Khách mời văn hóa

Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng

Nghệ An là một tỉnh còn nghèo nhưng đã luôn dành sự quan tâm nhất định đến hoạt động của các bảo tàng ở địa phương. Tuy nhiên, việc làm sao để các bảo tàng hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều khách tham quan và truyền tải được nhiều thông điệp văn hóa đến với công chúng luôn là một thách thức lớn đối với những người làm bảo tàng. Nhân dịp Bảo tàng Nghệ An mời PGS.TS Nguyễn Văn Huy, một chuyên gia hàng đầu về bảo tàng học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, VHNA đã có buổi trao đổi với ông về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng cũng như làm thế nào để các trưng bày bảo tàng có chất lượng hơn. Xin chia sẻ với quý bạn đọc về nội dung cuộc trao đổi này.

PSS.TS Nguyễn Văn Huy xem trưng bày tại Bảo tàng và trao đổi với cán bộ Bảo tàng Nghệ An

Bùi Hào (BH): Là người dành phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp bảo tàng học, ông có thể cho biết các khuynh hướng bảo tàng học trên thế giới phát triển hiện nay như thế nào? Bảo tàng học ở Việt Nam hiện nay đang ở đâu trong bức tranh chung của thế giới?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Theo chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, bảo tàng học lịch sử cũng thay đổi với nhiều khuynh hướng khác nhau. Từ việc chỉ trưng bày các hiện vật cho người ta xem, tìm cái lạ hay đơn thuần thưởng ngoạn đến việc đi sâu nghiên cứu khoa học, vận dụng nghệ thuật cũng như ứng dụng các thành tựu công nghệ vào thực hiện trưng bày như hiện nay là một bước tiến rất dài. Khuynh hướng mới nhất trong bảo tàng học đang được thực hiện ở nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới cũng như được các nhà bảo tàng học đánh giá cao là khuynh hướng xây dựng các trưng bày bảo tàng dựa trên nghiên cứu các mối liên hệ giữa hiện vật với con người, gắn với bối cảnh xã hội, môi trường tự nhiên. Nghĩa là đặt hiện vật, con người và các mối quan hệ liên quan làm trung tâm của trưng bày bảo tàng chứ không phải chỉ lấy hiện vật làm trung tâm như trước đây. Trưng bày bảo tàng là sự kết hợp nhuần nhuyễn và sâu sắc giữa khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Nếu chỉ đặt lên tủ kính những hiện vật vô hồn thì trưng bày bảo tàng cũng chỉ là đưa hiện vật từ trong kho đóng kín, chỉ nhân viên bảo quản được tiếp cận ra cái kho mở rộng hơn cho công chúng mà thôi. Trưng bày bảo tàng hiện nay là làm sao để hiện vật được sống lại qua những câu chuyện gắn với môi trường của nó, với con người đã tạo ra nó, sử dụng nó. Nghĩa là phải thổi hồn vào cho hiện vật, làm cho nó sống trong bối cảnh tự nhiên, bối cảnh lịch sử mà con người đã tạo ra, sử dụng hiện vật đó. Theo tôi thấy, đa phần các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay chưa tiệm cận được sự phát triển tư tưởng mới nhất của bảo tàng học thế giới.

BH: Trong khoảng hai thập kỷ qua, bảo tàng ở Việt Nam có nhiều bước chuyển mình quan trọng. Xin ông cho biết những nét quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi đó?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Đúng là bảo tàng học Việt Nam vài thập niên trở lại đây đã có những thay đổi. Trước đây bảo tàng chỉ tập trung vào việc trưng hiện vật ra cho người ta xem, không chú trọng thông tin trên trưng bày thì gần đây đã đi sâu vào việc tìm và kể các câu chuyện liên quan, mà có thể nói Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong những thập niên đầu đã tiên phong trong việc đổi mới bảo tàng. Sau đó có những bảo tàng khác tiếp tục như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…. Tuy nhiên, những bảo tàng này cũng chỉ mới bước vào quá trình thay đổi và mới đặt chân vào khuynh hướng của bảo tàng học trên thế giới, chứ chưa chạm sâu vào đến những tư tưởng phát triển mới của bảo tàng học thế giới. Có thể nói nhiều trưng bày ở bảo tàng của chúng ta còn cách xa thế giới phát triển 50-70 năm. Bởi hiện nay, chẳng hạn, bảo tàng ở Việt Nam vẫn tập trung vào hiện vật, xem hiện vật là trung tâm mà chưa xây dựng được hệ thống thông tin trên trưng bày chứ chưa nói đến việc đi sâu để nghiên cứu và trưng bày về mối quan hệ giữa hiện vật, con người và môi trường. Tôi đang nghĩ cần viết một bài nghiêm túc đánh giá trưng bày về mối quan hệ với thiên nhiên, đất nước, con người ở các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay, nhất là ở các bảo tàng tỉnh. Như chúng ta biết, ở đâu thì thiên nhiên, đất nước, con người cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau cả. Nhưng các bảo tàng chúng ta hiện nay vẫn chưa thể hiện được mối quan hệ đó. Ngay cả những bảo tàng có tư duy đổi mới như tôi đã nói cũng chững lại và chưa đi sâu kể được câu chuyện về mối quan hệ chặt chẽ, cụ thể giữa thiên nhiên, và con người ở từng địa phương. Thiên nhiên ở vùng biển, vùng đồng bằng, vùng trung du, thung lũng hay vùng núi cao, mỗi nơi đều có đặc trưng riêng; nơi thì bão tố, nơi thì gió Lào khô hạn, nơi thì băng giá. Con người đã thích nghi với những điều kiện sống ở đó thế nào? Họ đã tác động như thế nào vào thiên nhiên để sống, tồn tại và phát triển? Đó là những câu hỏi mà phần trưng bày này cần phải giải đáp. Biết bao vô vàn trải nghiệm của con người, biết bao câu chuyện mà cuộc sống đã và đang phơi bày ra. Những câu chuyện đó ở mỗi vùng mỗi khác trong khi đó phòng trưng bày về thiên nhiên ở bảo tàng của chúng ta thì khô cứng, đơn điệu, rập khuôn với mấy con bướm, con thú nhồi hay hộp hình một cảnh rừng rú mà bảo tàng nào cũng thấy na ná như nhau.

BH: Có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng, tạo nên sự thành công của một cuộc trưng bày bảo tàng hay hoạt động của bảo tàng nói chung. Theo ông thì những yếu tố nào quan trọng nhất?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Để làm cho hoạt động trưng bày có chất lượng hay tổ chức hoạt động của bảo tàng thành công thì trước hết cần phải đổi mới tư duy về bảo tàng, tư duy làm bảo tàng. Làm bảo tàng không chỉ là đưa hiện vật ra trưng lên cho người ta xem là xong. Trưng bảy bảo tàng hiện nay là sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Đó là 3 lĩnh vực khác nhau, bảo tàng cần phải nghiên cứu một cách sâu sắc và thực hành một cách chuyên nghiệp đồng thời cả 3 trụ cột ấy. Kết hợp được nhuần nhuyễn ba yếu tố này chắc chắn sẽ tạo ra được một hình ảnh bảo tàng mới, một bảo tàng tiên tiến và hiện đại. Các bảo tàng ở Việt Nam hiện vẫn chưa xem trọng các yếu tố khoa học, nghệ thuật và công nghệ trong hoạt động bảo tàng nên chưa tạo ra được những trưng bày thật sự chất lượng. Gần đây, một số trưng bày đi theo hướng này đã gây được tiếng vang lớn, thu hút được đông đảo khách thăm. Nhưng nhìn chung hoạt động bảo tàng vẫn chưa thoát ra được lối tư duy cũ, kiểu trưng bày cũ.

BH: Nhiều người làm bảo tàng đều cho rằng họ chưa hoạt động hiệu quả vì thiếu kinh phí. Theo ông, liệu các bảo tàng ở Việt Nam chậm phát triển có phải liên quan đến vấn đề thiếu tài chính không?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tiền là vấn đề quan trọng, không có tiền thì sẽ khó mà tổ chức các hoạt động bảo tàng được, không thể ứng dụng có kết quả 3 thành tố/trụ cột quan trọng như tôi vừa nói ở trên. Nhiều bảo tàng cấp tỉnh nhưng mỗi năm chỉ được mấy trăm triệu để hoạt động, chủ yếu là để trả lương cho cán bộ và chi phí để bảo quản hiện vật; nghiên cứu, sưu tầm thì nhỏ giọt, thiếu hệ thống. Với những bảo tàng này, việc họ muốn đổi mới tư duy, phát triển bảo tàng theo khuynh hướng hiện đại là vô cùng khó khăn. Không có tiền không làm được bảo tàng cho có chất lượng, đông khách. Ở trường hợp này thì phải đổi mới tư duy từ trên xuống. Nhưng tiền không giải quyết được mọi vấn đề, không quyết định được toàn bộ chất lượng của trưng bày bảo tàng. Bằng chứng là có một vài bảo tàng có nhiều tiền nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả bởi người ta sử dụng tiền chưa hợp lý, nhất là trong việc lựa chọn chuyên gia đồng hành trong các trưng bày. Họ nghĩ thuê các chuyên gia trong nước sẽ tiết kiệm hơn và thích mời các đơn vị đã làm trong ngành nhiều năm nay tham gia. Những đơn vị này thường làm theo khuôn mẫu có sẵn, chậm đổi mới nên hiệu quả kém đi. Một mô hình cũ, một kiểu tiếp cận cũ được nhân lên hết bảo tàng này sang bảo tàng khác, làm cho các bảo tàng na ná giống nhau. Trong khi đó, có những bảo tàng với số tiền tương ứng, nhưng biết đổi mới, lựa chọn chuyên gia nước ngoài đã làm cho chất lượng trưng bày cao hơn. Chúng ta cứ nghĩ mời chuyên gia nước ngoài tốn kém hơn nhưng thực tế cũng không cao hơn mời các đơn vị trong nước bao nhiêu bởi không bị mất các khoản phụ phí khác ngoài hợp đồng mà quan trọng là tạo ra được sự thu hút khách đến bảo tàng, bán được vé. Nói vậy để thấy việc sử dụng tiền hợp lý và hiệu quả cũng là một vấn đề quan trọng trong hoạt động bảo tàng.

Một góc trung bày trong Bảo tàng Nghệ An

BH: Ông vừa nói rằng khoa học là một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng trưng bày bảo tàng. Xin ông nói rõ hơn cần nghiên cứu gì trong bảo tàng và nghiên cứu như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Nghiên cứu khoa học trong bảo tàng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Đó là con đường thổi hồn vào hiện vật, làm cho các hiện vật sống dậy bằng những câu chuyện, những thông tin từ bối cảnh, con người có liên quan đến nó. Xu hướng phát triển của bảo tàng học hiện nay là đi sâu vào mối quan hệ giữa thiên nhiên, đất nước, con người, mà cụ thể hơn là mối quan hệ giữa hiện vật với con người làm ra nó, sử dụng nó. Nghiên cứu khoa học trong bảo tàng là nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên, con người và môi trường xã hội (như thôn, làng, thành phố), con người và môi trường lịch sử... Nghiên cứu khoa học trong bảo tàng là nghiên cứu các mối quan hệ đó để đưa ra những thông điệp có giá trị đến với người tham quan bảo tàng. Người ta tìm cách kể các câu chuyện về mối quan hệ đó thông qua hiện vật hoặc những câu chuyện liên quan mà không có hiện vật.

Bắt đầu từ khi chuẩn bị cho một cuộc trưng bày người ta đã thực hiện công tác nghiên cứu khoa học. Qua nghiên cứu để đưa ra ý tưởng, lựa chọn chủ đề và lựa chọn hiện vật. Nghiên cứu nhu cầu của khách. Nghiên cứu để xây dựng nội dung cho trưng bày, hoàn thiện trưng bày. Và nghiên cứu cả khi trưng bày đã khai mạc, thậm chí đã kết thúc trưng bày người ta cũng có những nghiên cứu đánh giá về tác động của trưng bày đối với công chúng. Như vậy, công tác nghiên cứu khoa học được tiến hành trước, trong và sau quá trình thực hiện trưng bày. Đó là chưa kể công tác nghiên cứu để bảo quản hiện vật một cách tốt nhất, nhất là những hiện vật đồ giấy, vải nhạy cảm, dễ hư hỏng.

BH: Trưng bày bảo tàng cũng cần đảm bảo các yếu tố nghệ thuật. Vậy, theo ông, nghệ thuật trưng bày bảo tàng ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Trên thế giới, trưng bày mang tính nghệ thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nhân tố góp phần làm nên chất lượng, sức hấp dẫn của một cuộc trưng bày hiện đại ở bảo tàng. Nghệ thuật trong trưng bày bảo tàng ngày càng được đề cao vì nó là một nhân tố thỏa mãn nhu cầu của khách thăm đương đại. Vậy nên đã hình thành một lĩnh vực nghệ thuật trưng bày bảo tàng với những đơn vị chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, trưng bày bảo tàng tuy từ lâu đã có những công ty tư vấn thiết kế thực hiện nhưng đáng tiếc là họ chỉ hành nghề đơn giản mà chưa nâng lên được tầm trưng bày là một nghệ thuật, cho nên chưa có một đội ngũ thực sự lành nghề trong lĩnh vực này. Các bảo tàng có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Đắk Lắk, Phòng trưng bày về khảo cổ học dưới tầng hầm nhà Quốc hội phần trưng bày đã đạt được đến tầm quốc tế vì nghệ thuật trưng bày được coi trọng. Ở đó người ta chú trọng từ nghệ thuật đồ họa thể hiện các tiêu đề, cỡ chữ, mầu sắc cho đến nghệ thuật ánh sáng; từ giá đỡ sao cho tôn vinh những hiện vật bé nhỏ, hệ thống các tủ khác nhau phù hợp với từng hiện vật cho đến sử dụng không gian một cách hợp lý nhất.... Còn ở đa phần các bảo tàng cấp tỉnh thì vấn đề nghệ thuật trưng bày còn kém, nếu không muốn nói là chưa có. Hầu  hết đều mắc nhiều sai lầm trong dẫn dắt trưng bày. Dẫn dắt trưng bày cho hấp dẫn, có kịch tính, gây bất ngờ chính là nghệ thuật trưng bày, nghệ thuật đồ họa.

Gần đây, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có một số nhóm thực hiện trưng bày tương đối tốt, đã chú trọng đến tính nghệ thuật trong trưng bày. Họ thành lập các công ty riêng, thậm chí có liên kết với các chuyên gia nước ngoài để nhận tư vấn và thực hiện trưng bày có tính nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đồ họa cho các bảo tàng. Đây là những nhân tố mới rất đáng khuyến khích và hy vọng họ sẽ mang hơi thở mới, nâng cao tính nghệ thuật trong  trưng bày bảo tàng ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Vấn đề là các bảo tàng có đủ sung lực và bản lĩnh để đặt niềm tin vào làn gió mới này hay không thôi.

BH: Như ông đã chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của trưng bày bảo tàng và hoạt động bảo tàng là công nghệ. Thực tế công nghệ ảnh hưởng đến bảo tàng thế nào? Và việc vận dụng công nghệ vào bảo tàng ở Việt Nam hiện nay ra sao? Xin ông nói rõ thêm vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Phải nói rõ rằng công nghệ và tư duy về bảo tàng luôn song hành cùng nhau và trở thành nhân tố quyết định làm thay đổi bộ mặt bảo tàng thế giới. Gần đây tôi có tham quan bảo tàng về người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ. Đó là một cuộc trưng bày rất đặc biệt. Họ sử dụng chủ yếu là công nghệ tái hiện lại/kể nhiều câu chuyện liên quan đến quá trình từ khi người da đen châu Phi bị bắt đi làm nô lệ vào mốc thời gian năm 1600 cho đến khi có những người da màu làm Tổng thống, Thượng nghị sĩ, Thống đốc Bang, tướng lĩnh hay những nhân vật nổi tiếng trong thể thao, khoa học, nghệ thuật. Dù hiện vật hạn chế nhưng người ta đã dùng các hiệu ứng công nghệ kể chuyện, làm cho người xem choáng ngợp và thấy hấp dẫn. Hay cuộc trưng bày về sự kiện 11/9 ở Mỹ. Ngay dưới lòng đất của tòa tháp đôi, người ta xây dựng một bảo tàng để kể lại những câu chuyện, những ký ức liên quan đến sự kiện bi thương này. Đặc biệt họ sử dụng các hiệu ứng công nghệ tạo ra một timeline theo từng giây để cho người xem thấy rõ hơn về diễn biến từng giây từng phút của sự kiện này, tạo ra rất nhiều cảm xúc. Những clip máy bay lao vào tòa nhà, tòa nhà sụp đổ, những nạn nhân ngã xuống, những người chữa cháy và nhân viên y tế lao vào cứu các nạn nhân; những người trong cuộc, các nạn nhân, người nhà nạn nhân… kể lại những ký ức, cảm xúc về thời khắc này,…Trong cuộc trưng bày này, người ta đã sử dụng tối đa yếu tố công nghệ hiện đại cùng với nghệ thuật sắp đặt để tái tạo lại những câu chuyện liên quan đến sự kiện một cách giàu cảm xúc nhất.

Ở Việt Nam, việc vận dụng công nghệ vào trưng bày bảo tàng vẫn còn hạn chế. Có thể nói vận dụng công nghệ trình chiếu tốt nhất vào trưng bày hiện nay là cuộc trưng bày về “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” ở Dinh Độc lập trong Thành phố Hồ Chí Minh hay nghệ thuật ánh sáng trong trưng bày ở tầng hầm của nhà Quốc hội tại Hà Nội. Những cuộc trưng bày này đã vận dụng nhiều yếu tố công nghệ để thể hiện các câu chuyện liên quan mà không có hiện vật; hoặc góp phần quan trọng làm nổi rõ hiện vật khảo cổ học. Hiệu ứng công nghệ được các chuyên gia thực hiện rất tốt. Còn hầu hết các bảo tàng khác từ trung ương đến địa phương, việc vận dụng công nghệ còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có mấy khó khăn chủ yếu như thiếu đầu tư để mua sắm các trang thiết bị hiện đại, thiếu nhân lực có kỹ năng thành thạo về công nghệ đồ họa trong trưng bày bảo tàng và thiếu các nhà khoa học tâm.

BH: Để cụ thể hóa những vấn đề chúng ta vừa trao đổi, xin phép ông chúng ta sẽ bàn về một trường hợp cụ thể. Chúng ta vừa tham quan và làm việc với Bảo tàng Nghệ An, ông cảm nhận thế nào về bảo tàng này hiện tại?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Nghe Giám đốc Bảo tàng Nghệ An trao đổi cho thấy dù là một tỉnh còn khó khăn nhưng lãnh đạo đã quan tâm nhiều đến vấn đề văn hóa, trong đó có hoạt động của bảo tàng. So với nhiều bảo tàng cấp tỉnh khác thì Nghệ An đã có những đầu tư khá lớn dù chưa bằng các địa phương giàu mạnh hơn. Đó là một thuận lợi. Bảo tàng Nghệ An lại có một vị trí thuận lợi, một không gian rộng và đẹp. Đặc biệt, qua tham quan tôi thấy bảo tàng có nhiều bộ sưu tập tài liệu hiện vật vô cùng thú vị. Trong kho vẫn còn nhiều tài liệu, hiện vật quý chưa được trưng bày nữa. Điều đó cho thấy tài liệu hiện vật của bảo tàng đa dạng và phong phú. Điều này rất quan trọng đối với một bảo tàng.

Tuy nhiên, cũng xin nói thật rằng cách tổ chức các trưng bày hiện nay, bao gồm cả trưng bày thường xuyên ở tầng hai và tầng ba cũng như trưng bày chuyên đề mới khai trương ở tầng một đều có nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu về chất lượng, chưa hấp dẫn được người tham quan.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy xem trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An

BH: Ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề hạn chế trong trưng bày của Bảo tàng Nghệ An mà Giáo sư vừa tham quan.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Trước hết là trưng bày thường xuyên chưa có các ý tưởng thật sự thú vị, hấp dẫn; vẫn lặp lại khuôn mẫu như ở nhiều nơi. Bảo tàng chưa tìm được những ý tưởng thể hiện bản sắc riêng của Nghệ An; nhiều thông điệp cũng chưa rõ ràng và hiện vật trưng bày cũng chưa phù hợp với thông điệp mình muốn chia sẻ. Chưa nghiên cứu và trình bày những câu chuyện liên quan đến con người, đến môi trường gắn với hiện vật đó, nên các hiện vật còn nghèo thông tin. Thứ ba là việc trình bày các trưng bày của bảo tàng còn thiếu một số thông tin. Cả trưng bày bảo tàng gần như không có các bài giới thiệu chung về trưng bày, các bài theo chủ đề, tiểu chủ đề để người tham quan dễ hiểu hơn. Chỉ có các bảng câu trích, các bảng này không thay thế được bài giới thiệu trên trưng bày. Nhiều phòng trưng bày lại không có các tiêu đề ở các cấp khác nhau. Giữa các chuyên đề khác nhau cũng không có những cách thể hiện để phân biệt. Điều đó làm cho người tham quan  không biết đi theo tuần tự như thế nào cho đúng. Thứ tư, bảo tàng hiện đang quá lạm dụng việc sử dụng các phù điêu, các tranh vẽ và mô hình. Điều này làm tốn kém tiền bạc và làm không hẳn đã thu hút du khách. Nhiều khi, các phù điêu, tranh vẽ lại con che khuất cả các hiện vật hấp dẫn. Người vào bảo tàng muốn xem các hiện vật và những câu chuyện liên quan chứ không phải là để xem phù điêu hay tranh vẽ. Sử dụng phù điêu, tranh vẽ trong trưng bày là những thủ pháp rất cũ, nay gần như đã bị bỏ trên các bảo tàng thế giới.

BH: Vậy theo ông, cần phải làm những gì để có một bảo tàng Nghệ An hấp dẫn hơn trong tương lai?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Có nhiều việc phải làm. Trước hết, như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, là phải thay đổi tư duy về làm bảo tàng. Nhiều người coi thường những người làm bảo tàng vì nghĩ rằng chỉ cần mang hiện vật từ kho vào các tủ kính hay các giá kệ mà thôi, như thế không cần đầu tư nhiều. Giờ làm bảo tàng cũng phải theo khuynh hướng phát triển của thế giới. Phải xem bảo tàng là sự kết hợp nhuần nhuyễn ba trụ cột của trưng bày là khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Như vậy, phải đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học trong bảo tàng. Bảo tàng Nghệ An có nhiều hiện vật hay nên giờ phải nghiên cứu sâu mối liên hệ giữa thiên nhiên, đất nước, con người qua những hiện vật đó để kể những câu chuyện hấp dẫn, tạo cảm xúc cho người tham quan. Ví dụ trên trưng bày có một tủ kính giới thiệu các các bức ảnh về việc con người ứng xử với thiên nhiên khắc nghiệt của Nghệ An từ nắng hạn thì đất khô nứt nẻ, còn khi mưa lũ thì lụt lội hoành hành. Từ những hiện tượng đó, bảo tàng cần nghiên cứu sâu hơn, tìm kiếm những hiện vật cụ thể hơn để kể những câu chuyện gắn con người, phong tục với việc chống lũ lụt, chống hạn cụ thể, con người cũng là những tác nhân hủy hoại hay giữ gìn môi trường rừng... Có vậy mới làm cho người tham quan có cảm xúc, khi xem xong mới thấy được những giá trị trong việc ứng xử với môi trường của người xứ Nghệ.

Hiện tại bảo tàng có hai tầng rộng lớn làm trưng bày thường xuyên. Đây là những trưng bày quan trọng, nhưng có nhiều vấn đề hạn chế mà tôi đã trình bày ở trên. Tôi nghĩ vẫn còn có thể chỉnh sửa, bổ sung cho trưng bày này tốt hơn được vì vẫn còn những không gian trống trên trưng bày. Một hoạt động quan trọng cần được quan tâm là tổ chức các trưng bày chuyên đề theo các sự kiện. Chúng ta vẫn thường gọi đây là các “trưng bày cúng cụ”. Chúng ta đừng xem đây chỉ là trưng bày nhỏ, ít hấp dẫn vì chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị mà thôi. Tư duy vậy là sai lầm. Những trưng bày nhỏ này nếu làm tốt, làm cho hay thì rất quan trọng bởi nó thu hút người xem đến bảo tàng nhiều lần. Nếu các trưng bày cố định thường xuyên chỉ thu hút khách đến tham quan một hai lần thì các trưng bày chuyên đề nếu làm chất lượng sẽ thu hút khách đến nhiều lần trong một năm. Để làm tốt các trưng bày chuyên đề cần phải đầu tư đủ thời gian và công sức một cách xứng đáng. Mỗi trưng bày phải có những ý tưởng mới mẻ, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tìm kiếm chủ đề vừa mới vừa hay để nghiên cứu xây dựng nội dung mới, hình thức trình bày phải chuyên nghiệp, thiết kế phải sáng tạo. Có làm thật chất lượng từng trưng bày cả về nội dung và hình thức thì không chỉ thu hút được người tham quan đến bảo tàng mà còn làm cho xã hội thay đổi suy nghĩ về bảo tàng.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng của hoạt động bảo tàng. Nhưng để làm được điều đó thì cần có đội ngũ cán bộ có năng lực nghiên cứu. Bên cạnh đó cần mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giàu ý tưởng tham gia vào quá trình đổi mới bảo tàng, có cả chuyên gia nước ngoài thì càng tốt. Việc mời các đơn vị tham gia thi công, trình bày trưng bày cũng rất quan trọng, cần tìm được những đối tác chuyên nghiệp và thiết kế có chất lượng đã được khẳng định. Sau đó là ứng dụng khoa học công nghệ sao cho phù hợp với điều kiện mình có một cách hiệu quả. Ngoài ra, Bảo tàng Nghệ An cũng cần quan tâm cải tạo cảnh quan sân vườn. Dù rằng đã có một không gian rộng lớn nhưng còn quá ít cây xanh. Trong bảo tàng, cây xanh vô cùng quan trọng, nó tạo sự trong lành, mát mẻ cho con người khi bước vào đây. Khu vực vườn cây của Bảo tàng dự định bày các loại tượng đang bị thiết kế và xây dựng băm nát bằng các bục bệ, kè lối đi... Tượng chưa có, chưa sáng tác đã xây hàng loạt bục. Tư duy thiết kế này đã có 10-15 năm trước, quá lạc hậu rồi. Tôi nghĩ Bảo tàng nên cho dừng ý tưởng sân vườn đang thi công lại để xây dựng ý tưởng mới phù hợp hơn, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Nghệ An cũng cần phát triển công tác truyền thông bảo tàng. Đây là một lĩnh vực mới mà hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam đều đang gặp khó khăn, hạn chế. Qua trao đổi, tôi biết Bảo tàng Nghệ An đang quan tâm đến vấn đề này. Đây là một hướng đi đúng đắn. Nhưng để truyền thông tốt thì cần phải có chiến lược truyền thông phù hợp. Đặc biệt nền tảng của truyền thông là dựa trên những trưng bày thường xuyên và nhất là trưng bày chuyên đề có chất lượng, các hoạt động trình diễn và biểu diễn trong bảo tàng hấp dẫn, có vậy truyền thông mới đạt hiệu quả. Truyền thông bảo tàng hiện nay là một lĩnh vực quan trọng. Muốn vậy phải có đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận được các kênh truyền thông hiện đại và tạo ra được những ý tưởng truyền thông mới lạ, hiệu quả.

Nói tóm lại, để bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn và thu hút công chúng hơn, cần phải thay đổi tư duy làm bảo tàng từ trên xuống dưới và từ dưới lên, cố gắng tiệm cận những khuynh hương phát triển của bảo tàng học trên thế giới. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư tập trung vào nhiều nguồn lực quan trọng, cả kinh phí và con người. Nhưng nếu không đổi mới thì dù có đầu tư thế nào đi nữa, hoạt động của bảo tàng cũng sẽ không có chất lượng và hiệu quả.

BH: Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ đầy tâm huyết này!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434892

Hôm nay

2163

Hôm qua

2349

Tuần này

21542

Tháng này

211940

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434892