nhớ nguồn; người ta tri tân, ngẫm ngợi về những gì được mất hôm nay; người ta kỳ vọng, hướng đến những dự định tốt đẹp cho ngày mai.
Trong xã hội, theo trục văn hóa, Tết là thời điểm bùng nổ sắc màu, âm thanh, vũ đạo: sửa sang, trang trí, lễ hội, trình diễn, giao tiếp, ứng xử đẹp trong dịp Tết. Vẫn con người đời thường ấy, Tết cuốn họ vào một festival cộng đồng sôi động và tử tế.
Đó là những tâm thức tạo nên những gì bất biến trong sự vận động bất định của thiên nhiên và con người.
Không thời nào giống thời nào cả. Giống nhau là không vận động và phát triển. "Xưa" là dằng dặc mà "nay" chỉ là thời điểm mà thôi. Sự khác nhau mới làm nên cái gọi là văn hóa, là đặc tính của vận động và phát triển văn hóa.
Người Việt Nam từ xưa, dẫu đều là "đón Tết", nhưng "ăn Tết", "chơi Tết", "vui như Tết" thì ít mà "lo Tết", "chạy Tết", "xoay Tết" thì nhiều. Nhìn quá khứ quốc gia - dân tộc từ vài ngàn năm trở lại qua tài liệu cổ sử, tài liệu khảo cổ học, tài liệu địa văn hóa, ta thấy cái gam màu nổi bật lên đó là cái sự NGHÈO. Có phong phú về bản sắc thật nhưng rất là khiêm tốn về thành quả.
Với Tết, tâm lý ai và thời nào cũng hồ hởi đón đợi cả thôi, nhưng thế hệ chúng tôi, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, vui thì ít mà lo buồn thì nhiều. Nhìn xóm làng lo Tết trong mùa giáp hạt, nhìn cha mẹ xoay xỏa bó chè, cân nếp, tấm áo, manh quần cho con cái mà thấy lòng tức tưởi. Radio đem đến niềm vui "tin chiến thắng" nhưng trong một không khí phảng phất tin đồn về các anh chị đi chiến trường ai hy sinh, ai bị thương. Trong cái rét cuối năm, chúng tôi đi thăm từng gia đình quân nhân bặt tin con cái. Nước mắt chan hòa.
Bây giờ thì khác lắm rồi, vẫn còn một số người nghèo nhưng đã bớt âu lo, buồn khổ gấp nhiều lần. Biết thế thì càng hiểu hơn cái hạnh phúc hôm nay mà chúng ta có được.
VHTTNA: Nhưng mỗi thời nhu cầu mỗi khác. Khi nhu cầu chưa được đáp ứng thì sự vui Tết nó sẽ giảm đi nhiều, phải không ông?
NNCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Niềm vui là gì nhỉ? Hay nói rộng hơn, hạnh phúc của con người là gì? Theo tôi, hạnh phúc chính là một trạng thái tâm lý tích cực nó bừng lên vào thời điểm con người đạt được một kỳ vọng nào đó. Đó là những kỳ vọng nhân bản về điều kiện kinh tế, tiện nghi sống và sức khỏe, về sự hiểu biết, về sự tôn trọng và được tôn trọng, về sự sáng tạo và về nhân cách tự do.
Kỳ vọng luôn thay đổi và sự đạt được kỳ vọng cũng rất khó khăn trong sự thay đổi. Bởi thế mới có nhiều quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Sự vận động là bất tận. Cho nên, niềm vui người này khác người khác và hạnh phúc thời này khác thời khác.
Kỳ vọng khi dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như Bác Hồ đã nói là "Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Đó là một thời. Rồi đến lúc: Ai cũng đủ ăn, đủ mặc, đủ điều kiện học hành. Đó là một thời rất gần đây. Rồi sẽ đến: Ai cũng được ăn ngon, mặc đẹp, ai cũng được học hành thăng tiến. Kỳ vọng nó cứ vận động như vậy. Nhưng không bao giờ mọi kỳ vọng cho một cá nhân được đáp ứng hoàn thiện cả. Kỳ vọng đến mức ảo tưởng, vượt khỏi điều kiện thực tế, thì khó mà đạt được. Một người cũng vậy và một cộng đồng cũng vậy. Bi kịch sẽ xẩy ra, nỗi buồn sẽ xuất hiện, ngay cả với Tết. Sự giảm đi niềm vui Tết là nằm ở đó. Nếu bớt đi ảo tưởng thì niềm vui sẽ thiết thực đến với chúng ta. Không gian truyền thông mạng hiện nay vô cùng tiện ích, song, nó cũng đẩy tâm lý "sống ảo" lan tràn khắp nơi. Nhiều bi kịch trong cuộc sống thường nhật cũng như trong vận động lịch sử các cộng đồng sẽ diễn ra như một tất yếu.
VHTTNA: Tết là để đoàn tụ cùng gia đình, bè bạn, xóm làng, tổ tiên...nhưng hiện nay nhiều người chọn Tết để du lịch và họ ăn Tết ở nơi xa. Điều này có làm mất truyền thống Tết Việt hay không?
NNCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Chuyện ăn Tết nơi xa thì thời nào cũng có. Lịch sử nước ta là một lịch sử mở cõi hàng ngàn năm. Trong điều kiện giao thông đường bộ và đường biển ngày xưa, không phải cứ muốn về quê cha đất tổ là thực hiện được. Họ ăn Tết ở đất mới, quê mới: "Gánh theo cả tên làng trong mỗi chuyến di cư". Ngày nay, điều kiện giao thông tốt hơn nhưng con người đi xa hơn, sang các quốc gia khác làm ăn sinh sống. Khoảng cách địa lý rất xa xôi. Cái Tết đất khách quê người đúng là khó mà như ý được nhưng họ sẽ có những cách đoàn tụ riêng của mình. Khi đó tình đồng hương, đồng tộc, đồng văn sẽ thay thế cho gia đình ruột rà, xóm giềng thân hữu. Vả lại thời đại Internet này, khoảng cách xa xôi sẽ được thu ngắn lại.
Nhân dịp Tết để tổ chức một chuyến du lịch cũng là một động thái Tết mới cho những ai có điều kiện. Về Tết với quê nhà cũng là một phương thức du lịch theo nghĩa rộng của nó. Không có gì đáng ngại cả. Nó làm phong phú cuộc sống thêm nhân dịp Tết, nó đóng góp sắc màu vào cái Tết cổ truyền.
Phong tục, tập quán có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mói, điều kiện mới, nhưng cảm thức về Tết, theo tôi vẫn giữ nguyên trong mỗi người Việt Nam chúng ta.
VHTTNA: Tết này, ông mong muốn điều gì nhất?
NNCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Thứ nhất vẫn là sức khỏe. Trải qua ba cái Tết thấp thỏm vì Covid19 là ngấm lắm rồi. Cũng may là chúng ta sớm có "ngoại giao vắc xin" cũng như nhanh chóng chuyển hướng sang "bình thường mới" mà tình hình mở ra như hôm nay. Không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng nữa. Tôi mong một cái Tết an lành cho gia đình và cho mọi người.
VHTTNA: Xin trân trọng cảm ơn những trao đổi của ông. Kính chúc ông và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc!
La Giang (thực hiện)
(Bài đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý Mão 2023)
tin tức liên quan
Videos
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan
Vận dụng phong cách nghiên cứu, học tập lý luận Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay
Thống kê truy cập
114489178
255
2310
2988
216490
120271
114489178